Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2019

PHẠM CÔNG THIỆN & Ý THỨC MỚI

Bài dịch dưới đây là Lời nói đầu trong tác phẩm Ý thức mới - Phạm Công Thiện, Tư tưởng gia Việt Nam của tác giả Nohira Munehiro. Sách dày 350 trang, do Iwanami Shoten xuất bản tháng 6.2009, và năm 2010 tác phẩm này được nhận giải thưởng của Hội Sử học Đông Nam Á của Nhật Bản. Tác giả Nohira có nhiều năm đọc sách Phạm Công Thiện và khi viết tác phẩm đã sang tận Mỹ để gặp gỡ ông. Đây cũng chính là luận án đệ trình Tiến sĩ tại Đại học Ngoại ngữ Tokyo. Xin cảm ơn dịch giả Nguyễn Tiên Yên và trân trọng giới thiệu bản dịch đến bạn đọc tham khảo, để hiểu thêm về một nhân vật đã sống và sáng tạo trong một giai đoạn lịch sử biến động ở miền Nam nước ta.
Nhà thơ triết gia Phạm Công Thiện

LỜI NÓI ĐẦU

Sách này sẽ cố gắng giới thiệu đến người đọc tiếng Nhật về nhân vật Phạm Công Thiện (1941-[2011]) - một tư tưởng gia, một thi sĩ đã xuất hiện tại Nam Việt Nam (tức Việt Nam Cộng hoà) thời chiến tranh Việt Nam, cũng như muốn làm sáng tỏ tư tưởng được cho là khó hiểu trong các tác phẩm của ông.

Phạm Công Thiện là một trí thức Phật giáo đại biểu cho Nam Việt Nam thời chiến tranh Việt Nam. Từ khoảng giữa thập niên 1960 trở đi, khi những trước tác của ông liên tục xuất bản, thì tiếng tăm ông lan rộng đến mức trở thành một hiện tượng thịnh hành với tên gọi hiện tượng Phạm Công Thiện, thậm chí còn được tôn sùng như thần tượng của giới trẻ đang sống trong tuyệt vọng chiến tranh(1). Thế nhưng đột nhiên ông mất tích khỏi Việt Nam vào năm 1970. Có thi sĩ gọi ông là ngôi sao băng(2).

Về một Phạm Công Thiện như ngôi sao băng đột ngột xuất hiện ở Việt Nam, xé toang đêm tối của thời đại chiến tranh rồi bất ngờ biến mất, hầu như không được biết đến ngoài lãnh thổ Việt Nam, và ngay ở Việt Nam hiện tại cũng chưa có được một đánh giá nghiêm cẩn(3). Tuy nhiên, theo như tôi thấy, ông không những mười phần xứng đáng để nghiên cứu lại như là nhân vật đã cật vấn rất căn nguyên về địa ngục chiến tranh Việt Nam ngay tại đất nước đương sự, mà tôi cho rằng tư tưởng ông đưa ra chứa đầy tính trọng yếu không thể nào bỏ qua được đối với chúng ta những kẻ đang sống trong thế giới hôm nay mà toàn thể địa cầu đã bị phủ kín bởi tri thức cận đại và khoa học kỹ thuật có nguồn gốc từ Tây phương. Cho nên, lẽ thường, tôi phải giới thiệu ông qua cách giải thích của riêng mình đối với tư tưởng nan giải của ông.

Điều trọng yếu cần phải quan tâm khi nghiên cứu tư tưởng Phạm Công Thiện đó chính là những tác phẩm mà ông đã viết, còn mấy thứ như kinh nghiệm từng trải, quá trình học tập hay công ăn việc làm chỉ dừng ở mức yếu tố thứ yếu. Tuy nhiên, với một nhân vật có thể nói gần như vô danh tại Nhật Bản, dầu sao chăng nữa trước tiên hết, tôi muốn giới thiệu thật đơn giản coi Phạm Công Thiện là nhân vật như thế nào. Để vậy, có lẽ phương pháp tốt nhất là trích dẫn nguyên văn mấy lời tự giới thiệu bản thân rất khác thường do chính ông viết vào những năm giữa tuổi 20. Trong thi tập Ngày Sanh của Rắn xuất bản năm 1966, bài tự giới thiệu được viết như sau:

Sinh vào năm rắn, bên dòng sông Cửu long, vì tranh luận học vấn với giáo sư, nên bỏ học trường lúc 13 tuổi, viết sách lúc 14 tuổi; làm giáo sư sinh ngữ từ lúc 16 tuổi đến 20 tuổi tại những trường ở Sài Gòn, Mỹ Tho, Đà Lạt, Nha Trang; quyển sách khảo luận đầu tiên được xuất bản vào lúc 16 tuổi(4), viết quyển Ý thức mới trong Văn nghệ và Triết học vào lúc 20 tuổi; học triết lý tại trường đại học Yale, đệ trình tiểu luận Ý niệm về chân lý trong tư tưởng Platon và Heidegger tại hội thảo triết lý ở Yale; tiếp tục học triết lý tại trường đại học Columbia, khinh bỉ giáo sư và bỏ học bổng của Viện Giáo dục Quốc tế, bị viện mời đi gặp bác sĩ phân tâm học, được mời khéo vào nhà thương điên, lại tranh luận với bác sĩ phân tâm học về giá trị và giới hạn của phân tâm học hiện đại, chỉ trích đời sống nông cạn của Mỹ quốc, sống lang thang lây lất ở xóm nghệ sĩ Greenwich Village tại New York; đã gặp Henry Miller, tại Pacific Palisades ở California, được Henry Miller nhận là Rimbaud lại ở thế kỷ XX, sau đó được một văn sĩ Do thái cho tiền để trốn qua Paris không giấy tờ, không hành lý, sống bơ phờ ở Bretagne, học văn chương tại trường đại học Rennes, khinh bỉ giáo sư, rồi lại bỏ đi và sống lang thang lây lất khắp hang cùng ngỏ hẻm ở Paris, làm clochard đi ăn mày, ngủ dưới cầu, ngủ trên vỉa hè, đói lạnh long đong và bỏ làm luận án tiến sĩ tại Pháp, được Henry Miller gửi tiền nuôi sống và được Henry Miller cho tiền rời bỏ Paris để sống lang thang giang hồ tại Thụy sĩ, Ý Đại Lợi, Ba Tư, Hy Lạp,Thái Lan, vân vân. Lúc ở Paris thì nhập bọn với nhóm nghệ sĩ trẻ ở Popoff, la cà vất vưởng ở xóm Saint Séverin và Saint Germain des Prés, đã gặp Krishnamurti hai lần tại Square Rapp. Hiện đang sống chờ đợi điên và chờ đợi chết, triệt để đứng ngoài tất cả ý thức hệ chính trị, đứng ngoài mọi sự tranh chấp tôn giáo, khinh bỉ tất cả văn hóa nhân loại, thù ghét tất cả mọi tổ chức xã hội, vô cùng kiêu hãnh, chỉ đi một mình và tự nhận là thiên tài độc nhất của Việt Nam.

Thật đúng với những gì tôi đã cảm nhận từ đoạn văn trên, Phạm Công Thiện - hay hậu thân của Rimbaud - là người nổi tiếng có lời nói hành vi cực kỳ quá khích ở Nam Việt Nam nửa sau thập niên 1960. Không chừng chính từ mấy câu tự giới thiệu này mà ông bị mang ấn tượng phải chăng đây chỉ là một nhân vật ma mãnh tự xưng thiên tài, rồi thì nói năng ba hoa, liều lĩnh chống đối quyền uy. Có điều, tất cả không gì khác ngoài ngộ nhận.

Từ thủa thiếu thời Phạm Công Thiện đã đọc thông hiểu một lượng khổng lồ sách vở cổ kim Đông Tây bằng nguyên ngữ, và có dáng vẻ bác học đến nỗi người trong thiên hạ phải gọi là thần đồng, là thiên tài. Nhưng đâu chỉ dừng lại ở bấy nhiêu đó. Ông còn đấu tay đôi với tư tưởng của Nietzsche, Heidegger, Henry Miller, Suzuki Daisetz, Long Thụ; ông lại mạo hiểm phá hoại nền tảng suy tư siêu hình học Tây phương – nơi khởi nguồn của chiến tranh cận đại cũng như phân tâm học; ở chỗ tận cùng của ý thức và tồn tại ông tìm thấy tư tưởng hố thẳm cần phải đối chọi với địa ngục (naraka) của thời đại chính là chiến tranh Việt Nam. Hơn nữa, giống như Henry Miller, sự minh tuệ của ông luôn gắn liền với đời người. Ông không bị cầm tù trong ‘vọng niệm’ như là ‘thường thức’ và ‘tập quán’ - những thứ do thế giới ngôn ngữ hiện tại tạo ra đã trói buộc đời sống con người, ông đốt cháy đời sống tự do của mình, ông sống y nguyên như vốn có. Đoạn tự giới thiệu trên đã bày tỏ chân thật điều đó.

Như chính ông cũng đã ý thức được bản thân “chỉ đi một mình”, trong lòng thét gào rất chính trực và cực cùng cô độc bất chấp bị thế gian cự tuyệt không chút đồng cảm. Vậy thì cái tư tưởng đó thật sự là như thế nào? Bắt đầu từ đây, tôi sẽ đuổi theo quỹ đạo của ngôi sao băng này.

Cấu thành của sách

Đoạn văn tự giới thiệu của Phạm Công Thiện dừng lại ở những ghi chép cho đến giữa tuổi hai mươi khi tập thơ được xuất bản, nhưng ở Chương Mở đầu, một lần nữa, tôi sẽ hết sức tóm tắt theo trình tự thời gian và muốn giới thiệu thật đơn giản về cuộc đời phiêu bạt từ lúc mới sinh cho đến tận hiện tại của ông(5), chủ yếu dựa trên những gì ông đã viết trong các trước tác của mình.

Chương Mở đầu giới thiệu cuộc đời ông đầy những thăng trầm, chỉ bấy nhiêu đó cũng thú vị lắm rồi, nhưng điểm mấu chốt của sách này nói chung không gì ngoài đương đầu với sự khó hiểu, và làm sáng tỏ tư tưởng của ông mà hầu như đã không được đặt thành vấn đề đích đáng. Có điều, chính vì tư tưởng của ông triển khai trên tiền đề là phải thông bác từng chữ Đông Tây kim cổ, vì thế nếu không có một tri thức tiền đề cỡ đó thì chắc chắn sẽ cảm thấy khó hiểu. Hơn nữa thuật ngữ mà ông sử dụng, ví dụ như thuật ngữ chủ yếu là Tính chẳng hạn, thoạt nhìn có vẻ đơn thuần nhưng thực ra bên trong ẩn chứa ý nghĩa độc đáo hoàn toàn khác với thông thường. Sẽ rất khó thâm nhập vào tư tưởng của ông nếu như không hiểu được những thuật ngữ như vậy có ý nghĩa ra sao, dù xét trên bề mặt hay xét về hình thức đi nữa, cho nên ngay từ đầu nhất thiết phải nát óc với những thuật ngữ độc đáo của ông coi chúng mang ý nghĩa là gì. Vì thế, Chương Một sẽ lấy vấn đề ‘ông đã suy nghĩ về chiến tranh Việt Nam như thế nào’ làm manh mối để giải thích về ý nghĩa của thuật ngữ chủ yếu Tính mà ông sử dụng. Sau đó, sẽ khảo sát xoay quanh sự lãnh hội của ông về ‘tư tưởng Heidegger’ và ‘Thiền’– là hai thứ đã làm tiền đề nghĩ ra thuật ngữ đó.

Chương Hai lấy trục chính là thuật ngữ Tính và Việt, tôi chọn ra Im lặng Hố thẳm tác phẩm đại biểu của nửa sau thập niên 1960 đã đề xuất tư tưởng Việt Nam độc đáo ở thời đại chiến tranh Việt Nam, và cố gắng đọc hiểu trước tác nan giải này. Ngoài Tính và Việt vừa nói, còn tiến hành khảo sát chú trọng vào những cụm từ hay danh từ riêng mà tôi cho là tối quan trọng trong trước tác này như Im lặng Hố thẳm cũng là tên của trước tác; như Dịch hoá pháp – chữ mà Phạm Công Thiện chọn làm dịch ngữ cho ‘Dialektik’ của Long Thụ đối kháng lại Biện chứng pháp; và như Không Lộ – cũng là tên của một Thiền sư Việt Nam thời xưa. Ngoài ra, từ Chương Hai trở đi sẽ tích cực sử dụng Lý luận Phân tiết Ý nghĩa Ngôn ngữ của Giáo sư Izutsu Toshihiko để cố gắng làm rõ ràng thêm về ‘tư tưởng của Phạm Công Thiện đã coi thuật ngữ Tính đóng vai trò trung tâm’.

Chương Ba sẽ luận về, ‘tính liên quan tư tưởng giữa Henry Miller, Heidegger và Phật giáo mà Phạm Công Thiện đã tìm ra’, và, ‘sự hình thành tư tưởng độc đáo của Phạm Công Thiện khởi từ đó’. Cụ thể trước hết, liên quan đến Thư ngỏ gửi Henry Miller tố cáo trạng huống chiến tranh Việt Nam, sẽ khảo sát về vấn đề nguyên do tại sao Phạm Công Thiện đã hỏi Miller câu hỏi tồn tại luận còn nặng ảnh hưởng của Heidegger. Tiếp theo, căn cứ trên tư tưởng của Heidegger và Miller mà truy tìm chân ý của mệnh đề táo bạo của Phạm Công Thiện Sein của Heidegger chính là Cunt của Miller. Rồi khảo sát tư tưởng Việt Nam của Cái và Con – mà Phạm Công Thiện đã đề xướng – nghĩa là như thế nào, dĩ nhiên có liên quan mật thiết đến ý nghĩa của mệnh đề trên, nhưng ở đây ông đã lựa chọn Cái và Con gần gũi hơn trong tiếng Việt.

Từ những khảo sát về tư tưởng của Phạm Công Thiện cho đến đây, Chương Bốn chuyển sang khảo sát đặt trọng điểm vào sáng tác của ông. Tôi sẽ chọn ra những sáng tác cụ thể của ông – người coi mình không phải tư tưởng gia cũng chẳng phải triết gia mà là một thi sĩ, và suy nghĩ xem có thể tìm thấy tư tưởng gì ở đó, thêm thay đối với ông thơ và nhà thơ mang ý nghĩa gì? Trước hết, Phạm Công Thiện là người đã phê phán Siêu hình học Tây phương như là nguyên nhân căn bản của chiến tranh Việt nam, như vậy ông đối chọi như thế nào đối với Tự ngã cận đại được hình thành ở nửa đầu thế kỷ XX trong văn học Việt Nam thông qua thuộc địa hóa của thực dân Pháp, đó là ‘khảo sát phương diện phá hoại trong tác phẩm của ông’ đặt trọng tâm vào tác phẩm Mặt trời không bao giờ có thực. Kế tiếp, Phạm Công Thiện đã lý giải như thế nào về mối quan hệ giữa làm thơ và quê hương để rồi biến nó thành tác phẩm, đó là ‘khảo sát phương diện sáng tạo trong tác phẩm của ông’. Rồi ngược về tận nguồn cơn làm thơ mà đối với ông được gọi là Thơ hay Nguồn Trong Trẻo viết hoa, để từ đó nhìn xem thi nhân làm thơ và tư tưởng về quê hương như thế nào bằng tiếng mẹ đẻ, nhờ đó mới suy nghĩ về quan hệ tính căn nguyên của ‘ngôn ngữ’, ‘thế giới’ và ‘thi nhân’.

Ở Chương Kết thúc sẽ nhìn lại những khảo sát từ đầu, chỉ ra cho thấy bước đi của cuộc đời Phạm Công Thiện, là bước đi hướng về chỗ đồng nhất – hiện đang tiềm phục có thể siêu việt thời đại cũng như hai bờ Đông - Tây, nó hình như được đánh dấu nghĩa là Tâm cũng là Nguồn Trong Trẻo; và là sự mạo hiểm mà con người hiện đại hướng về chỗ bên trong bản thân mình vẫn đang chưa biết.

NOHIRA MUNEHIRO
NGUYỄN TIÊN YÊN dịch

____________________
(1) Trần Tuấn Kiệt đã viết như sau về mối quan hệ giữa trước tác của Phạm Công Thiện với giới trẻ trong chiến tranh Việt Nam. “Ý thức Bùng VỡÝ thức Mới đầy phẫn nộ, cuồng bạo của Phạm công Thiện được tuổi trẻ đón nhận ồ ạt, ấy cũng vì tâm hồn người trai trẻ trong sóng gió muốn nương vào chiếc bè gỗ trên sóng gió mà đỡ bớt chới với trong Mê cung địa ngục.” (Trần Tuấn Kiệt, Tác giả tác phẩm, Đời sống và tác phẩm các văn nghệ sĩ Việt Nam, Sài Gòn, 1973, tr. 26–27).

(2) Lời mô tả Phạm Công Thiện của thi sĩ Thanh Tâm Tuyền. Nhà văn Mai Thảo ghi như sau trong hồi tưởng của ông:

“Tôi nhớ bấy giờ là cuối năm 1970. Phạm Công Thiện, trong tư cách Khoa trưởng Văn khoa Đại học Vạn Hạnh, lên đường đi Âu châu dự một hội nghị đại học quốc tế rồi đi luôn không bao giờ còn trở về Việt Nam nữa. Hết thảy chúng tôi đều sững sờ, khó hiểu. Riêng Thanh Tâm Tuyền không. Bảo tôi: “Anh phải nhìn thấy sớm muộn rồi Phạm Công Thiện cũng phải một lần bỏ đi như thế, đi hẳn thật xa, mất tích. Có như vậy mới đúng là Phạm Công Thiện. Chúng ta ít nhiều là những định tinh. Hắn hơn là một hành tinh. Hắn là một ngôi sao băng”.

(Mai Thảo, Chân dung: mười lăm nhà văn nhà thơ Việt Nam, Văn Khoa xuất bản, California, 1985, tr. 146–147).

(3) Hiện tại trên homepage talawas – một diễn đàn văn hóa tư tưởng nghệ thuật của Việt Nam hiện đại do nhà văn Phạm Thị Hoài sống ở Đức chủ trương, có đăng tải một số tác phẩm xuất bản trước đây tại Nam Việt Nam của Phạm Công Thiện như Ý thức mới trong Văn nghệ và Triết họcMặt trời Không bao giờ Có ThựcHố thẳm Tư tưởngIm lặng Hố thẳm, các bản dịch Heidegger Triết lý là gì?Về Thể tính của Chân lý đã được số hóa từ năm 2006. Có thể duyệt xem tại địa chỉ http://www.talawas.org/.

(4) (nd) Tác giả bỏ sót không dịch câu này.

(5) (nd) Chú ý hiện tại ở đây là tính đến thời điểm sách này được xuất bản vào tháng 6 năm 2009, tức khoảng 2 năm trước khi Phạm Công Thiện qua đời tại Mỹ.

Nguồn: NVTPHCM 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU