Dù là sáng tác trong giai đoạn nào, thơ Chim Trắng vẫn luôn luôn ấm áp một tình yêu đối với con người, đối với quê hương đất nước. Thơ anh chưa bao giờ cao giọng, càng không hề có chất ồn ào. Nhà thơ tự nhủ: “Ngày nào còn làm thơ, chắc tôi cũng chỉ nói về tình yêu ấy với giọng điệu ấy”.
Nhà thơ Chim Trắng
Tết năm nay, vào dịp Sài Gòn 300 tuổi, báo xuân Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đã đăng lại bài thơ “Đêm xem bản đồ thành phố” của nhà thơ Chim Trắng. Bài thơ viết ở Tây Ninh năm 1972 - đã hơn một phần tư thế kỷ, vậy mà những câu thơ trăn trở với Sài Gòn như vẫn còn nóng hổi cảm xúc của một người đi kháng chiến, nói theo Lê Anh Xuân, đêm đêm chong mắt hướng về “cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ đó”. Nén chặt trong ba-lô cùng tất cả hành trang và kỷ niệm mang theo trên đường hành quân là tấm bản đồ thành phố mà mỗi lần chạm đến lại làm thức dậy những nghĩ suy, thương cảm về những cảnh đời và số phận con người. Những con đường li ti hiện ra trên màu giấy đã phai của tấm bản đồ cũ kỹ bỗng như cựa mình trong ký ức một người Sài Gòn đi xa:
Những đường chưa có tên trong bản đồ là những con đường hẻm nhỏ
Và những căn nhà không mang số
Cơn mưa ngập lụt cuộc đời
Bàn Cờ - Khánh Hội
Tiếng rao nào trong đêm đau nhức trái tim ta
Gánh hàng nào ngọn đèn dầu nhòe nước mắt
Tiếng còi xe lửa rơi trong đêm đen sương mờ
Và những chiếc xe bịt bùng chở những người yêu nước đi xa!
Với Chim Trắng, Sài Gòn là đời chung mà cũng là tình riêng. Đầu những năm 50, từ quê hương Bến Tre, anh lên thành phố ở trọ nơi một căn nhà gần chợ Bình Tiên, ngày ngày đi đến lớp học ở trường Cây Gõ. Năm năm sau, anh về Mỹ Tho học trường Nguyễn Đình Chiểu, bị bắt giam vì hoạt động yêu nước, lại trốn lên Sài Gòn dự thi và trúng tuyển vào trường Pétrus Ký. Bị theo dõi, anh phải thay họ đổi tên rồi chuyển sang học trường tư thục Văn Lang. Chính tại đây anh bị bắt lần thứ hai vào giữa năm 1960. Ra tù, Chim Trắng đành chia tay Sài Gòn để vào chiến khu. Chia tay Sài Gòn cũng là chia tay mối tình thời học trò: cuộc chia ly không ngờ kéo dài đến 15 năm. Cho nên trong bài thơ viết về Sài Gòn đó, tác giả đã không ngăn được nỗi niềm riêng trào lên trong những dòng thơ cuối:
Thôi hãy dành một chút ở nơi đây
Một vạch chì xanh rất ngắn
Bóng râm nào đã chứng kiến buổi chúng ta yêu nhau đầu đời
Một vạch chì xanh rất ngắn
Kéo dài trong lòng ta hàng phượng đỏ buổi chia tay
Như thế đó, con đường đã trở thành một hình tượng ám ảnh trong thơ Chim Trắng. Hình tượng con đường là nơi nối kết chủ đề ra đi và chủ đề trở về trong thơ anh. Không phải ngẫu nhiên mà tập thơ được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1981 của Chim Trắng mang tên “Những ngả đường”. Đó là những ngả đường quê hương, đồng thời là những ngả đường của kỷ niệm. Những ngả đường từ chiến khu dẫn về Sài Gòn. Và những ngả đường từ Sài Gòn đưa nhà thơ quay về với một miền quê ken dầy hố bom vẫn còn giàn trầu lương trước ngõ, tiếng cau rụng sau hè và những bà má đêm đêm ngồi chờ các con bên một nồi cơm vừa chín. Cái vầng sáng Sài Gòn giục giã không thôi con đường đi tới trước và tiếng gà trong đêm Sài Gòn bền bỉ nhắc nhở những ngả đường đi về với cuộc chiến tranh ngày hôm qua.
Đi về và tìm lại. Tìm trong tâm tưởng những dấu vết ngỡ như đã mất hút trong dòng thời gian. Đó là những “dấu vết nhỏ nhoi” - như nhan đề một tập thơ khác của anh, nhưng nếu không có chúng thì không có cuộc đời, không có cả thơ ca.
Một chiều nào đó, một người đàn ông vừa đi qua chiến tranh đã trở về trên chuyến xe lam tìm lại tuổi 14 của mình. Nụ cười của người bạn nhỏ và chút hơi ấm thời niên thiếu còn sót lại như là dấu chỉ của tâm thức trên đường về:
Năm-mười-bốn tôi và em đấy
Vườn trưa xanh, nắng cứ đong đầy
Mái trường nghiêng chút hương hoa lý
Áo trắng em ngày mỗi chật vai
Mà có yêu đâu để nhớ đời
Họa là cánh bướm chạm bàn tay
Ôi chao! Hơi ấm nào đau điếng
Chia ly, còn sót lại nụ cười.
(“Chút lãng mạn sau ngày 30-4-1975”)
Theo dấu chỉ đó, người đàn ông đi tìm mà lòng đầy hồ nghi: liệu cuộc đời có còn cho mình một đặc ân nào nữa hay không? Người đọc cũng không biết cuối cùng thì những mất mát của nhân vật trữ tình đó có được đền bù? Chỉ biết rằng càng từng trải trong cuộc đời, nhân vật đó càng như e sợ cho những xao động của lòng mình. Dù vậy, trái tim không yên ổn của anh không dễ gì được vỗ về để tìm thấy sự bình thản.
Có những buổi chiều dạo chơi trên đường phố Sài Gòn, giữa đám đông tấp nập, Chim Trắng đã tưởng tượng về một cuộc gặp lại với một người đàn bà dịu dàng, hồi chống Mỹ là cô giao liên của Ban trí vận Sài Gòn mà anh làm quen trong thoáng chốc ở Hồng Ngự, ngày hòa bình đã lặng lẽ gửi đến tờ báo do anh phụ trách một bài thơ nhỏ. Tưởng tượng thôi, vì cuộc gặp lại ấy đã không bao giờ xảy ra. Không một tấm hình, không một lời nhắn. Chỉ có tiếng mái chèo trong đêm chiến tranh ở Hồng Ngự còn khuấy động mãi tâm hồn anh và đi vào thơ anh:
Bây giờ thực phải đâu mơ
Nên chi nước mắt trong thơ sáng bừng
Cảm ơn em đến vô cùng
Cho thơ tôi biết ngược dòng sông xưa
(“Với sông”)
Viết về quê hương Bến Tre, câu thơ Chim Trắng có tiếng vang âm của đất đai vĩnh cửu, hòa trong đó hồn thiêng của những người hy sinh đang lần theo lối mòn xưa tìm về chốn quê nhà. (Tôi đi như kẻ lạc đường. Bàn chân tóe máu quê hương xa vời. Tôi giờ từ chín phương trời. Từ mười phương Phật xa xôi trở về - “Thác lời Lê Anh Xuân”). Và điểm quy tụ mọi tình cảm hướng về quê hương bao giờ cũng là hình ảnh người mẹ:
Lòng cứ như nghìn đợt sóng xô
Bờ kia dáng mẹ đứng mong chờ
Tôi về thức trắng đêm - đâu đó
Mấy tiếng chim vui lạc xuống hồ.
Đi dọc bờ sông - dọc cuộc đời
Nắng khoe màu áo mới tinh khôi
Dòng sông phẳng lặng nghìn trang giấy
Tôi đọc làm sao hết một đời?
(“Một ngày với Bến Tre”)
Làm sao một đời đọc hết câu chuyện của dòng sông, một đời viết được bài thơ hay nhất cho quê hương, cho tình yêu và cho chính mình, hẳn đó là ước nguyện không chỉ của riêng Chim Trắng.
Nhà văn Hoài Anh có nhận xét: “Chim Trắng luôn suy tư nhưng là cái suy tư của một người sống bằng trái tim. Giọng thơ anh là giọng tâm tình, nhưng chân thành, bộc trực, anh đã sống hết mình trong từng bài thơ. Đọc bài thơ nào cũng thấy một phần đời của anh, một phần máu huyết của anh trong đó, không hời hợt dễ dãi mà cố nắm bắt những rung động thầm kín, những ý nghĩ nhiều khi gai góc”.
Quả đúng như vậy, dù là sáng tác trong giai đoạn nào, thơ Chim Trắng vẫn luôn luôn ấm áp một tình yêu đối với con người, đối với quê hương đất nước. Thơ anh chưa bao giờ cao giọng, càng không hề có chất ồn ào. Nhà thơ tự nhủ: “Ngày nào còn làm thơ, chắc tôi cũng chỉ nói về tình yêu ấy với giọng điệu ấy”.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Chim Trắng tự bằng lòng với những đường nét ổn định của thơ mình. Ngay từ tập “Có một mùa thu trong” in năm 1990, Chim Trắng đã cho thấy một bước vận động mới trong thơ anh. Ở đây, trong những bài thơ năm chữ, bảy chữ và lục bát, tác giả không hề có ý định phá vỡ cái vẻ đẹp cổ điển của thơ Việt đã làm nó chạm được đến tâm hồn của các thế hệ độc giả quen thuộc của văn học truyền thống. Đồng thời, Chim Trắng đã tìm những cách nói mới để diễn đạt sâu hơn những cảm nghĩ của mình nhằm đáp ứng khiếu thẩm thơ ngày càng đa dạng của công chúng. Như đã nói, ngòi bút Chim Trắng có thiên hướng ngợi ca những gì bình thường, bé nhỏ; nhưng đó không phải là cái bình thường nhợt nhạt. Bên cạnh những ảnh tượng cụ thể của tri giác trực tiếp, tấm thảm ngôn từ trong thơ Chim Trắng còn được đan dệt bởi những biểu tượng nghệ thuật mang ý nghĩa chiêm nghiệm. Từ nhan đề cho đến hình tượng và cách cấu tứ, những bài thơ như “Tĩnh vật”, “Trong giấc mơ đêm”, “Mật đời thường”, “Kêu gọi nước mắt”... đều thể hiện sự tìm tòi đó.
Điều thú vị là khi được in chung trong tuyển thơ Chim Trắng lần này, những bài thơ ấy không hề gây nên cảm giác về hai nhà thơ xa lạ đứng cạnh nhau. Vẫn là một Chim Trắng thôi, nhưng là Chim Trắng đang vận động, một sự vận động cũng nhẹ nhàng như giọng thơ anh. Nói cách khác, ở Chim Trắng không có sự đột phá. Anh không phải là người nghệ sĩ đến đập cửa căn nhà tâm hồn của chúng ta bằng những tiếng gõ mạnh mẽ, thúc giục với lời mời vồn vã. Không, anh vẫn từ tốn trên những ngả đường thơ của mình và gửi đến bạn đọc một ánh mắt trìu mến, một nụ cười hồn hậu. Làm sao người ta có thể dửng dưng vô tình với ánh mắt đó, nụ cười đó?
Chim Trắng đã có sau lưng mình 40 năm làm thơ đã thấu hiểu được những nhọc nhằn của sáng tạo nghệ thuật, đồng thời tìm thấy ở đó một niềm vui trong sáng. Niềm vui đó luôn mời gọi các thi sĩ trong cuộc hành trình làm người sứ giả của tình yêu và thơ ca.
Tháng 4.1998
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Nguồn: NVTPHCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét