Hồ Xuân Hương là một thi sĩ tài hoa
Biết lắng nghe là cả một năng lực văn hóa, bởi về bản chất
đấy là một quá trình tiếp nhận, do vậy phải có vốn sống, vốn tri thức, chính trị…
để phân tích, tiếp nhận, loại bỏ, phản biện. Cho nên từ cổ xưa, người phương
Đông sâu sắc dồn triết lý ấy vào con chữ tượng hình, chữ “Thính” trong tiếng
Hán có nghĩa là “nghe” được cấu thành (chiết tự) bởi các chữ mang các ý nghĩa:
Vương (coi người nghe mình như vua); Nhĩ (khi nghe phải lắng tai chăm chú); Nhãn
(khi nghe phải nhìn người nói thể hiện sự chú ý, tôn trọng); Tâm (nghe bằng
cả tâm trí); Nhất (cả người nói và người nghe phải đồng nhất, đồng hướng). Ngày
nay, thế giới coi một biểu hiện của khoan dung hòa giải văn hóa là biết lắng
nghe nhau!
Từ góc nhìn này ta thấy Xuân Hương là nhà thơ của thính
giác. Bà đã chứng minh một quy luật nghệ thuật muốn làm một nhà thơ trước hết
phải biết lắng nghe bước đi, sự thay đổi, dù nhỏ nhất của sự vật, từ đó mới có
thể nắm bắt được bản chất cuộc sống. Với thi nhân, nghe là một biểu hiện của nhạy
cảm nghệ thuật.
“Cùng trong một tiếng tơ đồng/ Người ngoài cười nụ, người
trong khóc thầm” (Nguyễn Du), cùng một tiếng khóc, với người khác có thể là nỗi
ai oán vì sự mất mát, đau khổ nhưng với Xuân Hương lại nghe thấy đó là tiếng cười
chua chát cho thân phận… Ham nghe, thơ bà rất nhạy cảm về thính giác: “Trước
nghe những tiếng thêm rầu rĩ” để bước vào đối thoại với tính cách một thách thức
mà khẳng định cá nhân mình: “Tài tử văn nhân ai đó tá?/ Thân này đâu đã chịu
già tom” (Tự tình I).
Hai chữ “văng vẳng” tượng thanh không chỉ văng vẳng trong
thơ bà mà còn văng vẳng cái đau khổ, cái bất lực ở thời ấy đến với cuộc đời hôm
nay: “Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom” (Tự tình I); “Canh khua văng vẳng trống
canh dồn” (Tự tình II); “Văng vẳng tai nghe tiếng khóc chồng” (Dỗ người đàn bà
chết chồng); “Văng vẳng tai nghe tiếng khóc gì” (Bỡn bà lang khóc chồng)…
Rồi là biết bao nhiêu từ tượng thanh khác “rúc rích”, “vo
ve”, “tỏm cắc”, “xì xòm”, “thánh thót”, “phất phơ”, “phập phòm”, “lõm bõm”, “lắc
cắc”, “long bong”, “phì phạch”, “chũm chọe”, “hi ha”, “hu hơ”…và những bài gieo
âm độc chẳng phải là sự gợi ra âm thanh phập phòm, trúc trắc đó sao: “chòm/
hom/ phòm/ bõm/ om/ dòm” (Hang Cắc Cớ), “phòm/ hom/ dòm/ khom/ dom” (Động Hương
Tích); “heo/ leo/ kheo/ éo/ teo/ lèo” (Quán Khánh)…
Có nhiều bài được kiến tạo bằng một con đường chủ đạo là
âm thanh, với Dệt cửi thì: “Con cò mấp máy suốt đêm thâu/ Hai chân đạp xuống
năng năng nhắc/ Một suốt đâm ngang thích thích mau” vừa tượng hình vừa tượng
thanh nhưng diễn ra trong đêm nên âm thanh mới tác động đến giác quan người
nghe mạnh hơn.
Với Tát nước: “Xì xòm đáy nước mình nghiêng ngửa”; có khi
ngay tên bài đã thông báo âm thanh, như: Trống thủng; Khóc Tổng Cóc; Khóc ông
phủ Vĩnh Tường; Dỗ người đàn bà chết chồng… Thậm chí có bài được âm thanh hóa từ
sự vật vô thanh: “Mõ thảm không khua mà cũng cốc/ Chuông sầu chẳng đánh cớ sao
om” (Tự tình I), không phải mõ thật, chuông thật mà là chuông mõ trong tâm trạng
cứ vang lên những tiếng thảm sầu. Đấy là Xuân Hương lắng nghe tiếng lòng mình
cay đắng, để mà đối thoại với “thân” chưa chịu già!
Từ “ai” (hô ngữ) luôn ngầm ý nghĩa một sự hô ứng, đồng vọng
mong muốn một sự sẻ chia ở một đối tượng cụ thể hoặc mơ hồ, xa xôi. “Ai” là
khao khát, khắc khoải, chờ đợi, trao gửi, giãi bày... Ca dao có những câu tuyệt
hay: “Khăn thương nhớ ai/ Khăn rơi xuống đất/ Khăn thương nhớ ai/ Khăn vắt lên
vai/ Đèn thương nhớ ai/ Mà đèn chẳng tắt/ Mắt thương nhớ ai/ Mắt ngủ không
yên…”.
Hồ Xuân Hương là nhà thơ của chữ “ai”, sử dụng nhiều nhất,
đặc sắc nhất, đa dạng và giàu giá trị thẩm mỹ bậc nhất trong văn học trung đại,
để rồi sau này “truyền nhân” cho Tú Xương với Áo bông che bạn: “Ai ơi có nhớ ai
không/ Trời mưa một mảnh áo bông che đầu/ Nào ai có tiếc ai đâu/ Áo bông ai ướt
khăn đầu ai khô…” và Tản Đà có những chữ “ai” thấu cảm tình người: “Vì ai cho tớ
phải lênh đênh/ Nặng lắm ai ơi một gánh tình”. Chữ “ai” như mạch nước ngầm
thầm lặng mà thao thiết chảy vào thế giới tâm trạng những tri âm để tìm một đồng
cảm, đồng vọng. Đấy chẳng phải là một biểu hiện của khát khao đối thoại sao?
Chữ “ai” trong thơ Xuân Hương là cả một thế giới nghĩa:
“Giếng ấy thanh tân ai chẳng biết?/ Đố ai dám thả nạ dòng dòng” (Cái giếng) là
ngầm một sự khẳng định, một sự thách thức. Cũng là “khen” thì “khen” trong “Bốn
cột khen ai khéo khéo trồng” (Đánh đu) là khen thật, nhưng “Khen ai khéo tạc cảnh
cheo leo…/ Hiền nhân quân tử ai mà chẳng…” (Đèo Ba Dội) thì có khi ngược lại.
Đèo Ba Dội là tên gọi khác dân giã, thông tục của đèo Tam
Điệp có ba dốc cao nên đi lại là sự leo trèo (cách dùng vần “eo” cũng là sự mô
phỏng) vất vả, thế mà lại còn “khen ai” thì là sự ỡm ờ khó biết khen thật hay mỉa
mai. Nhưng đến cuối bài thơ cái nghĩa mới ló ra, đằng sau “đèo” là một sự vật
khác thì “ai”, “Hiền nhân quân tử ai mà chẳng” là một sự giễu cợt: hiền nhân
quân tử ai cũng thế mà thôi, dù “Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo?”.
Cùng nét nghĩa giễu cợt hàm một chút mỉa mai là nhiều “ai
khác”: “Khen ai đẽo đá tài xuyên tạc” (Hang Cắc Cớ); “Bày đặt kìa ai khéo khéo
phòm” (Động Hương Tích); “Trưa trật nào ai móc kẽ rêu” (Chùa Quán Sứ); “Đố ai
biết được vông hay trốc” (Vịnh nữ vô âm)… Chính từ chữ “ai” này mà ta có đủ cơ
sở để xác quyết rằng giễu cợt mỉa mai là một nét nghĩa chủ đạo trong thơ bà.
“Kìa cái diều ai nó lộn lèo!” (Quán Khánh) thì là sự ngạc
nhiên ngầm một sự hả hê: cái diều ai chơi (chắc là kẻ “hiền nhân quân tử” nào
đó) bị “đứt dây” hay bị “gập” vì gió mạnh mà “lộn lèo”. Nhất là cái diều này lại
“buông” ở nơi Quán Khánh chẳng có gì là đẹp với cảnh hắt heo, thiên thẹo, cheo
leo, khẳng kheo, uốn éo, leo teo.
“Nào ai có biết nỗi bưng bồng?” (Kẽm Trống); “Nhắn nhủ ai
về thương lấy với/ Thịt da ai cũng thế mà thôi” (Trống thủng) là ngầm một sự
mong muốn chia sẻ. “Tài tử văn nhân ai đó tá?” (Tự tình) là ngầm mong một đồng
vọng, tri âm. “Thấy cảnh ai mà chẳng ngẩn ngơ?” (Cảnh thu) là ngầm một sự đồng
tình. “Năm canh lơ lửng chờ ai đó?” (Hỏi trăng), một sự trông mong chờ đợi. “Ai
về nhắn nhủ đàn em bé” (Dỗ người đàn bà chết chồng), một sự trông chờ, hy vọng.
“Hỡi người bẻ quế rằng ai đó” (Trăng thu), một bâng khuâng trống vắng. “Hỡi chị
em ơi ai biết không?” (Phận đàn bà) là một giãi bày chua chát. “Dao cầu thiếp
biết trao ai nhỉ?” (Bỡn bà lang khóc chồng) đầy hẫng hụt đau đớn. “Ai về nhắn
nhủ phường lòi tói” (Mắng học trò dốt II) lại là mong có được một sự hiểu biết,
thẳng thắn, chính trực. Cầm lái mặc ai lăm đổ bến…/ Ấy ai thăm ván cam lòng vậy”
(Tự tình III) lại là một sự bất lực…
Những chữ “ai” ấy là biến thể của những tâm trạng khát
khao được đồng cảm, sẻ chia trong một thế giới hầu như ngưng đọng, tù hãm, mất
tự do. Như những bàn tay chìa ra mong được bắt lấy những bàn tay đồng điệu, đồng
cảm mà chẳng có, chẳng được đành rút về ngậm ngùi, bất lực, những chữ “ai” của
Xuân Hương là một chứng minh cho bi kịch lớn nhất của nhà thơ là sự khát khao
được đối thoại mà không được hồi đáp. Khát khao vẫn chỉ là khát khao nên càng
đau, càng muốn giãi bày. Vẫn không có lời đồng vọng,…
Con người và tài năng Xuân Hương, những sắc thái tâm trạng
của thi sỹ thiên tài Xuân Hương thể hiện rõ nhất trong chùm thơ tự tình. Tất cả
lại dồn tụ trong một Mời trầu độc đáo, đặc sắc: “Quả cau nho nhỏ miếng trầu
hôi/ Này của Xuân Hương mới quệt rồi/ Có phải duyên nhau thì thắm lại/ Đừng
xanh như lá bạc như vôi”.
Mời trầu nói với mình cũng là nói với người, với đời, với
số phận, là lời mời cũng là lời than, lời trách, lời khuyên răn, lời giận… có cả
chua chát ngậm ngùi, cả tin tưởng, hy vọng, cả sự khẳng định… Mời trầu đích thực
là đa thoại, đa âm, đa thanh, đa nghĩa. Mời trầu như một tòa lâu đài ngôn ngữ kết
cấu tối giản xây cất trên nền móng vững chắc phong tục tập quán chứa chan hy vọng
những điều tốt lành của văn hóa Việt, lại có nhiều cửa những cách hiểu để mời gọi
những tri âm.
Vượt lên trên mọi đối thoại tiếng thơ Xuân Hương còn đối
thoại với thời thế trở thành tiếng nói mang tầm thời đại kêu gọi giải phóng cá
tính, giải phóng phụ nữ. Thế nên ở thời ấy và suốt thời phong kiến, thơ Xuân
Hương như tiếng sấm đột ngột giữa trời quang vậy.
NGUYỄN THANH TÚ
Nguồn: VNCA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét