Nhà thơ Trần Ninh Hồ
Nếu ai chưa từng
gặp gỡ Trần Ninh Hồ ngoài đời, chỉ nghe ông tâm tình trên báo sẽ giật
mình khi chứng kiến nhà thơ gốc Bắc
Giang ở tuổi “thất thập”: Vào quán cà phê, thay vì gọi cà phê, ông gọi
chai bia Hà Nội, vừa uống vừa bàn chuyện văn nghệ. Thỉnh thoảng còn xin phép
hút điếu thuốc. Thế mà trên báo lại ra dáng một cụ già thứ thiệt. Khi nhà thơ Hồng Thanh Quang hỏi: “Công việc thường
ngày của anh bây giờ là gì?”. Trần Ninh Hồ hóm hỉnh: “Là nghe các thầy
thuốc nhắc: Phải chịu khó uống những loại thuốc nào đó để phòng… gần. Nên nghe,
xem, đọc, ăn những gì phù hợp với… quỹ thời gian! Mà cái quỹ bây giờ rất khó… đếm,
rất dễ thụt quỹ bất thường, kiểm toán cũng không biết đường nào mà lần đâu”.
Ngoài đời, ông vẫn diện áo bò, lượn xe vi vu và bào chữa cho thói quen hút thuốc:
“Tôi hút ít. Chủ yếu hút cho đỡ nhạt mồm, chứ có hít đâu”. Kèm theo đó là tổng
kết lạc quan: “Đi lính, bom rơi đạn nổ, còn chẳng làm sao, chất độc hóa
học cũng chẳng làm gì được tôi. Thì thuốc lá hay bia với tôi bây giờ là miễn
nhiễm”. Trần Ninh Hồ còn khoe: “Cụ thân sinh ra tôi năm nay đã 105 tuổi rồi. Vẫn
thích xem bóng đá và nhận rõ từng cầu thủ”. Ngày Trần Ninh Hồ nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cũng là ngày cụ thân sinh được
Chủ tịch nước mừng thọ trăm tuổi. Niềm vui nhân đôi. Nếu được giống cụ thân
sinh thì Trần Ninh Hồ vẫn rôm rả thời gian để rong chơi trong cuộc đời.
Nguồn gốc loài mây trắng
Trần Ninh Hồ níu giữ một số thói quen cũ kỹ: Không chơi facebook, không dùng laptop phục vụ
sáng tác. “Tôi thích một mình bên trang giấy. Bởi tôi là người làm thơ”, ông giải thích. Thơ vốn ít
chữ, nên dùng bút viết ra cũng không mệt lắm. Nhưng ngay cả truyện ngắn hay kịch
bản, ông cũng đều sinh nở bằng cách ấy. Về khoản làm quen với công nghệ,
Trần Ninh Hồ phải “cắp sách” học nữ nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, cho dù tuổi
tác hai người na ná. Chấp nhận chuyện “lạc hậu” công nghệ nhưng còn chuyện
văn chương Trần Ninh Hồ còn lâu mới chịu nhường người trẻ.
Người ta cố dìm
ông: Tuổi này thì viết thơ tình
sao được? Ông nhất định chứng minh mình “thừa sức”: “Các cậu trẻ, các cậu mê
tóc huyền, tóc xanh, tóc vàng, tóc tía thì tớ mê tóc bạc. Tóc bạc mà không có
thơ tình à? Liệu có thể bỏ
tóc bạc ra khỏi cuộc đời, ra khỏi thơ được không?”. Ông ví von tóc bạc chính là
“nguồn gốc loài mây trắng”: “Thuở ấy tóc ta như mun vậy/ Và mắt em thăm thẳm như trời/ Bây
giờ mun… trắng như mây trắng/ Bay mãi lên trời. Thăm thẳm ơi!”.
Rồi ông tiếp tục tô vẽ tóc bạc: “Có vầng trăng vàng thắm/ Rụng mãi vào đêm
sâu/ Hình như nó chạm đất/ Tan
thành sương trắng đầu”.
Không chuyên mảng
thơ tình song Trần Ninh Hồ dành nhiều thời gian để canh tác “mảnh
đất” hấp dẫn này. Ông có hẳn tập thơ
tuyền thơ tình: “Cho người
tôi thương nhớ” (NXB Hội Nhà văn 2005). Có hay không nguyên mẫu trong thơ
tình Trần Ninh Hồ? Ông cười
vui vẻ, không che giấu: “Có cả nguyên mẫu và cả “Em” trong tưởng tượng”. Thậm
chí, ông còn chủ động dẫn một bài thơ có nguyên mẫu rõ ràng. “Người ấy” đã giúp ông có cảm hứng để viết những câu thơ về nắng chiều
Đà Lạt: “Chiều ấy nắng không dừng lại/Giống như mọi buổi chiều thôi/Thương tôi áo vàng em mặc/Cho
màu chiều ấy không trôi…”.
Bài thơ đã được phổ nhạc và trình bày qua tiếng hát cố NSND Lê Dung. Và
đây không phải bài thơ duy nhất của
Trần Ninh Hồ được các nhạc sỹ để mắt.
Ít ai biết, Trần
Ninh Hồ có người cháu là nam ca sỹ nổi tiếng hiện nay, ca sỹ Tùng Dương. Ông là
em trai của bà ngoại Tùng Dương: “Nó thích thơ của ông lắm, nó đọc hết đấy”.
Nhưng Tùng Dương chưa từng hát bài hát có phần lời của ông: “Bởi vì những
bài thơ được phổ nhạc của tôi thường
là những bài êm ái, trữ tình. Thằng này hợp những gì gai góc cơ”. Đúng là thơ tình của Trần Ninh
Hồ lành. Con người của ông cũng lành
đến độ Hồng Thanh Quang tổng kết: “Ngay cả khi say thì vẫn rất lành”.
Chẳng gì quan trọng, trừ văn chương!
Trần Ninh Hồ nổi tiếng với những tuyên ngôn thơ. “Riêng cái chết của nhà thơ không phải
lúc nào cũng quá buồn đâu nhé/Ấy là khi nhà thơ đã tự né mình đi
cho ánh sáng tràn vào/Đầy trang sách. Không một dòng khuất lấp/Bởi cái bóng -
nhà - thơ - thế - tục đã
che đi”. Có người cho rằng, đây là một trong những tuyên ngôn thơ của Trần Ninh Hồ, song ông phủ nhận, rằng:
Nói thế thì to tát quá. “Tôi chỉ nghĩ một cách đơn giản là hình như sau cái chết, con người bình đẳng
hơn. Không còn có thơ mới hay cũ,
thơ tổng thống hay thơ móc cống mà chỉ còn hay hoặc dở, đáng thờ hay
không đáng thờ, đáng nhớ hay không đáng nhớ, với thế gian thôi”.
Tập thơ mới xuất bản “Những dấu ấn chưa qua” là tập thơ được thai nghén lâu nhất của Trần Ninh Hồ,
gần chục năm, các tập trước chỉ 3-5 năm. Đây cũng là tập thơ ông hài lòng
nhất. Giữa thị trường thơ vắng teo
khán giả, Trần Ninh Hồ vẫn khoe: “Thơ tôi được đem bán ở chợ âm phủ (nay là phố
sách- PV), cũng bán được. Bạn đọc bây giờ tinh lắm, đọc dăm bài thấy thích họ mới
mua, chứ không phải mua thơ vì tên tác giả đâu”. Ông kể chuyện thơ có
người mua cũng lạc quan tương tự như khi vừa hút thuốc vừa khoe sức khỏe không
gặp vấn đề gì.
Sau tác phẩm hài lòng “Những dấu ấn chưa qua” Trần Ninh Hồ định chậm chậm với thơ để
chuyển sang kịch. Ông đặt cho những vở kịch dài mình viết cái tên “truyện
dài sân khấu”. Tới đây ông sẽ cho in 4 “truyện dài sân khấu”. Viết để thỏa mãn
niềm yêu thích của mình, ông không mong chờ chúng được bước ra sân khấu cho
khán giả xem.
Vốn được biết đến đầu tiên ở thể loại truyện ngắn với giải
nhì báo Văn Nghệ năm 1971 nhưng làm nên tên tuổi Trần Ninh Hồ lại là thơ. Suốt mấy chục năm vừa qua, ông liên tục
sáng tác trên cả hai thể loại: Truyện ngắn và thơ, thỉnh thoảng có ghé thăm kịch.
Lí do ông không viết tiểu thuyết: “Tôi không có thì giờ để viết tiểu
thuyết. Đã làm thơ rồi viết văn khó
lắm, nhất là tiểu thuyết. Bởi nhìn đâu cũng thấy thừa”.
Trần Ninh Hồ từng có “vai vế” trong Hội Nhà văn Việt Nam.
Ông từng giữ vai trò giám đốc kiêm chủ nhiệm dự án Bảo tàng Văn học, Hội Nhà
văn Việt Nam. Ngoài ra, ông còn giữ chân Phó ban Viết văn Trẻ. Nhiều người
trong giới đùa ông: “Trần Ninh Hồ đã nhận “đầu vào” còn kiêm cả “đầu ra”. Cứ thấy
lộ thông tin nhà văn đã khuất nào còn kỷ vật quí gắn với sự nghiệp văn chương,
ông lại cho “quân” đến xin hoặc mua lại.
Mặc dù từng ngồi ghế giám đốc nhưng Trần Ninh Hồ cũng vẫn…
chẳng có chi. Các con ông lúc đó đã trưởng thành, giục cha về hưu sớm: “Bố không quản lí được tiền đâu”. Bản thân
ông cũng cảm thấy “dốt về tài chính” không thể quản lí dự án có đầu tư hơn trăm
tỉ đồng. Đã thế, ngay trong lễ động thổ, khởi công xây dựng bảo tàng,
báo Văn Nghệ - tờ báo ông yêu mến như người tình, đã đưa tin thiếu dấu: “Bảo tang văn học”. Đọc xong,
tâm không an, ông thấy “nên về cho lành”.
Người ta cũng
đồn Trần Ninh Hồ “đi tắt, đón đầu” trong kinh doanh bất động sản. Nhưng kèm
theo “quảng cáo” đó toàn những chuyện cười: Nào là ông thay nhà như thay áo, có
điều nhà sau lại bé hơn, tụt vào ngõ sâu hơn nhà trước, bởi ông tin dự án qui hoạch, mai sau
nhà ông sẽ thành nhà mặt đường. Nhưng ngay cả khi ông đã chuyển nhà mới
thì ngôi nhà trong ngõ sâu “toàn kim tiêm” vẫn không trở thành nhà mặt đường.
Và ông cũng từng đi buôn như ai. Khi đi học ở Nga, nghe người ta xui dại mang
hương trầm sang bán, lãi to. Ông tha nguyên cả va li hương sang “xứ bạch dương”, mới vỡ lẽ, tây không
dùng hương, thế là lỗ to… Nhưng tất cả giai thoại ấy có quan trọng gì với
ông: “Chỉ những gì liên quan đến văn chương mới là quan trọng”.
“Gà trống nuôi con”
Trong câu chuyện tào lao, ông ngập ngừng “khai” quá khứ:
“Khi tôi đi bộ đội, vợ tôi ở nhà bệnh nặng mất, để lại con nhỏ. Khi trở về, tôi
đã mang đứa con nhỏ theo mình”. Ông còn nhắc tôi, hãy quan tâm tới con mình vì
“trẻ con cũng như người già đều sợ bị
bỏ rơi”.
Tôi vẫn tin
câu chuyện người vợ trong quá khứ bị bệnh rồi mất, để lại đứa con thơ cho Trần
Ninh Hồ, cho đến mới đây, khi đọc một bài báo viết về ông tôi mới biết sự thật:
Khi nhà thơ đang ở chiến trường, ở quê nhà loan tin ông đã hi sinh, người vợ của Trần Ninh Hồ sau một thời gian
đã đi bước nữa.
Không ngờ, Trần Ninh Hồ trở về lành lặn. Người lính trận không trách vợ mình một câu,
lẳng lặng mang theo đứa con bé nhỏ, âm thầm cảnh “gà trống nuôi con”, vùi nỗi
đau trong văn chương, câu chữ. Cho đến một ngày, “con tim vui trở lại”.
ĐÀO NGUYÊN
Theo Tiền Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét