Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2019

NỮ THI SĨ ANNA AKHMATOVA : TÌNH YÊU NHƯ MỘT NGHỆ THUẬT

Anna Akhmatova (tên thật là Anna Gorenko) sinh năm 1889 tại Odessa, nhưng ngay sau đó gia đình chuyển về Hoàng Thôn (Saint -Petersburg). Hồi nhỏ, bà có biệt danh là “cô bé hoang dã” vì tính bạo dạn và bướng bỉnh.

Nữ thi sĩ Anna Akhmatova là một trong những đại diện xuất sắc của văn học Nga thế kỷ XX. Bà từng được giới thiệu ra tranh cử giải Nobel văn  học vào các năm 1965, 1966. Bà là người gìn giữ, phát triển những thành tựu rực rỡ của thơ Nga trong suốt những giai đoạn tiếp theo bằng đường thơ độc đáo của mình. Nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của bà (23/6/1899-23/6/2019), xin trân trọng giới thiệu câu chuyện tình của bà với họa sĩ Ý Modigliani.
Nữ thi sĩ Akhmatova và họa sĩ Modigliani.

Anna Akhmatova (tên thật là Anna Gorenko) sinh năm 1889 tại Odessa, nhưng ngay sau đó gia đình chuyển về Hoàng Thôn (Saint -Petersburg). Hồi nhỏ, bà có biệt danh là “cô bé hoang dã” vì tính bạo dạn và bướng bỉnh.

Tháng 4 năm 1910, bà lấy chồng là nhà thơ Gumilyov. Sau đó, đôi vợ chồng trẻ đi nghỉ tuần trăng mật ở Paris. Năm ấy Anna mới 20 tuổi. Nữ thi sĩ đẹp đến mức khi đi trên phố ai cũng ngước nhìn, còn đám đàn ông thì không ngớt trầm trồ về vẻ quyến rũ của bà. “Thiên thần có gương mặt buồn...” - đó là ấn tượng bà gây ra đối với nhiều người. “Nỗi buồn, quả thật, là biểu hiện đặc trưng nhất của gương mặt Akhmatova. Thậm chí khi bà mỉm cười. Nỗi buồn hút hồn này đã làm cho gương mặt bà trở nên tuyệt đẹp... Thân hình cân đối của bà là biểu tượng của thi ca...” - Nhà thơ Yury Annenkov viết. Còn nhà thơ Mandelshtam thì gọi bà là “Thiên thần đen trên tuyết trắng...”. Lần đầu tiên, họa sĩ Amedeo Modiglianinhìn thấy bà như vậy.

Họa sĩ Ý gốc Do Thái Modigliani đến Paris năm 1906 để học nghề, đồng thời khẳng định tài năng và sức trẻ của mình. Modigliani chưa nổi tiếng và rất nghèo, nhưng gương mặt ông toát lên sự vô tư và thanh thản khiến Akhmatova có cảm giác ông là con người đến từ một thế giới khác kỳ lạ mà bà không hiểu và không nhận thức được.

Gumilyov đưa người vợ trẻ đến quán cà phê “Rotonda”, nơi giới nghệ sĩ và nhà văn Paris thường  tụ tập. Ở đấy, lần đầu tiên Modigliani phát hiện ra Anna. Đẹp trai, quý phái, nhạy cảm, Modigliani trông rất độc đáo, điều này ngay lập tức đập vào mắt Akhmatova. Bà nhớ lại rằng lần đầu tiên họ gặp nhau, Modigliani mặc chiếc quần nhung màu vàng và chiếc áo vét cũng màu vàng tươi. Bề ngoài có vẻ vụng về, nhưng họa sĩ tỏ ra lịch thiệp đến mức gây ấn tượng một chàng trai hào hoa, dường như là đang khoác bộ cánh đắt tiền và mốt nhất Paris. Năm đó ông chưa đầy 26 tuổi.

Họa sĩ rụt rè xin phép vẽ chân dung Akhmatova, và bà nhận lời.  Câu chuyện tình tha thiết, nhưng ngắn ngủi của họ bắt đầu như vậy. Cả năm 1910 họ chỉ gặp nhau một vài lần thoáng qua.

Những năm đó, Modi nghèo xơ xác. Đến mức một lần mời Akhmatova vào vườn Luxembourg, ông không đủ tiền thuê ghế ngồi. Và họ ngồi trò chuyện trên những chiếc ghế băng miễn phí dành cho người nghèo. Điều khiến Akhmatova trẻ tuổi hết sức ngạc nhiên ở chàng họa sĩ 26 tuổi là: “Tôi cảm thấy anh ấy hoàn toàn cô độc”.

Bất chấp những nỗi đau khổ, bất hạnh, cuộc sống bấp bênh và nghèo đói, Modigliani không bao giờ than vãn. “Anh ấy là người lịch lãm, nhưng đó không phải là dấu ấn của nền giáo dục gia đình, mà là sự cao thượng của tâm hồn. Tôi không bao giờ nhìn thấy anh ấy say rượu, từ người anh không toát ra mùi rượu” - Akhmatova viết. Nhưng chính trong thời kỳ đó, họa sĩ định tìm sự lãng quên và giải quyết những khó khăn của mình trong chén rượu.

Trở về Petersburg, Akhmatova tiếp tục làm thơ. Một thời gian hai vợ chồng sống tại trang ấp nhỏ của gia đình Gumilyov. Hai tháng sau khi trở về từ Paris, đầu tháng 9, Gumilyov lên đường sang châu Phi.

Sau khi chồng đi vắng, Anna  cảm thấy cô đơn. Dường như đọc được ý nghĩ của bà, từ Paris, Modigliani gửi cho bà một bức thư thắm thiết thú nhận rằng không thể quên được bà và mơ ước về cuộc gặp gỡ mới. Những bức thư ngày càng nhiều hơn, và trong một bức thư như vậy Modigliani đã thổ lộ tình yêu.

Akhmatova làm thơ, đến thăm các gia đình danh tiếng ở Petersburg. Tài năng của bà được các nhà thơ đương thời như Vyacheslav Ivanov, Sergey Makovsky ghi nhận. Linh cảm thơ ca tinh tế và tài năng của Akhmantova cho phép bà nói về tình yêu, nỗi buồn, sự ghen tuông, hy vọng một cách chân thành và tha thiết. Một số nhà nghiên cứu cho rằng những trải nghiệm thực tế đã trở thành nguồn cảm hứng của Akhmatova. Ở bà, phía sau những câu thơ bao giờ cũng ẩn hiện một hình ảnh rất cụ thể, một sự kiện rất cụ thể, mặc dù không được nêu tên. Thơ bà bắt đầu được các báo đăng tải.

Tháng 3 năm 1911, Gumilyov trở về từ châu Phi. Chẳng bao lâu sau, giữa hai vợ chồng đã xảy ra một cuộc tranh cãi kịch liệt. Và thế là trong khi đang gặt hái những thành công đầu tiên về thơ ca, Akhmatova bỗng nhiên thực hiện một hành động kỳ quặc và bất thường: Bà lên đường sang Paris - đến với con người mà suốt cả năm đó tiếng nói của anh ta luôn vang lên trong tâm hồn bà và nghe rất rõ trong thơ của bà... Bà đến với Amedeo Modigliani.

Akhmatova đi Paris một mình và sống ở đấy ba tháng ròng. Đó là khởi đầu của một cuộc hôn nhân tan vỡ. Đó cũng là đỉnh cao mối tình của bà với Modigliani. Trong chuyến đi này, các cuộc gặp gỡ giữa bà với Modigliani diễn ra thường xuyên.

Qua bạn bè ở Paris, Akhmatova biết rằng Dedo (tên thường gọi của Modigliani) nghiện rượu và ma túy. Họa sĩ chìm ngập trong nghèo khổ và vô vọng. Bà nhìn thấy Dedo hoàn toàn khác. Gầy yếu, xanh xao, hốc hác vì rượu và những đêm không ngủ. Dedo già đi trông thấy. Ông để râu cằm nên giờ đây trông như một cụ già. Tuy nhiên, vẫn như xưa, trong cặp mắt của ông vẫn ánh lên một cái nhìn vừa bí ẩn vừa sắc sảo.

Modigliani đã dành cho Anna Akhmatova những ngày không thể nào quên, còn lại mãi với bà suốt cuộc đời. Lúc bấy giờ, họ yêu nhau và không nghĩ về một cuộc chia ly vĩnh viễn. Họ ở bên nhau. Ông là một họa sĩ Ý cô đơn và nghèo khổ, bà là một phụ nữ Nga đã có chồng.

Họ đi dạo trong đêm Paris, trên những con phố cổ mờ tối, và một lần họ đã bị lạc đường, mãi đến sáng hôm sau mới về tới xưởng vẽ của họa sĩ. Đôi khi ông có tiền và trở nên hết sức hào phóng. “Modigliani rất thích đi dạo trong đêm Paris, và mỗi lần nghe tiếng chân anh gõ nhịp trên phố đêm tĩnh lặng, tôi tiến lại cửa sổ và qua khe cửa chớp dõi theo bóng anh đang chậm rãi bước đi dưới cửa sổ của tôi” - Akhmatova viết.

Ban ngày, Modigliani dẫn Anna Akhmatova đi xem bảo tàng, đặc biệt họ thường vào phòng trưng bày nghệ thuật Ai Cập cổ đại của bảo tàng Louvre. Modigliani  rất mê nghệ thuật Ai Cập cổ đại. Ông thường vẽ người bạn gái Nga trong trang phục các nữ hoàng và vũ nữ Ai Cập.

Modigliani vẽ Anna. Trong căn phòng nhỏ bộn bề toan vẽ, Akhmatova ngồi làm mẫu cho họa sĩ. Theo nữ thi sĩ, vào dịp ấy Modigliani đã vẽ hơn 10 chân dung bà. Tuy nhiên, đã đến lúc Akhmatova phải trở về Nga. Họ chia tay nhau. Khi Akhmatova rời Paris, trên sân ga, ông tặng bà một cuộn tranh, như mọi khi được ký bằng một chữ: “Modi”. Modigliani đề nghị bà treo chúng trong phòng của Anna khi trở về Tổ quốc. Nhưng bà đã cất chúng vào một nơi kín đáo. Sau này bà khẳng định rằng những bức tranh cùng những bức thư của ông đã bị cháy ở Hoàng Thôn. Chỉ còn một bức duy nhất của Amedeo Modigliani cho đến nay vẫn treo đầu giường bà. Năm 1963, khi xuất bản tập thơ “Bước thời gian”, Akhmatova đã chọn bức chân dung của bà do Modigliani vẽ vào một ngày xa xưa nào đó tại một xưởng vẽ trên phố Bonaparte in lên bìa tập thơ.

Từ Paris trở về Hoàng Thôn, bà viết “Bài ca về cuộc gặp gỡ cuối cùng”, ngay lập tức trở thành một trong những bài thơ thời thượng và nổi tiếng nhất ở nước Nga, nổi tiếng và thời thượng đến mức vào những ngày cuối đời, khi trở nên già nua, bà oán ghét nó vì ghen tị với niềm vinh quang quá khứ, thậm chí coi nó không xứng đáng.

Akhmatova sống ẩn dật ở làng quê và chờ đợi những bức thư từ Paris, nhưng chúng không bao giờ đến nữa. Trong những bài thơ của bà thời kỳ này, ta bắt gặp sự dịu dàng, nỗi nhớ người yêu, sự thất vọng, niềm kiêu hãnh, sự chờ đợi mỏi mòn và niềm khao khát về một cuộc gặp gỡ mới...

Trong lúc đó, Modigliani ngày càng đắm chìm vào cơn say, đã xuất hiện những người phụ nữ khác trong cuộc đời ông. Tuy nhiên, ngoài  rượu ông còn có một thứ nghiện khác, quan trọng nhất đối với ông - nghiện sáng tạo. Vinh quang đã đến rất gần với ông. Họa sĩ đã tìm được những người bảo trợ. Năm 1917, ông mở triển lãm tranh. Cuộc triển lãm gây ra tai tiếng vì những bức tranh khỏa thân của ông được coi là quá táo bạo.

Triển lãm bị cấm, nhưng các nhà sưu tầm bắt đầu săn lùng tranh của Modigliani. Tuy nhiên, cái chết đã ập đến trước niềm vinh quang. Tháng 1 năm 1920, căn bệnh lao, rượu và ma túy đã bào mòn sinh lực của ông. Anna Akhmatova tình cờ biết tin ông qua đời mấy năm sau.

Có thể nói, Anna Akhmatova là người duy nhất, ít ra là một trong số ít người hiểu rõ họa sĩ Modigliani, người luôn luôn lưu giữ những kỷ niệm đẹp đẽ, tươi sáng và nồng ấm về ông, người nhìn thấy ở ông không phải là kẻ thất bại, mà là một tài năng siêu phàm.

TRẦN HẬU
Nguồn: VNCA

XEM BÀI KHÁC:

·         NỖI OAN CỦA MÔN VĂN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU