Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2018

NHÀ VĂN TRẦN KIM TRẮC: NHỮNG TRANG VĂN NỒNG ẤM LẼ ĐỜI, TÌNH NGƯỜI

Như một chàng lãng tử, ông sống cùng núi rừng với những mùa hoa dại của núi ngàn. Từ hương và hoa ấy - ong làm mật và sinh nở bầy đàn, còn ông suy tư và chiêm nghiệm để gửi vào các trang viết sau này...
Nhà văn Trần Kim Trắc

Nhà văn Trần Kim Trắc sinh năm 1929, tại xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Năm 17 tuổi, ông tham gia cách mạng trong đội trừ gian. Bị giặc bắt, ra tù, ông vào bộ đội làm lính tiểu đoàn 307 nổi tiếng. Khởi đầu con đường văn nghiệp với truyện ngắn Cái lu được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1954.

Tập kết ra Bắc, ông về công tác tại phòng Văn nghệ quân đội. Rồi một cú sốc bất ngờ, buộc ông trở lại đời thường dân. Ông vui vẻ chấp nhận bằng một câu rất hóm hỉnh: “Vậy là cái lu, tuy không bị vỡ, nhưng cũng bị sứt mẻ”.

Và ông đã tạm dừng công việc viết lách, dồn hết tâm trí, sức lực cho cuộc mưu sinh vất vả. Người lính Tiểu đoàn 307 ngày nào kinh qua đủ nghề: thợ sơn tràng, bốc vác, làm công nghiệp thực phẩm và trụ lại ở nghề nuôi ong định mệnh.

Đoạn trường lưu lạc ông trải qua, có lẽ đối với người khác thì đó là những ngày tháng dài lê thê, những năm cay đắng ảm đạm, nhưng nỗi cay đắng, muộn phiền dường như không có chỗ bám rễ trong tâm hồn ông. Ông đã sống một cách bộc trực, thẳng thắn, phóng khoáng của một người Nam bộ chính gốc. Vì thế những gì ông đã trải qua, đã chiêm nghiệm đều để lại dấu ấn trong những trang văn ông viết, thấm đẫm triết lý sống của ông.

Ông đi nhiều, cả vùng đồng bằng Bắc bộ trù phú, những cánh rừng bạt ngàn Việt Bắc, Tây Bắc đều có dấu chân ông trên những dặm dài không ngưng nghỉ. Ông theo những người thợ sơn tràng đốn cây, xẻ gỗ, đóng bè xuôi sông Lô, sông Hồng, vượt qua những ngềnh đá, những mùa mưa lũ... Ông lặn lội đi theo những đàn ong trong mùa làm mật. Ông đã vắt kiệt đời mình để sống.

Như một chàng lãng tử, ông sống cùng núi rừng với những mùa hoa dại của núi ngàn. Từ hương và hoa ấy - ong làm mật và sinh nở bầy đàn, còn ông suy tư và chiêm nghiệm để gửi vào các trang viết sau này.

Sau 41 năm phiêu bạt, sống đời thường dân vất vả, ông đã có: Ông Thiềm thừ (Giải thưởng Hội Nhà văn 1995), Hoàng đế ướt lông bào (1996), Học trò già (1997), Trăng đẹp mình trăng (1997), Con trai ông tướng (1998) Chuyện nàng Mimô (1999) mà như ông đã có lần bộc bạch: “Là nợ phải trả thôi. Nợ xương máu đồng đội tôi ở Tiểu đoàn 307, nợ một người cầm bút đối với cuộc đời, nợ với bản thân tôi. Payer les dettes sociales (trả nợ xã hội). Nợ cuộc đời là nợ cơm áo, nợ văn chương là nợ ký ức”.

Ký ức sống dậy trong tâm tưởng và canh cánh bên lòng ông là một món nợ. Món nợ thánh thiện, chỉ có một trái tim nồng cháy, đôn hậu của một con người từng trải, một tấm lòng sáng trong mới hòng mong trả được phần nào... Ông viết một cách đam mê, quyết liệt... những tháng ngày ông đã trải qua, những con người ông đã gặp, những mảng đời hẩm hiu vò xé trái tim ông. Và máu - máu những người lính - đồng đội của ông giục giã ông viết.

Là dân Nam bộ chính gốc, “lớn lên ở vùng đất phù sa, “bơi lội” thoải mái ngay giữa vùng ngôn ngữ của bà con Nam bộ, cảm xúc cũng từ ấy mà ra, nên nghĩ gì viết nấy chứ không có ý thức sẽ chuyển đổi theo dòng văn học, văn hóa cho dù bình dân hay bác học nào cả” đó là cách nhà văn Trần Kim Trắc lý giải về phong cách văn chương của mình.

Trong đời sống văn chương muôn giọng điệu, ông đã chọn cho mình dòng văn học bình dân và về thân phận, tình yêu của những người bình dân. Thế giới quan của người dân Nam bộ hiền hòa, dễ thương, trọng nghĩa khinh tài..., đời sống hết sức phong phú, lắm tình lắm cảnh của người đồng bằng đã in đậm trong sáng tác của ông.

Nhà văn Trần Kim Trắc đã bước vào tuổi tám mươi, không còn sức khỏe và điều kiện để đi nhiều, tiếp xúc nhiều, nhưng ông lại có cách tiếp cận cuộc sống của riêng mình: “Bây giờ… quanh quẩn chỉ mấy mét vuông trong nhà và cái tiệm bán mật ong, sữa ong chúa, lại thấy đề tài để viết nằm ngay trước thềm nhà chứ đâu xa xôi”.

Và từ vuông thềm ấy, ông đã viết tiếp những trang văn nồng ấm lẽ đời, tình người.

CỎ MAY
VĂN NGHỆ TIỀN GIANG


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU