Nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh
Đây là một ý tưởng lạ trong một hành trình tìm lại chính
mình trong một không gian thật riêng, gần như là đặc hữu của một người. Đây
cũng là một xuất phát lạ, mà ở đó, thời xa xưa (thời đã sống) và thời nay (thời
đang sống) cùng đồng hiện, hầu như không bị chia tách. Nói một cách khác Nguyễn
Vũ Quỳnh đã lấy tinh hoa của quá khứ, lấy sự trân trọng quá khứ để nhắc nhở
tương lai, lấy tương lại để soi rọi quá khứ và cũng là để được: Cả đời xa chẳng
dám quên /Câu chờ câu đợi đầy thêm nỗi niềm (Bên bờ sông quê).
Anh viết ra cái hồn cốt của làng quê Việt xưa để gìn giữ
bản sắc văn hóa trong cái không gian, thời gian bộn bề phức tạp, đa dạng, đa
chiều của cuộc sống bây giờ. Hoa cải vàng ngát bờ đê/ Gió mùa lạnh ngắt chiều
xê xịch chiều.Để rồi miêu tả thân phận một con người: Dáng xưa ai đó một thời /
Đang lang thang giữa dòng đời chênh vênh (Bên đoạn sông cong).
Đây là sự tìm lại tuổi thơ trong bài (Giấc mơ bắt đền): Mấy ai biết
được dại khôn/ Có ai tính nửa nụ hôn bao giờ/ Những người lạc mất tuổi thơ/ Đêm
về tìm lại giấc mơ bắt đền (Tản mạn quê nhà) .
Quê nhà quả khế còn chua/ Rau mồng tơi với cáy cua, cá
then/ Sấu bây giờ chín chưa em /Tự dưng anh thấy khát thèm ngày xưa (Trở về
ngày xưa). Người quê chan nỗi nhục vinh/ Vẫn đang neo giữ cái tình
làng tôi. Đó là sự tìm lại những gì đã mất ở hôm nay: Ven đường
ngày ấy cỏ may/ Còn rơi rớt gió những ngày lặng im/Gần nơi ấy giữa đồi sim / Là
nơi đánh mất, đi tìm ngày xưa (Tìm xưa). Rồi những sự tìm lại ấy như dồn
nén lại và được chốt ở hai câu trong: Thảng thốt nơi góc trời quê/ Tiếng chim bắt
cô trói cột (Góc trời quê)
Theo tôi, cái người một khi đã không “tính đến nửa nụ
hôn bao giờ”, cái người một khi đã thấy mình bị “thất lạc tuổi thơ”,
cái người một khi luôn “khát thèm ngày xưa”, luôn “đi tìm ngày ấy”, hẳn
phải là một người luôn đau đáu nổi nhớ, mặc dù mỗi năm anh về quê đến bốn, năm
lần. Anh gọi quê hương là miền cổ tích, luôn coi không nơi đâu thánh thiện bằng
chính quê hương mình? Đó cũng có thể là những khoảnh khắc nhớ của người đi xa cứ
tràn lên, nhưng không phải để bị lụy, mà để lớn dậy, để biết ơn.
Đến đây, tự dưng tôi lại nhớ đến hai câu ca dao cổ của
người Việt viết về sự biết ơn thật giản dị và sâu xa, thật gần gũi và máu thịt: “Ăn
sung ngồi gốc cây sung/ Ơn rừng từ cội, ơn sông từ nguồn”. Hay như nhà thơ
Chế Lan Viên đã viết: “Khi ta ở đất chỉ là nơi ở /Khi ta đi đất bỗng hóa tâm
hồn.”
Trong nỗi nhớ ngày xưa, có nỗi nhớ một thời tuổi trẻ đã
đi qua chiến tranh. Nỗi nhớ ấy rất thành thật, rất hiện thực như bổ sung thêm
những góc cạnh, những chiều sâu trong hành trình tìm lại chính mình. Hẳn nó còn
trở đi, trở lại với Nguyễn Vũ Quỳnh nhiều lắm? Nếu không thế tại sao anh lại viết:
Tuổi trẻ chúng mình một thời khờ khạo /Vẫn trong ngần không vơi cạn ước mơ (Bến
đợi); Những người dấn thân vào cõi chết / Để tìm ra lẽ sống bây giờ (Nơi
bàn thờ Tổ quốc).
Riêng hai câu: Đồng đội ơi sao chúng mày nghiêm thế/ Cứ
mãi xếp hàng không chịu tản ra (Đồng đội ơi) trong bài này, tôi đọc
mà thấy đau mãi. Đau vì đến khi hy sinh rồi, những người lính vẫn xếp thành đội
ngũ.Tôi đánh giá cao bài thơ này, vì sự trải nghiệm đến tận cùng sự mất mát của
người lính, người thơ Nguyễn Vũ Quỳnh.
Trong nỗi nhớ một thời tuổi trẻ đã đi qua chiến tranh là
nỗi nhớ mình trong đồng đội, nhớ đồng đội trong mình hôm nay, cụ thể là đồng đội
ở Hoàng Sa, Trường Sa. Bởi thế mà Nguyễn Vũ Quỳnh mới viết: Tô lên sắc đỏ màu cờ
/ Tổ quốc một lần thêm máu thịt Trường Sa (Lời ru trên mộ sóng). Và: Họ
đi qua trập trùng gươm giáo/Tin mặt trời không lặn phía Hoàng Sa (Hoàng Sa
nơi phía mặt trời). Chỉ có Nguyễn Vũ Quỳnh mới dám khẳng định như vậy khi
dàn khoan 891 của Trung Quốc xâm phạm lảnh hải, chủ quyền thiêng liêng của Tổ
quốc.
Tập thơ Chép lên khoảng trời
Nếu không từng là lính, hẳn Nguyễn Vũ Quỳnh không viết được
những câu thơ xúc động, tải một hiện thực sắc cạnh và lạc quan như vậy! Như thế, cũng có nghĩa: Trái tim cựu chiến
binh Nguyễn Vũ Quỳnh vẫn chung nhịp đập với những người lính trong đội ngũ nơi
Hoàng Sa, Trường Sa. Như thế, cũng có nghĩa: Lòng yêu nước không bao giờ cũ.
Trong Chép
lên khoảng trời, tôi dừng lại khá lâu ở bài Bến đợi. Ngoài hai
câu đã trích dẫn ở trên: Tuổi trẻ chúng mình một thời khờ khạo/ Vẫn trong ngần
không vơi cạn ước mơ/ Ta về nơi hóa đá những vần thơ/ Hoa chiêng chiếng vàng
nguyên nỗi nhớ.
Vậy là cho dù
những vẫn thơ đã hóa đá nhưng nỗi nhớ thì vẫn còn nguyên đó, còn như hoa chiêng
chiếng vàng nguyên vậy. Khi đọc lời giải thích về hoa chiêng chiếng: “Một loài
hoa giống như hoa hồng vàng, chỉ mọc ở bờ sông nước mặn”, thì tôi như được ngộ
ra: Đây là một giống hoa quý như hoa hồng vàng, nhưng lại chỉ sinh
ra từ nước mặn. Như vậy nỗi nhớ từ (Bến đợi) đã được hình tượng
thêm một cách cụ thể qua hoa chiêng chiếng. Tôi nghĩ Chép lên khoảng trời chính
là một thứ hoa mang tên chiêng chiếng trong thơ Nguyễn Vũ Quỳnh.
Trong Chép
lên khoảng trời phải thừa nhận Nguyễn Vũ Quỳnh có sở trường và thế mạnh
về thơ lục bát. Một thể thơ rất đỏng đảnh và đầy thách thức người cầm bút,
nhưng với bút pháp của mình, anh đã tạo nên một âm hưởng riêng, để lại cái tình
và ấn tượng đẹp trong thơ anh. Nguyễn Vũ Quỳnh đã đi trên cái nền vững chắc của
sự thành tâm, thành ý để đi tới cái hay, cái đẹp. Nhà thơ đã tạo ra một sự vận
động,một bước chuyển mới, một cách dấn thân đưa lục bát trở nên giàu cảm xúc và
thi ảnh. Chẳng hạn như anh dẫn người đọc đi về vùng kỷ niệm:
Bếp chiều con
tép bờ sông /Chạy qua hành mỡ ngoài đồng cũng thơm/ Quê thời bếp núc rạ rơm/ /Mặn
trên lưng mẹ, nồi cơm độn đầy (Qua miền ký ức). Đó là ngày xưa. Còn hôm
nay: Chia xa rũ rượi cánh đồng/ Chiều qua trả lại cả dòng sông xưa (Trả
lại cánh đồng ). Hay: Còn không quán rượu bờ sông/ Mà sao say giữa
cánh đồng giêng hai (Còn không).
Về các thể loại
thơ khác anh vẫn ý tứ về ngôn ngữ với lối viết tình cảm, thân thuộc, nhưng
không xưa cũ, tạo nên mối liên hệ giữa xưa và nay một cách nhuần nhuyễn, chuyển
hóa những vấn đề thời sự nóng hổi hôm nay, của đất nước nói chung và ở Hoàng Sa
,Trường Sa v.v. Anh viết về đồng đội anh năm xưa đã anh dũng hy sinh và làng
quê thời đổi mới thấm đượm tính nhân văn với bản lĩnh sâu sắc của người cầm
bút, như lựa chọn một sự đối thoại.
Bạn bè xưa tóc
trắng muối tiêu/ Lính bảy lăm nhiều đứa thành bộ trưởng/ Chỉ có các anh vẫn
lính chiến trường/ Hàng ngũ chỉnh tề/ Tư thế hiên ngang xung quanh đài liệt sĩ
(Lời ru tháng tư).
Cái cần đối
thoại là: Lẽ đời ai hiểu hết nhà nông/ Một nắng hai sương ân tình làng xóm/ Lam
lũ nhọc nhằn sương gió/ Cải nhau với cả thời gian/ Chất vấn được mất cánh đồng/
Nụ cười hạt thóc về sân (Trả lại cánh đồng).
Nguyễn Vũ Quỳnh
đã đi đến cái đích hướng tới muôn đời của thi ca, cũng là mục tiêu hướng tới
muôn đời của người cầm viết là tạo nên niềm vui, hạnh phúc cho người đọc.
ĐẶNG HUY GIANG
Nguồn: SGGP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét