Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

THƠ PHAN HOÀNG TRONG HÀNH TRÌNH NGƯỢC LỐI

Phan Hoàng đã từng được nhiều bạn đọc quý mến qua nhiều tác phẩm như Tượng tình (thơ - 1995), Hộp đen báo bão (thơ - 2000), Phỏng vấn Tướng lĩnh Việt Nam (1996), Phỏng vấn Người Sài Gòn (2 tập, 1998), Phỏng vấn Người Hà Nội (2000), Dạ, thưa thầy! (2000), Chất vấn thói quen (thơ - 2012), Bước gió truyền kỳ (trường ca - 2016)… Từ Tượng tình đến Bước gió truyền kỳ là quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, say mê sáng tạo không ngừng của thi sĩ Phan Hoàng. Đọc những tác phẩm trước năm 2000 và gần đây là Chất vấn thói quen và Bước gió truyền kỳ, Nxb Hội nhà văn, người đọc thấy rõ lối đi ngược sáng tạo của nhà thơ. Đi để tìm về nguồn cội, kí ức và những thăng trầm của lịch sử, để xác định một con đường riêng nhưng luôn biết cách đồng hành sáng tạo theo chiều thuận của quy luật phát triển trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Ngược lối trong thơ Phan Hoàng chính là bài học về lao động sáng tạo nghệ thuật và giáo dục nhân cách.
Nhà thơ Phan Hoàng

1. Sáng tạo! Theo lý thuyết, các tác phẩm văn học thuộc nhóm “siêu” thể loại như thần thoại, trường ca, sử thi… đã xếp vào hàng “vang bóng một thời” trong thực tiễn sáng tác hiện nay. Tuy nhiên, lối rẽ ngược từ tác phẩm của Phan Hoàng đã giúp người đọc phải suy nghĩ lại về vấn đề này. Điểm bắt đầu của thơ anh là thơ mới, thơ tân hình thức, thơ hậu hiện đại và điểm dừng chân hiện tại là trường ca. Biết đâu từ trường ca, nhà thơ trong hành trình ngược lối lại về với lục bát, tứ tuyệt… mà vẫn không hề xưa cũ. Lối đi ngược của anh không giống ai nhưng đã giúp anh có con đường đi riêng vào lâu đài văn học. Con đường ấy vẫn còn nhiều ngã rẽ. Và mỗi lần dẫn dụ người đọc rẽ lối là mỗi lẫn nhà thơ vẫy gọi người đọc chú ý hơn trong lộ trình đi tìm bí mật ẩn giấu trong tác phẩm của anh. Đây là điều cần thiết đối với nhà thơ ở Việt Nam hiện nay một khi không muốn mình thành người nhả chữ quen thuộc, sáo mòn.

Ngược lối như chính tác giả đã viết: Đôi lúc ta gặp trên đường những chàng trai phi ngựa như bay, đôi khi ta gặp những cô gái rực rỡ yếm đào chít khăn mỏ quạ, họ ngược thời gian đi về phía giấc mơ cháy bỏng xuân thì. [Vĩ thanh – tr 79]. Hay Sau mỗi chuyến tốc hành/ta ngược đường bay về tìm ngọn gió biển tuổi thơ [Gió tiếp sức mơ – tr 32]. Hoặc Mãi theo di chúc chín lời/ chơi vơi giữa trời khuya vắng/ ta ngược bước gió tổ tiên/ lành lạnh địa đầu sương trắng/ vẫn nghe từ trong xa thẳm/núi rừng không ngừng chuyển rung [Gió dựng thành lũy biên cương – tr 70]… Ngược, ngược, ngược thời gian, ngược, ngược, ngược không gian… ngược lối trần gian xuôi theo kí ức lịch sử bi hùng nhưng là để đối thoại với hiện tại!

Nhiều lần, Phan Hoàng đã dùng kết cấu thơ hiện đại để thể hiện những quan điểm, triết lý về lẽ sống, cái chết, miếng ăn, quan niệm về cuộc đời, không thời gian sống truyền thống. Các hệ triết lý đã được vận dụng trong đối thoại với quan điểm truyền thống như tranh luận sinh tử. (Sống chết của cổ nhân: sinh ký tử quy. Hay sống của con người hiện tại: sống là để chết. Hay với hai học thuyết cơ bản là: Sống một đời sống hay sống nhiều đời sống? Sống có linh hồn hay không có linh hồn…). Phan Hoàng không tranh luận trực tiếp nhưng quan niệm sống của anh thể hiện rõ trong nhiều tác phẩm. (Những ngọn gió mở đường in dấu bao linh hồn/ bộ hành xuôi về hướng tây/ gió hóa thân những chàng trại vạm vỡ lưu dân/ gánh trên vai ánh mắt kỳ vọng của người già/ giấu kín trong tim mùi hương vợ trẻ tiếng khóc con thơ) – [Gió khẩn hoang, tr 48]. Đó chính là triết lý nhiều đời sống của người phương Đông được thể hiện qua hình ảnh linh hồn của con người. Phan Hoàng đối thoại với đời sống (Dường như có bóng ai lướt nhanh trong màn sương đục/ bóng của hôm qua bóng của hôm nay hay bóng của mai sau... chắp tay cúi đầu bái biệt nghĩa trang ta bỗng gặp bóng mình [Gió cõng hương qua núi đồi – tr 61], đối thoại với lịch sử, với vĩ nhân, thi nhân và với cả những con người bình thường, giản dị, thân thương đã từng hiện tồn trong những khoảnh khắc sống của anh…

Ngoài những triết lý được thể hiện qua kết cấu đối thoại mở, thơ Phan Hoàng còn thể hiện nỗi trăn trở với cuộc đời, với con người, về bản chất người. Đó là nỗi đau với thăng trầm của những khoảnh khắc lịch sử phi lý, mà trong đó con người có những lúc thăng hoa nhưng cũng có lúc như sống trong địa ngục trần gian, thậm chí còn đối xử tàn nhẫn với chính mình. Liệu có đáng sống?… (Có những cỏ cây bị đánh cắp xứ người cất lời trách gió/ có những hồn thiêng mất quê đớn đau phẫn uất mắt đêm/ có những ngọn đồi máu xương vô tình bụi mờ cát phủ …) [Gió dựng thành lũy biên cương – tr 64] hay (ta ngẩng đầu/ nhòa nước mắt/ khóc những sinh linh chưa kịp trọn hình hài hóa những vì sao mồ côi/ khóc những gái trai chưa một ngày vợ chồng vẫn phiêu bồng khao khát/ khóc những cỏ cây vươn xanh trở lại từ núi sông cắt chia hoang phế/ khóc những cơn vượt thoát  sinh tồn vĩ đại dòng giống rồng tiên – [Vĩ thanh, tr 90]. Nhiều câu thơ như những phát ngôn mang tính đối thoại đầy chiêm nghiệm như kiểu của một triết gia, một nhà tư tưởng, và cũng gần giống với thi sĩ tâm lý (Núi cao chừng hơn bảy trăm thước, một hòn đá nhô lên trên đỉnh như mũi giáo, mũi gươm, mũi tên hùng cứ một phương và như dương vật sinh tồn khổng lồ quanh năm cường lực ôm mây trắng… Núi nghênh đón những tao nhân mặc khách và đón những gã ăn mày thất cơ lỡ vận… [Cuộc trò chuyện giữa gió và núi tr 28, 29].

Nhờ sự linh hoạt, táo bạo trong cách biến hóa kết cấu của trường ca, cách biểu đạt hình tượng bằng các kiểu ngôn từ lạ mà cấu trúc câu thơ, nhịp điệu, hình tượng biểu tượng, chi tiết nghệ thuật, nhân vật, giọng điệu trong Bước gió truyền kỳ có những đột phá lớn. Những câu thơ độc đáo, giàu triết lý đối thoại trong thơ Phan Hoàng giúp người đọc có thêm những cảm nhận mới về lịch sử của dân tộc nhìn từ các góc độ văn hóa, tôn giáo, triết học và cả mối quan hệ chính trị phức tạp của lịch sử dân tộc qua các mối quan hệ giữa con người và con người, con người và thế giới thiên nhiên. Mỗi tác phẩm của Phan Hoàng không chỉ là một triết lý sống mà còn là sự thể hiện quan điểm sáng tạo nghệ thuật của anh luôn mới trong những điều tưởng như đã yên ổn hàng ngàn năm. Các phát hiện riêng của anh về cuộc sống, về văn hóa, lịch sử và thậm chí có cả sự cản trở của biến đổi, khí hậu  kinh tế, chính trị…đã tạo nên tâm thế đối thoại thơ, tâm thế đối thoại trường ca Phan Hoàng. (Nỗi buồn ngọt ngào gió chướng phương Nam se se cay đắng/ nỗi buồn ly hương dựng mới quê hương)… [Gió khẩn hoang – tr 47].

Đặc điểm của cấu trúc trường ca truyền thống là tác phẩm thơ có dung lượng lớn, thường có cốt truyện tự sự hoặc sườn truyện trữ tình… còn trường ca của Phan Hoàng được tạo dựng bằng một kết cấu mở, hiện đại và có sức ám gợi cực mạnh. Nhìn bên ngoài, kết cấu bản trường ca vẫn tuân thủ hình thức truyền thống với đầy đủ các phần mở đầu, phần nội dung các mục, phần vĩ thanh… Tuy nhiên bên trong cấu trúc truyền thống ấy là một tư duy thơ hiện đại được biểu đạt bằng những trải nghiệm nghệ thuật thú vị. Thơ của anh vì vậy có những chiêm nghiệm, suy tư, lãng đãng của thi sĩ nhưng vẫn luôn tỉnh táo, chắc chắn trong luồng tư duy, trong quá trình sử dụng các thủ pháp nghệ thuật thơ. Kết cấu trường ca của Phan Hoàng có xu hướng tổng hợp đa dạng các yếu tố vừa trữ tình vừa tự sự, vừa thể hiện các trạng thái tâm lý, triết lý kết hợp với những xúc cảm riêng trong mối quan hệ mật thiết với những chấn động lớn của lịch sử dân tộc. Yếu tố cốt truyện được tác giả tinh giản đến mức tối đa để nhường lời cho các đối thoại của gió, núi. Các kiểu giọng điệu thay đổi liên tục từ phần mở đầu đến kết thúc. Sự xuất hiện nhiều kiểu giọng điệu đan xen, lúc trầm tư, lúc bi tráng, lúc đầy khí phách hào sảng. Và xuyên suốt trường ca, Phan Hoàng đã sử dụng giọng chủ âm là anh hùng ca. Các thủ pháp nghệ thuật tu từ được sử dụng khá đa dạng. Thủ pháp dùng câu hỏi tu từ, câu hỏi không nhằm mục đích hỏi, kiểu lặp cấu trúc câu, từ, âm tạo sức gợi mãnh liệt về các hình ảnh lịch sử (thức dậy trong ta bước chân huyền thoại/ … thức dậy trong ta khí phách cha ông…/những ngọn gió mang hương hồn đất đai…/ những ngọn gió tiên phong mở đường…) [Gió khẩn hoang, tr 46]. Và sức hút của gió trong thơ anh càng mạnh bởi mỗi khi xuất hiện trong hình hài từ “gió” quen thuộc nhưng đều được thể hiện bằng những phong thái mới lạ khác nhau qua mỗi nhiệm vụ, mỗi giai đoạn lịch sử. Từ kết cấu này, cấu trúc xã hội trong thơ Phan Hoàng được trình hiện bằng nhiều giá trị đan xen, chồng chéo nhau. Đó là nơi cán cân công lý thiên về cái ác, thiên về kẻ giàu có và quyền lực. Những người quay lưng lại với xã hội, bất lực trước sự thay đổi nghiệt ngã của thời đại mới thì bơ vơ lạc lõng mất niềm tin vào nơi mình đang sống. Trong thơ anh có sự phức hợp, có khi là những cuộc đối thoại kịch liệt giữa văn hóa xã hội hiện đại và văn hóa truyền thống. Những xung đột trong cuộc sống của chính mỗi con người trong thơ anh cũng đang đứng trước thử thách của thời đại toàn cầu hóa.

Biểu tượng gió trong thơ Phan Hoàng đã góp phần diễn đạt lịch sử thăng trầm, nhen nhóm những khát vọng, ước mơ của người Việt. (Một thời núi là vị trọng tài phân chia ranh giới hai nước Việt - Chiêm (…) Hoàng đế thi sĩ Lê Thánh Tông mở đường đến đây lấy cây rừng làm bút, lấy đá làm nghiên, lấy nước biển làm mực, đề thơ lên thạch trụ cao vút chín tầng xanh)/ Con đường minh quân xây bằng máu đào soi sáng đường bay chim Việt, nối ngàn xưa cho tới ngàn sau). [Cuộc trò chuyện giữa gió và núi, tr 28- 29]. Kiểu kết cấu đối thoại trong thơ này mở ra cấu trúc không gian và khoảng trống thời gian dành cho người đọc đồng hành tìm về nguồn cội cùng nhà thơ. Khoảng trống ngầm xuất hiện quan hệ câu hỏi tu từ (Gió từ đâu mà có?...Gió có nội có ngoại? – [Gió mở đường bay,  tr21], hay - Núi nhớ gì một thời trận mạc? Núi nhớ gì một thời đội sấm đội chớp mở đường? Núi nhớ gì một thời làm người lính trấn biên?/Núi lại làu làu lịch sử… [Cuộc trò chuyện giữa gió và núi, tr 28]… giúp người đọc có nhiều cơ hội ngược lối thời gian đặt mình trong vị trí cần phải đối thoại với lịch sử 4.000 năm của dân tộc. Đây là một cách sáng tạo kết cấu cần thiết mà các nhà thơ cần lưu tâm trong sáng tác tại thời điểm này. Lịch sử được khai khẩn bằng một con đường riêng trong thơ Phan Hoàng: “Gió khẩn hoang”, “Gió xuôi chín khúc sông rồng”, “Tây Nam mùa gió chướng”. Lịch sử Việt Nam với những sắc màu đa dạng của nó đã hiện hình vào gió, vào thơ Phan Hoàng, để lại cho người đọc niềm cảm kích sâu sắc (Cảm ơn người mở đường/ hóa thân bước gió truyền kỳ”. “Sông rồng chín khúc mây bay/ Sông tình chín lúc gió ngây hương nồng) [Gió khẩn hoang, Gió xuôi chín khúc sông rồng, tr 46 – 52]. Và trên mỗi con đường đầy thương đau, trên lối ngược nghệ thuật ấy, Phan Hoàng đã mở ra niềm hy vọng cho bạn đọc vào cuộc sống. Đây là điều đáng quý trọng trong thơ Phan Hoàng dành cho các thế hệ người đọc. (Mỗi con đường thương đau/ mở ra chân trời hy vọng/ tinh lọc bóng đêm quá khứ/ kết nối ánh sáng tương lai [Những cơn vượt thoát sinh tồn vĩ đại - tr 79]). 

Đọc thơ Phan Hoàng vì vậy người còn đọc được đắm mình trong trong không gian sâu rộng của đất nước theo một trật tự cảm xúc lôgic, những biến đổi của gió cũng tuân theo quy luật lịch sử: Những ngọn gió vô danh/ Gió tiếp sức ước mơ/ Bước gió  truyền kỳ/Gió dựng thành lũy biên cương... và tận cùng của gió là sự đối mặt với những cơn vượt thoát sinh tồn đời người. Gió là một kí hiệu mở, đa nghĩa. Nó không chỉ là một hiện tượng tự nhiên mà còn là sự biểu đạt đa dạng, sinh động của tất cả các trạng thái sống, các cung bậc hỉ nộ ái ố của cuộc đời. Kết cấu mở như thế luôn có khả năng rút ngắn khoảng cách giữa người đọc và thơ Phan Hoàng để tạo nên những giá trị thẩm mỹ mới.
Tác phẩm thơ Phan Hoàng

2. Nhân cách! Trong lối ngược ấy luôn có hình ảnh mẹ như nguồn cội cho cảm xúc thơ Phan Hoàng. Mẹ cũng là kí hiệu biểu tượng về lịch sử, về sự sống, về quy luật sinh tử dị diệt trong thơ Phan Hoàng. Mẹ chở che, cưu mang, bao dung, độ lượng, hi sinh, cam chịu. Mẹ, ngọt ngào, nồng ấm, thiêng liêng, cho con biết yêu bản thân biết yêu quê hương, yêu những khoảnh khắc sống của con người. Mẹ chỉ cho mà không mong cầu con đáp trả. Mẹ đối lập với giả tạo, lừa lọc, bon chen… để  cho con đến chốn bình yên. Đọc thơ Phan Hoàng, dù ở đâu, bận đến mấy thì con cũng muốn bỏ hết, bỏ hết để về với mẹ! Từ những tập thơ trước, Mẹ là biểu tượng có sức ám gợi khá mãnh liệt trong thơ Phan Hoàng. Dù trong bất cứ thời khắc nào trong cuộc đời thì mẹ cũng xuất hiện bên con. Quy luật này được Phan Hoàng diễn tả bằng nghệ thuật bút vấn theo kiểu cấu trúc đối thoại song hành trong thơ.

Mẹ là người gánh ước mơ cho cuộc đời con, cho con mạng sống qua mùa loạn lạc, cho đất nước có chút bình yên trên những con đường loang lổ hố đen bao phủ, trên những sông suối lềnh bềnh ngầu đỏ máu tươi, trên những giải độc vạt rừng giãy giụa da cam… (Mẹ quảy mẹ chạy/…/ Tuổi thơ tôi trên thúng gióng tản cư/ Mẹ gánh ước mơ chạy qua mùa loạn lạc. …Bước mẹ đè gió nam cồ/…Gỡ nón quạt mùi bom/bóng mẹ che tầm đạn/ âu yếm con mẹ khóc…[Mẹ gánh ước mơ – tr 14]). Những ai đã trải nghiệm cảnh chạy loạn của người dân Việt trong chiến tranh đều có thể hiểu được niềm xúc động sâu sắc của tác giả khi đọc những câu thơ này. Mẹ cũng là mặt trời thao thức từng cơn vượt cạn không ngừng phải chống chọi những trận cuồng phong… [thuở cha canh rừng mẹ đưa con về giữ biển khơi…/ từ ngọn sữa bầu ơi thương lấy bí cùng của mẹ - Mặt trời trong ngôi nhà thân thuộc, tr 17). Mẹ vì vậy là bí mật chuyển lưu nguồn sáng chân lý kỳ lạ, là quang hợp sức mạnh rồng tiên, là di truyền bản lĩnh núi non, là hội tụ sâu thẳm của tấm lòng biển cả, là người hào phóng cho con, cho nhiều thế hệ năng lượng tái sinh giống nòi! Mẹ hiện tồn trong nỗi ám ảnh sắc sắc không không, chênh vênh trong cuộc đời ba chìm bảy nổi, trên con đường sợ hơn bão táp của ông. (Một Con Người viết hoa/đột ngột rời nhân loại..tình yêu mẹ dở dang/hành trình khai mở dở dang – [Tình yêu tiếng mẹ dở dang, tr 59]. Mẹ dự báo trước những hiểm họa khủng bố và ô nhiễm, mẹ mang thông điệp của cái chết làm nhân chứng (Tiếng khóc sơ sinh như bông hoa chớm nở cũng có nguy cơ chết trên bầu vú nhiễm độc sữa mẹ… Tại sao trắng/ Tại sao đen – [Cái chết đen và vũ khúc trắng, tr 67]. Mẹ luôn ở phía thảng thốt sau những loạt bom dội xuống xóm làng, ruộng nương. (Ở phía ấy chiều chiều/ Mẹ tôi ngồi thất thần nhìn / nén từng hơi thở dài quay mặt khóc/ những giọt nước mắt xói mòn đôi vai/ gầy guộc cô đơn/…những bí mật lóng lánh xót xa/ như nước mắt mẹ tôi lặng lẽ gầy… [Con trâu thiêng, tr 80]. Mẹ minh chứng cho những cái lưỡi robot giáo điều đạo đức giả (Gã mặt người đánh mẹ ngã/ quỵ/ chiếc gậy tre chới với chống tuổi già chới với), [Về một đoạn phim buồn, tr 83]. Mẹ luôn trong nỗi mòn mỏi vì sự trưởng thành của con. Hình ảnh mẹ đớn đau, nghiệt ngã (Lại thêm những gã mặt người vung tay đánh đuổi mẹ/…Ôi những tiến sĩ, kỹ sư, luật sư học vấn tới chân răng/ bước ra từ gánh thóc mồ côi lướt giông đôi bão…/ bước ra từ người mẹ nghèo quắt queo mù chữ động kinh/ có khi nào trong giấc mơ các ngươi rùng mình/ bao giờ con lớn giống mẹ giống mẹ giống cha [Bao giờ con lớn?, tr 84]. Mẹ thường trực trong tâm thức, kể cả khi viết về bình nguyên bay, về những ngọn đồi, về tiến sĩ giấy, về những thầy giáo quyấy rối tình dục sinh viên, về những ngôi mộ không cánh vụt bay… dù không cố ý viết về mẹ  thì mẹ vẫn ẩn hiện trong giờ lên rẫy sớm khuya  (Mượt mà mông/ mủm mỉm môi/ mơ màng mắt/ tình tang ngang dọc…/chàng trai nào mạnh như con hổ con báo chợ tình đêm nay?!/ tiếng khóc trẻ thơ thơm như tiếng chích chòe/ tinh mơ mẹ lên rẫy [Bình nguyên bay, tr 86]. Kể cả khi trái tim lạc nhịp đánh vật xứ người/ trả lãi từng đồng đô la nhan sắc…thì Mẹ đã xuất hiện trước đó trong nỗi day dứt khôn nguôi (Tôi đang ở đâu mảnh vườn trĩu nặng lời ru của mẹ?/…Dòng sông bị bắn trọng thương/ bởi những viên đạn bọc đường lén lút/ Tôi đang ở đâu tái tim thôn nữ rụt rè/ bước khỏi cổng làng …Cây bút vô cảm trước thân phận dân nghèo, im lặng… [Tôi đang ở đâu? tr 91]. Cả khi bàng hoàng nhận tin nhắn của  bạn Phan Hoang oi, me toi mat luc 3h24p  thì mẹ như cánh chim đêm/ mãi mãi hóa thân vào Châu Thổ… tôi bàng hoàng lội ngược gió sông Ba [Níu lòng sông Đáy, tr 94]. Mẹ là máu thịt của con (Mỗi nụ cười của con/ một nụ tầm xuân/ từ máu thịt mẹ cha nở ra xanh biếc…tỏa hy vọng những chân trời) – [Nụ tầm xuân 231, tr 231]. Khi bộn bề công việc thì mẹ cũng là bến bờ bình yên khiến con muốn bỏ tất cả để trở về (Gục đầu lên máy vi tính/ tôi thèm đứt ruột / được làm ngọn gió không đồng phục/ không điện thoại/ không iternet/ bay về mái tranh vách đất của mẹ/ cởi trần lăn lóc tắm mưa…hóa con sáo sậu bước thấp bước cao/ bập bẹ nói cười …cậc cậc cậc…) - [Thèm làm ngọn gió tự do, tr 99].

Đến trường ca Bước gió truyền kỳ, mẹ vẫn không thôi ám ảnh trong ký ức tác giả. (Người lên đầu non/ người xuôi cuối bể/ xác hóa mây bay hồn về đất mẹ…[Những ngọn gió vô danh – tr 17]. Mẹ xuất hiện khi tuổi thơ ta hồn nhiên bao câu hỏi, trong xanh như mắt sương mai (Những câu hỏi ngây ngô như ngọn gió ngây ngô bay khắp nhà  bay khắp vườn bay khắp cánh đồng mênh mông đêm đông vắng mẹ - [Gió mở đường bay - 21]. Mẹ bao dung bên cạnh dáng cha hiên ngang thách thức đại dương, thách thức những cơn giông lịch sử. Mẹ gắn với thăng trầm buồn vui của lòng đại dương khó đoán (Mênh mang đôi bờ cát dài độ lượng / gió say bầu rượu dân ca, sông Ba/ bao dung tấm lòng của mẹ/ mỗi cây lúa nghĩa tình/ nuôi cả lũ kiến chòm ong… [Gió tiếp sức mơ – 21]. Mẹ mang sự sống cho những miền hoang vắng (Gió dâng lên chín khúc hóa rồng cuồn cuộn ước mơ… gió dâng lên bao xóm làng trù phú như bầu sữa mẹ mới sinh con) – [Gió khẩn hoang – tr 46]. Mẹ là hình ảnh của lịch sử vọng lại (tiết kiệm sông máu núi xương đại dương nước mắt…/mừng những bà mẹ trong cơn đau hạnh phúc sinh nở không còn) [Gió dựng thành lũy biên cương – tr 59]. Mẹ như biểu tượng của sinh mệnh tổ tiên (Cỏ hoa giấu nước mắt/ những con đường giấu kín biệt ly…nỗi đau hơn biển không nước/ nỗi đau mới tượng hình bụng mẹ đã đau/ trồi lên trên thân thể hấp hối chính mình/ hoa trái nhân hậu bao dung như nếp nhăn vầng trán mẹ - [Những cơn vượt thoát sinh tồn vĩ đại – tr 81). Mẹ song hành bên cạnh những nhân vật anh hùng nổi danh, những con người vô danh. Họ đều phải gánh chịu hằng hà những hy sinh mất mát, đớn đau trong các cuộc chiến: “bao bà mẹ tim ngừng đập vẫn mở mắt đợi con/ bao người vợ úp mặt chờ chồng lửa lòng đông cứng”bình thản trước nỗi lòng ta/gió biển tuổi thơ dang rộng vòng tay từ mẫu [Gió tiếp sức ước mơ – tr 43]. …Mẹ như thế …cũng là chứng tích sinh động, khủng khiếp của chiến tranh để lại ngàn đời, cho con, cho hậu thế! Mẹ đã cùng hóa thân trong hành trình ngược lối thơ con!

Phan Hoàng đã làm thơ theo lối vận dụng kết hợp cách viết của kí hiệu học nghệ thuật và lịch sử, hiện tượng luận và chủ nghĩa trực giác. Mặc dù đôi lúc các tầng tầng biểu tượng kí hiệu xuất hiện quá dày đặc, thiên về tính kể, sự chuyển mạch cảm xúc, chuyển cấu trúc câu đột ngột khiến cho người đọc mệt mỏi, mất phương hướng, muốn bỏ cuộc nhưng mỗi tác phẩm của anh đều có một kết cấu sáng tạo trong từng yếu tố chi tiết nghệ thuật riêng biệt. Một số đoạn thơ lặp cấu trúc liên tục, thiên về cách liệt kê nhân vật, sự kiện và địa điểm… đã tạo ra áp lực ngôn từ cho người đọc nhưng nhiều hình ảnh lạ hóa trong thơ được diễn đạt bằng các thủ pháp nghệ thuật khá phong phú khẳng định thêm phong cách đặc trưng của thơ Phan Hoàng. Cách viết của anh khiến người đọc nhận ra anh đã viết cho họ, đã dành cho họ một sự trải nghiệm sáng tạo nghệ thuật, một khoảng lặng để nghiệm lại bản thân mình. Nhiều câu thơ đột phá cấu trúc có khả năng khuyến khích người đọc tìm cách giải phóng những kìm hãm của truyền thống từng gắn bó với thơ Việt như là bộ da của thân thể con người. Thơ Phan Hoàng vì vậy như một chiếc áo mới cách tân, khá hấp dẫn đã được khoác vào đúng đối tượng. Làm thơ, với anh như là quá trình thông diễn bản thể, là cách tìm lối đi riêng của một thi sĩ có khả năng chịu đựng “nắng gió” để đóng góp sức mình vào quá trình  kiến tạo xã hội phát triển đúng nghĩa, theo cách riêng của thơ.

TS MAI THỊ LIÊN GIANG
TRƯỜNG ĐH QUẢNG BÌNH

Tài liệu tham khảo:

[1]. Phan Hoàng, Chất vấn thói quen, Nxb Văn hóa văn nghệ, 2015.
[2]. Phan Hoàng, Bước gió truyền kỳ, Nxb Hội  nhà văn, 2016.
[3].Văn Lê, Bước gió truyền kỳ, cảm hứng lịch sử và cảm hứng thời đại. Bước gió truyền kỳ, Nxb Hội  nhà văn, 2016
[4]. Nguyễn Quyến, Thay đổi cảm hứng bầu trời. Chất vấn thói quen, Nxb Văn hóa văn nghệ, 2015.
[5].Võ Trần Băng Phương, Nhà thơ – nhà báo Phan Hoàng, người đi hái bụi vàng kí ức, http: dien dan. thơ tre.com

Nguồn: Sách An trú miền đọc của Mai Thị Liên Giang, NXB Hội Nhà văn 2018

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2018

NGUYỄN NGỌC THUẦN NGỌT NGÀO VÀ HUYỄN HOẶC... CÙNG "QUẢ TIM SẮT"

Nguyễn Ngọc Thuần bước vào làng văn bằng thành tích “ăn ba” ấn tượng. Trước anh chưa thấy và sau anh sẽ là bài toán khó cho ai muốn lặp lại. “Đánh” đâu trúng đấy. Ba cuốn sách với ba giải thưởng lớn. Cú đề - pa đầu tiên là giải Ba Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần II năm 2000 với tập truyện “Giăng giăng tơ nhện”...
Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần

1. Không hẹn mà gặp, thế hệ nhà văn 7X ở Sài Gòn xuất thân từ dân mỹ thuật khá nhiều. Cứ như học mỹ thuật để… viết văn, làm thơ. Hay màu sắc, bố cục, đường nét kích thích tư duy ngôn ngữ hơn bất kể thứ nào khác? Tôi có thể kể tên các nhà văn, nhà thơ trước đó được đào tạo để làm họa sĩ, như Nguyễn Thị Châu Giang, Ly Hoàng Ly, Vũ Đình Giang, Nguyễn Danh Lam, rồi Nguyễn Ngọc Thuần. Ít nhiều những cái tên này đã định được danh trên văn đàn, đủ để gây nhớ với những ai quan tâm đến sự nóng lạnh của văn chương, đến nhịp đập của con chữ.

Nhớ, bởi: Nguyễn Thị Châu Giang từng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ở tuổi 27; Ly Hoàng Ly từng từ chối nhận giải tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ “Lô Lô” năm 2006; Vũ Đình Giang với bộ đôi tiểu thuyết “Song song và Bờ xám”, Nguyễn Danh Lam đi từ “Bến vô thường” đến “Những vòng vây trần gian” rồi trôi “Giữa dòng chảy lạc” trước khi chạm “Cuộc đời ngoài cửa”, đều là những trang viết dung chứa sự giằng xé trong diễn trình vật lộn đi tìm chính mình giữa thế giới hỗn mang thường trực bất an.

“Song song” và “Giữa dòng chảy lạc” là hai trong số chưa nhiều tác phẩm của tác giả trẻ Việt được dịch sang tiếng Pháp. Còn với Nguyễn Ngọc Thuần? Là chất ngọt ngào trong trẻo trẻ thơ và hài hước điên khùng huyễn hoặc người lớn.

2. Nguyễn Ngọc Thuần bước vào làng văn bằng thành tích “ăn ba” ấn tượng. Trước anh chưa thấy và sau anh sẽ là bài toán khó cho ai muốn lặp lại. “Đánh” đâu trúng đấy. Ba cuốn sách với ba giải thưởng lớn. Cú đề - pa đầu tiên là giải Ba Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần II năm 2000 với tập truyện “Giăng giăng tơ nhện”.

Tiếp đến là giải A cuộc thi văn học thiếu nhi Vì tương lai đất nước lần II năm 2002 với tác phẩm “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”. Khép lại hattrick bằng Giải A cuộc vận động sáng tác văn học thiếu nhi của NXB Kim Đồng năm 2003 cho tác phẩm “Một thiên nằm mộng”. Chẳng nghi ngờ và ngần ngại, nhiều người nhớ đến tác phẩm kinh điển của Saint Exupéry, liền gọi anh là “Hoàng tử bé” của văn học thiếu nhi Việt Nam.

Nếu được phép chọn tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi từ sau năm 1975 trở lại đây, tôi sẽ “bỏ phiếu” cho “Vừa nhắm mắt vừa mở của sổ” đầu tiên. Cuốn sách ra đời lúc tôi còn đang mắt nhắm mắt mở ở một huyện miền núi xa xôi quê nhà. Phải 5 năm sau tôi mới được đọc.

Đọc và bị mê hoặc. Khác hẳn một số sách thiếu nhi ít ỏi trước đó tôi từng biết. Đấy là kiểu sách thiếu nhi dành cho… người lớn. Đa phần mang dáng dấp… giáo khoa. Cảm giác tác giả chăm chăm giáo dục trẻ con. Người lớn giả giọng thiếu nhi, thành ra gượng gạo, nếu không phải bắt thiếu nhi mặc áo người lớn thì cũng là nhét suy nghĩ của người lớn vào miệng thiếu nhi. Khô. Và cứng.

“Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” không thế. Ngọt ngào và trong trẻo. Nguyễn Ngọc Thuần bày ra thế giới trẻ thơ đẹp đến tinh khiết, vô trùng. Bảng lảng hiện thực bồng bềnh cổ tích. Quan trọng là đẹp. Những câu văn đẹp, đầy hình ảnh. Những ý nghĩ đẹp, đầy nhân văn. Nhưng thật tự nhiên. Cứ như ở đấy là những đứa trẻ đang chơi với nhau chứ không phải chàng trai Nguyễn Ngọc Thuần cao hơn Tây gầy hơn ta kể chuyện.

Tôi đinh ninh rồi đây “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” sẽ thành cuốn sách đi cùng nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam. Việc nó được NXB Kim Đồng chọn in vào Tủ sách vàng, cùng với tác phẩm của các tác giả có tuổi đời gấp đôi, gấp ba tuổi Nguyễn Ngọc Thuần phần nào giúp tôi có niềm tin ấy.

Việc sách được dịch ra các thứ tiếng Anh, Thụy Điển, Thái Lan, Hàn Quốc và giành được giải thưởng Petet Pan – Giải thưởng của Ủy ban Quốc tế về sách dành cho thiếu nhi tại Thụy Điển, năm 2008, thêm lần nữa giúp tôi củng cố niềm tin. Có lẽ, đã rất lâu rồi, sau “Dế mèn phiêu liêu ký” của nhà văn Tô Hoài, mới có một tác phẩm văn học thiếu nhi Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng đến vậy.

3. Nhưng Nguyễn Ngọc Thuần không chỉ có mỗi văn học thiếu nhi. Sau các trang viết hồn nhiên, trong trẻo cho thiếu nhi, anh cựa mình bật lên, thoát xác. “Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ”, giải B (không có giải A) cuộc thi sáng tác văn học cho tuổi trẻ do NXB Thanh Niên kết hợp với báo Văn nghệ tổ chức, là cú cựa mình như vậy. Rồi người đọc nhớ một Nguyễn Ngọc Thuần “đã lớn”, không lẩn vào đâu được, từ tập truyện “Cha và con và… tàu bay”.

Tôi nhớ như in cảm giác bật cười với hình ảnh cậu bé con lần đầu đi máy bay liên tục đòi bố dẫn đi toilet. Vừa vui vừa quái. Đúng là chi tiết kiểu Nguyễn Ngọc Thuần. Văn của anh như chơi trò thách đố lối nghĩ thông thường ở người đọc. Dường như không thể biết được bên trong chàng trai đất Hàm Tân, Bình Thuận này có những ý nghĩ gì. Mạch ấy được tiếp nối và đẩy lên cao hơn ở các truyện dài về sau của anh.

“Chuyện tào lao”, “Sinh ra là thế”, “Về cô gái này” là những truyện dài dung chứa liên hoàn các chi tiết phi lý. Chính sự phi lý làm rõ hơn cái bất ngờ, bất an, bất hợp tác của con người trong đời sống đương đại.

Mỗi cá thể sống đều như đang bơi trong mơ hồ, mơ màng, mơ tưởng, bấp bênh trong việc định vị mình. Tác giả kéo người đọc đi theo trường phi logic ấy, và rồi thở phào với lối ra bất ngờ, nhẹ nhàng đến khó tưởng. Họa sĩ, biên tập viên Trần Ngọc Sinh gọi đấy là sự hài hước điên khùng huyễn hoặc và sâu lắng. Chất ấy chính là dấu hiệu nhận biết văn chương Nguyễn Ngọc Thuần.

Dường như Nguyễn Ngọc Thuần viết rất dễ, chẳng phải bày binh bố trận hay toan tính gì. Anh từng chia sẻ: “Với tôi, văn chương đơn giản là viết những gì mình thích, chỉ vậy thôi. Tôi thích viết bằng sự trải nghiệm của hiện tại, hay và dở của hiện tại vẫn quyến rũ hơn. Tôi chẳng nghĩ điều gì sâu sắc cả. Thường thì tôi viết linh tinh cho đến lúc nảy ra một vài gạch đầu dòng tự thấy là thú vị, là viết thành sách. Vì thế, tôi thường không bao giờ biết mình sẽ viết câu chuyện gì, chủ đề nào. Một cuốn sách hay vẫn có thể xuất hiện lúc bạn… đau lưng”.

Có lẽ vậy, nên nếu người đọc muốn tìm cái gì đó vâm váp, lớn lao, có tính luận đề theo lối văn chương thông thường thì tốt nhất nên tránh xa… Nguyễn Ngọc Thuần. Văn chương Nguyễn Ngọc Thuần là thứ văn gây cảm giác, chạm vào cảm - giác - người. Theo đó, anh viết về những điều khác biệt hơn, cá nhân hơn, không giống với những gì văn học đã có trước đó. Bởi anh nghĩ có rồi thì chẳng ai đọc lại nữa, dù anh có viết hay hơn thì cũng là món “ựa lên nhai lại”. Người đọc giờ thông minh lắm, họ không phải sinh vật có dạ dày 4 ngăn để sẵn lòng nhai lại.

4. Sự hài hước điên khùng và huyễn hoặc sâu lắng của Nguyễn Ngọc Thuần còn tràn từ trang viết lên các dòng trạng thái trên facebook. Anh giễu nhại chính mình ở chốn lao xao mặt người ấy. Đến như lần phải bước vào cuộc đại phẫu thuật, đặt “quả tim sắt” trong lồng ngực, anh vẫn tỉnh bơ khôi hài. Có lẽ tử thần cũng phải bật cười và chào thua cái sự hài hước của anh.

Thi thoảng, Nguyễn Ngọc Thuần lại có nhận định, chính kiến về các vấn đề hay sự vụ nóng hổi diễn ra hằng ngày. Mọi vấn đề cao siêu rườm rà được nhìn qua con mắt của anh bỗng trở nên rõ ràng, mạch lạc với cách diễn đạt không lẫn vào đâu được, hài hước như chính con người anh. Nhiều dòng trạng thái của Nguyễn Ngọc Thuần lôi cuốn đến mức các báo sẵn sàng in lại.

Có người đùa, rằng Nguyễn Ngọc Thuần làm được cái việc ngược với quy trình của báo chí lâu nay. Thường báo giấy hay báo mạng ra rồi các cá nhân mới trích dẫn về trang riêng. Đằng này, Nguyễn Ngọc Thuần viết trên trang cá nhân của mình lại thành báo. Nói như kiểu miền Nam là: làm chơi mà ăn thật. Thậm chí có dòng trạng thái lôi cuốn đến mức, đôi lần diễn giả tầm cỡ hàng đầu thượng thặng “lôi” về nhà làm của riêng, cố tình lược tên Nguyễn Ngọc Thuần ở cuối, mở ngoặc đơn thêm hai chữ “sưu tầm”, mặc kệ lượng fan nghĩ đấy là sản phẩm của vị diễn giả. Anh cười như chưa gặp chuyện nào hài hơn, đúng là diễn giả mà như… diễn thật.

5. Là họa sĩ trình bày báo Tuổi Trẻ từ khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật đến nay. Ở tuổi 44, Nguyễn Ngọc Thuần đang trong giai đoạn sáng tạo sung sức nhất, dù sức khỏe anh phải duy trì bằng “quả tim sắt”. Nhưng chẳng hề gì. Với người như Nguyễn Ngọc Thuần, mọi thứ nhẹ tựa đám mây hồng. Sẽ chẳng lấy làm bất ngờ, khi bất thình lình anh lại trưng ra bìa sách mới.

Tôi tâm đắc với quan niệm của anh về văn chương, nhẹ nhàng, hài hước nhưng trúng: “Văn chương là tâm tính, tâm hồn, tâm trạng… Chẳng thể nào chuyên nghiệp được mấy cái đó. Nếu bạn thích xuống dòng thì bạn nên xuống dòng, thích viết hoa thì cứ viết hoa. Bởi bạn là người ra luật chơi mà. Bạn đừng vì một cái luật nào đó không cho xuống dòng, không cho viết hoa thế là bạn phải đu theo mặc dù trong tâm hồn bạn không hề muốn thế. Nhưng tôi nghĩ, nếu chấm câu mà truyện vẫn hay thì không có lý do gì hành hạ người đọc chi cho khổ. Tốn nhiều công sức cho một ít ý nghĩa là không chính đáng”.

VĂN THÀNH LÊ
Nguồn: VNCA

Thứ Năm, 25 tháng 10, 2018

NGUYÊN NGỌC: MINH TRIẾT CỦA RỪNG

Tôi bắt đầu đọc Nguyên Ngọc cũng đã khá lâu. Thú thực, các tác phẩm hư cấu của ông: Đất nước đứng lên, Mạch nước ngầm, Đất Quảng… không hấp dẫn tôi nhiều lắm. Có lẽ vì đó là những tác phẩm của một thời, và không phải là thời của tôi? Nhưng ký Nguyên Ngọc thì khác. Cũng được ông viết trong cái thời chiến tranh ấy, mà sao đến giờ đọc lại bài ký "Đường chúng ta đi" vẫn thấy gai người trước một thứ văn xuôi đẹp, vừa giàu chất thơ vừa hừng hực lời hiệu triệu.
Nguyên Ngọc là một trong số ít nhà văn Việt Nam mà văn nghiệp 
không bị đứt đoạn bởi bất cứ lý do nào: chiến tranh, biến động thời cuộc, tuổi tác...Ảnh: TL

Tạng văn Nguyên Ngọc dường như chỉ phát huy đến tối đa năng lực và sức hấp dẫn của nó khi ông dùng đến thể ký. Tập ký gần đây nhất của Nguyên Ngọc, Các bạn tôi trên ấy (NXB Trẻ, 2013), viết về Tây Nguyên, gợi lên khá nhiều điều cần phải suy ngẫm. Nghĩ lại, và nghĩ tiếp.

Trong số hai mươi tư bài của tập ký, bài Nước mội, rừng xanh và sự sống là một bài khá lạ. Nguyên Ngọc không đưa người đọc vào không gian của cao nguyên Nam Trung bộ ngay, mà ông kéo người đọc xuống biển, đúng hơn là xuống vùng đất mấy trăm cây số ven biển Nam Trung bộ, nơi miên man những cồn cát lớn, nơi vốn mặc định trong ý nghĩ của rất nhiều người chúng ta là đất nghèo, nghèo xác nghèo xơ.

Có thật là thế không, có luôn là thế không, khi trong quá khứ, chính ở vùng đất này đã từng hiện diện một vương quốc Champa cực kỳ thịnh vượng? Sự thịnh vượng ấy từ đâu mà có? Câu trả lời: từ nước mội. “Nước mội là nước rỉ ra từ các chân đồi cát, trong veo, mát lạnh, tinh sạch đến mức có thể bụm vào lòng bàn tay, ngửa cổ uống ngay ngon lành. Ở đây người ta vỡ ruộng ngay trên cát, các đám ruộng được gọi là “thổ”, những đám thổ trồng đủ các loại hoa màu. Ở góc thổ bao giờ cũng có một chiếc ao nhỏ, cạn thôi, nhưng quanh năm lúc nào cũng đầy ắp nước, tát đi lại đầy ngay, cả trong những mùa nắng hạn gay gắt nhất” (tr.44). 

Vậy đó, nước mội giúp người dân xứ cát phát triển sản xuất nông nghiệp. Nó cũng giúp họ phát triển hoạt động giao thương biển, khi ít nhất, dù muốn hay không, thương thuyền quốc tế khi qua các cảng biển ở đây vẫn phải cập bờ để “ăn” nước ngọt. Ngọn nguồn của nước mội ở đâu? “Chính rừng Tây Nguyên, từ trên Trường Sơn rất xa xôi kia, đêm ngày, hàng triệu triệu năm nay, như một người Mẹ vĩ đại, bao dung mà tảo tần, hứng lấy tất cả các nguồn nước của đất trời, cất lấy, để dành, tằn tiện, tuyệt đối không phí mất một giọt nào, để từng ngày từng ngày chắt chiu mà bất tận cung cấp cho đứa con đồng bằng của mình, cho sự sống có thể sinh sôi nảy nở, trường tồn trên dải đất cát trông chừng rất khắc nghiệt kia” (tr.46). Từ xa đến gần, rốt cuộc rồi Nguyên Ngọc lại trở về với Tây Nguyên, quê hương tinh thần, vùng yêu (mà cũng là vùng đau) của mình.

Bằng các trang viết về Tây Nguyên trong tập sách, Nguyên Ngọc đã làm hiển lộ một Tây Nguyên với tất cả sự huyền ảo, mê đắm, đơn giản mà minh triết một cách đặc dị của nó. Có thể nói, xuyên qua những biểu hiện phong phú đến rậm rịt của đời sống, của văn hóa các tộc người Tây Nguyên, ông đã tìm thấy “yếu tố nền”, có ý nghĩa chi phối mọi dạng thức tồn tại ở nơi đây. Đó là Rừng. Tây Nguyên chính là rừng. Nguyên Ngọc khẳng định: “Ở Tây Nguyên, rừng là tất cả, bao trùm. Khởi nguyên là rừng. Chúa dạy: Khởi đầu là Lời. Ở đây, khởi đầu là Rừng. Nguyên lai là rừng. Rừng là bắt đầu và tận cùng của mọi thứ trên đời này. Như không gian, như thời gian, vô tận” (bài Người về Kông Chro, tr.177). 

Một không gian rừng, một thực thể rừng kỳ lạ và kỳ diệu. Nó tỏa ra một sức hút, một sức ám đến không thể cưỡng lại được đối với con người. Rải suốt các bài ký, Nguyên Ngọc đã kể cho ta biết, một cách thật thú vị, về nhiều con người bị rừng Tây Nguyên “ám” như thế nào: Nhạc sỹ Y Yơn, nghệ sỹ múa Giang Nga, họa sỹ Su Man, một ông phó tư lệnh quân khu người Hre, rồi Hruck – con trai anh hùng Đinh Núp v.v… toàn những người đang công tác sinh sống yên lành bình thường giữa cộng đồng, bỗng chốc biến mất. Họ “về rừng”, về chỉ để lang thang trong rừng vài ngày, rồi trở lại.

Thậm chí có những con người vốn sinh ra và trưởng thành trong một không gian xã hội khác hẳn, khi đến với rừng Tây Nguyên, lập tức bị chiếm lĩnh hoàn toàn, họ sống trong rừng Tây Nguyên như những người Tây Nguyên suốt hàng chục năm trời. Đó là trường hợp của các nhà dân tộc học Jacques Dournes (tác giả cuốn P’tao, một lý thuyết về quyền lực ở người J’rai Đông Dương) và Georges Condominas (tác giả cuốn Chúng tôi ăn rừng) – những “ông Tây” đã yêu Tây Nguyên và đã thực sự “sống Tây Nguyên”. Nhưng như vậy thì mới chỉ là sự ghi nhận rừng Tây Nguyên ở bề mặt, ở lớp vỏ. Một người gắn bó với Tây Nguyên hơn nửa cuộc đời - cũng là người, nói như nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, “đi rất rộng trong văn hóa, đi rất sát với cuộc sống, với nhân dân, và đi rất sâu trong tư duy” - như Nguyên Ngọc, ắt sẽ còn phát hiện từ đó nhiều điều hơn thế nữa.

Rừng là sức hút và rừng cũng là sức đẩy. Rừng là đam mê và rừng cũng là nỗi sợ. Nếu như tôi không nhầm, có lẽ Nguyên Ngọc là người đầu tiên và cũng là duy nhất cho đến lúc này nhận ra rằng: “Con người Tây Nguyên là con người sống rất chông chênh, trên một ranh giới mong manh, bên này là rừng bên kia là xã hội. Họ luôn bị níu kéo giữa hai bên… Tây Nguyên chính là thế chông chênh kia, một thế chông chênh bền vững, một thế bền vững chông chênh” (bài Các bạn tôi ở trên ấy, tr.72).

Cái thế chông chênh ấy lý giải tại sao người Tây Nguyên, vẫn phải sống ở làng, nhưng lại có những lúc bất chợt tan biến mất vào rừng, lang thang vô định trong rừng, như một thôi thúc tự thân, không thể không thỏa mãn, cho dẫu họ luôn ám ảnh nỗi sợ bị sảy chân, bị rơi tõm vào cái âm u hoang dã của rừng.
Cái thế chông chênh ấy lý giải tại sao vào mùa Ninh Nông hàng năm, khi lúa đã gặt xong, mọi cư dân trong làng người Xơ Đăng lại bỏ tất cả nhà cửa, vật dụng, quần áo mà vào thật sâu trong rừng mươi ngày, nửa tháng, hái lượm tìm cái ăn, cọ đá vào nhau để làm ra lửa, dùng cái cây mà ném con thú… như người nguyên thủy, và năm nào cũng vậy. 

Cái thế chông chênh ấy cũng lý giải tại sao đi giữa rừng Tây Nguyên, thỉnh thoảng ta lại bắt gặp một khoảnh đất lạ, mang dấu vết của một nơi từng là làng: mấy cây mít, xoài, vài bụi ớt hiểm, mấy cây cà đắng, dăm cột nhà cháy… Người Gia Rai gọi đó là rngol, “Rngol là một khoảnh nhỏ con người đã mượn của rừng để thuần hóa làm làng, plei, làm văn hóa, nay lại trả về cho rừng, và hoang dã đang chiếm lại, rất nhanh. Cũng có thể một hôm nào đó con người lại đến đây, lại mượn thêm lần nữa, thuần hóa cho mình một đoạn khúc nào đó, rồi lại trả, cho thành rngol, rồi lại mượn, làm plei, và lại trả…” (bài Akhan, mùa xuân, tr.248). 

Cứ thế, trên thực địa Tây Nguyên của mối quan hệ rừng, đại diện cho tự nhiên, và người, đại diện cho văn hóa, Nguyên Ngọc đã tiến tới một nhận thức mang tính biện chứng về quan hệ giữa văn hóa và tự nhiên: “Văn hóa là sự cố gắng bứt ra của con người khỏi tự nhiên, bứt ra nhưng vẫn cứ phải dính liền, không chìm nghỉm trong ấy nhưng vẫn còn phải nhúng rễ rất sâu trong ấy, nếu không muốn khô khốc, cằn cỗi, chết rụi” (bài Các bạn tôi ở trên ấy, tr.72). Đây là một nhận thức quan trọng, theo tôi, quan trọng đến mức nó có thể và cần phải trở thành kim chỉ nam cho một định hướng phát triển bền vững về mọi mặt ở Tây Nguyên, và không phải chỉ ở Tây Nguyên. 

Trước hết, nó giúp ta hiểu rằng với con người thì tự nhiên chính là bào thai mẹ, là nguồn dưỡng chất, là cái Gốc. Cái cách mà chúng ta đã và đang làm với rừng Tây Nguyên – chặt và đào, hùng hục khai thác, tàn phá rừng đến cùng kiệt – không gì khác hơn, chính là hành động triệt hạ cái Gốc kia. Khô hạn và lũ lụt từ đấy mà ra. Và con người Tây Nguyên, khi không còn rừng nữa, còn có chỗ nào để họ thỉnh thoảng tan biến vào, tự làm mới lại tâm hồn mình bằng cách tắm gội trong ngọn nguồn nguyên thủy?

Còn có không gian nào để từ đó những lễ và hội, những nhà rông nhà dài, những đêm akhan miên man, những ché rượu cần, những cồng và chiêng, những cuộc diễn tấu Klong Put tự nhiên và đầy ngẫu hứng… tồn tại, vận hành trong một thể thống nhất, hữu cơ? Không ít lần Nguyên Ngọc đã lo sợ: “Tây Nguyên đang mất gần sạch rừng xanh rồi. Đại ngàn thì tuyệt đối không còn. Tất cả đang trống trơn, phơi ra đỏ ngầu đất trơ khô cháy. Con người ở đấy rồi sẽ ra sao đây? Thú thật, tôi chưa biết, chỉ lo sợ. Rất lo sợ” (bài Tây Nguyên, mùa lễ hội, tr.270).

Thứ hai, nhận thức trên sẽ giúp ta hiểu đúng về đặc điểm của văn hóa tộc người, tránh được những ngộ nhận, nhờ thế, không ứng xử sai và không dẫm phải vết xe đổ của sự áp đặt văn hóa. Trong tập bút ký này, Nguyên Ngọc đã nêu nhiều dẫn chứng chứng minh điều đó. Người ta xúc phạm đến người Tây Nguyên khi “cả gan” hỏi mua hoặc đặt làm tượng nhà mồ chỉ vì không hiểu rằng tượng nhà mồ không phải thứ làm ra để bán, người chế tác tượng (có thể là bất kỳ ai) không hề nghĩ mình là nghệ sỹ đang sáng tạo nghệ thuật, anh ta thậm chí còn không có chủ định làm ra pho tượng nữa kia. “Ở Tây Nguyên không có người nghệ sỹ chuyên nghiệp. Người ta không làm nghề nghệ thuật. Nghệ thuật tuyệt đối không phải một nghề. Nghệ thuật là đời sống, cách sống, thế thôi. Là hơi thở, là không khí… Ở Tây Nguyên, vậy đó, người ta làm nghệ thuật vì chẳng đừng được. Vì một khao khát tự bộc lộ, tự biểu hiện, tự bóc mình ra, đột ngột ập đến, không cưỡng lại nổi” (bài Tượng gỗ rừng già, tr.33, 34, 35). 

Người ta đã vô duyên, đã phí tiền của công sức khi làm và “đem cho” làng Tây Nguyên cái nhà rông đúng kiểu truyền thống, vì không hiểu rằng nhà rông phải do tự làng làm lấy, sống đời sống của làng, nó chính là linh hồn của làng. “Một cái nhà rông đem cho, dù người cho là ai, dù với thiện chí chân thành đến bao nhiêu và đẹp đẽ đến mấy, sao chép giỏi đến mấy kiểu nhà rông đúng nhất, cổ xưa nhất, vẫn là một ngoại vật, một dị vật trong đời sống của làng” (bài Nhà rông, hồn của làng, tr.57).

Cuối cùng, quan trọng hơn cả, nhận thức trên sẽ giúp ta hiểu đúng giá trị của văn hóa tộc người, từ đó tránh được sự kỳ thị (công khai hoặc ngấm ngầm) về văn hóa. Còn nhớ, vào những năm năm mươi của thế kỷ XX, trong một hội thảo quốc tế về chống phân biệt chủng tộc, nhà dân tộc học lừng danh thế giới Claude Levy Strauss trình bày một bản báo cáo có tên Lịch sử và chủng tộc (đã có bản dịch tiếng Việt, của Huyền Giang) trong đó ông nhấn mạnh: không có những nền văn hóa tộc người cao hơn hay thấp hơn, mà chỉ có những nền văn hóa tộc người khác nhau.

Đọc tập bút ký của Nguyên Ngọc, thấy rõ ràng văn hóa Tây Nguyên là một nền văn hóa khác biệt, và là một sự khác biệt cần phải, rất đáng được trân trọng, cho dẫu đó là sự khác biệt của một thiểu số. Có thể nói, Nguyên Ngọc đã trầm mình vào nó, quan sát, cảm nhận, đánh giá nó với tư cách của một người bên trong chứ không phải một người ở bên ngoài hay ở bên trên. Bởi thế, dễ hiểu tại sao ông đã viết, với đầy sự tự hào về vẻ đẹp của nhà rông Tây Nguyên, vẻ thanh nhã cao quý của già làng Tây Nguyên trong đêm kể sử thi.

Bởi thế, dễ hiểu tại sao ông đã viết, rất say sưa và đầy sự đồng cảm, về bản tính thích đi lang thang vô định của người Tây Nguyên, quan niệm của họ về cái sống và cái chết, đàn ông và đàn bà, hôn nhân và tình dục, làm và chơi, tích lũy và đem cho v.v… Phải đắm đuối với Tây Nguyên đến thế (đắm đuối nhưng tỉnh táo!) ông mới có thể làm được một sự liên hệ thú vị giữa lễ thổi tai với rượu cần, và nhận ra ở đó một triết lý:

Nhớ và quên, ngẫm mà xem, phải chăng nói cho cùng đó là hai lẽ sinh tồn tuy hai mà một, hai mặt chủ yếu không thể tách rời của công cuộc làm người ở đời. Không biết nhớ thì hiển nhiên không thể là con người rồi. Song sống mà không biết quên, không có những lúc biết quên đi đến mức “nẻ cả lỗ tai” thì cũng chẳng thể nào sống nổi trên cõi nhân gian biết mấy khổ đau, quá phức tạp và nhiêu khê này. Cuộc đời này, phải chăng lắm lúc cũng đáng quên biết bao nhiêu, quên phứt đi cho rảnh, cho rồi, mà ngẫm cho cùng cũng lại đáng sống để mà nhớ lấy biết bao nhiêu” (bài Lễ thổi tai và rượu cần, tr.314).
Đó là minh triết mà Nguyên Ngọc nhận được từ văn hóa Tây Nguyên. Minh triết của rừng.

HOÀI NAM
Nguồn: Người Đô Thị




Thứ Tư, 24 tháng 10, 2018

ĐỌC TRUYỆN NGẮN ĐỖ BÍCH THUÝ

Tôi xin kể bạn nghe một câu chuyện tình lãng mạn của đôi trai gái quê ở dưới xuôi, vùng đất chiêm khê mùa thối Nam Hà. Họ vừa đến tuổi trăng tròn, vừa mới yêu nhau thì chàng trai nghe theo tiếng gọi của đoàn thể lên đường tòng quân đánh Pháp.
Nhà văn Đỗ Bích Thuý

Sau khi thắng trận Điện Biên lẫy lừng, chàng trai ấy về quê lấy vợ. Thời cuộc đã đổi thay, một lần nữa chàng trai lại nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ chức, đã đưa nàng cùng xung phong lên miền núi "vời vợi nghìn trùng" xây dựng quê hương mới tại vùng đất này, đôi vợ chồng trẻ đã sinh hạ được ba người con, hai trai một gái. Cô con gái út èo uột, mẹ thì thiếu sữa, con thì đêm đêm khóc ngằn ngặt "dạ đề", còn người cha thì vì mải mê công tác, suốt ngày, suốt tháng, suốt năm trên đường rừng chở gỗ về xuôi, chở muối gạo từ xuôi lên núi...

Tiếng khóc của cô bé còi cọc ấy lan vào rừng núi, đến với bản làng người Mông và những bà mẹ trẻ người Mông đã vào Lâm trường cho cô bé bú. Cô bé lớn lên trong vòng tay của chi đoàn lâm trường, với dòng sữa của những bà mẹ Mông nơi núi rừng thâm u yêu dấu kia, và sau đó cô được cắp sách đến trường. Cô nói được tiếng địa phương, ăn được mèn mén (tất nhiên) và, cô đã ăn được cả cái văn hoá vùng cao từ thuở lọt lòng để đến bây giờ chúng ta có được cô: ấy là nhà văn Đỗ Bích Thuý.

Đó không phải là sự ngẫu nhiên.

Thực ra cũng chẳng có gì đặc biệt, vì thời thế, thế thời phải thế.

Tôi được đọc những truyện ngắn đầu tiên của Đỗ Bích Thuý khi cô còn học ở trường báo chí gửi tới dự thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội mà hồi đó tôi là biên tập viên, là thành viên ban sơ khảo. Hình như đó là hai cái truyện đầu tiên của Đỗ Bích Thuý, và cũng là hai truyện cuối cùng của cuộc thi: “Sau những mùa trăng” và "Đêm cá nổi”. Chùm truyện gửi tới sau cùng ấy đã chinh phục ban chung khảo ở "phút 89", khi mà giải nhất "suýt nữa" đã thuộc về chàng trung uý trẻ Nguyễn Đình Tú có văn phong chỉn chu sạch sẽ...

"Sau những mùa trăng" là câu chuyện tình đặc sắc giàu chất lãng mạn, thơ mộng mà cũng quyết liệt của đôi trai gái người Mông. Không phải của đôi trai gái mà là của những người con trai những người con gái Mông bản Vần Chải. Cuộc sống và tình yêu của họ được tác giả là người trong cuộc cùng chia sẻ, tạo cho người đọc cùng ùa vào sống chung một không gian văn hoá Mông hết sức đáng yêu, hết sức gần gũi, thân thuộc, cùng các nhân vật và cùng tác giả nhập cuộc với những gì đã và đang diễn ra trên nương, ngoài bến sông, dưới chân vách đá, cùng quả còn ngày hội, tiếng khèn lá đêm trăng, tiếng ngựa hí, tiếng quẫy của cá vật đẻ, đêm rừng đá, rừng cây, đêm bên khung cửi dệt vải và tiếng xay lúa ù ù của người chị dâu goá chồng, cảnh sinh hoạt của người Mông trong những căn nhà tường chình đất bao đời trong thung lũng đá...

Đỗ Bích Thuý có khả năng viết truyện về cảnh sinh hoạt truyền thống của người miền cao một cách tài tình. Không truyện nào là không kể về cách sống, lối sinh hoạt, nết ăn nết ở và cả cảnh sinh hoạt lễ hội, phong tục tập quán. Truyện nào cũng hay cũng mới, cũng lạ mặc dù tác giả không hề cố ý đưa vào những chi tiết lạ. Thế mà đọc đến đâu ta cũng sững sờ và bị chinh phục bởi những chi tiết rất đặc sắc chỉ người miền cao mới có. Con bìm bịp uống rượu cùng lão già say thuốc phiện. Đêm nào hai "nhân vật" ấy cũng cùng uống cùng hút và cùng say... Chàng trai si tình đêm đêm ngồi trên phiến đá gần nhà cô gái đợi trăng lên. Trăng lên cùng với tiếng khèn lá, một đêm, hai đêm, ba bốn năm đêm, bảy đêm... chín đếm. Lá chất lên đầy phiến đá mà người tình vẫn không ra khỏi nhà... Thú thực đọc xong tôi cứ ngẩn ngơ vì sự tinh tế và vẻ đẹp "hoành tráng" của đêm miền cao, của cái sự yêu đương gian truân mà quyến rũ, của sự vật mình sinh nở của thiên nhiên, của tình yêu thiên nhiên, tình cảm sâu nặng đầy huyền hoặc của những con người bình dị. Dường như họ chính là hiện thân của thiên nhiên. Thiên nhiên và con người hoà quyện vào nhau tạo nên vẻ đẹp thần kỳ. Đỗ Bích Thuý viết về mình, về chính cái sự trở về của mình.

"Nửa đếm. Tôi giật mình tỉnh dậy mới biết là mình mơ. Tôi cảm thấy có ai đó mơn man những ngón tay mềm lên mặt mình. Ra là ánh trăng. Trăng cuối tháng lên muộn, mới đang chỉ lấp ló trên đỉnh Thúng Khiếu, lọt những tia sáng ngả xanh trên vách nứa. Gió vẫn rít lên khe khẽ, trăng càng sáng thì trời càng thêm lạnh. Mùi thuốc nam còn tươi bà tôi đem phơi sương bay vào dễ chịu….

Giữa sân, bếp lửa vẫn còn ấm sực nhờ hai gộc củi chụm vào nhau đang ngun ngún cháy không thành ngọn. Trong gia đình người Tày lửa không bao giờ được tắt. Khi nào bếp không có lửa ắt là điềm gở. Người già chọn con dâu, chỉ cần nhìn cách chụm lửa, cách đun bếp là đủ biết có khéo có đảm hay không" …

Rồi:

“… Ở rừng, mùa mưa thường đến sớm. Trên này mưa chán chê rồi mà dưới xuôi có khi vẫn còn khô hạn. Trước mùa mưa, cua bò lổm ngổm từ suối lên, sáng ra thấy cua bậu kín cả chân cầu thang, ấy là lúc ngô lúa, đậu lạc phải mau mau mang về. Biết vậy mà hầu như năm nào cũng có những thửa ruộng chưa kịp thu hoạch chỉ vì con lũ tràn về nhanh quá…” (Đêm cá nổi).

Những đoạn văn hay như thế, giản dị như thế tràn ngập trong tập truyện ngắn "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của Đỗ Bích Thuý.

Với Đỗ Bích Thuý truyện ngắn không nệ đề tài. Tôi ngỡ ngàng khi đọc xong truyện ngắn "Cột đá treo người" viết về thời trước cách mạng, thời mà các lý trưởng là trung tâm của làng quê Việt Nam, kể cả miền xuôi lẫn miền ngược. Không phải bằng cốt truyện éo le hai anh em sinh đôi ở bản nọ, con một nông dân truyền đời nợ nhà lý trưởng, phải làm con ở gán nợ, rồi cùng yêu một nàng May hay Mảy nào đó, rồi anh một ngả, em một nơi... Đây là câu chuyện kể về cây cột đá có thật ở Đồng Văn, về một anh Vàng, anh Sàng ở trong bản người Mông có thật. Họ chỉ cần làm trái ý lý trưởng là bị hắn đem treo lên cột đá cho quạ rỉa! Trời ạ! Thân phận con người không bằng con vật… Vậy muốn làm người thì phải vùng lên thôi. Và nếu vùng lên không được thì phải trốn vào rừng làm phỉ. Vâng. Làm thổ phỉ! Câu chuyện được Đỗ Bích Thuý dựng lại không bằng sự gồng mình ôn nghèo kể khổ, không bằng nỗi uất ức hận thù. Nó được viết ra, kể ra như nó đang diễn ra. Nặng nề. Kinh khiếp. Như cái thời đen tối kinh khiếp ấy vừa diễn ra vậy.

Tôi có cảm giác Đỗ Bích Thúy còn quá nhiều điều để viết về miền rẻo cao xa xôi nhưng gần gũi, tuyệt vời đẹp ấy của đất nước ta. Tôi cũng là người mê viết truyện ngắn và mê cao nguyên đá kỳ vĩ Hà Giang, nhưng đọc truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy, tôi thực sự ngả mũ... chào thua! Dẫu đây mới chỉ là mở đầu. Một mở đầu mơ ước của một nhà văn.

Cùng với Nguyễn Ngọc Tư ở Nam bộ, viết về vùng quê Nam bộ. Ở miền cao cực Bắc, Đỗ Bích Thúy xuất hiện với hàng loạt truyện ngắn viết về miền cao Hà Giang. Truyện nào của Đỗ Bích Thuý cũng đem đến cho ta một cảm giác mới, một vẻ đẹp mới, giàu bản sắc của một vùng đất văn hoả vừa huyền hoặc vừa rất cuộc đời.

TRUNG TRUNG ĐỈNH
Nguồn: NVTPHCM


Thứ Hai, 22 tháng 10, 2018

LY HOÀNG LY - TỪ LÔ LÔ ĐẾN 0395A.ĐC

Những năm gần đây, Ly Hoàng Ly đã được cộng đồng nghệ thuật trong nước và quốc tế biết đến nhiều hơn. Năm 1999, Ly tốt nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM. Năm 2011, Ly được học bổng master của Fulbright và thực tập tại Joan Flasch Artists’ Book Collection, SAIC…
Nhà thơ, nghệ sĩ Ly Hoàng Ly

Tôi thật sự choáng ngợp với triển lãm cá nhân của Ly Hoàng Ly, thuộc dự án đang tiếp diễn 0395A.ĐC, tại Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory vào một sáng tháng tám.

Triển lãm đã cho thấy sự đa dạng của việc xóa nhòa đường biên nghệ thuật giữa truyền thống và hiện đại. Tác giả đã trình bày sự kết hợp giữa văn bản và điêu khắc, thơ ca và trình diễn, âm thanh và nghệ thuật công cộng… với những hàm ý sâu sắc. Tất cả khiến tôi chợt nhớ về những câu thơ của Ly từ thời Lô lô mới xuất bản - như một hiện tượng thơ; có lẽ đó là những dòng máu ban đầu đang trở mình cuộn chảy trong thực thể cao lớn 0395A.ĐC ngày nay. 

Từ thơ đến nhà - thuyền - nước và những chuyển động 

“Công chúng chính là điểm đến của tác phẩm”, Ly đã nói và đã thực hiện đúng định hướng đó trong lần triển lãm này, không chỉ để nhấn mạnh tính tương tác mà còn là sự nối kết đa chiều. Tôi không thể không nhớ lại những năm Ly còn là một cô bé:

 "Cắt đêm thành từng mảnh nhỏ
Rồi khâu đêm lại bằng tóc
Tóc thưa dần thưa dần
Những đường rãnh trắng hếu đưa ta đi hết đêm này đến đêm khác
Cho đến khi đầu trọc
Cắt ta ra từng mảnh nhỏ
Rồi khâu ta bằng hết đêm này đến đêm khác
Cho đến khi trắng hếu đêm
.
(Cắt - Trích tập Lô lô)

Những năm gần đây, Ly Hoàng Ly đã được cộng đồng nghệ thuật trong nước và quốc tế biết đến nhiều hơn. Năm 1999, Ly tốt nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM. Năm 2011, Ly được học bổng master của Fulbright và thực tập tại Joan Flasch Artists’ Book Collection, SAIC.

Một tờ báo uy tín trong lĩnh vực này từng nhận xét về Ly: "Tiếp cận nghệ thuật bằng lăng kính liên kết đa ngành và đa phương pháp, qua thực hành của mình, Ly Hoàng Ly đặt ra những chất vấn về thân phận con người nói chung: về bản chất biến thiên của căn tính và lịch sử, về tính thích ứng và khả năng chấp nhận, những vấn đề chung như sự chia rẽ và tính đoàn kết, thích ứng và chấp nhận". 

Điều đó thể hiện khá rõ qua một số triển lãm ấn tượng của Ly Hoàng Ly: Căn tính đối kháng với toàn cầu hóa (Gallery Quốc gia, Bangkok, Thái Lan; Bảo tàng ĐH Mỹ thuật Chiang Mai, Thái Lan và Bảo tàng Dahlem, Berlin, Đức, 2004), Transpop: Korea Vietnam Remix (Trung tâm nghệ thuật Arko, Seoul, Hàn Quốc; Trung tâm nghệ thuật Yerba Buena, San Francisco, Mỹ và Sàn Art, TP. HCM, 2007), Kết nối: Nghệ thuật Việt Nam (Ifa Gallery, Berlin & Stuttgart, Đức, 2009), Con người với không gian (Richard Gray Gallery, Chicago, Mỹ, 2012), Phẳng chung thủy - cộng tác với giáo sư toán Ngô Bảo Châu (Viện nghiên cứu cao cấp về Toán, Hà Nội; Thư viện sách nghệ sĩ Joan Flasch, SAIC, Chicago và North Branch Projects, Chicago, Mỹ, 2014). 

Tác phẩm của Ly Hoàng Ly còn có mặt tại hai triển lãm quan trọng của năm 2016 tại Việt Nam: Mở cửa - Mỹ thuật 30 năm thời kỳ đổi mới (1986-2016) và Vietnam Eye: Nghệ thuật đương đại Việt Nam (Hà Nội, Việt Nam).

Triển lãm gồm 9 tác phẩm được xếp từ 0 đến 8. Phần 1 - Thuyền nhà thuyền (12 khối thép, tổng trọng lượng 21 tấn, cao 3,8m,  dài 7,2m, rộng 6,9m). Đỉnh cấu trúc hình dáng con thuyền. Trụ đáy mang hình dáng ngôi nhà. Và ngược lại. Tác phẩm soi rọi khắp không gian, mang trong mình toàn bộ suy tư, ý niệm và nền tảng triết lý của toàn
triển lãm.

Phần 2 - Thuyền nhà thuyền (thép, sắt, gỗ). Mở ra với hình hài ngôi nhà. Đóng lại với hình hài con thuyền. Khúc giữa xếp gấp, trải ngang theo đường chân trời như những đợt sóng. Trên bề mặt những đợt sóng ẩn hiện các ghi chép về hành trình của sự mất mát (mái ấm và người thân), của sự sợ hãi (trước cái chết và cái chưa biết, chưa thấy) và của sự lạc chốn (của căn tính và cội rễ) trên quãng đường lênh đênh trên biển. Suốt quá trình này, căn tính, văn hóa và cảm thức thuộc về một nơi chốn họ bị tách rời; ký ức về thời gian, không gian và lịch sử của họ bị chuyển dịch; vì thế liên tục hình thành và biến đổi. 

Các phần còn lại: Từ 0395A.ĐC (gỗ và các đồ vật), Cảnh (vàng lá, bạc lá, chì, mực, acrylic, sơn mài trên toan 21 đơn vị, mỗi đơn vị 76cm x 76cm), Tôi uống nước (video performance), Tôi là đá (video performance), đến mô hình Thuyền nhà thuyền... Tất cả tạo nên một quần thể gắn bó, hỗ trợ và mở rộng trường liên tưởng tạo được những chuyển động cần thiết trong mạch tư duy của thưởng lãm.


0395A.ĐC và dư luận

Tại triển lãm, tôi được gặp khá nhiều người xem trẻ, là trí thức trong và ngoài nước. Hầu hết người xem đều chạm được vào một hoặc nhiều góc nhìn về tác phẩm. Những di chuyển, chuyên chở, tiếp nối, mất mát và cả những đứt đoạn trong trí nhớ lịch sử... chính là bản chất đời sống. 

Tất cả được tái hiện một cách cô đọng. Nó không được bố trí ngoài trời như các triển lãm khác mà đặt trong không gian hẹp của Trung tâm nghệ thuật đương đại để nói lên sự khao khát bứt phá, khao khát tự do, khao khát vượt thoát các quy định, phá vỡ các ranh giới... Nhưng chưa được, tất cả vẫn còn bị nhốt kín. 

Bất ngờ lớn nhất của tôi là tác phẩm với hình thức sắp đặt này tuy mới mẻ ở Việt Nam nhưng không hề khó hiểu đối với người Việt. Bạn Lê Quang Hải (sinh viên khoa Mỹ thuật công nghiệp, Trường ĐH Văn Lang) nhận xét: "Triển lãm đã gợi lên một trường liên tưởng khá rộng, khá sâu! Biểu tượng chính về thuyền, nhà và con sóng trườn ngang muốn nhấn mạnh các bước chuyển bản chất của đời sống, chưa hẳn là phát triển, có thể chỉ là sự dịch chuyển, ngay những biến động dù nhớ hay quên cũng nằm lọt thỏm trong sự dịch chuyển quy luật đó". 

Ở một góc nhìn khác, bạn Vũ Tony (sinh viên ngành giáo dục học tại Mỹ) đánh giá: "Có lẽ tác giả muốn kể lại câu chuyện đời sống, câu chuyện văn hóa, câu chuyện lịch sử... Tất cả chông chênh, tưởng liền mạch nhưng luôn bị gián đoạn; tưởng con người sẽ nhớ hết nhưng kỳ thực những khoảng trống lãng quên trong đời sống cũng nhiều như những điều nhớ được, mà có khi những vùng trống ấy lại tạo thành một loại giá trị khác của đời sống. Tôi đánh giá cao tác phẩm này, nhất là trên mặt bằng mỹ thuật đương đại ở Việt Nam".

Bill Nguyễn (trợ lý giám tuyển tại Factory, đồng sáng lập và đồng giám tuyển Không gian nghệ thuật Manzi - Hà Nội, giám tuyển của triển lãm này) đánh giá: "Xuyên suốt triển lãm, một số yếu tố thị giác đặc biệt như hình ảnh con thuyền, ngôi nhà và nước được điệp lại (làm rõ), phóng lớn (nâng tầm quan trọng) rồi thu nhỏ (hạ tầm) trong khi các yếu tố khác, như tên người, địa danh và quốc gia, lại được đặt ở những vị trí khuất tầm mắt (làm mờ) hay hoàn toàn bị che phủ (ẩn giấu đi). Tính chất đứt gãy, thậm chí có phần bạo lực của các cặp hành vi phóng lớn/thu nhỏ, cường điệu/giảm nhẹ, gạch bỏ/chú trọng, hình dung thứ chưa được thấy/giải thị hiện thứ không thể nhìn thấy trở thành cơ chế giúp ta định vị và di chuyển trong 0395A.ĐC. Nghệ sĩ Ly Hoàng Ly đã tháo gỡ mối ràng của các yếu tố thị giác, ẩn mờ những gì không được biết, sau đó lại lật tỏ chính những che giấu của mình. Sắc bén bình luận cách thức mà lịch sử được ghi nhớ và lưu hành, cô tháo dỡ nó, lộn trái nó, buộc nó đối diện chính mình".

Triển lãm của Ly Hoàng Ly là một triển lãm đa phương tiện bao gồm tranh, điêu khắc, installation, video performance, điêu khắc mang tinh thần nghệ thuật công cộng (public sculpture) và sách nghệ sỹ... Với vẻ đẹp hoành tráng, đa chiều, triển lãm đã nói lên nhiều điều, nhiều góc độ về đời sống, lịch sử, văn hóa. Vì thế, triển lãm góp phần không nhỏ trong việc mở rộng đường biên nghệ thuật và tạo các mối giao thoa cần thiết cho mỹ thuật nước nhà.

Nhân đây, cũng xin bày tỏ thêm một mong ước: Mong những tác phẩm nghệ thuật công cộng của nghệ sỹ Việt Nam sẽ được chú ý đầu tư từ khâu quy hoạch đô thị để không chỉ đáp ứng cho nhu cầu đời sống và hưởng thụ của người dân mà còn tạo ra sức thu hút du lịch có lợi cho quốc gia.
  
NGUYỄN HIỆP
Nguồn: PHỤ NỮ TPHCM 9-2017

CHUYỆN VỀ NHÀ VĂN SƠN NAM, NHÀ THƠ NGUYỄN BÍNH

Những năm sáu mươi của thế kỷ 20, do làm cùng một ban của cơ quan báo chí nọ nên tôi có quen anh, sau đó chúng tôi thành thân nhau, và khi biết anh hơn tôi mấy tuổi, tôi nói với anh xin kết nghĩa anh em. Anh bằng lòng ngay. Rồi một hôm, nhân tôi tìm được một cuốn truyện ngắn in đã lâu, tác giả là nhà văn Sơn Nam, tôi đọc một mạch, sau một ngày hết veo hơn ba trăm trang.
Nhà văn Sơn Nam

Cũng bởi biết tôi đọc cuốn sách của tác giả Sơn Nam, anh nói nhỏ: “Để lúc nào mình kể về nhà văn Sơn Nam cho mà nghe. Tác giả ấy mình cũng rất yêu; và nữa, mình với anh ấy cũng là chỗ bạn thân như mình với cậu vậy”. Giờ, tôi xin nói vài nhời nữa về người anh mà tôi kết nghĩa: Tên anh là Huỳnh Minh Nhựt, cháu ruột của cụ Huỳnh Tấn Phát (Thủ tướng Chính phủ lâm thời của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam).

Anh Nhựt là dân miền Nam, tập kết ra Bắc. Những năm kháng Pháp, anh Nhựt công tác ở R. trong cơ quan thuộc Bộ tư lệnh miền của đồng chí Lê Duẩn. Anh Nhựt được phân công làm về báo chí. Dưới đây tôi xin được chép lại lời anh Huỳnh Minh Nhựt kể về nhà văn Sơn Nam:

“Có thể nói thế này về một đặc điểm của anh Ba Duẩn, anh rất mê đọc sách, nhất là các sách về triết học và văn học. Và nhà văn miền Nam mà anh Ba Duẩn rất quí trọng và thân tình là nhà văn Sơn Nam. Tất cả các truyện ngắn, các thể loại văn xuôi do nhà văn Sơn Nam viết thì đều chép ra một bản để dành đưa cho anh Ba Duẩn đọc.

Đấy là chưa kể đến chuyện cứ mỗi lần Sơn Nam vào thăm anh Ba Duẩn, theo nguyện vọng của anh Ba, nhà văn Sơn Nam đều đọc để anh Ba nghe. Nhà văn Sơn Nam có bản tính là bất cứ truyện ngắn hay thể loại văn xuôi nào, do mình viết ra, anh ấy đều thuộc lòng, nên cứ vậy nhà văn đọc ra để anh Ba thưởng thức.

Thế rồi, những ngày kháng chiến chống Pháp, nhà văn Sơn Nam từ R. là rừng miền Tây Nam Bộ, viết ra bao nhiêu thể loại văn xuôi và truyện ngắn, thì ông ấy đều tìm cách gửi về Sài Gòn cho một nhà xuất bản in. In xong, họ gửi ra chiến khu cho tác giả độ vài chục cuốn sách, còn đâu thì họ bán ở Sài Gòn, và bán cứ hết vèo vèo. Sách của anh ấy rất được độc giả Sài Gòn ưa chuộng.
Nhà thơ Nguyễn Bính

Nhận được sách biếu, việc đầu tiên là anh ấy đến tôi, rồi vào gặp anh Ba Duẩn để tặng sách. Vậy là đêm ấy, mình chuẩn bị một chiếc măng xông ngon lành, để thắp cho anh Ba Duẩn đọc tập sách mới in của nhà văn Sơn Nam. Mỗi khi anh Ba thức đêm đọc, thì mình làm một việc là đúng 23 giờ đêm vào nhắc anh Ba giờ giấc, và báo cáo anh Ba lịch họp và làm việc  ngày mai. Nhưng rất lạ nhé.

Lần nào cũng vậy, anh Ba đồng ý với sự nhắc nhở của mình, nhưng vẫn đọc, có đêm tới sáng luôn. Vậy mà, sáng hôm sau anh vẫn rất tỉnh táo vào điều khiển một cuộc họp, hay làm việc với các ban, ngành. Khi anh Ba đọc xong tập văn xuôi của Sơn Nam thì thể nào hai người sau đó cũng có một cuộc trò chuyện, mà tiếng cười hoan hỉ của họ vui râm ran.

Đến ngày cơ quan Bộ tư lệnh chuẩn bị tập kết ra Bắc, anh Ba Duẩn bảo mình đi gọi nhà văn Sơn Nam đến, và chuẩn bị mọi thủ tục để mời Sơn Nam cùng tập kết ra miền Bắc. Anh Ba nói: “Ra ngoài đó Trung ương nuôi cho nhà văn Sơn Nam sáng tác về Nam Bộ, về miền Tây Nam Bộ, để đồng bào miền Bắc có sách đọc, giàu có thêm vốn hiểu biết về miền Nam”.

Mình đi mời nhà văn Sơn Nam vào gặp anh Ba. Ấy vậy mà rồi anh Ba Duẩn nói thế nào, nhà văn Sơn Nam cũng nhất quyết không đi. Nhà văn nói tha thiết: “Anh Ba ơi, em là con cá mà miền Tây này là nước, là nước anh Ba ơi. Không lẽ anh vớt cá lên khỏi nước sao. Em ở lại mà, dẫu ở lại thì em vẫn là người của cách mạng, của anh Ba chứ”. Anh Ba Duẩn nghe thế, đành phải đồng ý và ngậm ngùi nói: “Em mà ở lại thì ta nhớ em đến chết mất”. Nhà văn Sơn Nam cũng nói: “Thế anh tưởng, em không nhớ anh sao. Anh Ba và các anh đi rồi, em chỉ ở lại đây, và em viết tiếp, rồi khi có người ra ngoài đó, em gửi truyện rồi văn xuôi của em ra biếu anh”.

Còn dưới đây là câu chuyện nữa của một anh từ chỗ nhà văn Sơn Nam toạ lạc, khi thời Diệm Thiệu, anh ấy ra miền Bắc có việc báo cáo với Trung ương, anh ấy đã kể lại như sau: Nhà văn Sơn Nam mở một ngôi trường nhỏ, rất nhỏ, chỉ có một gian rộng chừng hai chục mét vuông thôi, và dạy đâu chừng hơn một chục trẻ nhỏ. Ngoài cửa ra vào, gần sát mái lá có biển treo đề mấy chữ: “Học đường Sót Nót”. Bọn dân vệ và lính nguỵ đi càn qua chỉ nhòm thấy có trẻ con ngồi học, và lắng nghe thầy Sơn Nam giảng bài, hoặc nắn nót viết chữ trên bảng đen, để các em ở dưới cắm cúi viết vào vở học. Cán bộ ta nằm vùng ở đó, có người ngước nhìn hàng chữ: “Học đường Sót Nót” thì hỏi: “Nó là cái gì bay ơi. Là tên một loài cây ở Bời Lời rừng Cà Mâu à?” thì nhà văn Sơn Nam cười cười nói nhỏ: “Đúng, tên của loài cây như anh nói đó, và cũng là Học đường Sơn Nam...”.

Người kia gật gù có vẻ khoái trí, nhưng vẫn thắc mắc nói: “Sao không viết thẳng ra, mà còn vòng vo Sót Nót# (#Sót Nót: gốc chữ của tiếng Anh South và North nghĩa Nam Bắc. Đây là nhà văn Sơn Nam viết theo đúng với giọng nói nông thôn của người miền Tây Nam Bộ)”. Nhà văn Sơn Nam mới ghé sát tai người kia tiếp, nhỏ giọng: “Nó nghĩa là Nam Bắc là một. Hiểu rồi chứ?”. Người kia khoái trí quá vỗ tay ran và tiếp: “Biết ngay mà, ông vốn là người thâm thúy và luôn thích đùa. Nhớ anh Ba Duẩn nhiều hở?”. “Nhớ lắm!”, Sơn Nam nói.

Anh Huỳnh Minh Nhựt kể tiếp: “Có một nhà thơ nữa mà anh Ba Duẩn vô cùng yêu thích thơ của anh ấy, đó là nhà thơ Nguyễn Bính. Chính anh Ba Duẩn bảo mình nhiều lần là phải thuyết phục bằng được nhà thơ Nguyễn Bính nhận lời đi tập kết. Hồi ở R. anh Ba Duẩn cứ hôm nào thưa việc, lại bảo mình đưa Nguyễn Bính vào chơi với anh Ba, đọc thơ cho anh ấy nghe.

Anh Ba Duẩn có nói: “Đọc thơ của Nguyễn Bính càng thêm yêu cái làng quê của đồng bằng sông Hồng”. Khi anh Ba Duẩn biết nhà thơ Nguyễn Bính phổ thơ toàn bộ Bộ kinh của đạo Hoà Hảo của ông giáo trưởng Huỳnh Phú Sổ thì tấm tắc khen mãi. Anh Ba Duẩn bảo với mình rằng cách nay, năm ngoái anh đã đọc toàn bộ kinh của đạo Hoà Hảo, và thấy kỳ lạ là sao lại có thể giống giọng thơ của miền Bắc đến thế, thì hoá ra là như vậy.

Cái hôm nhà thơ Nguyễn Bính vào trò chuyện với anh Ba Duẩn, anh Ba hỏi nhà thơ Nguyễn Bính về chuyện đã phổ thơ vào Bộ kinh của đạo Hoà Hảo, nghe xong nhà thơ nhận ngay, và hỏi anh Ba: “Anh Ba có muốn nghe lại toàn bộ kinh của đạo Hoà Hảo mà em phổ thành thơ không?” Anh Ba Duẩn đáp ngay: “Có có! Bính đọc đi”. Nhà thơ Nguyễn Bính tiếp: “Bộ kinh đạo Hoà Hảo em phổ thành thơ,  ông giáo trưởng Huỳnh Phú Sổ rất mê. Bộ kinh có 3.202 câu thôi mà, em đọc nhé”.

Vậy là nhà thơ Nguyễn Bính cứ thế tuôn ra như suối chảy. Đến lúc nhà thơ Nguyễn Bính tạm ngừng nghỉ, để nhấp chén trà cho trong giọng, thì anh Ba Duẩn thong thả: “Em phổ thơ rất hay và có ý nghĩa lắm. Chúng ta, những người làm cách mạng vì dân tộc, vì đất nước, thì càng phải am hiểu một cách sâu sắc những câu kinh của đạo như thế này. Đây cũng chính là tâm ý, là nguyện vọng tha thiết của một bộ phận nhân dân mình đấy chứ. Nào, em đọc tiếp đi”.

Anh Ba Duẩn sửa lại tư thế ngồi, và trang trọng nghe nhà thơ Nguyễn Bính đọc ngân nga cho đến câu kinh thứ 3.202, là toàn bộ Bộ kinh của đạo Hoà Hảo

BÙI BÌNH THI
Theo ANTGCT

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU