Thứ Tư, 29 tháng 8, 2018

THANH TÂM TUYỀN

Thơ Thanh Tâm Tuyền là bước đột khởi thành tựu của ngôn ngữ thi ca tiếng Việt hiện đại, đồng thời bao hàm nhiều yếu tố đang diễn tiến, lan toả từ một tâm thức “mở” và những vận động đương đại. Hai mặt “tựu thành” và “đang vận động” thực ra gắn bó xuyên thấm lẫn nhau, là cơ hội của nhau để xuất hiện một thế giới thơ ca mới tinh khôi, bao hàm dung lượng tri thức đầy tràn, với nhiều ám ảnh cả quen thuộc lẫn mới mẻ, với khuynh hướng thẩm mỹ lạ lùng cũng như cái biến hoá vô hình trạng khó lòng nắm bắt.
Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền

Dấn thân quyết liệt bằng tư tưởng, hay những ý tưởng thời cuộc, nhưng Thanh Tâm Tuyền trên hết ý thức mình là một nhà thơ. Phương cách của nhà thơ là cảm hứng tột cùng và khao khát giác ngộ, vượt qua kiểu tri thức thực tiễn thông thường, tâm nguyện của nhà thơ kiểu Thanh Tâm Tuyền là ngôn ngữ, khởi thảo Sống. Phẩm chất tích hợp tuyệt vời trong ngôn ngữ thơ Thanh Tâm Tuyền mở ra một thế giới đa sắc, đa giọng điệu để những thế hệ sinh sau tiếp tục khám phá, cho ra đời những dòng chảy chuyên biệt mang ảnh hưởng từ phổ rộng lớn Thanh Tâm Tuyền.

***

Một số nghiên cứu trước xếp thơ Thanh Tâm Tuyền vào dòng chảy siêu thực trên hai phương diện, một là sự phá cách cuồng phóng và hai là sự hình thành, tạo tác hệ thống hình ảnh siêu thực. Tuy nhiên, Thanh Tâm Tuyền đã vượt xa khỏi tư duy sáng tạo “siêu thực” để đi đến dạng thức thơ tự do, như cách gọi của nhà thơ, không chỉ bao hàm tự do về mặt thể thức như vần điệu, sự phá bỏ quy phạm câu thơ để đạt tới “thực hữu”-thơ, mà còn bao hàm cả ý nghĩa quan trọng, thậm chí đóng vai trò quyết định, đó là tự do về mặt cảm hứng, phẩm cách tự do chủ động của nhà thơ khi lựa chọn ý tưởng và biến ý tưởng ấy thành chất thơ, thành tác phẩm thi ca.

Thơ Thanh Tâm Tuyền trước hết là những phát kiến về mặt ý tưởng chứ không phải hình ảnh, như vẻ bề ngoài.

Nếu như phẩm cách đặc thù của thi ca hiện đại và đương đại là sự xuất hiện con người cá nhân hoá cao độ, với những tình tiết nhân thân cụ thể thực có, thì con-người-cá-nhân của Thanh Tâm Tuyền đứng trên những suy tưởng triết học và nghệ thuật để soi chiếu thực tại. Mỗi bài thơ của Thanh Tâm Tuyền đều rất ít gắn bó với tâm trạng cụ thể, mà khởi phát ngay từ mối day dứt, ám ảnh của nhà thơ về tồn tại cũng như suy tưởng.

Việc gia tăng ý nghĩa tự sự cũng như tính chất mạch lạc, suy lý của ý tưởng đối với nhà thơ đương đại, để khắc phục, đoạn tuyệt với ý nghĩa duy cảm hời hợt của thơ trữ tình trung đại, thực ra đã được Thanh Tâm Tuyền vượt qua một cách dễ dàng, nói cho chính xác, vấn đề này không đặt ra với thơ ông. Vì thơ Thanh Tâm Tuyền trước hết khởi phát từ mối quan tâm tri thức, là sự tổng hoà nhuần nhị của nhận biết.
Con người trong thơ Thanh Tâm Tuyền hoàn toàn ý thức về tính chất tương đối của hiện trạng cũng như những khả thể Sống:

Tôi buồn khóc như buồn nôn...
Tôi buồn chết như buồn ngủ...
Tôi thèm sống như thèm chết...

(“Phục sinh” - Tôi không còn cô độc, 1956)

Ðó không phải trạng thái lẫn lộn biến hoá của ý thức cuồng phóng, mà là sự điềm tĩnh, nhận rõ những thái cực hay hiện trạng, động cơ hay ẩn ức khác biệt của đời sống con người, thực ra chỉ là những bộc lộ khác nhau của cùng một bản thể, sự bộc lộ nhất thời trong một hành trình vô tận, với một góc độ nào đó ít nhiều mang tính siêu hình.

Tôi buồn khóc như buồn nôn
ngoài phố
nắng thủy tinh
tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
thanh tâm tuyền
buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường
tôi xin một chỗ quỳ thầm kín
cho đứa nhỏ linh hồn
sợ chó dữ
con chó đói không màu

Tôi buồn chết như buồn ngủ
dù tôi đang đứng trên bờ sông
nước đen sâu thao thức
tôi hét tên tôi cho nguôi giận
thanh tâm tuyền
...

Tôi thèm sống như thèm chết
giữa hơi thở giao thoa
ngực cháy lửa
tôi gọi khẽ
em
hãy mở cửa trái tim
tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ
trong sạch như một lần sự thật

Khái niệm “sống” và “chết” trong ý nghĩa gần nhất, mang tính tượng trưng cho sự gột rửa, phục sinh về con người, cũng có nghĩa là tự dời xa một con người nào đó có trước. Nhưng nghĩa bóng, nghĩa xa của nó lại là sự “sống” và cái “chết” sinh vật thực hữu ở đời. Chứng nghiệm cái chết bao giờ cũng là thách thức lớn của lý trí và bản năng, ngay cả khi nó được so sánh tương đương với cái sống và mang bản chất sống.

Ðối với Thanh Tâm Tuyền, “chết” còn là tiên đề có trước chứ không phải sống, nhà thơ cảm nhận về chết trước khi cảm nhận sống. Không phải như một ý niệm triết học hay nghệ thuật thu hút mối băn khoăn, đòi hỏi làm sáng tỏ, không phải một phương cách hoà hoãn tạm thời thực ra là để trấn an nỗi “sợ chết”, quan niệm về cái chết của Thanh Tâm Tuyền đến từ cảm giác chứng nghiệm cái chết khác của những hiện hữu khác, mà nhà thơ nhận ra đó cũng là bản ngã của chính mình. Quan niệm này gần gũi với triết lý tỉnh thức từng giây phút tinh tuý trong Thiền học Phật giáo.

Mang bản chất sống, có trước sự sống, hiển lộ cùng với nhiều “cái tôi” khác nhau, cái chết trong thơ Thanh Tâm Tuyền là một minh chứng tự nhiên cho việc cùng tồn tại nhiều bản ngã trong một con người, mà không phải bao giờ con người cũng chứng nghiệm trọn vẹn, cũng như tính chất tương đối của con người tự ý thức, nhận biết.

Cái chết còn là một giá trị cao cả đặc thù cho thẩm mỹ bi tráng, tâm trạng bi mẫn của thơ Thanh Tâm Tuyền.

Thừa nhận tính tương đối của bản ngã, thơ Thanh Tâm Tuyền xuất hiện những mô tả vắng chủ thể người và thay vào là những chủ thể lạ lùng đa bản chất:

[đoạn 2]

Mùa hè lên tiếng cười trong bàn tay nước suối
mùa tóc mun
đẹp những khu rừng không bóng cây
...
(“Mai”, Liên, Đêm Mặt trời tìm thấy, 1964)

Chủ thể ở câu thơ là thiên nhiên, “mùa hè”, mà con người chỉ xuất hiện bằng những phần đoạn rời rạc, riêng lẻ, “bàn tay”, “tóc”. Một cảm nhận mang tính-người nhất quán ở đây được chia nhỏ cả cho những sự vật khác, “nước suối”, “mun”, và sự dịch chuyển quan trọng của cảm giác làm nên hình ảnh phi thực dị kỳ: “đẹp - khu rừng không bóng cây”. Tuy nhiên, “khu rừng không bóng cây” đã trở thành một ý tưởng hơn là hình ảnh.

Em bao giờ là thiên nhiên
anh cúi đầu xuống ngực
dòng mưa sắc lá
đau môi

Cỏ của hoa và hoa của cỏ
những ngón tay những gót chân những nụ cười
nắng tháng ba mưa tháng bảy sương tháng chín
cho thơm đường hôm nay đến sớm mai
...

...
Gai trắng con ngươi mở mù loà
hơi đất nằm trong tóc
thèm muốn mỗi hàm răng
từng móng vuốt
đầy đồng xanh hoa nhiều màu một người
sống sót

(“Cỏ” - Liên, Đêm Mặt trời tìm thấy, 1964)

Thật khó để gán một ý nghĩa minh định cho đoạn thơ, bởi nó không kể chuyện, không mô tả, không định hình liên tưởng trong những sự vật cụ thể và cũng không bộc lộ, dù là cảm giác hay ý tưởng nào xuyên suốt, nhất quán. Nhưng tất thảy lại diễn tả một (hay nhiều) sự kết nối và phóng hoạ, lan toả. Của thời gian, từ phiếm định, mênh mông, “bao giờ”, cho tới sự huân chuyển “hôm nay” đến “sớm mai”. Của cảm nhận gãy vụn vào những mảnh thiên nhiên: “dòng  mưa”, “sắc lá”, “đau môi”, “gai trắng”, “mù loà”, “hơi đất”, “trong tóc”... Của con người trở thành thú vật: “thèm muốn”, “hàm răng”, “móng vuốt”. Của vị trí từ chủ động tiến thoái hoặc phát ngôn, bỗng trở nên bị động tồn tại, một cách vừa phi lý lại vừa tuyệt vời tương xứng: “đầy đồng xanh hoa nhiều màu một người / sống sót”.

Đó không phải cảm giác lộn xộn quái lạ của giấc mơ siêu thực, mà là hành trình qua nhiều trạng thức của tồn tại đa chủ thể, hay chủ thể tích hợp nhiều phẩm cách, tích hợp nhiều chiều thời gian, không gian.
Trong khi một số phân tích và nghiên cứu đặt niềm tin chắc chắn vào phương thức hình thành hình ảnh siêu thực như là cách thức đặt các hình dung, cảm giác đối lập, hoàn toàn không tương đồng bên cạnh nhau, thì thực chất của tư duy siêu thực vẫn là tập hợp những hình ảnh có bề ngoài rời rạc không liên quan, nhưng được liên kết từ nội tại bởi ám ảnh và đột biến của cơ chế “giấc mơ”.

***

Từ quan niệm về bản ngã đa phẩm cách, đa hiện hữu, Thanh Tâm Tuyền nhanh chóng tạo lập những ý tưởng và hình dung mới quyết liệt, vũ bão về tồn tại. Không còn một đời sống dựa trên những giá trị thuận lý, những cảm nhận “xuôi chiều” vốn có (ví dụ từ nội tâm phóng chiếu ra bên ngoài, từ bản năng trở thành tất nhiên), mà là tất cả của đảo lộn, nghịch lý, sự xa dời, dịch chuyển khỏi những khái niệm, trật tự bình thường vốn có:

Ngực câm không tiếng nói
Chất cười không thuộc môi
Giác quan đói khát

Đường hẻm vây cửa sổ
Người ngồi quên thời gian
Tình cảm đòi mở ngỏ

Bàn tay trơ tự do
Hoa chối từ tóc biếc
Hơi thở đắn đo

Sự sống còn một người
Sự sống còn nhiều người
Những người vô tội

Nhân danh
Tình yêu tự do người
tôi được quyền kêu gọi

Những người đã chết xin có mặt
Những người còn sống xin giơ tay
(“Nhân danh” - Liên, Đêm Mặt trời tìm thấy, 1964)

Sự xuất hiện dày đặc của chủ thể bị động, vị thế bị động, thậm chí bất lực của con người trước những trạng thái, bản năng vốn dĩ thuộc về mình: “chất cười”, “tình cảm”, “tự do”, “hơi thở”, “sự sống”, vị thế bị động tương đối của “tôi” trước “tình yêu tự do người”, biểu lộ tâm thế phụ thuộc tột cùng của con người vào những bản ngã khác, hoặc phẩm cách khác. Sự tách rời những phẩm-chất-người ra khỏi con người, tách rời con người khỏi chính-con-người là điều Thanh Tâm Tuyền nhiều lần lặp lại, tuy nhiên nó không giống khái niệm phân thân hay “độc thoại nội tâm” của lối viết cổ điển, mà là một định hình phá vỡ định hình cũ về con người cũng như nhân thế.

Chính điều này đã dắt dẫn Thanh Tâm Tuyền tới cảm quan được khách thể hoá mới mẻ, nhưng cũng rất gần gũi với tư duy huyền nhiệm Đông phương:

Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
Anh một trái tim em một trái tim
Chúng kéo đầy đường chiến xa đại bác

Hãy cho anh giận bằng ngực em
Như chúng bắn lửa thép vào
Môi son họng súng
Mỗi ngã tư mặt anh  hàng rào
...

... Chúng nó say giết người như gạch ngói
Như lòng chúng ta thèm khát tương lai
Hãy cho anh run bằng má em
Khi chúng đóng mọi đường biên giới
Lùa những ngón tay vào nhau
Thân thể anh chờ đợi
...

... Đêm không bao giờ không bao giờ đêm
Chúng tấn công hoài những buổi sáng
Hãy cho anh chết bằng da em
Trong dây xích chiến xa tội nghiệp
...
(“Hãy cho anh khóc bằng mắt em Những cuộc tình duyên Budapest” - Liên, Đêm Mặt trời tìm thấy, 1964)

Nhà thơ đặt tương đương những giá trị cũng như ý niệm về thời gian: “chúng say giết người” như “lòng chúng ta thèm khát tương lai”, “không bao giờ đêm” vì “chúng tấn công hoài... buổi sáng”, không chỉ như một cách phơi bày sự thật nghiệt ngã, tàn khốc đang diễn ra, mà còn nói lên tính ngẫu nhiên chết người, vượt khỏi tầm kiểm soát chủ quan, trong các xung đột nhân thế, hay quá trình kháng cự lại cái ác.
Khi tội ác được xem gần như không còn là một năng lượng kiểm soát được bằng lý trí hay chủ động của con người, lúc đó tồn tại, sự sống chết cũng không phải được duy trì bằng ý thức, mà là sự lan toả của linh cảm, những rúng động, mối tương cập của chủ thể ngoài-chủ-thể. Câu thơ Thanh Tâm Tuyền gợi nhớ những nhân vật trong truyện Genji Nhật bản, với những hiện thân bên ngoài con người có thực, đi tìm cách trả thù riêng. Tuy nhiên con người với bản-ngã-ngoài-chủ-thể trong thơ Thanh Tâm Tuyền xác nhận đau thương, bi kịch hay nói một cách tổng thể là hiện tồn của tha nhân, như chân tính của mình, điều này gần gũi với một quan niệm căn bản của đạo Phật.

Tài năng của nhà thơ là dùng quan niệm ấy xoay chuyển toàn bộ thế giới thi ca và tâm tưởng vốn có, làm rỗng các giá trị tưởng chừng không suy suyển, hối thúc nghi ngờ, căn vấn, xoá bỏ, đốt trụi, và nung nấu khao khát khơi những lằn ranh mới của chuyển dời, gột rửa, tái sinh.
[đoạn 6]
...
Phiêu lưu mãi  một nhà tù
Dãy tường câm chuyển động
Trên một triền
vực sâu

Vũng nhỏ giữa bàn tay khô héo
Mang dấu tích tình yêu
 những niềm bối rối ...

[đoạn 7]
...
Anh bỏ trống hết cuộc đời
Những buổi chiều ban mai
những nhớ nhung bầu trời
Những vuốt ve trên bàn tay...

...
Không gian trong tay ôm
Thời gian trong máu chảy
Anh bỏ trống hết mọi người
Những người đẹp như hy vọng
Những người thân như quê hương...

...
Em đã chết đã chết...

...
Ôi đêm nay đêm nay đêm nay
Lăn lộn cùng gai góc
Trong hốc đá tối tăm
Đớn đau ghì lấy em
Anh chỉ là giấc mộng ...

(“Sầu khúc” - Liên, Đêm Mặt trời tìm thấy, 1964)

Những ý tưởng bao giờ cũng đi trước, mở lối và được nâng cao bằng hình ảnh, những hình ảnh đa chiều, đa cảm giác. Cụ thể hoá ý tưởng “phiêu lưu”, nhà thơ kết hợp “dãy tường câm” của ngục tù với ý nghĩa di dời vốn có của khái niệm, tạo ra hình ảnh “siêu thực” lạ lùng, nới rộng tưởng tượng, nhưng thực chất của hình ảnh này lại là ý tưởng mở, là kiếm tìm một trường ngữ nghĩa (phạm vi hiểu và kiến giải) khác. Khi sự giam cầm cũng không còn là cố định mà chuyển dời tương tự  xê dịch của con người, thì ắt con người khốn đốn ấy còn bị đẩy tới đâu?

Cũng là sự chuyển dời của khái niệm, từ ý nghĩa cụ thể, “bỏ trống”, nhà thơ dành cho nó ý nghĩa trừu tượng trong kết hợp lạ thường, “bỏ trống - cuộc đời”, “bỏ trống - mọi người”, tạo ra sự xuyên thấm giữa cái cụ thể và trừu tượng, không còn ranh giới. Đọc cách tư duy táo bạo của Thanh Tâm Tuyền để thấy thực ra những gì vẫn được quan niệm là “trừu tượng” vô hình hoá ra vẫn có thể chạm khắc, tạo tác, định hình hay phế bỏ... hoàn toàn theo cảm quan của con người. Trong khi nhà thơ Nguyên Sa thiên về hình ảnh để tạo ra trường cảm giác mở, thì Thanh Tâm Tuyền thiên về ý tưởng, dùng sự chuyển dời của ý tưởng để làm thay đổi thế giới quan thơ.

Tương nhự như vậy, nhà thơ phế bỏ chính tồn tại của “cái tôi” qua hàng loạt hành động cụ thể. Sự va chạm vật thể, “lăn lộn”, “đớn đau”, “ghì lấy”... chỉ để khẳng định chắc chắn “anh chỉ là giấc mộng”. Ngay cả cái chết của người yêu, cũng nên hiểu là sự chết một cách tương đối, một nỗi đau đớn hay tuyệt vọng nào đó của “anh”, và không phải vì điều đó mà “anh” cũng sẽ “chết” như logic những chuyện tình cảm bi lụy. Con người trong thơ Thanh Tâm Tuyền cảm nhận bản thân như cái không có thực, ngay trong khi đang đau đớn, hờn giận, buồn tủi, tuyệt vọng, đang cảm nhận về một hiện hữu giả định, “đêm nay” nào đó. Đối với Thanh Tâm Tuyền, không có hiện tại hiện hữu mà chỉ có những hình dung, giả định về hiện tại, trong đó chủ thể của mọi tưởng tượng, suy tưởng, cũng chỉ là một bóng hình, một giấc mộng mà thôi. Như vậy ngay cả khi biết tư duy và cảm nhận, con người cũng xuôi tay, không tài nào minh định rõ ràng bản thân và thế giới bằng những giá trị thực có. Nhận biết trong trường hợp này là vô nghĩa, hay chính con người cực đoan tới mức cố ý coi nó là vô nghĩa lý.

Phá hủy để sáng tạo hay có khi phá hủy cũng là sáng tạo. Đảo lộn đến tận gốc rễ của tồn tại cũng là cách thức tồn tại mãnh liệt.

Thế giới của Thanh Tâm Tuyền mở toang những ám ảnh sâu ngút, những vẻ đẹp kỳ lạ, và đặc biệt nhuốm đượm tất thảy một nỗi bi thương quánh đặc, không thể làm cách nào dời xa hay tẩy rửa.

Anh cần đốt điếu thuốc ấy
Vì có nụ cười sau làn khói
Với mầu mắt em hoàng hôn màu áo em
Trong buổi chiều miền đồi núi
Điếu thuốc như một lời trao gửi chưa thành nghĩa
Như tên em hay tên loài hoa nào biết được
Anh sợ những ngôn ngữ bơ vơ
Khóm rừng quên dưới thung lũng
Bầy cỏ hoang ven đường
Mọc lên trong hồn anh dại dột...

Nhưng điếu thuốc bỗng trở niềm hắt hủi ...

Em có biết sau lúc em từ biệt
Điếu thuốc cháy trên môi như người bạn chết ...

...
Rồi anh bước trên những chiều dốc lạnh
Con đường duỗi dài cánh tay người chết đuối
Cầu cứu thành phố bỏ trốn đâu...
(“Bài hát buồn”, tặng Ngọc Dũng - Liên, Đêm Mặt trời tìm thấy, 1964)

[đoạn 2]
...
Anh chìa hai bàn tay khô héo
Nỗi tự do buồn phiền
Hai bàn tay những con đường cỏ cháy ...

[đoạn 4]
...
Khi em đi qua những đường phố giẫm nát những giấc mộng theo đòi
Hi vọng dội lên từng hồi trống rỗng
Anh ngắm hai bàn tay anh nhớ tàn lá về chiều
Khóc thờ ơ ngoài không trung ...
(“Sầu khúc” - Liên, Đêm Mặt trời tìm thấy, 1964)

[đoạn 6]
...
Căn phòng nhốt những ý nghĩ mệt nhọc trời gần sáng

[đoạn 10]
Có ai gọi tên tôi giữa phố , phố hoảng sợ , cái tên lăn như một xác chết nhập hồn. Tôi dừng lại níu giữ lấy đêm tối lại , để cho tôi yên, đồ khốn kiếp, tôi không phải cái tên, tôi là một người không bao giờ biết giết người. Anh không phải một cái tên sao người ta cứ gọi như hú kêu loài ma quỷ?
(“Đêm”, tặng Duy Thanh - Liên, Đêm Mặt trời tìm thấy, 1964)

Nửa đêm, mọi người ngủ ôm lấy mình
Một người khác trong giấc mơ ...
(“Thức giấc” - Liên, Đêm Mặt trời tìm thấy, 1964)

Tôi vẫn sống thiết tha dù không còn hình ảnh
Dù không còn âm thanh
Làm sao tôi biết được thế nào là tự do...

...
Hôm nào tôi thường lang thang dưới những rặng cây, không phải mùa thu hay mùa đông cũng chẳng phải mùa hạ hay mùa xuân
Thời tiết đã trốn mất chỉ còn vầng trán và trời, bàn tay và mây, mắt với hư vô . Tôi tin rằng tôi sẽ nổi loạn , tôi sẽ làm cách mạng cùng với những người anh em của một ngày chưa ước hẹn ...

...
Khi tôi đã nằm giữa nơi sa mạc miệng đầy cát khô thì tôi không còn hình ảnh không còn âm thanh . Tôi vẫn hỏi thế nào là tự do ...
(“Hơi thở” - Liên, Đêm Mặt trời tìm thấy, 1964)

...
Tôi đẹp như hình tôi
Như cuộc đời
Như mọi người...
(“Bài ngợi ca tình yêu” - Liên, Đêm Mặt trời tìm thấy, 1964)

Có thể đối với một số bạn đọc, thơ Thanh Tâm Tuyền đòi hỏi những “giác quan” trừu tượng, nó không gần gũi với những xúc cảm thực thể hay lối hình dung sơ giản về tâm lý. Nhưng đó là nơi long lanh vẻ đẹp của tâm thức biết dừng trước ngưỡng cửa bất tri, cũng là “toàn giác”. Vừa tôn sùng tới cùng kiệt những giá trị cao cả của hiện tại như tự do, tình yêu, vừa ngạo mạn cuốn băng những ước định thời gian và không gian,  hiện hữu và trôi chảy, biến nó thành vô nghĩa. Thơ Thanh Tâm Tuyền đẹp cao siêu, kỳ vĩ, nhưng cũng rất đỗi khiêm nhường. Khi khái hoạt cao rộng không cần biết đến hiện tại, quá khứ, vị lai, “sắc - không”, khi khiêm nhường tới “vô ngã”. Cái vô ngã mà nhà thơ cần lấy hình tượng từ giác quan ngoại cảnh làm gương soi, khả dĩ làm hiện hình chủ thể.

Cái bi thương trong thơ Thanh Tâm Tuyền là tất yếu, nó phần nào mang năng lượng huỷ hoại, đen tối, nhưng lại không xa lạ, thù nghịch hay làm con người khiếp sợ.

Nỗi đau thương vừa tất nhiên, vừa tự nhiên. Nỗi đau toàn bích.

Bi thương như một tiêu chí thẩm mỹ, một giá trị mẫu mực, một ẩn ức có trước mọi sinh tồn và niềm vui. Đầy ắp trong thơ Thanh Tâm Tuyền, từ bất cứ ý tưởng, hình ảnh nào, là những hình dung về sự huỷ hoại, cảm giác đau đớn. Tất thảy mọi chuyển động dù theo chiều hướng nào của thời gian, chiếm những chiều kích phi lý đến đâu của không gian, cũng đều làm lộ ra những vết thương, chảy máu, xương cốt của đổ vỡ và đau thương. Nó là quá trình chứng nghiệm không thể tách rời của sống, là phía khác của sự sống, bao trùm cuộc sống. Với nhà thơ, tồn tại có nghĩa là đau khổ, đau đớn, bị cắt xẻ và huỷ hoại. Bi thương, tan vỡ, rữa nát, gớm guốc... không phải đối trọng của cái hài hoà, cân xứng, hàn gắn, nuôi dưỡng... như hai phạm vi tư biện trong cảm nhận thế giới. Thơ Thanh Tâm Tuyền thảng hoặc cũng có sự hiền hoà, mủi lòng nhưng tuyệt đối không dễ chịu. Với cái bi thương gớm guốc, ông kiên quyết đặt ra một thách đố về thẩm mỹ. Liệu cái đau khổ, rách nát, gớm guốc ấy có phải là cái đẹp hay không? Và dường như Thanh Tâm Tuyền đã trả lời, cũng lại vẫn như một thách đố. Đó là cái đẹp muôn phần hơn “cái đẹp” thông thường, bắt mắt, có tác dụng xoa dịu hay trấn an, bởi vì nó day dứt, bắt người ta phải suy nghĩ, phải hoảng hốt, xoay chuyển, không còn là con người tất định và khép kín, phải đứng trước muôn vàn khả thể khác của cuộc đời.

Đọc thơ Thanh Tâm Tuyền có thể liên tưởng tới bi cảm (Aware)[*] trong văn chương Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu bi cảm của người Nhật chỉ giống như một giọng điệu sâu kín hay một giá trị thẩm mỹ tối cao, thì cảm quan bi thương của Thanh Tâm Tuyền tìm đến mọi biểu hiện, mọi phương cách để phát lộ chính nó. Coi cuộc đời như sự diễn ra và lan toả của cái bi thương, nhà thơ đến với một quan niệm về thế giới phi lý, hay thế giới không chịu định hình trong cái trật tự thông thường.

Sự lạ lùng, dị thường, không tuân theo bất cứ luận định nào trong thơ Thanh Tâm Tuyền, mà một số người đọc cho rằng đó là cách thức tạo ra hình ảnh siêu thực, chỉ là cái bề ngoài phi lý so với sự vật hữu thực. Ẩn sâu trong nó là dòng chảy giác ngộ, theo con đường riêng của nhà thơ đến với sự vận động không cùng của đời sống tự nhiên và con người.

Tiếng động cơ xô anh vào bẫy, trên cát lầy lún mãi, tuổi thiếu niên chạy về nhảy múa trên tóc anh và gọi. Mày đã trồng những mặc cảm sum suê trên thân đơn, những rễ chùm ác nghiệt luồn tới não tuỷ mày, biết không một loài cây ăn thịt. Mày đã đội vòng gai nhọn trên đầu, máu tuôn, gai tẩm độc làm rữa dần vô thức. Thôi mày hãy ôm khối lửa đỏ, định mệnh mày cừu địch, những hân hoan ngu tối cùng tự do khốn nạn...

(“Chiều trên phi trường” - Liên, Đêm Mặt trời tìm thấy, 1964)

Một người da đen một khúc hát đen
Bầu trời đen sâu không cùng
Những dòng nước mắt
Xé nát thân thể bằng tiếng kèn đồng
Bằng giọng của máu của tuỷ của hồn bắt đầu ngày tháng
Giữa rừng không lời rừng mãi trống không
Ném mình ném đám đông vào trần truồng tủi cực hờn xác thịt
Tan vỡ hôm qua hôm nay kể gì ngày mai
Tội rằng không quên chẳng thể được quên
Vì Blues không xanh vì điệu blues đen
Trên màu da nức nở
Trong hộp đêm
Bắt đầu chảy máu thầm kín khóc cổ họng mình
Ngón tay cấu lấy ống kèn như một bùa thiêng...

(“Đen” - Liên, Đêm Mặt trời tìm thấy, 1964)

*

Thơ tình của Thanh Tâm Tuyền không chiếm dung lượng lớn so với những bài thơ chất chứa mối sầu thương tồn tại, bộc lộ chủ thể hoà mình và tin cậy vào cái mênh mông, vô định. “Liên, những bài thơ tình thời chia cách” (Tôi không còn cô độc, 1956) và loạt bài mang cảm hứng luyến ái mà nhà thơ từ đó khởi sinh hình tượng lấy làm tên gọi của tập thơ thứ hai (Liên, Đêm Mặt trời tìm thấy, 1964): “Nói về dĩ vãng”, “Chiều trên phi trường”, đoạn 6 của “Đêm”, “Dạ khúc”, “Mặt trời tìm thấy”.

Trong thơ, khi người viết thỉnh viện đến những hình tượng, biểu tượng của luyến ái, ví như “anh - em”, môi hôn, thân thể... thì chưa nhất thiết đó là thơ tình. Nhà thơ có thể mượn những hợp thành của ngôn ngữ yêu đương để biểu đạt những cảm thức khác. Ngôn ngữ thơ, mà một phần của nó dành cho nội dung tình yêu, với bản chất mở, đòi hỏi người viết không chỉ dựa trên những quy tắc nghệ thuật sẵn có, mà phải phá vỡ nó, truyền sinh khí mãnh liệt cho nó bằng những cảm xúc cũng như sáng tạo gắn liền với phẩm chất cá nhân. Sự lặp lại một tổ chức nghệ thuật dù nhỏ nhất từ người đi trước, cũng đầy khả năng trở thành “đạo văn”. Trong trường hợp này, cá tính, cơ chế cảm xúc độc đáo, những đặc thù nhân thân quy định hai phẩm chất nói trên và năng lượng sáng tạo ngôn từ sẽ xác quyết dấu ấn, thành tựu nghệ thuật của nhà thơ.

Tiêu chí để phân loại “thơ tình”, vì thế, là những bài thơ, tứ thơ, gắn liền với cảm xúc luyến ái thực có cũng như nhân thân của nhà thơ. Những bài viết về tình yêu nhưng lại hướng tới những giá trị hay niềm tin khác, như “Bài thơ của tháng Giêng”, “Mai”, “Nguyên”, “Cỏ”, “Mưa ngủ”... không nên kể là thơ tình.
Con người trong tình yêu của Thanh Tâm Tuyền chưa bao giờ tách bạch khỏi con người kiếm tìm những xác tín của tồn tại. Nói cách khác, tình yêu là một trong những chứng nghiệm tồn tại, hiển lộ bản ngã, là sắc hương say đắm, ẩn ức sâu kín, là động lực sinh tồn sánh ngang với nỗi đau thương.

Khuynh hướng ý tưởng, tự sự hoá, cảm quan triết lý vẫn rõ nét, nhưng bên cạnh đó là sự buông thả, bộc phát, thăng hoa về mặt cảm xúc.

[đoạn 1]

Sự em có mặt cần thiết như những sớm mai
(nếu đời người không có những sớm mai)
(“Liên, những bài thơ tình thời chia cách - Tôi không còn cô độc, 1965)

Vẫn hình dung tình yêu bằng biểu hiện lý tính, “có mặt”, “cần thiết”, nhưng các hình ảnh tươi sáng, mới mẻ, hiền hoà, thấm đượm cảm giác êm dịu và tinh khiết xuất hiện nhiều hơn, ví dụ “những sớm mai”. Nói về tình yêu, Thanh Tâm Tuyền tự cho phép mình mủi lòng, mềm yếu, thậm chí ngọt ngào. Sự đan xen của hình dung lý tính với cảm giác thuần khiết khiến cho câu thơ mang một vẻ lạ lẫm, vừa giãn cách, làm gián đoạn mạch cảm xúc thông thường, vừa dồn sự chú tâm của người đọc vào cảm nhận, khiến nó trở nên chói sáng, sắc nét rõ rệt hơn.

Cho tới than vãn, đắm đuối, hoảng hốt:

Hỡi Liên những Liên và Liên
(“Nói về dĩ vãng” - Liên, Đêm Mặt trời tìm thấy, 1964)

Là Liên là Liên là Liên còn trong Hà nội
(“Đêm” - Liên, Đêm Mặt trời tìm thấy, 1964)

Sự phá vỡ cấu trúc cú pháp “chuẩn” không chỉ bộc lộ trạng thái rối loạn, đảo lộn, trùng điệp của tâm thức, cảm xúc, mà còn là những dịch chuyển sống động của ngôn ngữ thơ. Nó vừa bộc phát tâm trạng, vừa là kết quả những ám ảnh từ ngữ.

I.
Sự em có mặt cần thiết như những sớm mai
(nếu đời người không có những sớm mai)
anh trở dậy
đọc thơ Nguyễn Du
những câu lục bát buồn rưng rưng cuối đường của một ngày
chợt anh muốn viết tặng em
không thể được
em làm con tin ở một thế giới
mà lòng sầu héo là trọng tội
anh cố gắng viết những lời thơ thật tự nhiên
như câu chuyện buổi còn gặp gỡ
như khoảng trời đơn sơ sau cửa sổ
anh gọi thầm một mình
trong giấc mơ phủ làn tóc biếc
anh biết anh gọi thầm một mình
LIÊN

II.
Anh nhớ em cùng một lúc với thành phố
với những con đường anh đi qua một lần
để đến nhà em anh băng ngang một vườn hoa vắng
(lần trở về anh ngồi xuống một ghế dài
nếu là buổi chiều quạnh hiu mây lá mùa thu )
một phố bình dân có chợ và những quán ăn
giản dị như trang nhật ký của anh
ngày bắt đầu yêu em

...
VI.
...
có thể em chết trước khi anh kịp về
mùa lạnh gian phòng cũ
không ai khép cửa sổ ...

có thể rồi anh sẽ yêu người đàn bà thứ hai
anh không chối
nhưng mãi mãi em còn là đất dĩ vãng
mà rễ tình cảm đòi bén gần...

em ơi tình yêu thường đến vào buổi chiều
khoe cánh tay quyến rũ
nhưng không là buổi chiều
đúng hơn là buổi sáng rừng tâm hồn ta
vậy sao em lại ngủ
ngủ trong lòng mộ trong nghĩa địa thân thể anh
với áo cỏ may châm da thịt
anh đã đến từ biệt lùa mái tóc vào những ngón tay ...

thành phố đứng cao làm hiệu
rằng anh còn trở về
rằng anh còn người yêu
nàng công chúa ngủ trong rừng không giận hờn
LIÊN

(“Liên, những bài thơ tình thời chia cách - Tôi không còn cô độc, 1965)

Hoàn cảnh chia cắt, với nỗi đau thương u uất khó lòng giải toả có thể là điều kiện  thực có, nhen nhóm nuôi dưỡng trong nhà thơ những kỳ vọng khác thường về tình yêu. Như một điều quen thuộc, người ta thông qua tình yêu tìm đến sự cao cả, lớn lao, thậm chí là vĩnh viễn, vượt khỏi thân phận bé nhỏ. Thanh Tâm Tuyền nhờ tình yêu mà thừa nhận những phi lý, thừa nhận cái thường nhật, đơn sơ, nhỏ bé của cuộc đời. Tương đương ý nghĩa của những gì lớn lao.

Hồi tưởng về tình yêu, Thanh Tâm Tuyền thường thỉnh viện sự khởi đầu, buổi mai... như một niềm ao ước hồi sinh, nguồn năng lượng tràn đầy, những gì tinh khiết bản nguyên chưa hề bị phôi pha. Nhà thơ không hề giấu giếm lòng thành kính, không ngại ngần khổ luỵ, dời lui tính tự tôn, mở ngỏ tất thảy những gì yếu đuối của lòng mình, bởi tình yêu và người yêu cũng là một lý tưởng. Nhưng sự cắt chia, bị tước đoạt khỏi “lý tưởng” đã khiến thơ tình Thanh Tâm Tuyền mang màu sắc lặng lẽ, khiêm nhường, đầy hồ nghi, cảm giác không gian và thời gian xáo trộn, hướng tới cái nhỏ bé.

Khuynh hướng tự sự hoá trong thi ca đương đại thế giới thường đi liền với cách thức chi tiết hoá, miêu tả, thuật kể đến từng chi tiết cụ thể. Thơ tình Thanh Tâm Tuyền cũng tiếp nhận ảnh hưởng này, nhưng thẩm mỹ khiêm nhường, đơn sơ lại đến từ cảm thức về cắt chia và mất mát.

Thơ tình Thanh Tâm Tuyền cũng là lãnh vực của nỗi đau, không chỉ vì những gì chưa thoả nguyện của tình yêu, mà thông qua đó, hiện lên nỗi đau thương của phẩm cách và phận người.
...
Hỡi Liên những Liên và Liên
 một chút, đau thương, từ chối, tổ quốc ta chạy dài trên địa ngục, xoè mở hai bàn tay anh khóc đó - những ngón tay gầy trơ xương chọn. Con đường đi buổi chiều hấp hối , ôi buổi chiều sương mù .

Hỡi Liên những Liên và Liên
Anh muốn nghe một bài hát buồn - lời anh không thành điệu - muốn nghe một bản hát buồn . Thí dụ . Trưa nắng giữa ngã năm ngã sáu có chợ có ga đường tàu mải miết. Bóng tối lặng thinh em hát lên làm sao mà chịu đựng , hoa lá chia sầu. Một góc bàn anh hôn mầu gỗ trống .

Hỡi Liên những Liên và Liên
Chẳng là anh ngông cuồng kiếm tìm tổ quốc vậy em biết không.  tổ quốc ngàn đời nín thở  trời thì xanh  khổ đau nói sao cho hết. Chẳng là anh trót yêu em vậy em biết không?  khi yêu nhau, trong những đêm sao hằng hà, làm thế nào để quên được nhau

Hỡi Liên những Liên và Liên
(“Nói về dĩ vãng” - Liên, Đêm Mặt trời tìm thấy, 1964)

Sự phá vỡ kết hợp cú pháp “chuẩn” thực hiện bằng hai cách. Thứ nhất, ngắt câu và tổ chức câu một cách bất thường, “bóng tối lặng thinh em hát lên làm sao mà chịu đựng”, theo cú pháp thuận lẽ ra là “bóng tối lặng thinh làm sao mà chịu đựng em hát lên” - cách này rõ ràng “tầm thường”, hay câu không trọn vẹn, dở dang “Chẳng là anh ngông cuồng kiếm tìm tổ quốc vậy em biết không”. Cách thứ hai, dùng các giới từ với mật độ dày đặc, “dù”, “chẳng là”, “vậy”, “thì”, “mà”... trong những kết hợp hoàn toàn mới, không theo quy tắc thông thường, khiến cho các thành phần nghĩa của câu không khép lại chặt chẽ trong tập hợp nội dung xác định, mà xoay mở theo nhiều hướng khác nhau. Vừa nhoè mờ lung linh vừa tiềm tàng những trữ lượng ngữ nghĩa nhiều tầng bậc, kể cả sự “dở dang”.

Phá vỡ đơn vị câu, tức là phá vỡ nội dung biểu đạt trọn vẹn theo cách thức thông thường, chính là mở ra những khả năng mới mẻ vô tận cho từ ngữ, không chỉ là những lối kết hợp khác về ngữ nghĩa mà còn làm sinh sôi nội hàm trong những từ nguyên.

Trong thơ tình, trong ẩn ức sầu thương của luyến ái, Thanh Tâm Tuyền bộc lộ rõ nhất những chuyển dời về năng lực ngôn ngữ của ông.

***

“Không đa đa siêu thực / thẳng thắn / khởi từ ca dao sang tự do”, nhà thơ tự tuyên ngôn về đường thơ của mình. Tuy nhiên, những dấu vết của lối nói ca dao tương đối “lộ liễu” trong thơ Thanh Tâm Tuyền gần như chỉ có vài ba đoạn:

...
những ngón tay những gót chân những nụ cười
nắng tháng ba mưa tháng bảy sương tháng chín
cho thơm đường hôm nay đến sớm mai...
...
Thí dụ. Trưa nắng giữa ngã năm ngã sáu có chợ có ga đường tàu mải miết...
...
sao chưa dừng lại em ơi
trong kia làng mở hội
em vào vườn trèo lên cây bưởi
mời mọi người dự đám cưới đôi ta...
(“Người yêu” - Tôi không còn cô độc, 1965)

...
Mưa bên kia sông mưa nửa dòng nước
ta thương cô mình như bước nhớ chân...
(“Mưa ngủ”, tặng Trần Thanh Hiệp - Tôi không còn cô độc, 1965)

Ngoài cách thức liệt kê hàm ý tăng tiến, tạo hiệu ứng cộng hưởng, lối nói trùng điệp liên hoàn của đồng dao, rất ít hình ảnh, lối gieo vần của ca dao, thật khó lòng chỉ ra những “ảnh hưởng” khác về mặt tổ chức nghệ thuật từ thơ ca dân gian tới thơ Thanh Tâm Tuyền. Kể cả lối so sánh ví von cũng được ý tưởng hoá , “bước-nhớ-chân”, hình ảnh ẩn dụ giảm tối thiểu, “hồn nhiên tôi trở thành thi sĩ ca dao nhẹ những nhát cuốc đầu xới lần áo mỏng ruộng đồng”. Vậy thơ Thanh Tâm Tuyền “khởi đi” từ phẩm chất nào của ca dao? Tinh thần thẳng thắn, quyết liệt? Tính cách duy cảm? Tâm thế bi mẫn?

Có lẽ, thơ Thanh Tâm Tuyền khởi đi từ phẩm chất trong sáng của ca dao.

Ngay từ những tuyên ngôn về hình ảnh trong Tôi không còn cô độc:
Mỗi bài thơ khi viết tôi đều nghĩ đến một người...
chưa bao giờ tôi viết bài thơ nào trống trơn

tôi sống thường trực bằng hình ảnh
(“Hình ảnh” - Tôi không còn cô độc, 1965)

Đây là một ý tưởng thuần khiết chứ không phải hình ảnh.
Cho đến sự dư thừa chen lấn các hình ảnh, phá vỡ trật tự phối cảnh và trật tự mô tả:
...
tôi sống thường trực bằng hình ảnh
cửa sổ mở ánh sáng bình minh
ngoại ô nhà ngói đường xe điện
sân ga đường dan díu chân trời
bến tàu phu khuân vác ống khói...

Cho đến những hình dung đầy cảm giác siêu thực:
...
hãy yêu nhau rất tình cờ
như mặt trăng may mắn thoát ra ngoài vòm mây
chiếc đầu máy mệt nhọc dừng lại một ga nhỏ
với một ngọn đèn đêm
một người giữ ga già mặt đồng hồ kim không chuyển động
và rừng khuya không tiếng vang
(“Tình cờ” - Tôi không còn cô độc, 1965)

Tất cả đều khởi đi từ những ý tưởng trong sáng, chặt chẽ, không sa đà vào phức rối, nhiễu loạn cảm giác hay hình ảnh. Mặc dầu sự buông lỏng và bộc phát của cảm xúc, thơ Thanh Tâm Tuyền bao giờ cũng sáng rõ bởi năng lượng phát kiến, ý nghĩa suy tưởng, và năng lực sáng tạo ngôn từ nhuần nhuyễn, vừa dễ dàng chạm tới cái phù ảo mộng tưởng của cảm thức, vừa chính xác, chân triết, mạch lạc của trí tuệ khác thường.

So với cái trong sáng sơ khởi của ca dao, được hiểu như là sự nhuần nhuyễn của kinh nghiệm, những triết lý dân gian với cảm giác ý vị, tiết chế, những rúng động nuột nà trau chuốt, đôi khi phá cách, thơ Thanh Tâm Tuyền có nét tương đồng nhưng là bước vượt xa về năng lượng suy tưởng, tính cách đa dạng, tinh tế của thế giới hình ảnh cũng như tri thức.

***

Biết chết trước khi biết sống, chứng nghiệm đổ vỡ mất mát trước khi thụ cảm sinh lực, an toàn, nuôi dưỡng... Đó không chỉ là thái độ ứng xử của con người trong một thời đại bất an, khi những giá trị được xây đắp bền vững dựa trên niềm tin, luận lý và một số giải pháp khoa học cũng như tưởng tượng được cho là ưu việt, bị lung lay đến tận gốc rễ. Con người bị xua đuổi khỏi nơi trú ẩn quen thuộc - ảo tưởng về một sự nhận biết thế giới thấu đáo, theo những logic phổ quát, lý tính. Trong bối cảnh ấy, sự thông tuệ cao nhất của con người chính là hướng tới kiếm tìm những động lực khác tiềm tàng trong đời sống, những ẩn ức bên ngoài lý tính, sự dị biệt, đơn lẻ, như những bằng chứng chống lại cái thấu suốt nghèo nàn, và sáng tạo cách thức suy tưởng xoay chuyển những gì đang có.

Là nhà thơ, Thanh Tâm Tuyền đem vào thế giới thi ca của mình những chất vấn cô đọng, những suy tưởng mãnh liệt về tồn tại và nhận biết, bởi đó cũng chính là giá trị sau cuối của thơ cũng như nghệ thuật và các sáng tạo văn hoá.

Xuất phát từ triết học Đông phương nhuần nhị, với tinh thần vượt thoát, đột phá của thế giới đương đại, nhờ một ngôn ngữ trau chuốt, tinh lắng, tiết giảm tối đa nhưng cũng đầy tràn năng lượng bùng nổ và phá huỷ, nhà thơ dành cho bạn đọc một quan niệm mới mẻ về con người, đó là ẩn ức bi thương, trong niềm tin cậy chắc chắn vào tính vô định của thế giới. Vô định không phải một nguy cơ, mà là sự nuôi dưỡng, nguồn sinh lực tốt lành.

Như vậy cuộc đời dù sao cũng đáng phải nhìn nhận lại, không phải sinh ra, viên mãn rồi huỷ diệt, mà thực ra là đã huỷ diệt trước khi khởi đầu một quá trình mới. Người ta lẽ ra phải đặt nền móng cho mọi kiếm tìm, hình dung khởi từ đây...

KHÁNH PHƯƠNG
Nguồn: TIỀN VỆ


______________________

[*]Xem “Những khái niệm then chốt của mỹ học Nhật Bản”, Suzuki Setsuko (chủ biên), bản dịch của Hoàng Long.

------------
Ghi chú:

Bài viết chỉ khảo sát hai tập thơ Tôi không còn cô độc (nxb Người Việt, 1956) và Liên, Đêm Mặt trời tìm thấy (nxb Sáng tạo, 1964) của Thanh Tâm Tuyền, trong phạm vi sáng tác gắn liền với dòng chảy văn học miền Nam Việt Nam, theo phân kỳ lịch sử văn học. Trong giới hạn một bài tiểu luận, chúng tôi khó lòng giữ nguyên trình bày nguyên gốc của một số bài thơ ở các phần trích dẫn, mong quý bạn đọc lượng thứ.



Thứ Ba, 28 tháng 8, 2018

JOHN MCCAIN BA LẦN XIN THUỐC LÁ NGUYỄN TUÂN

Năm 1967, khi ông John McCain bị bắt và được điều trị tại Hà Nội, nhà văn Nguyễn Tuân đã tới phỏng vấn, trò chuyện về văn chương, chiến tranh và cả dự định trong cuộc sống.

Trong hồi ký đăng trên báo chí Mỹ năm 1973, lúc đó ông John McCain viết về quãng thời gian làm tù binh ở Hà Nội như sau: “Sau đó, có nhiều người đã đến nói chuyện với tôi. Không phải ai trong họ cũng đến để thẩm vấn. Có lần một nhà văn già có chòm râu dài như Hồ Chí Minh và nổi tiếng của Bắc Việt đến phòng của tôi, muốn trò chuyện về Ernest Hemingway”.
Thượng nghị sĩ John McCain vào năm 1973

Người mà John McCain nhắc tới chính là nhà văn Nguyễn Tuân. Cuộc gặp gỡ trò chuyện ấy đã được Nguyễn Tuân đưa vào bài “Đèn điện phố phường Hà Nội vui sáng hơn bất cứ lúc nào” trong tập Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi.

Trong bài viết, nhà văn Nguyễn Tuân gọi John McCain là “tư Kên” hay “Mích Kên”. Ông tả ông McCain: “Trên giường sơn trắng, trên đệm trắng của nhà thương, thẳng cẳng nằm dài một người cứng đờ tay. Cánh tay phải giơ lên kia cũng trắng bệch, cứ giơ mãi như thế để tan loãng vào cái trắng nhờ của buồng bệnh thắp đèn hơi thủy ngân bóng hình ống”.

Trích đoạn trong cuốn Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi như một tư liệu cũ nhiều kỷ niệm.

"Tôi chỉ mong chiến tranh Việt Nam sớm kết thúc"

Tùy bút của nhà văn Nguyễn Tuân viết John McCain “phạm tội đánh phá nhà máy nhiệt điện Hà Nội trưa ngày 26 tháng mười 1967”. Kèm đó là gia thế của tay tù binh: “Ồ, mẹ thiếu tá Mích Kên này giàu lắm, có cơ man là cổ phần công ty than đốt. Còn bố đô đốc là loại tướng biển đeo những bốn sao đang chỉ huy hạm đội VI”.

Khi John McCain bị tên đạn thủ đô Hà Nội hạ xuống, thì bố ông đang ở London. Nhà văn Nguyễn Tuân dẫn lại lời báo chí Hoa Kỳ lúc đó, rằng vị đô đốc bố của McCain “không bình luận gì về tin con bị mất tích ở Bắc Việt”.

Theo lời kể Nguyễn Tuân, trong cuộc gặp, John McCain vài lần xin nhà văn thuốc lá: “'Xin ông cho một điếu thuốc lá!' Mích Kên nhìn tôi chằm chằm, sau khi nói tiếng Pháp như thế”.

“'Xin ông một điếu thuốc!' Tôi lại cắm điếu thuốc Điện Biên thứ hai vào mồm thằng tư Kên”, tùy bút viết.

“Nó gạt tàn thuốc lên ngực lông lá, cánh tay trái cẩn thận gạt nhẹ tàn gio vào cái gạt tàn. Nó khép chặt cánh tay vào nách, theo một thói quen của bọn giặc bay quen sống với buồn lái, ít khoa tay vung chân quá rộng, mà thường là cử động với những động tác khép khít hẹp ngắn”, Nguyễn Tuân kể.

Đoạn hội thoại giữa nhà văn Nguyễn Tuân và John McCain khi đó đang là thiếu tá được kể lại trong sách.

“- Vâng, tôi nhận được lệnh đánh Khu Sáu tức Hà Nội vào lúc 10 giờ sáng hôm đó, tính theo giờ Sài Gòn, - tính theo giờ Hà Nội thì là 9 giờ. 12 giờ Sài Gòn kém 10 phút thì tôi rời boong hàng không mẫu hạm. Và sự việc những phút sau như thế nào khi tôi vào bầu trời miền Bắc tất cả là 23 lần. Ở miền Nam thì chưa được bay lần nào. Tôi có bay vào và có đánh Hải Phòng sáu lần. Chưa bay vào Hà Nội, trừ cái lần vừa rồi. Đại đội tôi 14 chiếc là đại đội chuyên đánh bom điện tử định hướng. Tôi chỉ huy một phi đội hai chiếc A4 cường kích. Đó là lần đầu tiên tôi đánh Hà Nội.

- Là lần đầu?!

- Và là lần cuối cùng.

- Nếu anh được cấp trên cho chọn giữa hai mục tiêu nhà máy điện và cầu sắt dài trên sông Hồng thì anh chọn cái nào?

- Cả hai cái đều là xấu xa, nghĩa là đều nguy hiểm cả, nhưng có lẽ đánh cầu thì tôi nghĩ có phần còn dễ hơn đánh nhà máy đèn. Nhưng tôi tin rằng nếu chúng tôi có đánh trúng được nhà máy đèn thì các ông vẫn có những cách riêng để giải quyết vấn đề ánh sáng cho Hà Nội.

- Anh đánh nhà máy điện đèn trung ương Hà Nội mà lúc này, đèn điện vẫn cháy đều trên đầu giường bệnh của anh, cũng như vẫn cháy đều ở khắp nơi khác của Hà Nội ngoài nhà thương này, thì anh có cảm tưởng gì?

- Thưa ông, tôi không buồn mà cũng không vui. Tôi chỉ mong chiến tranh Việt Nam sớm kết thúc để tôi được tha về. Bố tôi cũng không cứu được tôi. Ông Giôn Xơn cũng không cứu được tôi. Ông vừa hỏi tôi nghĩ gì về Giôn Xơn? A. Giôn Xơn là người không muốn ai phê bình mình. Ông ta là người chỉ thích dùng máy tính ê-lếch-tơ-rô-nich, đặt câu hỏi cho máy tính điện tử rồi chờ câu đáp số trả lời của máy tính… Xin ông một điếu thuốc!”
Nhà văn Nguyễn Tuân tới gặp, phỏng vấn John McCain khi ông này là tù binh tại Hà Nội.

"Nếu trở về Mỹ, tôi sẽ viết sách"

Trong cuộc gặp, nhà văn Nguyễn Tuân cũng tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người tù binh John Mccain khi ấy.

- Nếu trong tình hình nào đó mà được trở về Hoa Kỳ thì người quan tư tàu bay Hoa Kỳ kia sẽ làm nghề gì?

- Tôi sẽ viết sách. Tôi cũng muốn viết sách.

- Viết sách nhưng viết cái gì? Viết về những cái gì? Viết về Việt Nam, về chiến tranh Việt Nam?

- Không, tôi sẽ viết về châu Âu, những kỷ niệm mấy năm vừa rồi của tôi tại châu Âu. Tôi không viết về Việt Nam và cũng không viết về chiến tranh.

- Tại sao không muốn viết về Việt Nam và chiến tranh ở Việt Nam?

- Vì tôi cho rằng tôi chưa biết gì lắm về Việt Nam. Vì tôi nghĩ rằng tôi cũng chưa hiểu gì lắm về chiến tranh”.

Tác giả Vang bóng một thời còn đặt ra những câu hỏi về quá khứ, sở thích văn chương của John McCain. Nhà văn hỏi viên thiếu tá về trận Forrestal năm 1967:

“- Hàng không mẫu hạm Pho Rét Tan (Forrestal năm 1967 - pv) bị cháy hồi cuối tháng bảy vừa rồi. Có đúng là anh đã suýt chết cháy ở trên chiếc Pho Rét Tan không?

- Vâng, đúng thế. Tôi về với hàng không mẫu hạm Pho Rét Tan từ tháng sáu, rồi cuối tháng bảy xảy ra vụ cháy tàu. Vừa cháy vừa nổ các hòm tên lửa, cháy cả tàu bay trong khoang tàu, cháy cả người lái tàu bay. Có người tránh nạn lửa nhảy xuống bể thì lại chết dưới bể không ai cứu được. Bạn đồng nghiệp của tôi chết ở bên phải, bạn đồng nghiệp của tôi chết cả ở bên trái.

Chung quanh toàn chết và toàn lửa. Tôi là trong số những người may mắn. Tôi được đưa về Sài Gòn. Báo chí và vô tuyến truyền hình Hoa Kỳ đăng ảnh tôi, viết khen tôi, đăng bài ngay trang nhất. Người ta khen tôi học rộng, đọc nhiều, gặp cũng nhiều sự may. Và có Chúa Trời che chở.

- Anh ở Sài Gòn và những đâu nữa?

- Chỉ ở tại Sài Gòn thôi. Ở có 48 tiếng và lệnh cấm không được ra khỏi Sài Gòn… Xong được chuyển về Hoa Kỳ, sau đó lại sang châu Âu với danh nghĩa có tính chất thời sự 'là người may mắn của đám cháy Pho Rét Tan'. Và sau đó chuyển sang hạm đội VII Thái Bình Dương.

"- Anh bảo người ta đăng báo khen anh là đọc nhiều, anh thích tác giả nào?

- Thường là Xít Tanh Bếch (John Steinbeck - pv), Hê Minh Uê (Hemingway - pv), Xít Tanh Bếch viết những cuốn trước đây hay hơn những cuốn in ra sau này. Ông hỏi tại sao Xít Tanh Bếch sau này viết kém đi, tôi cho là tại sau này già rồi nên cỗi".

Trên giường nhà thương, John McCain còn tâm sự về dự định công việc nếu may mắn được trở về:

- “Thưa ông, tôi cũng mới định như thế thôi. Thực tình mà nói, tôi thấy cũng khó mà viết được. Tôi không tin rằng cánh tay phải tôi sẽ lành lặn. Tôi tàn tật tay phải thì viết sao được.

- Người định làm sách một cách nghiêm túc, thì dù có bị ai cưa đi cả tay phải lẫn tay trái, người ta cũng cứ viết được. Đối với người viết sách để làm chứng cho sự sống, làm chứng cho chiến tranh và hòa bình, sự quan trọng không nằm ở cánh tay bàn tay cầm quản bút hoặc mổ máy chữ. Không phải ở cái tay, mà chính là ở cái đầu, ở cái tim, chính là những cái đọng lại nơi tim và đầu mình…

- Ý định viết sách ở tôi, thưa ông, cũng mới là thoáng nẩy ra như thế thôi. Có lẽ sau này tôi sẽ xin đi làm quản lý ở một công ty nào. Tôi có một vợ và ba con. Thưa ông tôi là một người đang thấy cần phải có hòa bình và mong chiến tranh kết thúc. Tôi còn là một người không muốn làm những gì có thể hại đến thanh danh gia đình tôi".

TẦN TẦN
Nguồn: Newszing




Thứ Hai, 27 tháng 8, 2018

NHẬT CHIÊU - “ĐỨA CON HOANG” CỦA VĂN CHƯƠNG NAM BỘ

Trong những nhà văn gốc Nam Bộ, Nhật Chiêu là dân Nam Bộ chính hiệu. Anh sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn nên Nhật Chiêu là một nhà văn Nam Bộ “thuần chủng” không hề có sự pha tạp nào. Nhưng Nhật Chiêu là một nhà văn Nam Bộ khá lạ lùng. Lạ lùng ở chỗ, là người Nam Bộ nhưng văn chương của Nhật Chiêu không hề mang chút hơi hướm nào của văn chương Nam Bộ từ trong cốt cách, trong nội dung và hình thức biểu đạt của nó. Vì vậy, có thế nói, Nhật Chiêu là “đứa con hoang” của văn chương Nam Bộ.
Nhà văn Nhật Chiêu

Không như những nhà văn Nam Bộ khác, khi viết văn thường ít dụng công chăm chút cho tính mỹ cảm của văn chương mà viết văn cốt để trình bày tư tưởng, tình cảm chân mộc của mình vốn là bản sắc văn hóa của cư dân Nam Bộ, Nhật Chiêu là người đi đến tận cùng cái đẹp. Cái đẹp trong văn chương và cái đẹp trong cuộc đời. Những trang văn của anh bao giờ cũng là hiện thân của cái đẹp. Một tình yêu đẹp, một phong cảnh đẹp, một nỗi cô độc đẹp, một niềm hạnh phúc đẹp… Vì vậy, có thể nói anh là con người của chủ nghĩa duy mỹ và duy cảm. Nhưng không phải là một thứ duy mỹ và duy cảm cực đoan và xa rời đời sống. Ngược lại, đó là một chủ nghĩa duy cảm và duy mỹ luôn gắn  với nhân sinh, là cái đích mà con người hướng đến để tự thanh lọc mình trước những cái xấu xa, thấp hèn đang đầy rẫy trong cuộc sống hôm nay. Chính vì vậy, đọc văn Nhật Chiêu, nhà văn Hồ Anh Thái cho rằng: “Đọc truyện đời mà dấn dần trôi vào cõi huyền ảo. Phảng phất men say. Độc giả nào chợt thấy chơi vơi chuếnh choáng có lẽ cũng không lấy gì làm lạ... Nếu bạn thấy thế giới ấy chập chờn viễn vông, xin lưu ý rằng có thể đây là một điều hàm ngụ. Nếu chỉ đơn giản là bạn thấy nó đẹp thì tôi tin đó là cái đích mà tác giả Nhật Chiêu hướng đến.”(1)

Vâng! lời chia sẻ của nhà văn Hồ Anh Thái về văn chương Nhật Chiêu quả không đại ngôn tí nào. Ta hãy cùng khám phá những diễn ngôn anh biểu đạt để thấy vẻ đẹp ấy hiện ra lấp lánh như thế nào trong văn chương của Nhật Chiêu. Đây là vẻ đẹp thân thể của một người đàn bà được anh cảm nhận bằng tất cả cảm xúc của sự thăng hoa trong tình yêu mà không phải khi yêu, ai cũng có sự cảm nhận tinh tế ấy. Đó là sự cảm nhận vừa trần tục lại vừa thánh thiện, thanh khiết. Cái thanh khiết chỉ có ở những tình yêu đẹp, tâm hồn đẹp và của một sự tận hiến cho cái đẹp.  Anh Viết: “Nệm vẫn còn vết trũng và hơi ấm do thân thể nàng để lại. Gối vẫn còn phảng phất mùi hương nguyệt quế của tóc nàng. Ta nhẹ ướm mình vào vết trũng đó, hơi ấm đó, mùi hương đó, ướm mình vào sự vắng mặt nồng nàn đó. Ta mơn trớn hình dáng của sự vắng mặt trong tiếc nuối. Giá nàng còn nằm lại! Ta thích ân ái lần nữa trước khi sương tan, trước khi nắng lên và trong tiếng hót của chim rừng.”(2)

Viết về tình yêu và sự ân ái say đắm, nồng nàn trong tình yêu bằng những lời văn mượt mà, óng ả như tơ trời, mênh mông như sương khói, lãng đãng như hoàng hôn và đam mê, quyến rũ khi đêm về... nếu không có thiên năng và một tâm hồn đa cảm luôn hướng về cái đẹp vừa rất CON nhưng cũng rất NGƯỜI ấy, không phải nhà văn nào cũng thể hiện được. Nhìn vào thực trạng đời sống văn học khi vẫn còn những trang văn miêu tả cảnh làm tình nhầy nhụa nhằm đánh vào thị hiếu thấp hèn của một bộ phận người đọc mà chúng ta không khó lắm để tìm thấy trong đời sống văn học hôm nay, chúng ta mới thấy trân qúi những trang văn đẹp và quyến rũ như thế của Nhật Chiêu.

Tình yêu trong văn chương của Nhật Chiêu là tình yêu đẹp, ở đó luôn có sự kết hợp hài hòa giữa “Hoan lạc. Âm nhạc. Phiêu bạt...”(3) của cả một đời người chứ không chỉ là những khoảnh khắc thoáng qua theo kiểu tình một đêm của những kẻ hãnh tiến núp mình ở các công sở hoặc kẻ lắm tiền nhiều của muốn tìm cảm giác lạ, đầy bản năng để thỏa mãn dục vọng thấp hèn của mình mà ta thấy đầy rẫy trong đời sống của xã hội được mệnh danh là hiện đại hôm nay.

Yếu tính của văn chương bao giờ cũng hướng đến cái đẹp. Đọc văn Nhật Chiêu ta không chỉ thấy hiện hữu cái đẹp trong tình yêu của con người mà còn thấy hiện lên vẻ đẹp của thiên nhiên, một thiên nhiên thấm đượm triết lý phương Đông mà anh đã cảm nhận bằng tất cả sự uyên áo và tinh tế. Vì vậy, thiên nhiên trong văn của Nhật Chiêu bao giờ cũng mang nặng yếu tố tâm linh, luôn gắn với cảm thức nhân sinh mà ta ít bắt gặp nơi những trang văn của các nhà văn Nam Bộ khác. Đó là một thiên nhiên đầy mặc khải, huyễn hoặc và thanh sạch của một “Cao nguyên duỗi mình tắm mưa. Nhưng vườn cà phê mà nàng vừa rời xa hẳn đang náo nức hân hoan trong cuộc tắm táp tinh khôi vì mưa xuân đã đến. Mưa xuân rơi trên cây dương liễu, trên cây phượng tím bên ngoài của sổ. Mưa xuân rơi rơi trên giấc ngủ của nàng.” (4)Thật là một hình ảnh huyền ảo và đẹp đến lạ lùng, thể hiện trí tưởng tượng vô cùng phong phú. Và sự tưởng tượng ấy lại chắp cánh cho sự liên tưởng của anh bay cao bay xa như những giấc mơ “Và nàng tự hỏi dương liễu đi đâu vậy? Mà tại sao đi nhanh đến thế với những lồng đèn đỏ đong đưa? Cứ thế, đong đưa như những lồng đèn đỏ trong mưa. Dáng dấp muộn phiền u uất, cây dương liễu cứ đi... Rồi dương liễu mờ khuất sau dốc đồi xanh ngắt thông, sau vài khối đá tảng, những hình khối đá đứng bơ vơ không biết làm gì, đứng đấy một cách trừu tượng mơ hồ” (5). Còn đây là một cảnh đẹp của thiên nhiên gắn với những hoài niệm của con người mà khi đọc lên lòng ta không khỏi thảng thốt “Qua khỏi cơn mưa nhẹ, với muôn vàn sợi tơ mưa mỏng giăng trong nắng, với mặt trời chín ửng như một quả hồng đang lơ lững bên kia đồi, ta bước vào xứ sở của những ngọn đồi.  (...) Không ta không chọn một ngọn đồi mà ta đang buông mình vào dòng hoài niệm, vào lần đầu tiên ta đặt chân vào xứ sở của những ngọn đồi, xứ sở của những cầu vồng xanh.” (6) Hoặc “Ta đang đi. Nhưng có phải ta bước đi đâu? Đó là bước chân của nắng tắt. Đang tự mình hóa đêm. Đó là bước chân của cỏ. Nhẹ đi trong u huyền”.(7)
   
Và cái đẹp trong thiên nhiên của văn Nhật Chiêu, còn là cái đẹp luôn ẩn chứa những triết lý nhân sinh mà anh cảm nhận thật tinh tế “Trong một giọt sương, nàng cảm thấy cũng có ký ức của bầu trời xanh”.(8) Và đó cũng là cái đẹp của nỗi cô đơn vốn là căn tính của hửu thể mà con người không thể nào vượt thoát khỏi sự cô đơn ấy cho dẫu đó là sự vượt thoát đầy “lãng mạn” và “huyễn hoặc” của những người tự cho mình có trái tim sắt đá. Ta hãy nghe anh chia sẻ: “Giá như một lần, tôi có thể đi vào giấc ngủ ấy, cái thế giới trống rỗng không có gì ấy. Trong cái nhà tù hư vô ấy, chỉ có bóng tối.” (9). Đây là nỗi cô đơn của một tâm thức hiện sinh mà nếu không có sự trải nghiệm nhà văn khó có thể viết được những câu văn tự vấn đầy khắc khoải như thế!? Không chỉ có con người cô đơn trong cõi hư vô mà cảnh vật cũng chìm trong nỗi cô đơn ấy “Những cái tháp chỉ còn chứa đựng hư vô. Ngàn năm còn lại mấy bình hư vô” (10) . Văn đẹp như những bài thơ!

Văn chương Nhật Chiêu là một thứ văn chương hướng thiện, có khả năng làm thanh sạch tâm hồn con người. Văn chương ấy không phải ai viết cũng được, nếu người cầm bút không có thiên lương và không có tình yêu đối với cái đẹp một cách thanh sạch. Song văn chương Nhật Chiêu không chỉ ẩn chứa cái đẹp mà còn ẩn chứa trong đó những giá trị mang tính triết luận; một thứ triết luận vừa trí tuệ lại vừa đẹp, vừa gần gụi lại vừa xa xôi, vừa hiện thực lại vừa huyền ảo. Đó là một thứ văn chương ẩn chứa nhiều giá trị triết lý nhân sinh mà trong đó có sự hôn phối diệu kỳ giữa triết học phương Đông và phương Tây. Điều mà ta hiếm thấy trong văn chương của các nhà văn Nam Bộ như: Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Lý Văn Sâm, Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo... thậm chí cả những nhà văn trẻ sau nầy như Nguyễn Ngọc Tư…

Chất triết lý ấy ẩn chứa rất nhiều trong tập truyện ngắn Mưa mặt nạ và tập truyện tuyệt ngắn và truyện một câu Lời tiên tri của giọt sương, thể loại sở trường của Nhật Chiêu. Như ở truyện Cuối cùng và đầu tiên, người con gái cuối cùng còn sống sót sau cơn đại hồng thủy trên một con thuyền với người đàn ông lạ, lại là người con gái đầu tiên của cái xã hội loài người đó trong vài trăm năm sau. Xem ra ở đời, cuộc sống vốn vô thường là thế!? Không có cái gì là đầu tiên và cũng không có gì là cuối cùng. Ai tin vào cái đầu tiên và cuối cùng, có lẽ chỉ là những chú cừu lẩn thẩn trong sa mạc hoang vắng. Vì vậy, những gì gọi là đầu tiên và cuối cùng trong cuộc đời, nhiều khi chỉ là những vấn đề có tính ý niệm về mặt triết học như những gì diễn ra trong câu chuyện cực ngắn nầy!? Còn ở truyện Tiểu thuyết trinh thám lại là một ngụ ngôn triết học độc đáo và sâu sắc về việc tìm kiếm bản thể của con người. Đó là một cuộc tìm kiếm vô vọng... Bởi, con người luôn là một vũ trụ đầy bí ẩn mà chúng ta không thể nào hiểu hết đượcVà các truyện Bức Tranh, Tề vật luận, Thế giới ảo, Gương, Tên trộm, Chiếc nhẫn, Cá du, Một cách lễ độ, Hang tối, Thú lạ, Quần áo không vua... cũng là những câu chuyện chuyên chở trong nó những ý niệm triết học rất sâu sắc và thú vị. Song tính triết luận trong văn chương của Nhật Chiêu không chỉ thể hiện trong những câu chuyện mang ý vị triết học như đã dẫn ra ở trên mà đặc biệt còn được thể hiện trong những diễn ngôn của anh trong tác phẩm. Đặc điểm này đã làm nên một thứ hương vị và nhan sắc riêng của văn chương Nhật Chiêu, cái mà các nhà lý luận văn học gọi là phong cách, là cá tính sáng tạo.

Đọc một số tác phẩm của anh như Mưa mặt nạ, Lời tiên tri của giọt sương,Viết tên trên nướcĐi dưới mưa hồng... ta luôn bắt gặp những diễn ngôn ẩn chứa tính chất triết lý sâu sắc làm ta thích thú đến bất ngờ. Đó cũng là cái duyên riêng có của văn chương Nhật Chiêu so với các nhà văn Nam Bộ khác. Và đây cũng là một yếu tố cho thấy anh là “đứa con hoang” của văn chương Nam Bộ. Do ảnh hưởng của tính chất địa văn hóa, người Nam bộ vốn sống thoải mái, nhìn thoải mái, nghĩ thoải mái, nói thoải mái, chứ ít khi châu mày triết lý cao siêu như người Bắc Bộ. Vậy mà, đọc văn Nhật Chiêu, mặc dầu, anh vẫn nói thoải mái, nghĩ thoải mái nhưng đó là sự thoải mái của một trái tim rất nóng và cái đầu rất lạnh, nên văn anh luôn thể hiện một độ chín tư duy và chiều sâu tâm hồn. Và điều đó tan chảy trong văn của anh một cách tự nhiên, không kiểu cách hay làm dáng “triết gia” gì cả. Đây cũng là điều tôi rất thích thú và bị quyến rũ khi lạc vào thế giới văn chương của Nhật Chiêu. Bạn hãy đọc những diễn ngôn sau đây để thấy rõ hơn điều đó.

Trong Mê cung, khi nói về việc tìm con đường thoát khỏi mê cung của chính mình, Nhật Chiêu đã để cho nhân vật tự thú bằng một câu đầy chất triết luận: “Với em cũng thế. Làm thế nào em thoát khỏi chính em, thoát khỏi mọi hệ lụy của mình(11) Còn trong truyện Ao, cũng có những câu đầy tính triết luận nói về cái đẹp của lao động sáng tạo nghệ thuật: “Khi nhào trộn đất thó làm bình, thì anh cũng nhào trộn cả hư không trong lòng bình, cả bài ca anh hát bằng giọng điệu của người cô độc.” (12) Hay ở truyện Viết tên trên nước, có những câu mà tính triết luận gợi ra cho ta nhiều ngẫm ngợi về kiếp nhân sinh: “Tôi theo đuổi kẻ theo đuổi tôi. Nghe nói chính cái bóng của tôi đang bị theo đuổi. Đó chính là cái dấu tích duy nhất của tôi.(13) Còn đây là những câu không chỉ có tính triết luận mà còn là những hình tượng văn học mang tính triết lý về những điều làm ta đớn đau trước những cái thật /giả, giả / thậtđang hiện hữu trên sân khấu cuộc đời như một thứ giá trị ảo được che đậy bởi những chiếc mặt nạ có khă năng đánh lừa con người  mà Nhật Chiêu miêu tả: “Dân làng tranh nhau nhặt mặt nạ và biết đâu, mặt nạ cũng tranh nhau nhặt con người, dưới cơn mưa ảo, dân làng tranh nhau nhặt cái ảo như thể đang nhặt vàng, nhặt bạc, như thể đang nhặt lên những giấc mơ, những khát vọng, những mảnh vụn của bóng tối trong đáy sâu tâm thức, hoặc đang nhặt những cơn điên, những phiêu lưu vô định. Có vô số mặt nạ... có cả mặt nạ của mặt nạ, mặt nạ của hư không, mặt nạ của chân lý, mặt nạ của giải thoát...” (14) Có thể nói tính chất triết luận trong văn chương của Nhật Chiêu đã trở thành một cảm hứng trong cá tính sáng tạo của Anh. Cá tính ấy là sự kết tinh của quá trình nghiệm sinh và một kiến thức triết học Đông Tây mà anh đã tiếp nhận và thấu cảm được trong hành trình sống của mình. Anh quan niệm:“Bản chất của văn chương cũng giống như mộng tưởng vậy, đó là thế giới của “Cái có thể”, chứ không phải là thế giới của cái đúng tuyệt đối hay cái sai tuyệt đối. Đọc văn chương là được khám phá cái có thể ấy.” (15). Đây cũng là một quan niệm văn chương nhuốm màu triết học. Đó là một loại văn chương mang chở tư tưởng nhân văn cao cả chứ không phải là thứ văn chương tả tình, tả cảnh đơn thuần, dễ dãi trên các trang sách đang bày bán tràn lan ở các “chợ văn chương”. Và nói như người xưa đó là loại văn chương “đáng thờ”. Theo tôi, văn chương không có tư tưởng là loại văn chương không có tương lai, là loại văn chương đoản mệnh. Bởi lẽ, nó không bao giờ là sự chọn lựa của nhân loại. Văn chương của Nhật Chiêu là một loại văn chương thấm đượm khá sâu sắc tư tưởng triết học trên nền tảng của các giá trị nhân bản nên nó là văn chương của tương lai...

Một điều cũng dễ nhận thấy trong văn chương của Nhật Chiêu luôn khác biệt với các nhà văn Nam Bộ khác, đó là, trong tác phẩm của anh gần như rất ít sử dụng phương ngữ Nam Bộ, điều mà chúng ta rất thường gặp trong văn chương của các nhà văn Nam Bộ khác kể cả những văn tài như Nguyễn Ngọc Tư. Lý giải điều này thật không đơn giản và cần có một công trình nghiên cứu khác về anh. Song theo chúng tôi, có lẽ do Nhật Chiêu sinh trưởng ở Sài Gòn, nơi giao lưu của nhiều nền văn hóa cộng với ảnh hưởng của lối sống đô thị phải giao tiếp hàng ngày với nhiều người ở các miền khác nhau nên anh luôn có ý thức dùng ngôn ngữ phổ thông. Phải chăng, vì thế, ngôn ngữ văn chương của anh gần như không có phương ngữ Nam Bộ.

Một điều cũng cần nói đến trong văn chương của Nhật Chiêu đã góp phần tạo nên một Nhật Chiêu Nam Bộ trong đời sống mà lại không Nam Bộ trong văn chương đó là tính hiện đại trong tác phẩm của Anh. Hầu hết các truyện ngắn của anh rất ngắn, kết cấu rất lạ theo kiểu kết cấu của truyện ngắn phương Tây chứ không theo lối kết cấu truyền thống. Mỗi truyện ngắn của anh luôn dồn nén về cảm xúc và tư tưởng như một bài thơ Hai ku của Nhật Bản, một thể loại thơ mà anh rất am hiểu. Có thể nói văn chương của Nhật Chiêu là sự hóa thân diệu kỳ giữa văn hóa phương Đông và phương Tây, giữa truyền thống và hiện đại. Đây cũng là điều khác biệt của anh so với các nhà văn Nam Bộ khác. Và điều này càng xác tín vấn đề mà người viết đặt ra: Nhật Chiêu là “đứa con hoang” của văn chương Nam Bộ. Sự khác lạ của văn chương Nhật Chiêu đã góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng cho văn chương Nam Bộ, làm cho nó trở nên đa thanh, đa giọng điệu, đa sắc màu, tạo thêm sự hấp dẫn nơi người đọc. Vì vậy, dù là “đứa con hoang” của văn chương Nam Bộ nhưng Nhật Chiêu không phải là một nghịch tử mà là một quí tử. Văn chương Nhật Chiêu đã góp một tiếng nói riêng làm rạng rỡ cho nền văn chương Nam Bộ. Đặc biệt, Văn chương Nhật Chiêu đã thức nhận cho người đọc một cách nhìn mới, cách nghĩ mới về văn chương Nam Bộ. Đó không chỉ là thứ văn chương vui chơi, dễ dãi, ít dụng công trong nghệ thuật viết văn như người ta vốn nghĩ mà còn có một thứ văn chương buộc người ta phải ngẫm ngợi về những lẽ được mất của nỗi đau phận người. Bởi nói như Alfred de Muset: “Không gì làm cho con người trở nên lớn lao hơn là một nỗi đau thương lớn”. Đây phải chăng là thông điệp trong văn chương của Anh và cũng là một đóng góp quan trọng của Nhật Chiêu vào nền văn chương Nam Bộ nói riêng và văn chương dân tộc nói chung...

TRẦN HOÀI ANH
Nguồn: NVTPHCM

Chú thích:

(1)  Nhật Chiêu, Viết tên trên nước, Nxb. Thanh niên 2010, lời giới thiệu của Hồ Anh Thái ở bìa 4,
(2) (3) (4) (5) ( 6) ( 7) ( 8) (9) (10) (11) (12) (13), Nhật Chiêu, Viết tên trên nước, Nxb. Thanh niên 2010, tr.6, tr. 7, tr.22, tr. 22, tr.46, tr. 47, tr.37, tr.37, tr. 26, tr.9, tr. 30, tr.18
(14) Nhật Chiêu, Mưa mặt nạ, Nxb. Văn nghệ, 2008, tr. 6
 (15) Nhật Chiêu, Đi dưới mưa hồng, Nxb. Văn nghệ, 2007, tr.8




Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2018

TRẦN DẦN: GIẢI MỘT BÀI TOÁN VĂN CHƯƠNG

Một cuốn tiểu thuyết sau gần nửa thế kỷ mới được xuất bản, nhưng đọc rất mới, đọc rồi đọc lại vẫn rất mới, vẫn bất ngờ trước từng trang, vẫn không dễ nắm bắt nội dung, đó là Những ngã tư và những cột đèn của nhà văn Trần Dần.
Nhà văn Trần Dần

Chuyện kể rằng: vào giữa những năm 1960, nhà văn Trần Dần, khi đang trong hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo của bản thân đã được một vài cán bộ công an hảo tâm tìm cách cho đi thâm nhập một số trại giam do Bộ Công an quản lý đang giam giữ những nguỵ quân thời Pháp sau ngày tiếp quản Thủ đô. Kiểu đi như thế gọi là “đi thực tế” để về viết văn trên những cứ liệu của thực tế chuyến đi đó. Công thức ở đây là: cơ sở cung cấp tài liệu về một vấn đề cụ thể, nhà văn đi cho thấy, tiếp xúc cho biết, và cái viết ra thường chỉ là một báo cáo, một sơ đồ, dù có được vẽ vời thêm cho có vị văn chương.

Vậy, với Trần Dần, bài toán đặt ra là: Viết về hoàn cảnh của những người nguỵ quân Pháp ở Hà Nội khi chiến tranh kết thúc, phần thắng thuộc về đội quân cách mạng với định hướng viết đã rõ ràng là họ phải quy phục chế độ mới.

Đề bài này không khó đối với ngòi bút Trần Dần. Nếu an phận, viết theo lối trả bài (trả cả ơn nghĩa nữa, nếu có), ông dễ phóng bút viết được nhanh, được trơn tru, nộp quyển, và quên đi nhanh chóng cái viết ra đó. Nhưng ông đã không thể làm thế, vì nhân cách làm văn của ông không cho phép làm thế. Trần Dần, nhà văn luôn táo bạo quyết liệt trong từng câu chữ, hiểu theo nghĩa đen và nghĩa bóng, trong từng cái viết. Viết, với ông bao giờ cũng là phải mới, phải khác, phải cách tân. Vì vậy, kết quả chuyến thực tế ấy, dưới tay ông đã thành tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn (NNTVNCD)Trần Dần đã giải được bài toán văn chương một cách xuất sắc.

Câu chuyện anh nguỵ binh Dưỡng và mấy người bạn cùng cảnh ngộ trong những ngày đầu tiếp quản Thủ đô nếu kể ở ngôi thứ ba khéo lắm cũng chỉ được một truyện kể. Trần Dần đã chuyển nó thành ngôi thứ nhất thông qua hình thức cuốn nhật ký của Dưỡng, xen kẽ là lời kể của một vài nhân vật được kể ở ngôi thứ 3. Bằng hình thức này, Dưỡng đã được phát tiết tất cả những suy tư lời lẽ, hành vi của một thanh niên Hà Nội tạm chiến, của một người lính lái tàu bò, và được bộc bạch tự nhiên nhất toàn bộ trạng thái tâm lý của mình vào một thời điểm hệ trọng của thời cuộc và số phận. Nhưng cái chính ở đây không phải chỉ ở nội dung cuốn nhật ký, mà ở cái cách ghi nhật ký của Dưỡng. Cái cách ghi ấy mới là một nội dung chính của cuốn tiểu thuyết của Trần Dần, nó thể hiện rõ trạng hướng của một thành phố từ chiến tranh sang hoà bình và trạng thái của những con người bị mắc kẹt trong trạng huống ấy. “Nhật ký của Dưỡng, dường như, không đi theo mọi quyển lịch thân quen, bởi vì tôi luôn vấp phải những nhầm lẫn ghê gớm, của thời tiết, của thời gian, và mọi cái gì, của thời sự. Đường chính tuyến của thời gian, mà tôi đã nhìn thấy, ở đâu đó, bắt đầu từ một nơi vô định, chạy từ trái sang phải, theo chiều mũi tên. Thời điểm ghi nhật ký sẽ nằm vào một dấu chấm, nhỏ xíu trên đường chính tuyến, giữa hai vô cực, của dĩ vãng và dự cảm. Điểm nhỏ xíu này nhỏ lắm, nên chẳng là gì cả, trong thời gian. Có thể vì vậy, động tác bắt đầu mỗi trang nhật ký, vào một thời điểm hiện hữu, không phải là mối quan tâm lớn nhất của Dưỡng. Hiện tại, nếu nhắc lại theo nguyên lý này, vừa hiện hữu vừa không, vừa nhầm lẫn cố tình, vừa nhầm lẫn vô tình. Nhật ký do vậy cũng xô lệch theo. Động tác ghi nhật ký, do vậy có vẻ mang tính chất tự nghiệm, hơn là mục đích can thiệp vào thời gian (nhưng có thể không phải như thế). Bên cạnh đấy, ngôn ngữ của nhật ký cũng còn là một bí ẩn”. Đây là nhận xét của nhân vật nhà văn không tên trong tiểu thuyết, người đọc cuốn nhật ký của Dưỡng 11 năm sau. Như vậy, nội dung tiểu thuyết NNTVCĐ lại không phải chỉ là nhật ký của anh ngụy binh Dưỡng vì nó không được trình bày trực tiếp mà thông qua sự đọc, sự bình luận, suy ngẫm của anh nhà văn. Khi anh nhà văn đọc nhật ký của Dưỡng sau 11 năm nó được viết ra ở vị thế của một ngụy binh Dưỡng lại đang ở miền Trung trong vị thế của một nhân viên biệt phái của nhà máy ô tô tại vùng tuyến lửa. Anh nhà văn đọc nhật ký của Dưỡng để viết tác phẩm của mình và cũng như nhân vật của mình, anh bị mắc kẹt trong thời gian, lẫn lộn ngày tháng. Có thể nghĩ anh nhà văn đó chính là tác giả, và quá trình anh ta đọc nhật ký của Dưỡng và gặp gỡ các nhân chứng quanh Dưỡng để viết tác phẩm cũng chính là quá trình Trần Dần tìm cách giải bài toán văn chương của mình. Như vậy, cuốn tiểu thuyết NNTVNCĐ còn là tiểu thuyết nói và cách viết một tiểu thuyết.

Thời gian, rốt lại, đó là lời giải nghệ thuật của Trần Dần cho bài toán văn chương này. Con người, dù là ai, cũng luôn ở thì hiện tại, nhưng “hiện tại được coi, như biên giới của hai KHÔNG. Cái KHÔNG thứ nhất là dĩ vãng, vốn đã có, bây giờ không có nữa. Cái KHÔNG thứ hai là tương lai, bây giờ chưa có, vì vậy bây giờ cũng không. Hiện tại chính là khoảng sột soạt giữa hai bờ vực ấy, giữa hai cái KHÔNG ấy. Cho nên hiện tại cũng không là gì cả”. Trần Dần để cho hai nhân vật của mình rối bời thời gian: anh ngụy binh gọi mùa Thu là mùa Đông, coi ngày tiếp quản thành phố vào tháng 10 là mồng 1 Tết; anh nhà văn thì cứ nhầm lẫn tuần lễ bảy ngày và ngày Chủ nhật. Sự rối bời thời gian này có phải là biểu hiện của định hướng trong cuộc sống và trong tâm trạng? Và hành động ghi nhật ký là một gắng gỏi níu giữ cái khoảnh khắc hiện tại cho KHÔNG thành CÓ, đó mới là thực hữu nhất, hiện hữu nhất của cái sống con người.

Còn có thể nói được rất nhiều điều từ cuốn tiểu thuyết NNTVNCĐ của Trần Dần. Trên đây tôi chỉ nói nhanh nói sâu về giải pháp nghệ thuật mà nhà văn đã đưa ra để thực hiện sáng tạo văn chương của mình. Đấy chính là cách viết nội dung chứ không phải kể nội dung, như nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến đã từng chuyển dẫn từ lý thuyết văn học của Nga về. Cho nên không phải câu chuyện kể làm nên nội dung, mà là cách cách kể câu chuyện, hay hình thức đó chính là nội dung. Điều đáng kinh ngạc là 45 năm trước, trong hoàn cảnh bị vây bủa của bản thân và sự bất bùng của một xã hội thời chiến, Trần Dần đã độc hành ra cho mình một con đường tiểu thuyết mà bây giờ ngẫm lại sau lưng ông vẫn hầu như chưa có ai tiếp bước. May mắn bản thảo được giữ lại để bây giờ in ra. Một cuốn tiểu thuyết sau gần nửa thế kỷ mới được xuất bản nhưng đọc rất mới, đọc rồi đọc lại vẫn mới, vẫn bất ngờ trước từng trang, vẫn không dễ nắm bắt nội dung, đó là NNTVNCĐ.

Đó là Trần Dần từ 45 năm trước, khi cuốn sách này được viết ra.

Đó là Trần Dần ở 45 năm sau, khi cuốn sách đã được in ra, trở thành một hiện tượng văn học của nước nhà năm 2011.

Kinh ngạc trước sức sáng tạo đột khởi và đột biến của nhiều  gương mặt văn chương quyết liệt nhất Việt Nam, nhưng cũng chính vì thế lại thấy buồn cho Văn học Việt Nam nửa thế kỷ vẫn thấy là cũ mòn so với tác phẩm này.

Do vậy, Trần Dần, bằng thơ và văn của ông để lại mãi mãi còn thách thức các nhà văn, nhà thơ Việt Nam.

PHẠM XUÂN NGUYÊN
Nguồn: TT&VH

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU