Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2019

NHÀ VĂN VĂN LÊ: SỨC MẠNH TÌNH YÊU CHIẾN THẮNG TÌNH YÊU SỨC MẠNH

“Tôi muốn tiệm cận, lý giải vì sao, bằng cách gì mà trong hoàn cảnh ác liệt, cùng cực như thế, người Việt chúng ta đã gượng dậy được và chiến thắng. Trước đây, có lúc người ta cho rằng đó là nhờ lòng căm thù, nhưng tôi lại nghĩ khác…” - nhà văn Văn Lê tâm sự nhân dịp tiểu thuyết Mùa hè giá buốt được trao Giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP.HCM 5 năm lần thứ I (2006-2011).
Từ trái qua: Phan Hoàng, Văn Lê, Hoài Vũ, Đặng Huy Giang

Giống như nhiều người cầm bút khác, Văn Lê khởi đầu làm thơ và sớm gặt hái thành công. Mới ở tuổi 26, ông đã đoạt Giải A cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ năm 1974-75, bắt đầu khẳng định tên tuổi trên thi đàn. Sau đó, ông được trao Giải B cuộc thi thơ của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội năm 1982, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 về đề tài chiến tranh và lực lượng vũ trang cho tập thơ Phải lòng,... Nhắc lại điều này để thấy thơ đã chi phối cả sự nghiệp cầm bút của ông, ẩn hiện trên từng trang viết của ông, dù sau này ông thiên về văn xuôi, tác giả của hơn 30 đầu sách, đặc biệt trong đó có bộ ba tiểu thuyết gây tiếng vang viết về cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân - 1968, với những cái tên cũng đậm chất thơ: Nếu anh còn được sống, Cao hơn bầu trời và Mùa hè giá buốt.

Riêng tiểu thuyết Mùa hè giá buốt của Văn Lê xuất bản năm 2008, đoạt Giải B (không có Giải A) - giải thưởng 5 năm một lần của Bộ Quốc phòng, và bây giờ trở thành tác phẩm văn học duy nhất được trao Giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP.HCM (2006-2011), giải thưởng 5 năm một lần đầu tiên của thành phố. Vinh dự ấy thật xứng đáng với Mùa hè giá buốt, một tiểu thuyết đẹp và buồn, quyến rũ và đau đớn, thăng hoa như một tứ thơ. Tình yêu nghề, tài năng và sự lao động sáng tạo nghệ thuật bền bỉ của Văn Lê đã được ghi nhận trân trọng.

Tên thật là Lê Chí Thuỵ, nhà văn Văn Lê cầm tinh con trâu, sinh ngày năm 1949 tại Ninh Bình. Trong hoàn cảnh đất nước bị chiến tranh, ông phải sớm rời ghế nhà trường để nhập ngũ, vào chiến đấu ở Nam Bộ. Nhờ có năng khiếu văn học, ông được điều chuyển sang công tác chính trị, văn hoá trong quân đội, mà theo ông: “Chính cái tài vặt ấy đã giúp tôi may mắn sống sót giữa mưa bom bão đạn”. Văn Lê từng là phóng viên báo Văn Nghệ Quân Giải Phóng, Văn Nghệ Giải Phóng, Văn Nghệ. Năm 1977, khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, ông đã tái ngũ, vừa cầm súng vừa cầm bút ở mặt trận 479 cho tới năm 1982 mới ra quân về làm việc tại Hãng Phim Giải Phóng ở TP.HCM.

Với nỗ lực tự học không ngừng, Văn Lê đã tích luỹ được vốn tri thức văn hoá khá rộng, đó là nền tảng quan trọng giúp con người đa năng trong ông có hành trình sáng tạo bền bỉ và đạt nhiều thành công trong thơ, văn xuôi lẫn điện ảnh. Về đề tài Mậu Thân- 1968, Văn Lê không chỉ có thơ và bộ ba tiểu thuyết Nếu anh còn được sống, Cao hơn bầu trời và Mùa hè giá buốt, mà ngay khi bước vào làm bộ phim tài liệu đầu tiên cách đây hàng chục năm, ông đã dựng ngay Sài Gòn xuân 68 đầy ấn tượng, phản ánh sự đau thương mất mát của chiến sĩ, đồng bào thành phố trong sự kiện khốc liệt này. Bộ phim Sài Gòn xuân 68 đã gây xúc động mạnh, được trao giải thưởng Galaxy của Nhật Bản và cũng là bộ phim tài liệu ưng ý nhất của Văn Lê từ trước tới nay.

Giải thích với tôi về việc ông liên tiếp viết nên bộ ba tiểu thuyết về sự kiện Mậu Thân - 1968, nhà văn Văn Lê cho hay: “Tôi muốn tiệm cận, lý giải vì sao, bằng cách gì mà trong hoàn cảnh ác liệt, cùng cực như thế, người Việt chúng ta đã gượng dậy được và chiến thắng. Trước đây, có lúc người ta cho rằng đó là nhờ lòng căm thù, nhưng tôi lại nghĩ khác, chúng ta chiến thắng bằng chính tình yêu, vì suy cho cùng những người lính cách mạng đã bằngsức mạnh tình yêu đã chiến thắng kẻ thù có tình yêu sức mạnh”. Và sức mạnh tình yêu ấy cũng từng được Văn Lê trăn trở trong tập thơ Phải lòng:

"Bạn bè, đồng chí của tôi
Thương nhau dâng hiến trọn đời thanh xuân
Sống thì lấy thân che thân
Lấy tình bọc lấy cái nhân con người
Cũng vì tình nghĩa cả thôi
Mà ràng mà buộc mọi đời với nhau".

Là một người trực tiếp tham gia Chiến dịch Mậu Thân - 1968, lại từng có cơ hội tiếp xúc với nhiều tư liệu lịch sử thuộc dạng “tuyệt mật” và gần gũi với những nhân vật quan trọng, nhà văn Văn Lê tâm sự rằng chiến dịch này đã ám ảnh hầu hết những người trong cuộc còn sống sót, đồng thời cũng là nỗi bức xúc của nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp về sự thành bại của nó. “Tôi viết về Mậu Thân- 1968 để mọi người chiêm nghiệm, suy ngẫm về thành bại đó. Các chiến sĩ xuống đường đánh vào thành phố với tâm trạng vô cùng hưng phấn, giống như trận đánh cuối cùng. Cấp trên cũng có ý định chấm dứt chiến tranh bằng chiến dịch này. Sau đợt 1, quân giải phóng thu được một số thắng lợi, Mỹ đề nghị phía cách mạng Việt Nam ngồi vào bàn đàm phán. Nhưng có lẽ do ý muốn cấp trên đánh cho địch “lấm lưng” nên đã tiến công đợt 2 nhằm vào ngày sinh của Các Mác 04.5. Chính đợt 2 này, trước sự phòng bị và phản công quyết liệt của địch, quân ta đã hy sinh lớn. Chỉ riêng mặt trận Sài Gòn mất gần 55.000 chiến sĩ. Cái giá xương máu phải trả thật to lớn”.

Về sự kiện Mậu Thân - 1968, có nhiều nhà văn cách mạng lẫn đối phương đã viết. Phía cách mạng như Sài Gòn dưới những tầng khói của Nguyễn Quang Sáng, Dũng sĩ Mậu Thân của Thanh Giang, Tiếng gọi ngày “N” của Hồi Phạm,… Tuy nhiên, do yêu cầu của hoàn cảnh lịch sử, giống như hầu hết tác phẩm ra đời ngay trong chiến tranh, các tác phẩm trên đều chủ yếu viết về thắng lợi nhằm cổ vũ tinh thần chiến đấu, mà quên nỗi đau thực tại nhức nhói và khốc liệt, nghĩa là chưa phản ánh đúng mực mặt trái của chiến tranh. Chỉ khi nước nhà đã thống nhất, có độ lùi về thời gian, thì nhà văn mới có đủ tư liệu, cách nhìn khách quan để viết về chiến tranh một cách trung thực hơn. Đó cũng là điều kiện lý tưởng cho bộ ba tiểu thuyết của Văn Lê về Mậu Thân - 1968, đặc biệt là Mùa hè giá buốt vừa hiện thực vừa huyền ảo ra đời và được đánh giá cao.

Ẩn sau vẻ hiền lành chất phác của Văn Lê là một tấm lòng độ lượng, một tâm hồn nhạy cảm và nặng trĩu suy tư, một trí tuệ uyên thâm. Mới đây, khi bộ phim Long Thành cầm giả ca đoạt nhiều giải thưởng lớn trong dịp mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tên tuổi Văn Lê với tư cách nhà biên kịch được vinh danh. Còn bây giờ cả bộ phim Long Thành cầm giả ca lẫn Mùa hè giá buốt - tiểu thuyết tâm huyết của ông lại được tôn vinh…

Nhìn về quá khứ bi thương của dân tộc mà mình tham dự, dù đã trải lòng bằng hàng ngàn trang viết nhưng nhà văn Văn Lê chưa hết nỗi niềm: “Tôi vẫn cảm thấy vô cùng khó lý giải, rằng vì sao, vì lẽ gì, bằng tình yêu như thế nào mà người lính vẫn ra đi dù biết họ sẽ chết? Phải chăng chỉ có dân tộc này mới có sức chịu đựng đến mức lạnh lùng như thế, để tồn tại, để chiến thắng?”. Khi mà trong lòng Văn Lê vẫn còn nỗi nghi vấn đầy “bất an” ấy, có nghĩa người đọc còn hy vọng ở nhà văn những tác phẩm mới viết về chiến tranh, hay hơn, xác thực hơn, thần thái hơn.

PHAN HOÀNG
Nguồn: SGGP 12.2012


Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2019

ĐI TÌM TIẾNG NÓI CHUNG TRONG PHÊ BÌNH SINH THÁI

Để các nhà văn, tác giả quan tâm hơn đến phê bình sinh thái, bắt kịp xu hướng, trào lưu chung của thế giới, Tiến sĩ Tịnh Thy cho rằng các hiệp hội như Hội Nhà văn Việt Nam chẳng hạn, có thể tổ chức các cuộc thi, giải thưởng sáng tác về văn học sinh thái…
Ba cuốn sách về phê bình sinh thái đã xuất bản tại Việt Nam.

Hội thảo về sinh thái trong văn học Đông Nam Á là sự đánh động giới nghiên cứu trong việc tìm tiếng nói chung với khuynh hướng của khu vực và thế giới.

Hội thảo khoa học quốc tế “Sinh thái học trong văn học Đông Nam Á: Lịch sử, Huyền thoại và Xã hội” diễn ra tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV), Hà Nội đầu năm 2018. Cùng hội thảo quốc tế về phê bình sinh thái do Viện Văn học tổ chức cách đây không lâu, các nghiên cứu của giới học thuật… phê bình sinh thái của Việt Nam đang dần bắt kịp khuynh hướng chung của thế giới.

Phê bình sinh thái - trào lưu nghiên cứu của thế giới

Vấn đề môi trường, vì sự tồn tại, phát triển bền vững chưa bao giờ trở nên nhức nhối như hiện nay. Từ những năm 1960-1970, thế giới đã có rất nhiều tác phẩm về vấn đề sinh thái. Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực thời bấy giờ (nhân chủng học, tâm lý học, triết học, tôn giáo học…) đã đưa ra quan điểm về quan hệ giữa con người và tự nhiên. Tuy nhiên giới phê bình văn học được cho là “phản ứng chậm” với đề tài thời sự này.

Đến những năm 1990, các hoạt động hội thảo, nghiên cứu vấn đề hoạt động văn chương và môi trường được tổ chức. Từ Mỹ, các hội thảo, nghiên cứu này lan rộng ra khắp các châu lục, khiến phê bình sinh thái trở thành trào lưu trong giới học thuật.

Phê bình sinh thái trong văn học được định nghĩa trong một bài viết có tên Phê bình sinh thái của tác giả Vương Nặc: “Văn học sinh thái là loại văn học lấy chủ nghĩa chỉnh thể sinh thái làm cơ sở tư tưởng, lấy lợi ích chỉnh thể của hệ thống sinh thái làm giá trị cao nhất để khảo sát và biểu hiện mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và truy tìm nguồn gốc xã hội của nguy cơ sinh thái”.

Xu hướng toàn cầu hóa khiến phê bình sinh thái nhanh chóng lan truyền khắp thế giới. Khu vực Đông Nam Á và Việt Nam đã bắt đầu làm quen với các khái niệm như phê bình sinh thái, sáng tác tự nhiên, văn học sinh thái, phê bình xanh, ngôn ngữ xanh…

Sáng tác, nghiên cứu sinh thái tại Việt Nam đang khởi động

Theo Tiến sĩ Tịnh Thy (Đại học Sư phạm Huế), tại Việt Nam, phê bình sinh thái thuộc chuyên ngành văn học đã được quan tâm, còn “đã quan tâm đúng mức hay chưa” thì bản thân Tiến sĩ chưa đưa ra câu trả lời thỏa đáng. Tuy nhiên, theo trào lưu chung, trong sáng tác và phê bình, vấn đề sinh thái đang được chú ý.

Điều này được thể hiện ở việc các hội thảo, đề tài nghiên cứu khoa học liên tục được tổ chức. Cuối năm 2017, Viện Văn học tổ chức một hội thảo quốc tế tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội về vấn đề phê bình sinh thái. Hội thảo này thu hút nhiều học giả khắp thế giới và các nhà nghiên cứu tham gia.

Hơn một tháng sau, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tiếp tục tổ chức hội thảo mang tầm quốc tế trong hai ngày 26 và 27/1 về đề tài phê bình sinh thái khu vực Đông Nam Á. Khoảng 20 nhà nghiên cứu từ các nước Đông Nam Á cùng 60 nhà khoa học, phê bình Việt Nam tề tựu, thảo luận về các vấn đề phê bình sinh thái trong khu vực Đông Nam Á.

Trong giới nghiên cứu, hiện nay có một đề tài nghiên cứu thạc sĩ về phê bình sinh thái đã hoàn thành với tựa đề “Văn xuôi Nam Bộ từ góc nhìn sinh thái”; một số đề tài phê bình sinh thái khác cũng đang được thực hiện.

Với độc giả quan tâm tới vấn đề này, có ba cuốn sách về phê bình sinh thái đã được xuất bản tiếng Việt, gồm: Rừng khô suối cạn, biển độc và văn chương (tác giả Nguyễn Thị Tịnh Thy), Con người và tự nhiên trong văn xuôi Việt Nam sau 1975 (Trần Ánh Nguyệt và Lê Lưu Oanh) và cuốn Phê bình sinh thái là gì? do Viện Văn học chủ trì dịch, Hoàng Tố Mai chủ biên.

Tiến sĩ Tịnh Thy cho rằng Việt Nam đang trong quá trình khởi động nghiên cứu sinh thái, chúng ta đi chậm so với thế giới 20 năm.

Hiện nay, có một số quan niệm về phê bình sinh thái chưa đúng, có đôi chỗ nhầm lẫn về phê bình sinh thái. Nhiều người cho rằng, các nhà văn viết tác phẩm có yếu tố tự nhiên, thì đó là sinh thái. Đó là một sự nhầm lẫn.

Từ xưa tới nay, yếu tố tự nhiên luôn đi liền với văn chương nghệ thuật. Tác phẩm văn học sinh thái phải ra đời với tư tưởng sinh thái chỉnh thể của người viết. Cái đó ở Việt Nam rất ít người sáng tác như vậy.

Theo quan sát của Tịnh Thy, hiện nay có nhà văn Trần Duy Phiên viết về Tây Nguyên, trong chuỗi sáng tác của ông, tư tưởng sinh thái rất rõ, còn với một số tác giả khác, tác phẩm chỉ là một vài biểu hiện của tư tưởng sinh thái. Các nhà văn như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Ngọc Tư cũng có một vài quan điểm sinh thái trong tác phẩm, gửi gắm qua nhân vật.

Cần những nghiên cứu, hội thảo, và giải thưởng văn chương về sinh thái

Để các nhà văn, tác giả quan tâm hơn đến phê bình sinh thái, bắt kịp xu hướng, trào lưu chung của thế giới, Tiến sĩ Tịnh Thy cho rằng các hiệp hội như Hội Nhà văn Việt Nam chẳng hạn, có thể tổ chức các cuộc thi, giải thưởng sáng tác về văn học sinh thái.

Tổ chức hội thảo như cách Viện Văn học và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã làm cũng là cách để khơi mở những hướng nghiên cứu, hướng tiếp cận của các nhà văn, nhà phê bình.

Tham dự chương trình về phê bình sinh thái tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, bà Chitra Sankaran - Chủ tịch Hội Nghiên cứu Văn học và Sinh thái Đông Nam Á - chia sẻ, Hội cũng tổ chức các buổi hội thảo như ở Đại học Quốc gia Singapore, hay ở Việt Nam.

Các buổi hội thảo này không chỉ là diễn đàn đưa ra tiếng nói, tranh luận của các nhà nghiên cứu, mà còn là vòng kết nối những nhà nghiên cứu cùng chung mối quan tâm tới một vấn đề trong khu vực.

Chủ tịch Hội nghiên cứu Văn học và Sinh thái Đông Nam Á đánh giá cao hội thảo trong hai ngày tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, bà cho rằng công tác chuẩn bị chu đáo, đặc biệt trong tài liệu không chỉ in các tham luận của các diễn giả tham gia hội thảo, mà còn có nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ các nước ngoài Đông Nam Á. Bà Chitra Sankaran đánh giá cao chất lượng các tham luận tại hội thảo, và cho biết sẽ công bố những tham luận này trên một tạp chí về nghiên cứu văn học sinh thái.

Theo PGS.TS. Phạm Xuân Thạch - Trưởng khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, việc nghiên cứu, tổ chức các hội thảo về phê bình sinh thái không chỉ giúp học thuật nước ta tiệm cận với khuynh hướng chung của thế giới, mà còn là một sự thúc đẩy giới sáng tác, nghiên cứu về vấn đề môi trường, qua đó “đánh động” tới ý thức bảo vệ môi trường trong xã hội nói chung.

Ông cho rằng sinh thái đang là câu chuyện toàn cầu. Con người cần nhận diện được phương thức chúng tồn tại và ứng xử với hệ thống môi trường. Để hình thành nên ứng xử hợp lý với môi trường thiên nhiên, cần phải có những lý giải sâu hơn từ trong chiều sâu văn hóa. Những tiếp cận liên ngành từ góc độ văn học là tiếp cận rất cần thiết.

Nhu cầu quốc tế hóa trong giới nghiên cứu buộc các nhà khoa học phải có sự tiếp xúc với nước ngoài. Chính nhu cầu quốc tế hóa đó khiến giới nghiên cứu, hoạt động sáng tác, giảng dạy văn chương cần tìm tiếng nói chung trong vấn đề lớn lao như môi trường, sinh thái.

THU HIỀN
Nguồn: Zing


TRẦN THANH GIAO - NHƯ CÁNH HẠC BAY

Cái tin ông ra đi vào ngày 10 Tháng Chạp khiến tôi bị bất ngờ. Tôi không thể tin nổi một cái cây cổ thụ đã đổ xuống, vận vào lời Thôi Hiệu, Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản (Hạc vàng một đi không trở lại), bài thơ sinh thời Trần Thanh Giao hằng yêu thích và lấy đó làm dấu tích của cuốn tiểu luận phê bình cuối cùng, dồn tụ nhiều tâm huyết…
Nhà văn Trần Thanh Giao (bên phải) và nhà thơ Bùi Tuyết Mai

1. Dẫu biết quy luật một đời người cuối cùng rồi cũng phải trở về với cát bụi, nhưng cái tin nhà văn Trần Thanh Giao quy tiên đối với tôi vẫn là quá đột ngột. Tôi không thể tin được cây đại thụ của văn nghệ, báo chí Việt Nam đã giã biệt cõi đời này. Tôi cảm thấy ông vẫn còn đấy. Con người ông nhỏ thó và rắn rỏi, khuôn mặt với những nếp nhăn của thời gian và tuổi tác vẫn không giấu được đôi mắt tinh anh, ánh nhìn nhạy bén cùng với nét cười răng khuyết rất đặc biệt. Vẫn là người đàn ông mà sự hiểu biết toát ra từ ánh nhìn ban đầu bạn tiếp xúc đến giọng nói chậm rãi, giàu trải nghiệm, cẩn trọng trong từng câu chữ và luôn luôn hài hòa, với phong thái lịch thiệp của một người đã kinh qua Tây học.

Nhớ lần đầu gặp ông vào năm 1996 tại Hà Nội, hai năm trước khi tôi được là đại biểu Hội nghị Những người viết văn Trẻ toàn quốc lần thứ V (1998). Chúng tôi cùng uống trà ở một tiệm trà thanh lịch, nằm khá sâu trong một cái ngõ nhỏ, gần với hồ Trúc Bạch. Trước đó, tôi đã đọc khá nhiều tác phẩm của ông. Lúc bấy giờ, ngồi trước mặt tôi đích thực là nhà văn Trần Thanh Giao bằng xương bằng thịt, và chúng tôi bàn về những bài báo, bài ký, tiểu luận hoặc phê bình văn chương Đông, Tây, kim, cổ của ông. Văn của ông thật rất ăn khớp với người. Giọng cười của ông cũng thật đa dạng, lúc thì mủ mỉ kín đáo, lúc lại cao hứng như thác nước đổ.

2. Trong những tranh luận bên ly trà của chúng tôi, có khi cứ trở đi, trở lại vấn đề “nóng” của đời sống văn nghệ: Để có tác phẩm hay. Tôi nhớ những đúc kết của ông đọng lại. Người-Văn ấy đã tìm thấy ngọc và lấy đó làm ánh sáng để soi chiếu vào những trang viết của mình, và cũng để phần nào giúp cho những người bạn văn cùng chia sẻ, bàn luận và lựa chọn cho mình một hướng đi:

- Dẫu biết văn chương là để giãi bày nỗi niềm, số phận, thu hút sự ham mê của người đọc, nhưng giãi bày để làm gì, câu trả lời là để nâng đỡ con người, làm cho nó cao thượng lên chứ không làm cho nó hèn đi, thấp đi.

- Nỗi niềm và số phận của một kiếp người có hàng ngàn, hàng vạn, vẽ ra được đã là khéo, nhưng tư tưởng nhân văn của tác phẩm về những nỗi niềm và số phận, mới là cái khó tìm, khó vẽ, mới là cái có giá trị nhất trong văn chương.

- Vẽ mây, vẽ gió được đã khéo, nhưng vẽ cho đến mức Non cao non thấp mây thuộc/ Cây cứng cây mềm gió hay như Nguyễn Trãi mới thật khó, mới thật hay, mới là nét vẽ của bậc thiên tài. Cho nên từ xưa, hiện nay và sau này vẫn vậy, văn chương hay, nhất là văn xuôi, không thể chỉ có nỗi niềm và số phận, mà trên nỗi niềm và số phận là một tư tưởng nhân văn sâu sắc, và những vẻ đẹp làm mê mẩn lòng người.

- Đã đến lúc cùng nhau nêu ra định nghĩa: tác phẩm hay là tác phẩm làm rung động sâu sắc, lâu bền trái tim người thưởng thức vì những giá trị chân thiện mỹ mà nó chứa đựng.

Năm 2015, ngay trong Đại hội Nhà văn, tôi nhận được món quà quý của ông. Đó là cuốn Tiểu luận phê bình của Trần Thanh Giao, Cánh hạc & Tiếng chuông, Nxb Hội Nhà văn, 2014. Bìa phụ là dòng chữ bút mực còn tươi rói, ông đề Thân tặng Bùi Tuyết Mai và cẩn thận ghi Hà nội 2015 rồi ký tên. Cùng với cuốn sách là một chiếc đồng hồ nữ mạ vàng rất đẹp, rất thanh lịch, viền kim loại màu vàng, mặt và dây đeo màu đỏ nâu tía, lấp lánh ánh bạc ẩn phía trong khung kim giây chạy, là tháp Effel. “Anh mua nó trong một chuyến thăm Thủ đô Paris, nước Pháp. Tặng em!” Tối hôm đó, rất khuya, sau khi ngồi cùng cánh nhà văn trẻ từ miền núi phía Bắc, tôi mới lần giở từng trang cuốn cảo thơm này của người bạn vong niên. Tôi đã thức luôn đến sáng với cuốn sách, tìm thấy trong đó những ký ức về cuộc trao đổi của chủ nhân cuốn sách với mình từ thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, hiện cũng nằm trong cuốn sách.

Cuốn sách này của ông, tôi luôn luôn mang theo để đọc mỗi khi có thì giờ. Và chiếc đồng hồ ấy, cũng trở thành vật bất ly thân của tôi, kể từ khi ông tặng.

3. Ông đặc biệt yêu thích cuốn Mái Tây của Vương Thực Phủ. Lại nhớ, một dịp ông ra Hà Nội họp, chúng tôi có hai ngày đi lên Mường. Đi lên tỉnh Hòa Bình, một địa danh nổi tiếng của người Việt cổ, với ông đây là một dịp “rất đáng để tiêu thời gian vào đó!”. Chúng tôi đi đại tứ Mường: Nhất Bi (huyện Tân Lạc), nhì Vang (huyện Lạc Sơn), tam Thàng (huyện Kỳ Sơn và Cao Phong), tứ Động (huyện Kim Bôi), bốn vùng Mường cổ nhất, lớn nhất của Việt Nam tại tỉnh Hòa Bình. Cũng trong chuyến đi này, tôi được biết cái bút danh Song Văn của anh là do anh rất yêu thích Mái Tây của Vương Thực Phủ mà ra. Ông khuyên tôi nên đọc cuốn ấy, vì cái kịch ấy cũng đã hay, nhưng lời bình của Kim Thánh Thán sau mỗi chương là những chỉ dẫn vô cùng hữu ích cho những người viết văn có tài năng - những người “thợ trời”.
Nhà văn Trần Thanh Giao (bên phải) vànhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ

4. Mỗi lần tôi có tác phẩm được đăng Báo Văn Nghệ, hoặc trên các diễn đàn, ông đều đọc thấy và là người cho nhận xét. Chúng tôi có những người bạn chung, một trong số họ là nhạc sĩ tài danh Nguyễn Tài Tuệ. Lần gặp gỡ gần đây nhất của chúng tôi cũng tại Đại hội Nhà văn (2015). Buổi tối, chúng tôi đến thăm nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ tại nhà riêng, phố Khương Trung, Hà Nội. Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy hai ông già ôm nhau một cách vô cùng mừng rỡ và đằm.

Hóa ra, họ từng quen và dõi theo nhau từ năm 1976. Khi ấy, nhà báo Trần Thanh Giao đã gặp và phỏng vấn nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, Trưởng phòng Nghệ thuật của Đoàn Ca Múa Nhạc Việt Nam, nhân dịp nhạc sĩ đưa đoàn văn nghệ sĩ, diễn viên vào Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn mừng một năm thắng lợi, non sông thu về một mối.

Hai ông đều thuộc hàng “Tây học trong nước lớp đầu” từ trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Trần Thanh Giao học ở Cần Thơ, Nguyễn Tài Tuệ học ở Sài Gòn. Cả hai đều phát âm và dùng rất chính xác văn phạm tiếng Pháp, nhưng lại rất thống nhất với nhau về quan điểm, quan niệm sáng tác. Do có công cụ ngôn ngữ tiếng Pháp trong tay, đồng thời lại có vốn cha mẹ để lại là chữ Hán và chữ Nôm, cả hai có điều kiện để tìm đọc sâu, học hỏi kỹ các giá trị văn học và âm nhạc của phương Đông, phương Tây. Trong cuộc gặp gỡ hiếm hoi ấy, tôi đã được nghe tiểu kết của Trần Thanh Giao: Nếu như cái thuyết cốt lõi của văn học phương Tây là chủ nghĩa nhân văn (humanisme; humanism) thì trong thơ văn Việt Nam có thuyết “nhân nghĩa” (humanité et loyauté; bennevolence and righteousness) đồng thời được bổ sung thêm các giá trị nhân bản khác.

Nếu cứ dõi theo hệ thống các tác phẩm của Trần Thanh Giao - Dòng sữa (truyện ngắn, 1962); - Đi tìm ngọc (truyện 1964, 1972, 1987, 2002); - Cầu sáng tiểu thuyết 1976, 1985); - Đất mới vỡ (tiểu thuyết 1978, 1981); - Giữa hai làn nước (truyện 1979); - Sao Mai gần gũi (truyện và ký 1983); - Một vùng sông nước (truyện 1985); - Thị trấn giữa rừng Sác (bút ký 1985); - Bầu trời thềm lục địa (bút ký 1986); - Câu chuyện một chiều thứ bảy (truyện ngắn 1987); - Một thời dang dở (tiểu thuyết 1988, 1992); - Thời áo trắng (tiểu thuyết 1995, 2002); - Tuyển tập truyện ngắn (2002); - Ai vượt Cửu Long Giang (bút ký 2003); - Ai tri âm đó… (phê bình, tiểu luận, 2003), - Văn học TP.HCM 1975 – 2005 (nghiên cứu, khảo luận…, 2008), - Chuông chùa (truyện ngắn 2011); - Cánh hạc & Tiếng chuông (phê bình, tiểu luận, 2014)… Đồng thời, cũng luôn luôn nghe vang lên trên làn sóng các phương tiện đại chúng những tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc của Nguyễn Tài Tuệ (trên 30 tác phẩm) thắm đượm chất trữ tình và nhân văn được phát triển từ âm nhạc dân gian Việt Nam đi rất xa…  có thể thấy rất rõ ý thức, trách nhiệm sâu sắc của họ với đất nước, với dân tộc. Tôi vẫn nhớ, Trần Thanh Giao đã nhấn mạnh với Nguyễn Tài Tuệ trong buổi tối đáng ghi nhớ ấy: Trong các tác phẩm thanh nhạc của anh, tôi thấy những bán cung, nửa cung lẽ ra là rất Tây, vậy mà anh đưa vào cứ ngọt và vô cùng thuần Việt trongMùa xuân gọi bạn, Suối mường Hum còn chảy mãi, Xa khơi, Mơ quê, trong Tiếng hát giữa rừng Pác Bó v.v.. Có cả câuxuống xề của cải lương trong Xôn xao bến nước nữa! Rồi những bản Rondo sonata, concerto, operette, v.v.. của ông đậm đà chất nhạc Việt. Tóm lại, nếu nói cách tân về hình thức thì cha ông ta cũng đã làm nhiều, và làm thành công… Nếu ta đừng sùng ngoại, đừng hám của lạ, tự hào về cha ông mình thì ta cũng có thể nêu ra “luận thuyết”, đóng góp vào những thuyết chung, có ích cho sự phát triển nhận thức của con người về bản chất của văn học nghệ thuật và cuộc sống.

Trần Thanh Giao, Nguyễn Tài Tuệ và tôi, cả ba cùng yêu thích Chức cẩm hồi văn của Tô Huệ, một tác phẩm thơ “siêu hình thức” cách nay đã hơn 2000 năm. Rồi tiếp sau đó, là những kiệt tác nhân loại như Iliade, Odyssée, cùng với các tác phẩm của những tác gia hàng đầu của nhân loại như Shakespeare, Cervantes, Dante, Goethe, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… Để qua việc đọc những kiệt tác đó mà bồi đắp chiều sâu nội lực cho mình trong sáng tạo và tiếp nhận những giá trị mới của văn học nghệ thuật.     

5. Cái tin ông ra đi vào ngày 10 Tháng Chạp khiến tôi bị bất ngờ. Tôi không thể tin nổi một cái cây cổ thụ đã đổ xuống, vận vào lời Thôi Hiệu, Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản (Hạc vàng một đi không trở lại), bài thơ sinh thời Trần Thanh Giao hằng yêu thích và lấy đó làm dấu tích của cuốn tiểu luận phê bình cuối cùng, dồn tụ nhiều tâm huyết. Một khoảng trống của văn đàn không bù đắp được. Tuy biết từ nay tôi sẽ không bao giờ nhận được những dòng cảm xúc tươi rói của ông qua email nữa. Tôi vẫn thấy nụ cười trẻ trung của ông. Sự nhiệt tâm xốc vác. Ông vẫn như còn đó, với ba lô, laptop và máy ảnh, sẵn sàng cho một chuyến đi mới.

Hà Nội, những ngày áp Tết Bính Thân 2016
 BÙI TUYẾT MAI
Theo NVTPHCM



Thứ Tư, 9 tháng 1, 2019

CHẤT LÍNH, HỒN LÍNH TRONG BẤT CHỢT MÙA XUÂN

Tôi và PGS.TS. triết học Lương Minh Cừ thường gặp nhau trong những cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học, những buổi bảo vệ luận án tiến sĩ, có lẽ vì thế tôi vẫn nghĩ về anh như một nhà nghiên cứu, nhà giáo. Bất chợt một hôm thấy anh xuất hiện trên truyền hình với tư cách là một nhà thơ, được giải thưởng thơ (tập thơ Chân trời vùng sâu, Hội VHNT Thành phố Hồ Chí Minh, 1976-1977). Tôi háo hức tìm đọc thơ anh.
Nhà thơ Lương Minh Cừ

Bất chợ mùa xuân (NXB Hội Nhà văn 2007) là tập thơ thứ hai của Lương Minh Cừ. Đã hơn 30 năm “giã từ vũ khí”, bàn tay hàng ngày đã quen cầm bút, viết bảng nhưng thơ anh vẫn giữ nguyên chất lính, hồn lính, đúng như Giang Nam nhận xét ngay dòng đầu tiên của Lời giới thiệu: “Hơn một nửa số bài thơ trong tập Bất chợt mùa xuân là những bài nhà thơ Lương Minh Cừ viết về chiến tranh và trong chiến tranh, với tư cách là một người lính cầm súng”. Lương Minh Cừ tự nói về điều này:

“Đồn giặc đã nhòe trong đêm
Bàn tay cầm súng chưa quên bao giờ”

               (Lục bát Tháp Mười)

Chất lính, hồn lính còn được Lương Minh Cừ tô đậm qua hình ảnh của đôi nam nữ trong bộ quân phục dắt tay nhau tự hào và tự tin bước vào trường đại học sau chiến tranh:

“Giặc tan rồi vẫn màu quân phục
         vương hương bưởi, hương cau…
Anh dắt tay em vào trường đại học
Hoa phượng soi đỏ hồng từng khuôn mặt
Anh mãi là đồng đội bên em”

              (Hạnh phúc đầu tiên)

Người lính trong thơ Lương Minh Cừ tung hoành khắp các chiến trường ác liệt, sẵn sàng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” (Tố Hữu) mà tâm hồn bay bổng như một thư sinh chưa rời ghế học đường.

Xung trận, “lê tuốt sáng ngời”, người lính chiến vẫn ung dung ngắm trời ngắm đất, ngắm hoa dại nở ven rừng:

“Hoàng hôn - lê tuốt sáng ngời
Xe vào chiến dịch, mây trời chuyển theo
Bụi tung, đỏ mũ tai bèo
Đất chen hoa tím… lưng đèo cờ bay”

      (Ra trận qua đèo Ngang)

Với Khoảng trời địa đạo, Lương Minh Cừ đã tạo cho người đọc một xúc cảm thẩm mĩ dồn nén để rồi vỡ òa với sự trộn lẫn giữa hiện thực và trừu tượng, bóng tối và ánh sáng, hạn hẹp và bao la, âm thanh và tĩnh lặng…

“Khoảng trời địa đạo là khoảng trời tượng hình
Bởi không có mây bay và gió thổi

Bởi ánh sáng mặt trời không thể nào chiếu tới
Đồng đội tìm nhau xuyên suốt khoảng không gian”

“Khoảng không gian thu nhỏ một ước mơ
Dẫu chật hẹp vẫn một vùng vòi vọi
Những nẻo chiến trường ta đi không mỏi
Hội tụ về đây thành sắc đỏ khoảng trời” 

                 (Khoảng trời địa đạo)

Cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ của Lương Minh Cừ về địa đạo Củ Chi vừa hiện thực vừa khái quát một cách tinh tế, độc đáo, toát lên tinh thần lạc quan, một niềm tin vững chắc không hề nao núng của người lính tựa lưng vào lòng đất mẹ chống quân thù:

“Người với đất, tựa lưng nhau đánh giặc
Suốt bốn mùa vững chắc ung dung”

                  (Khoảng trời địa đạo)

Trên chiến trường, người chiến sĩ dũng cảm, vững vàng, xông pha bất kể hiểm nguy nhưng trên lĩnh vực tình cảm, tình yêu lại vẩn vơ, lãng đãng, thiếu tự tin:

“Cớ sao em chẳng mời tôi
Miếng trầu,
                em đã têm rồi, ngày xưa?
Tháng giêng
                rét ngọt bụi mưa,
Hoa xoan rơi tím
đường xưa…
xuân giờ”

để rồi trách móc, giận hờn, phân vân tự hỏi, những câu hỏi chỉ để hỏi:

“Vì sao, tôi hỏi vì sao
Mưa xuân,
lại rắc bụi vào hư không”

(Điều tôi chưa hiểu)

Còn một mạch ngầm xuyên suốt Bất chợt mùa xuân, thắm đượm từng câu chữ, đó là một tình yêu quê hương đất nước thiết tha sâu lắng, không có gì to tát, chỉ thoảng mùi hương bưởi, hương chanh; “sắc lúa”, “dát” vào màu trời xanh; tiếng chim ríu rít rung cành; cây gạo “xòe bông đỏ trời” ở ngôi làng nơi chôn nhau cắt rốn của tác giả:

“Tháng giêng nắng ướt cành đào
Em đi dát sắc lúa vào trời xanh
Vườn xưa hương bưởi, hương chanh
Tiếng chim ríu rít, rung cành còn không
Suốt đời tôi nhớ làng Đông
Đầu làng cây gạo xòe bông đỏ trời”

         (Tôi sinh ra ờ làng Đông)

Nếu có thể phác họa đôi nét về Bất chợt mùa xuân để thâu tóm cái thần thái của nó thì cái sắc lính, hồn lính hòa trộn với tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc; một tình yêu trai tráng, lãng mạn, nồng nàn… và một giọng thơ, điệu thơ trong sáng, đằm mà thắm của Lương Minh Cừ tạo thành một sắc thái riêng cho Bất chợt mùa xuân. Có điều hơi tiếc là đôi bài còn dàn trải, chưa thật sự chắt lọc, cô đúc, tượng hình như Khoảng trời địa đạo. Âu cũng là lẽ thường tình. Không nên quá đòi hỏi đến mức mỗi câu mỗi chữ đều “hàng hàng châu ngọc, lời lời gấm thêu”. Đó là điều xưa nay hiếm.

NGUYỄN VĂN THỨC
_____________________________

Nhà thơ Lương Minh Cừ sinh năm 1952 tại Thái Bình, tốt nghiệp phổ thông đi bộ đội tham gia kháng chiến chống Mỹ ở Nam Bộ, về sau sang làm nghĩa vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia trong chiến tranh biên giới Tây Nam.

Năm 1976, Lương Minh Cừ vào đại học, sau khi tốt nghiệp ông tiếp tục làm nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ về triết học. Ông từng là giảng viên các trường Đại học Kinh tế, Đại học Tài chính - Kế toán, Hiệu trưởng Đại học Tài chính - Marketing ở Thành phố Hồ Chí Minh và hiện là Hiệu trưởng Trường đại học dân lập Cửu Long ở Vĩnh Long từ tháng 2 năm 2017. Ông được Nhà nước phong học hàm Phó Giáo tư và Nhà giáo ưu tú.

Ngoài công tác giáo dục, Lương Minh Cừ còn là nhà thơ sáng tác từ thời chiến tranh.
Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh và hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.

Tác phẩm đã xuất bản:

Chân trời vùng sâu (thơ), NXB Văn Nghệ 1976
Bất chợt mùa xuân (thơ), NXB Hội Nhà văn 2017
Nụ tầm xuân (thơ), NXB Hội Nhà văn 2015

Giải thưởng văn học:

- Giải thưởng cuộc thi thơ Hội Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh năm 1976 - 1977.

Nguồn: NVTPHCM


GIA HÁT CHO ĐỜI XANH KHÁT KHAO

Homer, người kể chuyện vĩ đại năm xưa từng mở đầu thiên trường ca Odyssey bằng lời cầu khấn thanh tao: “Nàng thơ ơi, hãy hát lên…”. Mỗi nhà thơ kể cho chúng ta nghe một câu chuyện về chuyến phiêu lưu của cõi tinh thần.
Nhà thơ La Mai Thi Gia

Thơ Thi Gia là những câu chuyện thầm thì không kết thúc trong trái tim một người nữ sẵn yêu và sẵn thơ:

Gia ơi, chừ em hát
Lời ngọt lành như mưa
Gia ơi, chừ em khóc
Thương ngày mình xuân xưa

(Gia ơi, đời xanh đấy!)

Chỉ là một câu chuyện dài về nỗi niềm xanh tươi của tuổi xanh tươi. Có mấy ai nuôi được màu xanh ấy, trong chính mình và trong cách nhìn đời. Bởi vậy, Thi Gia mới tự nhắc mình, rằng đời xanh đấy! Như chúng ta thầm nhắc nhau bằng câu hỏi: Đời vẫn xanh ư?...

Đời xanh, không phải vì đời rất vui, mà vì đời rất đáng sống!

Trong “cõi xanh” của Thi Gia, chúng ta đọc thấy một nguồn cảm hứng đầy đặn về tình ruột thịt, tình nhân gian, về tình ân ái, tình đa đoan… Mỗi bài thơ là một thiên truyện tí hon nhưng đầy sức gợi về nỗi phập phồng và hân hoan của con người trước những vui buồn, tai ương và hạnh phúc.

Nhà thơ chọn cho mình một giọng riêng ở mỗi thứ tình.

Trong tình máu mủ ruột rà, thơ Gia bình lặng và giản dị với điểm nhìn thơ dại về gia đình, về quê hương cố lý.  Đó là nỗi ngơ ngác chân thành: “Đỏ mắt con tìm một câu chúc miền Trung” trong buổi sinh nhật xa quê (Tiếng quê), là lời mời tự nhiên “như không” mà rất thiết tha: “Quê mình đây nè bạn - Bữa mô buồn ghé chơi - Nắng hè trong leo lẻo - Biển còn xanh hơn trời” (Biết răng chừ quê ơi), là kỷ niệm dịu dàng sâu lắng về ánh mắt cha ngày con gái lấy chồng: “Vào nhà đi cha ơi thôi đừng đợi nữa! - Con gái cha đã lớn mất rồi - Đã biết… sống trên đời ai cũng phải có đôi” (Con gái theo chồng), là khúc tiêu dao ám ảnh dành cho kẻ tha phương:

Ta ra đi hề
giữa bốn bề gió lộng
Nhưng trái tim ta hề
đã ở lại quê hương
(…)
Quê cha đất mẹ
ai ra đi mà không nhớ không thương?
Ta ra đi mà mong quay trở lại
Về với mẹ ta, cha ta, Tam Kỳ ta, Quảng Nam ta hề
Quê ơi, quê ơi!
Lũy thừa nỗi nhớ
Dâng lên ngập trời!

Bài thơ Khúc ly quê được viết từ hơn mười năm trước đã bồi đắp cho thơ Gia một tâm tình nồng nàn có chút sang trọng cổ xưa. Thơ hiện đại mà có pha lẫn giọng tiêu dao tráng chí, âm vang lạ của loại ca ngâm vốn chỉ dành cho các bậc thượng căn.

Hoài vọng đất quê làm nền cho Thi Gia viết những vần thơ cảm động về mẹ cha. Bản tính hồn nhiên trong thơ Gia là một vũ khí “đắc địa” khi chạm đến tình mẫu tử, tình phụ tử:

Nghỉ tay thôi cha ơi
quấn điếu thuốc rê mà phì phà
đốt lên niềm vui từ những hàng mạ non xanh tít tắp
phì phà cơm no áo ấm
từ những vết chai
từ đôi mắt đăm đắm suy tư trong chiều
chứa đầy mẹ
chứa đầy con
chứa đầy những nỗi lo toan nhọc nhằn, những buồn vui hạnh phúc
Tuổi cha tôi như cây lúa chín vàng
Rồi sẽ như rơm rạ
Một chiều đốt đồng khói mịt mù bay
cay xè con mắt
Có đủ vô tư để đợi tuổi về không cha ơi?

Cuốc cày chi nữa cha ơi
ngồi xuống đây mà nhâm nhi cùng con ly rượu
Uống cho tuổi cha như ngọn lúa chín vàng
trĩu hạt đòng đòng bên đám mạ xanh non.

(Tuổi cha tôi như cây lúa chín vàng)

Hình ảnh “chứa đầy mẹ”, “chứa đầy con” là sáng tạo bất ngờ, làm nhoà đi bao nhiêu ranh giới tinh tế thường vẫn có trong mỗi gia đình. Ở đó, Thi Gia chia sẻ cho chúng ta một cảm nhận rất “thật thà”:

Em chẳng có gì ngoài thân thể mẹ cho
Thanh xuân trả dần cho năm tháng

(Chẳng có gì ngoài chính em thôi)

hay những lời tình tự về nỗi đau “nguyên bản” của đời người phụ nữ:

Mẹ!
Con đau khi rời mẹ
Và đau khi con làm mẹ con mình
(…)
Đau lần nữa, đau thêm ngàn lần nữa
Từ những cơn đau mà hóa phận người

(Từ những cơn đau mà hóa phận người)

Nỗi đau không thể là điều cắn xé chúng ta mãi được. Tấm lòng trong xanh sẽ làm nguôi những buồn đau trĩu nặng. Người bà trong thơ Gia khiến ta nghĩ như thế:

Bà nuôi cha tôi bằng những sớm sương dày
Bà gánh cả mảnh vườn xanh chân trần ra chợ bán
Từ đôi tay bà bó rau như xanh hơn
Cùng những bí bầu nuôi cha tôi lớn khôn

(Bà mãi còn trong giấc ngủ của đêm)

Tôi thích hình ảnh người bà gánh cả mảnh vườn xanh trên đôi chân trần. Hình ảnh đó nửa rất thực,  nửa như là một ẩn dụ nao lòng về sức xuân mạnh mẽ trong cơ thể người nữ. Nó bất ngờ đạt tới một sự lấp lánh trong sự trộn lẫn giữa nét tươi giòn háo hức với sự tiếc nuối xa xăm. Chủ đề bài thơ rất quen thuộc, nhưng cách viết của Thi Gia tạo ra một hiệu ứng mới.

Thế giới của tình thân ruột rà trong thơ Gia còn mở ra những tứ thơ gây xúc động thực sự:

Con trai tắm cho cha
Tắm cho người đàn ông đã từng công kênh mình trên đôi vai
Bế bồng mình trên đôi tay… to bè, vạm vỡ
Đón mình vào nhân gian khi còn đỏ hỏn
Tắm cho người đàn ông năm xưa đã tắm cho mình

(Tắm gội cho cha)

Tình máu mủ và tình nhân gian dường như được gắn kết bằng hình tượng những em bé. Viết về em bé là biệt tài của Thi Gia. Cũng không có gì lạ, đó là một hồn thơ quá đỗi vô tư.
Tập thơ Gia ơi, đời xanh đấy! của La Mai Thi Gia

Lời ru của Gia có màu sắc riêng, dù đã được kết trộn với nhiều tầng cảm xúc từ dân ca người Việt.

Bé bỏng trên tay mẹ ơi
Em ngủ ngoan như hạt nắng yên lành trên lá me
(…)
Bé bỏng trong tim mẹ ơi
Có lũ kiến đen kiến đỏ kiến nhỏ kiến to xếp hàng men theo cọng rơm ra ruộng
Cõng thóc về kho cho ấm no
Lũ về theo mùa giăng giăng trắng đồng cá tép
Lời mẹ hát chiều nay nghe như âu lo.

(Cho mẹ được sinh ra)

Người thơ ấy cũng không quên để lại nhiều cảm xúc về những nghịch cảnh của nhân loại quanh mình; là câu thơ tiếc thương những em bé Hàn Quốc tử nạn trong vụ chìm phà Sewol năm 2016:“Đằng sau những nụ cười đã vĩnh viễn hết cười - Tôi mường tượng ra những đôi mắt sẽ vẫn còn khóc mãi (…) ;Trái tim trẻ thơ trôi đi cùng băng giá - Để lại những cuộc đời cũng đã hóa đêm sâu”, là câu chuyện thảng thốt của người bạn chân chất cùng quên: “Sống chẳng được cái nhà che sương gió - Chết phải được cái mồ cho ấm mẹ, mày ơi!” (Mẹ nát một đời trong cái thói bao dung),  là bài thơ viết sau sự kiện xác em bé Syria trôi dạt vào bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ khi cùng cha mẹ trong chuyến tị nạn hãi hùng: “Ta còn gì cho ngày mai - Ta để lại gì cho tương lai ngoài những hố sâu hun hút - Ngoài những linh hồn bé thơ lạnh lẽo kêu đau” (Ta là gì trong cõi chúng ta), là những mong ước rất kì lạ của người mẹ với con: “Muốn làm quả bóng dưới chân con, lăn tròn trên cỏ - Chẳng có góc cạnh nào nên chắc sẽ không đau?” (Rồi cũng sẽ hết đêm).

Với trích đoạn bài thơ dưới đây, tôi nghĩ Thi Gia có thể đã tìm thấy một vài đỉnh cao nào đó trong đời thơ của mình:

Nụ cười của chúng nhốt hồn vía tôi ở đấy
Tiếng khóc của chúng nhốt tình yêu tôi ở đấy
Tôi trở thành người tù vui vẻ an lành
Hân hoan trong chiếc lồng son mang tên Hạnh phúc
Kể từ ngày những thiên thần ấy đến chơi
Tôi biết tự do của mình đã ra đi mãi mãi
Mãi mãi...
Vì bởi chính tôi khao khát được giam cầm

Những đứa trẻ được sinh ra từ máu thịt của mình
Dạy cho tôi biết chẳng có nỗi đau nào là đáng sợ
Và có những thương yêu
Cả cái chết cũng chẳng thể nào xua tan được nó
Khi ta đã được duyên lành chọn để đến bên nhau

Và khi đời còn đầy rẫy đớn đau
Tôi ước tôi phi thường mạnh mẽ
Thật phi thường, mạnh mẽ
Sừng sững như non cao che chở đời con trẻ
Như mẹ đã từng che chắn đời tôi

(Tôi ước tôi phi thường mạnh mẽ)        

Viết về con cái của mình như thế, tự nhiên, giản dị và thấm thía, là điều mà một nhà thơ không phải lúc nào cũng có thể đạt tới. Chúng ta chào đón những câu thơ thiện lương và tài hoa này!

Tạm biệt những câu chuyện thần tiên về em bé, chúng ta lại nghe câu chuyện khác nhọc nhằn hơn một chút: chuyện về tình ái ân và tình đa đoan.

Đọc thơ tình của Thi Gia, tôi tin rằng “một nhà thơ tình biết lay động” đã đến!

Gia không phải là nhà thơ của suy tư, khắc khoải. Chất thơ Gia không ứng với vị nồng rượu đậm. Giọng thơ này không sở hữu những mật ngữ sang trọng và cô đúc. Thơ Gia là một thảo nguyên trong xanh gợi tình. Thơ tình của Gia sẽ còn nhiều sức sống và ghi dấu ấn rất tự nhiên trong dòng thơ đương đại, bởi có gì dai dẳng và mênh mang hơn gió ở thảo nguyên, hơn cỏ xanh và trời xanh thay nhau xanh ở thảo nguyên?

Nàng thơ kể chuyện Từ ấy hồng hoang mới kết thành rằng: “Hồn ta từ dạo lan theo sóng – Rót biển cho đời xanh khát khao”, rằng “cả tin nghe gió lời ân ái – ai biết ngàn dương có thật thà”, đến nỗi “hồn bay qua đỉnh trời hoang dại – hai kẻ đùa chơi không áo manh”.

Thơ Gia không có ý khiến người ta nghĩ, mà giúp người ta thở! Đọc thơ Gia là để thở những khoảng không gian không bị giới hạn:

Kể từ chiều qua đây chập choạng
Tôi và thinh không đang lặng lẽ nhớ người!
(…)
Yêu như cơn giông trút xuống cánh đồng cháy khô giữa hạ
Yêu như đám mây đen thả mình làm mưa vội vã
Yêu đi cho nhau xanh mướt trong nhau
(…)
Mình như một hài nhi nhỏ dại
Trần truồng dưới ánh trăng xanh
Và da thịt tôi tươi mới mát lành
Tôi và người sinh nhau ra lần nữa.

(Tôi và người sinh nhau ra lần nữa)

Niềm vui thơ dại trước dư tình say đắm trong mỗi câu thơ mở ra những “cánh đồng hoa giữa trời” (những cánh đồng mà Xuân Quỳnh từng ca hát), dẫn người đọc bước vào những không gian khác lạ của tình yêu đôi lứa, được thở một sinh quyển nồng nàn của khách đa tình:

Em ngồi yên rồi
Yên như đêm vậy
Người rót tình đi, ta uống nhau.

(Người rót tình đi, ta uống nhau)

Thơ Gia là tiếng thơ của thiếu nữ nói nỗi lòng thiếu phụ, bởi vậy mà người đọc cứ thấy chênh chênh nhưng là một sự chênh chênh nghịch ngợm và rất có nghề. Thiếu nữ thì trinh thơ mà thiếu phụ thì lặng người trong cuồng nhiệt:

Tôi nhớ người tôi yêu tôi muốn hét
Tiếng hét từ châu thân thăm thẳm tột cùng
Tôi muốn giấu người sâu trong ấy
Của nhau rồi ai bận tính riêng chung?

 (Tôi nhớ người tôi yêu tôi khóc!)             

Thảo nguyên xanh gợi tình chưa dừng lại. Thi Gia khiến chúng ta ngạc nhiên và thoáng chút thẹn thùng khi viết những câu thơ, ý thơ “nhạy cảm” quá đỗi, như là: “Chờ khô giữa suối nhấp nhô – sóng tình” (Chờ khô), “trong đêm ướt sũng nỗi niềm cuộn lên – cuộn lên –  cho đêm vỡ nát tan tành – Mà anh, anh vẫn vẹn lành trong em” (Vén nỗi nhớ đầy tim), “Em nhớ anh cả những lúc bên nhau, cuộn vào nhau thương nhớ - Thiếu anh cả những lúc đầy anh trong em ăm ắp đam mê (Tia nắng cuối ngày có hong khô nỗi nhớ?).

Bóng đêm của thơ Gia bị nhà thơ mắng là “Đêm hư”, thế nó đã làm gì? Nó chỉ ghẹo tình: “Xiết bông cỏ dại – ghẹo đùa lưng ong – bên tai róc rách – mùa đang trổ đòng”.

Có sao đâu. Tình yêu cho chúng ta lạc thú, trên mọi thứ mà nó trôi qua.

Nhưng sau tất cả, sau những hồ hởi thiếu nữ là đôi mắt thiếu phụ:

Khi tình yêu ta không thể yên bình
Em thương anh chung gánh cùng em trên con đường dài thẳm sâu phía trước
Em thương người em yêu tất tả vụng về
Thương cái nhìn đầy nhau mà vờ như xanh ngắt
Sau mỗi nụ cười buồn là đôi mắt đầy mưa

(Sau mỗi nụ cười buồn là đôi mắt đầy mưa)

Vậy đó. Nàng thiếu nữ trinh thơ bỗng nhiên sương tuyết như kẻ bạc đầu. Chúng ta lại nghe một câu chuyện khác rất sâu:

Đôi khi giữa những tháng ngày bình yên giản dị
Không có chút sắc màu nên mình tưởng không vui
(…)
Giờ thì mình tập yêu những thứ thuộc về mình
Vì biết chẳng thể yêu những điều mình chưa từng có

(Hết buồn rồi thì mình sẽ hết đau)

Rồi nàng quyết liệt hơn, từng trải sững sờ:

Bởi lớn rồi nên em đã hiểu
Những bàn tay đâu thể nắm suốt đời
Khi mỏi quá cần buông nhau một lát
Cho cả hai người được phép thảnh thơi

(Chỉ cần có nhau ở chốn nhau về)

đến nỗi: “Thản nhiên mà đi qua nhau - Cái vẫy tay còn ở lại” (Thản nhiên). Và cái chết ngọt ngào hay sự thức tỉnh ngọt ngào xuất hiện: “Em học vầng trăng buông tim mình xuống đáy” (Gói lòng mình, gói cả bão giông), “Em chọn cách quay đi và khóc” (Có phải con đường quanh là con đường dài nhất).

Trăng đã chực chờ đắm
Rơi vào lòng suối sâu

(Em mơ)

Mọi thứ đang “chực chờ” để ái ân miên viễn. Trăng của Thi Gia giàu nhục cảm nhưng là thứ nhục cảm trong lành. Hãy “giải thiêng” bằng niềm vui ân ái (“tại đêm bày chuyện dập dìu – Nên ta ta cũng đánh liều giải thiêng”) – một đề nghị rất ngây thơ và đầy cảm hứng của nàng Thi Gia.

Tôi gọi Thi Gia là người “sẵn thơ”, từ tên gọi như là định mệnh cho đến những niềm thi hứng riêng tư. La Mai Thi Gia có thể biến thành “Mãi là thi gia” (mãi là nhà thơ) được chăng? Có thể lắm. Biết đâu tạo hoá chẳng vô tình.

Mọi chuyến phiêu lưu đều chứa đựng những kinh nghiệm, kì thú hoặc nhạt màu. Cũng có nhiều mất mát ở chặng cuối cùng. Cách chữa lành những vết thương phù du mà có thật là trả lại sự “như như” cho muôn tạo vật, cũng như cho chính mình. Hân hoan buồn và vui, đấy là quà tặng của trái tim hồn nhiên trước những vết xước của tâm hồn!

Từ Thơ Trắng đến Đời Xanh, miệt mài với chuyến phiêu lưu rất xa, Gia đã không quên hân hoan trả lại màu tự nhiên cho cõi tục:

Gia ơi, đời xanh đấy
Người còn thương lá vàng
Cho em mầm hoa biếc
Ươm tình chờ xuân sang.

Hãy đọc thơ Gia bằng niềm hy vọng; như cách chúng ta sống và hát trong hy vọng, dù hy vọng không đồng nghĩa với niềm vui; nó đồng nghĩa với sự sẵn lòng.

Đông kinh, Nhật Bản 02.2018
LÊ THỊ THANH TÂM
(Lời giới thiệu tập thơ Gia ơi, đời xanh đấy! của La Mai Thi Gia)




Thứ Ba, 8 tháng 1, 2019

NHÀ THƠ, NHẠC SĨ NGUYỄN TRỌNG TẠO: MAI SAU TÔI CHẾT TRONG THƠ...

Dù nổi tiếng, thơ hay nhưng trong những cuộc vui cùng bạn bè chẳng bao giờ nói đến thơ của mình, dù chỉ đọc một đôi câu, đó là Nguyễn Trọng Tạo. Gặp nhau, tay bắt mặt mừng và nụ cười luôn rạng rỡ trên môi, đó là Nguyễn Trọng Tạo.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo - Ảnh: Hoàng Thu Phố

Con người tài hoa ấy, Nguyễn Trọng Tạo, tôi có cảm giác là anh không hề oán giận ai. Lúc nào anh cũng thân thiện, chan hòa vui vẻ. Có thể do tính cách này mà anh trở nên quảng giao, kết thân nhiều bạn bè trong cả nước.

Năm 1995, khi ra Hà Nội theo học lớp biên tập văn bản khóa 1 tại Trường viết văn Nguyễn Du, tôi và anh Tạo cùng ở chung phòng. Tôi đi học, còn anh đi chơi, nhưng rồi cả hai cùng tá túc tại đây hàng tháng trời.

Có một ấn tượng khiến tôi nhớ mãi là mỗi sáng anh dậy rất sớm, mở mắt ra đã thấy anh lòm khòm trên chiếc chiếu trải ở sàn nhà. Viết và viết. Ngày nào cũng như ngày nào.

Sau đó, anh lại đi ngao du đâu đó, hễ lúc trời sụp tối, anh lại dẫn tôi đi thăm bạn bè của anh. Nhờ thế dù mới chân ướt chân ráo ra Hà Nội, qua anh, tôi đã làm quen được nhiều anh em văn nghệ là vậy.

Có lúc tôi hỏi nếu chọn lấy bài thơ nào thích nhất của anh, Nguyễn Trọng Tạo lại "đá giò lái" qua chuyện khác, đó là bài thơ... chưa hề được in báo, anh sáng tác lúc còn học trường làng. Đại khái, ban đầu đến với thơ, anh bảo là do yêu thích thơ Hàn Mặc Tử mà bắt chước làm theo.

Bài thơ đầu tay ấy như sau: "Bây giờ tôi dịu tôi hiền / Biết đâu tôi dại tôi điên bao giờ / Mai sau tôi chết trong thơ / Hay là thơ chết bên bờ hồn tôi / Trăng lên ngọn liễu trăng ngồi / Tôi lên ngọn liễu tôi rơi bao giờ".

Từ năm 1978, Nguyễn Trọng Tạo mới được đông đảo biết đến là nhờ có bài Thơ gửi người không quen được in trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Tế Hanh, Chế Lan Viên, Xuân Diệu đã chọn đây là bài thơ hay nhất trong năm của tờ báo này.

Thế nhưng đình đám nhất vẫn là hai bài thơ in trên báo Văn Nghệ năm 1981: Tản mạn thời tôi sống, Thơ tình của người lớn tuổi.

Mới đây, năm 2016, gặp nhau tại Hội nghị lý luận phê bình do Hội Nhà văn VN tổ chức ở Tam Đảo, anh có kể cho tôi nghe những sự cố rắc rối từ bài thơ Tản mạn thời tôi sống.

Và khi trình bày quan niệm về thơ, anh tâm tình: "Thơ gần với nước mắt hơn là tiếng cười, gần với khổ đau hơn là reo hát, gần với sẻ chia hơn là chiếm đoạt, gần với chiến thắng mình hơn là răn người... Hay nói như G. Lorcaa, thơ gần với mực hơn là với máu". Suy nghĩ này đã được nhiều người tại hội nghị đồng tình.

Nay, đọc lại bài thơ này vẫn còn thấy hay và nhất là hai câu đã được truyền tụng rộng rãi: "Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi / Câu trả lời thật không dễ dàng chi". Hay nhất vẫn câu lặp đi lặp lại: "Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa" - đã cho thấy một sự vận động theo hướng tích cực hơn. Có thể nói bài thơ Tản mạn thời tôi sống là một trong những tín hiệu báo trước của văn học đổi mới.

Không chỉ làm thơ, viết văn xuôi, Nguyễn Trọng Tạo còn là tay làm báo cực siêu. Với tạp chí Thơ duy nhất hiện nay của cả nước, thì trước đó anh đã "cầm trịch" tờ báo Thơ với sự đổi mới rực rỡ về nội dung, phong phú bài vở do quy tụ được các nhà thơ, nhà lý luận trong cả nước. Đó là do cái tâm tính quảng giao nên anh có lợi thế tổ chức được bài vở chu đáo, chất lượng.

Không những vậy, tập sách Chuyện ít biết về văn nghệ sĩ một thời "bán chạy như tôm tươi" cũng là do mối quan hệ cá nhân, anh đã cung cấp cho người đọc nhiều thông tin lý thú đằng sau trang viết của nhà văn. Anh còn là họa sĩ trình bày bìa sách báo, sáng tác ca khúc.

Năm vừa rồi, đêm nhạc của anh đã tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội, có thể ghi nhận là lẵng hoa tươi đẹp nhất vào cuối đời mà anh đã dành cho công chúng và ngược lại.
Con người tài hoa này vừa rời xa chúng ta. Nhớ lại những lúc anh vào Sài Gòn, chúng tôi thường gặp gỡ và cũng chỉ bàn về thơ.

Nhà thơ Trương Nam Hương gọi điện thoại cho biết vừa có bài thơ tưởng niệm anh chưa ráo mực: "Đồng dao cho người lớn / Nương thân trong nỗi buồn / Rượu - thơ - và nhan sắc / Cứ đằm đằm nhớ thương / Người tài hoa sáng tạo / Chiều nay xa thật rồi / Hỏi anh đi đâu thế? / Anh cười trong mây trôi...".

LÊ MINH QUỐC

__________________________

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo qua đời tại Hà Nội vào 19h50 ngày 7-1, sau hơn hai tháng chiến đấu với bệnh ung thư phổi.

Nguyễn Trọng Tạo sinh năm 1947 trong một gia đình Nho học ở làng Trường Khê (nay là Diễn Hoa), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông là nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo, họa sĩ vẽ bìa sách.

Ông được nhiều người biết đến trong vai trò là nhạc sĩ của một số ca khúc được yêu thích, trong đó nổi tiếng nhất là bài Khúc hát sông quê, Làng quan họ quê tôi.

Nhưng sự nghiệp lớn nhất của ông là thơ. Ông là tác giả của những tập thơ, trường ca như Đồng dao cho người lớn, Nương thân, Thế giới không còn trăng, Con đường của những vì sao (Trường ca Đồng Lộc), Trường ca Biển mặn...

Nguồn: TTO

TÁC PHẨM VÀ TÁC GIẢ KHÁC:



NHÀ VĂN NGUYÊN NGỌC: CON NGƯỜI NÀO THÌ LÀM RA VĂN HÓA ẤY….

Lời Tòa soạn: Nhân sự kiện Đà Nẵng quy hoạch và thực hiện một số dự án xây dựng ảnh hưởng đến hệ sinh thái bán đảo Sơn Trà bị dư luận phản ứng, VHNA đã có cuộc trao đổi với nhà văn Nguyên Ngọc, một công dân xứ Quảng rất am hiểu xứ Quảng – Quảng Nam &Đà nẵng về vấn đề này, về văn hóa &người xứ Quảng.
Nhà văn Nguyên Ngọc

Phan Văn Thắng: Thưa nhà văn, chúng tôi xin phép được ông trao đổi một số về tình hình văn hóa nước nhà hôm nay. Tôi xin được bắt đầu câu chuyện từ xứ Quảng của ông. Đó là câu chuyện bán đảo Sơn Trà của Đà Nẵng đã bị xẻ thịt cho các dự án xây dựng khách sạn. Nếu đặt câu chuyện này (mà hầu hết ai cũng biết) bên cạnh câu chuyện ông Nguyễn Sự nâng niu chăm bẵm Hội An, và những câu chuyện khác nữa, của xứ Quảng, của cả nước, ông rút ra những điều gì về phương diện văn hóa?

Nhà văn Nguyên Ngọc: Vì anh đã bắt đầu câu chuyện bằng cách nhắc đến Đà Nẵng với vụ Sơn Trà, nên tôi cũng xin bắt đầu từ đó, bởi vì hẳn chuyện Đà Nẵng không hề là cá biệt. Hơn thế nữa, trường hợp Đà Nẵng là rất đáng suy nghĩ: khủng hoảng âm ỉ của thành phố này từng được che giấu dưới một vẻ hào nhoáng bên ngoài trong một thời gian khá dài.

Thật vậy, nhiều năm qua Đà Nẵng từng được dư luận coi là thành phố phát triển rất tốt, tốt nhất, thậm chí là “thành phố đáng sống” nhất nước … Thế rồi, đột ngột, bùng ra đủ thứ chuyện lôi thôi về Đà Nẵng, trong đó chuyện Sơn Trà chỉ là một, và nó cũng lại dính với những chuyện lôi thôi kia đang rất rối rắm và ngày càng rõ không phải bây giờ mới có. Có đột ngột không? Có phải bây giờ mới có không? Chắc chắn là không. Ở đây tất phải có một cái gì đó chung, gốc gác, và đã từ rất lâu.

Cái chung và gốc đó là gì? Theo tôi, có một điều là cốt lõi nhưng hầu như chưa được ai nói rõ: trong phát triển mấy chục năm qua, Đà Nẵng đã không lấy văn hóa làm nền, rất coi thường văn hóa, thậm chí phá hủy văn hóa. Cho nên tiềm ẩn nguy cơ từ đầu, hậu quả là tất yếu, đến nay mới bục ra là chậm. Vì sao lại chậm thế? Vì Đà Nẵng đã tạo được một vẻ bên ngoài nào đó che lấp cái gốc nguy hiểm kia.

Chỉ xin nói vài ví dụ:

Về di sản văn hóa, quý nhất, độc đáo nhất, tuyệt đẹp, trên toàn thế giới duy nhất Đà Nẵng có, là Bảo tàng điêu khắc Chăm, dấu tích của một nền văn minh từng rực rỡ. Tôi nghĩ lãnh đạo Đà Nẵng hoàn toàn không ý thức được điều đó khi quy hoạch cho phát triển của thành phố. Đà Nẵng từng nổi tiếng giải tỏa giỏi để chỉnh trang đô thị. Nhưng giải tỏa khắp nơi, có thời giải tỏa rầm rộ … để bán đất, ‘’đổi đất lấy công trình’’ … Mà không hề quan tâm giải tỏa để tạo một không gian đủ thoảng để bảo tồn và chưng ra, khoe với thiên hạ và thường xuyên nhắc nhở người dân thành phố về hòn ngọc văn hóa đáng tự hào nhất của mình. Trái lại, bất chấp mọi phản đối, đã quyết xây một cái cầu quy mô và kệch cỡm, hình con rồng bằng sắt, giữa thời hiện đại này mà lởm chởm vi vẩy, lại đầu phun lửa đuôi xịt khói, che lút viên ngọc quý kia, phá vỡ cảnh quan, gây chấn động tác hại cho bảo tàng, thậm chí lúc đầu còn định trùm qua cả bảo tàng, bị phản đối dai dẳng mới chịu hạ thấp xuống một ít. Phô trương Cầu Rồng, quên lãng Bảo tàng Chăm, là lấy thô kệch thay cho tinh hoa, điển hình của một lối văn hóa phô trương trọc phú thấp kém, quê mùa. Đã là văn hóa thì nhất thiết phải tinh hoa, đại chúng cũng phải là tinh hoa của đại chúng, và hướng dần lên tinh hoa, càng đặc biệt ở đô thị là nơi hội tụ tinh hoa của một vùng đất. Tất nhiên con người nào thì làm ra văn hóa ấy, và văn hóa nào thì lại chi phối lối sống, cách ứng xử của con người sống trong văn hóa ấy, nhìn thấy nó, chịu tác động của nó hằng ngày. Tôi nghĩ những chuyện lùm xùm vừa qua ở một số người lãnh đạo Đà Nẵng không phải không có liên quan gì đến chuyện văn hóa trong phát triển của thành phố này. Trong cư xử với quyền lực, người ta đã đã cư xử một cách vô văn hóa đúng như đã cư xử với văn hóa.

Quy hoạch Đà Nẵng, người Pháp đã thông minh và tinh tế tạo một trục văn hóa trung tâm của thành phố dọc bờ sông Hàn: bắt đầu về hướng Tây là hòn ngọc bảo tàng điêu khắc Chăm, ở giữa là công trình hiện đại duy nhất trên trục này: Thư viện tổng hợp thanh nhã và sang trọng, cuối đường, về hướng Đông, là di tích lịch sử quý nhất của thành phố: Thành Điện Hải, pháo đài anh hùng của tướng Nguyễn Tri Phương, người đã đánh được trận thắng duy nhất chống quân Pháp vào xâm lược nước ta giữa thế kỹ 19 ... Đà Nẵng đã phá vỡ cái trục văn hóa rất đẹp đó. Bảo tàng Chăm bị Cầu Rồng thô kêch trấn ngự, Thư viện Tổng hợp suýt đã bị xóa đi để xây siêu thị, đấu tranh mãi mới giữ được, Thành Điện Hải bị tòa nhà quả bắp khó hiểu và bảo tàng Đà Nẵng hơn 40 sau chiến tranh vẫn chủ yếu chất đầy súng ống lấn chiếm…

Đà Nẵng là thành phố có cảnh quan vào loại đẹp nhất nước: có núi, không phải núi ‘’non bộ’’ như ở một số nơi khác, mà là núi lớn, cao, hệ động thực vật phong phú, sát thành phố mà có cả thú quý hiếm, bờ biển cong duyên dáng, bãi biển từng được xếp vào loại đẹp nhất thế giới, sông Hàn ngắn mà khỏe, là con sông lý tưởng cho một thành phố hiện đại mà thơ mộng hai bên bờ sông … Đến nay Đà Nẵng đã phá vỡ hầu hết các thế mạnh trời cho và cha ông để lại ấy.

Hệ sinh thái của Đà Nẵng đã bị phá vỡ, có nhiều mặt không còn quay lui, cứu chữa được nữa. Trả giá quá đắt …

Phan Văn Thắng: Xã hội là một sinh thái – sinh thái xã hội và văn hóa là máu của hệ sinh thái đó. Máu bị bệnh, bị thiếu sẽ làm cho xã hội su y yếu, dị dạng. Sự khủng hoảng, xuống cấp của sinh thái xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến sinh thái tự nhiên. Rừng bị tàn phá đến kiệt quệ. Biển bị ô nhiễm. Đất cũng bị ô nhiễm. Tất cả đều là do con người tạo ra. Tôi vẫn tự hỏi, tại sao cũng những con người đó, người Việt Nam chúng ta, hôm qua không tàn phá rừng và biển mà hôm nay lại thế?

Tôi cũng thấy cái cách mà người thời nay quan hệ, xử sự với nhau, với thế giới quanh mình khác người xưa nhiều quá. Hình như có quá nhiều suy nghĩ, đúng hơn là toan tính và hành vi ứng xử không phải được hình thành trên nền tảng các phẩm chất văn hóa của người Việt xưa. Người Việt ta bây giờ, tôi nghĩ, đa phần, có vẻ khắc nghiệt, tàn bạo hơn, giả dối hơn, thiếu trách nhiệm hơn. Nhận xét này có gì quá đáng không, thưa ông?

Với tình trạng trên, có lý do từ việc chúng ta đã làm gián đoạn tiến trình văn hóa dân tộc, tạo ra khoảng cách văn hóa hôm nay với lịch sử và truyền thống văn hóa dân tộc hay không? Là người từng trải ông có thể giúp chỉ ra những khoảng cách đó và lý giải vì sao có khoảng cách đó?     

Nhà văn Nguyên Ngọc: Trước hết, theo tôi câu hỏi và nhận xét của anh ‘’Tại sao người Việt Nam chúng ta hôm qua không tàn phá rừng và biển mà hôm nay lại thế ?’’, …’’ Người Việt ta bây giờ … đa phần, có vẻ khắc nghiệt, tàn bạo hơn, giả dối hơn, thiếu trách nhiệm hơn …’’ không có gì là quá đáng cả. Hôm nay đã khá nhiều người đặt câu hỏi và nhận xét tương tự. Có điều họ không hay chưa nói ra, hoặc tìm cách nói trại đi thế nào đó cho dễ nghe hơn. Nghĩa là tình hình quả đúng như vậy và nhận xét đó không mới mẻ. Quan trọng là câu hỏi: vì sao mà đến nông nổi ấy? Một câu hỏi cần đặt ra rất nghiêm túc, nghiêm khắc, suy nghĩ rất kỹ, và cố gắng trả lời cho kỳ được, nếu ta thật sự yêu đất nước này và thật sự vì con người Việt của chúng ta. Bởi vì những biểu hiện như vừa nói không chỉ là những ‘‘biểu hiện’’, tức là ở bên ngoài, mà là một sự thay đổi tận bên trong, về chất, và nếu đúng thật như vậy (và lần nữa tôi khẳng định là quả vậy) thì nguy hiểm quá, nó liên quan đến sự tồn vong của đất nước và dân tộc. Cho nên phải trả lời, trước sau phải trả lời. Từ lâu tôi đã suy nghĩ, trằn trọc và cho rằng do quá bức xúc, quá nóng lòng thoát khỏi ách đô hộ thực dân, chúng ta đã chọn một con đường đấu tranh bạo lực quá nguy hiểm để giải quyết vấn đề dân tộc của mình, bắt đầu từ một trăm năm trước. Bức xúc như vậy, nóng lòng như vậy là chính đáng, rất chính đáng, nhưng chính những bức xúc và nóng lòng chính đáng ấy lại khiến ta chưa tỉnh táo lường cho hết những hậu quả là sẽ tàn phá đến tận gốc những giá trị đạo đức sống - giữa con người với nhau và giữa người với tự nhiên – đã  được dân tộc xây dắp hàng nghìn năm dài.

Với ước vọng độc lập, tự do, thống nhất thiêng liêng, với con đường đã lựa chọn, chúng ta đã phải trải qua mấy cuộc chiến tranh lớn, với tổn thất ghê gớm như chưa từng có trong suốt lịch sử của dân tộc.

Tôi nói những điều này vì hơn một trăm năm trước có một người đã nghĩ đến những điều này, bằng một trực cảm thiên tài mà hẳn ta còn phải cố mà giải thích, đã cảm nhận ra mối hiểm nguy của con đường bạo lực đối với dân tộc, quyết không đi con đường đó. Người đó là Phan Châu Trinh. Ông nói ‘‘Bất bạo động, bạo động tắc tử’’. Tôi hiểu ‘‘Tử’’ đây của Phan Châu Trinh không phải chỉ nói đến tổn thất sinh mạng. Ông nói đến mối nguy ‘‘tử’’ lớn và sâu hơn nhiều: sự vong thân của con người và dân tộc Việt, như anh đã nhắc đến trong câu hỏi, và ta đang lúng túng chứng kiến từng ngày hôm nay ... Bao nhiêu năm Phan Châu Trinh bị chê là ‘‘cải lương’’, bị vu là ‘’thân Pháp’’. Ngày nay có người còn cố bào chữa cho ông rằng ông chủ trương bất bạo động vì ông thấy tương quan lực lượng giữa ta và đối thủ bấy giờ quá chênh lệch. Tôi cho đó là thanh minh nhầm cho ông. Gần đây, trong một cuộc nói chuyện ở trường Fullbright TP Hồ Chí Minh, TS Vũ Ngọc Hoàng đã nói lại chính xác tư tưởng của Phan Châu Trinh, tuy không nhắc đến tên ông. Anh nói trong lịch sử lâu dài của dân tộc, những lần đối mặt với ngoại xâm mà ta thua, thì không phải là vì ta thiếu anh hùng, mà vì ta lạc hậu. Lạc hậu về văn hóa và văn minh. Hoàng Xuân Hãn nói rằng Phan Châu Trinh là người đầu tiên và duy nhất thời bấy giờ đi tìm và đã tìm thấy nguyên nhân mất nước trong văn hóa, trong sự thấp kém về văn hóa của ta so với đối thủ mới. Vấn đề là văn hóa, văn minh, chứ không phải dũng khí anh hùng. Hoặc dũng khí anh hùng lúc này, trong điều kiện này, chính là dám nhận ra mình thua kém về văn hóa và văn minh. Lô gích của Phan Châu Trinh rất rõ: Đã là vấn đề văn hóa, văn minh, thì không thể giải quyết được bằng chiến tranh. Chiến tranh không có chức năng đó, không làm được điều đó. Phải cúi đầu xuống mà đi học, học chính họ, để cho văn minh được bằng họ. Ông bình tĩnh đặt vấn đề phát triển chứ không phải độc lập, ra sức học chính đối thủ để mà phát triển. Độc lập, độc lập thật sự, có ý nghĩa và vững chắc, sẽ đến và chỉ sẽ đến khi thật sự phát triển được bằng người.

Chọn con đường ‘‘ngắn’’ bạo lực, ta đã làm gián đoạn tiến trình văn hóa dân tộc, tạo ra rối loạn văn hóa, không chỉ là khoảng cách mà hố thẳm văn hóa hôm nay so với lịch sử và truyền thống văn hóa dân tộc.

Về vấn đề này, theo tôi còn một chuyện nữa, mà ta cũng nên cố gắng đi cho đến cùng. Ta biết Phan Châu Trinh đã hoàn toàn đơn độc với tư tưởng và chủ trương của ông. Có thể nói ông là người cô độc nhất trong suốt lịch sử dân tộc. Toàn bộ giới sĩ phu ưu tú của đất nước không ai tán đồng ông. Lịch sử và Dân Tộc không chấp nhận ông. Mọi người đã quay lưng lại với con người tĩnh táo và sáng suốt nhất của mình trong tình thế hiểm nghèo và chọn con đường khác, ngược lại.

Vậy phải chăng còn có vấn đề của bản lĩnh dân tộc? Cũng là đối mặt với xâm lược đến từ phương Tây cùng thời, người Nhật chẳng hạn đã có lựa chọn khác: chỉ đánh một trận duy nhất và thua Hà Lan, họ liền dũng cảm cúi đầu đi học Hà Lan và cả phương Tây - gọi tất cả là ‘’Lan học’’ – để trở nên hùng cường như hôm nay. Đó là khí tiết của samurai Nhật mà tiếc thay ta không có … Cho nên cũng cần nghĩ, cố gắng nghĩ thật bình tĩnh, khách quan về dân tộc. Tôi biết nhiều người hiện nay đang cố gắng làm điều này.

Phan Văn Thắng: Thưa ông, lâu rồi hình như ông ít viết văn, ông quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề văn hóa ở bình diện rộng lớn hơn rất nhiều. Ông có thể chia sẻ lý do không ạ?

Nhà văn Nguyên Ngọc: Tôi là người tham lam, anh ạ. Thật ra tôi cũng còn cái để viết, nhưng bị phân tán nhiều quá, tự mình phân tán, vì những việc tôi nghĩ có thể là quan trọng hơn. Như suy nghĩ về chuyện ta đang bàn đây. Như chuyện cố mà giải thích cho ra Phan Châu Trinh, vì sao ông đi trước được đến trăm năm như thế. Vì sao mọi người lúc đó đã quay lưng lại với ông, đã đánh mất ông, người từng muốn đưa dân tộc đi một con đường khác, đến một số phận khác …

Tất nhiên lịch sử thì không có nếu. Nhưng dám nhìn lại, nghĩ lại về lịch sử thì rất cần. Để dám bắt đầu lại. Từ đầu. Từ cái điểm mà Phan Châu Trinh đã thấy và tha thiết cảnh báo cách đây một trăm năm … Có thể nói đến điều đó bằng văn học, nhưng tôi chắc rõ ràng tôi không đủ sức. Phải chờ người khác.

Phan Văn Thắng: Trong bối cảnh văn hóa Việt nam hiện nay, văn học đứng ở vị trí nào trong tổng thể ‘bố cục’ nền văn hóa nước nhà? Đó là sự sắp xếp hay là sự lựa chọn của giới văn chương, và công chúng bạn đọc? Văn học và giới văn chương có phải chịu trách nhiệm về thực trạng văn hóa nước nhà hiện nay? Vì sao?

Nhà văn Nguyên Ngọc: Chẳng có ai sắp xếp được cả. Tôi nghĩ văn học là sự tự ý thức của dân tộc. Tôi có cảm thấy điều đó trong một số tác phẩm của một số nhà văn, song có lẽ còn chưa thật rõ, như mới là một sự đánh hơi còn khá mơ hồ.

Trong tình hình hiện nay, tôi mong có những nhà văn thật có tài, làm sựtự ý thức lại của dân tộc.

 Vừa rồi tôi thấy có người nói lớp cầm bút tuổi bốn mươi đang rất đáng chú ý, có vẻ họ sẽ làm nên chuyện đấy. Tôi cũng vừa đọc một nhà văn tuổi hai mươi, có thể coi là một phát hiện lạ. Tôi chờ. Tất nhiên văn học sẽ có tiếng nói kiểu của nó. Và không thể nói trước nó sẽ lên tiếng theo cách nào.

Phan Văn Thắng: Tôi còn biết ông với vai trò một người trực tiếp tham gia hoạt động giáo dục. Ông nhận xét gì về vai trò của các hoạt động giáo dục, của ngành giáo dục đối với hiện trạng văn hóa nước nhà? Những bất cập, hay là yếu kém nào của giáo dục đã tác động bất lợi đến Con người và Văn hóa Việt nam hôm nay?

Ngành giáo dục phải thay đổi là tất nhiên, tất yếu. Nhưng thay đổi theo triết lý nào thì hình như chúng ta vẫn đang loay hoay tìm kiếm. Ông có tìm kiếm cho riêng mình một triết lý hay là phương châm hành động vì một nền giáo dục Việt Nam hiện đại? Nó là gì?

Nhà văn Nguyên Ngọc: Cũng là một chuyện tham lam của tôi.

Về giáo dục, có lẽ có hai điều cần nói:

Vẫn nghe nói: xã hội thế này thì giáo dục ắt phải thế, không thể hơn. Xã hội là hệ thống mẹ, giáo dục là hệ thống con. Có vẻ đương nhiên rồi! … Nhưng rồi, nghĩ lại xem: Ai sẽ làm thay đổi tình trạng xã hội này? Nói cho đến cùng, cũng chỉ có thể là giáo dục. ‘’Chi bằng học!’’ Để thoát lạc hậu. Đâu nhất thiết mẹ nào con ấy. Có thể sai lầm lớn nhất của nền giáo dục ở ta bây giờ là nó cam chịu sự chi phối tuyệt đối của hệ thống mẹ, không hề có tham vọng tác động ngược trở lại làm thay đổi, phát triển hệ thống mẹ. Tất cả các cuộc cách mạng giáo dục trên thế giới xưa nay đều nhằm làm điều đó, và vì đã làm điều đó nên mới là một cuộc cách mạng giáo dục.

Nhưng muốn làm được điều đó thì, như GS Hoàng Tụy đã nói rồi, phải ‘’thế tục hóa’’. Nếu không thì mọi ‘’đổi mới’’, ‘’cải cách’’ này nọ cũng chỉ có thể loay hoay chắp vá thôi.

GS Hoàng Tụy cũng nhắc rõ điều này: châu Âu khi thế tục hóa giáo dục, thì xã hội vẫn là xã hội Thiên chúa giáo. Nghĩa là thể chế không thay đổi. Không sao cả. Cần phải hiểu, nếu chưa hiểu thì đến lúc cần phải hiểu: giáo dục (và văn hóa) là nền tảng và lâu dài hơn chính trị. Nếu không thì sẽ không còn văn hóa và giáo dục.

Phan Văn Thắng: Xin trở lại câu chuyện với những điều riêng tư hơn. Tôi được biết và chúc mừng ông và các cộng sự ở Viện Phan Chu Trinh đã được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tín nhiệm tổ chức biên soạn bộ sách có tính chất bách khoa về Quảng Nam. Ông có so sánh và nhận xét gì về văn hóa hai xứ, Quảng và Nghệ. Và tính cách người xứ Quảng và xứ Nghệ?

Nhà văn Nguyên Ngọc: Tôi không dám so sánh gì. Chỉ nói một nhận xét tình cờ: Tôi nghĩ dân Quảng Nam gốc Nghệ Tĩnh rất nhiều. Mẹ tôi là dân Hà Tĩnh đấy anh ạ. Ông ngoại tôi là cháu nội của cụ Nguyễn Công Trứ, chắc là một ông đồ Nghệ (Tĩnh) lang thang vào xứ Quảng dạy học, lấy bà ngoại Quảng Nam của tôi … Và có dịp vào Bến Tre, tôi được biết dân Bến Tre rất nhiều người gốc Quảng. Ở Bến Tre còn có cái rương xe, vốn rất Quảng Nam mà ở Quảng Nam nay hầu như không còn. Tôi cứ mường tượng có thể người Nghệ đi vào Quảng Nam là một bước, bước tiếp một bước nữa là vào đến Bến Tre. Đúng thế không? Có gì đó rất gần nhau.

Nguồn: Văn hoá Nghệ An




NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU