Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2018

NGUYỄN QUANG THIỀU CON CHIM ĐẦU ĐÀN CỦA MỘT GIAI ĐOẠN MỚI

Cả ngày 28.6.2012, tại Viện Văn học ở Hà Nội, cuộc toạ đàm văn học "Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều" đã diễn ra. Theo nhà thơ Trần Nhương: Chưa có cuộc toạ đàm nào lại thu hút nhiều văn nhân như lần này, các nhà văn Mai Văn Phấn, Thi Hoàng, Đình Kính... từ Hải Phòng lên; Nguyễn Ngọc Phú từ Hà Tĩnh ra; Đông La, Phan Hoàng từ Sài Gòn; Hồ Thế Hà, Đặng Vũ Hoàng từ Huế và rất đông bạn bè Hà Nội đến đã chứng tỏ thơ Nguyễn Quang Thiều gây được sự chú ý của đồng nghiệp, bạn đọc. Lời đề dẫn ngắn, xúc tích của Viện trưởng Viện Văn học Nguyễn Đăng Điệp mở đầu. Sau đó là các phát biểu của Hồ Thế Hà, Mai Văn Phấn, Đông La, Nguyễn Đình Chính, Đỗ Minh Tuấn, Đặng Thân, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Hoàng Đức, Đặng Huy Giang Nguyễn Chí Hoan, Trần Quang Quý, Hữu Thỉnh... đã phân tích thơ Nguyễn Quang Thiều qua nhiều cách nhìn khác nhau.

Nhà thơ Vân Long cũng có mặt tại toạ đàm và ông đã có bài viết về những vấn đề xung quanh thơ Nguyễn Quang Thiều. Tựa đề bài viết do NVTPHCM đặt, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Từ trái sang, các nhà thơ Nguyễn Hoa, Vân Long,
Ngô Thế Oanh và nhà phê bình Đông La tại cuộc toạ đàm.

Cuộc hội thảo diễn ra buổi sáng hôm nay thật trang trọng và sôi nổi, tôi biết hơi muộn không tham gia viết tham luận đã đành, được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều gợi ý: Anh có thể phát biểu ngắn tham gia thảo luận, vì cuộc này đâu chỉ dành đọc tham luận. Tôi phác ra vài suy nghĩ, nhớ lại vài ấn tượng từ khi tiếp xúc với thơ Nguyễn Quang Thiều, vì tôi cũng có chút duyên với bước đi ban đầu của thơ Thiều.

Tôi chỉ dự được buổi sáng, cuộc hội thảo thu hút nhiều nhà nghiên cứu phê bình, nhà thơ trên cả nước về dự, ở Hà Nội thì cả những nhân vật văn học ít liên quan đến thơ cũng tham dự và đăng ký phát biểu như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, người nổi tiếng “ghét” các nhà thơ ở bài báo Trò chuyện với hoa thuỷ tiên, rồi nhà văn Nguyễn Đình Chính… cử tọa lại muốn nghe những nhân vật này xem quan niệm họ ra sao, trong khi tôi biết có nhiều tham luận rất công phu đang chờ được trình bầy. Vì những lý do trên, tôi không dám chiếm thời gian vàng ngọc của hội thảo, chiều thì lại có hẹn công việc ở một nơi khác… Có mấy ý kiến mà không góp được thì không yên tâm, tôi đành nhờ trannhuong.com chở hộ đến bạn đọc:

- Tôi rất đồng tình với nhận định của nhà phê bình Hồ Thế Hà trên tạp chí Nhà văn tháng 6.2012: Hình tượng mẫu gốc ám gợi nhất trong sáng tạo thơ Nguyễn Quang Thiều là Làng Chùa quê hương tác giả. Quả vậy! Hầu như bao trùm những hồi ức, thương nhớ, độc thọai, đối thoại… của thơ anh đều được dựa trên những thi cảnh của không gian làng Chùa, và cả thời gian xa xưa cũng được kể từ những ngôi mộ cổ của tiền nhân nơi đây…

Trong tập thơ Bài ca những con chim đêm có bài Đoản ca về buổi tối, tác giả mường tượng cứ đêm đến là những con người đã chết lại được sống lại. Họ như lại sống tiếp những chuyện đau buồn và bất trắc của họ đột ngột bị cái chết cắt đứt… Họ mượn thân xác của chúng ta, giọng nói của chúng ta…. Bởi thế máu vẫn chẩy, lời thù hận vẫn vang lên. Nhưng đến sáng, những âm hồn tan đi thì các thiên thần lại bay về từ phía các ngôi sao, và đậu lên vầng trán các em nhỏ, mượn gương mặt chúng, giọng nói của chúng. Những thiên thần ở lại với thành phố còn đầy những lú lẫn và tội lỗi của chúng ta. Đó là một thành phố thiện ác đan xen nhu thực tại nó vốn thế! Đó là một tứ thơ dựa trên suy tưởng mà vẫn đậm chất hiện thực, bởi có cả hiệu kim hoàn bị cướp trong đêm và người say đâm chết kẻ say trong quán rượu; Còn Hồi tưởng là bài thơ dài 19 khúc chứa đựng những kỷ niệm, quá khứ của làng Chùa khi anh xa quê da diết nhớ thương là dĩ nhiên, nhưng đến cả Đêm gần sáng một khoảnh khắc ngắn như vậy ở tập Những người đàn bà đi gánh nước sông cũng đều in đậm bước chân của thời gian, của lịch sử không ngưng tiếp nối, như ngày nối vào đêm, như nhân và quả, như âm với dương:

Đêm một nửa sang thu tôi vẫn chưa tới được
Đêm một nửa hè đi tôi vẫn thấy còn đầy
Tôi đã chia đôi tôi nhưng vẫn tròn đôi ngả
Một ngả trọn yêu thương, một ngả trọn đau buồn

hoặc: 

Như cơn sốt và như ngày khỏi sốt
Như em bỏ tôi đi, như em khóc tìm về
Con tằm sống hai cuộc đời sâu, bướm
Trái ớt hồng cay đắng giấu vào trong

Thơ Nguyễn Quang Thiều vậy là về mặt tâm linh, đã gắn chặt, nhuyễn sâu vào mảnh đất làng Chùa với những hình bóng của quá khứ, được thể hiện khá phong phú trong những khúc hồi tưởng.

Về hình thức thơ, Nguyễn Quang Thiều không quan tâm đến vần, nhưng đọc lên những câu thơ trên, tôi không có nhu cầu về vần khi vẫn thấy được nhịp điệu và câu thơ trong sáng, chữ dùng tinh xác. 

Về tứ thơ, thơ “hiện đại” hay hậu hiện đại gì đấy thường coi nhẹ tứ, nên bài thơ thường miên man, khó có chỗ dừng. Nhưng với bài thơ như Đêm gần sáng thì vẫn là thơ có tứ, tác giả chỉ lẩy ra khoảnh khắc bàn giao giữa đêm và ngày để đề cập đến sự tiếp nối vô cùng của thời gian, khiến nhiều lúc người trong cuộc cũng không phân biệt được mùa đã sang thu hay ngày hãy còn hè?

Tôi nhận thấy Nguyễn quang Thìều luôn chất chứa nhiều suy tư về cuộc sống, nên nội lực của anh đòi một hình thức thơ có thể phơi bầy, cho đầy tràn ra những ý tưởng, và nói trực diện với độc giả, không phải thông qua một ẩn dụ nào hay bị gom vào cái khung của một bài thơ có cấu tứ chặt chẽ, thường khó viết dài, nên anh hay gửi suy nghĩ thơ vào những trường ca hay bài thơ dài nhiều khúc đoạn, Hồi tưởng thì miên man, với cái tên bài khái quát như vậy, 19 khúc cũng chưa gọi là dài. Giống như một nhà văn đang viết truyện ngắn, tiểu thuyết, nhiều lúc thấy cần phải tuỳ bút thì mới thoả những bức xúc nội tâm. Có điều người viết phải thấy tâm lý bạn đọc, họ có thể đọc dài, nếu nhà thơ có thể thoả mãn mỹ cảm của họ trong những suy tưởng thơ có hình tượng và đem đến cho họ những suy tư mới hoặc cách nói mới, nhận định mới xác đáng về thời thế và con người: Nguyễn Quang Thiều cũng có không ít những câu thơ như vậy, thí dụ: 

Trước trái đất đang nóng lên từng độ
Và trái tim con người cứ lạnh dần đi

(Đêm gần sáng) 

Khi thì rất trữ tình:

Những rễ cây đang ân ái dưới đất nâu
Sự ân ái phì nhiêu và rụng lá

(Dưới trăng và bậc cửa)

Khi thì nối dài những sợi tơ nhện mảnh mai truyền kiếp:

Những con nhện vàng bi thương chết rồi linh hồn về giăng lưới 
Tơ mắc kiếp này vào những kiếp sau
(Những người đàn bà mùa đông)

Có những câu thơ thật hay cho kẻ mang sở thích giang hồ:
Tôi đói những gì không có trong mâm
Bữa tối dọn ở chân trời có chớp

(Bữa tối)

Cảm giác như thơ dịch, phải chăng do đôi lúc ta gặp những câu thơ mang sắc thái “phi lý” này với những ý lạ:

Dòng họ thuyền đêm qua về đông đủ
Những thuyền chết đậu bến mây
Những thuyền sống đậu bến nước
Những thuyền chưa đẻ thì đang mọc lá

(Con bống đen đẻ trứng) 

Nhà nghiên cứu phê bình PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp đề dẫn có nhắc đến tập thơ Sự mất ngủ của lửa, dù là tập thơ thứ hai, nhưng ở tập này anh đã hoàn tất sự lột xác, bứt thoát ra khỏi dàn đồng ca, là tập thơ quan trọng nhất trong sự nghiệp thi ca Nguyễn Quang Thiều . 

Nhân đây, tôi nhớ tới kỷ niệm của tôi về tập thơ này cách đây gần 20 năm, về giải thưởng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993 trao cho Sự mất ngủ của lửa của Nguyễn Quang Thiều, và Xúc xắc mùa thu của Hoàng Nhuận Cầm.

Có thể nói cuối thập kỷ 1980 đầu thập kỷ 90 là giai đoạn bản lề, giai đoạn có sự bức xúc của bạn đọc và giới thơ đòi một thành tựu đổi mới thơ để chứng minh khi cánh cửa Đổi Mới đã mở, thơ sẽ phải có gì khác trước? Mặt khác những nhà thơ trẻ cầm súng trở về cũng đã chín trong nghệ thuật và trưởng thành trong đời sống cũng cần được ghi nhận một hai gương mặt tiêu biểu.

Tôi còn nhớ những năm đó chưa thành lập các Hội đồng Văn, Thơ. Hàng năm cứ sắp đến kỳ xét giải thuởng, tổng thư ký Hội nhà văn (thời kỳ đó là nhà văn Vũ Tú Nam) trao nhiệm vụ cho cán bộ biên tập từng thể loại: tự đề xuất danh sách các nhà văn, nhà thơ để thành lập các ban sơ khảo. Tất nhiên, tổng thư ký phải duyệt danh sách đó, rồi mới đi mời. Năm đó, tổ thơ còn một mình tôi, nhà thơ Ý Nhi đã ở TP Hồ Chí Minh làm đại diện NXB, nhà thơ Ngô Văn Phú bận công tác quản lý NXB. Tôi biết trước nhiệm vụ của mình, nên đã tập hợp những tập thơ xuất bản trong năm vừa qua, đọc kỹ trước để phân loại, làm cơ sở giới thiệu cho Ban sơ khảo. Xúc xắc mùa thu của Hoàng Nhuận Cầm nổi bật khi so với mấy tập có thi pháp quen thuộc thời chống Mỹ, anh trẻ trung, sôi nổi hơn, cảm hứng tươi và da diết hơn. Nói chung thì thơ của Hoàng Nhuận Cầm dễ so sánh với các tập khác vì cùng một thước đo, khi cùng một diện mạo. Nhưng đến tập Sự mất ngủ của lửa thì tôi rất ngạc nhiên vì xuất hiện nhiều cái lạ về ngôn từ, về quan niệm thẩm mỹ quen thuộc bị phá bỏ, về cấu trúc…những ý nghĩ không xuôi chiều… Nói chung, tuy lúc đó tôi chưa thể phân tích rõ ngọn ngành từng mặt như các nhà nghiên cứu bây giờ, như anh Nguyễn Đăng Điệp. Nhưng sắc thái lạ đã tạo sự đa dạng cho cảm xúc, tôi thấy cách viết về người phụ nữ thế này mới lột tả được thân phận của họ đúng hơn vv… 

Nhưng đó đã phải là sự đổi mới thơ đích thực chưa? Đã xứng đáng đưa vào diện giải ? khi còn một số câu chữ lượng sượng thế này? 

Tôi nhớ lại buổi trò chuyện về cái mới trong thơ với nhà thơ Lê Đạt, với nhà thơ Trúc Thông suốt một buổi chiều. Hôm đó chúng tôi chưa có tập thơ này trong tay. Nay nếu bàn luận về tập này, hẳn sẽ là sự nối dài cuộc trao đổi bổ ích hôm đó! Trong dự kiến danh sách 5 nhà thơ, tôi ghi ngay tên hai vị đó, rồi đến hai bạn thơ công tâm và trung thực Anh Ngọc, Phan Thị Thanh Nhàn, người thứ 5 tất nhiên phải là tôi với nhiệm vụ điếu đóm, “sơ khảo của sơ khảo” cho các bạn mình. Nhà văn Vũ Tú Nam xem danh sách và chấp thuận không khó khăn gì.

Nhóm sơ khảo cũng mất thời gian bàn về Sự mất ngủ của lửa nhiều hơn các tập thơ khác, nhưng cuối cùng cả 5 chúng tôi đều bỏ phiếu thuận. 

Sự mất ngủ của lửa đã đáp ứng một trong hai đòi hỏi trên của thời điểm ấy, Nguyễn Quang Thiều như con chim đầu đàn của một giai đoạn mới, (như Phạm Tiến Duật dẫn đầu cuộc bay “thơ chống Mỹ”), vỗ đôi cánh còn bỡ ngỡ trước dư luận khen chê… Nhưng hai tập thơ đã làm được nhiệm vụ trung hòa cả hai mặt của xã hội. Lúc đầu Sự mất ngủ của lửa bị một vài ý kiến chê là còn sượng, được giải là một sự chín ép. Nhưng trải qua hàng chục năm sau, không thấy một giọng điệu mới nào được giải thưởng vượt qua được cuốn đó, nhà phê bình Nguyễn Hoàng Sơn trong một bài nhận định về các giải thưởng hàng năm đã nhận định: Giải thưởng thơ năm 1993 của Hội Nhà văn với hai tập thơ ấy là xứng đáng hơn cả, được nhiều nhà thơ và giới phê bình đồng tình: Hoàng Nhuận Cầm thì nhuần nhuyễn thi pháp truyền thống từ thời Thơ Mới, nhưng lại có giọng thơ sôi nổi trẻ trung của chàng sinh viên trẻ mặc áo lính. Nguyễn Quang Thiều thì đem đến thi đàn giọng điệu mới lạ, về hình thức là tất nhiên như ta đã biết, lạ cả về đề tài anh đề cập như Trong quán rượu rắn chẳng hạn, về sức nghĩ, sức liên tưởng rộng dài, đa dạng...

Có ý kiến cho là thơ anh có chút ảnh hưởng ngọai lai những dòng thơ nước ngoài… Nhưng tình cảm và nội dung thơ thấm đẫm hương vị những cánh đồng vùng sông Đáy Ứng Hoà đã cãi cho anh một phần về điều ấy. Còn nói lên tình yêu quê hương xứ sở bằng giọng điệu nào, thi pháp nào là phải tùy thuộc vào quan niệm và cá tính sáng tạo của nhà thơ đó. Trải qua hai thập kỷ từ đó đến nay, anh vẫn đi lên vững vàng và ngày càng được bạn đọc, giới thơ, giới phê bình chấp nhận, để có một cuộc hội thảo hiếm có như hôm nay. 

Xin chúc mừng nhà thơ và chúc cuộc hội thảo thành công tốt đẹp!

VÂN LONG
Nguồn: trannhuong.com/NVTPHCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU