Thứ Hai, 21 tháng 5, 2018

QUANG HOÀI - KHẮC KHOẢI MỘT NIỀM YÊU

Trong tập Giọt trời trên lá sen của Quang Hoài (Nxb. Hội Nhà văn 2012), phần thơ thể hiện những suy tư trăn trở về nhân tình, về thế thái khá đậm đặc. Ngoài ra, Quang Hoài còn viết khá hay về tình bạn, với niềm đau tiếc nuối một tài năng vừa độ chín đã vội vã ra đi…
Nhà thơ Quang Hoài

Sinh thời, Nguyễn Trãi (1380-1442), đại thi hào số Một của Việt Nam từng viết: “Đọc sách phải thông đòi nghĩa sách” (Thơ Nôm). Nghĩa sách là một phạm trù văn hoá có nội hàm rất rộng, ở đây, chúng tôi chỉ thu hẹp trong phạm vi nghĩa chữ. Với thơ, phải vỡ vạc ra cái nghĩa chữ thì mới có thể bàn về cái hay cái đẹp của thơ. Chữ trong thơ có bóng có hình, hơn thế, lại còn có mắt chữ (nhãn tự). Từ mắt chữ, sẽ tìm thấy mắt thơ, qua đó mà hiểu được vẻ thơ, vẻ đẹp tâm hồn của thi nhân…

Thơ có nhiều vẻ. Nhiều vẻ thơ làm nên cái phong phú sắc màu của một nền thơ. Do vậy, cũng không nên phủ định cái nào. Ví như rừng hoa khoe hương khoe sắc, mỗi loài hoa có vẻ đẹp riêng, có giá trị riêng. Cho nên, phải mở rộng tấm lòng để vui vẻ chấp nhận những cái khác mình, cùng với một tư tưởng khoan hoà, nhân ái. Đó chính là minh triết nhân văn của mọi thời đại văn minh và đang tiến tới văn minh. Nhiều người đọc thơ của người khác, hợp ý mình thì khen, không hợp thì chê, đấy cũng là lẽ thường, xưa nay vẫn thế! Viên Mai, một nhà phê bình nổi tiếng đời Thanh bên Tàu từng nói đại ý: Thơ thích nhạt chứ không thích nồng, nhưng đó phải là cái nhạt sau khi đã nồng. Đạt tới sự giản dị mà sâu sắc, đọc mãi không chán, nghĩ mãi chưa hết, đó mới là thơ hay đích thực.

Có vẻ thơ nghe bằng tai thì thấy hay, nhưng đọc kỹ bằng mắt, bằng tư duy thì lại thấy nhạt, với nghĩa là chả có gì phải nghĩ ngợi nhiều, chưa dám nói là nhạt nhẽo. Có loại thơ đọc một lần chưa thấy ấn tượng gì nhiều, nhưng đọc vài ba lần, lại thấy có vấn đề phải nghĩ. Nhiều khi nghĩ rồi mới cảm, chứ hoàn toàn không theo một quy luật tâm lý thông thường nào cả. Đó là sự không bình thường trong cái bình thường. Lan man đôi điều như thế để nói rằng, ít nhất là với tôi, tập thơ Giọt trời trên lá sen của Quang Hoài là như vậy!
Cũng chỉ có 36 bài thơ cả ngắn cả dài được đưa vào tập thơ có cái tên rất gợi: Giọt trời trên lá sen. Còn lại là những nhạc phẩm phổ thơ Quang Hoài, cùng đôi ba bài thơ đồng cảm của bạn bè. Tuy nhiên, không gian thơ trong tập lại được mở rộng ở nhiều mảnh ghép trữ tình của cuộc sống muôn màu. Có thể đó là thơ viết về tình yêu, viết cho tình yêu ở những thời khắc khác nhau, đối tượng cũng khác nhau. Có thể đó lại là tình yêu rộng lớn ở góc nhìn và cảm thức công dân thuần tuý. Có thể đó là những mảnh tâm trạng, những suy tư trăn trở về nhân tình thế thái, về cái sự được sự mất của một cái nhìn nhạy cảm về văn hoá truyền thống dân tộc, v.v… Nhưng ở góc nhìn nào, góc cảm nào thì vẫn là một Quang Hoài thi sĩ, đa tình, đa cảm… Ví như bài thơ mở đầu trong tập thơ này, Hồ Văn đêm Nguyên tiêu chẳng hạn:

Trăng Hồ Văn ngàn năm
Bùn Hồ Văn ngàn năm
ngàn năm hương sóng…

Đấy mới chỉ là những câu thơ được định vị ở tầng khái quát. Còn đây lại là những suy tư trăn trở của thi nhân, với bộn bề đầy vơi những nỗi niềm thế sự được ký thác qua những hình ảnh mang tính biểu trưng:

“Sau ồn ã ba sân thơ ủ giấu trăm mối tơ vò / sau náo nhiệt năm mươi quả bóng dìu năm mươi câu thơ lưng lửng từng trời chấp chới / đêm Nguyên tiêu Hồ Văn huyền khởi / lặng lẽ những Cụ Rùa cõng bia Tiến sĩ oằn lưng”… Và tiếp đó là bao nhiêu những cái ngày xưa, của ngày xưa “náo nức” cuồn cuộn đổ về, với ngổn ngang buồn vui ở thời Mở cửa:

“mộng du mặt hồ lãng đãng sương giăng / bờ bắc hồ lấp ló một thím Lươn óng nhẫy / âu sầu ngóng đợi một chú Trạch cộc mê mải ăn đêm chưa về để dài ngắn chê bai / bờ nam hồ bập bềnh hé miệng một mợ Trai / Buồn bã chờ hoài cậu Cò bị bọn tép mê hoặc quên đường về để Ngư Ông mất một dịp may đắc lợi / bờ đông hồ ngác ngơ một chàng Ốc / ngán ngẩm chờ mong Thị Hến trở về trong xoáy ốc thị trường để kết bạn Nghêu, Sò…”.

Thế là cả một thế giới những loài vật nhỏ bé, tầm thường như thể đang hơn hớn hiện lên một cách sống động, tươi rói. Nhưng đó lại là những loài vật biết nói tiếng người, ham muốn dục vọng như người, muốn thể hiện thiên chức cao cả của mình trước đồng loại vĩ đại của mình… Chao ôi là nhiêu khê đáo để, mà thật ra cũng buồn cười đáo để. Quang Hoài phải viết những dòng thơ kéo dài mê mải như thế, hình như tác giả buộc lòng phải thể hiện như thế mới đủ chữ để chuyển tải một thông điệp lịch sử đã cũ mèm, nhưng mà cũng là thật thú vị! Thế rồi:

“tất cả chỉ thấy phía Tây sừng sững non Tản mặt hồ / và lung linh đấy hồ vầng trăng vành vạnh / Lươn cùng Trai, Ốc lại rủ nhau lặn xuống / mở yến tiệc nhắm Bùn với Trăng”… Sao nữa:

“khi vầng trăng vừa ngậm non Đoài / các Cụ Rùa mới ra khỏi mộng du cựa mình khe khẽ / và rung rinh những tấm bia Tiến sĩ:… Và “chỉ còn bọn trẻ lảnh lót những vần thơ đón đợi bình minh”…

Một bài thơ giàu ý tưởng, mở ra cảm thức nhiều chiều về văn hoá, truyền thống và đương đại. Giá như tác giả tiết chế hơn, bớt đi sự kể lể, cấu tứ gọn gàng chặt chẽ hơn một chút nữa, thì sức truyền cảm của bài thơ chắc sẽ càng lớn hơn. Điều này, có thể thấy ở khá nhiều bài thơ dài của Quang Hoài trong tập thơ này…

Từng có nhiều năm trong quân ngũ, lại ưa sự dịch chuyển, nên nhà thơ Quang Hoài hình như thích đi nhiều, thăm thú khắp đó đây, nên thơ anh thấy khá nhiều chất liệu cuộc sống muôn màu. Anh viết về miền núi khá nhiều, lại khá hay, chủ yếu là những nhìn ngắm và nghĩ ngợi ở vùng biên giới phía Bắc, như Hà Giang trập trùng núi đá và chợ tình Khau Vai… chẳng hạn. Cũng đúng thôi. Người xưa chả bảo rồi ư? “Trong mắt không có ba vạn quyển sách (hung trung vô tam vạn quyển thư), nhãn trung vô thiên hạ kỳ sơn xuyên (trong mắt không có hình ảnh kỳ tuyệt của núi sông), chưa chắc đã viết được văn hay (Vị tất năng văn)… Nhà văn chẳng những phải đọc nhiều, mà còn phải đi nhiều là vậy. Thơ viết về biển đảo của Quang Hoài ở tập này không phải là nhiều, nhưng cũng có. Tuy nhiên, một trong những mảng thơ thành công ở tập Giọt trời trên lá sen của Quang Hoài chính là thơ tình. Có khi là một sự trống vắng đến nao lòng. Những cơn gió, những làn gió được thi nhân nâng cấp lên thành biểu tượng nhân vật trữ tình, rất tinh tế:

Có những lúc rỗng không
Sao vắng nhiều gió thế?

Gió không thổi từ sông
Gió không thổi từ bể
Mà gió thổi từ Em..

Em thành nông nỗi
Sự vắng gió đời tôi…
(Gió)

Trong thơ Quang Hoài, Em hiện lên ở nhiều phía, nhiều chiều tâm cảm. Có khi là một Emmang ý nghĩa một nét văn hoá truyền thống, như thể là một nét văn hoá truyền thống sâu đằm của dân tộc:

Ngày xưa chiếc áo xẻ tà
Chẽn eo trễ vạt mà ra hút hồn
Yếm sồi nhú nụ trăng non
Lưng trần tắm vớt mà mòn mắt ai…

Hoặc như:

Ơi người, ngày thoắt “nương dâu”
Thoắt đêm ‘bãi bể” thoắt màu sương phơi…
(Chớp đâu vụt loé cuối trời)

Mùa đến… mùa đi… mùa không mùa
Trong vô tận giọt giọt
Anh tìm những giọt em
Giọt trời trên lá sen…
(Giọt trời trên lá sen)

Nhưng cũng có khi lại là một Em cụ thể nào đó, được hoá thân trong những “vai diễn” khép mở sống động và tinh tế những đam mê nhiều chiều…

Không gian cảm xúc trong thơ Quang Hoài được mở rộng biên độ, đôi khi là một tỉnh thức, hay là một sự “ngộ” ra cái điều gì đó:

Tôi đâu biết vai diễn đời tôi quá đỗi mong manh
Cánh lá cuối thu vàng úa
Sân khấu hề thì xanh như cỏ…
(Vai diễn đời tôi)

Trong tập Giọt trời trên lá sen của Quang Hoài, phần thơ thể hiện những suy tư trăn trở về nhân tình, về thế thái khá đậm đặc. Ngoài ra, Quang Hoài còn viết khá hay về tình bạn, với niềm đau tiếc nuối một tài năng vừa độ chín đã vội vã ra đi… Mấy bài thơ viết về Dương Kiều Minh man mác một giọng trầm, đầy ưu tư chiêm nghiệm.

Nhìn chung, thơ Quang Hoài có sự hoà quyện giữa thực và ảo. Lại cũng nhiều suy tư triết lý. Tuổi đời càng chất cao thêm, thơ càng tinh hơn, chín hơn ở tầm nhìn và sức nghĩ. Giọt trời trên lá sen là một tập thơ rất đáng đọc!...

Hà Nội, 12.2014
VŨ BÌNH LỤC

_________________________

Nhà thơ Quang Hoài họ tên đầy đủ là Nguyễn Quang Hoài, còn có bút danh Hoài Phương, Đào Hoài Phương, sinh ngày 8 tháng 4 năm Ất Dậu tức 19.5.1945. Quê quán: thôn Đôn Lương, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Hiện thường trú tại: số nhà 20, ngõ 93, phố Vương Thừa Vũ, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

Từ năm 1965-1968, ông là quân nhân, làm trợ lý phiên dịch tiếng Trung Quốc. Năm 1969-1973: trợ lý biên dịch và thông tin tư liệu tại Phòng Nghiên cứu khoa học và Phòng Tư liệu - Thư viện Học viện Chính trị. 1974-1976: Chính trị viên phó đại đội, Trợ lý tuyên huấn, Trợ lý văn hoá địch vận Sư đoàn 308 Quân đoàn 1. Từ 1977-1978: Tham gia Đoàn xây dựng đơn vị cơ sở của Tổng cục Chính trị ở biên giới Tây Nam. 1979-2007: Thư ký Toà soạn Tập san Nghiên cứu, Tạp chí Nghiên cứu; Trưởng ban Biên tập - xuất bản Học viện Chính trị quân sự; Phó tổng biên tập Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị quân sự. Từ năm 2007, ông nghỉ hưu; cộng tác viên của Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Nhà xuất bản Văn học; Uỷ viên Ban biên tập Tạp chí Văn nghệ Thủ đô Tản Viên Sơn và tham gia biên tập một số báo, tạp chí, bản tin khác…

Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Hội viên: Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội.

Tác phẩm đã xuất bản:

- Nguyện cầu - tập thơ, Nxb. Hội Nhà văn, 2002.
Mưa đền tình - tập thơ, Nxb. Hội Nhà văn, 2003.
- Văn hoá, đạo đức Hồ Chí Minh trong “Bộ đội Cụ Hồ” bút ký chính luận, Nxb. Thanh niên, 2004.
- Lời yêu rượu đắng - tập thơ, Nxb. Văn học, 2005.
Gió sông Hồng vẫn thổi - tập thơ, Nxb. Hội Nhà văn, 2006.
- Kiếp này ta chửa thương ta - tập thơ lục bát, Nxb. Hội Nhà văn, 2007.
Chớp lửa đường cong - tập thơ, Nxb. Văn học, 2009.
Giữa hai bờ trăng khuất - tập thơ, Nxb. Hội Nhà văn, 2010.
Giọt trời trên lá sen - tập thơ, Nxb. Hội Nhà văn, 2012.
Trong veo nước suối nguồn - tập thơ, Nxb Hội Nhà văn, 2015.

Giải thưởng văn học:

- Giải A cuộc thi thơ về Bác Hồ (1969) do Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng tổ chức.
- Giải thưởng bình bài thơ Tự tình của Hồ Xuân Hương, Báo Giáo dục và thời đại, 2001.
- Giải thưởng thơ hay Tạp chí Nhà văn năm 2012 với hai bài Vai diễn đời tôi và Trưa Lũng Cú.

Quan niệm văn học:

Tôi yêu thơ. Bốn hai năm trong quân đội có làm thơ nhưng “lạc ra ngoài đội hình” như nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét. Có lẽ tôi chỉ viết được những gì lắng thành ký ức, đọng lại trong tâm hồn nên đến muộn chăng?“Tưởng câu thơ đầy mái chèo/ Nào ngờ gió thổi bay vèo xuống sông”... “Biết trời thương mà chưa cho/ Thì tôi chả vớt câu thơ ướt đầm”..., tôi nghĩ về thơ như vậy. Viết thơ trước hết là cho mình, sau mới cho người, được người chia sẻ, dù chỉ một cũng hạnh phúc.

Càng ngày tôi càng nhận ra rằng, bản chất của thi ca là sáng tạo và cách tân. Song sáng tạo và cách tân gì thì cũng phải dựa trên cơ sở gắn kết hoà quyện chặt chẽ giữa tâm hồn dân tộc như một nguồn sữa tạo nên sức sống và sự trường tồn của thi ca với hơi thở thời đại trong sự phát triển và tiến hoá của nền văn minh nhân loại. Cái cốt lõi của thi ca là nhân văn, nhân bản. Sự thăng hoa của cảm xúc tiến tới siêu việt là cứu cánh đưa thi ca đến thánh thiện, làm cho con người thoát khỏi mọi sự ràng buộc giới tính và dục vọng để hoà vào vũ trụ càn khôn. Đó mới chính là sứ mệnh cao cả của thi ca. Tôi tự hào và cảm thấy vinh dự được đứng trong hàng ngũ những nhà thơ Việt Nam.

Nguồn: NVTPHCM


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU