Thứ Hai, 25 tháng 2, 2019

NHÀ VĂN TRANG THẾ HY: MỘT LẦN GHÉ QUÁN BÊN ĐƯỜNG…

Bài thơ được phổ nhạc với tên Quán bên đường của anh sao mọi người vẫn tưởng là của Bình Nguyên Lộc? Bởi vì Bình Nguyên Lộc là người đăng bài đó lên báo mà! Báo Vui Sống, khoảng 1960 gì đó phải không? Không, 1959 chớ. Mỗi lần nghe hát bài này sao tôi đều thấy muốn khóc. Lạ thiệt…
Nhà văn Trang Thế Hy

Tôi vốn không ưa thuốc lá, không ưa cả người hút thuốc lá. Cũng bởi mình là thầy thuốc, lại làm việc trong chương trình phòng chống tác hại thuốc lá. Nhưng lần này tôi bỗng thấy mê một người hút thuốc lá. Mê thiệt. Thấy cái cách ông ngậm điếu thuốc chếch qua một bên khóe miệng, thấy cái cách ông khum khum đôi bàn tay ấp ủ ngọn lửa như một bông hoa tự dưng thấy lòng xao xuyến. Một người gần 90 tuổi, nghiện thuốc lá từ ngày còn trẻ, ngồi bên cạnh mình, nhẹ nhàng rút một điếu, nâng niu đưa lên miệng, rồi ân cần xoay xoay chiếc hộp quẹt trong tay chuẩn bị bật lửa… có cái gì đó như một nghi lễ tôn giáo, khiến tôi chỉ biết ngồi im, lặng ngắm, không dám hó hé. Tôi biết thứ thuốc lá ông hút chẳng phải nhẹ nhàng gì, nhưng người ta đặt tên dịu dàng với bao bì thanh mảnh dễ thương chẳng qua để người hút tưởng nó nhẹ, nó không nhiều chất độc vậy thôi. Người đàn ông đó, người đàn ông hút thuốc lá mê hoặc được tôi đó chính là nhà văn Trang Thế Hy, buổi trưa nắng gắt ngày 10.11.2009 tại nhà riêng của ông ở dưới chân cầu Rạch Miễu, Bến Tre mà tôi có dịp lần đầu đến thăm sau nhiều lần dự định mà không thành.

Bác sĩ Trần Đức Dũng người quen của gia đình ông đưa tôi đến, theo yêu cầu của tôi, không báo trước. Tôi vẫn nghe từ lâu ông là một nhà văn khó tánh. Nổi tiếng trên văn đàn từ những năm 50 của thế kỷ trước, được nhiều người ngưỡng mộ, đang sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông lặng lẽ từ biệt Sài Gòn phồn hoa đô hội, tự mình “đi chỗ khác chơi”. Nhà thơ Thanh Thảo thì dùng một câu ca dao Nam bộ để viết về ông: “Gió đưa gió đẩy, về rẫy ăn còng, về sông ăn cá, về đồng ăn cua…”. Còn nhà văn Nguyên Ngọc thì đã gọi ông một cách trân trọng: “người hiền của văn học Nam bộ”. Còn ông tự coi mình chỉ là “người tình thoáng chốc của văn chương”. Rời bỏ cuộc chơi, lánh về ẩn cư chốn quê nhà, “rửa tay gác kiếm”. Thế nhưng hình như người tình của ông thì chẳng bao giờ chịu rời bỏ ông cứ y như người tình của Tchekov ngày nào…

Tôi muốn được đến thăm ông như một độc giả mê văn ông từ thời Mỹ Thơ - tên một truyện ngắn của ông - trên báo Nhân Loại hơn nửa thế kỷ trước. Dĩ nhiên sau này ông còn có nhiều truyện ngắn hay hơn, sâu sắc hơn,  nhưng với tôi,  Mỹ Thơ vẫn mãi đọng lại với tiếng còi xe lửa xình xịch Sài Gòn - Mỹ Tho thời đó. Tôi cũng mê thơ ông, đặc biệt bài thơ có tựa là Đắng và Ngọt, đã được đổi thành Cuộc đời khi đăng báo mà sau này trở thành Quán bên đường, do Phạm Duy phổ nhạc. Từ lâu, mỗi lần nghe Quán bên đường tôi lại thấy rưng rưng, như muốn khóc. Cái người có một bài thơ làm mình muốn khóc đó bây giờ ra sao thôi thúc tôi tìm đến thăm ông. Thơ kể chuyện thôi mà, có tân hình thức có hậu hiện đại gì đâu, cớ sao mình mới nghe đã thuộc, đã nhớ, đã thổn thức, đã rưng rưng?

Bác sĩ Dũng hỏi tôi cần mua gì làm quà cho bác Tư không? Tôi bảo thôi. Không cần đâu. Không sao. Tôi giục. Dũng mượn cái nón bảo hiểm, vèo chở tôi đi ngược về phía chân cầu Rạch Miễu, và dừng lại ở một con hẻm nhỏ, bên cạnh một con rạch. Phía bên kia đường là khu dưỡng lão với những ngôi nhà ngói đỏ au. Bác Tư Trang Thế Hy đang sống với vợ chồng cô con gái trong một căn nhà nhỏ bé, thấp lè tè, yên ả giữa mảnh vườn xanh um, dừa chuối bưởi bòng. Đã mấy lần tôi định tìm thăm ông, một người bạn văn của cậu tôi, ông Nguiễn Ngu Í, thời Bách Khoa, để được nhìn ngắm ông, hỏi han sức khỏe ông và… nhờ ông giải thích cho vài chỗ còn lờ mờ trong bài thơ. “Khét nắng hôi trâu thèm đi học” thì tôi biết, nhưng “tóc bánh bèo” thì chịu. Trước kia tôi vẫn ngỡ bài thơ đó là của Bình Nguyên Lộc, có người còn nói của Khổng Nghi. Khi Phạm Duy phổ nhạc vẫn chỉ ghi tác giả là “khuyết danh” mà! Bây giờ biết tác giả là ông, tôi càng háo hức. Lạ, dù qua giọng ca Thái Thanh ngày xưa hay sau này Ý Lan, con gái Thái Thanh, cứ mỗi lần nghe hát, tôi lại thấy rưng rưng nhớ lại những ngày thơ ấu của mình. Câu chuyện kể trong bài thơ đó quá xúc động, không dừng ở câu chuyện riêng, mà ở một triết lý sống, một triết lý nghệ thuật với câu kết “Thì cứ hỏi cuộc đời” như mở toang một cánh cửa trống hoác…!

Dũng đưa tôi đến đúng lúc bữa cơm trưa của ông cùng với một người khách quen, Nguyên Tùng, Hội Nhà văn Bến Tre đến chơi. Dũng lí nhí giới thiệu bác sĩ Ngọc đến thăm bác Tư nè bác Tư. Ông kêu đem thêm chén đũa. Vẻ dè dặt. Tôi cười cười ngắm nghía ông. Thấy thương ghê. Ốm nhom ốm nhách trong bộ pijama lụa lùng nhùng đặc sệt Nam bộ. Tóc bạc lênh đênh chùi về phía sau, dồn cái trán rộng về phía trước, miệng móm mém, mũi cao, thẳng, mắt sâu và sắc như một thiền sư khổ hạnh. Tôi phân vân không biết nên gọi ông là chú hay là anh. Sau cùng tôi gọi ông bằng… anh vì nghĩ đã là một nhà văn như ông, hẳn nên được đối xử như một người không có tuổi, nhất là nhà văn này đối với tôi còn là một nhà thơ mà tôi hằng quý mến. Cho nên tôi gọi bằng anh. Gần gũi hơn, ấm áp hơn là chú, là bác, là ông, là cụ hay là… nhà văn! Tôi “thăm dò” bằng cách hỏi han ông: Anh có khỏe không? Hơi yếu hơn trước. Lúc này anh có bệnh gì không? Không. Chỉ bị phổi tắc nghẽn mãn tính thôi. Chắc tại anh hút thuốc lá hơi nhiều? Phải, nhưng nay đã bớt hút rồi. Bây giờ chỉ hút khi có khách. Tôi được biết năm ngoái ông đã từng phải vào cấp cứu ở bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) vì khó thở, rồi phải điều trị theo chương trình COPD mất tám tháng. Trong khi tim mạch vẫn rất tốt. Huyết áp ổn định. Ông lại với tay lấy gói thuốc, rút một điếu nữa, bật quẹt. Anh ốm quá, được bốn chục ký không? Bốn chục ký non. Hôm trước 40, nay còn 39 thôi. Vẫn lạnh nhạt, dè dặt.

Trên bàn là những món ăn tốt cho người già, tôi quan sát. Cơm trắng cá kho, canh rau, trái cây, rồi nào bưởi nào chuối luộc… Và một ly rượu nhỏ. Chắc có Nguyên Tùng đến nên Tùng một ly, ông một ly. Ông kêu Tùng rót thêm hai ly nhỏ nữa cho tôi và Dũng. Thấy Dũng hớp vội xong nhỏm dậy lo chạy việc riêng, tôi nhờ anh bấm cho vài tấm hình kỷ niệm. Ông để yên cho chụp không nói gì. Tôi bấm thêm mấy tấm cận ảnh lúc ông ngậm điếu thuốc, với cái dáng điệu nghệ mà tôi mê. Bỗng ông lên tiếng: Này, người ta nói “tốt khoe xấu che”, hiểu không? Tốt khoe xấu che. Chụp hình tôi thì chụp nhưng đừng có đăng báo đó nghe! Tôi cười cười trong bụng nghĩ đúng là ông già khó tánh. Tôi nói, già có cái đẹp của già chớ anh Tư! Mà quả thật, tôi thấy ông đẹp. Và khỏe nữa. Tai thính này. Mắt tinh này. Ông cho biết mới mổ cườm, vẫn đọc sách báo tốt. Và đặc biệt, trí nhớ tuyệt vời!

Rồi tôi lảng sang chuyện khác: Bài thơ được phổ nhạc với tên Quán bên đường của anh sao mọi người vẫn tưởng là của Bình Nguyên Lộc? Bởi vì Bình Nguyên Lộc là người đăng bài đó lên báo mà! Báo Vui Sống, khoảng 1960 gì đó phải không? Không, 1959 chớ. Mỗi lần nghe hát bài này sao tôi đều thấy muốn khóc. Lạ thiệt. Tôi nói. “Khét nắng hôi trâu thèm đi học…”, rồi  “khoai sùng lượm mót…”. À, mà “tóc bánh bèo” là tóc làm sao anh Tư? Có phải ba vá không? Không, không phải ba vá. Tóc bánh bèo, này Tùng - ông bỗng gọi - Tùng biết tóc bánh bèo không? Tùng nói: Dạ có phải cạo trọc, để lại một chùm đằng sau ót, tròn tròn… Ông cầm cái chén lên, vo vo theo miệng chén bảo đúng rồi, cạo trọc, để lại một miếng tròn như vầy, nhưng ở giữa phải có một chùm tóc như cái nhưn bánh bèo vậy! Thì ra thế. Cả tôi cả Tùng đều không biết.

Nhìn đồng hồ, thấy sắp đến giờ hẹn với Dũng, tôi bèn mở túi xách lấy mấy cuốn sách mang theo từ Sài Gòn xuống tặng ông. Đó là Già ơi… chào bạn!, Những người trẻ lạ lùng  Thư gởi người bận rộn. Xin gởi tặng anh Tư vài cuốn sách đọc cho vui, tôi nói. Ông nhìn tên tác giả trên bìa sách rồi ngạc nhiên: Ủa, Đỗ Hồng Ngọc hả? Tôi có đọc Đỗ Hồng Ngọc. Tôi thích cái style của Đỗ Hồng Ngọc đó! Ông lật lật, cười tươi, cởi mở, nồng nhiệt, thân thiện. Bỗng ông đứng lên, vui vẻ kêu: Ngọc ơi, đi qua đây, đi qua đây nghe bài hát Quán bên đường này. Tùng nữa. Qua đây. Một người bên Đức gởi tặng tôi đĩa này do Thái Thanh và Quỳnh Giao ca đó. Ông kéo tôi và Tùng qua phòng bên. Một phòng nhỏ, rất riêng, rất bề bộn của một nhà văn… Nào phin lọc cà-phê, tách trà, bình thủy… nào sách báo ngổn ngang các thứ. Rồi ghế xích đu, rồi võng… Ông chỉ chiếc ghế salon nhỏ cạnh bàn nước, kêu tôi ngồi, chỉ Tùng chiếc võng. Ông bật máy cassette rồi ngồi xuống chiếc ghế xích đu cạnh đó. Giọng Thái Thanh lảnh lót. Ngày xưa ngày xửa ngày xưa…  Rồi giọng Quỳnh Giao… Tôi lắng từng lời từng lời, lòng vẫn thấy rưng rưng… Thấy tôi gật gù, ông bỗng nở nụ cười: “Bẹo”, “chữ bẹo”… Ông nằm bật ngữa sảng khoái trên ghế xích đu, ngón chân nhịp nhịp theo bài hát, mắt lim dim. Nghe xong, tôi nói: Bài này còn có bản do Ý Lan ca rất hay nữa anh Tư à. Ý Lan là con gái Thái Thanh đó. Tôi chưa có bản đó, ông nói, hôm trước Phạm Duy xuống thăm cũng nói vậy. Ông lại hỏi: Quỳnh Giao con Dương Thiệu Tước phải không? Dạ phải. Thái Thanh hát technique nhiều, Quỳnh Giao hát có lòng hơn. Lúc phổ nhạc, người ta đã thêm bớt nhiều quá! Nhưng đành vậy thôi. Ông nói.

Rồi kéo tôi và Nguyên Tùng trở lại bàn ăn. Một Trang Thế Hy khác: Sôi nổi, hoạt bát, sắc sảo, dí dỏm… Chúng tôi nói về những người Việt trẻ tài năng. Ông nhắc Lê Bá Hùng, một thanh niên gốc Việt, hạm trưởng một tàu hải quân Mỹ USS Lassen vừa cặp cảng Đà Nẵng. Tôi nhắc một người gốc Việt khác, Philipp Roesler 36 tuổi là Bộ trưởng Y tế Đức. Tùng nhắc nhà văn Nam Lê ở Úc với The Boat. Chúng tôi lại nói đến giải Nobel, rồi đến Cao Hành Kiện. Có đọc bài diễn văn nhận giải Nobel của Cao Hành Kiện không? Ông hỏi rồi nhắc luôn những ý chính của bài diễn văn đó, đại khái nhà văn cần phải đứng cao hơn những ràng buộc và cám dỗ để đạt được tự do và độc lập trong tư tưởng… Im lặng một lúc, ông nói: Hôm trước có cô nhà văn gì đó hỏi tôi tại sao không ưa… mà thích Lỗ Tấn? Tôi không trả lời, nhưng hôm nay nói cho Đỗ Hồng Ngọc nghe nha: Tôi thích Lỗ Tấn vì… Ông đột ngột hỏi tôi: Có đọc Nhật ký người điên của Lỗ Tấn do Phan Khôi dịch rồi phải không? Tôi gật. Ông đọc thuộc lòng ngay một đoạn, đoạn kết của truyện ngắn Nhật ký người điên đó. Thấy chưa, Lỗ Tấn là như vậy đó… Ông đâu có quốc tịch. Ông là nhân loại. Là con người… “Hãy cứu lấy trẻ con vì nhiều em chưa kịp ăn thịt người!”.  Nhà văn trong bối cảnh nào cũng có cách riêng của nó. Nếu nó hòa hợp được thì nó đã hòa hợp, còn không, nó có cách riêng…

Khi biết tôi là cháu gọi Nguiễn Ngu Í bằng cậu, ông hỏi Ngu Í còn sống không? Đã mất từ 1979 sau những cơn điên nặng. Hồi trước Nguiễn Ngu Í có phỏng vấn anh mà, loạt bài trên báo Bách Khoa đó. Tôi nhắc. Đúng. Nguiễn Ngu Í phỏng vấn tôi lúc nào cũng viết Trang Thế Hi, với chữ I cụt! Lại móm mém cười. Rồi ông hỏi thăm tôi về bác sĩ Lương Phán, một người bạn thân của ông. Rồi cùng nhắc bác sĩ Trần Hữu Nghiệp. Tôi nói anh Chín Nghiệp quê ở Mỹ Tho? Không, Ba Tri, Bến Tre chớ!  Rồi cùng nhắc đến Trần Hữu Dũng và nhiều nhân vật khác…

Thấy đã quá trưa, nên rút để ông nghỉ. Dũng vẫn chưa trở lại. Tùng tình nguyện đưa tôi về để kịp giờ hội thảo buổi chiều. Ông đặt bàn tay trên mấy cuốn sách tôi tặng xoa xoa và nói đến thăm nhà văn mà nhà văn không có gì để tặng lại… Tôi cười “Già ơi… chào bạn!” là … Bonjour vieillesse đó anh, cũng như… Bonjour tristesse vậy mà! Ừ, Sagan, một cô bé mới mười mấy tuổi đầu mà đã viết Bonjour Tristesse… Ngay trong câu mở đầu cô đã viết… Rồi ông đọc vanh vách nguyên một đoạn mở đầu đó của F. Sagan cho tôi nghe. Tùng đã nổ máy xe đợi ngoài cổng. Ông lững thững theo tôi ra. Tôi bỗng muốn ôm chặt lấy ông một cái nhưng không dám, chỉ nắm cánh tay ông siết nhẹ:

- Thưa Thầy, em về!

Ông cười mắt nheo lại thật tươi.

ĐỖ HỒNG NGỌC
Nguồn: Văn Nghệ, 43/2014


Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2019

NHÀ THƠ HOÀI VŨ: CÓ NỖI THƯƠNG ĐAU, CÓ NIỀM HY VỌNG

Thi sĩ Hoài Vũ tâm sự với chúng tôi: “Người ta nói tôi là người Long An cũng phải. Long An đã trở thành quê hương thứ hai của tôi. Ngoài Long An, tôi còn gắn bó với hai vùng đất khác là miền Đông Nam bộ và vành đai ven Sài Gòn, những nơi nuôi dưỡng tôi trưởng thành, cung cấp nguồn sáng tạo vô tận cho trang viết của tôi”!
Nhà thơ Hoài Vũ - Ảnh: Phan Hoàng

Kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước, thi sĩ Hoài Vũ cũng chuẩn bị sinh nhật thượng thọ 80 tuổi vào ngày 25-8. Trong niềm vui và hy vọng, ông cũng đau đáu những nỗi xót xa, khi nhìn lại đã có nhiều bạn văn cùng thế hệ một thời chung chiến hào giờ lần lần vắng bóng...

Ký ức oanh liệt và bi thương

Người gốc Quảng Ngãi ở miền Trung nhưng gần cả đời thi sĩ chiến sĩ Hoài Vũ - Nguyễn Đình Vọng gắn bó với Sài Gòn và Nam bộ. Những bài thơ thành công nhất của ông, được chắp cánh thêm bởi âm nhạc, cũng viết về vùng đất này như: Vàm Cỏ Đông, Đi trong hương tràm, Anh ở đầu sông em cuối sông, Hoàng hôn lặng lẽ (Chia tay hoàng hôn),… và nhiều truyện ngắn, bút ký khác.

Với tư cách công dân, ông cũng đã xả thân vì lý tưởng, hoà mình trong dòng thác cách mạng giải phóng dân tộc, tay bút tay súng ngược xuôi khắp miền Đông đất đỏ đến miền Tây sông nước. Nhiều đồng đội đồng nghiệp thân thiết của ông như Trần Hữu Trang, Lê Anh Xuân, Nguyễn Thi, Lê Vĩnh Hòa… đã hy sinh trong cuộc chiến tranh ác liệt. Những người may mắn sống sót trở về từ chiến khu, sau 40 năm hòa bình, bây giờ kẻ trước người sau cũng đã lần lượt ra đi như các bạn văn: Viễn Phương, Diệp Minh Tuyền, Mai Văn Tạo, Chim Trắng, Võ Trần Nhã, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức,… và cả Trần Bạch Đằng, vừa là đồng nghiệp vừa là lãnh đạo cấp trên trực tiếp của ông.

Vì vậy, đối với thi sĩ Hoài Vũ được sống thượng thọ đến tuổi 80, chứng kiến bao nhiêu đổi thay của đất nước, trong đó có sự phát triển không ngừng của đội ngũ sáng tạo văn học nghệ thuật, là điều ông hết sức vui mừng. Thi sĩ chân thành cho rằng, số mình may mắn, nhiều lần thoát chết trong gang tấc. Có lúc đang đi thì ông bị bom B.52 hất lấp, may có bụi le ngã gần ông kịp níu lại ngoi lên chứ không thì đã mất mạng. Lần khác ông bơi qua sông Bé, nước chảy mạnh làm đứt dây mây, ông chới với trôi giữa dòng nước dữ lồng lộn, nhưng may tấp vào… một gốc cây to nên lại thoát khỏi tử thần!

Đâu chỉ bom đạn mà rõ ràng trên chiến trường còn bao mối đe dọa nguy hiểm khác luôn rình rập sinh mạng con người. Nỗi ám ảnh lớn nhất với Hoài Vũ là những khi đi chiến trường ba bốn tháng để bám đất bám dân, nhưng có những vùng bị địch hủy diệt thành “vùng trắng” chẳng còn mảy may sự sống. Lúc thủy triều lên nhìn những dòng kênh rất thơ mộng. Lúc nước rút xuống thì xương người phơi trắng xóa, có cả những mái tóc dài thiếu nữ quấn vào thân tram nhìn thật đớn đau. Nỗi ám ảnh ấy cũng đã đi vào thơ ông, như trong bài Vàm Cỏ Đông:

“Có thể nào quên những con người
Tóc còn xanh lắm, tuổi đôi mươi
Dám đổi thân mình lấy tàu giặc
Nụ cười khi chết hãy còn tươi”


Chiến tranh đã lùi xa gần nửa đời người, nhưng ký ức oanh liệt và bi thương chiến trường thì không thể phai mờ trong lòng thi sĩ Hoài Vũ. Có những đêm ông thức trắng vì một kỷ niệm xốn xang nào đó. Ông kể: “Tôi nhớ anh Lý Văn Sâm, một nhà văn có tài, một chiến sĩ cộng sản vào tù ra khám, suốt đời bám trụ chiến đấu với tất cả tấm lòng. Tôi cũng quý anh Trang Thế Hy, một cây bút tâm huyết, đáng trân trọng. Anh Đoàn Giỏi, một tài năng văn chương đích thực. Anh Nguyễn Văn Bổng, một nhà văn gốc Quảng Nam nhưng chí cốt với Nam bộ, bất cứ nơi nào cần đến là anh có mặt. Và không thể quên anh Giang Nam, một con người chân chất, bình dị, sống có tình, gắn bó mật thiết với nhân dân. Giang Nam với tôi có đầy ắp kỷ niệm với nhau trên chiến trường Nam bộ. Còn nhiều và nhiều nhà văn đáng nói đến nữa, nhất là những người đã đem sinh mạng của mình đổi lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc”.

Khi thi sĩ Giang Nam sáng tác bài Quê hương cũng là lúc thi sĩ Hoài Vũ viết nên bài Vàm Cỏ Đông trong một đêm vượt sông ở Long An. Và cả hai bài thơ đều vượt thời gian, được người đọc các thế hệ mến mộ.
    Từ phải sang, các nhà thơ Hoài Vũ, Văn Lê, Phan Hoàng

Tác phẩm kết tinh từ tấm lòng và vốn sống thực tế

Những khi trò chuyện với chúng tôi, thi sĩ Hoài Vũ ít nói về mình mà hay nhắc tới người khác, nhất là những đồng nghiệp thời văn nghệ giải phóng đã bám trụ xuyên suốt chiến trường, viết dưới mưa bom bão đạn, cống hiến nhiều tác phẩm có giá trị nhưng bây giờ ít được nói đến.

Từ kinh nghiệm bản thân ông cho thấy, khi nói tới Hoài Vũ nhiều người thường chỉ nhớ tới nhà thơ của những bài thơ tình nổi tiếng mà đầu tiên là Vàm Cỏ Đông vốn được nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc thời còn chiến tranh. Ít có bạn đọc, nhất là giới trẻ sau này biết Hoài Vũ còn là tác giả nhiều truyện ngắn và bút ký có giá trị nhân văn sâu sắc. Chẳng hạn, những truyện ngắn Người Sài Gòn, Gái thời chiến, Tiếng sáo trúc, Bông huệ trắng, Bông sứ trắng,... của Hoài Vũ một thời được nhiều người tìm đọc và chờ đợi nghe trên đài. Và hàng loạt bút ký của ông nóng bỏng hơi thở chiến trường viết về những tấm gương, đơn vị anh dũng trong chiến đấu: Đồng bằng đổ lửa, Cánh én trên Vườn Thơm, Vàm Cỏ Tây dậy sóng, Gái Lương Hoà, Nữ pháo binh thành phố, Làng hầm,...

Không cầu kỳ câu chữ, văn chương Hoài Vũ luôn mộc mạc, tự nhiên, trẻ trung, da diết và nhân hậu như chính con người của ông, dù đó là thơ tình hay truyện ngắn, ký sự viết giữa lửa đạn.Trải nghiệm thực tế đau thương và hào hùng của chiến trường đã giúp Hoài Vũ trưởng thành và viết nên những tác phẩm trung thực, sâu sắc. Ông thổ lộ: “Một điều tôi lấy làm tự hào là tất cả tác phẩm của mình đều được kết tinh từ tấm lòng và vốn sống thực tế chứ không phải bịa đặt. Đó là vốn sống của chính tôi, vốn sống của đồng đội và nhân dân ngay trên chiến trường khắc nghiệt nhưng cũng đầy tình yêu thương”.

Có điều thú vị, nếu không rõ tiểu sử Hoài Vũ thì nhiều người cứ ngỡ thi sĩ của Vàm Cỏ Đông là người Long An, vì hầu hết sáng tác của ông đều gắn với mảnh đất này. Không chỉ thời chiến mà cả thời bình Hoài Vũ vẫn gắn bó với Long An, như cái tình cháy bỏng thiết tha ông viết Đi trong hương tràm:

“Dù đi đâu dù xa cách bao lâu
Dù gió mây kia đổi hướng thay màu
Dù trái tim em không trao anh nữa
Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau
Gió Tháp Mười đã thổi, thổi rất sâu
Có nỗi thương đau có niềm hy vọng
Bầu trời thì cao, cánh đồng thì rộng
Hương tràm bên anh, mà em đi đâu?”


Thi sĩ Hoài Vũ tâm sự với chúng tôi: “Người ta nói tôi là người Long An cũng phải. Long An đã trở thành quê hương thứ hai của tôi. Ngoài Long An, tôi còn gắn bó với hai vùng đất khác là miền Đông Nam bộ và vành đai ven Sài Gòn, những nơi nuôi dưỡng tôi trưởng thành, cung cấp nguồn sáng tạo vô tận cho trang viết của tôi”!

Người xưa bảo: “Đất lành chim đậu”. Thành ngữ ấy rất đúng với đất Nam bộ đã cưu mang Hoài Vũ và nhiều thế hệ văn nghệ sĩ từ khắp nơi không ngừng về đây, đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh cứu nước. Mang ơn sâu nặng đất lành này, ông chia sẻ: “Đất Nam bộ trù phú, phóng khoáng, bi tráng, dung chứa nhiều nhân tài. Văn học Nam bộ là sự hội tụ của những tấm lòng, tài năng cả nước. Nhà thơ Nguyễn Bính để lại dấu ấn Nam bộ rất sâu. Nhà văn Nguyễn Thi cả cuộc đời chiến đấu và hy sinh ở đất này. Nhà văn Nguyễn Trọng Oánh vào chiến trường Nam bộ trong chống Mỹ đã có nhiều đóng góp cho văn học kháng chiến…”!

Nếu không gắn bó bền lâu với Nam bộ thì khó có cái nhìn bao quát như thi sĩ Hoài Vũ, mảnh đất làm nên tên tuổi và sự nghiệp ông với những ký ức “Có nỗi thương đau, có niềm hy vọng” không thể nào quên!

PHAN HOÀNG
Theo SGGP

NHÀ VĂN TRẦN NHÃ THUỴ: NGỒI GIỮA ĐỜI MÀ HÁT

Trần Nhã Thuỵ khởi thảo Hát vào năm 2008, tức là không lâu sau khi ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tiên Sự trở lại của vết xước. Nếu ở cuốn thứ nhất, Thuỵ có từng tâm sự, đại ý rằng, “… không biết [tác phẩm] là tới đâu nhưng mình nghĩ sẽ được nhiều người chia sẻ”, thì với Hát, Thuỵ đã làm được nhiều hơn thế…
Nhà văn Trần Nhã Thuỵ

Ngồi giữa đời mà hát? Hay đứng giữa chợ đời mà hát? Hát cái gì? Và hát cho ai? Với tiêu đề đầy tính ẩn dụ, cuốn tiểu thuyết mới của Trần Nhã Thuỵ bàng bạc những câu hỏi lớn về cuộc đời chúng ta đang sống.

Khởi đi từ câu chuyện một người đàn ông trung niên ở Sài Gòn lặn lội ra đất Bắc tìm học nghệ thuật đàn ca nơi hai mẹ con đào nương ca trù, mà vào thời Nguyễn Tuân gọi là hát cô đầu, tiểu thuyết Hát dự báo một cuộc phiêu lưu thú vị vào thế giới gập ghềnh mà mỗi phận người chứa đựng một bi kịch ngổn ngang. Nhưng Kỷ, nhân vật chính, học hát không phải để thỏa mộng đàn ca, mà đó chỉ như là một cái cớ, qua đó kết nối với cuộc đời của hai mẹ con ca trù Xuân Nương, và những cuộc đời khác cũng đang hát lên câu chuyện của riêng mình.

Họ hát trên đống hoang tàn của cõi lòng, như thơ của Hoàng Hưng “Có bao nhiêu nát tan/ Đội lên đầu mà hát” được chọn trích dẫn trong phần đề từ tác phẩm.

Kỷ được khắc họa như một dạng sống mòn thời hiện đại, hay chết mòn cũng thế thôi. Ngày từng ngày, cứ lăn đi như một viên sỏi giữa tiếng lạo xạo của cuộc đời mênh mông; giữa sự phi lý của đời.

Với kỷ, cuộc đời chỉ dài ra, già đi chứ không có con đường. Làm kỹ thuật ở Viện Giống, thôi việc, rồi trôi nổi qua những công việc bất định. Dịch sách. Môi giới bất động sản. Tham gia các dự án được bày nên của kẻ khác… Mà không có mục đích. Ngày hôm nay là phiên bản của hôm qua. Ngày mai kia được nhắc lại bởi những gì đã diễn ra hôm nay. Những đoạn lập lại trong sách là ý nghĩ lẩn quẩn của Kỷ, là sự lẫn lộn về cảm thức thời gian, về những người xung quanh mà Kỷ đang sống với. Hình ảnh người má của Kỷ cũng là một dạng thức khác của cảm thức thời gian ngưng đọng, chứ không đơn thuần là biểu hiện bệnh lẩm cẩm của tuổi già.

Cuộc đời tồn tại như cách chúng ta nhìn thấy. Người đọc nhận ra, bên cạnh Kỷ đang vỡ nát, đang gặm nhấm bao nỗi phi lý là những phận người luôn lạc điệu với cuộc sống. Dũng xào nhạc, ông già nhạc sĩ hết thời sau một biến cố,… Bên cạnh những tâm hồn lạc điệu, những kẻ thức thời cũng không khá hơn. Ông thức giả ma mãnh. Sinh - sáng lập viên của bao dự án lớn lao nhưng rốt cuộc cũng chỉ như trò hề, ẩn chứa những màn lừa đảo ngoạn mục… Hay Hoàng, một tay chơi.

Nếu xem rằng, âm nhạc là “concept” (ý tưởng) của cuốn tiểu thuyết thì Hát là một dòng chảy xuyên suốt trên nền ý tưởng đó. Đắm trầm trong cõi nhân luân, thay vì đau đời, bất đắc chí, người ta đã hát lên. Hát ru mình và hát ru đời. Suy cho cùng, hát là một cách thế sống.
Tiểu thuyết Hát của Trần Nhã Thuỵ

Kỷ là một nốt trầm trong bản tấu khúc vĩ đại của cuộc đời. Kỷ đã hát cho đời nghe, cứ ngỡ đời cũng đáp lại. Vậy mà không. Thế nên trong Kỷ mới có cảm thức ảo thanh, luôn mơ hồ nghe thấy ai đó gọi mình, hát cho mình. Nhưng không. Đó như tiếng gọi đò, chỉ nhìn thấy con đò mà vắng bóng người đưa khách sang sông. Đó là một cảm giác vỡ mộng, không đơn thuần là sự thất vọng, một căn bệnh sinh lý.
  
Trong Hát, các dạng thức âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn được nhà văn vay mượn để thể hiện “concept” hay ý đồ của mình. Đó là ca trù, nhạc đương đại… Nhưng người đọc còn có thể nghe thấy bao tiếng đời, âm thanh tự nhiên của cuộc sống vọng vào, qua sự cố ý sử dụng ngôn ngữ quảng cáo, ngôn ngữ mạng xã hội, ngôn ngữ đường phố… Thanh âm đời đa tạp như nó vốn thế. Và cả ngôn ngữ tín hiệu, với hình ảnh nước dâng đầy, tính phồn thực của cơ thể người phản ánh sự dư thừa vật chất, nặng về lạc dục… trong một xã hội tiêu dùng đang khủng hoảng niềm tin và những giá trị đạo đức.

Và dù không rõ ràng lắm, nhưng Hát còn thấp thoáng ngôn ngữ của nghệ thuật tuồng, tức dạng thức nghệ thuật mà tính chất của nhân vật được ước định qua lối hóa trang, tính báo trước qua hình thức bên ngoài. Tốt - xấu nhìn vào là biết ngay. Trong Hát, đó là cách phác họa các nhân vật như Sinh “sách”, Thạo “phong thủy”… Ngay cả số phận của cô gái ca trù Xuân Nương cũng vận hành theo lối đó, với cái kết cục vẫn mang dấu ấn của thuyết “hồng nhan bạc phận”…

Cũng nên nhắc lại sự thể hiện nhân vật Kỷ, một lối đặt tên cũng mang tính ẩn dụ nốt. Kỷ cần một sự ngầm hiểu. Phải là Tri, hợp thành một đôi tri kỷ thì mới “gặp” được nhau. Còn không, dù có gần nhau, chia sẻ, thương và yêu nhau, như Lý và Kỷ, cũng không thể “gặp” nhau. Điều đó được hàm dụ bằng cách người này hát mà người kia không nghe, bởi không gọi đúng tần sóng thanh của tâm hồn. Bởi mỗi người là một tiểu vũ trụ. Vẫn có những góc khuất của người cùng sống với mà kẻ còn lại chỉ như người qua đường, hay qua đò…

Trần Nhã Thuỵ viết Hát trong bối cảnh xã hội có nhiều biến động, có thể nói là đáng kể, thực sự là mảnh đất cho loại hình tiểu thuyết trỗi dậy, trong vòng một thập kỷ qua. Đó là sự đổ vỡ ý thức hệ, sự hủ hóa, sa đọa của lớp quan quyền, nạn tham nhũng đến mức bạo phát bạo tàn, sự phân hóa ghê gớm giữa giàu và nghèo, sự va chạm dữ dội giữa các nền văn hóa vào thời mở cửa… đẩy những phận người bé con vào ngõ cụt vô phương cứu vãn. Trong Hát, sự mất tích của cô gái ca trù Xuân Nương vào quãng đời xanh non tươi đẹp, tràn trề nhất đã để lại một dấu hỏi lớn trong lòng người về thực tại cuộc đời chúng ta đang sống. Nó có ý nghĩa như một dấu lặng trong một đoạn nhạc. Không cần lời đáp. Chỉ có hát lên. Hát để ru mình và ru đời.

Trần Nhã Thuỵ khởi thảo Hát vào năm 2008, tức là không lâu sau khi ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tiên Sự trở lại của vết xước. Nếu ở cuốn thứ nhất, Thuỵ có từng tâm sự, đại ý rằng, “… không biết [tác phẩm] là tới đâu nhưng mình nghĩ sẽ được nhiều người chia sẻ”, thì với Hát, Thuỵ đã làm được nhiều hơn thế. Một cuốn sách được viết nên bởi một người luôn trăn trở với nghề, luôn u hoài về một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa, có chất; được viết vào quãng tuổi đời, tuổi nghề sung sức và chín nhất, lứa tuổi bốn mươi. Và được viết nên từ tâm trạng hoang mang, vỡ mộng. Vỡ mộng về một khung trời đại học, về xã hội, nhân tình thế thái trong buổi giao thời… mà vẫn còn đó những biểu hiện giống như thời Vũ Trọng Phụng viết Số đỏ. Không khó để người đọc nhận ra điều đó trong Hát.

Chính bởi thế, khi những người bạn văn cùng thế hệ đọc tác phẩm của nhau, đó không chỉ đơn thuần là việc tiếp nhận một cuốn sách.

TRẦN VĂN THƯỞNG

___________________

Nhà văn Trần Nhã Thuỵ tên thật là Trần Trung Việt, sinh năm 1973 ở Quảng Ngãi. Từ năm 1991 đến nay học và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn - báo chí Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Từng làm việc tại Ban Văn hoá - văn nghệ báo Tuổi Trẻ. Hiện là Trưởng đại diện báo Tuổi Trẻ & Đời Sống tại TP.HCM. 

Uỷ viên Ban Chấp hành, Trưởng ban Kiểm tra kiêm Trưởng ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn TP.HCM khoá VII nhiệm kỳ 2015-2020. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011.

Tác phẩm đã xuất bản:

Lặng lẽ rừng mai (tập truyện ngắn)
Thị trấn có tháp đồng hồ (truyện dài)
- Những bước chậm của thời gian (tập truyện ngắn)
- Gối đầu trên mây (tập tạp văn)
- Sự trở lại của vết xước (tiểu thuyết)
Chàng trẻ măng ở phố treo đầu (tập truyện ngắn)
Cuộc đời vui quá không buồn được (tập tạp văn)
- Mùi (tập truyện ngắn và tạp văn 2012)
- Hát (tiểu thuyết 2014)
Triều cường, chân ngắn và rau sạch (tạp văn 2014)

Giải thưởng văn học:

- Giải thưởng Truyện ngắn trẻ (báo Văn Nghệ Trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam 1998).
- Giải thưởng Truyện ngắn Văn học cho tuổi trẻ (NXB Thanh Niên - báo Văn Nghệ- Hội Nhà văn VN 2003).
- Tặng thưởng Hội Nhà văn TP.HCM cho tiểu thuyết Sự trở lại của vết xước(năm 2009).

Quan niệm về văn học:

‘Viết, là tự lưu đày bản thân’ như Linda Lê nói, hay ‘tự sát thương’ mình, theo tôi cũng là theo nghĩa đó. Quả là buồn khi người đọc chỉ chăm chú theo dõi truyện kể gì, mà không hề để ý tới việc tác giả ứng xử với câu chữ như thế nào.

Nguồn: NVTPHCM


Thứ Ba, 12 tháng 2, 2019

BÀI HỌC CUỘC SỐNG QUA THIÊN NHIÊN TRONG TÁC PHẨM CỦA NHÀ VĂN VŨ HÙNG

Khởi nghiệp với nghề kỹ thuật thông tin và sau đó là một phóng viên chuyên viết về mảng khoa học kỹ thuật, nhưng cuối cùng Vũ Hùng lại trở thành nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi. Không chỉ vậy, thiên nhiên trong các tác phẩm của ông được miêu tả vô cùng tinh tế và luôn chứa đựng những bài học cuộc sống.
Nhà văn Vũ Hùng rưng rưng khi nghe các đồng nghiệp nhắc lại kỷ niệm xưa.

Sau 25 năm sinh sống ở Pháp và làm công việc hoàn toàn không liên quan đến viết văn, nhà văn đã trở về Việt Nam và có cuộc gặp gỡ với bạn đọc và các bạn văn, phần lớn là những đồng nghiệp và các bạn văn chương trước đây.

Nhà văn Viết Linh từng viết về ông: “Cuộc đời nhiều khi tạo nên những bất ngờ: Vũ Hùng đã trở thành nhà văn không hề được chuẩn bị trước.

Cái gì làm nên điều đó?

Trước hết phải nói tới kinh nghiệm sống của anh. Anh đã đi lại rất nhiều nơi, trên rừng dưới biển. Anh đã sống nhiều năm trên Trường Sơn, cả ở phía Đông lẫn phía Tây, trong những làng săn, giữa những bầy voi, gần gũi với những người đi kiếm trầm hương, với các thợ săn, các quản tượng … Anh đã tích lũy được những hiểu biết phong phú về phong tục của nhiều dân tộc, về tập tính của nhiều loài thú và những cách ứng xử của chúng.

Tất cả tạo cho anh một vốn sống dồi dào, cái cơ sở quan trọng của người viết văn”.

Số lượng tác phẩm của Vũ Hùng viết rất dồi dào, tính từ năm 1960, trong khoảng 30 năm cầm bút, ông viết được 40 tác phẩm, hầu hết dành cho thiếu nhi. Những tác phẩm của ông được đúc kết từ chính cuộc sống thực của mình, và đặc biệt, những năm tháng ở Lào, ở Trường Sơn đã cho ông những trang viết về thiên nhiên vô cùng sinh động và tinh tế.

Nhà văn kể lại: “Hồi còn đi bộ đội, tôi có nuôi một con culi. Con culi này rất khôn, biết được nguy hiểm và an toàn, nó cũng biết ai yêu mình thật lòng và nó dành tình cảm cho người đó. Con culi sau này đã trở thành nhân vật trong truyện “Con culi của tôi. Con vật có những bí ẩn mà con người không thể biết được”.

Nhà thơ Hồng Thanh Quang chia sẻ: “Tôi là một trong những độc giả từ thủa nhỏ của chú Vũ Hùng. Ông đã cho tôi và những đứa trẻ thời đó biết được rất nhiều điều về thiên nhiên kỳ thú”.

Nhà văn Hà Phạm Phú, một trong những đồng nghiệp của ông từ thời làm việc ở báo Quân đội Nhân dân kể lại rằng: “Cuốn sách đầu tiên của Vũ Hùng mà tôi được đọc là “Mùa săn chim”, và tôi đã có ấn tượng rất mạnh mẽ. Cách viết về thiên nhiên, về con vật trong các tác phẩm của ông rất tinh tế và luôn có những bài học sâu sắc”. Nhà văn Hà Phạm Phú lấy thí dụ, một câu chuyện mô tả một người thợ rừng dùng gậy đánh con trâu để thúc giục nó kéo gỗ qua bãi lầy, nhà văn đã góp ý để sửa lại thành người thợ dùng khúc gỗ bẩy bánh xe lên cho con trâu dễ kéo. Và nhà văn Vũ Hùng nói: “Nhà văn phải biết dạy cho người ta về lòng nhân ái”. Chính vì thế, văn chương của ông đã đem lại cho các thế hệ bạn đọc tình yêu đối với thiên nhiên, đất nước, và bồi đắp tính nhân văn, tình yêu thương con người.

Bà Lê Thị Dắt, nguyên Tổng Biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng nhận xét: “Ở Việt Nam, không ai viết về voi hơn nhà văn Vũ Hùng. Trong chuỗi tác phẩm viết cho độc giả nhí, ông quan tâm nhiều nhất đến loài vật này. Ông có những quan sát rất tinh tế: khi hai con voi đánh nhau, một con đã rũ vòi nhận thua, con kia không bao giờ truy đuổi. Ban đêm, khi bầy voi nằm ngủ, con nhỏ và yếu thường nằm bên trong, những con to khỏe nằm ngoài cùng để bảo vệ cả bầy. Bao trùm lên tất cả là những bài học dạy các em nhỏ biết yêu thiên nhiên, yêu cỏ cây và yêu đất nước”.

Cùng quan điểm như vậy, nhà văn Lê Phương Liên nhận xét: “Cuốn “Sống giữa bầy voi” thể hiện tiêu biểu cho cách viết của nhà văn Vũ Hùng. Ông để cho nhân vật của mình có cái nhìn trẻ em trong một môi trường người lớn, có cái gì đó khác với người lớn và đôi khi đối chọi lại với người lớn. Cách kể chuyện của ông lại dẫn dắt rất bình dị, không có sự đối lập nào, nhưng rất hấp dẫn và liên kết toàn bộ câu chuyện. Điều này khiến các độc giả nhí có thể học văn tốt hơn”.

Còn nhà thơ Văn Chinh cho rằng, thiên nhiên qua ngòi bút của nhà văn Vũ Hùng, dẫu ở những nơi rất quen thuộc với độc giả, cũng mang vẻ lung linh kỳ thú, thí dụ như cách nhà văn mô tả khu vực Láng nơi ông sinh ra và lớn lên. Ngay cả trong truyện dịch, cách viết của ông cũng thể hiện như vậy, như tập truyện từng được nhiều thế hệ độc giả yêu thích là “Jody và con hươu non”.

12 trong số hơn 30 tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng đã được Nhà xuất bản Kim Đồng ký hợp đồng xuất bản. Ông Nguyễn Huy Thắng, nguyên Phó Giám đốc NXb Kim Đồng cho biết, việc bộ sách vắng bóng lâu năm của nhà văn Vũ Hùng được bạn đọc đón nhận nhiệt tình là một tín hiệu đáng mừng trong tình trạng hiện nay các sáng tác cho thiếu nhi, đặc biệt là mảng sách viết về nhiên còn hạn chế. Những tác phẩm của ông được xuất bản vào lúc này không chỉ làm phong phú cho mảng sách văn học thiếu nhi, mà còn góp phần giáo dục tính nhân văn, tình yêu quê hương đất nước, và đặc biệt là hình thành nhân cách cho các em.

***

Nhà văn Vũ Hùng sinh 1931, quê tại làng Láng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ông nhập ngũ năm 1950, từng học tại các trường Thủy quân Việt Nam, trường Lục quân Trần Quốc Tuấn. Làm Đài trưởng Đài vô tuyến điện của Trung đoàn Quân tình nguyện Việt Nam tại Trung Lào. Phóng viên báo Quân đội Nhân dân, biên tập viên NXB Ngoại văn, NXB Văn học. Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Văn hóa. Từ 1989 ông định cư tại Pháp và tháng 5-2014 về nước sống những năm cuối đời. Nhà văn nhiều lần định về thăm mộ bố mẹ nhưng chưa đi được vì bệnh tim.

Từ 1960 đến 1989, ông in 40 đầu sách tại nhiều NXB trong nước. Nhiều tác phẩm của ông được dịch ra tiếng Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc… Cuốn sách đầu tay, “Mùa săn trên núi”, do NXB Kim Đồng ấn hành năm 1960. “Sao Sao” (1982) và “Sống giữa bầy voi” (1986) từng đoạt giải Văn học thiếu nhi.

TUYẾT LOAN
Nguồn: Nhân Dân



THIÊN NHIÊN - NGUỒN CẢM HỨNG BẤT TẬN CỦA VĂN CHƯƠNG PHƯƠNG ĐÔNG

Từ xa xưa, người phương Đông đã biết dựa vào tự nhiên để sống.Hầu hết các nền văn minh Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ, Trung Hoa đều dựa vào bồi đắp phù sa của các con sông. Nguồn gốc văn hóa nông nghiệp khiến con người học cách sống hài hòa với thiên nhiên, thấymình là một phần không thể thiếu của tự nhiên thanh sạch, thuần khiết. Điều này ánh xạ vào tôn giáo, triết học rồi đi vào văn chương. Đứng trong nguồn mạch chung, thiên nhiên là một mạch ngầm xuyên suốt của văn học phương Đông từ xưa đến nay.
TS. Trần Thị Ánh Nguyệt

1. Từ cội nguồn tư tưởng phương Đông

Văn minh phương Tây không phát xuất từ những vùng đất bồi đắp phù sa màu mỡ, họ sớm phải vươn ra biển, chiến đấu với đại dương bao la nên cách ứng xử với thiên nhiên trong tư duy của họ là chinh phục để phục vụ cho con người. Vậy nên, cảm hứng chủ đạo của văn học phương Tây là ca ngợi con người - con người là thước đo của vạn vật. Ngược lại, từ xa xưa, người phương Đông đã học được cách sống hài hòa với tự nhiên. Thiên nhiên đóng vai trò rất lớn trong đời sống của cư dân nông nghiệp - đó vừa là môi trường vừa là nguồn lợi nhưng cũng vừa là nỗi âu lo. Điều này xuất phát từ cách cảm nhận về tự nhiên từ cổ xưa của người phương Đông về vạn vật hữu linh. Người nguyên thủy dựa vào tự nhiên để sinh sống.Trước sức mạnh của tự nhiên, thái độ của con người là khiếp nhược nên con người tôn sùng tự nhiên, ngưỡng vọng tự nhiên. Theo Trần Lê Bảo, tư tưởng đăng cao xuất phát từ việc những cư dân phương Đông đầu tiên xem vạn vật đều có linh hồn, sinh ra nghi thức tế lễ thần sông núi. Đăng cao ban đầu thể hiện sự khiếp sợ trước tự nhiên, sau này trở thành sự ngưỡng mộ tha thiết với núi sông, trở thành sự gắn bó với tự nhiên[1]. Đó là lí do vì sao ta thấy người phương Đông nào cũng có xu hướng đăng cao: không chỉ người Trung Quốc bước lên đài cao mà các anh hùng Ấn Độ cũng thường hành hương lên núi, người Nhật Bản ngưỡng vọng Phú Sĩ, các nhà sư đều chọn thâm sơn cùng cốc... Khi chọn nơi núi cao, hòa làm một với thiên nhiên khiến cho trong cảm quan phương Đông, sự gắn bó với tự nhiên trở thành máu thịt. Tư tưởng sùng thượng thiên nhiên thấm đẫm từ triết học Lão Trang cho tới triết lí “bất tổn sinh” của người Ấn hay tấm lòng ưu nhã với thiên nhiên của người Nhật Bản.

“Thiên nhân hợp nhất” - tư tưởng Chu Dịch đã trở thành tiền đề cơ bản trong cách ứng xử, nguồn cảm hứng vô tận của văn chương phương Đông. Điều đó khẳng định sự thống nhất giữa con người và tự nhiên, con người là một phần của tự nhiên, giữa con người và tự nhiên có mối liên quan, dung hòa nhau. Lão Tử cho rằng con người gắn với tự nhiên, là một bộ phận không tách rời tự nhiên: “Đạo sinh ra một, một sinh ra hai, hai sinh ra ba, ba sinh ra vạn vật”, cho nên mọi vật đều sinh ra từ Đạo, là biểu hiện của Đạo, do vậy trời đất với ta cùng sinh ra, vạn vật với ta là một. Tự nhiên có trước con người, tồn tại và vận động theo quy luật khách quan, con người theo quy luật của tự nhiên để hành động cho hợp lẽ “Thiên nhiên và hoạt động tự nhiên, sự âm thầm diễn ra của các biến cố đời đời kiếp kiếp, sự tuần hoàn của bốn mùa, sự vận chuyển uy nghi của tinh tú, đó là cái đạo mà ta thấy trong mỗi dòng suối, mỗi phiến đá, mỗi ngôi sao, đó là cái luật của vũ trụ, vô tư, vô ngã, mà lại hợp lí, và loài người phải hành động theo luật ấy nếu muốn sống khôn ngoan và yên ổn” [4, tr.53]. Bởi vậy, người phương Đông thường lựa chọn cách sống hài hòa với tự nhiên để được thanh thản, đủ đầy. Những hình ảnh “áo mỏng”, “dậu thưa” là những phương cách hòa hợp với vạn vật.

Trong các trang sử thi hùng tráng về người anh hùng phương Đông, chiến công trên chiến trận chỉ là một phần của công trạng, mà chủ yếu là cần phải học bài học về sự hòa hợp tự nhiên. Các anh hùng của người Ấn trong hai thiên sử thi vĩ đại Ramayana, Mahabharata trước khi lên ngai vàng trị vì đất nước đều vào sâu trong núi, hành hương về với tự nhiên, học bài học triết lí về nhân sinh bằng cách tĩnh tâm, hòa mình sống với thiên nhiên. Trước khi trở thành đấng Giác Ngộ, Đức Phật đã trải qua kiếp sống không chỉ là con người, thần linh mà còn là chim chóc, muông thú để có thể hiểu về cuộc đời của muôn loài bình thường, với đủ mọi quan hệ thế tục. Đấng minh quân Trần Nhân Tông sau khi thực hiện xong việc thế sự, xuất gia vào núi sâu để được trong sạch, giác ngộ tràn đầy. Thiên nhiên, do đó là người thầy minh triết vĩnh cửu trong tâm thức của người phương Đông.

2.  Tình yêu với sinh mệnh tự nhiên

Trong tâm thế của người phương Đông, người ta thấy một tâm hồn đối với thiên nhiên rất sâu nặng. Trong khắp các trang viết, không chỉ thấy vẻ đẹp của cảnh vật mà còn thấy một tấm lòng tha thiết với cảnh vật.Đó là tình yêu vĩnh cửu với thiên nhiên vô tận, với vẻ đẹp tráng mĩ, hùng vĩ của núi cao vực sâu, cũng có thể là vẻ giản dị, gần gũi của nhành hoa, ngọn cỏ, con cò, con ếch, con dế...Mỗi tâm hồn Đông phương đều đồng cảm trước tấm lòng nghe thấy tiếng gió mưa ngoài cửa mà xót xa cho thân phận mỏng manh của cánh hoa rơi rụng (Dạ lai phong vũ thanh/ Hoa lạc tri đa thiểu– Nửa đêm nghe tiếng mưa/ Hoa rụng nhiều hay ít – Mạnh Hạo Nhiên); mỗi tâm hồn Đông phương đều xem thiên nhiên như là người tri kỉ (Cửbôi yêu minh nguyệt/ Đối ảnh thành tam nhân– Nâng chén mời trăng sáng/ Mình với bóng là ba – Lý Bạch), như là gia đình thương mến (Cò nằm hạc lẩn nên bầu bạn/ Ấp ủ cùng ta làm cái con– Nguyễn Trãi); mỗi tâm hồn Đông phương đều nâng niu vẻ đẹp giao hòa giản dị của thiên nhiên bình dị (Một cành bìm bìm hoa tía/ Quấn quanh cây cầu/ Ta sang hàng xóm xin nước thôi- Chiyo), đều xúc động trước những sự việc rất tầm thường của vạn vật (Lá chuối xanh trôi/ Một con ếch nhỏ/Run run đang ngồi -Kikaku)

Chỗ “vô ngôn” của thơ Thiền thường là sự im lặng vĩnh cửu của tự nhiên. Chính cái không lời vĩnh viễn ấy mới thấu biết được mọi lẽ trong cõi hiện sinh đầy mệt nhọc này. Bởi vậy, tràn lấp trong các trang thơ Thiền là vẻ đẹp của hoa cỏ núi sông, là nhành mai cao khiết (Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai – Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai), là đôi bướm vui tươi trong một buổi sáng mùa xuân (Nhất song bạch hồ điệp/ Phách phách sấn hoa phi - Song song đôi bướm trắng/ Phấp phới cánh hoa bay - Trần Nhân Tông), hay là cảnh chiều muộn của ngôi chùa xưa (Cổ tự thê lương thu ái ngoại/ Ngư thuyền tiêu sắt mộ chung sơ – Chùa xưa lạnh lẽo khói thu mờ/ Chiều quạnh thuyền câu, chuông vẳng đưa – Trần Nhân Tông) hoặc cảm giác an nhiên viên mãn đủ đầy giữa tự nhiên khoáng đạt (Ngư ông thụy trước vô nhân hoán/ Quá ngọ tỉnh lai tuyết mãn thuyền – Ông chài ngủ tít ai lay/ Quá trưa tỉnh dậy, tuyết bay đầy thuyền – Không Lộ thiền sư)...

Bước sang thế kỉ XX, người đọc vẫn nhận ra cốt cách gần gũi thiên nhiên của tâm hồn Đông phương trong các tác phẩm dù cho trong dòng chảy hợp lưu Đông – Tây, người phương Đông phần nào đã bỏ rơi thiên nhiên. Nhưng niềm ưu ái với thiên nhiên có lẽ chưa bao giờ ngừng trong văn chương phương Đông từ cổ xưa đến hiện tại, nó vẫn âm ỉ chảy trong một dòng mạch thông suốt. Bằng chứng là qua các tác giả đạt giải Nobel như Kawabata hay Mạc Ngôn, ta thấy một tâm thế phương Đông rất nặng “thiên nhiên cũng có sinh mệnh riêng của nó” [11, tr.5], người đọc vẫn thấy những cánh đồng trù mật, những rặng núi mù xa, những vườn anh đào, những dòng sông thao thiết chảy qua những trang văn.

Để thấy được vị trí của thiên nhiên quan trọng như thế nào trong văn học phương Đông, chúng ta thử so sánh với văn học phương Tây. Ngay khi cùng viết về tự nhiên, nhưng điểm khác biệt cơ bản của phương Đông và phương Tây là người phương Đông xem thiên nhiên như là một sinh mệnh độc lập “cỏ cây quanh mình và cả bò dê nữa đều có thể trò chuyện với con người, chúng chẳng những có sinh mệnh, mà còn có cả tình cảm nữa” [11, tr.5], trong khi đó dù ca ngợi tự nhiên, cảm hứng chủ đạo của người phương Tây vẫn là xem thiên nhiên là nền cảnh để làm nổi bật con người. Bởi thế, khi A. Daudet  mô tả bầu trời sao tuyệt đẹp là ông muốn làm nổi bật hình ảnh con người: tất cả những vì sao lung linh trên trời kia là nền cảnh cho vẻ đẹp của con người trên đồng cỏ và trong tâm hồn cậu bé chăn cừu, không có vì sao nào đẹp bằng vì sao kiều diễm, sáng trong đang thiếp ngủ trên vai của cậu “tôi tưởng đâu một trong những ngôi sao kia, ngôi sao thanh tú nhất, ngời sáng nhất lạc mất đường đi đã đậu xuống vai tôi mà thiêm thiếp giấc nồng” [3, tr.254].

Để chứng minh rõ hơn cho luận điểm này, chúng ta thử so sánh cách cảm nhận về một hình tượng tự nhiên: hình tượng sói. Ở các tác phẩm của J. Lodon (Tình yêu cuộc sống, Tiếng gọi nơi hoang dã), cảm hứng chủ đạo là chinh phục tự nhiên, trong khi ở Tôtem sóicủa Khương Nhung là cảm hứng mãnh liệt về triết lí tôn trọng tự nhiên.

Tình yêu cuộc sống là bài ca về ý chí, nghị lực của con người. Câu chuyện kể về cuộc chiến đấu của một người đào vàng bị thương, bị bỏ đói nhiều ngày trong giá lạnh của vùng Bắc cực với một con sói già nua ốm yếu: “hai sinh linh kéo lê thân xác hấp hối qua cảnh hoang sơ và bên nọ rình cướp sự sống của bên kia” [6, tr.26], đi đến giới hạn sức chịu đựng của thể chất mà vẫn chiến đấu ngoan cường. Và dù cả hai vét đến hơi thở cuối cùng để dành sự sống thì chiến thắng vẫn thuộc về con người “Hai bàn tay không đủ sức để bóp nghẹt con sói nhưng mặt người áp sát vào họng con sói và mồm con người đầy những lông. Hết nửa giờ, con người nhận thấy một dòng âm ấm chảy vào họng mình” [6, tr 28]. Trong Tiếng gọi nơi hoang dã, con người bắt sói phải phục tùng hoặc bằng “luật dùi cui và răng nanh” hoặc bằng tình yêu thương. Dù cho đó là hai cách trái ngược nhau thì vẫn là khát vọng chinh phục tự nhiên. Trong khi đó hình tượng sói trong Tôtem sói (Khương Nhung) hoàn toàn khác biệt. Sói sống hoang dã, tự nhiên như bản tính của nó, con người không bao giờ có thể chinh phục được. Nếu như Bấc yêu quý Giôn Thóctơn với một tình cảm quyến luyến, quỵ lụy, yêu thương xen lẫn phục tùng “Bấc thấy không có gì sung sướng bằng được cái ôm ghì mạnh mẽ ấy và những tiếng rủa rủ rỉ bên tai ấy, và mỗi cái lắc qua đảo lại, nó tưởng chừng như quả tim mình muốn nhảy tung khỏi lồng ngực vì quá ngây ngất, rạo rực” [6, tr.307], thì dù Trần Trận nuôi sói con từ nhỏ, yêu thương chăm sóc bằng cả tấm lòng, đem hết tâm huyết, sức lực, tình cảm, thậm chí cả tính mạng nhưng con sói vẫn sống với bản tính hoang dã của nó, không bao giờ chịu thuần phục. Bởi thế, tộc du mục sống trên lưng ngựa lại thờ phụng sói (chứ không phải là ngựa) vì “logic trái khoáy này lại bao hàm sâu sắc logic của thảo nguyên (...) con sói thảo nguyên thì chưa bao giờ bị thuần dưỡng” [7, tr.537]. Người thảo nguyên thờ phụng sói cũng còn vì một lí lẽ lớn hơn nhiều nữa – sói là nhân tố điều hòa môi trường sinh thái. Sói thống soái tự nhiên, đứng trên tầm cao mà điều phối các mối quan hệ chồng chéo của tự nhiên, sói cân bằng sinh thái trên thảo nguyên: diệt chuột, rái cá, dê vàng, ngựa, cừu, thậm chí cả con người – những kẻ phá hoại không thương tiếc thảo nguyên. Theo họ “cỏ và thảo nguyên là sinh mạng lớn, tất cả những thứ khác là sinh mạng nhỏ: sinh mạng nhỏ sống nhờ sinh mạng lớn” [7, tr.482]. Như vậy, sói là chủ thể của tự nhiên, giữ gìn và cân bằng môi trường tự nhiên, bảo vệ vẻ đẹp thuần khiết của thảo nguyên trước những can thiệp thô bạo.

3.  Thiên nhiên – biểu tượng cơ bản của thơ ca phương Đông

Phương Đông huyền bí có thể coi là vương quốc của thơ ca, nhân loại vẫn mãi ngưỡng vọng Đường thi, Haiku như là những di sản tinh thần vĩ đại. Cảm xúc trong thơ trữ tình hư huyền, khó nắm bắt, thi nhân thường mã hóa cái thế giới huyền hồ sương khói ấy bằng những hình ảnh tự nhiên: nỗi nhớ nhà bảng lảng khói sóng hoàng hôn (Hoàng hạc lâu– Thôi Hiệu), thiếu phụ nhớ chồng trách con chim oanh (Xuân oán– Kim Xương Tự), nhìn nhành liễu biếc tiếc tuổi xuân qua (Khuê oán– Vương Xương Linh )… 

Thơ Haiku của Nhật Bản mặc dù số chữ rất ít ỏi, vỏn vẹn chỉ có 17 âm tiết nhưng vẫn dành cho tự nhiên một chỗ đứng trang trọng. Một bài thơ Haiku phải thể hiện được cảm thức về thời gian qua quý ngữ (kigo). Quý ngữ có thể là từ miêu tả các mùa xuân, hạ, thu, đông hoặc là các hình ảnh, hoạt động mang đặc trưng của mùa, biểu hiện những bước đi của thời gian bằng những hình ảnh của cảnh sắc cây cỏ, ví như mùa thu – con quạ(Trên cành khô/ cánh quạ đậu/ chiều thu- Basho), mùa đông – mưa gió (Mưa đông giăng đầy trời/Chú khỉ con đơn độc/ Cũng mong chiếc áo tơi - Basho), mùa xuân – anh đào nở rộ (Từ phương trời xa/ cánh hoa đào lả tả/ gợn sóng hồ Bi-wa- Basho), mùa hạ - ánh trăng (Con mực trong bẫy/nằm mộng phút giây/mùa hạ trăng đầy – Basho). Việc dùng quý ngữ chỉ mùa thể hiện tâm hồn nhạy cảm với sự thay đối của thiên nhiên, có cảm quan tinh tế về thời tiết, sự gắn bó sâu sắc của người Phù Tang với tự nhiên.

Các thi sĩ Thiền gia cũng quay trở về thiên nhiên, biểu hiện cái “tâm không” bằng tâm hồn rỗng rang hòa điệu cùng vũ trụ, cảm nhận vẻ đẹp của tự nhiên. Tư Không Đồ, người mở đầu cho thi học Thiền gia đã viết trong bài Nhàn dạ: Thử sinh nhàn đắc dịch vi gia/ Nghiệp thị ngâm thi dĩ khán hoa (Cuộc đời nhàn nhã lấy xê dịch làm nhà/ Nghề nghiệp là ngâm thơ và xem hoa). Trần Nhân Tông trả lời môn đệ câu hỏi “Thế nào là gia phong hòa thượng?” bằng câu thơ: Áo rách ôm mây, ban mai húp cháo/ Bình xưa dốc nguyệt, trời khuya nấu trà. Đối với thi nhân Thiền gia, sự hòa hợp trong tâm hồn được biểu hiện trong sự hòa điệu với tự nhiên. Và đôi khi, sự tương thông của lòng người với nhau không phải qua lời nói bề ngoài ồn ào mà sự tương giao ấy biểu hiện qua cái tĩnh lặng say mê với cảnh vật:

Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì
Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi
Khách lai bất vấn nhân gian sự
Cộng ỷ lan can khán thúy vi
(Xuân cảnh- Trần Nhân Tông)
Chim nhẩn nha kêu, liễu trổ dày,
Thềm hoa chiều rợp bóng mây bay.
Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế,
Cùng tựa lan can nhìn núi mây

(Huệ Chi dịch)

Hai tâm hồn nhập vào nhau không cần bằng lời nói hoa mĩ, ồn ào mà chỉ bằng một cử chỉ thật giản dị là lặng ngắm khung cảnh về chiều rộn rã tiếng chim và rợp bóng mây.

Mặc dù thơ điền viên với thơ sơn thủy cùng chung đối tượng thẩm mĩ là cảnh sắc thiên nhiên, nhưng điểm khác biệt lại ở chỗ thơ điền viên gần gũi với cuộc sống của con người hơn. Sơn thủy hướng đến núi cao vực sâu ngàn dặm, điền viên gần gũi với “ao rau muống”, “lảnh mùng tơi” (Nguyễn Bỉnh Khiêm); cảnh sắc giản dị, gần gũi của cây hòe, cây chuối, cây lựu, hoa sen, hoa xoan... (Quốc âm thi tập - Nguyễn Trãi). Nguyễn Khuyến được coi là “nhà thơ của làng cảnh Việt Nam” có lẽ bởi thơ ông thể hiện cảnh sắc và sinh hoạt nông thôn gần gũi và thân thiết. Có thể nói, ông đã mở ra cho thơ ca Việt Nam trường phái thơ điền viên mà sau này thơ Mới sẽ tiếp tục với những tác giả xuất sắc như Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Nguyễn Bính…

4. Thiên nhiên – Nơi cứu rỗi tâm hồn Đông phương

Con người từ trời đất sinh ra. Sự sinh tồn của con người không thể tách khỏi trời đất nên hành vi con người cũng tương thông, nhất trí với sự vận hành của trời đất: “Con người là sản vật của tự nhiên, cũng là một phần của tự nhiên, mà sự sinh tồn và phát triển của con người là lấy các điều kiện vật chất do tự nhiên cung cấp làm tiền đề” [5, tr.215].Bởi vậy, học cách sống hài hòa, phù hợp với quy luật phát triển sẽ khiến cho con người cảm thấy hạnh phúc. Đạo gia coi trọng sự thuần phác, tự nhiên. Triết lí “vô vi” của Lão Tử nghĩa là “không làm gì” trái với tự nhiên (Đạo). Lão – Trang chủ trương xa rời những hệ lụy của cõi đời, sự phiền nhiễu của ý chí, dục vọng để được tự do, tự tại trong bản chất tự nhiên thuần phác. Kêu gọi về với thiên nhiên là một phương cách để nuôi dưỡng cái bản tính tự nhiên thuần phác đó (Đạo pháp tự nhiên). Do vậy ứng xử của các nhà Nho truyền thống là “dụng chi tắc hành, xả chi tắc hàng” (Dùng thì ta hành đạo, không dùng thì ta quy ẩn). Quy ẩn bằng cách trở về với thiên nhiên để tìm lại sự bình an, tĩnh tại, tự do. Thiên nhiên trở thành điểm tựa tinh thần trong cơn bĩ cực, thiên nhiên nuôi dưỡng cái phần thiên tính chất phác của con người khỏi những phồn tạp, tị hiềm, ganh ghét, trói buộc chốn quan trường.Hầu hết cách ứng xử của thi nhân thời trung đại Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam… là sống gần gũi tự nhiên. Khi con người xã hội bất như ý họ thường đi ở ẩn, một hình thức xa lánh xã hội nhiêu khê, trở về với thiên nhiên để quên nỗi buồn thế sự. Nhà nho nhàn dật có khuynh hướng vui với cây cỏ, chối từ con người lí trí, rũ bỏ áo khoác xã hội để hòa mình vào thiên nhiên xa lánh cảnh trầm luân, nhiễu nhương của thế sự. Bởi vậy, từ Khuất Nguyên, Đào Tiềm cho đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến… do mệt mỏi với quan trường ganh ghét, lòng người hiểm độc đã “quy khứ lai” - trở về với mây trắng núi ngàn để xoa dịu, thanh thản. Những vần thơ ca ngợi hoa cúc của Đào Tiềm, những vần thơ “tìm nơi vắng vẻ” của Nguyễn Bỉnh Khiêm hay tư tưởng sùng thượng tự nhiên của Nguyễn Trãi đều thể hiện một tư tưởng sống khiêm nhường, ẩn dật và hòa hợp vào “dòng sống thâm áo của thiên nhiên”. Đối với kẻ sĩ phương Đông, có lẽ tiền tài, danh vọng, chức tước không phải là mục đích của sự sống mà việc con người trở về với cõi thiên nhiên, với bản thể của vũ trụ mới là mục đích chân chính nhất. Phò vua giúp đời chỉ là nghĩa vụ trong chốc lát còn tâm thế họ vẫn hướng về tự nhiên sâu thẳm trời xanh mây trắng vĩnh cửu muôn đời. Phải vậy chăng mà Lí Bạch tâm sự:

Đãi ngô tận tiết báo minh chủ
Nhiên hậu tương huề ngọa bạch vân
(Chờ ta tận tiết báo đền ơn minh chủ
Sau đó sẽ cùng nhau về nằm nơi mây trắng)

(Tặng Trương Tương Cảo- Lí Bạch)

Sự hóa thân vào tự nhiên để được gột rửa là motif quen thuộc trong văn chương phương Đông. Chỉ khi hòa nhập vào tự nhiên con người mới thấy thanh thản, bình yên, tĩnh lặng; được cứu rỗi khỏi những muộn phiền, hệ lụy của đời sống phồn tạp. Người Ấn Độ từ cổ xưa đến nay đều thực hành nghi lễ tắm nước sông Hằng vì quan niệm nước sông có thể thanh tẩy; họ cũng cho rằng thần lửa Anhi thiêu cháy tất cả để trở nên trong sạch. Vậy là, trong tâm thức Ấn, thiên nhiên có thể gột rửa được tội lỗi, khiến con người có thể trở nên thanh khiết. Trước thái độ hờn ghen của Rama, Sita đã hai lần chứng minh tấm lòng nàng, lần thứ nhất là với thần lửa Anhi, lần thứ hai xin được trở về đất mẹ, hóa thân vào luống cày, nơi mà cô đã sinh ra. Môtip hóa thân vào tự nhiên được thể hiện trong văn học phương Đông qua rất nhiều dạng thức khác nhau: có thể là sự rẽ nước xuống biển của An Dương Vương, là hành động bay về trời hóa vào vĩnh cửu của Thánh Gióng, có thể là sự hóa thân trở lại thành cây Giáng Châu của Lâm Đại Ngọc dứt khỏi mối sầu muộn ở dương thế... Trong văn học hiện đại, sự hóa thân vào tự nhiên ấy được biểu hiện qua motif hòa nhập vào tự nhiên, buông thả mình theo tự nhiên tách mình ra khỏi cái ồn ào đô thị để sống thanh thản. Đó là một trong những chủ đề cơ bản của văn học lãng mạn, là khuynh hướng “ngược về ngoại ô” để thả mình vào hương đồng cỏ nội của văn học đương đại - thái độ lánh mình vào tự nhiên của con người thời hiện đại bị bao bọc bởi văn minh kĩ trị.

Tự muôn đời, thiên nhiên luôn là nguồn an ủi. Mỗi khi thấy lòng đau, lại tìm về tự nhiên như một bến bờ tĩnh lặng để nguôi quên. Thiên nhiên là người bạn lớn vĩnh hằng của con người mà ở đó, những muộn phiền, day dứt, đau đớn vơi đi. Thấu được nỗi chán chường cuộc sống ồn ào quanh mình, chỉ có tự nhiên vĩnh cửu không lời là vĩnh viễn.

5.  Nỗi trăn trở sinh thái thời hiện đại

Thorber, một nhà nghiên cứu phê bình sinh thái của Đại học Havard đã khẳng định mặc dù khuôn mẫu của Đông Á là tình yêu thiên nhiênnhưng hiện tại,“Đông Á đã là nơi  của một số các vấn đề và các cuộc khủng hoảng môi trường khó khăn nhất trên thế giới” [10].Trong xã hội hiện đại, do ỷ lại vào khoa học kĩ thuật nên người phương Đông đang ngày càng quay lưng với tự nhiên, khai thác tự nhiên quá mức khiến cho tự nhiên ngày càng vắng bóng trong đời sống. Mặt khác, trong một thời gian dài, văn học phương Đông mải chạy theo những vấn đề thời thượng của cõi người như tính dục, thân thể, đạo đức, phê phán xã hội… nên dường như người phương Đông đang bỏ rơi mất truyền thống hòa hợp tự nhiên.

Trước tình trạng khủng hoảng của môi trường sinh thái, các thảm họa, thiên tai và đáng sợ hơn cả là sự biến mất của chính thiên nhiên, người phương Tây – kẻ luôn giương cao lá cờ chinh phục thiên nhiên – nhìn nhận lại thái độ ngạo mạn của mình. Văn học sinh thái xuất hiện và đặt ra vấn đề tranh luận: có phải con người sinh ra để thống trị thiên nhiên – làm chủ và sở hữu thiên nhiên? Hay là những phát minh khoa học, sự ngạo mạn của con người đã đẩy thiên nhiên ra xa khỏi con người và con người đang gánh chịu những hậu quả do chính mình gây ra vì đã coi thường tự nhiên? Thiếu vắng thiên nhiên, tâm hồn con người trở nên xơ cứng, lạnh lùng, vậy nên cần phải trở về với tự nhiên, bảo vệ vạn vật trong tự nhiên và duy trì sự cân bằng của hệ sinh thái. Như vậy, văn học sinh thái phương Tây đã tìm lại giúp người phương Đông tâm hồn hòa nhập tự nhiên, tình yêu đối với thiên nhiên mà những hệ lụy của đời sống đô thị đã khiến họ có lúc xao nhãng.

Người phương Đông sau khi “trải qua một cảm giác lịch sử: cảm giác thiếu thiên nhiên” [8, tr.399], đã trở lại với các đề tài tự nhiên, nhưng không phải chỉ để thể hiện tình yêu đối với thiên nhiên mà còn thể hiện một niềm khắc khoải với những nguy cơ sinh thái, bày tỏ nỗi đau đớn vì những vẻ đẹp tự nhiên ngày một biến mất… Thức tỉnh tinh thần sinh thái, từ các tác phẩm của văn học Trung Quốc: Hoài niệm sói của Giả Bình Ao, Tôtem sóicủa Khương Nhung, tản văn Tôi yêu động vật nhỏcủa Băng Tâm…, cho đến Bộ sưu tập những bài thơvề bomnguyên tửtập hợp 181tác giả của văn học Nhật Bản, cho đến những ý tưởng sinh thái của các tác giả Việt Nam (Sống mãi với cây xanh– Nguyễn Minh Châu; Muối của rừng, Con thú lớn nhất, Sói trả thù– Nguyễn Huy Thiệp; Khói trời lộng lẫy, Nước như nước mắt– Nguyễn Ngọc Tư; Thập giá giữa rừng sâu– Nguyễn Khắc Phê; Chuyến đi săn cuối cùng– Sương Nguyệt Minh…) cũng đã rung lên những hồi chuông về sự khủng hoảng môi trường, những nỗi đau, niềm tuyệt vọng trước cái mong manh của sự cân bằng tạo hóa và cắt nghĩa căn nguyên của những thảm họa sinh thái.

Cảnh tỉnh con người về mối quan hệ của con người với tự nhiên, đặt con người trước những thảm họa khi đánh mất tự nhiên, như một lẽ tất yếu, phương Tây dường như đi tìm lại tâm thức tự nhiên mà từ lâu họ đã đánh mất, tìm về phương Đông để nối lại các mạch sống tự nhiên của họ.

Như vậy, từ xưa đến nay, thiên nhiên đối với người phương Đông không phải là một chuỗi dài chinh phục mà là sự gắn bó, hài hòa. Mỗi tâm hồn phương Đông đều có một tình yêu vĩnh cửu với cỏ cây. Phương Đông đang tìm cách quay trở về với những giá trị vĩnh hằng của thiên nhiên, tìm lại chính quá khứ ngàn đời của mình – tâm thức hòa hợp với tự nhiên. Bằng cách đó, phương Đông đã giữ gìn cho nhân loại khỏi trượt xa cách cư xử lí trí, ngỗ ngược đối với tự nhiên.

TRẦN THỊ ÁNH NGUYỆT

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1.        Trần Lê Bảo (2011), “Đăng cao – Một truyền thống văn hóa phương Đông”, Giải mã văn học từ mã văn hóa, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
2.        Lê Nguyên Cẩn (2000), “Cách nhìn nhận thế giới tự nhiên của Lão Tử và J. J. Rousseu”, Đạo gia và văn hóa, Nxb Văn hóa Thông tin.
3.        A. Daudet (2011), Những vì sao – Chuyện chàng chăn cừu xứ Prôvăngxơ, Nxb Hội Nhà văn.
4.        Will Durant, Lịch sử văn minh Trung Hoa, Nguyễn Hiến Lê dịch, Nxb Văn hóa Thông tin.
5.        Phạm Minh Hoa, Lưu Cương Kỉ (2002), Chu Dịch và mĩ học, Nxb Văn hóa - Thông tin
6.        Jack London (2011), “Tiếng gọi nơi hoang dã”, Jack London - Truyện ngắn đặc sắc, Nxb Hội Nhà văn.
7.        Khương Nhung, “Tôtem sói”, http://vnthuquan.net
8.        Lê Ngọc Trà (2007), Văn chương, thẩm mĩ và văn hóa,Nxb Giáo dục, Hà Nội.
9.        Lão Tử (1991), Đạo đức kinh, Thu Giang Nguyễn Duy Cần dịch và bình chú, Nxb Văn học.
10.     Karen Thronber,Ecocriticism and Japanese Literature of the Avant-Garde, http://interlitq.org/issue8/karen_thornber/job.php
11.     “Văn học phải làm cho con người tin nhau hơn”(Đối thoại đầu năm giữa Oe Kenzaboko với Mạc Ngôn), Báo Văn nghệ,(12), ngày 23-03-2002.

Nguồn: VHNA






Thứ Hai, 11 tháng 2, 2019

NHỮNG ĐIỀU CHƯA BIẾT VỀ NHÀ THƠ NGUYỄN NHƯỢC PHÁP

Người đời nhớ đến tên tuổi nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp với bài thơ Chùa Hương nổi tiếng. Nhưng ít ai biết rằng người thi sĩ tài hoa ấy là con trai của nhà báo, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh và là một cây bút tài năng. Tiếc rằng cuộc đời đoản mệnh, ông vĩnh biệt cõi trần khi mới ở tuổi 24, để lại cho hậu thế một tập thơ mỏng mảnh duy nhất với nhan đề Ngày xưa...
Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp

“Hôm qua đi chùa Hương/ Hoa cỏ mờ hơi sương/ Cùng thầy me em dậy/ Em vấn đầu soi gương...” – Mỗi khi đọc lại những câu thơ này tôi lại nhớ tới một kỷ niệm ở Paris, vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước. Hôm đó, trong quầy bar ở tầng hầm ngôi nhà rất sang trọng tại ngoại ô thủ đô Pháp của TS Việt kiều Nguyễn Văn Tuyên (nay đã thành quá cố), diễn ra một buổi ca nhạc thính phòng của các nghệ sĩ Việt với những người bạn.

Có mặt hôm đó là cố NSND Lê Dung, NSND Quang Thọ, pianist Hà Ngọc Thoa từ Hà Nội tới; nhạc sĩ Phạm Duy từ Mỹ sang; nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Trần Văn Khê cùng con trai và con dâu của ông là nhạc sĩ Trần Quang Hải và ca sĩ Bạch Yến, những người Việt cư trú tại Paris...

Đấy là khi nhạc sĩ Trần Văn Khê vừa mới từ bệnh viện về sau một ca phẫu thuật khá nặng nên trông sắc mặt ông còn xanh xao lắm. Ấy vậy mà trong tình bằng hữu, nhạc sĩ Trần Văn Khê đã đứng dậy, gạt đi mọi nỗi mỏi mệt, hát lại ca khúc do chính ông sáng tác từ hơn nửa thế kỷ trước, bài hát Chùa Hương phổ thơ của Nguyễn Nhược Pháp. Vốn quen nghe ca khúc rất được phổ biến rộng rãi do ca sĩ Trung Đức phổ nhạc và luôn cảm thấy cấn cá khi cô gái quê của Nguyễn Nhược Pháp được cho “đi đôi guốc cao cao” để leo lên chùa Hương, tôi vừa thích thú vừa kinh ngạc khi thấy thơ Nguyễn Nhược Pháp được nhạc sĩ Trần Văn Khê chuyển thành ca khúc chuẩn mực và dân gian đến thế: thơ không bị tầm thường đi bởi những câu chữ thêm vào, mà giai điệu bên trong của thơ được phát huy tới mức tối đa. Nhạc sĩ Trần Văn Khê đã biểu diễn ca khúc này rất tuyệt vời: khi hát tới những đoạn đò đi, ông đã làm động tác chèo đò thực ngoạn mục, khó mà có thể hình dung được trước đó không lâu ông đã gần như kiệt sức vì ca phẫu thuật. Dường như những câu thơ trẻ trung, nhí nhảnh mà thấm thía của Nguyễn Nhược Pháp đã thổi vào ông thêm sinh khí...

Thực tiếc là ở Việt Nam hôm nay, ít người được nghe bài hát đó của nhạc sĩ Trần Văn Khê! Và cũng thực tiếc là hôm nay ở Việt Nam, chúng ta cũng không biết được gì nhiều về thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp, một tài hoa yểu mệnh.

Giỏ nhà ai, quai nhà nấy

Nguyễn Nhược Pháp sinh ngày 12/12/1914 ở Hà Nội. Chàng là con trai của một trong những cây bút có lẽ là vạm vỡ vào loại hàng đầu nước ta trong thế kỷ XX, nhà văn, nhà báo, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), người có quê là làng Phượng Dực, Thường Tín (nay là làng Phượng Vũ, xã Phượng Dục, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây). Ông Vĩnh là một nhân vật kỳ thú của làng viết nước ta, còn chưa được hậu thế nhận thức đầy đủ. Con một người nông dân nghèo, sinh ra vào thời nước mất nhà tan, chỉ bằng trí tự thiên phú và lao động đến kiệt sức của mình, ông Vĩnh đã tạo dựng nên được một gia tài chữ nghĩa vô cùng đồ sộ mà ngay cả những người đồng thời, dù không đã đồng quan điểm với ông, cũng phải nể vì.

Ông Vĩnh từng dịch nhiều tác giả Pháp cổ điển sang Việt văn, trong đó có thơ La Fontaine mà bài phổ cập nhất có lẽ là bài Con Ve và con Kiến... Ông dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du sang tiếng Pháp, rồi dịch cả những tác phẩm tiếng Hán như Tiền Xích Bích, Hậu Xích Bích sang Pháp ngữ... Ông còn là một nhà báo vào hàng gạo cội của những thập niên đầu thế kỷ XX, người góp công gây dựng nên nền báo chí Việt Nam khi đó. Theo hồi ức của nhà thơ Nguyễn Vỹ, ông Vĩnh “rất trung thực, không nịnh ai mà cũng không ưa ai nịnh mình, không tùy thời, mà chỉ tùy mình...”.

Trong con mắt của nhiều người đương thời, ông Nguyễn Văn Vĩnh là tấm gương lao đông nghề nghiệp đến quên mình. Nhà văn Vũ Bằng nhớ lại: “Ông Vĩnh làm việc như con trâu cày, không mấy khi muốn phiền người khác. Có một lần, tôi đã được mục kích một cảnh như sau: không biết giận gia đình gì đó, ông lên một căn gác nằm khèo, nhờ ông Tụng (bác sĩ, nhân viên đắc lực của Saigon Công thương, chuyên lo chạy tiền vay cho ông Vĩnh – TG) mua cho một mẹt bún chả ăn trừ cơm, rồi viết luôn một bài xã thuyết cho Annam Nouveau, thảo một thư cho toàn quyền Pháp đưa xuống dưới nhà đánh máy luôn, dịch miệng “Têlêmác phiêu lưu ký” cho Đông Lĩnh Dương Phượng Dực ngồi ám tả, trong khi chính ông lại quay sang nói chuyện với ông Tụng về chuyện thống sứ Pháp “có ý muốn giúp ông tiền bất cứ lúc nào, bao nhiêu cũng được”, miễn là ông tạm gác ý kiến đả kích Pháp và ngưng chống nhà vua... Cho mãi đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa thấy có ai viết báo nhiều loại khác nhau một cách tài tình và nghĩa lý như ông Vĩnh. Ông viết tin, viết xã thuyết, làm thơ, khảo cứu, phóng sự (Volonté Indochinoise) và dịch tiểu thuyết thì quả không chê được....”.

Là một người lao động sáng tạo như thế, lại ở thời nước ta còn theo tập tục phong kiến, dĩ nhiên ông Vĩnh là người đào hoa. Ông có tới ba vợ. Người vợ thứ hai chỉ sinh được một người con là Nguyễn Nhược Pháp. Năm thi sĩ của chúng ta mới lên hai tuổi, mẹ chàng vì đau đớn bởi chồng muốn cưới vợ ba nên đã tự vẫn. Thế là Nguyễn Nhược Pháp phải mồ côi mẹ từ đó...

Sống với một người cha tính tình có lẽ là phóng túng, cậu bé mồ côi mẹ Nguyễn Nhược Pháp mặc dù được chăm lo về vật chất nhưng chắc là trong thẳm sâu tâm hồn chàng luôn có một nỗi trống vắng nào đó. Chàng được cha cho ăn học đàng hoàng, đậu tú tài rồi vào Trường cao đẳng Luật khoa. Tuy nhiên, giống như cha, chàng không thích đi làm quan mà chỉ mê mải văn thơ báo chí. Ngoài thơ, Nguyễn Nhược Pháp còn viết truyện ngắn và kịch... Khác nhiều bạn cùng làng văn thuở đó, Nguyễn Nhược Pháp sống rất hồn nhiên và trong sáng: chàng không hề nghiện ả đào và thuốc phiện!--PageBreak--

Hóm hỉnh nhìn đời

Ông Nguyễn Văn Vĩnh là một người cao lớn, bệ vệ, nhưng Nguyễn Nhược Pháp chỉ cao có 1,52 m thôi, giống như những người bạn mà chàng hay giao lưu như Nguyễn Vỹ, Phạm Huy Thông... Thế nhân biết chàng như một người lúc nào cũng hay mủm mỉm cười, cái miệng như móm. Chàng cũng là người hay nói, niềm nở, lịch thiệp với mọi người. Đặc biệt, ai cũng quý chàng vì khiếu khôi hài và giọng điệu “rủ rỉ như cô gái bẽn lẽn trên đường đi chùa Hương”.

Người làm sao, thơ làm vậy, tập Ngày xưa xuất bản năm 1935 của chàng thể hiện rất rõ một phong cách Nguyễn Nhược Pháp vô tiền và khoáng hậu trong thơ Việt Nam. Đây là tập thơ chỉ có trên dưới chục bài, toàn viết về những gì “vang bóng” từ lâu lắm rồi nhưng đã làm nên một kỳ tích mà Hoài Thanh và Hoài Chân đã nhận xét trong cuốn Thi nhân Việt Nam: “Thơ in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp”.

Bằng con mắt già trước tuổi của một người luôn giữ được cái nhìn non xanh vào cuộc sống, Nguyễn Nhược Pháp đã vẽ nên được diện mạo thời xưa đầy mơ mộng, hóm hỉnh và trìu mến... Bài Sơn Tinh, Thủy Tinh mà chàng viết tặng người anh cùng cha khác mẹ Nguyễn Giang là một thí dụ. Chàng đã kể lại tích cổ bằng những chi tiết thực lôi cuốn. Thí dụ như cách hành xử của Mỵ Châu khi chứng kiến cảnh Sơn Tinh và Thủy Tinh tỉ thí với nhau:

Mỵ Nương kinh hãi ngồi trong kiệu,
Bỗng chợt nàng kêu mắt lệ nhòa
(Giọng kiêu hay buồn không ai hiểu,
Nhưng thật dễ thương): “Ô! Vì ta!”.

Khổ kết bài thơ cũng đầy tinh tế và vui tính:

Thủy Tinh năm năm dưng nước bể
Giục núi hò reo đòi Mỵ Nương.
Trần gian đâu có người dai thế,
Cũng bởi thần yêu nên khác thường.

Điểm sáng nhất trong tập Ngày xưa có lẽ là bài Chùa Hương, thiên ký sự của một cô bé ngày xưa. Nhà thơ Nguyễn Vỹ kể lại: “Bài thơ Chùa Hương là bài khá nhất trong tập thơ Ngày xưa, có một lai lịch kỳ thú không ngờ. Chuyến đi Chùa Hương ấy, Nhược Pháp đi với tôi và hai cô gái nữa, đều là nữ sinh cả. Hai cô mang theo hai máy chụp hình, còn Nhược Pháp và tôi đều đi tay không. Trèo lên đến rừng mơ bỗng chúng tôi gặp một bà cụ vừa bước lên đèo, đường gồ ghề lởm chởm, vừa niệm: “Nam mô cứu khổ cứu nạn Quán Thế âm Bồ tát...”. Cô gái quê có lẽ là con của cụ, cũng đang niệm câu ấy nhưng nửa chừng trông thấy chúng tôi là hai chàng trai nhìn cô trân trân thì cô bẽn lẽn làm thinh không niệm Phật nữa. Cô đang đọc: “Nam mô cứu khổ cứu nạn...” rồi cô im. Đôi má cô đỏ bừng, cô cúi mặt xuống. Hai đứa tôi hỏi cô: “Tại sao trông thấy chúng tôi, cô không niệm Phật nữa? Cô gái quê có vẻ đẹp ngây thơ bỗng tỏ vẻ bối rối muốn khóc”.

Không ngờ hai cô bạn nữ sinh lên chụp được tấm hình hai đứa tôi đang hỏi chuyện cô gái quê, rồi có lẽ không bằng lòng chúng tôi nên hai cô lén đi trước, và đi lúc nào chúng tôi không hay biết, cũng chẳng nói năng gì với chúng tôi cả, bỏ chúng tôi ở lại với cô gái quê. Chúng tôi mê nói chuyện với cô này, một lúc sực nhớ lại hai cô bạn, chúng tôi vội vàng đi theo nhưng không kịp. Hai cô đã lên đến chùa Ngoài, rồi lên đến chùa Tiên Sơn, lẫn trong đám đông người, biến mất dạng. Đêm ngủ trong chùa Hương, sáng hôm sau ra về, chúng tôi mới gặp lại hai cô bạn đồng hành. Tôi phải xin lỗi mãi, nhưng Nhược Pháp cứ tủm tỉm cười không nói.

Về Hà Nội, hai hôm sau, Nhược Pháp đem đến tôi bài thơ Chùa Hương, mà trong bản chép ra đầu tiên Nhược Pháp đề là Cô gái Chùa Hương. Nhược Pháp lấy cuộc gặp gỡ lý thú của chúng tôi với cô gái quê làm đề tài và tưởng tượng thêm ra, thành bài thơ đẹp, giọng ngây thơ, y như cô gái chùa Hương hôm ấy...

Trong tuần ấy, anh góp các bài thơ của mình, thành một quyển. Anh đưa tôi và hỏi:

- Có nên xuất bản không?
- Nên!

- Nhưng tiền đầu?  - Nhược Pháp cười móm mém.
- Xin ông cụ.

- Thôi, tôi mà đưa ông cụ xem cái của nợ này, thì chắc chắn là ông cụ sẽ vứt nó vào sọt rác.

- Đưa bà cụ vậy.
- Ừ, phải đấy!

Một tháng sau, quyển thơ Ngày xưa ra đời. Sách in xong mà Nguyễn Nhược Pháp vẫn rụt rè, chưa dám đưa cụ Nguyễn Văn Vĩnh xem, chỉ sợ cụ vứt vào sọt rác”.

Nghe nói, sinh thời Nguyễn Nhược Pháp có yêu một thiếu nữ tên là Thanh nhưng cuộc gặp gỡ tình cờ ấy cũng đã không mang lại được một cái gì hiện hữu cho cuộc đời thật của chàng. Người thơ, yêu cũng như sương khói, chỉ có những suy tư, cảm xúc được biến thành vần điệu là ở lại lâu dài với hậu thế mà thôi. Nguyễn Nhược Pháp qua đời vào ngày 19/11/1938. Thi nhân đôi khi cũng như danh tướng và mỹ nữ, “bất hứa nhân gian kiến bạc đầu”

HOÀNG NGUYÊN
Nguồn: CAND



NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU