Thứ Ba, 10 tháng 9, 2019

TRƯỜNG CA TRẦN ANH THÁI DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HÓA SINH THÁI - NHÂN VĂN

Khi các trường ca: Đổ bóng xuống mặt trờiTrên đường và Ngày đang mở sáng của nhà thơ Trần Anh Thái lần lượt xuất hiện vào các năm 1999, 2004, 2007 trên thi đàn, nó ngay lập tức thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu, phê bình hàng đầu cùng nhiều độc giả yêu thơ. Mới đây, Trần Anh Thái lại cho ra mắt trường ca Mỗi loài hoa một mặt trời - Một trường ca hiện đại, bề thế bằng một nội lực mạnh mẽ và chiều sâu nhân tính cho thấy, nguồn cảm hứng dồi dào và mối lương duyên của ông với thể loại trường ca ở Việt Nam.
Nhà thơ Trần Anh Thái

Không phải ngẫu nhiên, nhà nghiên cứu phê bình văn học Chu Văn Sơn trong buổi tọa đàm “Trường ca Trần Anh Thái” tại Viện Văn học Việt Nam lại khẳng định: “Trần Anh Thái là cây trường ca số một của thế hệ anh. Hiện nay, Trần Anh Thái là một trong những cây trường ca nổi bật nhất đương đại”. Có thể thấy, ý kiến đánh giá dựa trên những cơ sở xác đáng về người nghệ sĩ này.
     
Đọc các trường ca của Trần Anh Thái dễ nhận thấy ở trong sâu thẳm con người ông luôn tiềm tàng nguồn cảm hứng lớn, dồi dào mang đậm tính nhân sinh sâu sắc, có khả năng tạo đột phá về con người “Kẻ thất trận dưới chân đồi lê bước/Kéo hoàng hôn rã rời/Kẻ thắng trận hai tay ôm mặt khóc/Thương tích tạc vào gió thổi ngàn sau”. Xuyên suốt trong các trường ca là những vấn đề về thân phận con người trong và sau chiến tranh, cuộc nhân sinh, những cảm hứng về cội nguồn văn hóa làng hay cũng chính là văn hóa dân tộc. Trong bài viết này, chúng tôi tiếp cận trường ca Trần Anh Thái ở một khía cạnh khác, khía cạnh “Làng” trong trường ca của ông từ góc nhìn văn hóa sinh thái - nhân văn.
     
Lịch sử thi ca viết về làng quê Việt Nam đã có không ít nhà văn, nhà thơ bằng hình thức này hay hình thức khác đạt được những thành tựu đáng kể. Song, để kiên trì, trọn vẹn, khác biệt và độc đáo như Trần Anh Thái thì có lẽ thật hiếm hoi.
     
Khi nói về “làng”, các nhà nghiên cứu văn hóa thường có nhận định: “Với Việt Nam khoe văn minh ấy là văn minh lúa nước, khoe văn hóa ấy là văn hóa làng quê”. Nếu như sân đình, bến nước, cây đa, lũy tre xanh... là biểu tượng quen thuộc của thơ ca nói chung về những ngôi làng Việt nơi đồng bằng Bắc Bộ, thì biểu tượng ngôi làng Trần Anh Thái là “Làng trước biển trằn lưng che biển”. Làng trước biển, trước dập vùi xô giật giữa bão tố phong ba, nên nó không thể bình yên, thi vị mà ngược lại: nhọc nhằn lam lũ, luôn quằn quại đối đầu để sinh tồn ngay từ lúc nó mới khởi hoang; chấp nhận thách thức, chấp nhận đớn đau để lột xác, để đứng dậy, bước đi... Không chỉ trong Đổ bóng xuống mặt trời, hình tượng làng biển với muôn vàn liên hệ sinh động, phức tạp khác nhau còn được trở đi trở lại, ẩn hiện xuyên suốt trong các trường ca của ông.

Văn hóa xét cho cùng là hệ quả của việc từng cộng đồng thích ứng với môi trường tự nhiên và xung quanh để sinh tồn. Văn hóa làng biển nằm trong nhóm văn hóa sinh thái - nhân văn, là văn hóa được sản sinh trong quá trình con người thích ứng với môi trường sống, từ đó hình thành nên những tri thức, những hành vi ứng xử, những tập tục, nghi lễ, thói quen…

Trong các trường ca Trần Anh Thái, dấu ấn làng biển trong văn hóa sinh thái - nhân văn được thể hiện rõ nét. Ngôi làng nhỏ bé nơi biển Đồng Châu quê hương ông được khởi ngay từ “Đoàn người đi lam lũ dưới hoàng hôn” nơi “Thuở hồng hoang mở đất/Sương giá tan tê dại kiếp người”. Ở đó, Trần Anh Thái đưa người đọc đến một không gian rộng lớn, mù mịt mênh mông của biển, nơi chưa có dấu hiệu của sự sống. Đó là thế giới của rối mù, vô định, đầy chướng khí:“Không dấu chân đi qua/Bờ biển đầy chướng khí/Không có cánh buồm về/Gió thừa đầy cửa bể”. Khi ấy, biển là một không gian tự nhiên trong vũ trụ, mịt mùng, hoang vu, cô đơn. Sự xuất hiện của “Những người đàn ông mang theo búa rìu và con dao rựa” thì làng mới “bắt đầu một tiếng hú hoang”. Đây không phải là tiếng hú thông thường mà là một tuyên ngôn, một cuộc thách đấu mở đầu cho tinh thần khai sáng. Công cuộc chinh phục khởi hoang không là những hoan ca mà “Người đàn ông bổ lưỡi rìu vào đất/Giọt máu rơi mây khói chẳng hình thù” là “Người cúi mặt dưới vòm khuya khoắt/Ánh ngày loảng xoảng tiếng dao khuơ”. Và ngay sau khi nhát rìu bổ xuống, một sự nổi loạn đã xẩy ra “Sóng gào biển động”; “Sóng gió bập bùng”; “Sóng đổ dưới chân người tê buốt”. Biển ẩn chứa đầy hiểm họa, bất trắc khôn lường bởi sự ngang tàng bất trị mãi cho đến:“Cơn bão đi qua/Người sực tỉnh giữa vùng tai họa/Ngày câm lặng/Gốc đa già bật rễ đổ đêm”. Khi ấy, cái ngày khởi khoang ấy, mới được phân định rạch ròi trong mối quan hệ giữa con người và môi trường tự nhiên, kẻ chinh phục và đối tượng bị chinh phục. Sự đối lập giữa chiến thắng và khuất phục.

Làng biển - nơi nhà thơ sinh ra khác hẳn với mọi ngôi làng từng có trong thơ ca Việt Nam. Nơi đây “Nắng không dựng thành tường cho người tựa/Mây không là nhà che tiếng khóc”, mà sự sống mơ hồ, trần trụi “Trôi giữa bến bờ hư thực/Lô xô mái cỏ túp lều nghèo”. Chính sự khốc liệt của vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa đã tạo nên đặc trưng, chi phối các yếu tố địa lý, thiên nhiên. Những trận bão lụt tràn dâng nước mặn. Những cơn gió độc mang theo chết chóc. Biển trong thơ Trần Anh Thái không bình yên, không là những mơ mộng lãng mạn viển vông, không phải “Rừng vàng biển bạc” như sách vở hay những bức tranh cổ động đã từng có; mà nó còn là hiện thân của nỗi đau, sự hủy diệt: những trận giông bão bất chợt, những chiều gió quái, những cơn giận dữ cuồng lộ: “Giông bão tràn chát mặn ngày qua”; “Quả mướp già cha để dành làm giống/Gió ngược hai chiều vặn rớt mặt ao”“Bão dựng trước nhà/Xác người lạ dạt vào bụi dứa”.
          
Mỗi loài hoa một mặt trời 
- một trong những trường ca của nhà thơ Trần Anh Thái

Trong thế giới thơ viết về làng quê ở các trường ca Trần Anh Thái luôn hiện lên một vẻ đẹp độc đáo, khác biệt. Đó là vẻ đẹp của sự hoang hoải, khốc liệt. Cái đẹp buồn, ẩn trong đó sự cô đơn và những suy tư sâu sắc về kiếp sống nhân sinh: “Con cóc già vuốt mặt ngồi im lặng/Cỏ đồng xanh nhàm chán kiếp người/Ngày tháng kéo nỗi buồn thả xuống/Nhịp thời gian biền biệt thả trôi”. Hình ảnh làng quê trong trường ca của ông thường u buồn, đớn đau; vừa hoang vu khốc liệt vừa xa xăm thăm thẳm cõi người, tác động mạnh mẽ vào tâm trí người đọc, không cho phép sự giản đơn hời hợt khi tiếp cận tác phẩm của ông:“Cánh buồm trôi nước xiết đục ngầu/Hoang thú chết phương trời xứ lạ/Hóa làm chiều gió ngược đêm thâu/Bao ngổn ngang sóng xiết sông sâu”. Tiếng sóng biển nơi quê hương ông chở nặng tâm sự đến “khàn đêm”, làm cho “Bàn tay héo gió/Mắt người mờ tỏ” chứ không hề nồng nàn dịu êm mơ mộng. Biển còn dự báo bao buồn đau ly biệt:“Biển mất mùa hải âu bay đi mất/Bệnh đậu mùa gõ cửa các căn nhà...”
     
Thiên nhiên trong thơ ông không còn là đối tượng khách thể mà nhập vào sự sống người, thành dòng máu rần rật chảy trong huyết quản, để vượt thoát nỗi khổ đau. “Lửa đốt phiến đá xanh khắc hình vào đá” “Những mầm cây ấm dần hơi thở/Hạt giống/Bật từ bóng tối”.
     
Khi những đau thương, chết chóc ập xuống ngôi làng thì biển chính là “người” bao dung ôm chắn cho làng. Mối quan hệ giữa biển và người là một. Biển đứt từng khúc ruột, réo rắt, rền vang nỗi xót xa: “Biển rền man dại trời bên”. Biển chất chứa, chở nặng nỗi đau con người, chia sẻ với họ những mất mát.Đối với cư dân làng, biển vừa là nguồn sống, vừa chứa đựng niềm tin, ước mơ về tự do; là đấng siêu nhiên nâng đỡ, cứu rỗi con người; mênh mông và bí ẩn:“Tôi soi dọc đời tôi/Con thuyền ẩn đầy bất trắc/Lúc tôi ngã sóng soài biển nâng tôi lên mặt đất/Khi đêm tối bủa vây sao biển sáng soi đường”. Biển từ “bốn mùa sóng đục” “sóng xiết sông sâu” trở thành một không gian tràn ngập  ánh sáng, thứ ánh sáng lung linh, kì ảo chỉ có ở biển.Những tiếng thì thầm của biển, tiếng ru vọng về của những con sóng là lời an ủi hữu hiệu, nhất là với người thi sĩ cô đơn.“Biển vuốt ru đưa tôi đến bến bờ”. Nhà thơ tận hưởng tình yêu trong sự vĩnh cửu của thiên nhiên để tìm niềm hi vọng vượt thoát khỏi nỗi khổ đau:“Tôi bốc cát xây lâu đài trong ngày biển động/Lâu đài vút cao hạt cát đời bé bỏng”. Từ mối quan hệ kẻ đi chinh phục, kẻ bị xâm phạm, biển đã là máu thịt cùng đồng hành với con người đi qua nỗi khổ đau. Thiên nhiên bị khuất phục trước nghị lực phi thường của con người. “Cha vác kheo đi dưới mặt trời/Bóng gẫy trên mặt sóng”, “Bóng cha lồng lộng trùng khơi” - hình ảnh đẹp, uy nghi, kỳ vĩ của trí tưởng tượng, làm cho cách nhìn về người lao động sang một chiều kích khác, chiều kích thánh thần. Không gian biển trong trường ca của ông không chỉ là không gian thực, không gian sống của con người mà còn là không gian tâm linh. Trần Anh Thái viết về biển với nhiều cung bậc sắc thái khác nhau vừa lạ vừa gần gũi quen thuộc. Hành trình hướng ra biển là hành trình “Ký ức sáng trên vầng trán người đạo sĩ già ẩn cư miền cao Yên Tử” “Người đạo sĩ chống cây gậy trúc chỉ tay về phía biển Đông/Mặt trời đang mở sáng”. Ở đây làm ta liên tưởng tới bóng dáng những đoàn quân Vi-kinh hùng mạnh ở châu Âu thuở đi chinh phục, mở mang bờ cõi “Vẳng cơn gió ngàn năm/Mơ hồ những cuộc chinh phạt” để hướng đến chân trời mới…
     
Trong văn hóa nhân loại, đất đai được mệnh danh là vị thần có sức mạnh lớn lao, phương Tây gọi đó là Đất Mẹ - nữ thần Gaia, tượng trưng cho sức mạnh tái sinh, vẻ đẹp phồn sinh của tự nhiên. Phương Đông quan niệm đất là hành Thổ, một trong ngũ hành cấu thành nên thế giới. Đất đai, cánh đồng làng biển hiện lên trong thơ Trần Anh Thái khác thường: “Bao ngổn ngang sóng xiết sông sâu/Người làng ngậm buồn thả vào trời biếc” là “Mưa ướt mặt vầng trăng tháng Tám/Ngày ba bề tiếng ếch rạc bên sông”, “Hoa ngô rụng xác mặt người/Chiêng trống gõ trời bay mất”. Nơi làng biển quanh năm trầm hùng trong tiếng sóng, và “Người đối mặt vào trời khô khốc” nhưng: “Làng tồn sinh sau mỗi sáng mai”“Làng trĩu hình gánh lúa gập trên lưng”. Cơn bão qua, hạn hán đến, những cánh đồng khô nứt nẻ, hành hạ: “Đồng vắng không [Mùa màng mộng mị vòng quanh/Cào cào xác mặt cỏ xanhHoa ngô rụng xước mặt người/Bờ ao sót gốc muống già”. Đến nỗi: “Chiếc vương miện trên cánh đồng cổ tích/Đã bao phen bỏng rát mặt lư đồng”. “Cà chưa thành hoa sương muối chà nẫu ruột”. Nhà thơ tái hiện lại một cánh đồng trống không, tiêu điều, lụi tàn “những hạt giống xác xơ” giữa vùng sống khắc nghiệt trước biển. Vấn đề ở đây, Trần Anh Thái không nhằm hướng người đọc vào sự khổ đau bi lụy, mà ông muốn khẳng định giá trị Người, khẳng định sức sống mãnh liệt và nghị lực phi thường, không khuất phục của con người quê hương ông. Bời vì đó là “cánh đồng mọc ra từ máu thịt ông bà”. Nhà thơ tôn vinh con người “Tên họ cao hơn mọi tôn giáo lễ nghi”. Chính con người mới làm nên sự sống, bóng tối tan ra thì ánh sáng trở về:“Cây ngô đồng không tưới vẫn ra hoa/Lá tre nhỏ mà vòm che rợp mát”; “Hạt giống giấu nụ cười/Những mầm cây ấm dần hơi thở/Hạt giống/Bật từ bóng tối/ Cái chết lửng lơ/Những chiếc rễ từng ngày bám vào lòng đất”.
     
Cánh đồng trong trường ca Trần Anh Thái còn là cánh đồng đầy thương tích chiến tranh. Mảnh đất làng vốn héo mòn do sự sống khắc nghiệt vừa bật dậy thì bất ngờ chiến tranh ập đến “Người đưa thư báo tin chiến trận/Mẹ đánh rơi nia gạo xuống sàn nhà”. Chiến tranh  luôn là khúc quanh nghiệt ngã của lịch sử, là bản bi ca của thời đại. Những đứa con của làng ra đi. Họ ra đi để cho làng còn. Máu, xương của họ chôn vùi trong đất: “Mặt bạn tôi bê bết máu chiến hào”. Mảnh đất quê hương trở thành chứng nhân của những trận đánh khốc liệt, oằn mình đau đớn.Với Trần Anh Thái, đất có linh hồn, có đời sống riêng, đời sống của đất gắn với lịch sử làng. Khi mỗi đứa con chết đi, cả cánh đồng ngân lên bài thánh ca:“Mẹ đưa em về nằm bên mộ bố/Khắp cánh đồng ngọn gió hát ru”. Thi sĩ là người tri ân sâu sắc với mảnh đất thiêng liêng: “Nhọc nhằn, tình yêu và cái chết, hòa điệu cùng bài ca dính đầy máu và mồ hôi của đất”. Nhưng là“mảnh đất nâng tôi qua nồng ấm bình minh vang vọng tiếng người”. Trở về với làng là tìm về bình yên nơi quê cha đất tổ, về cội nguồn văn hóa bao đời. Chính điều đó thúc giục nhà thơ “lang thang khắp cánh đồng tìm dấu chân tổ tiên” tìm những điều bí ẩn sau “mảnh đất im lìm tầng tầng máu đổ/Mảnh đất linh hồn ông cha”. Rồi có ngày “Mảnh đất tổ tiên giờ mang bán đổi”“Mảnh đất ngàn đời linh thiêng vừa mất”... Những dòng thơ viết về cánh đồng làng bằng một tình yêu mãnh liệt, tràn đầy cảm xúc với cuộc đời trong trái tim thi sĩ của ông. Cánh đồng hay cũng chính là mảnh đất tổ tiên ngàn đời để lại, đó chính là linh hồn của con người, của dân tộc. Kẻ nào không có tình yêu đó kẻ đó không tồn tại.
     
Làng trong trường ca Trần Anh Thái cũng chính là cuộc sống con người. Ông đã “làng hóa” để tạo ra không gian rộng lớn với những tầng sâu tâm tưởng về thân phận con người. Con người với tất cả vẻ đẹp sinh ra từ khổ đau, bất hạnh, biệt ly; từ tình yêu đắm say và niềm khao khát yêu thương trên con đường nhọc nhằn, thăm thẳm cô đơn của kiếp nhân sinh mà một nhà thơ đích thực như ông luôn suy tư, dằn vặt. Đọc trường ca của ông, ta thường bắt gặp một không gian xác xơ, hoang vắng, rợn ngợp: “Tiếng quạ kêu rờn rợn dọc bãi bồi/Hoang thú chết phương trời xứ lạ” “Cánh bèo dạt góc trời xô dập/Lặng lẽ vùi trong cát nở hoa”.
     
Bức tranh quê hiện lên khác lạ, độc đáo. Song, nếu chỉ dừng lại ở đó thì bức tranh làng biển chưa thật hoàn hảo, và chưa làm nên diện mạo độc đáo của ngôi làng trong trường ca này. Sinh vật trong trường ca Trần Anh Thái không tràn trề xanh tốt, không có cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, chẳng êm đềm mơ mộng mà chứa trong nó đầy những âu lo, vật vã ưu tư trước nghiệt ngã của cõi sống: “Cây lúa đồng trồng mãi chẳng ra bông/Cây dừa chưa kịp xanh kiến đã ăn trụi lá/Tàu chuối non gió xé rách bươm/Hoa xương rồng cuối đông nở muộn”. Trên cánh đồng ấy chỉ có “cây mào gà đỏ rực” mọc lên bởi khả năng thích nghi. Những thách thức số phận dồn dập đổ xuống khiến: “Bờ ao sót gốc muống già/Giun đất xéo đi cày lại/Ễnh ương ngồi già nua hốc tối”; “Khoai sắn bới non/Cây ngô rụi xuống/Rau muống trổ ngồng/Đồng không dặt dẹo/Cá chết ngày đông”. Biểu tượng “đồng không dặt dẹo” cho thấy sự sống dở chết dở. Chúng giống con người, trút dòng máu, hơi thở cuối cùng xuống đất đaiỞ miền thôn quê, tiếng chim hót, ếch nhái râm ran và tiếng dế trên cánh đồng là những bản đồng ca thanh bình. Nhưng trong trường ca Trần Anh Thái, vẫn tiếng dế kêu nhưng là tiếng kêu duệch doạch, chúng lay lắt trong cõi mơ hồ, ai oán; ngay cả chim chóc cũng véo von lạc giọng:“Chim chích chòe méo giọng ban trưa”. Cây đa, gốc gạo đầu làng là biểu tượng của làng quê giờ đây cũng bật gốc, trút lá trái mùa: “Gốc gạo đầu làng ứa dòng nhựa đỏ/Suốt ngày đêm trút lá trái mùa”. Chưa bao giờ, ta thấy trong thơ ca Việt Nam một cánh đồng quê lại lụi tàn, xơ xác, độc đáo như làng biển thời chiến tranh trong các trường ca Trần Anh Thái.
     
Và chỉ khi mồ hôi con người đổ xuống thì đất tái sinh: “Hạt giống giấu nụ cười/Những mầm cây ấm dần hơi thở”. Một không gian sống rộng lớn và phong phú bật mở “ba mươi mùa bãi sú ngoài đồng đàn sếu tìm đường về sinh nở”, “sú vẹt lầy bùn”;“Bầy cá bay ngang mặt trời lấp lóa thủy tinh”; “Những chú còng tìm về hang sinh nở”.
   
 Cứ như thế bản sắc của làng hiện ra. Nhà thơ gửi gắm sự gắn bó máu thịt của mình vào đó với một tình yêu quê hương đắm say và một trách nhiệm cao cả trước cuộc đời. Những hình ảnh khốc liệt của thiên nhiên tràn ngập trong thơ ông chính là những ẩn dụ cho cuộc sống thực của kiếp người. Nó soi tỏ nhân tính, buộc người đọc phải dừng lại trầm tư suy tưởng.
     
Ở một khía cạnh khác, trong các trường ca Trần Anh Thái, biểu tượng về Mặt trời ở làng không thuần nhất tượng trưng cho đấng tối cao, sự ban phát. Có thể thấy trong nghệ thuật nói chung, hình tượng mặt trời thường lớn lao, kì vĩ, khoáng đạt tràn đầy ánh sáng. Nói đến mặt trời người ta liên tưởng ngay đến điều tốt đẹp nơi thế gian, đó là lý tưởng, chân lý, là sự hướng thiện. Đó là hình ảnh cho sự cao cả, vĩ đại...
     
Khác biệt với quan niệm trên, có thể khẳng định chắc chắn rằng, mặt trời trong trường ca Trần Anh Thái không lẫn với bất kì thứ mặt trời nào trong nền thi ca Việt Nam. Mặt trời nơi làng biển quê ông luôn bao phủ bởi lớp mây u ám, ảm đạm và ẩn chứa nhiều bí ẩn: “Mặt trời tắt đêm vang hỗn độn/Bầu trời xám, mặt đất xám/Bầu trời phăng phắc vắng”. Một không gian hỗn độn, mờ đục, thiếu sức sống. Đây dường như không phải không gian sống của con người, chỉ rặt bóng tối vây bủa. Đó là thứ mặt trời không mang lại sức mạnh hay điều kỳ diệu nào mà ngược lại nó như một tín hiệu về điềm dữ sắp xẩy ra: “Phía trước chân trời/Tối mù giông tố/Ánh sáng nhô lên hổn hển”; “Những vì sao sáng tối mập mờ”; “Mặt trời ngăn ngắt”. Một không gian mù tối bao trùm, ánh sáng nhỏ nhoi lóe lên nhưng nhanh chóng phụt tắt, làm cho sự hỗn loạn gia tăng, cuối cùng bóng tối ngự trị. Một không gian chật hẹp, tù túng, bí bách, thiếu vắng sự sống và tự do cá nhân. Đến nỗi, Chúa trời cũng vô tâm, vô tình trước nỗi cay đắng, cơ cực đang đè nặng kiếp người: “Thượng đế rong chơi/Người thợ cày nhâm nhi giọt máu của mình”.
     
Trần Anh Thái phủ nhận sức mạnh của mặt trời “Làng trước biển sóng rền bão tố/Người đứng lên đổ bóng xuống mặt trời”. Và qua sự đối lập giữa hình ảnh “mặt trời rong chơi”, “đám mây lơ đễnh” với cuộc sống thiếu vắng tự do, nỗi đau khổ và cõi sống nhọc nhằn lam lũ của người nông dân Việt... Nhà thơ mơ đến một vòm trời khác, một vòm trời tràn đầy ánh sáng, thứ ánh sáng rực rỡ mà không gay gắt, không nắng cháy cũng không phải ánh trăng mờ xuyên qua ngọn tre “ánh trăng côi cút đêm rằm”. Nhà thơ luôn đặt ra những câu hỏi truy vấn về ý nghĩa của cuộc sống: “Có rạng một vòm trời khác?”. Một mặt trời giúp đoàn người lam lũ bước sang thế giới khác tốt đẹp hơn, chứ không phải thứ mặt trời như thực tại. Bầu trời mơ ước đó hiện lên huyền ảo, rực rỡ, trong câu thơ “Ánh sớm trong suốt ban mai mặt trời màu hồng ngọc sáng trên mặt nước”. Nhưng làm cách nào, con đường nào giúp thay đổi thế giới, đưa cuộc sống con người đến một thế giới tràn ngập ánh sáng? Nhà thơ tìm thấy ở thực tại một sức mạnh khác, một mặt trời khác, đó chính là những Con Người. Con Người của tư duy và hành động, con người của những cá nhân trong quá trình vươn tới tự do sáng tạo, để tạo ra những gía trị mới. Chính họ chứ không phải ai khác, bằng trí tuệ, bàn tay, mồ hôi đổ xuống thì ánh sáng sinh ra. Họ giản dị là những nông dân sống trên đất làng “làng là nơi cho ánh sáng tìm về, cho mặt trời nương tựa”, còn cái “mặt trời vô tích sự mặc mây che” kia thì...
     
Bằng quan niệm này, nhà thơ Trần Anh Thái đem đến cho độc giả một nhận thức mới về hạnh phúc, về ngọn nguồn sự sống. Ông đề cao Con Người, những nông dân Việt, những cư dân làng biển. Với nhà thơ, con người chính là mặt trời của mặt trời. Hình ảnh vời vợi uy nghiêm của đoàn người đi dưới hoàng hôn kỳ vĩ khắc sâu vào tâm trí người đọc: “Làng trước biển sóng rền bão tố/Người đứng lên đổ bóng xuống mặt trời”...
     
Trong các trường ca Ngày đang mở sáng, Trên Đường, Mỗi loài hoa một mặt trời khi viết về làng, Trần Anh Thái dường như chìm đắm vào nỗi buồn triền miên không dứt. Có người nói “Thơ Trần Anh Thái là thơ lấy tâm trạng để miêu tả tâm trạng”. Nhận xét này có lý nhưng theo chúng tôi, trong thế giới thơ ông còn luôn hiện lên một vẻ đẹp khác, vẻ đẹp của cô đơn trong suốt. Những hình ảnh thánh thiện nội tâm mang màu sắc tôn giáo và triết học làm xao xuyến bâng khuâng: “Dòng người, sương mờ buổi sáng, nỗi ngờ vực vang lên. Con đường chênh vênh gió. Cái chết của thời gian, sự sống của thời gian âm u, xao xuyến. Trong khoảng hỗn dộn của vô cùng, ý nghĩ rối rời chật chội. Ngày trôi qua giấc mơ. Những dấu chân ngơ ngác rời xa ký ức”.
     
Nỗi buồn xa vắng mênh mang trong cõi thẳm sâu mơ hồ đưa con người vào thế giới trầm tư suy tưởng: “Không ai đốt lửa trước con đường, chỉ có niềm hy vọng cháy lên. Sức mạnh bàn chân ở nơi thẳm sâu miền trắc ẩn, ngân nga nơi dấu chân tổ tiên, nơi những câu chuyện buồn không dứt. Đi! Dừng lại là đắm chìm, là hoang mang cay đắng, là tiếng vọng xa xăm lạnh buốt cõi người. Không có bờ sóng vỗ vào đâu?”
     
Ở một khía cạnh khác, nhà thơ phản ánh hiện thực bi thương qua việc dựng lên một thế giới tâm linh đầy ám ảnh. Những câu thơ viết về vấn đề này có thể xếp vào hạng những câu thơ hay trong thơ ca Việt Nam: “Giỗ Tết người ta mua hương hoa viếng người thân trong nghĩa trang liệt sĩ/Nén hương chị thắp trời không”, “Chị héo hon lẫn vào dòng người đi tìm hài cốt/Ca cút kêu thảng thốt bên trời”. Những ban thờ, những nén hương, những tàn nhang rơi lạnh, nấm mồ không tên không địa chỉ... “Cây vàng mã mua cất vào góc tủ/Chị sợ đốt rồi hương khói biết bay đâu?” Lấy chuyện âm để soi sáng thế gian, lấy cõi ma để nói cõi người. Qua đó, người đọc thấm thía những bi kịch của kiếp sống nhỏ nhoi, mong manh. Nói gọn: Trường ca trần Anh Thái là những trường cảm xúc mạnh mẽ, dồi dào về các giá trị nhân bản.Trái tim nhân bản của ông hiện lên rõ rệt sâu sắc qua từng con chữ. Ông thấu hiểu thân phận người, đồng cảm với nỗi đau của họ. Từ đó lên tiếng tố cáo tội ác chiến tranh, tội ác của thói vô cảm và đạo đức giả. Nó chính là nguyên nhân của mọi nỗi thống khổ. Mỗi câu thơ đầy ưu tư, phiền muộn như vắt ra từ máu, trĩu nặng nỗi buồn đau nhân thế của  người nghệ sĩ tài năng và giàu lòng trắc ẩn này, không chỉ dành cho cá nhân ai, mà chính là niềm cảm thương cho cả một dân tộc, cả một thế hệ...
     
Giá trị không thể phủ nhận trong trường ca Trần Anh Thái là tầm vóc tư tưởng và ngôn ngữ. Trong cả bốn trường ca của ông, người đọc có thể thấy ông luôn có ý thức hướng ngòi bút đến tận cùng nỗi đau của con người, đặc biệt là người phụ nữ. Bằng trái tim nhạy cảm và một tình yêu thương sâu sắc con người, nhà thơ không ngần ngại phơi bày bộ mặt thật của chiến tranh “Xác quân thù xác bạn gục vào nhau”... Ông không đứng trên lập trường dân tộc mà hơn thế, là tính nhân văn cao cả, từ góc độ văn hóa nhân loại để lên tiếng phản đối, tố cáo.
     
Hình ảnh nén hương, ban thờ xuất hiện dày đặc trong các trường ca của Trần Anh Thái:“Ngôi đền Thần hoàng tổ tông mười hai đời trước/Máu người hằn khô vách đá lô xô”“Nén nhang thắp âm u sông nước”;“Khu đền thiêng đóng cửa/Người canh đền đã xưa/Thương tích hằn thế kỉ/Chiếc đỉnh thờ u uất khói hương”. “Tôi thắp một nén hương/Tàn nhang quẩn một vòng tròn trống”; “Chiếc đỉnh đồng mất lửa/Những tàn nhang đã tắt”“Trên bàn thờ tàn nhang đã tắtKhói hương ngơ ngẩn trần nhà”. Hương lửa tượng trưng cho sự hủy diệt, nhưng đồng thời  cũng tượng trưng cho sự sống, biểu tượng của ý chí, của khát vọng đẩy lùi cái hữu hạn, bóng tối để sinh sôi, khởi phátNgọn lửa trong trường ca Trần Anh Thái là ngọn lửa của văn hóa, đầy sức sống, thiêu rụi tối tăm, mở ra một thế giới mới.
     
Nói đến văn hóa sinh thái nhân văn không thể không đề cập đến cuộc sống thường nhật của làng: “Người thợ cày đêm đêm ngồi uống nước chè trước hiên nhà nhìn sao tua rua tính vụ/Cơn gió nam vơ vất chòm râu/Ông gieo cuộc đời xuống vài ba thước đất/Khói thuốc lào chậm rãi thả vào trăng”. Một hình đẹp, xuất sắc về gía trị của người lao động gắn với thiên nhiên huyền diệu. Đây nữa: “Hình người gẫy khúc/Đàn ông gò lưng vác đất/Tảng đất buông ra nắng vỡ ngang đầu/Đồng mở tới đâu/Bàn tay héo gió/Cơn khát giày vò/Mắt người mờ tỏ...”. Tôi thích những câu thơ văn xuôi rực rỡ, đẹp một cách huyền bí, lung linh xuất hiện phổ biến trong trường ca Trần Anh Thái: “Mùa đông lén lút giấu sau làn sương mỏng manh bay ngang mặt nước/Những người đàn bà mải miết tìm hang bắt cá cầy cầy bên thong nước đỏ ngầu màu đất phù sa”; “Những người đàn bà nhẹ nhàng đặt cây đèn cầy bên thong nước khéo léo lùa bầy cá vào ô lưới giăng cửa đợi chờ”.
     
Khả năng tưởng tượng rộng mở, bay bổng tới không giới hạn; nhịp thơ khỏe khoắn, rắn chắc, cảm xúc mạnh mẽ tự nhiên, lôi cuốn là thế mạnh trong thơ Trần Anh Thái: “Những người đàn ông ngực trần lực lưỡng sải cánh tay cuồn cuộn tung tấm lưới về phía hừng đông rực sáng/Ngày mới rộn vang cuộc sống hào phóng tự do đôi cánh hải âu chao trên ngọn sóng”.“Niềm hạnh phúc giản đơn thầm lặng/Sân phơi cá trắng nắng thu vàng”. “Trai làng ra đi biển bốn mặt mịt mờ bão tố/Những thiếu phụ đêm đêm nhẩm tính lịch nước ròng/Một cơn gió đổi chiều một tiếng chim khác lạ/Bỗng giật mình nỗi sợ thót tim”.
   
Vừa cụ thể vừa huyền ảo, cái hùng vĩ hòa trộn với trầm lắng nội tâm tạo đột biến bất ngờ đáng nể: “Mặt trời lướt qua lớp sóng bạc đầu đoàn thuyền căng buồm về bến/Bóng cha lồng lộng trùng khơi…Những người ngư dân vạm vỡ ngực trần bước đi rạng rỡ/Giọt nước mắt người đàn bà sau vạt áo lặng  rơi”. Những trang thơ Trần Anh Thái, hình tượng người lao động được tôn vinh như những vị thần. Bóng họ uy nghi lồng lộng nhưng lại trầm tư sâu thẳm, có khả năng đánh động trái tim người đọc: “giọt nước mắt người đàn bà sau vạt áo lặng rơi”. Nhà thơ nhìn vấn đề ở một chiều kích khác - chiều của linh giác. Ở đây không chỉ thấy hào quang mà còn thấu suốt được những góc khuất của kiếp người, góc chìm của hiện thực đời sống. Những mất mát, trả giá trong cuộc mưu sinh không chỉ đè nặng lên vai người đàn ông mà còn âm thầm trĩu nặng trong trái tim người thiếu phụ... 
     
Viết về đời sống lao động của người dân làng biển trong trường ca, chính là viết về ký ức, về ý nghĩa hình thành nền văn hóa - văn minh biển. Nhà thơ khẳng định họ là chủ thể duy nhất của chính bản thân họ, với ý nghĩa trung thực nhất của từ này. Là quá trình tự hoàn thiện con người, của lịch sử dân tộc, qua khả năng chinh phục và sáng tạo. Bằng suy nghĩ thấu đáo, nhà thơ dự phóng về  một thế giới mới, một vị thế mới cho con người:

“Bóng người đánh cá già lồng lộng in vào trời đất. Đôi mắt sáng tiên tri chỉ tay về phía mặt trời đang tan trong làn sương...”.

  NGUYỄN THỊ THUẤN
Nguồn: VHNA

XEM THÊM:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU