Thứ Tư, 22 tháng 8, 2018

NGUYỄN HUY THIỆP, BỞI NHỮNG TRẢI NGHIỆM RIÊNG KHÁC

Bài viết phân tích các sự kiện tiểu sử nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và, bằng cách đó, nhìn lại những cách ứng xử với cuộc đời và văn chương của ông mà nhìn kĩ, nó như là sự kết hợp giữa tinh thần “trẻ Nho già Trang” của các văn sĩ trung đại với tinh thần phản biện, phê phán của thế hệ nhà văn Đổi mới.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Sinh ở nông thôn

Sinh năm 1950 tại Thái Nguyên nhưng tuổi thơ Nguyễn Huy Thiệp còn gắn liền với nhiều làng quê khác nhau ở miền Bắc, trong thời điểm cuộc chiến chống Pháp chưa kết thúc. “Tôi sinh ra chỉ vài ngày - Nguyễn Huy Thiệp kể trên báo Le Monde, là mẹ tôi phải bỏ tôi vào một cái gùi, và địu trên lưng bà, để trốn chạy bom đạn của người Pháp”1. Nhưng kí ức cuộc chiến hoàn toàn mờ nhạt so với kí ức nông thôn. Tỉnh lị Vĩnh Phúc, đặc biệt là vùng Kim Anh nằm cạnh sông Cà Lồ để lại dấu ấn sâu đậm trong những tiếp xúc đầu đời của Nguyễn Huy Thiệp với thế giới bên ngoài. Bến Cốc, tên bến sông nơi gia đình ông tạm trú, chỉ chưa đến 30 nóc nhà nhưng lại có nhiều người theo đạo Thiên chúa. Cậu bé Thiệp ở với mẹ và ông bà ngoại, không có nhiều bạn bè cùng lứa, cảm giác “cô đơn”, thứ cảm giác đã được diễn tả rất tinh tế trong Tâm hồn mẹ (1982), lúc đó cứ trải theo những bờ tường đá ong, những cánh đồng đầy dế. “Nỗi cô đơn ở trẻ nhỏ là chỗ đất tốt cho những tâm hồn mơ mộng”2. Ông ngoại là người mở mắt mở lòng cho nhà văn tương lai bằng những bài thơ Đường, phong dao tục ngữ và những nét Hán tự không quá bài bản. Nhưng Nguyễn Huy Thiệp còn được học với cha xứ, vị này mỗi tháng một lần về nhà thờ ở bến Cốc, “chiều xuống, tiếng chuông nhà thờ ở giữa bến Cốc lan trên mặt sông mang mang vô tận” (Chảy đi sông ơi) 3. Giữa thập niên 1950 ấy, ta biết rằng, chính phủ kháng chiến, đã tiến hành cải cách ruộng đất và gây ra không ít bất ổn, xáo trộn ở nông thôn. Tuy vậy, đúng như Greg Lockhart nhận định: “cảm quan Thiên chúa giáo ở một số truyện của Nguyễn Huy Thiệp, như Chảy đi sông ơi, Giọt máu, Con gái thủy thần lại nổi bật” 4. Dường như những vùng thôn quê biến động không làm ảnh hưởng đến cậu bé Thiệp thường đến nhà thờ, tìm đọc Kinh Thánh cho đến trước khi lên mười. Dĩ nhiên, ảnh hưởng Ki-tô giáo như một nguồn tư tưởng phương Tây thì phải thấm hơn về sau, còn lúc đó, trong cái viết đầu tay, Nguyễn Huy Thiệp lại làm thơ. Thơ phú, trong con mắt gia đình ông, đồng nghĩa với làm loạn và sẽ được ông nhắc lại nhiều lần như một ám ảnh: “danh hiệu nhà thơ là thứ danh hiệu lỡm người bạc phúc. Thơ chỉ là thứ du dương bất lực” (Giọt máu). Ông ngoại, hẳn vì kinh nghiệm không mấy ngọt ngào của một nhà nho thất thế, đã hết sức ngăn cấm đứa cháu đang theo đuổi làm thơ - “thứ tài năng tầm thường nhất” (Mưa). Nguyễn Huy Thiệp nghe theo, liền viết những mẩu truyện nhỏ, học theo lối ngữ pháp đơn giản, với những câu văn ngắn như cách nói thường ngày. Đấy hẳn là mầm mống để lối hành văn theo phong cách tối giản (minimalism) trở thành điểm độc đáo trong nghệ thuật văn xuôi Nguyễn Huy Thiệp.

Trải nghiệm nông thôn làng xã Bắc bộ, đương nhiên không phải của riêng Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng như sẽ thấy, ông không tái hiện nông thôn trong mối liên quan với các sự kiện mang tính chính trị - xã hội, như về phong trào hợp tác xã, về cải cách ruộng đất vốn vẫn được các nhà văn Đổi mới nhắc lại. Những mô tả nông thôn, nông dân của Nguyễn Huy Thiệp gần gũi với các mô tả dân tộc chí, với mối bận tâm về các tính chất, đặc trưng truyền thống của làng xã. Trên thực tế, mặc dù nông thôn Bắc bộ đã biến đổi rất nhiều kể từ sau 1945, nhưng Nguyễn Huy Thiệp sẽ vẫn kể về nó như là không gian lưu giữ các sinh hoạt và thiết chế đã từng vững chắc, từ gia đình, quan hệ họ hàng, thân tộc,... đến các tập tục, tín ngưỡng và tâm linh cộng đồng. Các tác động của bối cảnh Đổi mới đến làng quê, đặc biệt là sự có mặt của kinh tế thị trường dẫn đến sự gia tăng thiếu kiểm soát của các nghi thức cưới xin, ma chay, cỗ bàn…, cũng sẽ được ông đề cập với giọng điệu vừa ưu tư vừa đùa giễu. Từ cuối thập niên 1980, Nguyễn Huy Thiệp dành mối bận tâm lớn về nông thôn và tuy ít nhận được những phản ứng từ độc giả so với loạt truyện giả lịch sử, nhưng nó thực sự quan trọng trong mảng văn xuôi viết về nông thôn đương thời. Con gái thủy thần (vào các năm 1988, 1989, 1998), Những bài học nông thôn (1988), Thương nhớ đồng quê (1992), Chăn trâu cắt cỏ (1996), Chú Hoạt tôi (2001), Cánh buồm nâu thuở ấy (2004)..., lần lượt làm rõ hơn quan điểm của Nguyễn Huy Thiệp: “mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ở nông thôn.” Vượt xa vị trí đề từ cho một truyện ngắn, quan điểm này gợi nhắc sự cần thiết phải nhìn lại gốc gác, căn cước mỗi cá nhân, trong đó có người dân châu thổ Bắc bộ. Nếu coi vùng địa lí này là cái nôi của văn minh Việt Nam, nếu thừa nhận “tính độc đáo của châu thổ Bắc kỳ trên bán đảo Đông Dương là rất rõ”5 với tất cả các biểu hiện đặc thù về môi trường vật chất lẫn các phương tiện sống, thì việc trở lại dò thấu nó, sau nhiều gián cách và hời hợt nhất định, là một nhu cầu tất yếu. Khi đó, nhà văn hoàn toàn có cơ hội để nhận thức lại “con người làng xã”, nhân vật trung tâm chưa bao giờ cạn nghĩa, bởi đây là “con người phổ quát của xã hội Việt, là cái phần phổ quát trong mỗi người Việt”6. Cần thấy rằng, cuối thập niên 1980 cũng là giai đoạn hồi sinh mạnh mẽ của những nghiên cứu dân tộc học, nhân học làng xã Bắc bộ. Sẽ có nhiều hữu ích và lí thú nếu đọc những truyện kể nông thôn của Nguyễn Huy Thiệp, không những từ đối sánh với các tác phẩm cùng đề tài, mà còn từ vốn nhân học làng xã Bắc bộ bởi mức độ tương đồng về tính “hiện thực” giữa chúng hoàn toàn có thể được đối chứng trên văn bản. Đương nhiên, ta không hề quên rằng Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn và quyền hư cấu, bịa đặt trên trang viết ở ông rất lớn. Tuy vậy, ngay cả khi có độ vênh trong cách đọc này thì dấu ấn của cái nhìn dân tộc chí Nguyễn Huy Thiệp trong quan sát, tái hiện đời sống làng quê vẫn là một sự tiếp nối lối viết, từ Ngô Tất Tố với Việc làng (1940), Trọng Lang với Làm dân(1940) và Thi vị đồng ruộng (1944), đến Sơn Nam với Hương rừng Cà Mau (1962), Bình Nguyên Lộc với Cuống rún chưa lìa (1969)…

Tiếp nhận văn học cổ điển

Năm 1960, Nguyễn Huy Thiệp quay về Hà Nội, vào lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ hiện hình rõ rệt ở miền Bắc. Mười năm tiếp theo, đặc biệt là quãng thời gian vào học Đại học Sư phạm, Nguyễn Huy Thiệp có dịp tiến sâu hơn vào tri thức sách vở, khi ông lần lượt tìm đọc các trước tác của các triết gia Trung Hoa cổ đại, Sử kí Tư Mã Thiên, và, như hầu hết các sinh viên miền Bắc lúc đó, ông đọc các tiểu thuyết Nga thế kỉ XIX được dịch sang tiếng Việt. Sự định hình không gian hiểu biết của Nguyễn Huy Thiệp, ngay từ đầu, đã bị đặt trong những đường biên văn cảnh mà bản thân ông không ý thức rằng đó là giới hạn. Nhìn vào những gì ông trích dẫn, đưa vào tác phẩm cụ thể cũng như các tiểu luận được đăng từ cuối 1980 thì diện tham bác chủ yếu là các tác gia lớn của văn học trung đại Việt Nam và các nhà văn-triết gia châu Âu thế kỉ XVIII, XIX. Nói chuyện với độc giả ở Paris, ông thành thực: “Thế hệ của chúng tôi chỉ tiếp xúc nhiều với văn học cổ điển. Chứ văn học hiện đại rất hạn chế”7. Peter Zinoman đã coi thực tế này như một trở lực, ngăn Nguyễn Huy Thiệp đến với các xu hướng văn chương phương Tây tiền phong8. Tình thế bị hạn định đó dẫn ông đến lợi thế của một độc giả say mê kiểu tự sự truyền thống trong văn học cổ Việt Nam, Trung Hoa. Lối viết “lạnh băng” của sử kí Tư Mã Thiên hay tâm thế một người học lịch sử, rõ ràng, đã đẩy ông vào thói quen chi tiết hóa cả ngày tháng, địa danh và hành trạng nhân vật lịch sử trong các truyện giả lịch sử gây sóng gió của mình. Ông cũng không ngần ngại đuổi theo mô hình các truyện kể danh nhân (nhân vật chí) như đã rất rõ nét trong loạt truyện về Tú Xương (Thương cho cả đời bạc, 1996), Nguyễn Bính (Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt, 1997), Đề Thám (Mưa Nhã Nam, 1992)… Trong khi, như Lại Nguyên Ân nhận định, “không gian văn học miền Bắc những năm 1950-70 có thể là điển hình cho không gian đơn ngữ, độc ngữ; toàn xã hội chỉ nói chỉ đọc tiếng Việt chữ Việt (họa báo Liên Xô, sách ngữ lục Trung Quốc cũng đến đây dưới dạng chữ Việt) và chỉ được biết mọi loại thông tin qua tiếng Việt chữ Việt”9 thì Nguyễn Huy Thiệp đã dựa vào chất nền văn học cổ điển nội địa để xoay chuyển những điểm bất lợi khi viết văn, nhất là vào thời điểm ông xuất hiện đã cận kề với giai đoạn tái hội nhập phương Tây, báo hiệu sự ưu thắng của những kĩ thuật viết mới lạ. Càng về sau, Nguyễn Huy Thiệp càng chứng tỏ mình ưa cải dạng các thể loại văn học cổ (tiểu thuyết võ hiệp, chèo, truyện thơ) nhằm gây chú ý ở những tìm tòi nghệ thuật tưởng là quen thuộc, thông thường nhất. Một số cách đọc Nguyễn Huy Thiệp từ lí thuyết hậu hiện đại đã không thật để tâm đến sự tái sinh các phương thức tự sự truyền thống trong tác phẩm của ông. Hướng vào các thủ pháp được cho là hậu hiện đại, theo Peter Zinoman, “có thể khó hiểu hơn là tác phẩm bộc lộ”10.

Một thập niên “úp mặt vào núi”

Một sự kiện bước ngoặt là thay vì vào chiến trường, Nguyễn Huy Thiệp tuân theo phong trào “thanh niên 3 sẵn sàng” để, trong gần mười năm (1970-1980), dạy học ở Sơn La. Một thập niên “úp mặt vào núi” đem đến cho ông hai trong số các cảm hứng chính yếu của mình: dạy học hay rộng hơn, giáo dục, và núi rừng, thiên nhiên. Những hồi quang phong phú từ nơi rừng thiêng nước độc, “khỉ ho cò gáy” cách thủ đô vài trăm cây số quyết định gần như tuyệt đối xu hướng tự thuật trong nhiều trang văn giàu hồi ức của Nguyễn Huy Thiệp. “Nhưng hơn thế nữa - báo Le Monde nhận định, nhờ rừng ông khám phá ra sức mạnh của thiên nhiên, điều này ánh men lên trong tất cả tác phẩm của ông”11. Thứ sức mạnh tự nhiên mà chàng trai “20 tuổi, vừa mới tốt nghiệp ra trường, tâm hồn còn rất ngây thơ” (Những người muôn năm cũ) chứng kiến sẽ được cụ thể hóa bằng những nhận xét mang dáng dấp “thiên nhiên tâm luận” trải khắp đời cầm bút của nhà văn: Từ 1986, với Muối của rừng; 1992 với Mưa Nhã Nam; 1994 với Hoa sen nở ngày 29 tháng 4; 2005 với Tuổi 20 yêu dấu… Có thể nói, Những chuyện kể bất tận của thung lũng Hua Tát(1987), Những người thợ xẻ (1988), Truyện tình kể trong đêm mưa, Sống dễ lắm, Thổ cẩm đã góp phần làm thức dậy “đề tài rừng núi” dường như, theo Philippe Papin, vắng bóng trong văn hóa ở một xứ rừng bao phủ hơn phân nửa diện tích. “Với Việt Nam – Papin nhìn nhận, những vùng cao là một thực tại mới mẻ, một ý niệm của thế kỉ XX mà họ vẫn chưa thấu rõ hết nội dung. Phải biết rằng cho tới ngày nay, các cô giáo bị thuyên chuyển lên cao nguyên vẫn hoang mang dường nào: đó là biệt xứ, là bứng gốc, là sự đột nhập tàn nhẫn của cái lạ thường”12. Sự đối đầu giữa núi rừng và thành thị, giữa thế giới tự nhiên và xã hội văn minh, nhìn chung, cũng sẽ trở thành trọng âm của nhà văn nhằm điều chỉnh những tiếng nói sai lệch, nhầm lẫn trong các diễn ngôn từng có về vùng cao, tộc người thiểu số và những gì vẫn được cho là hoang dã, lạc hậu.

Không có mặt và ít bị tác động trực tiếp từ bom đạn chiến trường khiến Nguyễn Huy Thiệp đứng ngoài một trong những cuộc viết dai dẳng nhất - viết về cuộc chiến và người lính, của những nhà văn cùng thế hệ. Chẳng những rời xa đề tài từng đem lại vinh dự lẫn khổ tâm cho bao người này, Nguyễn Huy Thiệp còn dứt khoát kết thúc một mẫu hình nhân vật - người lính, mà văn học giai đoạn Đổi mới vẫn chưa hết say mê. Tướng về hưu (1987) là tác phẩm duy nhất nhắc đến người lính nhưng đó là một kiểu người lính hưu tàn, thất bại và chết bất đắc kì tử trong thời bình. Ẩn dụ về cuộc chiến có chăng chỉ hiện lên trong những mô tả thực tại xã hội nghèo đói, bệnh tật, mất an toàn sinh kế và suy thoái đạo đức. Chấn thương chiến tranh nếu trở nên trầm trọng với những nhà văn từng mặc áo lính, từng là bộ đội thì nó, day dứt không kém, ngấm sâu ở cái nhìn về chủ nghĩa anh hùng, về giá trị chiến thắng, vinh quang, về mô hình quyền bính lí tưởng của Nguyễn Huy Thiệp. Cần nhấn mạnh điểm riêng này để có thêm cơ sở cho sự hình dung về con đường đi tới kiểu nhà văn tự ý thức trong giai đoạn các điều kiện của xã hội dân sự bắt đầu ló dạng.

Trở lại tự nhiên

Sau mười năm “hãy đi xa hơn nữa” nơi núi rừng, Nguyễn Huy Thiệp quay lại Hà Nội, làm một “nhân viên quèn” ở nhiều cơ quan khác nhau, khi ở nhà xuất bản Giáo dục, khi tại Công ty Kỹ thuật trắc địa bản đồ. Một cách thầm lặng, ông đọc N.G. Chernyshevsky (Quan hệ thẩm mỹ của nghệ thuật đối với hiện thực), A.G Tseitlin (Lao động nhà văn), G. Plekhanov (Bàn về nghệ thuật) và nghiên cứu tâm lí độc giả, đúng hơn là “nghiên cứu tâm lí dân tộc trong cả một khoảng thời gian dài”. Trên cơ sở đó, ông bắt đầu hướng tới “dọn ra món ăn tinh thần cho cả thời đại”13. Tháng năm năm 1986, Nguyễn Huy Thiệp cho đăng ba truyện ngắn đầu tiên trên báo Văn nghệ: Muối của rừng, Nàng Sinh và Cô Mỵ. Đến tháng chín có thêm Vết trượt. Nhưng tất cả mọi sự chú ý, dư luận và là nguyên cớ của”hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp” phải đến khi Tướng về hưu xuất hiện cũng trên Văn nghệ vào tháng sáu năm 1987 - thời điểm có “một chiều kích chính trị quan trọng” như G. Lockhart cảm nhận 14. Từ đây đến 1992, năm Nguyễn Huy Thiệp tuyên bố “rửa tay gác kiếm”, không viết văn nữa, là giai đoạn “cập thời vũ” nhất nhưng cũng “tâm tuyệt, khí tuyệt…” nhất của ông. Mọi tán dương lẫn bài xích cũng theo đó mà phủ ập xuống. Tháng 3/1992, ông tự nguyện xin thôi việc ở cơ quan nhà nước, chuyển sang kinh doanh nhà hàng. Cao trào Đổi mới văn học cũng dần lắng lại. Nhưng tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp bắt đầu được chuyển ngữ và xuất hiện ở nhiều không gian đọc khác nhau, ở Pháp, Mỹ, Ý, Thụy Điển… Đáng nói hơn, đây cũng là lúc ông công bố những tiểu luận văn chương chứa đựng phần lớn kinh nghiệm, quan điểm sáng tạo của cá nhân mà mức độ nói thẳng, nói thật, nhìn ngược vấn đề trong đó đã gây nhiều phản ứng trái chiều. Trên Con đường văn học (1992), ông ngậm ngùi và kiêu hãnh nhận ra “xác chết của các nhà văn đã chất thành núi trên thế gian này. Người ta vẫn bới tìm ở đấy những mẩu vụn của con người, về con người”15. Ông quay về triết lí nhẹ nhàng với cảm quan Phật giáo trong Hoa sen nở ngày 29 tháng 4 (1994), bao dung Thương cho cả đời bạc (1996), đề cao Bài học tiếng Việt (1999) và sau cùng, khi đã vỡ lẽ “lẽ thường, lẽ vô thường”, “sự mất mát, sự vô nghĩa, lẫn ý thức về thời gian biến dịch” (Con gái thủy thần, 1998), ông khẳng định Sống dễ lắm và Cười lên đi (2000). Tiếng cười ý vị, quả thật, đã làm ông khỏe khoắn và tinh quái lần nữa trong những câu chuyện thoạt tiên tưởng chỉ để “mua vui”, Chuyện ông Móng (2001), Những tiếng lòng líu la líu lo, Chuyện bà Móng (2004)… Cũng đã có lúc, ông Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn (2004) để rồi hứng chịu hàng loạt phản bác dữ dội.

Có thể nói, sau cao trào Đổi mới, Nguyễn Huy Thiệp lựa chọn thái độ “trở lại tự nhiên”. Bởi theo ông, “một xã hội dân chủ, tự do cũng sẽ là một xã hội tôn trọng tự nhiên, gần gũi với tự nhiên, vừa đồng hóa, vừa dị hóa, tiêu hóa nữa”16. Thái độ đó chi phối cách viết và thể loại của ông. Nhưng hơn hết, tư tưởng Nam tông theo giáo lí đốn ngộ, lẽ biến dịch của Lão Trang và sự tinh giản của tích trò dân gian Việt mới thực sự phóng chiếu sâu đậm trong trang viết của ông giai đoạn này. Không mấy nhà văn cùng thế hệ có những biểu hiện như thế. Một lần nữa, ông vẫn riêng khác trong những cách ứng xử với cuộc đời và văn chương của ông mà nhìn kĩ, nó như là sự kết hợp giữa tinh thần “trẻ Nho già Trang” của các văn sĩ trung đại với tinh thần phản biện, phê phán của thế hệ nhà văn Đổi mới.

MAI ANH TUẤN
Nguồn: VNQĐ

_______________

1 [Báo] Le Monde (2005), “Nguyễn Huy Thiệp, những vết thương cháy bỏng”, Nguyễn Quốc Trụ dịch, Nguồn: http://www.tanvien.net/chuyen_ngu_2/vet_thuong.
2 Nguyễn Huy Thiệp (2010), Giăng lưới bắt chim, NXB Thanh Niên, H., tr.13.
3 Lời kể trong truyện Chảy đi sông ơi. Những trích dẫn truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp ở bài viết này, nếu không có chú thích gì khác, lấy từ: Nguyễn Huy Thiệp (2007), Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (Với minh họa của các họa sĩ), NXB Văn hóa Sài Gòn & Đông A.
4 Greg Lockhart (1992), “Nguyen Huy Thiep and the Faces of Vietnamese Literature” in Nguyen Huy Thiep, The General Reties and Other Stories, Oxford University Press, p.1.
5 Pierre Gourou (2015), Người nông dân châu thổ Bắc kỳ, Nhiều người dịch, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, tr.12.
6 Đỗ Lai Thúy (2005), Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa, NXB Văn hóa Thông tin, H., tr73-74.
7 Nguyễn Huy Thiệp (2002), “Ở Việt Nam tháp rùa vẫn như cũ”, trò chuyện văn chương với Jean Lacouture tại Paris (Pháp), Kim Lefèvre chuyển ngữ. Bản điện tử do Thuận thực hiện. Nguồn: http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=1291&rb=0102
8 Peter Zinoman (1994),“Declassifying Nguyễn Huy Thiệp”, Positions:East Asia Cultures Critique  2: 2 (Fall), p.301.
Lại Nguyên Ân (2014), “Hình thành, định hình, trưởng thành, phân hóa (Mấy nét về lớp nhà thơ xuất hiện ở miền Bắc những năm 1960-1970)”, Nguồn:http://www.viet-studies.info/LaiNguyenAn_ThoMienBac.htm
10 Peter Zinoman (1994),“Declassifying Nguyễn Huy Thiệp”, Tlđd, p. 298.
11 [Báo] Le Monde (2005), “Nguyễn Huy Thiệp, những vết thương cháy bỏng”, Tlđd.
12 Philippe Papin (2011), Việt Nam hành trình một dân tộc, Nguyễn Khánh Long dịch, NXB Giấy vụn, TP Hồ Chí Minh, tr.33.
13 Giăng lưới bắt chim, Sđd, tr.31
14 Greg Lockhart (1992), Tlđd, tr.2.
15 Giăng lưới bắt chim, Sđd, tr.55
16 Giăng lưới bắt chim, Sđd, tr.291.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU