Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2019

VĂN CHƯƠNG BÌNH NGUYÊN LỘC - TỪ GÓC NHÌN VĂN HOÁ

Một đặc điểm tương đối phổ biến của các tác giả sáng tác ở miền Nam trước đây là hầu hết các nhà văn đều là những nhà văn hoá, tác phẩm của họ không chỉ thể hiện sự am hiểu đến tường tận các lĩnh vực văn hoá, mà trong một đời văn lực lưỡng của mình, họ không chỉ sáng tác văn chương mà còn sưu tầm, dịch thuật, khảo cứu nhiều lĩnh vực văn hoá như lịch sử, địa lý, địa chí, ngôn ngữ, dân tộc học, văn học và văn hoá dân gian, như các tác giả từng toả bóng một thời là Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Chánh Sắt, Đông Hồ, Vương Hồng Sển, Nguyễn Văn Xuân, Sơn Nam... trong đó có Bình Nguyên Lộc.
Nhà văn Bình Nguyên Lộc

Bình Nguyên Lộc tên thật là Tô Văn Tuấn, sinh ra ở Tân Uyên, Bình Dương, học ở Sài Gòn, năm 1935, chưa xong trung học, về làm công chức kho bạc Thủ Dầu Một, rồi làm kế toán Tổng nha ngân khố Sài Gòn, năm 1945 tham gia kháng chiến, sau đó hồi cư về Lái Thiêu rồi về Sài Gòn viết văn, làm báo. Từ năm 1942, cộng tác với tờ Thanh Niên của Huỳnh Tấn Phát, một tờ báo cổ vũ cho phong trào cách mạng trong thanh niên thời bấy giờ, nhưng phải đến năm 1946, khi định cư ở Sài Gòn, ông mới thật sự định vị với nghề văn, nghề báo và đứng ra thành lập tuần báo Vui Sống và nhà xuất bản Bến Nghé. Số lượng tác phẩm của ông rất đồ sộ, nhưng đã bị thất lạc hoặc chỉ in rải rác trên các báo, chưa có điều kiện sưu tập lại, những tác phẩm được in thành sách chưa được một phần ba, mà đã có 7 công trình sưu tầm chú giải, 1 công trình nghiên cứu dân tộc học, 1 công trình nghiên cứu ngôn ngữ học, 2 tập thơ, 1 tiểu thuyết bằng thơ, 30 tập văn xuôi gồm tuỳ bút, truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết... Ngay cả những tác phẩm đã in thành sách, cũng khó mà thống kê một cách đầy đủ.

Sinh ra trong một gia đình đã có mười đời sống ở Tân Uyên, nhưng trong ý thức văn hoá của Bình Nguyên Lộc luôn hướng về nguồn cội, luôn truy nguyên tìm kiếm nguồn gốc tổ tiên từ đất Bắc di dân vào Nam. Trong các công trình nghiên cứu như Nguồn gốc Mã Lai Á của dân tộc Việt Nam (1971), Lột trần Việt ngữ (1971) cũng như những tập bút ký đầu tay như Hương gió Đồng Nai (viết từ 1935 đến 1942, một vài đoạn đã in báo năm 1943, bản thảo mất khi Pháp chiếm Tân Uyên năm 1945), Phù sa (viết năm 1942, in 1/6 trên báo Thanh Niên năm 1943 với tiêu đề Di dân lập ấp), ông đều tập trung lần tìm lại “từ thuở mang gươm đi mở cõi / nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long” (Huỳnh Văn Nghệ). Nếu nhìn một cách khái quát, cảm hứng chủ đạo làm nên thế giới văn chương của ông xuất phát từ những vấn đề cốt tử của truyền thống văn hoá Việt: nguồn gốc, ngôn ngữ, di dân, cõi âm - bốn yếu tố đặc sánh tâm hồn Bình Nguyên Lộc. Ngay trong phạm vi một tác phẩm như tập truyện ngắn Ký thác (1960), những vấn đề trên cũng lần lượt hiện ra thông qua đề tài, tư tưởng - chủ đề và thế giới hình tượng của tác phẩm: Ăn cơm chưa, Pì Pế Hán (nguồn gốc), Lầu ba phòng bảy, Đôi bạn mắc hoa vông (ngôn ngữ), Rừng mắm, Rung cây dừa (di dân), Ba con cáo, Ba ngôi sao giữa trời, Hồn ma cũ (cõi âm)...

Sáng tác trong thời kỳ có sự gắn bó mật thiết giữa văn chương và báo chí, nên tiểu thuyết của ông hầu hết là tiểu thuyết feuilleton (tiểu thuyết dài kỳ in báo, tiểu thuyết tân văn), một loại tiểu thuyết ra đời trong cơn lốc của báo in ở các nước phương Tây và đã từng tạo nên các tên tuổi lừng lẫy như C. Dickens, W.  Thackeray, A. Dumas và cả Kim Dung nữa. Lối viết của Bình Nguyên Lộc gần giống với tiểu thuyết tâm lý, tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn, từ kết cấu, tâm lý nhân vật đến giọng điệu trần thuật, miêu tả và nhân vật. Đò dọc (1959), Hoa hậu Bồ Đào (1963), Ái ân thâu ngắn cho dài tiếc thương (1963)... là những tiểu thuyết tâm lý thành công của ông, nhất là với Đò dọc, ông đã được Giải thưởng văn chương toàn quốc (Sài Gòn) năm 1960, in dấu một phong cách tiểu thuyết đặc sắc. Cuốn tiểu thuyết nói về cuộc sống di dân ngược xuôi như những chuyến đò dọc của gia đình ông bà Nam Thành cùng bốn cô con gái, từ Bạc Liêu thuộc miền Tây Nam Bộ lên Sài Gòn, rồi từ Sài Gòn trôi dạt về miệt Thủ Đức thuộc miền Đông. Đó là lộ trình của người thị dân, người dân kẻ chợ về vườn, sống lạc lõng, cô đơn ở vùng nửa quê nửa tỉnh, ngược lại so với lộ trình của cô Hiếu (trong Hoa hậu Bồ Đào), một người con gái quê có nhan sắc lên thành phố, phải chống chọi với bao nhiêu cạm bẫy, cám dỗ của lối sống thị thành. Bốn cô con gái Hương, Hồng, Hoa, Quá không chỉ cô đơn mà còn cô độc, họ cấu xé nhau bởi sự xuất hiện của một chàng hoạ sĩ. Tiểu thuyết này cũng chưa thoát khỏi truyền thống kết thúc có hậu, trừ cô Hương chị cả yên phận gái già, còn ba cô em đều đã lấy được chồng. Nhưng điều người đọc nhận ra qua bút pháp phân tích tâm lý của tác giả là nỗi cô đơn của phận người, những đố kỵ, ghen tỵ trong cuộc sống gia đình, cuộc sống lạc lõng của người dân ngụ cư. Cuốn tiểu thuyết ra đời sau thời điểm có cuộc di cư của một bộ phận nhân dân từ Bắc vào sau năm 1954, phải đối mặt với không ít những kỳ thị và khác biệt trong đời sống cộng đồng. Nhìn chung, là tiểu thuyết feuilleton, luôn phải phụ thuộc vào số trang, số chữ của từng kỳ ra báo, thậm chí phụ thuộc cả vào việc coi văn chương chỉ là phương tiện kiếm sống của người làm báo (có ngày ông phải viết đến 11 đoạn truyện khác nhau cho 11 tờ báo, viết mà không có thời gian đọc lại), nên không tránh khỏi sự trùng lặp, cố ý rút ngắn hoặc kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng nghệ thuật.

Đặc sắc văn xuôi Bình Nguyên Lộc là ở truyện ngắn và tuỳ bút, cả những cái đã in thành sách và những cái chỉ mới in trên các báo, con số có thể lên đến vài nghìn tác phẩm, nhưng trong đó chỉ có khoảng hơn năm mươi tác phẩm thật hay, nằm rải rác trong các tập như Nhốt gió (1950), Ký thác (1960), Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc (1966), Tình đất (1966), Thầm lặng (1967), Cuống rún chưa lìa (1969)... Một thằng bé con có khát vọng “nhốt gió” lại, để gió đừng bay đi và cuối cùng đành phải thoả hiệp đùa chơi với gió. Chưa nói đến ý nghĩa khách quan toát ra từ hình tượng, chỉ cần nghĩ ra được hình tượng đã lạ, đã hết sức tân kỳ. Ký thác được nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh tái bản lần gần đây nhất năm 2001, gồm 16 truyện, trong đó có những truyện ngắn hay như Rừng mắm, Ba con cáo, Đôi bạn mắc hoa vông... tiêu biểu cho nghệ thuật truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc. Thằng Cộc theo ông và cha mẹ đến rừng nước mặn mà gia đình nó đặt tên là Ô Heo, chiến đấu với thiên nhiên, lấn biển để giành đất sống, gợi nhớ đến cuộc chiến đấu đơn độc giữa ngư ông và biển cả. Ba đời nhà thằng Cộc tượng trưng cho cuộc di dân của người Việt từ Bắc xuống Nam từ thuở xa xưa trong trạng thái “thềm người” đến cháy bỏng. Nếu ở Rừng mắm, ông đem đối sánh bản chất người của con người với thiên nhiên, với đất và nước, thì ở Ba con cáo ông phân biệt với bản năng động vật, là cuộc tranh giành sự sống giữa người và vật, trong vật vã đói khát giữa một bãi tha ma, cuối cùng con người cũng chiến thắng vế vật chất, nhưng lại trĩu nặng những di chứng tinh thần: “Hồ ly rùng mình một cái, không phải vì lạnh, cũng không phải vì sợ ma, mà vì chị bỗng sợ hãi chính mình, sợ hãi con người đã vơi cạn hết chất người.” Cuống rún chưa lìa là sự tiếp tục Ký thác, lần tái bản gần đây nhất tại California năm 1987, trước khi tác giả mất ít lâu, được gộp chung cả tập Tình đất vào thành 12 truyện và bài thơ Dâng má thương, thể hiện tấm lòng của ông hướng về thổ ngơi, về đất nước như cuống rún chưa lìa lòng mẹ. Nếu tiểu thuyết Đò dọc bóc trần tâm trạng của những người di cư, một trong những phương thức di dân, thì Cuống rún chưa lìalại hướng về cõi âm, là lương tâm của người Việt hướng về hương hồn của những tộc người xa xưa đã phải “điêu tàn”. Những truyện hay trong tập như Bà Mọi hú, Câu dầm, Bám níu, Phân nửa con người, Mấy vụ quật mồ bí mật... từ không khí liêu trai, thoát thai từ đất, đá, nước, cây thành sự sống con người. Một bà Mọi xuất thân từ miền sơn cước, quyết giữ đất, chống lại những người di dân. Một ông già câu cá đã từng xuống cõi âm trở về, không dám câu cá ở sông nữa, mà chỉ câu trộm cá ở ruộng trong mưa dầm gió bấc. Qua trang văn, đất như cỗi rẽ để con người bám vào, còn nước nuôi người sinh sản, lớn khôn.

Với Những bước chân lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc, ông truy tìm nguồn gốc, dĩ vãng của Sài Gòn, một thành phố mới, còn ít tuổi, chưa kịp có dĩ vãng rêu phong. “Sài Gòn không có được một quá khứ lịch sử vang dội như Thăng Long, đài các như Huế, cho nên Bình Nguyên Lộc đã tạo cho Sài Gòn một đời sống trực tiếp, dân dã, dính liền với cõi âm, một cách nối dài lịch sử Sài Gòn với quá khứ bình dân của những người chết không tên tuổi” (T. Khuê, Tự điển văn học, bộ mới, Nxb thế giới, 2005, tr. 133), khi tình cờ lang thang trên đường phố, tác giả phát hiện ra Sài Gòn được “xây dựng trên một bãi tha ma minh mông”, cảm thấy được cái “thổ ngơi thơm phức hồn ma cũ”. Cùng lần lại lối xưa người cũ, nhưng Sài Gòn năm xưa (1962) và Sài Gòn tạp pín lù (1992) của Vương Hồng Sển mang đậm chất hồi ức kỷ niệm, Gia Định xưa (1984) và Người Sài Gòn (1994) của Sơn Nam mang đậm chất khảo cứu, còn những “trang viết lang thang” của ông là những tuỳ bút vừa phóng túng tài hoa, vừa phong trần nghệ sĩ. Cuộc truy nguyên nguồn cội của ông không chỉ bó gọn trong phạm vi Sài Gòn mà còn mở rộng ra phạm vi cả nước, cả dân tộc, không chỉ bằng tư duy hình tượng mà còn cả tư duy khoa học chặt chẽ, logic như ở các công trình Nguồn gốc Mã Lai Á của dân tộc Việt Nam và Lột trần Việt ngữ... những cuốn sách mà cho đến nay, ai nghiên cứu về các vấn đề trên đều phải lật lại để tra cứu.

Khác với các tác giả sinh ra từ đất Bắc, nhưng toàn bộ hành trạng cuộc đời và văn nghiệp đều gắn liền với phương Nam như Lê Văn Trương, Nguyễn Hiến Lê, nhưng đồng thời cũng khác với các nhà văn sinh ra ở Nam Bộ nhưng hoàn toàn viết theo lối Bắc như Đông Hồ và cũng không giữ nguyên đậm đặc chất liệu Nam Bộ như Hồ Biểu Chánh, văn chương Bình Nguyên Lộc thể hiện sự giao lưu văn hoá, đứng ở miền giao thoa văn hoá Bắc – Nam từ trong tâm thức, cách nhìn và nhất là giọng điệu văn chương. Khi sử dụng một từ ngữ có tính chất đặc thù của phương ngữ miền Nam, ông thường tìm cách giải thích, truy nguyên nguồn gốc của nó ở ngoài Bắc thế nào, có khi còn phê bình là nơi nào dùng chính xác, hợp lý hơn, không chỉ trong văn phong khoa học, trong giọng điệu trần thuật hay miêu tả, mà còn thông qua ngôn ngữ nhân vật: “Con chàng hiu má à! Người Bắc thì kêu nó là con chẫu chuộc nghe ít ghê hơn tên của ta. Tiếng chàng hiu gợi hình dáng một con người mà là người ma, ghê quá.” (Đò dọc).

Nói nhà văn là nhà nghệ thuật ngôn từ đối với Bình Nguyên Lộc còn chưa đủ, mà phải nói ông là nhà ảo thuật về ngôn từ, khi ông luôn có lối so sánh với những hình dung từ chính xác, đắc địa, hiện đại và tài hoa: “Là con trai tôi không khóc được. Nhưng lòng tôi đã tơi bời như áo mục phơi dưới gió to” (Ăn cơm chưa); hoặc “Vịnh Thái Lan, phần thuộc hải phận Việt Nam, chi chít những đảo là đảo, như có đứa trẻ tinh nghịch nào hốt đá cuội mà vứt rải trên một cái ao con” (Rung cây dừa); hoặc đoạn mở đầu truyện ngắn Rừng mắm, ông tả tâm trạng thằng Cộc dõi theo con chim bói cá: “Chim đang bay lượn bỗng đứng khựng lại, khiến thằng Cộc thích chí hết sức. Nó theo dõi con chim thầy bói ấy từ nãy đến giờ, chờ đợi cái phút này đây. Thật là huyền diệu, sự đứng yên được một chỗ trên không trung, trông như là chim ai treo phơi khô ngoài sân nhà. Chim thầy bói nghiên đầu dòm xuống mặt rạch giây lát rồi như bị đứt dây treo, nó rơi xuống nước mau lẹ như một hòn đá nặng. Vừa đụng nước nó lại bị bắn tung trở lên như một cục cao su bị tưng, mỏ ngậm một con cá nhỏ”. Sức nặng trang văn của ông không chỉ ở vốn tri thức về văn hoá, mà còn ở sự kết hợp hài hoà giữa giọng kể và giọng tả, vừa thể hiện sự bộc trực của miệt quê nơi ông sáng tác, vừa phóng túng, mượt mà của một ngôn ngữ chuẩn mực phổ thông.

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên như định mệnh là ông sinh năm 1914 và mất năm 1987 đều cùng ngày, cùng tháng, đó là ngày Bảy tháng Ba. Vậy là, tròn 73 năm ông sống và lao động miệt mài, trong đó có những năm sung sức, ngoài việc hàng ngày ông phải nộp hàng chục bài cho các báo, ông in hàng chục tập sách gồm nhiều thể loại trong cùng một năm: Nhện chờ mối ai, Xô ngã bức tường rêu, Bí mật của nàng, Ái ân thâu ngắn cho dài tiếc thương, Bóng ai ngoài song cửa, Hoa hậu Bồ Đào, Mối tình cuối cùng, Nửa đêm trăng sụp, Tâm trạng hồng,... gộp lại có đến mấy nghìn trang sách đều được in ra trong năm 1963! Lần lại sự nghiệp văn chương đồ sộ của ông, mà trong đó ngồn ngộn những tri thức văn hoá lịch sử, người đọc ngày nay không chỉ thấy được sức lao động cật lực của một nhà văn, một nhà văn hoá bậc thầy, mà còn có thể hình dung ra được cuộc sống của những người theo nghề văn, nghiệp báo ở miền Nam trước đây.

PHẠM PHÚ PHONG
Nguồn: SÔNG HƯƠNG 223

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU