Có lẽ vì vậy mà khi vào đời, tính tôi rất dễ dãi, không
khuôn phép như con nhà Nho" [1]
. Học hết bậc tiểu học ở một ngôi trường nhỏ cách nhà hai cây số, Lê Đình
Kỵ ra Huế học trung học ở Trường tư
thục Việt Anh và thi đậu tú tài phần thứ nhất tại đây. Sau đó, ông chuyển vào học
năm cuối bậc trung học ở trường Pétrus Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn. Năm
1944, sau khi thi đậu tú tài phần thứ hai, Lê Đình Kỵ về lại Quảng Nam, khởi đầu
con đường của một nhà giáo từ những lớp dạy tư ở quê nhà.
Giáo sư Lê Đình Kỵ
Học trò
của giáo sư Lê Đình Kỵ có lẽ
ít người biết được rằng người thầy
giáo hiền lành và có phần rụt rè trước đám đông ấy đã từng là một người hoạt động xã hội tích cực. Khi
Nhật đảo chính Pháp, ông hoạt động trong phong trào thanh niên Phan Anh ở Quảng
Nam. Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông tham gia khởi nghĩa ở Hội An, làm công tác
thông tin tuyên truyền, bình dân học vụ và đã có ba năm phục vụ trong quân ngũ
với nhiệm vụ của một cán bộ chỉ huy cấp tiểu đoàn. Chính trong khói lửa của cuộc
kháng chiến chống Pháp, vào năm 1949, ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt
Nam.
Sau khi xuất ngũ vì lý do sức khỏe, từ năm 1952 đến năm
1954, ông dạy học ở trường trung học Lê Khiết, một ngôi trường nổi tiếng cuả Liên khu 5 thời chống Pháp. Đầu
năm 1955, ông tập kết ra miền Bắc, tiếp tục dạy học ở trường cấp 3 Nguyễn Trãi,
Hà Nội rồi trường cấp 3 Lương Ngọc
Quyến, Thái Nguyên. Từ năm 1958, ông được chuyển về dạy ở Khoa Ngữ văn trường Đại
học Tổng hợp Hà Nội, lúc này vừa mới thành lập được hai năm. Sau khi đất nước
thống nhất, ông được cử vào giảng bài tại trường Đại học Văn khoa TP. Hồ Chí
Minh và đến năm 1980 thì chuyển hẳn về làm việc tại trường này – nay là trường Đại học Khoa học xã
hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh – cho đến ngày nghỉ hưu.
Hơn nửa thế kỷ
gắn bó với ngành giáo dục, giáo sư Lê Đình Kỵ đã góp phần đào tạo hàng
ngàn học sinh, sinh viên. Sau khi về hưu, ông vẫn tiếp tục đến lớp giảng các chuyên đề đại học và sau đại học, đồng
thời hướng dẫn thành công nhiều luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ. Trong 40
năm miệt mài trước tác, ông đã hoàn thành và cho công bố 19 công trình
nghiên cứu với gần 5000 trang sách. Đó là chưa kể hàng trăm bài viết đã đăng trên các báo, tạp chí ở Hà Nội, TP.
Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác. Những đóng góp của ông trên lĩnh vực văn
hóa – giáo dục và các hoạt động xã hội đã được ghi nhận một cách xứng đáng. Năm
1984 ông được phong học hàm giáo sư
mà không qua giai đoạn phó giáo sư; năm 1988 ông lại được trao tặng danh hiệu
Nhà giáo nhân dân mà không qua giai đoạn Nhà giáo ưu tú. Bên cạnh những huân
chương kháng chiến, tấm huân chương lao động hạng nhất (1995) và Giải thưởng Nhà
nước về văn học nghệ thuật (2001) là những bằng chứng cho thấy sự đánh giá cao
của xã hội đối với những cống hiến của ông trên lĩnh vực sư phạm và học thuật.
Có thể nói Lê
Đình Kỵ đã xuất hiện với tư
cách một nhà khoa học bắt đầu từ những năm tháng giảng dạy ở trường Đại học Tổng
hợp Hà Nội. Với vốn chữ Hán và tiếng Pháp được trau dồi trong những năm trước
đó, ông bắt đầu học tiếng Nga để dịch thuật các sách tham khảo về lý luận
văn học và văn học xô-viết. Thế hệ sinh viên đầu những năm 60 hẳn còn nhớ hai
công trình mà ông và các đồng nghiệp đã dịch từ nguyên bản tiếng Nga: Những cuộc
thảo luận về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô của V. Serbina và
A. Vasenco (NXB Văn học, Hà Nội, 1961); Nguyên lý lý luận văn học của L.
Timofeev (NXB Văn hóa – Viện Văn học, Hà Nội, 1962). Ông là một tấm gương tự học kiên trì và bền bỉ để tự
đào tạo thành một nhà trí thức, một giáo sư đại học. Ông cũng là một trong những người đầu tiên ở nước ta tham gia
xây dựng bộ giáo trình lý luận văn học được sử dụng ở nhà trường trong điều kiện mà giới nghiên cứu và
giảng dạy còn thiếu thốn rất nhiều tài liệu.
Công trình đầu tiên của Lê Đình Kỵ được xuất bản thành
sách là cuốn Các phương pháp nghệ
thuật, tập IV, trong bộ Những nguyên lý về lý luận văn học, được nhà xuất
bản Giáo Dục ấn hành năm 1962. Do tính chất phức tạp của vấn đề, cuốn sách mỏng
chỉ 122 trang này đã gây ra một cuộc tranh luận khá gay gắt gần suốt một năm
ròng trên tạp chí Nghiên cứu văn học lúc đó. Cuộc tranh luận thu hút cả những
nhà nghiên cứu lên tiếng bênh vực ông như Hoàng Xuân Nhị, Đỗ Huy một bên và những người phê phán ông như Nguyễn
Xuân Nam, Nam Mộc, Duy Lập… cùng một vài người tự xưng là "công nhân"
ở một bên khác.
Nhằm khắc phục
bệnh công thức sơ lược và ngăn ngừa chủ nghĩa minh họa, đồng thời đề cao tính đặc
thù của sáng tạo nghệ thuật, Lê Đình Kỵ viết: "Xuất phát từ thế giới
quan như nhau, từ cách nhìn
xã hội và tự nhiên như nhau, nhà văn
không phải chỉ có làm cái việc đơn giản là chuyển những nguyên tắc của thế giới
quan vào sáng tác văn nghệ, mà là phải nắm vững loại biệt tính của nghệ thuật,
sử dụng những phương tiện đặc biệt trong việc thể hiện bằng hình tượng và bằng điển hình hóa những hiện
tượng cuộc sống. Nói đến phương pháp
nghệ thuật là nói đến tính độc đáo trong sự cảm thụ và và lĩnh hội thực tại. Hình
tượng văn học không phải là sự minh
họa giản đơn cho một lý tưởng
nhất định mà là sự khái quát hóa thực tại…" [2].
Quan niệm này được Đỗ Huy đồng cảm và chia sẻ:
"Chúng ta không thể bác bỏ những phẩm chất thẩm mỹ của đối tượng nghệ thuật,
cho nên chúng ta không thể bác bỏ tính độc đáo của phương pháp sáng tác (…) Nếu
không nhấn mạnh tính độc đáo của phương pháp nghệ thuật thì sẽ xóa ranh
giới giữa phương pháp nghệ thuật và
các phương pháp khoa học khác, sẽ đồng nhất phương pháp nghệ thuật với thế giới
quan, với lập trường tư tưởng chung của nghệ sĩ. Rõ ràng đó là công việc
làm máy móc sẽ đưa đến sự tầm thường hóa nghệ thuật"[3].
Điều này hơn
hai mươi năm sau, trong một bài viết về sự nghiệp của Lê Đình Kỵ, Hà
Công Tài lại càng thấy rõ hơn:
"Khi nói về tính độc đáo của phương pháp, ông không nhầm lẫn giữa phương
pháp và phong cách. Một bên là độc đáo của nguyên tắc phản ánh, còn một
bên là độc đáo của cá tính sáng tạo (…) Ông không tuyệt đối hóa vai trò của phương pháp, hay nhấn mạnh tính đặc thù một
cách cô lập, dẫn tới cách hiểu phiến diện, làm cho văn học chỉ là thứ minh họa
giản đơn hay chơi vơi tách rời cuộc sống"[4].
Nhưng vào
đương thời, quan niệm đó không thể được những người chủ trương "coi trọng
nguyên tắc" chấp nhận: "Nhấn mạnh tính độc đáo của phương pháp nghệ
thuật sẽ dẫn đến tình trạng người sáng tác không ra công chú ý học tập phương pháp – những nguyên tắc chung – mà chỉ đi sâu
vào phong cách của mình"[5]. Sở dĩ như vậy là vì văn nghệ sĩ phải phấn đấu noi
theo một phương pháp sáng tác đúng nhất và tốt nhất và điều đó là ưu tiên hàng đầu so với vấn đề phong cách
mà, tuy không ai phủ nhận, vẫn trở thành thứ yếu so với những nguyên tắc kia.
Tuy nhiên, đó
chưa phải là điều khiến cuốn sách đầu tay của Lê Đình Kỵ bị phê phán
nghiệt ngã nhất. Điều mà một số nhà nghiên cứu lúc đó không thể bỏ qua là việc
tác giả Các phương pháp nghệ thuật đã
trình bày chủ nghĩa hiện thực trong mối quan hệ với chủ nghĩa nhân đạo và đặt vấn
đề nghiên cứu ý nghĩa toàn nhân loại của điển hình nghệ thuật. Vấn đề này ngày
nay có thể xem là bình thường, nhưng
cách đây 40 năm thì chưa phải
đã được sự nhất trí trong học giới, nhất là khi nó vấp phải quan điểm
giai cấp luận đang chi phối nặng nề đời sống nghiên cứu và phê bình văn học.
Phải đặt trong bối cảnh đó mới hiểu vì sao Nguyễn Xuân
Nam viết: "Chúng tôi cho rằng chỗ yếu nhất trong tập sách, nguồn gốc chính
của những thiếu sót sai lầm là chưa
chú ý đúng mức đến tính giai cấp của văn học, đến tác dụng chỉ đạo của
thế giới quan trong toàn bộ quá trình sáng tác"[6]. Và không phải
ngẫu nhiên mà trong bài phê bình cuốn sách của Lê Đình Kỵ, Nam Mộc đã dẫn tư tưởng Mao Trạch Đông "trong xã
hội có giai cấp, tính người phải có
tính giai cấp, không có tính người nào đứng ngoài tính giai cấp cả"[7],
trước khi phát biểu ý kiến của mình: "Do đó khi nghiên cứu, phê
bình, muốn phân tích cái hay, cái dở, cái đúng, cái sai và tác dụng nhận thức,
giáo dục, thẩm mỹ của một tác phẩm, một hình tượng, không thể không trực tiếp vận dụng phương pháp phân tích giai cấp, không
thể không trực tiếp thông qua tính giai cấp"[8]. Chính vì
vậy mà mặc dù thừa nhận Lê Đình Kỵ đã viết "những trang lý luận súc tích,
có nhiều tìm tòi, suy nghĩ" (Nguyễn Xuân Nam), các nhà phê bình vẫn cho rằng
ông "đã tỏ ra lúng túng, thiếu sót, thậm chí có lệch lạc, sai lầm ở một số
trường hợp" (Nam Mộc), nhất là
đã rơi vào "luận điệu
siêu giai cấp" (Nguyễn Xuân Nam) và "duy tâm chủ quan" (Vũ Ý
Nhi).
Trong một hoàn cảnh cực đoan của đời sống văn học, sự phê
phán nặng nề và oan uổng nói trên không thể không làm Lê Đình Kỵ nao núng. Khi
tìm cách tự bảo vệ mình, ông đã phải thừa nhận "những hạn chế" của cuốn
sách "về mặt tư tưởng và nghiệp
vụ"; thậm chí bảy năm sau ông còn tự kiểm điểm và rút lại một ý kiến
của S. Petrov về "nội dung toàn nhân loại" của tác phẩm cổ điển mà
ông từng trích dẫn làm cơ sở cho lập
luận của mình vì cho rằng nó "đã coi nhẹ tính giai cấp, xem tính
giai cấp chỉ là một cái gì hình thức tạm bợ, không thuộc bản chất của điển hình
văn học"[9].
Tất nhiên, do những quy định của lịch sử, cuốn Các phương
pháp nghệ thuật không thể tránh khỏi hạn chế; nhưng giờ đây, đọc lại nó sau hơn
40 năm, chúng tôi nhìn thấy những hạn chế đó chủ yếu ở những kiến giải có phần
sơ lược và khô cứng của thuyết hình tượng và lý thuyết về phương
pháp nghệ thuật nói chung, chủ nghĩa hiện thực nói riêng, trong lý luận
văn học xô-viết lúc đó mà ảnh hưởng
của nó không chỉ chi phối riêng một mình Lê Đình Kỵ. Trong khi đó thì
chính những chỗ nhạy cảm nhất của cuốn sách đã làm phật ý một số nhà nghiên cứu
lại là những chỗ, dù chỉ là những nét còn mong manh, thậm chí chưa định hình rõ rệt, dự báo cho sự đổi mới
trong nghiên cứu và phê bình văn học rồi sẽ phải trải qua nhiều thăng trầm nữa
mới tự thể hiện được chính mình.
Cả hai phương
diện đó có lẽ ít nhiều Lê Đình Kỵ đều cảm thấy, nên ông đã tìm câu trả lời
hợp lý nhất đối với học giới là âm thầm và kiên trì theo đuổi, đào sâu hướng nghiên cứu mà mình đã chọn.
Sau này, ông tiếp tục viết lại, bổ sung, sửa chữa những luận điểm về các phương
pháp sáng tác và trào lưu nghệ thuật,
để cho nó vừa có tính chất cập nhật và thỏa đáng hơn, vừa tránh được những điều
tiếng gây bất lợi cho một công trình được sử dụng trong nhà trường. Mặc dù có những chỗ còn có thể
tiếp tục thảo luận như có nên phân
biệt chủ nghĩa lãng mạn tích cực và chủ nghĩa lãng mạn tiêu cực hay
không và phân biệt như thế nào, mở rộng
biên độ của chủ nghĩa hiện thực đến đâu, những chương sách này của Lê Đình
Kỵ chứng tỏ sự lao động công phu và những suy nghĩ nghiêm túc của một người làm khoa học.
Hẳn nhiên vấn
đề chủ nghĩa hiện thực đã có sức cuốn hút mạnh mẽ giới nghiên cứu một thời.
Lê Đình Kỵ đã trình làng không dưới
ba lần những văn bản lý luận về chủ nghĩa hiện thực. Nhưng ông không dừng lại ở đó. Ông muốn vận dụng lý
luận về chủ nghĩa hiện thực để khảo sát một hiện tượng văn học tiêu biểu là
Truyện Kiều của Nguyễn Du. Theo lời kể của ông, cái nhan đề Truyện Kiều và chủ
nghĩa hiện thực của Nguyễn Du đã do nhà xuất bản thêm vào ba chữ sau. Nhưng dù không có ba chữ "của Nguyễn
Du", thì vấn đề nhấn mạnh mối quan hệ của kiệt tác này với những đặc
điểm của chủ nghĩa hiện thực vẫn còn nguyên đó. Quả là một nghịch lý, hướng nghiên cứu mà về sau này có người xem
là hiện đại hóa Truyện Kiều đã giúp Lê Đình Kỵ đạt được những kết quả hết
sức thuyết phục trong một công trình được xem như đỉnh cao trong sự nghiệp trước
tác của ông. Công trình này được khởi thảo từ năm 1965, trong dịp kỷ niệm 200
năm ngày sinh Nguyễn Du, được xuất bản lần đầu năm 1970 và cho đến nay đã in đến
lần thứ tư. Trong lịch sử nghiên cứu và phê bình văn học ở ta, số công trình có
may mắn và vinh dự được bạn đọc đón nhận như vậy không phải nhiều lắm. Nhiều thế
hệ sinh viên đã biết đến Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực như một giảng khóa đặc sắc ở đại học. Nhiều nhà
nghiên cứu, phê bình đã tìm thấy ở đây không chỉ tư duy khái quát và khả
năng kiến giải của một nhà lý luận mà còn cả sự cảm thụ tinh tế, năng lực phân
tích sắc sảo của một ngòi bút phê bình. Đúng như Nguyễn Lộc, một chuyên gia
hàng đầu về Truyện Kiều, đã nhận định: "Giáo sư Lê Đình Kỵ chuyên giảng dạy
lý luận văn học, đồng thời là một nhà phê bình thơ quen biết. Chính lý luận văn học đã giúp
anh tìm được một hướng tiếp cận Truyện Kiều mới mẻ và khả năng thẩm thơ, bình
thơ giúp anh truyền đạt được cái
hay, cái đẹp trong nhiều câu thơ mà người ta có thể thuộc nhưng không phải ai
cũng cảm nhận, thấm thía hết được"[10].
Nhìn
Truyện Kiều như một cấu trúc thẩm mỹ
nằm trong toàn bộ thế giới nghệ thuật của Nguyễn Du và là sản phẩm của một hoàn
cảnh xã hội - lịch sử nhất định, Lê Đình Kỵ đã trình bày và biện giải một
cách thuyết phục cơ sở tư tưởng - thẩm
mỹ cũng như quan niệm về con người và nghệ thuật của nhà thơ. Tác giả cuốn sách
đã chỉ ra đâu là huyền thoại và đâu là thực chất trong triết lý về Tài,
Mệnh, Tâm của Truyện Kiều. Những trang hay nhất của cuốn sách được dành để viết
về thế giới nhân vật đa dạng và sống động của Nguyễn Du, từ Thúy Kiều, Kim Trọng,
Từ Hải cho đến Tú Bà, Hoạn Thư, Mã
Giám Sinh… Với giọng văn uyển chuyển và nhuần nhị, những trang sách này có thể
xem là một dẫn chứng điển hình về sự tiếp nhận Truyện Kiều từ chỗ đứng của một
con người hiện đại có tầm văn hóa cao. Và từ niềm xác tín trên con đường nghiên
cứu của mình, Lê Đình Kỵ đã bày tỏ một thái độ nồng nhiệt đối với cảm hứng nhân
đạo chủ nghĩa của Nguyễn Du trong việc nhìn nhận thế giới và con người. Ông viết: "Sức mạnh của câu thơ
Kiều không hẳn là ở chỗ khám phá ra những hình tượng chưa ai hình dung được, những ý nghĩ
chưa ai ngờ tới, mà là ở cái tình người, tình đời thăm thẳm mà Nguyễn Du đưa vào cái nhìn, cái nghe, cái
nghĩ của mình, vào một vầng trăng, một dòng suối, một ngàn dâu, một tiếng chim,
một ngọn lá. Đến đá dưới ngòi bút Nguyễn Du cũng mềm đi trước những đau khổ của
con người"[11]. Đằng sau đoạn văn này có cả bề dày của một quá
trình suy ngẫm về văn học. Ai bảo là những gì tác giả viết ra cách nay gần bốn
thập kỷ lại không góp phần soi sáng những vấn đề thời sự của lý luận và thực tiễn
văn học, như vấn đề văn học phản ánh hiện thực, vấn đề đặc trưng của sáng tạo
nghệ thuật?
Mặc dù có "sự dè dặt của tác giả trên những vấn đề vốn
hóc búa" như Nguyễn Lộc đã nhận xét, Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực vẫn
là một công trình thể hiện đầy đủ bút lực của một nhà nghiên cứu có uy tín. Cuốn
sách gợi cho ta ý nghĩ rằng có lẽ trong đời mình mỗi nhà nghiên cứu chỉ cần viết
nên một cuốn sách thật đích đáng. Hẳn tác giả cũng nhận ra rằng các công trình
khác của ông, dù có những đóng góp nhất định, vẫn khó lòng vượt qua cuốn sách này. Và khi mà khoa nghiên cứu
văn học ngày càng có thêm nhiều công cụ mới do phong cách học, thi pháp học, ký
hiệu học… cung cấp, thì công trình này vẫn vừa là một thách đố để các nhà
nghiên cứu hôm nay và ngày mai vượt
qua, vừa để lại những khoảng trống cho các thế hệ sau tiếp tục tìm tòi,
suy nghĩ trên những vấn đề không dễ gì có tiếng nói khoa học sau cùng.
Vấn đề chủ nghĩa hiện thực phương Đông nói chung, chủ
nghĩa hiện thực trong văn học cổ điển Việt Nam nói riêng, cho đến nay, chưa phải
đã được bàn luận thấu đáo. Thời Lê Đình Kỵ viết cuốn sách này, ở nước ta không phải không có xu hướng vận dụng
những tiêu chí của chủ nghĩa hiện thực phương Tây vào việc nghiên cứu những giá
trị của văn học cổ điển Việt Nam và đã không tránh khỏi ít nhiều khiên cưỡng. Chính Lê Đình Kỵ cũng nhận thấy
rằng chủ nghĩa hiện thực là cái áo quá chật so với cơ thể cường tráng của Truyện Kiều: trong một bản
in ở Nhà xuất bản Cửu Long năm 1988, ông đã không ngần ngại đổi tên cuốn
sách này là Truyện Kiều, đỉnh cao văn học.
Thành ra, không thể
phủ nhận là có một độ chênh nhất định giữa lý thuyết của chủ nghĩa hiện thực và
thế giới nghệ thuật của Nguyễn Du. Âu đó cũng là nỗi ám ảnh của một thời. Nhưng đúng như Trần Đình Sử đã nhận
xét một cách thỏa đáng, Lê Đình Kỵ đã "vượt lên cái khung ông tự đặt cho mình"[12]. Và nói một
cách công bằng, lý thuyết chủ nghĩa hiện thực, dù còn có phần đơn giản, không
phải không cung cấp những gợi ý quan trọng cho nhà nghiên cứu khám phá chiều
sâu của nội dung và nghệ thuật Truyện Kiều: "Thành công đáng kể của Lê
Đình Kỵ là ông đã vận dụng nhuần nhuyễn các khái niệm tính cách, cá tính, hoàn
cảnh, chi tiết để phân tích tính thống nhất toàn vẹn, sinh động của các nhân vật
Truyện Kiều. Có thể nói đó là sự nghiên cứu thi pháp Truyện Kiều theo thi pháp
của chủ nghĩa hiện thực. Đồng thời đối chiếu với thi pháp của chủ nghĩa hiện thực
cũng làm cho nhà nghiên cứu thấy rõ nhiều đặc trưng nghệ thuật riêng của Truyện
Kiều mà ông gọi là “những ràng buộc của mỹ học đương thời…" [13]
. Về sau này Lê Đình Kỵ nói rõ hơn ý
mình: "Tôi cố gắng tìm hiểu những tư liệu lịch sử về thời đại và cuộc đời Nguyễn Du; căn cứ vào chính văn bản
và các hình tượng trong Truyện
Kiều để thuyết phục người đọc rằng Truyện Kiều vĩ đại không chỉ vì phương pháp sáng tác mà còn phụ thuộc
vào các yếu tố khác. Bởi vì thực ra những gì mà Nguyễn Du thể hiện qua Truyện
Kiều khiến chúng ta chỉ có thể hình dung đến một chủ nghĩa hiện thực phôi thai,
một chủ nghĩa hiện thực trong giai đoạn sơ kỳ của nó mà thôi" [14].
Với tư cách là
một nhà phê bình văn học, ngay từ bài phê bình đầu tay in trên báo Văn
nghệ năm 1959, Lê Đình Kỵ đã chứng tỏ sự quan tâm sâu sắc đối với công việc của
các nhà văn Việt Nam hiện đại. Ông đã có nhiều bài viết kịp thời về các sáng
tác của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông,
Nông Quốc Chấn, Bằng Việt, Lưu Quang
Vũ, Phạm Tiến Duật… Ông cũng suy nghĩ về sứ mệnh của nhà phê bình qua
các bài viết về Đặng Thai Mai, Hải Triều, Hoài Thanh, Chế Lan Viên, Xuân Diệu…
Mặc dù không khỏi bị giới hạn bởi tính thời sự của thể loại phê bình, các trang
viết của Lê Đình Kỵ vẫn lấp lánh những phát hiện sắc sảo của một tâm hồn mẫn cảm
và tinh tế. Những bài phê bình của ông đã lần lượt được tập hợp trong các cuốn sách Đường vào thơ (NXB Văn học, 1969), Trên đường văn học (2 tập,
NXB Văn học, 1995) và Phê bình - nghiên cứu văn học (NXB Giáo dục,
1998). Chuyên phê bình thơ, một số
bài viết của ông đã trở thành những bài phê bình tiêu biểu được in lại
nhiều lần để làm tài liệu tham khảo trong nhà trường trung học và đại học như các bài về thơ Hồ Chí Minh, thơ Chế Lan Viên,
thơ Xuân Diệu…
Cùng với mối
quan tâm dành cho văn học hiện đại, càng về sau, Lê Đình Kỵ càng mở rộng
tầm khảo sát của mình đến văn học quá khứ của dân tộc. Có thể nói ông là một
trong những nhà nghiên cứu đã có công vận dụng lý luận văn học để soi sáng vào
những tác gia và tác phẩm cổ điển mà giá trị tưởng chừng đã ổn định, không cần gì phải bàn luận thêm. Hay cũng có
thể nói ngược lại, từ việc khảo sát
văn học truyền thống, Lê Đình Kỵ đã góp phần làm sáng tỏ quy luật phát
triển của văn học nước nhà. Ngoài Truyện Kiều, Văn chiêu hồn và thơ chữ Hán của Nguyễn Du, ông còn có
những trang viết công phu về di sản lý luận của cha ông ta, về Nguyễn Đình Chiểu
và Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương và
Tú Xương, Chiêu Anh Các và Đông Kinh Nghĩa Thục, cả về những tác phẩm văn học
dân gian như Mỵ Châu Trọng Thủy, Chử Đồng Tử, Trương Chi…
Thật ra cũng
khó mà phân biệt rạch ròi đâu là tính chất nghiên cứu và đâu là tính chất
phê bình trong sự nghiệp trước tác của
Lê Đình Kỵ. Từ những bài phê bình riêng lẻ về Tố Hữu, ông đã tổng hợp và
nâng cao thành một chuyên luận dày dặn với hơn 500 trang do nhà xuất bản Đại học và trung học chuyên nghiệp ấn hành năm
1979, trong đó giới thiệu các chặng đường sáng tác, những chủ đề chính và phong
cách tư tưởng - nghệ thuật của nhà thơ. Từ những ý kiến về thơ lãng mạn thời kỳ 1932-1945 được
trình bày ở nhiều nơi, Lê Đình
Kỵ đã phát triển thành một khảo luận dày 350 trang có nhan đề Thơ Mới – những
bước thăng trầm do Nhà xuất bản TP Hồ Chí Minh in năm 1988, tái bản năm 1993.
Có thể nói đây là một thành quả mang dấu ấn rõ rệt của thời kỳ đổi mới trong
nghiên cứu và phê bình văn học. Trước vị trí không thể thay thế được của Thi
nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân, cuốn Thơ Mới – những bước thăng trầm đã tiếp cận
thơ lãng mạn 1932-1945 từ chỗ
đứng của ngày hôm nay, nhìn lại lịch sử vấn đề rất phức tạp của hiện tượng văn
học này mà tìm cách "chiêu tuyết" cho nó.
Là một nhà nghiên cứu theo quan điểm mác-xít, Lê Đình Kỵ
luôn khẳng định bản chất xã hội của văn học, đồng thời rất coi trọng những đặc
trưng của văn học, đề cao sự độc đáo của phong cách và cá tính sáng tạo nơi những bậc thầy của nghệ thuật ngôn từ
trong việc tái hiện đời sống và biểu hiện tâm hồn con người. Những bài viết của
ông về Phong cách trong văn học, Tư duy hình tượng và ngôn ngữ văn học, Chân lý nghệ thuật,
Nghề văn… chứng minh điều đó. Đó cũng là hướng đi mà ông trung thành trong thực tiễn phê bình.
Nguyễn Văn Hạnh, người từng cộng tác với Lê Đình Kỵ trong
việc biên soạn giáo trình lý luận văn học, có lẽ đã hiểu được thế mạnh ngòi bút
của ông: "Quan tâm đến cả nội dung và hình thức, cả phương diện tư tưởng, nghệ thuật và ngôn ngữ, cả giá
trị nhân văn và thẩm mỹ của văn học, nhưng cũng giống như nhiều nhà nghiên cứu
cùng thế hệ, Lê Đình Kỵ có thiên hướng và cũng có sở trường hơn về phân tích nội dung ý thức xã hội của
văn học. Nhưng đây là nội dung gắn liền với hình thức, được biểu hiện qua ngôn
từ, vần nhịp, giọng điệu, kết cấu, nội dung mang chất nhân bản, nhân văn, thể
hiện một cách sinh động, đặc sắc cuộc sống và tâm hồn của người nghệ sĩ" [15]. Và trong đời một
người viết văn – sáng tác cũng như nghiên cứu, phê bình – hạnh phúc nhất
là tạo được cho mình một phong cách riêng và phong cách đó lại được đồng nghiệp
và bạn đọc thừa nhận: "Lê Đình Kỵ hầu như chỉ viết về những gì mình thích, chỉ nói về cái hay, cái đẹp của
thơ, của văn chương. Văn phong của anh biểu đạt cách cảm nghĩ của anh, tâm hồn
của anh, sáng sủa, khúc chiết, đồng thời cũng rất uyển chuyển, biến hóa, có
duyên. Đọc Lê Đình Kỵ, lắm khi người
ta bị lôi cuốn không chỉ bởi nội dung mà còn bởi cách trình bày, bởi những
ý, những chi tiết thú vị, bởi văn của người viết. Với sự nhạy cảm và tinh tường quý hiếm ở một nhà nghiên cứu,
anh Lê Đình Kỵ thực sự là một người
đồng sáng tạo trong tìm hiểu các giá trị thi ca, các giá trị văn chương mà
anh đã dành nhiều thời gian để suy ngẫm, chiêm nghiệm, phát hiện ra những vẻ đẹp
mới và giới thiệu với mọi người một
cách hứng thú và xúc động" [16].
Nhận xét này
cũng gặp gỡ với ý kiến của Nguyễn Lộc, người đã nhiều năm cùng làm việc với Lê Đình Kỵ ở trường đại học: "Có công trình nghiên cứu
lúc nào cũng cố tỏ ra đạo mạo, tỉnh táo, tự tách mình ra khỏi tác phẩm, tưởng như thế mới giữ được khách quan
"khoa học". Ở Lê Đình Kỵ, trước hết là phải sống hết mình với tác phẩm, phải cảm nhận cho được
cái hay cái đẹp của nó, rồi từ đó mới đi vào phân tích, khái quát, diễn giải.
Cách làm này quả đã giúp anh có nhiều phát hiện tinh tế gây ấn tượng mạnh và viết được nhiều trang lôi cuốn, hấp dẫn.
Đọc văn nghiên cứu của Lê Đình Kỵ, nhiều lúc có cảm giác như đọc văn nghệ thuật được viết ra một cách
hứng thú, có cá tính" [17].
Gần 35 năm trước,
Vương Trí Nhàn, một trong những cây bút
góp phần tạo nên diện mạo của phê bình Việt Nam đương đại, từng viết về
phong cách phê bình của Lê Đình Kỵ qua tập Đường vào thơ: "Anh nhập được vào tác giả như một người
trong cuộc, để thấy chỗ dễ, chỗ khó. Càng những chỗ mịt mờ sương khói, thơ lung
linh ẩn hiện, như ở giữa cái dễ dàng và dễ dãi, cái say và cái tỉnh, cái
khái niệm và tư tưởng thơ ca…, Lê Đình
Kỵ lại càng tỏ ra có sự tinh tế của một nhà phê bình. Anh vừa theo sát các tác
giả trong từng bài thơ, từng câu
thơ, lại vừa chú ý để từ đó mở rộng ra, nâng cao, khái quát. Hơn một sự
phẩm bình cụ thể, người viết muốn
truyền đến ta một tình cảm, một cách nhìn, một lý tưởng thẩm mỹ như anh vẫn nói…" [18]. Mới đây, Vương Trí Nhàn còn nhắc
đến Lê Đình Kỵ khi nhớ lại thuở mới vào nghề: "Khoảng đầu những năm 60
trên báo chí văn nghệ ở Hà Nội thấy nổi lên một lối viết phê bình mà trong tầm
mắt của một cậu học trò cấp 3 Chu Văn An như tôi, nghe có vẻ rất mới, khiến tôi
mải miết học theo, tất nhiên theo lối học lỏm. Người tôi mê nhất lúc ấy là Lê Đình Kỵ"[19]
.
Kể lại những kỷ niệm về người thầy mà mình chịu ơn,
Phạm Quang Long viết rằng ông đã chọn học ngành Văn một phần vì yêu
thích văn phê bình của Lê Đình Kỵ từ khi còn ở trung học: "Bài viết của thầy
Kỵ về thơ Chế Lan Viên theo trí nhớ
của tôi là Những biển cồn hãy đem đến trong thơ thu hút tôi một cách kỳ
lạ. Sự tinh tế trong cảm thụ, những kiến giải sâu sắc của một tư duy mãnh liệt
như thế lần đầu tiên tôi bắt gặp
trong sách vở đã gợi bao xúc động trong tôi" [20].
Nói về phê bình văn học, Lê Đình Kỵ quan niệm: "Chọn
phê bình văn học là phải am hiểu lý luận văn học, phải biết chấp nhận những ý
kiến trái ngược nhau; nhưng trước hết thái độ của người phê bình là vì học thuật
và thực sự cầu thị, hướng tác giả -
tác phẩm - công chúng đến Chân Thiện Mỹ và hoàn toàn vì nghệ thuật. Một
tác phẩm (sáng tác, phê bình) ra đời mà không ai đọc thì có cũng như không. Có người đọc, nhưng mơ hồ không thấy
hay dở ở chỗ nào và vì sao thì cũng thật đáng tiếc cho tác giả cũng như
cho bản thân người đọc. Phê bình có tác dụng bổ khuyết cho khoảng trống này, cố
gắng là nhịp cầu nối liền tác giả, tác phẩm với công chúng, làm cho tác phẩm có
giá trị trở lại sống nơi người đọc,
trong chiều sâu tư tưởng và nghệ thuật của nó"[21].
Khẳng định vai
trò của trực giác, trực cảm trong phê bình, đề cao đóng góp của Hoài
Thanh, nhưng Lê Đình Kỵ không
muốn lấy một lối phê bình nào làm khuôn mẫu. Ông nói: "… đi vào phê bình,
thẩm định văn học, đòi hỏi đầu tiên là hiểu văn học đúng với văn học, nhìn nhận
mỗi tác phẩm đúng với cái hay cái dở của nó, mà cái hay cái dở ở đây có muôn
vàn sắc độ, thường chỉ có thể phát hiện, cảm thụ bằng trực giác trực cảm. Khả
năng này có được một phần nhờ bẩm sinh, một phần nhờ trải qua quá trình tiếp
xúc với những giá trị văn học chân chính do hàng trăm ngàn tài năng, thiên tài
văn học trong nước và trên thế giới tạo ra (…) Không có Thi nhân Việt Nam thì
Thơ Mới cũng vơi đi một phần giá trị.
Bây giờ không thể dừng lại, dẫm chân tại chỗ với lối phê bình kiểu Hoài
Thanh. Ai đó muốn đem cái hào quang của sáng tác để phủ lấp ý nghĩa của phê
bình, nghiên cứu. Đặt vấn đề hơn thua giữa sáng tác và phê bình để làm gì chứ?
Vấn đề là chất lượng, còn dở
thì dù sáng tác hay phê bình cũng đều vô ích như nhau" [22].
Từ những trang viết của Lê Đình Kỵ toát lên một ý tưởng chủ đạo này: Để cho phê bình
có thể có tác động đến tiến trình văn học và tồn tại được với thời gian, thì
nhà phê bình phải là người đồng hành
với người sáng tác và người đọc trong sự nghiệp xây dựng một nền văn học giàu
tính nhân văn và đậm đà tinh thần dân tộc. Viết phê bình trước hết là để góp phần làm cho văn học đơm
hoa, kết trái và phát triển sinh sắc trong niềm hy vọng chứ không phải truy bức
cho nó lụi tàn đi trong nỗi hoang mang và niềm sợ hãi.
Trong nghiên cứu,
phê bình, Lê Đình Kỵ vốn là người thận
trọng khi đánh giá những hiện tượng mới. Ông không bao giờ tán thành những biểu
hiện thái quá và cực đoan trong sáng tác và phê bình. Nhưng mặt khác, ông cũng chưa lần nào tỏ ra nặng lời
dè bỉu làm nản chí những nỗ lực tìm tòi của các thế hệ đến sau. Có thể
tìm thấy ở ông tấm gương của một nhà
giáo, một nhà khoa học luôn thể hiện tính đòi hỏi cao trong công việc, đồng
thời một tấm lòng nhân ái, bao dung đối với lớp trẻ. Những ai từng có dịp làm
việc với ông hẳn đều chia sẻ nhận xét của Nguyễn Văn Hạnh: "Trong giảng dạy
cũng như trong nghiên cứu văn học, anh Lê Đình Kỵ là người có trách nhiệm cao và có chủ kiến rõ
ràng. Nhưng vốn là người hiền lành,
độ lượng, anh thích nói về những biểu hiện tích cực của cuộc sống, biết lắng
nghe và chờ đợi, khơi dậy tính chủ động và sáng kiến của học trò, động
viên những thành công bước đầu của
những cây bút trẻ. Đương nhiên, có thể có một thái độ khác, một cách ứng xử
khác trong cuộc sống, trong quan hệ với người đời, mạnh mẽ hơn, dứt khoát hơn,
thậm chí quyết liệt hơn. Nhưng kinh nghiệm cho thấy là trong những lĩnh vực phức
tạp và tế nhị như công tác đào tạo, như hoạt động văn học thì cách tiếp
cận của anh Lê Đình Kỵ, cách nghĩ và cách viết của anh thường tỏ ra hợp tình hợp lý hơn, có hiệu quả hơn"[23].
Chứng kiến và
tham gia trực tiếp vào những biến động của đời sống văn học gần nửa thế kỷ qua,
Lê Đình Kỵ hẳn cảm nhận sâu sắc những vui buồn nghề nghiệp cũng như ý thức rõ về những thử thách mà
người làm lý luận, phê bình
phải đối diện. Những trang viết, dù là sáng tác hay nghiên cứu, phê bình, chấp
nhận làm chức năng minh họa cho những giá trị nhất thời, thì khó mà tránh khỏi
một số phận ngắn ngủi, hẩm hiu. Nhà khoa học không thể không bị quy định bởi một
hoàn cảnh lịch sử cụ thể, nhưng đồng
thời cũng biết vượt thoát khỏi hoàn cảnh và tác động trở lại hoàn cảnh. Những gì
họ viết ra không chỉ là bằng chứng ghi dấu cái thời đại họ sống, mà còn là tấm
gương phản ánh bộ mặt tinh thần của
người trí thức luôn coi trọng lương tri và lẽ phải, luôn kiên trì với những
xác tín khoa học của mình ngay trong điều kiện bất lợi nhất. Vì vậy, giá trị và
ý nghĩa của những tài sản tinh thần họ để lại nhiều khi không phải là chân lý
vĩnh cửu cho mọi nơi, mọi thời; mà
chính là bài học về lương tri và khát vọng tìm chân lý cho những ai tin
tưởng vào sự tiến bộ và nỗ lực phấn
đấu cho sự tiến bộ trên con đường nghiên cứu khoa học.
GS.TS HUỲNH
NHƯ PHƯƠNG
Lời giới thiệu Tuyển
tập Lê Đình Kỵ, NXB Giáo Dục,
Hà Nội, 2006.
_____________________
[1] Giáo sư,
nhà giáo nhân dân Lê Đình Kỵ (Cát Uyên –
Phan Hoàng thực hiện), Tạp chí Kiến thức ngày nay, số 211, ngày 01-6-1996, tr.
6.
[2] Lê Đình Kỵ: Các
phương pháp
nghệ thuật, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1962, tr. 3.
[3] Đỗ Huy: Vấn đề phương pháp nghệ thuật, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 4 -
1963, tr. 76.
[4] Hà Công Tài: Lê Đình Kỵ, in trong
sách Tác gia lý luận phê bình nghiên cứu văn học Việt Nam 1945 – 1975, tập I,
NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1986, tr. 219 - 220.
[5] Nguyễn Xuân Nam: Mấy ý kiến về cuốn “Các phương pháp nghệ thuật” của
Lê Đình Kỵ, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số
11 – 1962, tr. 12.
[6] Nguyễn Xuân Nam: Mấy ý kiến về cuốn “Các phương pháp
nghệ thuật” của Lê Đình Kỵ, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 11 – 1962, tr. 12.
[7] Nam Mộc: Nhìn lại cuộc trao đổi ý kiến về cuốn “Các
phương pháp nghệ thuật” của Lê Đình Kỵ, Tạp chí Văn học, số 5 -1963, tr. 12.
[8] Nam Mộc: Bđd, tr. 13.
[9] Xem Lê Đình Kỵ: Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của
Nguyễn Du, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1970, tr. 469.
[10] Nguyễn Lộc: Đọc lại “Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực”,
in trong sách Lê Đình Kỵ: Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực, Hội Nhà văn TP. Hồ
Chí Minh, 1992, tr. 351.
[11] Lê Đình Kỵ, Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của
Nguyễn Du, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1970, tr. 170.
[12] Trần Đình Sử: Thi pháp Truyện Kiều, NXB Giáo dục, Hà Nội,
2002, tr. 344.
[13] Trần Đình Sử: Thi pháp Truyện Kiều, NXB Giáo dục, Hà Nội,
2002, tr. 18.
[14] Lê Đình Kỵ: Cái duyên và cái nghiệp (Nguyễn Hà thực hiện),
Tạp chí Văn học, số 3 - 2000, tr. 11.
[15] Nguyễn Văn Hạnh, Một đời lao động tận tụy và sáng tạo,
in trong sách Lê Đình Kỵ: Phê bình nghiên cứu văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội,
1998, tr. 4.
[16] Nguyễn Văn Hạnh, Sđd, tr. 5.
[17] Nguyễn Lộc, Sđd, tr. 352.
[18] Vương Trí Nhàn, Bước đầu đến với văn học, NXB Tác
phẩm mới, Hà Nội, 1986, tr. 128.
[19] Vương Trí Nhàn: Tỉnh táo nhìn lại
mình để tìm cách đổi khác…, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 7 - 2004, tr. 73.
[20] Phạm Quang Long: Thầy Kỵ, in trong sách Để nhớ một thời:
40 năm khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956-1996), Hà Nội, 1996, tr. 60.
[21] Lê Đình Kỵ: Tự học là chính (Nguyễn Tý thực hiện), Tuần
báo Văn Nghệ, số 24, ngày 16-6-2001, tr. 19.
[22] Lê Đình Kỵ: Tự học là chính, Bđd, tr. 19.
[23] Nguyễn Văn Hạnh, Sđd, tr. 5.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét