Thứ Hai, 8 tháng 10, 2018

NHÀ THƠ HOÀI VŨ: SAU NHỮNG BÀI THƠ LÀ NHỮNG BÓNG HỒNG

Từ phải sang, các nhà thơ: Hoài Vũ, Văn Lê, Phan Hoàng

Vào Sài Gòn, hay tin vợ nhà thơ Hoài Vũ bất ngờ phải đi bệnh viện cấp cứu, tôi thấy buồn và nghĩ: Biết đâu, mình đã bị lỡ một cơ hội gặp ông? Nhưng rồi thì mọi chuyện cũng êm. Sau khi vợ ông được đưa về điều trị tại gia, Hoài Vũ cho tôi một cái hẹn. Và tôi coi đây là một cơ may.

1. Tôi nhớ Hoài Vũ qua nhiều bài thơ của ông là ca từ trong nhiều ca khúc nổi tiếng của nhiều nhạc sĩ danh tiếng như Trương Quang Lục, Phan Huỳnh Điểu, Thuận Yến… Đó là “Vàm Cỏ Đông”, “Anh ở đầu sông em cuối sông”, “Đi trong hương tràm”, “Chia tay hoàng hôn”… Trong đó, tên hai bài thơ: “Vàm Cỏ Đông” và “Đi trong hương tràm” cùng tên với hai ca khúc, còn “Miền hạ” được đổi thành “Anh ở đầu sông em cuối sông”, “Hoàng hôn lặng lẽ” được đổi thành “Chia tay hoàng hôn”. Riêng “Chia tay hoàng hôn”, phải gặp được Hoài Vũ, tôi mới hay: Ông là tác giả phần ca từ.

Trong ca khúc nói chung, nhất là khi đã đồng tác giả, có lắm khi tên của nhạc sĩ lấn át tên của thi sĩ, là thế. Hoặc giả cũng có trường hợp: Hát riết, giới thiệu riết trên báo nói và báo hình, có thể do phần lười biếng hoặc xao nhãng nào đó, người ta quên luôn tên người là cha đẻ của ca từ.

Nhân đây, cũng xin nhắc đến một chuyện vui vui. Cách nay dăm bảy năm, có một lần tôi tham dự một trại sáng tác ở Cao Bằng. Khi xuống giao lưu với học sinh ở một trường trung học phổ thông, cho dù trong đoàn có nhiều nhà văn, nhà thơ có tiếng, nhưng các em chỉ nhớ “Hương thầm” của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn và “Dòng sông phẳng lặng” của nhà văn Tô Nhuận Vỹ.

Hỏi: Tại sao vậy? Một số em trả lời: Vì chúng cháu nghe ca khúc này trên đài và xem phim này trên truyền hình. Vậy là cái phần “nghe”, phần “xem” có tác động hơn hẳn phần “đọc”. Và sở dĩ các em còn nhớ được là vì hai tác phẩm này, một đã lên nhạc và một đã lên phim. Nêu thế để thấy cái ưu thế bề nổi, bề mặt đương nhiên của âm nhạc và điện ảnh trước văn chương.

Trở lại với bốn bài thơ đã nêu trên của Hoài Vũ. Ngay từ thuở thiếu thời và cho đến khi đã nhiều tuổi, tôi vẫn cảm nhận được sự rung động xốn xang, sự xúc động lắng sâu đầy tâm cảm từ chúng.

Mà không rung động, xúc động sao được sau mỗi lần đọc: "Ở tận sông Hồng em có biết/ Quê hương anh cũng có dòng sông/ Anh mãi gọi với lòng tha thiết? Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ Đông"; "Anh ở đầu sông em cuối sông/ Uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông/ Thương nhau đã chín bao mùa lúa/ Chưa ngày gặp lại, nhớ mênh mông"; "Gió Tháp Mười đã thổi, thổi rất sâu/ Có nỗi thương đau, có niềm hy vọng/ Bầu trời thì cao, cánh đồng thì rộng/ Hương tràm bên anh mà em đi đâu?"; "Anh phải về thôi, xa em thôi!/ Ngoài kia phiên chợ vãn lâu rồi/ Giọt nắng cuối ngày rơi xuống tóc/ Mà lời từ biệt chẳng lên môi…".

 Thơ ấy là thơ của một người lấy cảm xúc chân thành làm thế mạnh và cũng nhờ thế mà những cảm xúc chân thành được thăng hoa một cách tự nhiên. Thơ ấy cũng là thơ của một người không làm dáng, làm điệu và không màu mè, vô hình trung đã rút ngắn đến không còn khoảng cách khi trái tim đến với trái tim.

2. Hoài Vũ nói rằng: Nhiều thi phẩm của ông đều có và đều thấp thoáng những bóng hồng. Hay nói cách khác: Hầu hết thi phẩm của ông đều có gốc gác từ những  bóng hồng ở các không gian khác nhau, hoàn cảnh cụ thể khác nhau.

Ông kể: “Trước năm 1968, đang trên đường đi công tác thì bị địch bất ngờ tập kích. Có hai chiến sĩ bảo vệ hy sinh, còn mình tôi thoát chết. Bị dồn vào đường cùng, tôi liều chạy vô một ấp chiến lược. Từ trong bụi ô rô chui ra, tôi hét to: “Có nghe tiếng súng nổ không? Tôi là người trong cuộc đây! Mong được cứu giúp!”. Rồi tôi được hai người con gái, một tên Duyên, một tên Hạnh che chở, cưu mang một đêm một ngày.

Chỉ sau này tôi mới biết cả Duyên và Hạnh đều là du kích nằm vùng, là đồng chí của mình. Khi chia tay, tôi đã gửi sự tri ân của mình bằng bài thơ “Hoàng hôn lặng lẽ”, trong đó có hai câu: "Giọt nắng cuối ngày rơi xuống tóc/ Mà lời từ biệt chẳng lên môi". Sau này, tôi đã viết lại chuyện này khá kỹ trong hồi ký “Kỷ niệm thức dậy” đấy”.

Ông kể: “Năm 1968, khi theo đại quân vào Sài Gòn, không may tôi bị sốt rét, đành phải nằm lại Trạm giao liên Đồng Tháp Mười. Tại đây, tôi đã gặp 5 – 6 nữ giao liên. Tôi đặc biệt có cảm tình với một cô tên là Lan. Đến năm 1971, khi tôi quay lại thì cả rừng tràm đã xác xơ vì bom đạn tàn phá và rất buồn khi biết tin Lan đã hy sinh. Một đêm, cảm xúc đau xót và mất mát ùa ra, tôi viết ngay được bài thơ “Đi trong hương tràm”, trong đó có hai câu: "Bầu trời thì cao, cánh đồng thì rộng/ Hương tràm bên anh mà em đi đâu?".

 Ông kể: “Hồi ở R., năm 1969, tôi mê một nữ đồng đội có đôi mắt đẹp đến hút hồn và hằng ngày, chỉ nhìn thấy dấu chân của em thôi, đã thấy nhớ. Có lúc tôi đã thầm ghen với đất. Rồi tôi viết rất nhanh bài “Nhớ” với tình cảm thật trong niềm si mê vụng dại, trong đó có mấy câu: "Đất vui nhiều lắm đất/ Nhớ chia ta một lần/ Để tim này như đất/ Đường in lên bàn chân…/ Đất ấm tình người xới/ Mà dấu chân em đâu?".

Sau khi nhận được bài thơ tôi tặng, theo lời nữ nhà thơ Lê Giang, người ấy đã “trùm mền, đọc thơ và khóc cả đêm”. Sau đó, cổ bị địch bắt, bị đi đày tận Côn Đảo, mà sau 1975 gặp lại, vẫn giữ bản thảo bài thơ đã úa vàng như là kỷ niệm của tôi một thuở”.

Ông kể: “Cách nay hai thập kỷ, tôi có bài thơ “Người đẹp Hàng Châu” đăng trên Tạp chí Văn nghệ Chiết Giang (Trung Quốc). “Người đẹp Hàng Châu” ra đời từ một “thi cảnh” hết sức bất ngờ. Bữa ấy, khi đi tàu hỏa từ Thượng Hải đến Hàng Châu, tôi may mắn được ngồi cạnh một người đẹp. Tự nhiên tôi thấy “đã” và như cảm được vẻ đẹp lộng lẫy của một người xa lạ.

Sau khi về nước, chúng tôi đã liên lạc với nhau qua thư từ. Có lần, khi đi tháp tùng phái đoàn thăm và làm việc tại Trung Quốc của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Võ Trần Chí, y hẹn, tôi đã gặp lại cô ấy ở Hàng Châu và chúng tôi đã coi nhau như hai người bạn có “duyên kỳ ngộ” với nhau”.

Còn những chuyện liên quan đến bóng hồng thông qua thơ của Hoài Vũ, cũng không thiếu. Trong lúc trò chuyện với tôi, ông nhắc đến một cô gái dạy văn ở một trường học phổ thông Xứ Thanh mê hát bài “Vàm Cỏ Đông” đến nỗi đồng nghiệp toàn gọi cô là “cô Vàm Cỏ Đông” như một biệt danh. Sau 1975, “cô Vàm Cỏ Đông” có vào tận Sài Gòn tìm Hoài Vũ.

3. Hoài Vũ tập kết ra Bắc từ năm 1954 khi 18 tuổi. Ông từng khai thêm một tuổi để đủ tuổi đi du học Bắc Kinh và đến năm 1962 thì về nước. Đầu năm 1963, ông cùng những văn nghệ sĩ: Trần Đình Vân, Ngô Y Linh, Kim Chi, Hồng Sến, Thái Ly… vào chiến trường B để tham gia hoạt động văn học tại chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ.

Ông từng làm việc ở nhiều nơi: Nhà xuất bản Tác phẩm mới, Báo Nhân dân, Đài Phát thanh giải phóng, Báo Văn nghệ giải phóng, Báo Văn nghệ, Báo Sài Gòn giải phóng… Ông từng là Tổng biên tập Báo Văn nghệ giải phóng, Phó Tổng biên tập Sài Gòn giải phóng, Tổng biên tập Tạp chí Nhịp sống Sài Gòn, Trưởng đại diện đầu tiên của Báo Văn nghệ tại TP Hồ Chí Minh. Có dạo, ông là trợ lý của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Võ Trần Chí, là Ủy viên BCH Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh.

Hoài Vũ sinh năm 1935, tên khai sinh là Nguyễn Đình Vọng, người quê gốc Quảng Ngãi. Ông chọn Sài Gòn là quê hương thứ hai đã trên 40 năm nay. Tính đến nay, ông đã xuất bản 6 tập thơ, 5 tập truyện và 6 tập truyện dịch từ các tác phẩm văn học Trung Quốc. Ở tuổi 82, Hoài Vũ vẫn hiền hòa, dễ mến, dễ gần gũi như những bài thơ của ông. Khi tiếp xúc, tôi cảm nhận được sự ấm áp, sự thân thiện từ cái bắt tay đến cái nhìn nơi ông.

Khi suy nghĩ về nghề văn, ông viết: “Tôi viết văn, làm thơ với niềm đam mê không bao giờ vơi cạn. Hạnh phúc lớn nhất đến với người cầm bút là dẫu năm tháng đi qua, người đọc vẫn nhớ đến tác phẩm của mình như nhớ đến một hình bóng thương yêu thoáng qua đời họ”.

Khi tôi hỏi: “Thế chú nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật khi nào?”. Hoài Vũ trả lời: “Đã nhận bao giờ đâu. Lâu lắm rồi, mình có một lần làm hồ sơ gửi ra ngoài ấy. Không thấy ai nhớ đến mình và mình cũng quên chuyện này từ lâu rồi”.

Khi tôi hỏi: “Vàm Cỏ Đông là ca khúc nổi tiếng thời chống Mỹ mà chú và nhạc sĩ Trương Quang Lục là đồng tác giả. Hẳn hai người phải gắn bó với nhau lắm?”, Hoài Vũ lắc đầu: “Ai cũng tưởng vậy mà không phải vậy. Bài thơ này của chú đăng trên Báo Văn nghệ khoảng cuối năm 1963 đầu năm 1964. Đến năm 1966 thì anh Trương Quang Lục phổ nhạc. Nghe đâu hồi ấy ảnh là kỹ sư ở Nhà máy Supe phốt phát gì đó và cũng là người đồng hương với mình. Từ đó đến nay, mình chưa có dịp nào được gặp ảnh. Thật tiếc!”. 

ĐẶNG HUY GIANG
Nguồn: VNCA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU