Thứ Hai, 15 tháng 10, 2018

HUỲNH THUÝ KIỀU - ĐÁNH THỨC MIỀN CỔ TÍCH

“Nếu Kiều Mây mở ra một không gian ấm áp thơ ngơ ngác để Giấu anh vào cỏ xanh hững hờ khép lại những ô cửa vọng tình bịn rịn thì Ru giấc phù sa là thời gian đồng hiện những cảm niệm đa chiều về sự trải nghiệm và dư nghiệm của tác giả…”
 Nhà thơ Huỳnh Thuý Kiều

Hồi đó tôi biên tập mảng văn học cho Báo Cà Mau nên có mối quan hệ gần gũi với Huỳnh Thuý Kiều là điều tất yếu (thêm phần nữa là ở Cà Mau thời điểm đó, người trẻ “lỡ dan díu” với văn chương cũng rất ít). Chị viết khỏe, nhanh, dễ nhớ vì cái kiểu “làm thơ hổng giống ai” và bút danh rất đặc trưng: Hoa Đồng Nội. Chủ đề chủ yếu xoay quanh về tình yêu (từ yêu một người đến yêu quê hương) nhưng cái tứ, cái từ, cách gieo vần rất lạ. Vì vốn hiểu biết, vốn văn chương và cả vốn sống của tôi còn mỏng nên chưa đủ sự tinh tế để thấu cảm hết vẻ đẹp của thơ chị. Đó cũng là nguyên do chính khi tác phẩm đầu tay “Kiều Mây” (NXB Văn học năm 2008) ra đời và đạt giải thưởng của UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam dành cho tác giả trẻ, tôi chỉ lẳng lặng đọc mà không có hồi đáp nào.

Dù xét ở góc độ nào, thích hoặc không thích cũng phải thừa nhận rằng chị đã rất thành công khi tạo ra dấu ấn riêng về một “bản sắc Huỳnh Thúy Kiều”. Thơ của chị xuất hiện rộng rãi trên nhiều tạp chí, báo của cả nước với tất cả “dấu ấn Nam bộ”. Đọc qua một lần là nhớ liền, lần sau có che tên tác giả cũng biết đó là sáng tác của chị. Thế nên lần hồi, đến năm 2010 tôi viết bài giới thiệu về tập “Giấu anh vào cỏ xanh” (NXB Văn học năm 2010) bởi chính giọng thơ trong trẻo, da diết ấy thuyết phục và gây ấn tượng.

Thế rồi vì nhiều lý do, trong đó có cả nỗi buồn riêng mà chị ngừng sáng tác. Nhiều người thân và yêu mến chị không khỏi lo lắng. Và rồi với sự mạnh mẽ vượt qua cú sốc cá nhân, năm 2017 đánh dấu sự trở lại của chị với thơ ca như một sự hồi sinh với năng lượng mới, sức sống mới.

Nguồn thi hứng dào dạt, bất tận, nhiều thể thơ, các niêm luật được chị thử sức đầy cảm hứng và tiếp tục ra mắt “Ru giấc phù sa” (NXB Phương Đông, năm 2017). Tập thơ với 39 bài thơ trải dài cảm xúc khắp mọi miền đất nước như: “Tự khúc Cửu Long kính gởi sông Hồng”, “Thức với Trà Vinh”, “Đưa cha về thăm nghĩa trang Trường Sơn”, “Sài Gòn Sài Gòn”, “Tùy hứng đèo Ngang”, “Lỗi hẹn với Hương Giang”… Viết lời cho tập thơ, nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch nhận xét khái quát về con đường thơ ca chị đã trải qua: “Nếu Kiều Mây mở ra một không gian ấm áp thơ ngơ ngác để Giấu anh vào cỏ xanh hững hờ khép lại những ô cửa vọng tình bịn rịn thì Ru giấc phù sa là thời gian đồng hiện những cảm niệm đa chiều về sự trải nghiệm và dư nghiệm của tác giả”.
Tập thơ Ru giấc phù sa của Huỳnh Thúy Kiều

Vẫn là những hình ảnh quen thuộc của dòng sông, bến nước, con đường, cánh cò, đồng lúa, phù sa, tiếng gà, ánh lửa, làn khói lam chiều, đêm, nắng, gió… nhưng nó không còn là cảm xúc trữ tình riêng của tác giả mà đã được nâng lên thành cảm xúc chung. Những tên đất, tên làng và các địa danh cũng được chị nhắc đến như những gì quen thuộc, gần gũi và thân thương. “Phương Nam/Những gương mặt hiền như đất/Những phù sa vạm vỡ đồng bằng/Những mùa bội thu thơm lừng hương nếp/Niềm vui nở trên những luống cày cha sốt ruột chờ mưa” (Ru giấc phù sa). Những từ, ngữ thuần Nam bộ được chị đưa vào thơ dễ dàng như “nhặt chữ trong túi” như: “Bấu chặt”, “chảy lênh bênh”, “toòng ten bêu giữa đồng”, “chòng chành”, “đỏ hỏn”, “len lén”, “lắt lay”,“vừng nhật nguyệt”, “bặt tiếng”, “bung ra”, “hoang hoải”, “kêu giòn”, “ngúng nguẩy tắm”, “chẻ đêm”, “gồ ghề”, “xõa tán”, “vốc ngụm bùn”, “thắc thỏm”, “thậm thượt”, “loạng choạng”, “réo”, “lều bều”, “dập dềnh”, “chếch choáng”…

Ngôn từ trong thơ chị bình dị mà không hề dân dã: “Sẽ thành kỷ vật những củ co, trái bình bát, trái ô môi, đọt choại xanh, đọt ráng” hay “Mùa lăn theo ngọn chướng”(Dư âm). Chị biết làm mới từ ngữ, hình ảnh, tứ thơ tạo nên những câu thơ đầy ám ảnh, những hình ảnh độc đáo như: “Hà Nội một chiều…/Câu vọng cổ cõng dáng áo bà ba” (Tự khúc Cửu Long kính gởi sông Hồng), “Phù sa di cư theo những đêm trắng không màu/Nhuộm đỏ đồng bằng qua ký ức nhớ thương rất đơn sơ giản dị” (Cửu Long)… Dễ dàng bắt gặp những câu thơ giàu hình tượng, gây ám ảnh: “Đợi gà gáy sang canh mới thấu hết tính nhẫn nại của đồng bằng” hay “Những dòng phù sa cứ quặn thương trầm nhớ/Vỡ câu hẹn chín dòng qua cánh võng đưa nôi”; “Chín ngả rẽ/Trôi hướng nào cũng bắt đầu từ thượng nguồn mẹ Mêkông đang ầm ầm bừng thức/Khát vọng đồng bằng ru giấc phù sa” (Ru giấc phù sa) … Đúng như Tiến sĩ Vương Cường đã nhận xét: “Cảm xúc trong trẻo, tràn đầy; ngôn ngữ thơ phiêu bồng và giàu tính ẩn dụ, vẫn giữ được cái thanh cao, đằm thắm… Không gian thơ được mở rộng, kết nối mọi miền quê bằng tình cảm chân thành và sôi nổi như tình yêu ban đầu của chị với vùng đồng bằng châu thổ…

Cả tập thơ vẫn giữ nguyên chất giọng ngọt ngào, sâu lắng, nhẹ nhàng, man mác, dạt dào tình quê như chính chị tự nhận xét về mình: “Em mãi hồn nhiên bằng câu thơ viết về nơi sinh ra thắm gừng cây muối mặn”. Thế nhưng trong “Ru giấc phù sa”, tôi ngạc nhiên khi bắt gặp rất nhiều bài thơ đầy chất phóng khoáng, mạnh mẽ ẩn giấu sau những xúc động khi chị viết về cha mẹ: “Mẻ cá kho dậy mùi hương đồng giữa mùa thất bát/Canh rau tập tàng chan nước mắt lưng cơm/Ổ rơm vàng con gà đẻ lứa trứng đầu tiên/Nghe tiếng ấp iu thiêng liêng tình mẫu tử/Dòng sông chảy xuôi/Mái chèo khua nhịp lở/Biệt phương nào cũng muốn quay về khóc dưới cội quê hương” (Mái tranh quê)

Trong tập thơ, vẫn bắt gặp những bài thơ ngắn nhưng đầy cảm hứng và văn phong đầy nội lực của một bản trường ca về miền châu thổ: “Con cúi thắt bằng rơm từ tay cha đốt lửa/Cánh đồng giải lao sau mùa vụ uống nắng trở mình/Bài học đầu tiên mẹ dạy tôi bằng ca dao tục ngữ/Những cù lao xanh mầm yêu thương vắt dọc ngang châu thổ/Vầng trăng soi đồng bằng/Đêm/Bừng giấc triệu mùa say”, hay “Bàn chân cha đen nhẻm váng phèn/Vác cuốc tiễn tôi ra tận lũy tre cuối làng trong niềm hân hoan thắp đầy hy vọng/Bấu chặt bến quê tôi thả cánh diều vươn cao bay bổng/Châu thổ!/Bình minh thức dậy theo tiếng cười sót lại bên con chữ cuối mùa trăng” (Về một vầng trăng).

Năm 2018, chị tiếp tục thực hiện một dự định ra tập thơ mới với tên gọi “Đánh thức sông Hồng”. Tôi biết, với số lượng thơ hiện tại đủ sức để “ra lò” cùng lúc với “Ru giấc phù sa”. Thế nhưng, dù với thơ chỉ là “bày tỏ, chia sẻ nỗi lòng” chị cũng làm việc rất nghiêm túc, say mê và tận tâm nên còn chờ những tác phẩm ưng ý nhất để tập hợp lại trong tập thơ mới sắp tới.

Với nội lực hiện tại, thật không quá khi có nhiều lời khen tặng rằng chị đang là nhà thơ nữ đặc sắc nhất đồng bằng sông Cửu Long. Bằng tất cả sự hồn hậu khi đến với thơ ca, trái tim rung cảm đầy mãnh liệt với xứ sở, Huỳnh Thúy Kiều đã đánh thức một miền cổ tích đẹp như tranh vẽ về miền Tây rạo rực những yêu thương. Và chính chị đang tiếp tục đánh thức một miền cổ tích trong chính tâm hồn của mình để dâng tặng “Cho miền đất yêu thương”: “Hạnh phúc nào hơn khi ta ôm trong tim mảnh đất/Cho thăng hoa khúc nhạc dậy lòng…”.

ĐOÀN PHƯƠNG NAM
Nguồn: NVTPHCM

__________
Tên bài lấy ý từ câu thơ “Cầm tay giăng những ao đìa, lau lách, những ngọn nguồn/Như mắc võng lên miền cổ tích” (Khúc ru xưa)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU