Từ trái qua: Phan Hoàng, Văn Lê, Hoài Vũ, Đặng Huy Giang
Giống như nhiều người cầm bút khác, Văn Lê khởi đầu làm
thơ và sớm gặt hái thành công. Mới ở tuổi 26, ông đã đoạt Giải A cuộc thi thơ của
báo Văn Nghệ năm 1974-75, bắt đầu khẳng định tên tuổi trên thi
đàn. Sau đó, ông được trao Giải B cuộc thi thơ của tạp chí Văn Nghệ
Quân Đội năm 1982, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 về đề tài
chiến tranh và lực lượng vũ trang cho tập thơ Phải lòng,... Nhắc lại
điều này để thấy thơ đã chi phối cả sự nghiệp cầm bút của ông, ẩn hiện trên từng
trang viết của ông, dù sau này ông thiên về văn xuôi, tác giả của hơn 30 đầu
sách, đặc biệt trong đó có bộ ba tiểu thuyết gây tiếng vang viết về cuộc Tổng tấn
công và nổi dậy Mậu Thân - 1968, với những cái tên cũng đậm chất thơ: Nếu
anh còn được sống, Cao hơn bầu trời và Mùa hè giá buốt.
Riêng tiểu thuyết Mùa hè giá buốt của
Văn Lê xuất bản năm 2008, đoạt Giải B (không có Giải A) - giải thưởng 5 năm một
lần của Bộ Quốc phòng, và bây giờ trở thành tác phẩm văn học duy nhất được trao
Giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP.HCM (2006-2011), giải thưởng 5 năm một
lần đầu tiên của thành phố. Vinh dự ấy thật xứng đáng với Mùa hè giá buốt,
một tiểu thuyết đẹp và buồn, quyến rũ và đau đớn, thăng hoa như một tứ thơ.
Tình yêu nghề, tài năng và sự lao động sáng tạo nghệ thuật bền bỉ của Văn Lê đã
được ghi nhận trân trọng.
Tên thật là Lê Chí Thuỵ, nhà văn Văn Lê cầm tinh con
trâu, sinh ngày năm 1949 tại Ninh Bình. Trong hoàn cảnh đất nước bị chiến
tranh, ông phải sớm rời ghế nhà trường để nhập ngũ, vào chiến đấu ở Nam Bộ. Nhờ
có năng khiếu văn học, ông được điều chuyển sang công tác chính trị, văn hoá
trong quân đội, mà theo ông: “Chính cái tài vặt ấy đã giúp tôi may mắn sống sót
giữa mưa bom bão đạn”. Văn Lê từng là phóng viên báo Văn Nghệ Quân Giải
Phóng, Văn Nghệ Giải Phóng, Văn Nghệ. Năm 1977, khi chiến tranh biên giới
Tây Nam nổ ra, ông đã tái ngũ, vừa cầm súng vừa cầm bút ở mặt trận 479 cho tới
năm 1982 mới ra quân về làm việc tại Hãng Phim Giải Phóng ở TP.HCM.
Với nỗ lực tự học không ngừng, Văn Lê đã tích luỹ được vốn
tri thức văn hoá khá rộng, đó là nền tảng quan trọng giúp con người đa năng
trong ông có hành trình sáng tạo bền bỉ và đạt nhiều thành công trong thơ, văn
xuôi lẫn điện ảnh. Về đề tài Mậu Thân- 1968, Văn Lê không chỉ có thơ và bộ ba
tiểu thuyết Nếu anh còn được sống, Cao hơn bầu trời và Mùa
hè giá buốt, mà ngay khi bước vào làm bộ phim tài liệu đầu tiên cách
đây hàng chục năm, ông đã dựng ngay Sài Gòn xuân 68 đầy ấn tượng,
phản ánh sự đau thương mất mát của chiến sĩ, đồng bào thành phố trong sự kiện
khốc liệt này. Bộ phim Sài Gòn xuân 68 đã gây xúc động mạnh,
được trao giải thưởng Galaxy của Nhật Bản và cũng là bộ phim tài liệu ưng ý nhất
của Văn Lê từ trước tới nay.
Giải thích với tôi về việc ông liên tiếp viết nên bộ ba
tiểu thuyết về sự kiện Mậu Thân - 1968, nhà văn Văn Lê cho hay: “Tôi muốn tiệm
cận, lý giải vì sao, bằng cách gì mà trong hoàn cảnh ác liệt, cùng cực như thế,
người Việt chúng ta đã gượng dậy được và chiến thắng. Trước đây, có lúc người
ta cho rằng đó là nhờ lòng căm thù, nhưng tôi lại nghĩ khác, chúng ta chiến thắng
bằng chính tình yêu, vì suy cho cùng những người lính cách mạng đã bằngsức mạnh
tình yêu đã chiến thắng kẻ thù có tình yêu sức mạnh”. Và sức
mạnh tình yêu ấy cũng từng được Văn Lê trăn trở trong tập thơ Phải lòng:
"Bạn bè, đồng chí của tôi
Thương nhau dâng hiến trọn đời thanh xuân
Sống thì lấy thân che thân
Lấy tình bọc lấy cái nhân con người
Cũng vì tình nghĩa cả thôi
Mà ràng mà buộc mọi đời với nhau".
Là một người trực
tiếp tham gia Chiến dịch Mậu Thân - 1968, lại từng có cơ hội tiếp xúc với nhiều
tư liệu lịch sử thuộc dạng “tuyệt mật” và gần gũi với những nhân vật quan trọng,
nhà văn Văn Lê tâm sự rằng chiến dịch này đã ám ảnh hầu hết những người trong
cuộc còn sống sót, đồng thời cũng là nỗi bức xúc của nhiều cán bộ lãnh đạo cao
cấp về sự thành bại của nó. “Tôi viết về Mậu Thân- 1968 để mọi người chiêm
nghiệm, suy ngẫm về thành bại đó. Các chiến sĩ xuống đường đánh vào thành phố với
tâm trạng vô cùng hưng phấn, giống như trận đánh cuối cùng. Cấp trên cũng có ý
định chấm dứt chiến tranh bằng chiến dịch này. Sau đợt 1, quân giải phóng thu
được một số thắng lợi, Mỹ đề nghị phía cách mạng Việt Nam ngồi vào bàn đàm
phán. Nhưng có lẽ do ý muốn cấp trên đánh cho địch “lấm lưng” nên đã tiến công
đợt 2 nhằm vào ngày sinh của Các Mác 04.5. Chính đợt 2 này, trước sự phòng bị
và phản công quyết liệt của địch, quân ta đã hy sinh lớn. Chỉ riêng mặt trận
Sài Gòn mất gần 55.000 chiến sĩ. Cái giá xương máu phải trả thật to lớn”.
Về sự kiện Mậu Thân - 1968, có nhiều nhà văn cách mạng lẫn
đối phương đã viết. Phía cách mạng như Sài Gòn dưới những tầng khói của
Nguyễn Quang Sáng, Dũng sĩ Mậu Thân của Thanh Giang, Tiếng
gọi ngày “N” của Hồi Phạm,… Tuy nhiên, do yêu cầu của hoàn cảnh lịch sử,
giống như hầu hết tác phẩm ra đời ngay trong chiến tranh, các tác phẩm trên đều
chủ yếu viết về thắng lợi nhằm cổ vũ tinh thần chiến đấu, mà quên nỗi đau thực
tại nhức nhói và khốc liệt, nghĩa là chưa phản ánh đúng mực mặt trái của chiến
tranh. Chỉ khi nước nhà đã thống nhất, có độ lùi về thời gian, thì nhà văn mới
có đủ tư liệu, cách nhìn khách quan để viết về chiến tranh một cách trung thực
hơn. Đó cũng là điều kiện lý tưởng cho bộ ba tiểu thuyết của Văn Lê về Mậu Thân
- 1968, đặc biệt là Mùa hè giá buốt vừa hiện thực vừa huyền ảo
ra đời và được đánh giá cao.
Ẩn sau vẻ hiền lành chất phác của Văn Lê là một tấm lòng
độ lượng, một tâm hồn nhạy cảm và nặng trĩu suy tư, một trí tuệ uyên thâm. Mới
đây, khi bộ phim Long Thành cầm giả ca đoạt nhiều giải thưởng
lớn trong dịp mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tên tuổi Văn Lê với tư
cách nhà biên kịch được vinh danh. Còn bây giờ cả bộ phim Long Thành cầm
giả ca lẫn Mùa hè giá buốt - tiểu thuyết tâm huyết của
ông lại được tôn vinh…
Nhìn về quá khứ bi thương của dân tộc mà mình tham dự, dù
đã trải lòng bằng hàng ngàn trang viết nhưng nhà văn Văn Lê chưa hết nỗi niềm:
“Tôi vẫn cảm thấy vô cùng khó lý giải, rằng vì sao, vì lẽ gì, bằng tình yêu như
thế nào mà người lính vẫn ra đi dù biết họ sẽ chết? Phải chăng chỉ có dân tộc
này mới có sức chịu đựng đến mức lạnh lùng như thế, để tồn tại, để chiến thắng?”.
Khi mà trong lòng Văn Lê vẫn còn nỗi nghi vấn đầy “bất an” ấy, có nghĩa người đọc
còn hy vọng ở nhà văn những tác phẩm mới viết về chiến tranh, hay hơn, xác thực
hơn, thần thái hơn.
PHAN HOÀNG
Nguồn: SGGP 12.2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét