Thứ Năm, 12 tháng 4, 2018

NGUYỄN VĂN VĨNH - MỘT NGƯỜI MANDI HIỆN ĐẠI

Tháng 5.2013 kỷ niệm 100 năm ra đời số đầu tiên tờ Đông Dương tạp chí – tạp chí tiếng Việt đầu tiên tại Hà Nội (tháng 5.1913) và 77 năm ngày mất của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, chủ bút tờ Đông Dương tạp chí. Nhân dịp này, cuốn Người Man di hiện đại, cuốn sách đầu tiên về Nguyễn Văn Vĩnh được giới thiệu tới công chúng như một chân dung đầy đủ hơn về một nhà cách tân, một học giả lớn mà lâu nay còn ít được biết đến.
Nhà văn hoá Nguyễn Văn Vĩnh

Kẻ đối lập

8 tuổi, Nguyễn Văn Vĩnh đi chăn bò ngoài bãi Long Biên (nay là chân cầu Long Biên). Sau đó, ông xin được công việc kéo quạt cho lớp học thông ngôn do người Pháp dạy các tú tài, cử nhân người Việt. Vì quá thông minh sáng dạ nên Nguyễn Văn Vĩnh nhà trường cho phép học và thi. Ông đỗ cao, 15 tuổi (năm 1897) đã được làm thông ngôn.

Trong phần tiểu sử Nguyễn Văn Vĩnh đăng trên trang web Tân Nam tử do người cháu nội Nguyễn Lân Bình phụ trách, có viết: “Làm văn hóa trong một bối cảnh đất nước cực kỳ lạc hậu do xã hội phong kiến để lại với sự thống trị của chế độ thực dân kiểu cũ nhưng Nguyễn Văn Vĩnh lại tự nhận mình là “Người Nam mới” (Tân Nam tử), luôn đòi cải cách, duy tân… Điều đó khiến ông mặc nhiên đã đặt mình vào vị trí kẻ đối lập”.

“Khi sang Marseille, Pháp vào năm 1922, Nguyễn Văn Vĩnh chứng kiến và cảm thấy khó chịu với cách quảng bá của chính phủ thuộc địa về gương mặt của nước ta, một gương mặt đáng ghét. Trong con mắt của người Pháp, nước ta là một dân tộc mọi rợ, ngoại hình thấp kém. Ông thấy người Pháp lặp đi lặp lại quan điểm này, nên không muốn hợp tác, họp hành gì với họ nữa” – ông Nguyễn Lân Bình kể. Lần đó, Nguyễn Văn Vĩnh bỏ sang Đức, mua một cái máy in đắt tiền, lúc đó trong nước chưa có ai biết đến thứ máy móc này. Đó chỉ là một trong những điều “đầu tiên” mà ông làm ở Việt Nam: mang về nước một sản phẩm công nghệ.

Nói về khái niệm “Người Man di hiện đại”, GS Phạm Duy Hiển, người đoạt giải dịch thuật của Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh năm 2013, nhận xét : “Khái niệm này có cả ý nghĩa tích cực lẫn tiêu cực. Khi nói về Nguyễn Văn Vĩnh, nó nghiêng về tính tích cực, man di nhưng hiện đại. Người Việt Nam thế kỷ 21 hiện nay vẫn có thể gọi là “Người Man di hiện đại”, nhưng theo một nghĩa khác. Người Việt đang sử dụng nhiều sản phẩm của nền văn minh, chẳng hạn điện thoại di động, nhưng trên con đường văn minh của nhân loại chưa có dấu chân của người Việt, hiện đại nhưng man di. Chúng ta đi sau thế giới một quãng đường dài”.

Người tiên phong và dịch giả triệt để Việt hoá

Nói về những đóng góp có tính tiên phong của Nguyễn Văn Vĩnh trong nhiều lĩnh vực, GS Chu Hảo, Giám đốc NXB Tri thức, khẳng định :  “Cụ là con người của những thứ đầu tiên”. 

Nguyễn Văn Vĩnh là người góp công lớn phát triển và truyền bá chữ Quốc ngữ - thứ ngôn ngữ vô cùng quan trọng mà nhờ đó nhiều tri thức mới được phổ biến đến người dân thường, không như chữ Hán - Nôm chỉ tầng lớp trí thức mới tiếp cận được. Đây là một đóng góp lớn mà ngày nay có thể nhiều người không hoặc ít biết đến. Việc một dân tộc có được một ngôn ngữ cho riêng mình, trong mắt cộng đồng quốc tế, không phải là một điều quá hiếm hoi hay đặc sắc. Nhưng, với dân tộc Việt Nam thì điều đó có ý nghĩa rất lớn. Chữ Hán là một sự đánh đố đối với một dân tộc có đến 90% người dân mù chữ vào đầu thế kỷ 20. Trong khi đó, với chữ Quốc ngữ, “người giỏi thì cần vài ba hôm, người ngu thì cũng khoảng 2, 3 tuần” là học được mặt chữ- GS Hảo nhận xét.

Đóng góp về ngôn ngữ của Nguyễn Văn Vĩnh được cụ thể hóa qua việc dịch thuật: ông dịch các tác phẩm văn hóa từ chữ Nôm ra Quốc ngữ, từ Hán văn ra Quốc ngữ, từ Pháp văn ra Quốc ngữ, từ Hán văn ra Pháp văn và từ Quốc ngữ ra Pháp văn. Tổng cộng, Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch khoảng 30 đầu sách của 20 nhà bác học, nhà khoa học, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà phê bình nổi tiếng của châu Âu và thế giới. Ông dịch nhiều nhất là từ Pháp văn ra Quốc ngữ, của nhiều tác giả và tác phẩm nổi tiếng lần đầu tiên được giới thiệu ở Việt Nam, trong đó có: tập thơ ngụ ngôn của La Fontaine), tiểu thuyết Những kẻ khốn nạn của Victor Hugo và Ba chàng ngự lâm pháo thủ của Alexander Dumas.

Trong một tọa đàm về dịch thuật gần đây, dịch giả Trịnh Lữ có nhắc đến Nguyễn Văn Vĩnh như một ví dụ tiêu biểu về cách dịch Việt hóa triệt để, nhằm giúp độc giả Việt Nam thời đó có thể hiểu được các tác phẩm phương Tây. “Lối dịch của cụ có mục đích truyền bá văn hóa rất rõ ràng. Có những tên nhân vật cụ ghi rõ tiếng Việt như Đắc Ta Nhăng (d'Artagnan), thậm chí khi dịch còn chủ động lược bỏ những đoạn khó hiểu, không hiệu quả. Lựa chọn đó là đúng đắn trong bối cảnh đầu thế kỷ 20. Cách dịch của cụ khiến những nhà văn như Hugo có hẳn một cuộc đời mới ở Việt Nam”, Trịnh Lữ nhận xét.

“Moliere, Balzac, Hugo là những tên tuổi văn chương Pháp mà ông ngưỡng mộ, nhưng ông cũng không ngại ngần phê phán họ, bày tỏ chính kiến của mình” – theo ông Nguyễn Lân Bình – “Có những lúc dịch xong, ông phát biểu cảm tưởng với bạn bè: Sao đoạn này ông ta cải lương thế nhỉ? Đàn ông gì mà hèn thế?”.

Một điều “đầu tiên” khác: Nguyễn Văn Vĩnh cũng là người làm báo chuyên nghiệp, chủ bút 7 tờ báo có ảnh hưởng, trong đó tờ L’Annam Nouveau (Nước Nam mới) là tờ báo “quy mô nhất, thành công nhất và có hệ lụy nặng nề nhất”. 

Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên dựng kịch, đó là vở kịch nói Trưởng giả học làm sang diễn ở Nhà hát Lớn, và dựng phim, đó là bộ phim Kim Vân Kiều vào năm 1924. 

Bà Đặng Thị Vân Chi – Giảng viên Đại học KHXH&NV Hà Nội, phát hiện : “Ông (Nguyễn Văn Vĩnh) cũng là nhà nghiên cứu về phụ nữ đầu tiên của Việt Nam thế kỷ 20, người đầu tiên đề cập đến phụ nữ, nữ quyền một cách có hệ thống và tâm huyết trên báo chí Việt Nam, với bút danh Đào Thị Loan. Nói về nữ quyền, Nguyễn Văn Vĩnh có một quan điểm rất mới mà đến nay chưa hề lỗi thời: nếu người ta coi bình đẳng nam nữ là nam làm việc gì, nữ làm việc đó thì ông hiểu là phải quan tâm đến đặc điểm về giới và khuyến khích phụ nữ làm những công việc hợp với tâm thế phụ nữ: giáo dục, y tế…”. Ông quan niệm: đặt vấn đề đòi nữ quyền ở Việt Nam là hơi trái ngược bởi phụ nữ Việt Nam lâu nay vẫn tham gia vào các công tác xã hội. Nhưng ông cho rằng phụ nữ thời đó cần có quyền đi học để làm những công việc khác.
Có thể thấy, Nguyễn Văn Vĩnh quan tâm đến việc phát triển văn hóa đất nước, mơ ước có từ việc thưởng thức những tinh hoa văn hóa của Pháp, của Đức. Lý tưởng của Nguyễn Văn Vĩnh là xây dựng một nhà văn hóa nơi người dân có thể đến đọc sách, xem phim, xem kịch… Vì mục đích đó, ông đã vay một số tiền lớn. Tai họa là ở chỗ đó… Năm 1935, chính quyền thực dân xiết nợ ông với ba điều kiện và bắt buộc phải chọn một:

-Chấm dứt toàn bộ việc viết!
- Chấp nhận đi tù (dù chỉ một ngày)!
-Sang Lào tìm vàng để trả nợ!

Nguyễn Văn Vĩnh quyết định đi Lào tìm vàng để trả nợ. Ngày 1/5/1936, người ta tìm thấy Nguyễn Văn Vĩnh một mình trên con thuyền độc mộc, một tay cầm bút và tay kia cầm quyển sổ, trôi giữa dòng Sê Băng Hiêng (một nhánh của sông Sê Pôn). Nhà cầm quyền loan báo Nguyễn Văn Vĩnh chết 1 ngày sau đó, khi ông 54 tuổi. 

MI LY
Nguồn: TTVH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU