Nhà thơ Chính Hữu
“Ai đã đọc thơ
Chính Hữu, một vài bài trong một lúc, hay dăm bảy bài ở một vài lần khác nhau,
đều thấy không có gì khó hiểu, khó suy luận lắm. Thậm chí, với người sành thơ, đọc chừng nửa bài của ông, đã
có thể đoán là ông sẽ tiếp tục viết thế nào và kết thúc thế nào...”. Một người bạn của tôi bảo thế.
Tôi mang nhận
xét này nói với vài người khác. Họ bảo tôi:
- Liệu đã
chắc chưa?
- Đấy là cảm
nhận, mà cảm nhận thì dễ vu vơ lắm đấy, thử tìm hiểu nữa xem.
- Có lí đấy, có cơ sở đấy...
Gặp nhà thơ nổi
tiếng với hình ảnh - hình tượng
đầu súng trăng treo và ngọn đèn đứng gác, chần chừ một lúc, tôi bụng bảo dạ:
Khôn ngoan chẳng lọ thật thà, thôi, cứ liều hỏi xem sao.
Khóe miệng nhà
thơ hơi giật giật, ông nở một nụ cười nhẹ không thành tiếng mà gương mặt như ửng
đỏ, rạng rỡ hơn, dễ giao hòa chứ không khó đăm đăm như lúc khác. Đưa cho
tôi trang giấy chép một bài thơ, ông
nói: “Cậu chắc chưa đọc bài này của mình, đọc thử xem...”. Tôi đón trang
thơ ông đưa, đó là bài Người bộ hành lặng lẽ,
mở đầu bằng các câu: Đi bộ là hành vi đẹp nhất/ Của con người/ Tôi hướng
đến tận cùng niềm vui/ Của cái lặng im trong sự cô độc...
Khi tôi đọc tiếp,
mê mải, quên là đang đối diện với ông, chợt ngẩng lên, thấy mắt kính ông cũng
đang lấp lóa, ông đang đọc hay viết gì đó. Tôi như phát hiện ra có một
nhà thơ Chính Hữu hơi khác so với những
gì mình đã biết, ở mấy dòng này của ông:
Tim càng đau và tuổi càng già
Tôi càng muốn xa
Những sự rắc rối
Chỉ thích nhìn đời một cách đại khái
Để càng yêu hơn...
Tôi nói với
ông: Hình như Vũ Quần Phương
đã viết Yêu cho hết tấm lòng không phải dễ, hình như Bằng Việt đã kêu lên Chưa bao giờ tôi hiểu hết cuộc đời/ Chỉ càng
lớn tôi càng thương cảm nó..., và xa xưa mà gần gũi kia, Nguyễn Đình Chiểu đã tự nhận Vì
chưng hay ghét cũng là hay
thương..., thế mà ở đây,
anh lại bảo nhìn đời một cách đại khái để càng yêu hơn là thế nào? Nhìn đại khái thật à? Chữ đại
khái của anh thế mà khó hiểu rồi!...
Nhà thơ ngồi
yên nghe và nhìn tôi nói như
nhìn một vật thể lạ.
Tôi ngỡ là Chính Hữu đã vào hồi mỏi mệt.
Đó là bài thơ
ông viết vào năm 1996, khoảng gần một năm sau Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ
V (từ khóa V ông không ở trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nữa). Trong
bài thơ xưng tôi này song hành và hòa lẫn hai con người: con người quá khứ, là Rousseau vĩ đại, tác giả
cuốn sách Những mơ mộng của người bộ hành cô độc và con người
thứ hai, là chính tác giả. Đây là Chính Hữu tự họa chân dung mình, một
phác họa cho thấy ông có phiên bản mới:
Tôi đi giữa lòng Hà Nội
Gặp vô vàn con người ai cũng dễ thương
Vì
tôi chỉ đi, chỉ ngắm, chỉ nhìn, không nói nhiều nên không phải cãi
Tâm hồn không bị khét lên vì mùi etxăng hiện đại
Càng đi bộ càng khám phá ra nhiều điều
Nên càng đi càng yêu...
Tôi đọc to hơn một tí mấy câu thơ này để ông và tôi cùng
nghe lại. Tôi hỏi: Càng đi bộ càng khám phá ra nhiều điều/ Nên càng đi
càng yêu, đó là suy luận hay là tổng kết? Ông cười dễ dãi: “Tùy các cậu, thơ ấy mà!”. Tôi nhớ lại chuyện có lần mình
đi xe máy vượt chiếc ôtô mà không biết là trong xe có ông ngồi, mấy hôm sau gặp
nhau tình cờ ở phố Lý Nam Đế, ông bảo: “Cậu đi xe máy xiếc nhỉ”. Chữ “xiếc” ông
dùng rất thanh niên. Tôi đùa với ông: “Anh quen ngồi ôtô mấy chục năm nay rồi,
cái khoái cảm đi bộ để ngẫm nghĩ suy tư trong bài này là tự nhiên đấy chứ? Hay
là anh nhập vào vai nhà tư tưởng
Rousseau mà viết ra?”. Ông trả lời thật gọn: “Trong mình và trong cậu,
trong một người đọc, đều có một chút
Rousseau trầm tư thì cũng là tự nhiên thôi!”.
Ừ thì tự nhiên, thơ đọc được, thơ hay bao giờ cũng có ý tứ được bộc lộ tự nhiên
mà khéo léo. Nhưng muốn tự nhiên thì
cũng phải có hoàn cảnh mới tự nhiên được. Thường khi, đến với Chính Hữu là ta đến
với một người có khả năng tổng kết ngắn gọn bằng hình ảnh có tính biểu trưng. Song ở bài Người bộ hành lặng lẽ này,
ông bộc bạch và đối thoại hơn là mô tả tự nhiên để mà khái quát, tổng kết. Khi
ông đối thoại, cũng là tự nhiên, ông đã chan hòa hơn, “bình dân” hơn.
“Thế cậu tưởng
mình không bình dân à?” - nhà thơ cắt ngang tôi. “Anh muốn có vẻ đẹp bình dân trong chữ, trong ngôn
từ thôi, chất của anh là chất của một học sinh Vệ quốc đoàn, sớm trưởng thành thành một cán bộ có học thức,
hay suy ngẫm, đã tự nguyện vô sản hóa, để phục vụ công nông binh ngay từ
ngày xếp bút nghiên vào Trung đoàn Thủ đô đánh giặc giữ yên sơn hà...”.
Tôi chưa bao
giờ dám nghĩ rằng nhà văn nhà thơ là người khôn hay dại. Cứ sau mỗi lần gặp
Chính Hữu, tôi lại tự cho rằng cái ý chưa bao giờ dám nghĩ ấy của mình là phải,
nên giữ.
Nhà thơ Hoàng
Trung Thông (1925-1993) - đồng hương với nhà thơ Chính Hữu - kể rằng hồi còn
học ở Vinh với nhau (khoảng 1942-1943), Trần Đình Đắc (tức Chính Hữu sau này)
đã nổi tiếng chăm chỉ, học giỏi và nghịch ngầm. Trò nghịch ngầm mà Đắc ta hay
dùng là đố chữ: chữ Pháp, chữ Việt, và tiếng Nghệ lẫn lộn cả âm cả nghĩa, nói
xuôi đọc ngược, nói lái nói lửng... vui thì thật vui mà lắm khi tức cười đến cả tuần cả tháng sau. Rồi Trần Đình
Đắc ra Hà Nội học tiếp, rồi Cách mạng tháng Tám năm 1945 bùng nổ, Đắc có ghé về
quê, gặp bạn cũ tại Vinh chốc lát rồi trở ra Hà Nội, rồi Nam Bộ kháng chiến, rồi
Thủ đô kháng chiến, nhà thơ xung vào
Trung đoàn Thủ đô oai hùng. Thành phố Vinh tiêu thổ, tản cư... thế là xa nhau.
Những tưởng, như thơ đã nói, các anh đi biết bao giờ trở lại..., thì bỗng
được nghe mấy anh mấy chị đi dân công hỏa tuyến về đọc bập bõm những Quê
hương anh nước mặn đồng chua/
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá... với Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh
vá/ Miệng cười buốt giá/ Chân không giày/ Thương nhau tay nắm lấy bàn tay... Hoàng Trung Thông hỏi Minh Huệ, Minh
Huệ hỏi ra Hồng Nguyên, rồi Thanh Minh ở Thanh Hóa nhắn vào, Lương An ở Quảng
Trị viết thư ra..., ai cũng mừng về một giọng thơ mới lạ. “Giọng thơ của bọn
kháng chiến chúng mình”: chân chất, tự nhiên trong câu chữ và nhịp điệu,
mà xiết bao thân quý bạn bè.
Tôi đã hỏi nhà thơ Trần Hữu Thung: Khi viết Thăm lúa với những dòng
tươi xinh Mặt trời càng lên
tỏ/ Bông lúa chín thêm vàng/ Sương treo đầu ngọn cỏ/ Sương lại càng long lanh...
với cuộc chia tay của đôi vợ chồng trẻ - chồng ra trận, vợ ở nhà thi đua tăng
gia sản xuất, anh đã “như thế
nào?”. “Chẳng thế nào cả” - ông Thăm lúa thủng thẳng, rồi nói
tiếp: Đó là chuyện thật ở làng quê hồi đó thôi, khi tôi bẻ vần dựng cảnh là tôi
cũng có nghĩ đến nhịp điệu sao cho dìu dặt thanh thoát như vè mà phải hơn vè, nhưng mà cũng không thể đăng
đối mộc mạc theo kiểu Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh vá...
Muốn “đo” phản
ứng của Chính Hữu, tôi bảo với ông: Thế mà bọn em đã có lần cãi nhau về
hai bài Ngọn đèn đứng gác và Anh vẫn hành quân đấy.
“Cãi thế nào?”. “Cãi bài này viết trước bài kia viết sau...”. Nhà thơ cười. Tôi ít khi thấy Chính Hữu cười thoải
mái thế. Ông rút khăn mùi xoa lau mắt, lau kính rồi bảo: “Nhầm thế thì
chết người ta! Ông Thung tài hơn mình
nhiều, hơn mình nhiều lắm...”.
Một anh bạn mạnh dạn: “Ông Thăm lúa ấy bảo thơ anh toàn sỏi đá
với mảnh vá...”. Chính Hữu cười to hơn: “Thì thơ ai hồi đó mà chẳng muốn trật dép với Kì hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng/ Quờ chân tìm
hơi ấm đêm mưa?”. Rồi ông hạ giọng như độc thoại: “Các cậu
biết rồi đấy, đó là vẻ đẹp của thơ ca một thời. Thời ấy bọn mình rất muốn
đưa những từ ngữ, những chuyện mà bây giờ các cậu gọi là dân dã vào thơ. Ai làm được nhiều và khéo, thì
được coi là thành công, là đã tìm ra đường đi cho thơ mình, nhận đường mà...”.
Năm 1999 tôi làm tập sách Mảnh vườn văn dày ngót 1000 trang biên soạn và tuyển chọn,
nhà thơ Trần Hữu Thung nhắc: “Nguyên An tìm cách đưa vào sách những ai
thì tùy, nhưng theo mình thì
phải có Chính Hữu đấy...”. Rồi ông còn dặn nhiều việc khác nữa. Tiếc rằng tập Mảnh
vườn văn chỉ tập hợp những văn nhân từng dạy
và học ở trường Quốc học Vinh (từ đầu thế kỉ XX) và trường cấp ba Huỳnh Thúc
Kháng ở Vinh những năm chống Mĩ. Năm sau, nhà thơ Chính Hữu được Nhà nước trao
Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, Trần Hữu Thung bảo: “Chính Hữu
viết chắc, khỏe, thơ như đài kỉ niệm chiến binh, viết ít mà để đời”. Chúng tôi
mạnh dạn lên, bảo: “Còn thơ
anh thì như khúc quân hành buổi
cả nước ra trận...”. Nhà thơ Thăm lúa vui vẻ: “Ghép đôi mình
với Chính Hữu à? Được thôi, nhưng sợ mình chưa xứng”.
Trong số mấy
chục người được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật ba đợt vừa
qua, quả thực, không ai viết ít và kiệm lời như Chính Hữu. Tôi nói với ông rằng,
mấy mươi năm qua ông dường như chả đi đâu ra ngoài Hà Nội, mà tại Hà Nội, ông
cũng quẩn quanh ở mấy địa chỉ liên quan đến văn nghệ trong và ngoài quân đội
như nhà số 4 Lý Nam Đế, nhà 65 Nguyễn Du, nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu...;
ông có lẽ chỉ ngồi đọc, ngồi nghĩ những gỉ những gì, rồi chắt ra từ bao nhiêu
nghìn vạn trang kia, từ bao nhiêu ngày tháng sáng sáng chiều chiều đêm đêm
khuya khoắt kia lấy một ít ý và lời mà phô cùng bạn bè. Ông đăm chiêu nghe, có
lúc ông hơi ngả người ra sau, vừa
làm mấy động tác thể dục với nhịp thở nhẹ nhàng, có lúc như chợt ngừng lại, muốn
nói thêm cho rõ. Có lần ông bảo: “Giá mà anh em văn nghệ mình có thì giờ
mà đọc, có điều kiện mà đi nữa...”. Ông chỉ nói thế, rồi dừng, như cho rằng đã
đủ hiểu. Có phải cái điều ông tâm niệm trong bài Người bộ hành lặng lẽ lại đang trở về với ông, rằng
không nói nhiều nên không phải cãi, rằng biết vừa vừa, đại khái thôi,
thì mới yêu hơn được?
Viết ít, mà có
phong cách, ngay từ khi mới xuất hiện ở các bài Ngày về, Đồng chí...,
và tạo ra một sự phát triển-ổn định trong phong cách, tạo ra một sự ảnh hưởng
trên thi đàn, đó là Chính Hữu. Người viết lịch sử văn chương Việt Nam thế kỉ XX
không thể quên ông, bởi họ và công chúng nhớ rằng, kế tiếp xứng đáng Trần Mai
Ninh, ông và Minh Huệ và Trần Hữu Thung, và Hồng Nguyên, rồi cả Hoàng Trung
Thông... đã bằng sáng tác của mình mà khơi nguồn cho một hướng viết mới, cái hướng sáng tác ngay từ đầu đã
thể hiện khá hài hòa tính dân tộc và tính hiện đại của nền thơ ca nước Việt Nam
mới.
Đã có lúc tôi nghĩ, rằng nếu không có Chính Hữu và Quang
Dũng thì phần hào hoa của anh bộ đội Cụ Hồ trong thơ ca sẽ biết tìm thấy ở sáng
tác của ai đây.
Quý hồ tinh bất quý hồ đa. Vị trí của một thi nhân văn
gia đích thực thường được bắt đầu từ việc tìm câu trả lời cho câu hỏi: Nếu
không có thi nhân này, văn gia này thì sao nhỉ?
Phong cách của một nhà thơ, như ta biết, có khi được hình thành dần từ các giai đoạn sáng tác
một cách tự nhiên, tự phát hơn là do
chủ định, bởi cái tạng suy tư, cái hoàn cảnh sáng tạo của anh ta là vậy. Chính
Hữu thì không thế, không hẳn thế, mà có lẽ là do ông tự định hướng, tự
xác định từ đầu thì phải. Nhà thơ từng
tâm sự: “Tôi thích những câu thơ hàm súc, cô đọng, nói rất ít nhưng gợi rất nhiều
tưởng tượng lan xa. Thơ phải ngắn ở câu chữ nhưng phải dài ở sự ngân vang...
Câu chữ càng ngắn thì sức ngân vang càng dài. Tất nhiên phải là câu chữ
làm bằng tinh chất được cô đúc ở mức tối đa (thích là một việc, nhưng làm được lại là một việc khác). Tôi học
tập các nhà thơ phương Đông khi họ nói: Phải kết hợp “xảo” - kĩ thuật tinh vi -
với “phác” - mộc mạc. Tôi học tập Baudelaire khi ông khuyên: “Mỗi nhà thơ phải
là một nhà phê bình” (của chính mình). Và khi ông chủ trương một sự “chậm rãi minh triết”, tôi
không thấy có sự cần thiết phải làm nhiều, làm nhanh để làm ẩu. Tôi tự xác định
mình chỉ nên là, và chỉ có thể là, một người làm thơ nghiệp dư, tài tử, để có thể tự do”.
Ông viết thế
là bộc bạch, cũng là tự tổng kết về mình. Và ông nhấn mạnh: “Để tự do chỉ
viết những điều nội tâm mình thôi thúc phải viết. Và tự do hủy bỏ những cái viết
ra nhưng không vừa ý”.
Người ta đã
bàn nhiều về tự do trong cuộc sống và trong sáng tác. Chính Hữu nói đến “tự do
hủy bỏ những cái viết ra nhưng không vừa ý”, đó là một ý nghĩ rất đáng ghi nhận
ở ông và cũng thể hiện tầm vóc của ông - một người tưởng như ít có chuyện để bàn thêm.
Tôi không rõ
là những cuộc gặp gỡ, trò chuyện của mình với nhà thơ Chính Hữu như thế là nhiều hay ít, mà chỉ nhớ là
thường gần như không hẹn trước, ông tự nhiên, và vì thế, tôi cũng được tự
nhiên nghe và ghi. Tôi cũng nhớ là trong câu chuyện của chúng tôi thường thấp thoáng hình ảnh các nhà
văn nhà thơ khác. Nhà thơ Chính Hữu
rất thuộc bạn thơ cùng lứa và hay nhắc đến họ với sự thân mến, còn hình ảnh
những anh bộ đội thời trận mạc thiếu thốn vô vàn mà thương nhau tay nắm lấy bàn tay thì hiện lên
luôn luôn, họ như là mạch nối, như
là nguồn cảm hứng để câu chuyện của chúng tôi có hôm trở nên miên man. Miên man
thế, cùng nhau, có lần ông bảo: “Thôi, ngừng một tí đi, để mình ghi lại
đôi ý nói qua nghe lại nãy giờ kẻo lại quên mất”.
NGUYÊN AN
Nguồn: VNQĐ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét