Nhà thơ Lê Đạt
Chữ nghĩa với
ông là một cuộc vật lộn tựa như anh nông dân xới tung từng vạt đất cằn khô. Ông
là nhà thơ đã đi qua biết bao sóng gió của đường chữ và đường đời một
cách lặng thầm. Ký ức về ông và những ẩn khuất của thơ ca lần đầu tiên được khơi dậy tại buổi tọa đàm Thơ Lê Đạt: Bóng chữ ngã dài trên đường đời được tổ chức tại
Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội) vào tối 31-1-2011.
Sau bao năm lầm lụi với tai nạn văn chương, năm 1988, nhà
thơ Lê Đạt đã được “phục hồi”
và liền sau đó tập thơ Bóng chữ của ông được xuất bản năm 1994. Năm 2007, ông
được tặng giải thưởng Nhà nước về
văn học nghệ thuật, đó là danh hiệu ghi nhận cống hiến lớn lao của ông đối với
nền văn học nước nhà.
Coi sự xuất hiện trở lại của nhà thơ Lê Đạt với tập Bóng
chữ xuất bản năm 1994 như một cú dội vào làng văn nghệ khiến nhiều người
phải sững sờ, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên gọi đó là một tuyên ngôn, một thách
thức cho người làm thơ, đọc thơ thời ấy, có thể cả bây giờ và biết đâu là xa
hơn nữa. Những vần thơ như: Tuổi lú lẫn/ Ngược nhầm ga trẻ dại/ Hay
ngây ngô không biết lối về già/ Thơ thẩn chữ ngã ba…
Lê Đạt từng nhận mình là một người “đi trước một tí”. Cái
một “tí” trong bước đi của ông về ngôn ngữ thơ ca đã để lại cho thơ Việt những
luồng gió mới, nó cách xa kiểu chữ theo lối “tiêu dùng” như cách ông vẫn thường
nói. Cũng nói về sự cách tân trong ngôn ngữ thơ của Lê Đạt, nhà phê bình Đỗ Lai
Thúy dành cho người thi nhân đã khuất sau đường chữ những lời đánh giá đầy trân
trọng: “Ông chở chữ như người ta khai mở một vùng đất mới, phát hiện ra
một không gian khác, hoặc thám mã thêm được một tầng vô thức…”. Cũng
theo nhà phê bình Đỗ Lai Thúy, điểm cách tân rõ ràng nhất trong thơ của Lê Đạt
là việc ông gảy được ra những từ quen thuộc, nghĩa cũ hoặc bị thoái hóa nghĩa để
diễn giải một cách thông minh khiến người nghe, người đọc phải tĩnh tâm mà nghĩ
lại, nghĩ mới và nghĩ khác.
Nhận mình là một người viết trẻ may mắn được sống cùng thời
và được nhà thơ Lê Đạt dìu dắt, nhà thơ Hữu Việt khắc họa chân dung bậc tiền bối
của mình trong thi đường bằng một bài thơ với những câu: “Ông bảo có lần
đã toan tử/ Nhưng chữ còn nặng nợ… đành thôi/… Ông rộng rãi, khoan dung… lịch sự/
Chỉ nghiêm khắc những khi làm chữ và khi đọc thơ”.
HỒ VIẾT THỊNH
Báo Pháp Luật TPHCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét