Thứ Tư, 24 tháng 4, 2019

NHÀ THƠ PHAN HOÀNG ĐƯỢC VINH DANH VỚI BƯỚC GIÓ TRUYỀN KỲ

Tập trường ca Bước gió truyền kỳ của nhà thơ Phan Hoàng vừa được UBND TPHCM trao Giải thưởng VHNT TP.HCM 5 năm lần thứ II.

Nếu như lần thứ I giải thưởng này chỉ trao cho văn xuôi thì lần thứ II có 3 tập thơ được vinh danh, trong đó trường ca Bước gió truyền kỳ của nhà thơ Phan Hoàng nhận giải 3 còn 2 tập thơ của hai nhà thơ Phạm Sỹ Sáu và Trần Hữu Dũng nhận giải khuyến khích.
Nhà thơ Phan Hoàng 

Điều này cũng có nghĩa Phan Hoàng là tác giả thơ đầu tiên nhận giải cao nhất của giải thưởng danh giá thành phố lớn nhất phương Nam, do một Phó Chủ tịch UBND TPHCM làm Chủ tịch Hội đồng Chung khảo với sự tham gia thẩm định của các chuyên gia VHNT đầu ngành. Kể từ khi trường ca Bước gió truyền kỳ được xuất bản đầu năm 2016 đến nay đã có mấy mươi bài viết nghiên cứu về nó. Sau đây chúng tôi ghi lại một số nhận định đáng chú ý.

Nhận định về trường ca Bước gió truyền kỳ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN có sự đồng cảm: “Khi nào những ngọn gió còn thổi trên đất đai này thì những bài ca bi tráng về lịch sử của dân tộc còn vang mãi trong tâm hồn chúng ta. Và Bước gió truyền kỳ của thi sĩ Phan Hoàng đã dẫn tôi đi theo một con đường riêng của nó”.

Đạo diễn, nhà thơ Văn Lê trong lời mở đầu trường ca này của nhà thơ Phan Hoàng thì phát hiện rằng: “Khi dùng hình tượng ngọn gió làm trung tâm, xuyên suốt tập trường ca là anh có dụng ý nói về cái đã qua, đã muộn, đã trở thành quá khứ, thành lịch sử.

Anh đã khéo léo kéo xa về gần, đưa cội nguồn về với hiện tại. Cả tập trường ca là một câu chuyện truyền kỳ về công cuộc mở cõi và giữ nước của dân tộc Việt Nam ta. Những vấn đề mà anh đặt ra trong thơ luôn làm cho người đọc phải thảng thốt, giật mình”.

Nhà thơ, nhà phê bình Hoàng Thuỵ Anh từ Quảng Bình đã viết: “Bước gió truyền kỳ của Phan Hoàng (NXB Hội Nhà văn 2016) là trường ca trữ tình hiện đại, đậm chất suy tưởng. Ngoài phần mở đầu và phần vĩ thanh, tập thơ có 3 phần với sự kết hợp ngẫu hứng, trùng điệp, đan xen những câu thơ ngắn dài.

Trong đó, gió là hình tượng xuyên suốt, làm nền/điểm tựa cho cảm xúc thơ. Hình tượng gió vừa cụ thể vừa khái quát, đi về giữa quá khứ và hiện tại, thực và mộng, hôn phối với cảm hứng, niềm tự hào, tôn vinh lịch sử hào hùng của dòng giống Lạc Hồng từ những ngày đầu dựng nước, giữ nước, biến chuyển qua mấy ngàn năm cho đến hôm nay. Theo đường gió dẫn dụ, không gian thơ, hình tượng thơ, cảm xúc thơ được nới rộng đến vô cùng”.

Ở góc độ nhà nghiên cứu chuyên sâu, PGS.TS Cao Hồng ở Đại học Thái Nguyên chia sẻ: “Trong tập trường ca của Phan Hoàng, gió là một sinh thể tự nhiên, hiện diện trong không gian rộng lớn, từ thuở hồng hoang, sơ khai của lịch sử đến thời kỳ giữ nước dựng nước.

Nhưng gió ở đây không đơn thuần là một tín hiệu tự nhiên mà đã trở thành một tín hiệu nghệ thuật, thẩm mỹ. Gió là hiện thân tiếng nói của nhà văn, cất giữ những vẻ đẹp nguồn cội, những thăng trầm của đất nước”.

Còn nhà văn Trần Nhã Thụy ở TPHCM lại khẳng định: “Một nhà thơ mà không có giọng riêng, e rằng đã thất bại ngay từ khi "thử giọng".

Với Phan Hoàng, tôi thấy anh có một giọng thơ hào sảng rất riêng, nó như được nuôi dưỡng hun đúc từ nắng gió sông Ba - Phú Yên quê anh; từ những trang sử Việt mà Phan Hoàng nhuần nhuyễn từ thời tuổi trẻ. Gió muôn đời là gió nhưng đã là gió thì phải mới; "bước gió" của Phan Hoàng rất mới. Xin chúc mừng thành công mới của con đường sáng tạo Phan Hoàng".
Nhà thơ Phan Hoàng (giữa) nhận Giải thưởng VHNT TPHCM 5 năm lần II

Từ phố biển Đà Nẵng, Tiến sĩ Hoàng Hường của Đại học Duy Tân cảm nhận: “Từ nghìn năm trước và mãi đến tận bây giờ vẫn vậy, truyền thống hào hùng của một cộng đồng trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước đã đi vào Bước gió truyền kỳ như một câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Ngọn gió vô danh được tạo thành từ sinh khí đất trời, từ hào khí dân tộc, từ cội nguồn lịch sử, từ bước chuyển lưu dân, từ nỗi niềm trăn trở của tâm hồn mỗi người hòa cùng hơi thở thời đại. Có dân tộc nào tồn tại, phát triển mà không chất chứa trong nó những nhọc nhằn, thăng trầm cay đắng - dân tộc Việt, con người Việt cũng vậy.

Song Phan Hoàng đã đưa người đọc đồng hành, hóa thân vào bước gió, “lang thang khắp mọi ngả đường Tổ quốc/ uống dòng hào khí bi hùng ngàn năm/ dòng hào khí đánh đổi tinh hoa lớp lớp người người” để rồi hun đúc trong họ tình yêu quê hương ngày càng nồng cháy, thắm thiết và khát vọng vào một nước Việt sẽ mãi “vượt thoát sinh tồn vĩ đại dòng giống rồng tiên”.

Nhà thơ Đặng Huy Giang nổi tiếng giỏi thẩm định thơ của Hà Nội thì viết: “Xét về mặt nội dung, trường ca “Bước gió truyền kỳ” thực chất là một tráng ca. Còn xét về mặt hình thức, trường ca “Bước gió truyền kỳ” rất mở.

Mỗi khúc, mỗi đoạn của nó có thể đứng độc lập, những một khi được kết nối, nó tạo ra sự gắn kết, sự tiếp nối. Theo tôi, đây chính là đóng góp của Phan Hoàng về mặt thi pháp cho thơ nói chung và thể loại trường ca nói riêng trong thi ca Việt Nam hiện đại”.

Tiến sĩ Mai Thị Liên Giang của Đại học Quảng Bình đã đi xa hơn: “Điểm bắt đầu của thơ anh là thơ mới, thơ tân hình thức, thơ hậu hiện đại và điểm dừng chân hiện tại là trường ca. Biết đâu từ trường ca, nhà thơ trong hành trình ngược lối lại về với lục bát, tứ tuyệt… mà vẫn không hề xưa cũ. Lối đi ngược của anh không giống ai nhưng đã giúp anh có con đường đi riêng vào lâu đài văn học.

Con đường ấy vẫn còn nhiều ngã rẽ. Và mỗi lần dẫn dụ người đọc rẽ lối là mỗi lẫn nhà thơ vẫy gọi người đọc chú ý hơn trong lộ trình đi tìm bí mật ẩn giấu trong tác phẩm của anh. Đây là điều cần thiết đối với nhà thơ ở Việt Nam hiện nay một khi không muốn mình thành người nhả chữ quen thuộc, sáo mòn.
Ngược lối như chính tác giả đã viết: Đôi lúc ta gặp trên đường những chàng trai phi ngựa như bay, đôi khi ta gặp những cô gái rực rỡ yếm đào chít khăn mỏ quạ, họ ngược thời gian đi về phía giấc mơ cháy bỏng xuân thì.”
Trường ca Bước gió truyền kỳ của nhà thơ Phan Hoàng

Nhà thơ, nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan liên tưởng: “Trường ca Bước gió truyền kỳ của Phan Hoàng gợi lên dáng vóc một vở kịch-múa hiện đại về hình thức biểu hiện. Toàn bộ dựa trên tính tượng trưng cao, cho dù, tất nhiên, bút pháp mô phỏng anh hùng ca cổ điển ở đây không hề là một bút pháp tượng trưng.
Tính tượng trưng bao trùm đó là bởi ý niệm khởi hứng của tác phẩm này: ý niệm về “gió” như là một trung giới cho linh hồn và cũng là một “trường” mang chứa những linh hồn.

Nhà phê bình, Tiến sĩ Phạm Ngọc Hiền nhìn nhận: “Bước gió truyền kỳ cũng kết hợp nhiều thể loại: thơ và văn; có thơ tự do và thơ lục bát; xen kẽ đoạn dài, đoạn ngắn… Bên cạnh những từ ngữ cổ kính, tác giả cũng sáng tạo nhiều cách diễn đạt mới mẻ để “hội nhập” với thời công nghệ:

một chuyến tàu lênh đênh
vượt thoát những cơn đại hồng thủy lập trình
nhiều đêm trầm tư uống ánh sao khuya
nối mạng
hóa ngọn gió phần mềm...

Sự kết hợp nhiều loại giọng điệu, thể văn, từ ngữ có tác dụng làm cho bản trường ca tránh được sự đơn điệu. Nhờ vậy, bạn đọc vẫn không bị nhàm chán khi dõi theo hành trình của ngọn gió lang thang suốt 90 trang sách, từ cổ đến kim, từ Bắc vào Nam…

Trải qua bao thử thách của thời gian, không gian và thăng trầm lịch sử, “Bước gió truyền kỳ” vẫn khỏe khoắn, mặc sức tự do “lang thang cùng chim muôn bình đẳng diễn ngôn đại ngàn”…”

Nhà báo Phan Thuỷ của Đà Nẵng cũng đã viết: “Phan Hoàng từng tâm sự, lớn lên trong ngọn gió Tuy Hòa, gió luôn ám ảnh trong anh. Với thi nhân “gió biểu tượng cho sức mạnh, sự kiên trì, tình yêu mạnh mẽ”.

Đọc Bước gió truyền kỳ, độc giả như cuốn theo đường đi biến hóa vi diệu của ngọn gió, lúc trầm hùng sử thi, lúc trầm lắng suy tư đến xót xa, lúc ào ào như thác đổ, lúc réo rắc như cung đàn…

Cũng nói về nỗi đau, sự biệt ly do chiến tranh gây nên, nhưng nỗi đau trong Bước gió truyền kỳ không mang dáng vẻ bi lụy, uất hận mà giàu đức hy sinh, sự nhẫn nại, kiên trì. Nỗi đau ấy mang tính nhân văn, lòng bao dung, vị tha của một dân tộc vì chịu quá nhiều đau thương do chiến tranh gây ra nên rất hiểu cái giá của sự hòa bình, luôn mong mỏi được sống trong hòa bình, bình yên”.

Nhà thơ, nhà phê bình Nguyễn Vũ Tiềm cũng khái quát: “Lại nhớ tập thơ của Phan Hoàng xuất bản 4 năm trước có tên Chất vấn thói quen (được Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM), càng thấy rõ sự nhất quán trong quan điểm nghệ thuật của anh: dứt bỏ thói quen cũ, đổi mới thi pháp thơ.

Là trường ca ôm trùm vấn đề rộng lớn nhưng anh không sa đà vào kể và tả mà coi trọng nghĩ và cảm; mỗi phần hay toàn cục, anh không kết thúc đóng mà kết thúc mở. Đó là những yếu tố chủ yếu của thi pháp mới. Phan Hoàng bắt nhịp với sự chuyển đổi ấy một cách thanh thoát và hiệu quả.

Trường ca thường có nhân vật, nhưng Bước gió truyền kỳ, Phan Hoàng không mượn một, hai nhân vật lịch sử cụ thể nào mà anh lấy sinh thể gió, vừa hiện hữu vừa mơ hồ; vừa hiu hiu vừa bão táp; vừa quá khứ vừa hiện tại làm “nhân vật” chính là một sáng tạo độc đáo, mới mẻ”.

Nhà thơ Trần Hoàng Vy của Tây Ninh cảm thức rằng: “Lịch sử ẩn mình vào thơ mà tâm sự, dòng cảm xúc cứ bật ra, để những đồng cảm lan tỏa vào những con tim cùng nhịp đập quê nhà... Bước gió chính là bước chuyển mình của lịch sử, không vần vè hóa mà là thi ca hóa những hình tượng lịch sử, là thông điệp nhắc nhở mọi người về bản chất con người yêu nước, ngoái nhìn cội nguồn để trân trọng:

“Thức dậy trong ta bước chân huyền thoại/ thức dậy trong ta ngọn gió trăng rằm/ thức dậy trong ta nỗi buồn cổ tích/ thức dậy ước mơ khí phách cha ông/ Ước mơ bao dung tình sông/ ước mơ hiên ngang dáng núi/ ước mơ ủ mầm khí thiêng/ bật từ đất đai ngàn xưa trấn biên/ âm vang bước gió truyền kỳ”.

CHÂU THANH
Nguồn: Đất Việt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU