Thứ Năm, 23 tháng 5, 2019

NGUYỄN QUANG THIỀU, KẺ KHÓC THƯƠNG NHỮNG NGÔI LÀNG

Cứ mỗi khi đất nước bước vào cuộc canh tân là lại xuất hiện những nhà thơ khóc thương những ngôi làng, đau đáu một nỗi niềm hoài cổ, nức nở kiếm tìm những bóng dáng xa xa. Nguyễn Quang Thiều đã kiểm kê di sản của đồng quê từ những tập thơ đầu, nhưng phải đến "Bài ca những con chim đêm" anh mới bắt đầu thực sự khóc thương và kêu cứu.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Chưa bao giờ hình ảnh tổ tiên, cánh đồng, ngọn gió, dòng sông, ngôi nhà lại day dứt cắt xé lòng ta đến thế, dù nó đã bị cả hai lần tan nát- một lần do trận bão canh tân cào xé, một lần do chính những tưởng tượng liên tưởng mới mẻ, bất ngờ phong phú và táo bạo của thi nhân.

Nguyễn Quang Thiều lắng nghe những đổ vỡ sâu sắc trong đời sống tâm linh văn hóa trước mỗi bước đi của kỷ nguyên đô thị hoá, công nghiệp hoá.

Ðến nỗi, có cảm giác như thi sĩ cảm nhận được những cái chết đang thấm vào trong từng tế bào đời sống, những bữa cơm gia đình cũng trở nên nặng nề khủng khiếp với những đổ vỡ, bóng tối, ám ảnh, sợ hãi, đợi chờ...

Trong "Bài ca về buổi tối" cuộc sống thiên nhiên trở thành thế giới của người chết, nơi vòm lá cây, vầng trăng sáng và làn gió trong rèm đều trở thành tín hiệu của người chết, âm vọng những tín hiệu của cõi âm.

Ðời sống trở nên rùng rợn, tối tăm và bất trắc, giả hình. Người sống trở thành con rối của người chết. Tìm kiếm địa ngục trong cõi sống, nhà thơ như một Ðantơ đang lội ngược dòng để chứng kiến một thế gian đầy dung tục, tội lỗi và sám hối, trong đó con người bị vò xé về mặc cảm đạo đức, trở thành những kẻ mộng du.

Cái dung tục của thế giới trong Người đàn bà gánh nước sông" là cái dung tục của những người bị "bệnh điên ánh sáng", còn cái dung tục trong thế giới của "Bài ca những con chim đêm" là sự mê muội, vô học, a dua đến kệch cỡm của buổi giao thời công nghiệp hoá, đô thị hoá.

Con người hôm nay trong thơ Nguyễn Quang Thiều không chỉ đánh mất những trong trắng trinh nguyên, ban sơ, đánh mất những bóng cây cho kẻ lạ, đánh mất thiên nhiên trong đồ vật, đánh mất ký ức làng quê trong màu vôi trắng đồng loạt mà còn đánh mất chính mình.

Trong "Những người lang thang" ta thấy rõ cánh đồng, bầu trời, chim chóc, cỏ cây không còn là nơi cư ngụ của hồn quê như trong các bài thơ trước của Thiều mà đã bị tả tơi, nhàu nát, biến dạng, trên đó những ma quỷ bắt đầu cư trú và nhảy múa.

Những ngôi nhà chạy trốn, những ngôi nhà bị quét vôi trắng, dòng nước hiền lành bỗng trở nên một quái vật hung tợn, cây xanh bị cắt xẻ...,nước sông thì câm lặng, chết chóc, hoang vắng và quạnh quẽ, đầy những bất trắc cuồng nộ.

Những hàng cây thì đau ốm, lụi tàn, bị cắt xẻ, bị giật đổ sau bão, rũ rượi trong đêm vẫn cố ôm ghì những ký ức tuổi thơ và đau đớn vì không nhận ra con người hôm nay nữa.

Những bông hoa thì luôn phải gắn với nghi lễ, tham dự vào nghi lễ, cả khi mệt mỏi lụi tàn và cô quạnh và du đãng vẫn cố ánh lên những chất thơ xa, những giấc mơ xa...

Mỗi vật mỗi người đều có số phận riêng, nỗi đau riêng và sứ mệnh thơ ca riêng, nhưng đều kết nối lại làm nên "Một sự sống lặng câm dưới những đám mây mang theo cái chết, bên cạnh một cái chết thét gào đòi được phục sinh".

Tha hoá, nọc độc, cái ác và sự vô cảm đang xâm chiếm con người, chính nhà thơ cũng cảm nhận được từng khoảnh khắc mắt mình hoá sỏi đá, lưỡi mình thành nọc rắn.

Những động từ mạnh mẽ, dữ dội biểu lộ một trạng thái chia cắt, xung đột, dung tục và tan rã của đời sống: Cắt, xé, gào, chửi, tranh giành, khóc rống, tố cáo, kết tội... những động từ hình sự, phi thơ nhưng lạc trong thế giới thơ Thiều nó bỗng mang chất thơ Rock day dứt và quằn quại.

Kỷ nguyên mới đô thị hoá đã xáo trộn sâu sắc về văn hoá. Mọi đồ đạc trong căn nhà của thi nhân đều như bị trải qua một cơn động đất, lung lay, thao thức và tản mát đầy những lo âu như sắp sửa bị đứt khỏi sợi dây nối với cội nguồn văn hoá tâm linh cũ.

Tất cả đều như nhuốm màu chết chóc, như bị ma ám, bị sơn phết bởi một màu trắng tang tóc của sản phẩm đồng loạt thời kỳ công nghiệp hoá. Nhà thơ luôn ám ảnh bởi sự bỏ đi của chiếc bóng - chiếc bóng đó chính là những ký ức văn hoá, những hồn vía ông cha.

Mỗi khi nói đến cái cũ - mái nhà cũ, quần áo cũ, con đường cũ, hàng cây cũ, bát đĩa cũ... nhà thơ lại như thăng hoa trong lễ cầu hồn, những đồ vật cũ xa được chiếu bởi một thứ ánh sáng xa xăm, đầu sắc thái huyền thoại, trở nên thoi thóp và run rẩy trong tiếng khẩn cầu gan ruột.

Tràn ngập trong tập thơ là một nỗi sợ hãi bất lực trước sự lãng quên, tàn phai đơn điệu của đời sống đương đại, một khát vọng về nguồn tìm lại quê hương xa, linh hồn xa vẫn khắc khoải thẳm sâu trong tâm khảm nhà thơ.

Cuộc sống đô thị hoá thách đố những ký ức, đe doạ trí nhớ của thi nhân. Trong thơ Nguyễn Quang Thiều có một sự nổi dậy của các biểu tượng văn hoá truyền thống chống lại sự xói mòn, huỷ hoại và hư vô hoá ấy.

Trí nhớ văn hoá vẫn tiềm ẩn trong những hàng cây, những ngôi nhà, những cánh đồng, những đoá hoa như ở các tập thơ trước, nhưng giờ đây những biểu tượng đó không còn câm lặng dày vò nữa mà đã thét lên những giai điệu giải phóng.

Mùa hoa loa kèn thoạt tiên gợi những ký ức tóc tang bi thảm với hình ảnh những nhạc công già, những điệu kèn mới của bình minh và sự sống trên tay nhà thơ, người nhạc công sót lại cuối cùng.

Thiên chức của nhà thơ là tham dự vào nghi lễ của đất trời, nhưng anh ta phải đem đến những tiếng kèn mới, những giai điệu đầy sức sống. Ðó là tuyên ngôn văn học của nhà thơ trong tập thơ này.

Giữa những âm thanh chết chóc, đổ nát và hỗn loạn, nhà thơ lắng nghe tiếng con chim đêm, tiếng ca trong giấc mơ mong manh của bầy trẻ. Thế giới như bừng tỉnh trong tiếng chim khai sáng, những giá trị trinh nguyên buổi ban sơ như được phục sinh thoát khỏi những tha hoá, ảo tưởng và ngộ nhận.

Ðến nỗi cái thế giới nhốn nháo kia trở nên một cái nền thanh bình câm lặng để vút lên tiếng chim "rền rĩ" " xối vào không gian", "rống lên làm hoảng sợ những vòm cây". Tiếng chim đêm bỗng trở nên dữ dội, bi hùng tạo ấn tượng về sự quật khởi hùng vĩ của sự sống của cái đẹp, của chất thơ, của lương tâm và sự thanh bình trong sạch, gây nên một cú sốc thẩm mỹ làm ta gai người.

Cái gắng gỏi nỗ lực giải phóng của lương tri, của thiên nhiên và cái Ðẹp mới cảm động làm sao, nó thức tỉnh ta, thanh lọc ta, làm ta trong giây lát trở nên giác ngộ, mạnh mẽ và thánh thịên.

Tiếng chim làm phục hồi trí nhớ, phục sinh lịch sử, tẩy rửa thế gian, lột phăng những lớp vỏ dung tục, tội lỗi, xấu xa, mê sảng và chết chóc vẫn phủ choàng lên nó. Dường như ta giác ngộ ra "bản lai diện mục" của đời sống, vượt khỏi những mê lầm. Tiếng chim đêm- cái Ðẹp đã khai ngộ Phật tính trong ta.

Tiếng kèn mới ấy, tiếng chim đêm huyền thoại đầy sức mạnh khai sáng ấy chính là những âm thanh mang sức mạnh cứu thế của cái Ðẹp vang lên trong từng câu từng đoạn của tập thơ.

"Bài ca những con chim đêm" là bài ca về sức sống mãnh liệt và quằn quại của cái đẹp, của thơ trước một thế gian tội lỗi và dung tục. Người đàn bà, con trẻ, ngôi nhà, nước sông, chim, hoa và cá là những hình tượng ám ảnh trong thơ Thiều.

Chúng kết hợp với nhau thành một chuỗi hình tượng liên hoàn độc đáo, tạo nên một thế giới riêng vừa yếu ớt vừa mạnh mẽ, vừa đau đớn vừa hạnh phúc, vừa ma quỷ vừa thánh thiện, vừa từng trải vừa dại dột, vừa là nạn nhân vừa là người khai sáng, một thế gian thu nhỏ với đầy đủ cả đất trời, cỏ cây, thần thánh, gia đình. Ðó là chuỗi hình tượng làm nên mã số đặc biệt của "Bài ca những con chim đêm".

Cái ác mượn lốt nước, lốt mây, lốt hoa và cả lốt người nhng nó không bao giờ mượn được lốt cây. Cái cây trong thơ Thiều là một ám ảnh vĩnh viễn là thánh địa của tình thương, cái Thiện và cái Ðẹp, trí tuệ và sáng tạo.

Cây soi sáng, cây dẫn lối, cây làm chứng, cây chở che, cây mang những giấc mơ, cây cho thi nhân và con trẻ mượn hình hài, cây phục sinh mãnh liệt trước tiếng chim đêm bi tráng.

Cây trong thơ Thiều như kho báu cất giữ những ký ức, những thói quen, những tầng văn hoá cổ xa để cưu mang, bảo tồn nhân tính và cái đẹp. Không phải ngẫu nhiên nhà thơ tự coi mình là cái cây "Tôi đứng như một thân cây tối sẫm". "Thân cây tôi sẫm" chính là cái thân cây mang ánh sáng của thi ca.

Với "Bài ca những con chim đêm", Nguyễn Quang Thiều đã kết nối và hoà giải được thiên chức của nhà thơ luôn là kẻ canh giữ những ngôi đền, những báu vật quê hương với trí tưởng tượng lang thang phóng đãng của kẻ quên nhà, trẻ dại, kẻ du ca.

Chính điều đó đã làm nên một trong những đỉnh cao của thơ Việt nam đương đại, khiến thơ Thiều trở nên một bảo tàng lộng lẫy chứa đựng một hồn vía xa cũ của ông cha trong một ngôn ngữ thơ cách tân mới mẻ.

Nó giống như nhạc Rock bảo tồn hồn vía của người Phi, kịch B.Brecht bảo tồn hồn vía kịch phương Ðông và những vũ điệu của E.Sola bảo tồn hình ảnh những con người nhà quê khổ đau, lam lũ và cao cả.

ĐỖ MINH TUẤN
Nguồn: NVTPHCM



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU