Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2018

CHIẾN KHU Đ - MỘT THỜI LỪNG LẪY TƯỚNG QUÂN HUỲNH VĂN NGHỆ

Tôi đặt đầu đề bài viết nhỏ này theo cách gọi dân gian - tướng Nghệ - chớ thật ra ông chưa hề được Nhà nước ta phong tướng. Vào đầu những năm 60 thế kỷ trước, khi chuyển ngành ra làm tổng cục phó Tổng cục Lâm nghiệp, cấp hàm cao nhất của ông lúc ấy vẫn chỉ là thượng tá.

Bây giờ, nhắc đến ông, người đời thích gọi ông là nhà thơ - chiến sĩ. Tôi chợt nhớ, khi tập thơ Huỳnh Văn Nghệ lần đầu tiên được in ra trên đất Bắc, tờ báo của Hội Nhà văn Việt Nam có bài giới thiệu ông là nhà thơ trẻ. Ông cười và bảo tôi: "Làm thơ từ những năm 30, chưa già thì chớ, trẻ nổi gì!". Đúng là vậy! Những bài thơ như Đám ma nghèo,  Bà bán cau... được ông viết ra từ những năm 1935- 37. Còn thực sự đặt chân vào lĩnh vực quân sự, là chỉ huy quân sự địa phương thì mãi gần cuối 1945 sau khi cuộc kháng chiến Nam Bộ nổ ra, ông mới mang danh chiến sĩ.
Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ

Khi Pháp tái chiếm Sài Gòn, trước khi về lại Tân Uyên theo gợi ý của ông Sáu Giàu (Trần Văn Giàu)- chủ tịch lâm uỷ Nam Bộ, ông là uỷ viên Uỷ ban Kháng chiến miền Đông. Mấy hôm trước khi quân Pháp núp sau quân Anh - Ấn lên Biên Hoà, Huỳnh Văn Nghệ không chạy theo Lương Văn Tương- chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến miền Đông lên Xuân Lộc rồi ra Phan Thiết, mà đi ngược về phía quê ông, lập chiến khu ở đó.
Chiến khu Tân Uyên, đến giữa năm 1946 gọi là chiến khu Đ, gắn liền với tên tuổi Huỳnh Văn Nghệ từ tháng 10.1945. Tháng 11 năm ấy, tướng Nguyễn Bình gặp ông, trao ông chức chỉ huy trưởng quân giải phóng Biên Hoà. Và tháng 12, tướng Bình cũng về chiến khu này  đặt Tổng hành dinh khu 7 tại Lạc An.
Tôi giáp mặt tướng Nghệ lần đầu tiên vào khoảng giữa tháng 11.1945. Lúc ấy, tôi vừa tốt nghiệp khoá huấn luyện cuối cùng của Trường quân chính Tân Uyên (từ Sở Tiêu- Đất Cuốc trường đã chuyển ra Mỹ Lộc) và được nhà trường giới thiệu đến gặp ông để được phân công công tác.

Tôi chỉ thực sự gần gũi ông từ tháng 4.1946 khi được rút về văn phòng Vệ quốc đoàn Biên Hoà, làm thư ký riêng cho ông.

Lúc này mới ngoài 30 tuổi, Tám Nghệ (sanh năm 1914) không chỉ đảm nhiệm chức vụ chỉ huy trưởng quân sự, ông còn là phó chủ tịch kiêm uỷ viên quân sự uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh Biên Hoà. Thời cơ ấy cũng là thuận lợi để ông tổ chức các quận quân sự, thực chất là các cụm quân sự liên xã. Vào thời điểm ấy, sau khi thành lập các chi khu Tân Uyên, Cây Đào... giặc Pháp bắt đầu đánh nống ra, mở rộng lấn chiếm, thực hiện bao vây và chia cắt ta. Nhờ tổ chức quận quân sự, việc chỉ đạo xuống xã vẫn thông suốt. Các hoạt động quân sự ở cơ sở vẫn được duy trì. Tổ chức du kích vẫn giữ vững và lực lượng ngày càng phát triển.

Tháng 6.1946 Vệ quốc đoàn Biên Hoà  mang phiên hiệu Chi đội 10. Chỉ trong vòng nửa năm, tất cả các lực lượng vũ trang trong tỉnh đã được quy về một mối. Huỳnh Văn Nghệ có thêm Nguyễn Văn Lung, chi đội phó mới, từ Long Thành về. Rồi Phan Đình Công, từ Phòng chính trị khu 7 xuống, với chức danh Chính trị viên Chi đội. Đến tháng 8.1946, các cơ quan tham mưu - chính trị của chi đội hình thành.
Là thủ lĩnh quân sự địa phương, do "thế thời phải thế", Huỳnh Văn Nghệ không hề  được đào tạo qua một trường quân sự nào. Ông học kinh nghiệm từ tướng Nguyễn Bình, nguyên tư lệnh Đệ tứ chiến khu Đông Triều thời kỳ tiền khởi nghĩa. Ông tự học qua các tài liệu chẳng hiểu ông moi từ đâu ra và đưa tôi đánh máy. Những Binh Pháp Tôn tử, Kinh ngoạn du kích Tàu, Cách huấn luyện cán bộ quân sự. Ông học ngay từ thực tiễn chiến trường. Khi Chi khu Cây Đào cho đóng bót Võ Sa (nay là xã Lợi Hoà huyện Vĩnh Cửu), ông đã cử Ba Trợn, Tư Bạch (trong chống Mỹ đổi tên là Năm Hồng) và một số chiến sĩ  trá hàng, đến khi có thời cơ thì bót Võ Sa nổi dậy phản chiến, thu hết súng ống đạn dược và kéo hết quân ra, trở về với kháng chiến. Đòn "lấy gậy ông đập lưng ông" này làm rúng động hàng ngũ thân binh Pháp. Giặc Pháp cũng nghi ngờ, dè dặt trong việc tuyển mộ thân binh. Ta thu hút thêm nhiều thanh niên trở thành  tân binh vệ quốc đoàn.

Tháng 5.1946, giặc Pháp mở cuộc tiến công lớn lần thứ 2 vào Tổng hành dinh tướng Nguyễn Bình. Sau trận càn này, khu bộ khu 7 chuyển về Giòng Dinh (Đồng Tháp Mười). Khu vực đóng Tổng hành dinh cũ của tướng Nguyễn Bình với các mật danh khu A, B, C không còn. Từ đây, Chiến khu Đ (mật danh khu đóng quân chi đội 10) được gọi thay cho Chiến khu Tân Uyên.

Chi đội 10 không chỉ nổi tiếng chống càn đánh phục kích, tập kích giỏi còn lừng danh với các trận đánh giao thông đường bộ và đường sắt khá xuất sắc. Quy mô tác chiến ngày một lớn. Binh lược phân tán, tập trung linh hoạt. Bộ đội tập trung và du kích địa phương đều lớn mạnh. Sau trận La Ngà nổi tiếng, Chi đội có bước trưởng thành mới- Trung đoàn 310 ra đời.

So với các trung đoàn của miền Đông, Trung đoàn 310 là một trung đoàn mạnh. Khu bộ trưởng khu 7 Nguyễn Bình rút Huỳnh Văn Nghệ lên làm khu bộ phó. Và giao cho ông xuống liên khu Bình Xuyên kéo Bảy Viễn (Lê Văn Viễn) cùng về khu nhận nhiệm vụ mới. Tám Nghệ đơn phương độc mã vào chiến khu Rừng Sác và đã làm tròn nhiệm vụ tướng Bình giao phó.

Năm 1951, giải thể 3 khu 7, 8, 9, Tám Nghệ và Tô Ký về làm phó cho tướng Trà- tư lệnh Phân liên khu miền Đông. Ít lâu sau, Tám Nghệ về làm tỉnh đội trưởng Thủ Biên, Tô Ký về Gia Ninh. Sau trận lụt 1952, ông đi dự chỉnh Đảng ở Liên khu 5 rồi ra Bắc.

Hoà bình lập lại ở miền Bắc, ông về Bộ Tổng tham mưu với chức vụ cục phó Cục Quân huấn - trưởng Phòng Thể dục thể thao quân đội. Dưới thời ông, các đội bắn súng, bóng đá, bóng chuyền thể công tiếng tăm lừng lẫy. Sự kiện thể thao lớn nhất là cuộc thi đấu bóng đá giữa 14 quân đội các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa.

Tôi đã không còn gặp ông khi ông chuyển ngành ra Tổng cục Lâm nghiệp. Rồi loáng thoáng nghe trước Tết Mậu Thân ông đã đi B. Và cho tới khi ông mất (năm 1977) khi ấy tôi đang còn ở Hà Nội.

***

Cuộc đời quân ngũ gần 40 năm của tôi cho đến lúc chuyển ngành về lại Đồng Nai, tôi đã qua nhiều đơn vị, đã là cán bộ thuộc hạ của nhiều thủ trưởng. Các cấp trên của tôi mỗi người một vẻ, một tính cách. Tuy nhiên, sâu đậm trong tôi vẫn là hình ảnh của ông Tám Nghệ, người thủ trưởng quân sự đầu tiên đã ảnh hưởng rất tốt đối với tôi.

Từ ngày về lại Đồng Nai, hàng năm sau Tết - ngày 16 tháng giêng - là ngày giỗ ông Tám, năm nào tôi cũng về Tân Tịch. Ông mất đến nay đã gần 30 năm. Nhưng giỗ hội hàng năm, bạn bè anh em đồng chí cũ vẫn nườm nượp kéo về. Khu mộ gia đình ông gom lại, tập trung trên một khoảnh đất rộng. Và nhà tưởng niệm Huỳnh Văn Nghệ  từ năm 2005 đã được nâng lên thành đền thờ. Tên ông còn được đặt cho một trường tiểu học ở Tân Uyên, một đường phố của thị xã Thủ Dầu Một.

Ông xứng đáng được tôn vinh như một danh nhân tiêu biểu của địa phương, của tỉnh Biên Hoà cũ, trong kháng chiến chống Pháp nhiều người gọi ông là tướng Nghệ. Và như nhân dân Tân Uyên quê ông đã làm thơ nhớ ông:

"Anh đã mất nhưng nào đã mất
Hình bóng anh còn đọng mãi trong dân...".

Biên Hoà 2006
HOÀNG KIM CHUNG
(Nguyên chiến sĩ Chi đội 10)
Nguồn: Báo Đồng Nai


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU