Thứ Ba, 8 tháng 1, 2019

NHÀ THƠ, NHẠC SĨ NGUYỄN TRỌNG TẠO: MAI SAU TÔI CHẾT TRONG THƠ...

Dù nổi tiếng, thơ hay nhưng trong những cuộc vui cùng bạn bè chẳng bao giờ nói đến thơ của mình, dù chỉ đọc một đôi câu, đó là Nguyễn Trọng Tạo. Gặp nhau, tay bắt mặt mừng và nụ cười luôn rạng rỡ trên môi, đó là Nguyễn Trọng Tạo.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo - Ảnh: Hoàng Thu Phố

Con người tài hoa ấy, Nguyễn Trọng Tạo, tôi có cảm giác là anh không hề oán giận ai. Lúc nào anh cũng thân thiện, chan hòa vui vẻ. Có thể do tính cách này mà anh trở nên quảng giao, kết thân nhiều bạn bè trong cả nước.

Năm 1995, khi ra Hà Nội theo học lớp biên tập văn bản khóa 1 tại Trường viết văn Nguyễn Du, tôi và anh Tạo cùng ở chung phòng. Tôi đi học, còn anh đi chơi, nhưng rồi cả hai cùng tá túc tại đây hàng tháng trời.

Có một ấn tượng khiến tôi nhớ mãi là mỗi sáng anh dậy rất sớm, mở mắt ra đã thấy anh lòm khòm trên chiếc chiếu trải ở sàn nhà. Viết và viết. Ngày nào cũng như ngày nào.

Sau đó, anh lại đi ngao du đâu đó, hễ lúc trời sụp tối, anh lại dẫn tôi đi thăm bạn bè của anh. Nhờ thế dù mới chân ướt chân ráo ra Hà Nội, qua anh, tôi đã làm quen được nhiều anh em văn nghệ là vậy.

Có lúc tôi hỏi nếu chọn lấy bài thơ nào thích nhất của anh, Nguyễn Trọng Tạo lại "đá giò lái" qua chuyện khác, đó là bài thơ... chưa hề được in báo, anh sáng tác lúc còn học trường làng. Đại khái, ban đầu đến với thơ, anh bảo là do yêu thích thơ Hàn Mặc Tử mà bắt chước làm theo.

Bài thơ đầu tay ấy như sau: "Bây giờ tôi dịu tôi hiền / Biết đâu tôi dại tôi điên bao giờ / Mai sau tôi chết trong thơ / Hay là thơ chết bên bờ hồn tôi / Trăng lên ngọn liễu trăng ngồi / Tôi lên ngọn liễu tôi rơi bao giờ".

Từ năm 1978, Nguyễn Trọng Tạo mới được đông đảo biết đến là nhờ có bài Thơ gửi người không quen được in trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Tế Hanh, Chế Lan Viên, Xuân Diệu đã chọn đây là bài thơ hay nhất trong năm của tờ báo này.

Thế nhưng đình đám nhất vẫn là hai bài thơ in trên báo Văn Nghệ năm 1981: Tản mạn thời tôi sống, Thơ tình của người lớn tuổi.

Mới đây, năm 2016, gặp nhau tại Hội nghị lý luận phê bình do Hội Nhà văn VN tổ chức ở Tam Đảo, anh có kể cho tôi nghe những sự cố rắc rối từ bài thơ Tản mạn thời tôi sống.

Và khi trình bày quan niệm về thơ, anh tâm tình: "Thơ gần với nước mắt hơn là tiếng cười, gần với khổ đau hơn là reo hát, gần với sẻ chia hơn là chiếm đoạt, gần với chiến thắng mình hơn là răn người... Hay nói như G. Lorcaa, thơ gần với mực hơn là với máu". Suy nghĩ này đã được nhiều người tại hội nghị đồng tình.

Nay, đọc lại bài thơ này vẫn còn thấy hay và nhất là hai câu đã được truyền tụng rộng rãi: "Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi / Câu trả lời thật không dễ dàng chi". Hay nhất vẫn câu lặp đi lặp lại: "Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa" - đã cho thấy một sự vận động theo hướng tích cực hơn. Có thể nói bài thơ Tản mạn thời tôi sống là một trong những tín hiệu báo trước của văn học đổi mới.

Không chỉ làm thơ, viết văn xuôi, Nguyễn Trọng Tạo còn là tay làm báo cực siêu. Với tạp chí Thơ duy nhất hiện nay của cả nước, thì trước đó anh đã "cầm trịch" tờ báo Thơ với sự đổi mới rực rỡ về nội dung, phong phú bài vở do quy tụ được các nhà thơ, nhà lý luận trong cả nước. Đó là do cái tâm tính quảng giao nên anh có lợi thế tổ chức được bài vở chu đáo, chất lượng.

Không những vậy, tập sách Chuyện ít biết về văn nghệ sĩ một thời "bán chạy như tôm tươi" cũng là do mối quan hệ cá nhân, anh đã cung cấp cho người đọc nhiều thông tin lý thú đằng sau trang viết của nhà văn. Anh còn là họa sĩ trình bày bìa sách báo, sáng tác ca khúc.

Năm vừa rồi, đêm nhạc của anh đã tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội, có thể ghi nhận là lẵng hoa tươi đẹp nhất vào cuối đời mà anh đã dành cho công chúng và ngược lại.
Con người tài hoa này vừa rời xa chúng ta. Nhớ lại những lúc anh vào Sài Gòn, chúng tôi thường gặp gỡ và cũng chỉ bàn về thơ.

Nhà thơ Trương Nam Hương gọi điện thoại cho biết vừa có bài thơ tưởng niệm anh chưa ráo mực: "Đồng dao cho người lớn / Nương thân trong nỗi buồn / Rượu - thơ - và nhan sắc / Cứ đằm đằm nhớ thương / Người tài hoa sáng tạo / Chiều nay xa thật rồi / Hỏi anh đi đâu thế? / Anh cười trong mây trôi...".

LÊ MINH QUỐC

__________________________

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo qua đời tại Hà Nội vào 19h50 ngày 7-1, sau hơn hai tháng chiến đấu với bệnh ung thư phổi.

Nguyễn Trọng Tạo sinh năm 1947 trong một gia đình Nho học ở làng Trường Khê (nay là Diễn Hoa), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông là nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo, họa sĩ vẽ bìa sách.

Ông được nhiều người biết đến trong vai trò là nhạc sĩ của một số ca khúc được yêu thích, trong đó nổi tiếng nhất là bài Khúc hát sông quê, Làng quan họ quê tôi.

Nhưng sự nghiệp lớn nhất của ông là thơ. Ông là tác giả của những tập thơ, trường ca như Đồng dao cho người lớn, Nương thân, Thế giới không còn trăng, Con đường của những vì sao (Trường ca Đồng Lộc), Trường ca Biển mặn...

Nguồn: TTO

TÁC PHẨM VÀ TÁC GIẢ KHÁC:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU