Đi đi về về, tận hưởng mọi thú vui của cuộc đời, là lẽ sống
của Di Li, thế nên, bao giờ, cũng luôn thấy nụ cười trên môi chị.
Nhà văn Di Li
Tình yêu và vật chất
song hành
Trong San hô đỏ (Phương Đông & NXB
Văn học, 2012), người đọc gặp khá nhiều câu chuyện tình yêu, lẫn trong mười
truyện ngắn, vừa đủ làm nên gần 240 trang tương đối dày dặn. Viết chuyện tình,
không rõ có phải là thế mạnh của Di Li, so với những truyện kinh dị hay trinh
thám hoặc xã hội hay không, chỉ thấy cứ lạnh câm, như thể người viết đơn thuần
đứng ngoài quan sát, mà không đi vào nội tâm nhân vật, để thưởng thức mọi chiều
sâu cảm giác.
Yêu kiểu Di Li, là không chìm đắm, ngập tràn, rung động,
mà là những phán xét đúng sai phải trái nguyên nhân hậu quả được-mất, có-không.
Yêu mà tỉnh táo lạ lùng, kiểu thuần túy lí trí điều khiển, còn con tim chết lặng.
Ấy thế nên, cũng như những gì viết ra về tình, yêu kiểu Di Li, khó thấy mùi vị
cảm tính bản năng trong đó.
Rất rõ ràng, cụ thể và tỉ mỉ, tình yêu luôn có vật chất
song hành. Như trong truyện ngắn Giao thừa trắng, cứ mỗi lần làm
tình xong, người đàn bà lại được tình nhân tặng cho một hạt kim cương đính vào
món nữ trang thời thượng, như thể là một vật đếm giá trị cho bao nhiêu những ân
ái. Và rồi, chỉ là những trống rỗng hoang hoải buồn chán khi sự điên cuồng thân
xác không lấp được khoảng lạnh băng trong tim yêu.
Với Món quà Giáng Sinh, một truyện ngắn như
thể viết vội, bởi ngay từ chi tiết đầu tiên, người đàn ông đưa quà đêm Giáng
Sinh, nhớ tới người yêu giữa bao tất bật, đã gật đầu đầy thông cảm chấp nhận chờ
chàng về giữa đêm, đã có thể thấy ngay được cái kết cuối cùng, khi chàng đưa
cái bánh ga-tô - món quà sau rốt cho một gã giàu để chứng kiến sự bội phản từ
người mà anh ta định tặng nhẫn cầu hôn.
Yêu không cảm xúc
Biết Di Li từ những ngày đầu khởi nghiệp, vào giữa năm
2006, cũng là người đầu tiên viết chân dung về chị, sau khi tập truyện ngắn đầu
tiên Tầng thứ nhất được Đông A xuất bản.
Lắm lúc thân nhau, nhiều lúc quên nhau, lúc nào đó nhớ
ra, gọi, thể nào cũng có mặt, thế nhưng tôi chưa từng nghe Di Li kể chuyện yêu
bao giờ. Có lần, Di Li trêu rằng tôi mê văn chương đến kỳ lạ, còn tôi phủ nhận
rằng, tôi yêu đàn ông hơn văn, chỉ có thể viết văn khi thất tình. Sau đó, tôi
nói với Di Li rằng, chị yêu công việc hơn đàn ông. Đàn ông không có ý nghĩa với
chị nhiều bằng sự hân hoan đầy tiết chế khi kết thúc được một truyện ngắn, mà
giờ đây, chị thú nhận đã viết chậm đi nhiều, có khi mất đến một tuần, thay vì một
tiếng như trước đây 5 năm.
Di Li luôn đẹp thanh nhã và thực sự nổi bật với khuôn mặt
trang điểm tươi sáng, mái tóc xoăn nhuộm ánh đỏ bồng bềnh cùng sự để tâm cẩn thận
trong phục trang lúc ngồi giữa nhiều đàn ông. Di Li như thể nhẹ nhàng ban phát
thanh lịch của mình cho kẻ đại diện phái mạnh mà bỗng dưng trở nên yếu đuối khi
bên chị.
Rất dứt khoát giữa “không” và “có”, không ít kẻ ngượng ngập
khi trót có lời trêu trọc sàm sỡ nửa mùa, để rồi ấm ức kể với tôi về con người
“tim lạnh”. Nhưng với tôi, chị vẫn là thế, dư dả những lần cả nể, nhất là với
người cùng giới. Nhờ gì cũng nhận với rất nhiều nhiệt tình, rất thích sắm vai
chuyên gia tâm lý. Đôi lần vẫn cười bẽn lẽn đầy hối lỗi nữ tính bởi trót lãng
quên nhiều thứ nhưng chắc chắn không sai hẹn bao giờ.
Dĩ nhiên, với một lần vấp ngã theo đúng nghĩa đen, Di Li
rất ngượng ngập, rất muốn chui xuống đất để giấu mặt. Sự hoàn hảo về vẻ bên
ngoài lẫn đi đứng nói năng cư xử luôn là điều Di Li hướng tới. Chị thà là người
đàn bà với trái tim đàn ông mạnh mẽ, chứ không muốn trở thành một thể nữ vô tư
hồn nhiên yếu đuối.
Thế nên, văn của Di Li, dù là viết về yêu, thì cứ dửng
dưng như không. Nhân vật ít khi bối rối hay bấn loạn, lúc nào cũng biết mình
đang làm gì, nghĩ gì, nói gì, để đạt mục đích gì sau đó. Kể cả trong dục tình, sao
mà băng giá bởi kiểu chọn lối kể không cảm xúc: “Một tối đẹp trời, họ gặp nhau ở
nhà Đặng như thường lệ vào những ngày nghỉ cuối tuần. Lê nấu món cà ri gà và
tráng miệng bằng khoai lang tẩm bột rán. Họ tắm trong bồn nước nóng, nghe bản
“I will always love you” của Whitney Houston và cuối cùng, cũng như thường lệ,
họ cuồng nhiệt trên tấm drap kẻ ca rô xanh quen thuộc.” (Tình yêu là như thế,
T. 112).
Câu chữ của Di Li, được gọt xén cắt tỉa chu đáo cẩn thận
như từng móng tay của chị mỗi khi ra đường. Hoàn cảnh sống của nhân vật, cũng
sang trọng, kể cả khi muốn nói về những nỗi vất vả khổ sở của kẻ bòn mót từng đồng
tiền để sống, vẫn ánh lên lấp loáng bụi ánh vàng. Đó cũng là bởi, cách chọn từ
miêu tả và kiểu câu “sản xuất từ Di Li” ngắn gọn, súc tích và dĩ nhiên cầu kỳ.
Với Di Li, qua những truyện ngắn tình (mà không tình, mà khô khốc) trong San
hô đỏ để thấy rốt cuộc, gọi là “yêu” nhưng cũng chỉ là trò chơi mà cả
hai người tham gia đều kém cỏi.
Thế nên, sau khi đọc xong truyện ngắn sau cuối Cơn
mưa qua nhanh trong tập, bỗng dưng nghĩ tới việc, đàn ông yêu Di Li đã
khó, để Di Li yêu lại thì càng khó hơn. Tôi chưa biết góc khuất yêu của Di Li bằng
mắt thấy tai nghe, chỉ cảm thấy, muốn yêu kiểu Di Li, người đàn ông dứt khoát
phải tử tế (theo thẩm giá riêng của chị) một cách hoàn hảo.
VIỆT QUỲNH
Nguồn: TT&VH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét