Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2018

LÊ VĂN THẢO NGƯỜI LỮ HÀNH LẶNG LẼ

Lê Văn Thảo là một nhà văn kín đáo. Nhưng đó là một ông già cởi mở. Tôi gặp ông Thảo không phải để bù khú, không phải để cùng tận hưởng kiểu nâng cốc “dô, dô”. Nhưng đi mãi với ông mới biết một người hình dáng thì già, mà tâm tư thì trẻ. Có những phút ông hát như một thời trai trẻ ôm đàn.
Nhà văn Lê Văn Thảo

1.
Có nhiều người quen biết nhau tình cờ, còn tôi quen biết nhà văn Lê Văn Thảo là do “cưỡng bức”. Cuối khóa Phó Chủ tịch Hội Nhà văn của ông Lê Văn Thảo, ông Thảo ra Hà Nội có chuyện phải đi Móng Cái, mà cơ quan Hội Nhà văn lúc đó đang bận bịu gì đó, xe cộ và lái xe đều bị trưng dụng hết, Chánh văn phòng Đỗ Hàn gọi điện cho tôi, bảo anh không bận thì giúp tôi đưa ông Thảo đi Móng Cái. Hôm đó có cả hai ông Hà Đình Cẩn và Tô Đức Chiêu. Ông Thảo thoạt nhìn rất khó tính, nhìn tôi qua kính trễ: Ủa, Nguyễn Xuân Hưng là thằng này? Tôi sợ: Vâng. Ông Thảo nói: Cả khóa vừa rồi, tên mày lúc nào cũng vang lên trong cuộc họp chấp hành. Tôi càng sợ. Khóa đó chấp hành có Hồ Anh Thái, Phan Thị Vàng Anh, chuyện sự vụ ở Hội Nhà văn chắc là khiến các vị chấp hành mệt lắm. Ông Chiêu hỏi: Thế anh bỏ phiếu thuận hay chống cho nó? Ông Thảo lên xe rồi cười: Trong mọi trường hợp, tôi đều bỏ phiếu cho phe nước mắt. Tôi nhẹ lòng, không sợ sệt gì nữa.

Lần đó tôi làm nhiệm vụ lái xe chắc là khá tốt, nên sau chuyến đi, ông Thảo bảo: “Hôm nào tao ra, đi Yên Bái với tao”.

Không thể nào ngờ được, lần gặp gỡ đó giữa tôi và nhà văn Lê Văn Thảo lại là khởi đầu cho nhiều chuyến đi hoang dã khắp mọi miền đất nước. Thời gian không nhiều, chỉ nhiều hơn một nhiệm kỳ công tác, mà tôi và ông Thảo đã lang thang mười mấy hoặc hai chục chuyến tôi không nhớ nữa. Lần thì có thêm một hai nhà văn, nhiều lần có thêm bạn tôi, cũng có lần chỉ có hai anh em. Ôi, giờ nghĩ lại, thấy đoạn đời lang thang đó lại là thời gian sống vô cùng đáng quý. Ngẫm lại, hóa ra ông Thảo cũng biết mỗi chuyến đi là một chuyến giối già, mà nhiều khi tôi không hiểu hết…

Ông Thảo rất cẩn thận, chuẩn bị ra là điện thoại để tôi thu xếp thời gian. Trước khi đi vòng qua cửa hành rượu, lấy một thùng rượu vang, thế là lên đường.

2.
Yên Bái là nơi có kỷ niệm sâu xa với ông Lê Văn Thảo. Ông Thảo lên Yên Bái, việc đầu tiên là tìm đến ngôi mộ người anh trai đã nằm lại đất Yên Bái. Anh ấy đã từng là chuyên viên Ủy ban Kế hoạch tỉnh Yên Bái, rồi chết vì mảnh đất núi rừng này, khi còn tuổi thanh xuân chưa lập gia đình. Ông Lê Văn Thảo nhờ ông Ngọc Bái tìm được người bạn xưa của anh mình, người đã lo phần mộ và hương khói cho anh ấy nhiều năm. Chúng tôi vất vả đi qua lối nhỏ trên sườn dốc cheo leo, giờ đây nhà cửa chen chúc. Ông Thảo cúi đầu, mắt ngấn lệ. Lát sau ông nói: “Bao nhiêu rủi ro ổng gánh hết, để cho bọn tui may mắn không à”. Lên xe rồi, ông hỏi tôi: “Về tâm linh, cúng từ xa có được không?” Tôi bảo ông: “Cúng vọng cũng như đến nơi, tại tâm cả mà anh”. Đó là những năm ông Thảo đã thấy mình không được khỏe, mỗi lần đến thăm mộ anh, đi lại rất vất vả. Ông nói: “Hỏi mầy vậy thôi, chứ tao cũng đọc chút chút. Trần Thái tông đã bảo Phật tại tâm. Xét cho cùng, cúng giỗ là cúng cho mình, như là bồi bổ cái tâm của mình, còn người chết thì ai biết được”. Nói thì thế, nhưng ông vẫn muốn đến tận nơi mộ anh, mỗi lần đi qua Yên Bái.

Đến Yên Bái, có hai nhà văn mà mỗi lần đến tôi và ông Thảo thường hay gặp. Đó là Ngọc Bái và Hoàng Thế Sinh. Ông Bái, ông Sinh cũng đồng hành với chúng tôi, trước tiên là đi ngang dọc “tỉnh nhà”. Có khi đi hồ Thác Bà, có khi lên Suối Giàng, có khi đi Mù Căng Chải, Bắc Hà. Mỗi lần đến một địa danh, ông Thảo thường chú ý mua một món đồ kỷ niệm. Một lần đến nhà ông Thảo, tôi đã thấy hai mảnh đá tinh thể saphia như con trai ngậm ngọc bày trang trọng trên bàn khách. Ông nói: “Cái này cứ nhìn là nhớ Suối Giàng”. Ông chỉ từng thứ, từng thứ, rồi giới thiệu lai lịch. Những ngày ông Thảo đau ốm, giọng qua phone còn mạnh mẽ, nhưng đầy tiếc nuối: Khó đi được, phải qua đợt này xem sao. Khi đó tôi cứ tưởng tượng ông Thảo ngồi một mình lặng lẽ ngắm những vật kỷ niệm qua các chuyến đi, mới thấy nỗi đau đớn khôn nguôi của ông Thảo, nỗi đau hơn mọi nỗi đau của những người già yếu bệnh tật thông thường.

3.
Nhà văn Lê Văn Thảo đạo mạo, ít nói, thoạt nhìn thấy như là một người khó tiếp chuyện. Tôi còn nghe nhiều người nói quá lên, đó là một người khinh khỉnh và cao ngạo. Xét cho cùng, ông Thảo có thừa yếu tố để cao ngạo. Xuất thân từ dòng họ Dương nổi tiếng, ông Thảo có gia sản tạm ổn, không đến nỗi phải lo cơm áo hay phải “cá kiếm” như mọi ông có tí chức. Và quan trọng là ông Thảo có một sự nghiệp. Cái sự nghiệp mà ông theo đuổi từ thuở hoa niên, cũng có thành tựu. Có phải vì thế mà ông ấy bị cho là kiêu và khó gần? Tôi đã đồng hành với ông Thảo, trên đường thiên lý, chuyện trò không dứt, và tôi cố gắng tìm hiểu cái nguyên do người ta không thể gần được ông Thảo.

Có một lần đang đi trên đường từ Mù Căng Chải đi Ô Quy Hồ, thì ông Thảo nhìn thấy người ta bán măng tre trên đường. Một đống măng đổ đầy, mấy người đếm măng cho lên xe ô tô. Ông Thảo đứng lặng lẽ nhìn ngắm, hỏi han, rồi lại lặng lẽ chụp ảnh. Lát sau ông nói: “Trời ơi, ngày xưa ở R, ăn miết thứ này, thằng nào cũng ốm o xanh lét”. May quá, suýt nữa tôi hỏi một câu vô duyên đại loại anh thích măng thì ta mua nhé. Đó là khoảng lặng mà tâm tư ông ấy cuộn sóng. Thời gian quá khứ trỗi dậy. Rồi sau đó, ông kể về những ngày ở R, giọng vừa vui thích vừa giễu cợt những khó khăn mà ông và đồng đội đã trải qua. Những cái tên nhà văn, nghệ sĩ thường được ông nhắc đến, những Hồng Sến, Quang Sáng, Anh Đức, Thủy Thủ, Giang Nam… Nếu tôi có ý thức ghi chép các câu chuyện của ông, có lẽ đã có hàng ngàn trang sách. Tôi bảo: “Hồi các anh còn trẻ, sống… ghê thật. Bây giờ bọn nhà văn sống nhợt nhạt lắm”. Ông Thảo rất bực: “Nếu nghĩ thế thật thì mầy hỏng. Đó là cuộc sống không nên có. Chiến tranh là đời sống để tồn tại, chứ đâu phải là đời sống để hạnh phúc”.

Một lần đi qua Kiên Giang, qua tượng Chị Sứ, ông bảo tôi: “Mầy dừng, mầy”. Tôi dừng. Ông lôi tôi vào gần đó, chỉ bức tượng, bảo: “Mầy nhớ nhé, dựng tượng một nhân vật, không phải họ tôn vinh ông Anh Đức, mà nhầm lẫn tôn vinh một người khác, hướng đến một chuyện khác, rồi bảo đó là nhân vật của Anh Đức. Anh Đức viết Hòn Đất thế nào, chúng tao ở R ai chả biết”. Rồi ông cười một mình: “Thủ trưởng của ông ấy cấm viết hư cấu, chỉ viết bút ký phản ánh cuộc sống thực tiễn thôi. Anh Đức phải viết giấu giếm, đêm ổng che đèn để viết, rồi gửi ra ngoài Bắc”. Tôi chưa bao giờ nghe nói chuyện này. Người thủ trưởng của ông Đức sau đó có làm đến quan tỉnh và giờ vẫn sống, không biết ông ấy còn nhớ không. Có phải tư duy của ông thủ trưởng ấy còn di truyền cho lãnh đạo sau này, cứ khăng khăng chị Sứ phải là một con người nào đó.

Đại loại ông Thảo là một kho chuyện ngày đã xa, mà ông ấy coi cái ngày đó vừa là vàng ngọc đời người, vừa là rác đáng vứt đi. Cũng như chuyện ông ấy ứng xử với cái thẻ Đảng. Một cậu chuyên viên Thành ủy con của nhà thơ đã quá cố, gọi ông Thảo lên, bảo cuối năm bác làm kiểm điểm, rồi kiểm tra thẻ Đảng. Ông Thảo mang thẻ Đảng lên, rồi kiên quyết không đến lấy. Ông nói với “thằng chuyên viên”: Mầy thấy nó quan trọng thì cứ giữ lấy. Không biết sau này số phận của cái thẻ Đảng của ông Thảo thế nào. Nhân chuyện này, ông Thảo rất ủng hộ chuyện có ngoại lệ ở Hội Nhà văn. Khi tôi kể nhiều nhà văn về hưu vẫn để sinh hoạt đảng ở cơ quan Hội, ông Thảo bảo: Hội Nhà văn không có những ông ấy đi ra đi vào, còn ra cái hội gì nữa. Phải cám ơn các ông ấy, thỉnh thoảng đến Hội đi đi lại lại, mới ra Hội Nhà văn. Ít lâu sau, nhân chuyện gì đó, ông Thảo lại bảo: Giờ đây khắp đất nước này thi hành ngoại lệ, thì còn ra thể thống gì nữa. Tôi hỏi, ông Thảo cười: Nhà văn thì được, nhưng ông chính quyền về hưu rồi, Chủ tịch, bí thư, bộ trưởng cứ đến cơ quan cũ đi ra đi vào còn ra cái thể thống gì.

Khi nói về khoảng thời gian làm Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, ông Thảo nhăn mặt nhiều. Quan niệm của ông là Tô Hoài có phần đúng. Làm lãnh đạo văn nghệ tốt nhất là không làm gì. Mình có viết thay người ta không? Mục tiêu của anh lãnh đạo ở đâu thì cũng làm cho con người ở đó làm việc tốt. Nhà văn làm việc tốt là có tác phẩm tốt. Thế thôi.

Ông Lê Văn Thảo luôn luôn là người có tư duy tự do, không khuôn phép. Vì ông tự do nên tư tưởng của ông có cơ hội bay bổng, khác người. Ông ấy không đơn giản, nên nhiều người thấy ông khó gần.

4.
Mấy năm trước, cứ gần Tết là nhà văn Lê Văn Thảo lại ra Bắc, bao giờ ông cũng ới tôi. Gần Tết khó gọi ai đi cùng, ai cũng bận gia đình, chỉ có tôi tình nguyện cùng ông đi bạt tử. Còn nhớ năm đó, hai ông Lê Văn Thảo và Nguyễn Quang Sáng, đến ngày 25 Tết, còn ngồi ở Hồ Thiền Quang, gọi tôi đến. Nguyễn Quang Sáng đã chậm chạp lắm, nhưng quả tim ông nuôi cơ thể bằng rượu Chivas. Ông Thảo có 6 chai nhỏ rượu du lịch, mua ở sân bay dịp đi nước ngoài về. Thế là Nguyễn Quang Sáng uống 4 chai, còn 2 chai về khách sạn uống nốt trước khi đi ngủ. Sáng hôm sau, tôi đón Lê Văn Thảo đi Bắc Cạn, ông Thảo nói: “Nhìn tao đi chơi với mày, tao thấy mắt ông Sáng buồn lắm. Ông ấy thèm đi lắm, nhưng không đi được nữa. Tao thấy ông ấy thế, nên càng muốn phải đi…”

Tôi và ông Thảo đi một mạch lên Hồ Ba Bể, đi thuyền đến một hòn đảo hoang sơ chỉ có dăm ba mái nhà, rồi ăn một bữa giữa thiên nhiên. Khi đó, dường như mình đi về thời gian quá khứ xa thăm thẳm. Ông Thảo lại rủ rỉ kể chuyện, chuyện thời trai trẻ, chuyện ở R với những ông bạn đã đi về miền siêu thoát. Không gian cổ tích, thời gian sống chậm, câu chuyện hoài cổ, tình người đậm đặc. Cứ như mình trôi về huyền thoại…

Trong một lúc tâm tư, ông Thảo có tâm sự chuyện riêng. Rồi ông buông lời như nhắn nhủ: “Mầy hạnh phúc nhất là nếu bên cạnh có người đàn bà luôn luôn đi cùng. My hạnh phúc nữa nếu mầy chết trước nó. Cưới xin, giấy hôn thú cũng như thẻ đảng, mầy”. Ông Thảo có một người con trai giỏi giang luôn luôn lo lắng cho bố, nhưng chắc chắn là ông là một người đàn ông cô đơn. Nghệ sĩ vốn đã cô đơn, người đàn ông gà trống nuôi con như ông Thảo càng cô đơn vô cùng tận. Sau tôi hiểu ông Thảo, cứ gần Tết lại cố sắp sếp đi chơi với ông. Nhưng ông Thảo cũng biết điều tế nhị, luôn luôn giải phóng tôi khi gần ba mươi, mồng một.

Lê Văn Thảo là một nhà văn kín đáo. Nhưng đó là một ông già cởi mở. Tôi gặp ông Thảo không phải để bù khú, không phải để cùng tận hưởng kiểu nâng cốc “dô, dô”. Nhưng đi mãi với ông mới biết một người hình dáng thì già, mà tâm tư thì trẻ. Có những phút ông hát như một thời trai trẻ ôm đàn. Năm đó ông ra Bắc, gọi Đỗ Trung Lai, lên Yên Bái gọi Ngọc Bái, rồi đi tuốt lên Nghĩa Lộ, đến nơi có cô chủ quán yêu văn chương tên như đàn ông. Chúng tôi ngồi bên bờ sông uống tí rượu, rồi các ông già hát hò vô cùng vui thú. Hát hết bài thời chống Pháp đến thời chống Mỹ, rồi ông Thảo kể chuyện về Trịnh Công Sơn. Hai người ấy cô đơn mà mỗi người một kiểu. Ông Thảo hát: “Từng người tình bỏ ta đi, ta như dòng sông cạn…” Không hiểu sao tôi muốn khóc.

Nào ngờ đó là chuyến đi cuối cùng của tôi với ông nhà văn Lê Văn Thảo. Tất cả các chuyến đi, tôi đi con Jolie biển xanh 2002 giã cỗi, xóc nẩy, nóng kinh người. Năm nay, gần Tết tôi gọi ông Thảo: Em đã có cái xe mới em ru chở bác đi. Ông Thảo điện thoại, than một câu: Không hiểu sao năm nay không thấy khỏe như năm ngoái. Lúc đó, tôi đã chợt nhận ra, Tết năm nay cũng không vui như năm ngoái. Tuổi chúng ta cứ dầy thêm, Tết cứ khác dần, như những người bạn già dần dần xa chúng ta, cho đến khi ta đi theo họ… Riêng tôi, không nỗi buồn nào so sánh được với việc tôi mãi mãi không được đồng hành cùng ông Lê Văn Thảo trên những chuyến đi…

NGUYỄN XUÂN HƯNG
 Nguồn: NVTPHCM



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU