Nhà thơ Lê Giang
Qua hơn 500
trang sách, ở phần 1 - "Một thời để thương", là cảm nghĩ của các đồng
nghiệp như Lý Lan, Nguyễn Quang Sáng, Vũ Ân Thy, Nguyễn Nhật Ánh, Trần
Nhật Vy, Lê Minh Quốc, Vũ Quần Phương…
kể lại kỷ niệm và cảm nghĩ khi đọc những tác phẩm của Lê Giang. Qua đó, ta thấy
hiện lên chân dung của một nhà thơ, nhà nghiên cứu, tác giả kịch bản... mà nổi
bật nhất là tâm hồn của một con người luôn đau đáu với ca dao, dân ca, đi tìm
tiếng nói quê kiểng còn lưu giữ ký
ức bà con nhiều vùng miền.
Qua phần 2 - "Một thời để nhớ", là những tùy
bút bay bướm, ngẫu hứng thân mật của
Lê Giang dành cho bạn văn. Đó là những trang viết về nghệ sĩ Viễn Châu, Nguyễn
Duy, Xuân Hồng, Lưu Hữu Phước, Trần Kiết Tường, Trịnh Công Sơn…; là bác sĩ Nguyễn
Văn Hưởng, Nguyễn Văn Thủ… Điều này cho thấy nhà thơ Lê Giang là người đôn hậu,
có trước có sau, những tình cảm buồn vui trong một thời kháng chiến, chị
không hề quên.
Không chỉ văn xuôi, tình cảm ấy còn thể hiện ở thơ, chẳng
hạn với nghệ sĩ Quốc Hương là những câu thấm thía ruột thịt: "Ơi
anh chàng hát rong ơi!/Dù anh có đi cùng trời cuối đất/Thì bà con cũng nhận ở
nơi đây/Nơi con kinh Kiểm Lâm ở cuối trời này/Họ đã sinh ra người hát rong hát
những bài ca/Cho người trồng khoai gieo lúa/Những bài ca tuổi trẻ/Để làng xóm
nhớ anh/ Lên cao như ngọn tre/Và xuống trầm như nước lũ". Chị
dành cho nhạc sĩ Xuân Hồng những câu chí tình: "Khóc thương nhau biết
bao nhiêu cho đủ/Phải nén lòng dành nước mắt khi vui"…
Thêm một điều lý thú, không thể không nhắc đến còn là các
bài viết kể lại quá trình chị đi sưu tầm dân ca, ca dao với nhiều chi tiết ngộ
nghĩnh, lạ lẫm. Có lẽ bạn đọc phải cảm động khi đọc "Xóm
góa": "Chúng tôi ngồi sát vạt vào họ, sát vạt câu ca dao: "Hai
tay bưng dĩa cá chiên/ Chồng thanh vợ lịch mải nhìn quên ăn". Ơi, chồng của
câu hát đâu, sao không đối lại?".
Ngoài ra, còn là những trang nhật ký của một người đi nhặt
từng hạt ngọc nơi đồng sâu, bưng biền còn đang lưu giữ trong ký ức dân
gian: "Gió thổi ù ù trên đồng sậy đưng trống trải gợi lên biết bao
vui buồn, biết bao ơn nghĩa. Nhớ lại nhiệm vụ chính trị của mình sáng giờ chưa
có "hột" nào, chúng tôi mở vài đoạn băng làn điệu dân ca thu được cho
chị Sáu phụ trách xã nghe, để khi gần gũi mấy má, mấy dì nắm trước tình hình
hò, lý… và hẹn ngày trở lại".
Cấu trúc một tác phẩm nặng về tình, về nghĩa như thế này
nhìn chung là chỉn chu, đầy đặn. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay hễ nhắc đến Lê
Giang, lập tức công chúng lại nhớ đến nhạc sĩ Lưu Nhất Vũ.
Có thể nói, đây là đôi bạn đời rất đẹp trong sinh hoạt
văn học của vùng đất phương Nam nói chung. Góp mặt của tác giả ca khúc
"Bài ca đất Phương Nam" trong tập sách này là các hình ảnh anh chụp
nhà thơ Lê Giang cùng đồng nghiệp.
Sau khi đọc "Nâng niu", điều còn đọng lại trong
lòng người đọc là khuôn mặt nhà thơ với nụ cười hồn hậu, hạnh phúc, sống hết
mình với nghệ thuật. Muốn được vậy, nói như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thì
nhà thơ Lê Giang "phải biết sống mạnh mẽ, chân thành, lòng như muối mặn và
nhất là phải biết "nghiêng tai dưới gió" để mà nắm bắt những giai điệu
đa thanh của cuộc đời". Còn nhà thơ Lê Giang cho biết "Nâng niu"
là thành quả của tâm niệm: "Đời cho ta được nâng niu/ Nâng niu cho
đời ta được". Để bây giờ, chúng ta đọc và cảm thấy "Niềm
tâm sự bồi hồi xao xuyến quá".
ANH LƯU
Nguồn: Người Lao Động 27.11.2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét