Thứ Ba, 14 tháng 5, 2019

SƠN NAM VỚI ĐÔI MẮT NHÀ VĂN

Ông Sơn Nam tính rất lãng mạn, biết đâu đây là mối tình già của ông lập tức tôi nghĩ ngay cái tàn cây trứng cá, người đàn bà giá chồng bán bánh tằm kia là địa chỉ  kia, thế nào ông ghé qua nhiều lần nữa…
Nhà văn Sơn Nam

Cuộc sống với nhiều hình ảnh nhiều chi tiết người cần phải tập quan sát để đưa ra kết luận chính xác không sai. Nhất là cái nhìn sống lại với thời gian hai chiều như ít người có được cái nhìn nhạy bén này.

Truyện Miếng da lừa của H. Banzăc, nhân vật Zađich với óc phán đoán như thần đã làm cho bạn đọc phải ngẩn ngơ. Nhà vua mất một con ngựa sai lính đi tìm. Zađich không thấy nhưng lại biết con ngựa ấy thọt chân và mất một cái răng. Đúng là kẻ gian, lính dẫn Zađich lên gặp nhà vua. Zađich thong thả nói mình buổi sáng ra đường gặp dấu chân ngựa, ba dấu thì sâu, một dấu nông. Rõ ràng đó là con ngựa thọt chân. Nó vừa đi vừa ăn theo ven đường đám cỏ so le đọt dài đọt ngắn đúng là con ngựa sún răng. Nhà vua và cả triều đình phải phục lăn, để thử thêm tài nghệ của Zađich, vua sai cung nữ bưng ra một cái tráp đậy nắp hỏi đó là món gì đựng bên trong. Zađich cầm cái tráp lên rồi để xuống trả lời nhanh lẹ là trái lựu. Ai nấy tròn xoe đôi mắt hỏi thêm lựu chín hay sống. Zađich trả lời lựu già gần chín rồi giải nghĩa. Khi cầm tráp lên để hơi nghiêng vật lăn theo có nghĩa là nó tròn và tiếng lăn cho biết đó là trái cây chớ không phải là vật nào khác. Xung quanh cung điện trồng rất nhiều lựu nên đoán là trái lựu. Mùa thu lựu chín, bây giờ mới nửa mùa hạ thì đó là trái lựu già. Chắc là Banzăc đã từng gặp ở ngoài đời một người nhạy bén như vậy nên ông dựa theo hư cấu ra Zađích. Bây giờ tôi xin kể lại chuyện của nhà văn Sơn Nam trí phán đoán không thua gì Zađich.

Vào những năm của thập niên 80 thế kỷ trước, Tiền Giang có cuộc hội thảo văn học. Buổi trưa tôi tranh thủ đi dạo phố xá Mỹ Tho tình cờ gặp ông Sơn Nam cũng đang lang thang. Thật là thú vị được đi với ông, vừa đi ông vừa nói được nghe sơ qua về lịch sử của thành phố Mỹ Tho. Đến một dãy phố mở cửa mua bán nhưng riêng có một căn phố cũ kỹ cửa sắt lại khép để he hé. Ông đứng lại nhìn giây lát rồi nói ngày xưa đây là tiệm cầm đồ. Làm sao chú biết, bộ chú từng đi ngang qua đây. Tôi ngạc nhiên khi ông trả lời mới lần đầu. Và ông như muốn dạy cho anh bạn trẻ muốn biết văn hay hãy tập quan sát. Sơn Nam kêu tôi nhìn cho kỹ ra thong thả kết luận. Trước hết trong nhà ở treo ba cái đồng hồ quả lắc. Hai bộ bàn ghế xưa bằng gỗ quý nhưng bàn đi theo bàn ghế đi theo ghế không trùng bộ. Trên vách còn treo ấy tấm liển cẩn ốc xa cừ. Chứng tỏ nhà này là tay sưu tầm đồ cổ nhưng vì thấy trong tủ có ít chén kiểu và cây cân tiểu ly, chứng tỏ ngày xưa đây là tiệm cầm đồ đủ các món, cầm cả vàng. Những gì nhìn thấy trong nhà là các món người không chuộc còn để lại. Tôi chưa vội tin, tình cờ một người từ trong nhà đi ra. Hỏi thăm quả nhiên, thời Mỹ Tho còn xe lửa chạy lên Sài Gòn, đây là tiệm cầm đồ của ông Nội chủ nhà, bị ăn cướp đánh rồi nghỉ luôn đến nay. Qua một con đường khác, đến một căn phố cũng xưa trước cửa có cây trứng cá xòe tán mát rượi, bên dưới có bày hai cái bàn bán bánh tằm. Người đàn bà đứng tuổi nhưng da mặt trắng mịn, quần áo tươm tất sạch sẽ, bàn ghế chén đũa cũng sạch, có khăn trắng đậy lên thau bánh ban đầu tôi chỉ nhận xét sơ qua như vậy riêng Sơn Nam như là một phát hiện:

- Nước cốt dừa bồng con như lâu quá mới gặp đó chú mầy. Thường thường dừa mắc người ta pha thêm bột bán mới có lời. Lâu lắm mới gặp được nước cốt dừa bồng con đó chú mầy.

Ông Sơn Nam kêu lên đi qua rồi đứng lại, dường như mọi thứ không qua được đôi mắt nhận xét tin tường của ông. Chị nầy điềm đạm ung dung chắc chắn không phải dân mua bán. Lớn tuổi con cái đi vắng không chuyện gì làm bày ra mua bán cho vui. Sao chú biết. Tôi hỏi vặn. Chú mày có nhìn thấy cái vòng cẩm thạch đeo trên tay không, đồ xưa đó. Nhà nghèo có nó người ta bán để làm vốn chớ không ai đeo. Chị nầy lấy mua bán  cho vui nên bánh tằm này ngon. Ông kết luận chắc nịch rồi nắm tay tôi trở lại. Quả nhiên bánh tằm se bột rất mềm, xíu mại, bì trộn thịt nhiều, nước cốt dừa bồng con rất ngon, giá lại rất là rẻ. Cô bán như vậy sao có lời. Sơn Nam khơi chuyện. Người đàn bà cũng vui vẻ cho biết mình ở không chẳng biết làm gì nên bày ra mua bán cho vui chớ lời lớm gì. Rồi không ai đánh chị tự khai, chồng của mình là thầu khoán chết đã lâu, con cái làm việc trên Sài Gòn. Nhà có miếng vườn ở quê, dừa khô ăn không hết nên bày ra buổi bán bành tằm, buổi khác bán bánh ích trần, bánh chuối cho vui…

Tới đây coi như hết chuyện của nhà văn Sơn Nam với óc phán đoán nhạy bén không thua gì Zađich. Xin được nói thêm nhà văn và thiếu phụ bán bánh tằm se bỗng dưng như hai người bạn thân lâu ngày gặp lại nhau. Tôi ngồi ở giữa nghe rất là thích thú hai người trao đổi đủ thứ chuyện rất là tâm đầu ý hiệp, từ chuyện các món bánh trái cổ truyền như bánh thuẩn, bánh bò bà lai đã biến mất. Đến chuyện ăn mặc hát hò của đất Mỹ Tho xưa kia. Lúc ra về nhà văn Sơn Nam nháy nháy đôi mắt. Ngày mai chú mày về, chớ tao ở lại. Tôi tưởng là ông nói đùa nhưng sau đó biết được ông đã ở lại Tiền Giang thêm hai ngày. Ông Sơn Nam tính rất lãng mạn, biết đâu đây là mối tình già của ông lập tức tôi nghĩ ngay cái tàn cây trứng cá, người đàn bà giá chồng bán bánh tằm kia là địa chỉ  kia, thế nào ông ghé qua nhiều lần nữa.

Tôi không biết và cũng không dám tò mò hỏi chỉ làm thầy bói đoán mò nhưng tôi lại nảy ra một cái truyện ngắn nhan đề “Duyện nợ bánh tằm se hoặc là nhà văn và cô gái bán bánh”. Viết xong đọc đi đọc lại thấy truyện thiếu muối không được hồn nhiên, lạc quan nồng nàn yêu đời như tính cách của Sơn Nam nên đành xếp để đó… kể ra truyện này trước nghe chơi.

 NGÔ KHẮC TÀI
Nguồn: VĂN NGHỆ 2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU