Thứ Tư, 24 tháng 10, 2018

ĐỌC TRUYỆN NGẮN ĐỖ BÍCH THUÝ

Tôi xin kể bạn nghe một câu chuyện tình lãng mạn của đôi trai gái quê ở dưới xuôi, vùng đất chiêm khê mùa thối Nam Hà. Họ vừa đến tuổi trăng tròn, vừa mới yêu nhau thì chàng trai nghe theo tiếng gọi của đoàn thể lên đường tòng quân đánh Pháp.
Nhà văn Đỗ Bích Thuý

Sau khi thắng trận Điện Biên lẫy lừng, chàng trai ấy về quê lấy vợ. Thời cuộc đã đổi thay, một lần nữa chàng trai lại nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ chức, đã đưa nàng cùng xung phong lên miền núi "vời vợi nghìn trùng" xây dựng quê hương mới tại vùng đất này, đôi vợ chồng trẻ đã sinh hạ được ba người con, hai trai một gái. Cô con gái út èo uột, mẹ thì thiếu sữa, con thì đêm đêm khóc ngằn ngặt "dạ đề", còn người cha thì vì mải mê công tác, suốt ngày, suốt tháng, suốt năm trên đường rừng chở gỗ về xuôi, chở muối gạo từ xuôi lên núi...

Tiếng khóc của cô bé còi cọc ấy lan vào rừng núi, đến với bản làng người Mông và những bà mẹ trẻ người Mông đã vào Lâm trường cho cô bé bú. Cô bé lớn lên trong vòng tay của chi đoàn lâm trường, với dòng sữa của những bà mẹ Mông nơi núi rừng thâm u yêu dấu kia, và sau đó cô được cắp sách đến trường. Cô nói được tiếng địa phương, ăn được mèn mén (tất nhiên) và, cô đã ăn được cả cái văn hoá vùng cao từ thuở lọt lòng để đến bây giờ chúng ta có được cô: ấy là nhà văn Đỗ Bích Thuý.

Đó không phải là sự ngẫu nhiên.

Thực ra cũng chẳng có gì đặc biệt, vì thời thế, thế thời phải thế.

Tôi được đọc những truyện ngắn đầu tiên của Đỗ Bích Thuý khi cô còn học ở trường báo chí gửi tới dự thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội mà hồi đó tôi là biên tập viên, là thành viên ban sơ khảo. Hình như đó là hai cái truyện đầu tiên của Đỗ Bích Thuý, và cũng là hai truyện cuối cùng của cuộc thi: “Sau những mùa trăng” và "Đêm cá nổi”. Chùm truyện gửi tới sau cùng ấy đã chinh phục ban chung khảo ở "phút 89", khi mà giải nhất "suýt nữa" đã thuộc về chàng trung uý trẻ Nguyễn Đình Tú có văn phong chỉn chu sạch sẽ...

"Sau những mùa trăng" là câu chuyện tình đặc sắc giàu chất lãng mạn, thơ mộng mà cũng quyết liệt của đôi trai gái người Mông. Không phải của đôi trai gái mà là của những người con trai những người con gái Mông bản Vần Chải. Cuộc sống và tình yêu của họ được tác giả là người trong cuộc cùng chia sẻ, tạo cho người đọc cùng ùa vào sống chung một không gian văn hoá Mông hết sức đáng yêu, hết sức gần gũi, thân thuộc, cùng các nhân vật và cùng tác giả nhập cuộc với những gì đã và đang diễn ra trên nương, ngoài bến sông, dưới chân vách đá, cùng quả còn ngày hội, tiếng khèn lá đêm trăng, tiếng ngựa hí, tiếng quẫy của cá vật đẻ, đêm rừng đá, rừng cây, đêm bên khung cửi dệt vải và tiếng xay lúa ù ù của người chị dâu goá chồng, cảnh sinh hoạt của người Mông trong những căn nhà tường chình đất bao đời trong thung lũng đá...

Đỗ Bích Thuý có khả năng viết truyện về cảnh sinh hoạt truyền thống của người miền cao một cách tài tình. Không truyện nào là không kể về cách sống, lối sinh hoạt, nết ăn nết ở và cả cảnh sinh hoạt lễ hội, phong tục tập quán. Truyện nào cũng hay cũng mới, cũng lạ mặc dù tác giả không hề cố ý đưa vào những chi tiết lạ. Thế mà đọc đến đâu ta cũng sững sờ và bị chinh phục bởi những chi tiết rất đặc sắc chỉ người miền cao mới có. Con bìm bịp uống rượu cùng lão già say thuốc phiện. Đêm nào hai "nhân vật" ấy cũng cùng uống cùng hút và cùng say... Chàng trai si tình đêm đêm ngồi trên phiến đá gần nhà cô gái đợi trăng lên. Trăng lên cùng với tiếng khèn lá, một đêm, hai đêm, ba bốn năm đêm, bảy đêm... chín đếm. Lá chất lên đầy phiến đá mà người tình vẫn không ra khỏi nhà... Thú thực đọc xong tôi cứ ngẩn ngơ vì sự tinh tế và vẻ đẹp "hoành tráng" của đêm miền cao, của cái sự yêu đương gian truân mà quyến rũ, của sự vật mình sinh nở của thiên nhiên, của tình yêu thiên nhiên, tình cảm sâu nặng đầy huyền hoặc của những con người bình dị. Dường như họ chính là hiện thân của thiên nhiên. Thiên nhiên và con người hoà quyện vào nhau tạo nên vẻ đẹp thần kỳ. Đỗ Bích Thuý viết về mình, về chính cái sự trở về của mình.

"Nửa đếm. Tôi giật mình tỉnh dậy mới biết là mình mơ. Tôi cảm thấy có ai đó mơn man những ngón tay mềm lên mặt mình. Ra là ánh trăng. Trăng cuối tháng lên muộn, mới đang chỉ lấp ló trên đỉnh Thúng Khiếu, lọt những tia sáng ngả xanh trên vách nứa. Gió vẫn rít lên khe khẽ, trăng càng sáng thì trời càng thêm lạnh. Mùi thuốc nam còn tươi bà tôi đem phơi sương bay vào dễ chịu….

Giữa sân, bếp lửa vẫn còn ấm sực nhờ hai gộc củi chụm vào nhau đang ngun ngún cháy không thành ngọn. Trong gia đình người Tày lửa không bao giờ được tắt. Khi nào bếp không có lửa ắt là điềm gở. Người già chọn con dâu, chỉ cần nhìn cách chụm lửa, cách đun bếp là đủ biết có khéo có đảm hay không" …

Rồi:

“… Ở rừng, mùa mưa thường đến sớm. Trên này mưa chán chê rồi mà dưới xuôi có khi vẫn còn khô hạn. Trước mùa mưa, cua bò lổm ngổm từ suối lên, sáng ra thấy cua bậu kín cả chân cầu thang, ấy là lúc ngô lúa, đậu lạc phải mau mau mang về. Biết vậy mà hầu như năm nào cũng có những thửa ruộng chưa kịp thu hoạch chỉ vì con lũ tràn về nhanh quá…” (Đêm cá nổi).

Những đoạn văn hay như thế, giản dị như thế tràn ngập trong tập truyện ngắn "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của Đỗ Bích Thuý.

Với Đỗ Bích Thuý truyện ngắn không nệ đề tài. Tôi ngỡ ngàng khi đọc xong truyện ngắn "Cột đá treo người" viết về thời trước cách mạng, thời mà các lý trưởng là trung tâm của làng quê Việt Nam, kể cả miền xuôi lẫn miền ngược. Không phải bằng cốt truyện éo le hai anh em sinh đôi ở bản nọ, con một nông dân truyền đời nợ nhà lý trưởng, phải làm con ở gán nợ, rồi cùng yêu một nàng May hay Mảy nào đó, rồi anh một ngả, em một nơi... Đây là câu chuyện kể về cây cột đá có thật ở Đồng Văn, về một anh Vàng, anh Sàng ở trong bản người Mông có thật. Họ chỉ cần làm trái ý lý trưởng là bị hắn đem treo lên cột đá cho quạ rỉa! Trời ạ! Thân phận con người không bằng con vật… Vậy muốn làm người thì phải vùng lên thôi. Và nếu vùng lên không được thì phải trốn vào rừng làm phỉ. Vâng. Làm thổ phỉ! Câu chuyện được Đỗ Bích Thuý dựng lại không bằng sự gồng mình ôn nghèo kể khổ, không bằng nỗi uất ức hận thù. Nó được viết ra, kể ra như nó đang diễn ra. Nặng nề. Kinh khiếp. Như cái thời đen tối kinh khiếp ấy vừa diễn ra vậy.

Tôi có cảm giác Đỗ Bích Thúy còn quá nhiều điều để viết về miền rẻo cao xa xôi nhưng gần gũi, tuyệt vời đẹp ấy của đất nước ta. Tôi cũng là người mê viết truyện ngắn và mê cao nguyên đá kỳ vĩ Hà Giang, nhưng đọc truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy, tôi thực sự ngả mũ... chào thua! Dẫu đây mới chỉ là mở đầu. Một mở đầu mơ ước của một nhà văn.

Cùng với Nguyễn Ngọc Tư ở Nam bộ, viết về vùng quê Nam bộ. Ở miền cao cực Bắc, Đỗ Bích Thúy xuất hiện với hàng loạt truyện ngắn viết về miền cao Hà Giang. Truyện nào của Đỗ Bích Thuý cũng đem đến cho ta một cảm giác mới, một vẻ đẹp mới, giàu bản sắc của một vùng đất văn hoả vừa huyền hoặc vừa rất cuộc đời.

TRUNG TRUNG ĐỈNH
Nguồn: NVTPHCM


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU