Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

LINH MỤC LƯƠNG KIM ĐỊNH - TRIẾT GIA VIỆT ĐẦY TRÀN TINH THẦN DÂN TỘC

Tôi phải xấu hổ mà thú thật rằng, dù cùng là đồng hương Bùi Chu, cùng đồng đạo Công Giáo và cũng theo đuổi môn triết học với ông mà chúng tôi không biết ông là ai vì trước những năm 2000, ở miền Bắc chẳng sách vở nào nhắc đến tên ông. Gần đây, chúng tôi mới tìm hiểu về ông và thật ngưỡng mộ ông. Đó là một triết gia lớn của dân tộc Việt Nam, tràn đầy tinh thần dân tộc, tràn đầy lòng yêu nước. Ông là Linh mục Lương Kim Định.
Linh mục Lương Kim Định

Ông sinh ngày 15-6-1915 (có tài liệu nói năm 1914), tại Trung thành, Hải Hậu, Nam Định. Ông đi tu và được phong linh mục năm 1943. Ông học Triết tại Giáo hoàng học viện Alber le Grand, sau đó về dạy Triết tại Đại chủng viện Quần Phương. Năm 1947, được gửi đi học ở Học viện Công Giáo Paris (Institus de Paris) và Học viện Cao học Trung Hoa Paris (Institut des Hautes Etudes Chinoises, Paris). Năm 1958 về nước là Giáo sư Triết học Đông phương tại Học viện Bảo Tịnh, Đại học Văn khoa Sài Gòn, Viện đại học Vạn Hạnh… Ông cùng vài giáo sư khác như Nguyễn Văn Thích, Nguyễn Đăng Thục sáng lập ra khoa Triết học phương Đông ở Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1958. Sau 30-4-1975, ông qua Hoa Kỳ rồi mất ngày 25-3-1997 trong đau yếu, bệnh tật. Ông để lại 45 tác phẩm (không kể một số tác phẩm thất lạc) và gây ra tranh cãi cho nhiều người cho đến tận hôm nay. Nhưng dù thế nào cũng phải công nhận ông là triết gia lớn của Việt Nam của thế kỷ XX, tràn đầy tinh thần dân tộc mà như GS Trần Văn Đoàn (Đài Loan) nhận xét trong cuộc hội thảo ngày 18-1-1997: “Kim Định vượt xa Trần Đức Thảo trong lĩnh vực suy tư và trong tinh thần ái quốc cũng như sự nhiệt tâm của kẻ sỹ”. Sách báo ở Việt Nam hiện nay chỉ ghi nhận GS Trần Đức Thảo là triết gia duy nhất. Như vậy là chưa đủ và làm nghèo triết học Việt Nam.

1- Lương Kim Định là triết gia lớn

Ông không chỉ là một trong những người sáng lập ra khoa Triết học Phương Đông ở Đại học Văn khoa Sài Gòn mà còn là người để lại nhiều tác phẩm triết học sâu sắc. Trong đó, tác phẩm đầu tiên ra đời năm 1965 là cuốn “Nhân bản”, ông đã phác thảo nên một ngành triết học mới. Đó là Triết Việt hay Việt Nho hay An Vi. Ông viết:

“An Vi tương đương với an hành. Vô vi sẽ là đối cực với hữu vi. Nói An Vi chính là quân bình đang đứng giữa hữu vi và vô vi. Còn nói chung vì nó là đợt trung dung: hữu nhược vi, thực nhược hư (có mà như không, thực mà như giả). Phải tế vi lắm mới đạt được cái rất mỏng manh nhỏ bé và vô ý một chút là ngả sang hữu hoặc vô” (1).

Ông chỉ ra đặc điểm của Triết Việt, liên quan trực tiếp đến nền văn hóa phương Đông:

“Triết Việt cũng đã vươn lên đến đợt tâm linh nên đã đi từ thơ ca, vũ nhạc đến minh triết, không duy lý hay duy tình nhưng tình lý bao lấy nhau. Dẫu bên ngoài của sứ vụ đó theo như tục lệ ông bà vươn lên lễ gia tiên. Dù Thượng Đế nhân hành vươn lên Hạn Thiên “vô thành vô xứ”. Chỗ nào cũng suy ra nét song trùng dọc với ngang, trên với dưới, nhờ vậy tránh được nạn duy lý để trở nên nền triết lý nhân sinh toàn diện. Đó là nhân chủ, tức con người, không bị tước đoạt mà còn giữ được, còn làm chủ được mệnh hệ của mình” (2).

Trước đây, nhiều người tin rằng triết học chỉ có ở phương Tây, còn phương Đông cùng lắm chỉ có triết lý. Lương Kim Định cũng cho rằng, Đông phương thiên về minh triết và triết lý, còn Tây phương thiên về triết học. Trong cuốn “Những dị biệt giữa hai nền triết lý Đông Tây”, ông đã chứng minh khá rõ những điều khác biệt giữa Đông và Tây nhưng đã khẳng định phương Đông trong đó có Việt Nam có một nền triết học sâu sắc, biết vượt lên những hạn chế của triết học Tây phương, một nền triết học vĩ đại nhưng theo ông là một chiều hoặc duy tâm hoặc duy vật:

“Nói vắn tắt thì từ ông tổ triết học Tây Âu cho đến nay chỉ có thứ triết học một chiều thôi. Tuy cũng có những trường hợp ngoại lệ, nhưng nó chỉ như cánh nhạn lẻ loi giữa tiết đông tuyết lạnh, không làm nên được mùa xuân với muôn hoa sắc vì không được chính quyền công nhận nên đời sống xã hội vẫn nằm bẹp dưới đất như chính triết học… Thế nghĩa là văn minh Tây Âu có rực rỡ huy hoàng đến đâu, cũng mới là cái ngai vàng của Oedipe không mang lại hạnh phúc trường tồn, còn làm thui chột con mắt thứ ba, chính là tuệ nhãn nên chỉ nhìn thấy nhị kháng mà không thấy ra chỗ hòa, đành chọn một bỏ một, thành ra đủ thứ duy, mà đã duy kiểu này hay duy kiểu khác đều quanh quẩn từ 1 sang 4 và từ 4 về 1 hoài mà không tìm ra đàng thứ 3. Ôi triệt tam, triệt tam”(3).

Logic của Aristos dứt khoát khẳng định hoặc có hoặc không chứ không có dạng vừa có vừa không, tức là triệt tam. Triết học phương Tây cũng rất sâu sắc khi bàn về quan hệ của các sự vật, hiện tượng trong không gian, thời gian nhưng rất ít quan tâm đến con người. Lương Kim Định cho rằng, triết học phải lấy con người làm trung tâm. Ông viết:

“Muốn hiểu biết về con người, cần phải biết địa vị của con người trong trời đất, trong vũ trụ hay nói theo triết học là trong không gian. Nhận thấy cơ cấu Thời – Không đang sụp đổ, tác giả đi gõ cửa những nhà khoa học lớn như Enstein với thuyết tương đối trong không gian, thời gian như chiều kích thứ tư của vạn vật, rồi đi gõ cửa các triết gia hiện đại nhất như Heidegger, tác giả cuốn “ Hữu thể và thể giác”. Sau đó trở lại với Đông phương, khảo sát quan niệm chữ Thời trong Kinh Dịch, Kinh Thi, chúng ta sẽ có được sự thích thú khi nhận ra sự gặp gỡ Tây Đông trên bậc tối thượng. Chúng ta khám phá ra những ý tưởng sâu thẳm tiềm ẩn trong Tam tài, Ngũ hành, Hồng nhạn, Thái thất…Với nền triết lý của lịch pháp phương Đông, đặt nền trên huyền sử, cung cấp cho chúng ta chìa khóa để mở kho tàng bí ẩn của nền văn hóa nước nhà nhằm xây đắp một nền triết lý Việt Nam mới hợp với cảm quan của con người thời đại” (4).

Vì vậy, Lương Kim Định chủ trương xây dựng một thứ đạo đó là “Đạo Nhân”, đạo của con người. Xưa nay, các lý thuyết triết học chia ra ba loại: lấy Thượng đế làm chủ gọi là Thiên chủ. Có loại lấy vũ trụ vạn vật là chủ gọi là vật chủ. Còn ông, lấy con người là chủ nên gọi là nhân chủ. Ông đưa ra câu ca dao: “Có trời mà cũng có ta/ Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” để khẳng định, người Việt đã biểu thị ý thức nhân chủ từ lâu rồi. Tư duy đó mềm dẻo:

“Sự vật có là có, không là không nhưng với con người thì là uyển chuyển, có mà không, không mà vẫn có. Nói theo huyền số thì đó là con số 3. Tất cả túi khôn Đông phương nằm trong số 3 đó… Để thấy rõ sự uyển chuyển của cơ chế này cần đối chiếu với cơ chế Tây Âu đi theo lối 2 là 2 mà cụ thể là tư sản với quyền tuyệt đối nên chỉ có nhị đối kháng là tư sản với vô sản. Đó là đầu mối gây tai họa trầm trọng cho đến ngày nay giữa tư bản và vô sản… Chính sự bám víu nọ gây ra nạn vô sản tức cảnh huống những người không có tài sản. Đã không có tài sản tất trở nên nô lệ. Thế là trong xã hội phân ra có chủ nô, có giai cấp tiếp đến là có giai cấp đấu tranh liên tục. Trái lại Việt xưa theo lối vào uyển chuyển nên không theo tư bản hay vô sản mà theo lối bình sản tức là đứng giữa tư bản và vô sản, uyển chuyển giữa có với không” (5).

Số 3, chính là triết lý An Vi mà ông khởi xướng và có hàng trăm nhóm An Vi sau này đã thành lập theo tư tưởng của ông xuất hiện ở nhiều nước như Hoa Kỳ, Anh, Úc, Pháp… Ông viết:

“Một trời, hai đất, ba người”. Ba người là một nét đặc trưng cho triết lý An Vi, coi người như một tài ngang với trời, đất nên còn gọi là “tham thông”, cả ba cùng tham dự. Nếu trời làm thì đất làm và con người cũng làm. Có làm mới tham thông, mới là một tài trong ba tài. Con người khác con vật ở chỗ tham dự, cùng làm đó nên còn gọi là nhân chủ. Con người làm chủ sự vật. Không giữ được điều đó thì là vật chủ tức con người để cho sự vật sai khiến. Ví dụ coi tiền tài sản vật cao hơn mình, hơn người, hơn những mối nhân luân. Đó là vật chủ. Còn tin tưởng vào số mệnh, định mệnh, con người không còn giữ lại cho mình quan hệ nào để có thể sửa phận mình. Đấy gọi là thiên chủ, thần chủ” (6).

Ông vẫn quan niệm triết học là một khoa học hiểu biết chắc chắn, nguyên nhân sâu xa về sự vật hiện tượng nhưng triết Tây hiểu thế giới nhưng quên biến cải con người, triết Ấn Độ thì trốn đời tìm nơi cực lạc. Để khắc phục những thiếu sót của các lý thuyết triết học trên thế giới, cả Đông lẫn Tây, theo Lương Kim Định là phải từ bỏ triết học một chiều, tiếp nhận triết học hai chiều, phải kết hợp cả vật chất lẫn tinh thần, đặc biệt triết Việt phải có chiều kích tâm linh. Ông khẳng định:

“Karl Marx chê ông Hegel là đi ngược: đầu ở dưới đất, hai chân giơ lên trên nên chữa lại cho biện chứng đi hai chân lên đất thành ra duy vật biện chứng. Mao Trạch Đông đã triển khai cuộc cách mạng của ông bằng quyển “Mâu thuẫn luận” theo đúng tinh thần của Hegel và Marx. Đó là đối kháng, thiếu vòng sinh… Phương Tây đã đánh mất nét song trùng mà Heidegger gọi là đánh mất nét gấp đôi (two foldness), nên dùng làm túi, đồng hóa người với vật, biến người thành công cụ sản xuất, không thấy con người là vật linh thiêng nữa. Đánh mất nét song trùng rồi còn thấy sao được chiều kích tâm linh. Chỉ nhìn bằng con mắt duy vật thì tất nhiên con người xuất hiện như những con vật và Nhà nước tha hồ quản lý mặt hàng”(7).

Lương Kim Định cho rằng, chính số 3 làm nên sự khác biệt của Triết Việt. Từ trong các truyện thần thoại, dã sử cho đến các hiện vật văn hóa của Việt Nam như cái đình, trống đồng, cúng gia tiên… đều thấm đẫm con số 3 huyền thoại đó. Ông viết:

“Số 3 chỉ nhân chủ là người tự làm lấy vận mệnh của mình, không quá suy phục trời như duy tâm, cũng không quá phục tùng đất như duy vật mà cư xử như một chủ trong ba chủ, một tài trong ba tài: trời, đất, người. Nhờ đó con người có thêm tự do hay làm cho con người biết liên đới vô cùng mà không bị vong thân đặt tiền tài trên con người. Trái lại, con người là nhân chủ luôn biết trọng nhân nghĩa hơn tiền tài. Lập trường này bao hàm: một là có, hai là không và ba là vừa có vừa không một trật” (8).

Nói về triết gia Lương Kim Định sẽ có nhiều ý kiến tranh biện. Đây là cơ hội rất tốt, để những quan niệm của ông có dịp được đào sâu. Nói như GS Nguyễn Ngọc Bích ở Đại học Georgetown, Hoa Kỳ sẽ công bằng hơn:

“Nếu có ai hỏi tôi rằng, có nên đọc (Lương Kim Định) hay không thì tôi xin thưa ngay, dứt khoát là có. Tại sao, tại vì nếu ta không nhất thiết phải đồng ý với hết cả ý kiến của ông, ta cũng sẽ được làm thân với những bộ óc triết lý lớn nhất nếu không của nhân loại thì cũng là của Việt Nam. Tôi nói điều này trong sự cân nhắc cũng không khác gì tôi sẽ trả lời cho câu hỏi: có nên đọc Platon hay Aristos không? Đã nhất thiết gì chúng ta đồng ý với Platon trong tác phẩm Le Republique, nhưng ai không đọc tác phẩm đó chắc chắn sẽ mất đi một mảng hiểu biết rộng lớn về triết học phương Tây. Cũng như không đọc Kim Định cũng không sao, ông sẽ từ tốn mà an vi nhưng một ngày kia, người ta sẽ tỉnh mộng nhìn thấy cái mất mát to lớn của mình” (9).

2- Một triết gia đầy tinh thần dân tộc

Đọc các tác phẩm của Lương Kim Định thấy đa số đều xuất phát từ hiện thực của Việt Nam. Từ những câu ca dao, chuyện truyền thuyết, thần thoại trong kho tàng cổ tích Việt. Từ chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh đến chuyện Nữ Oa vá trời, chuyện Quả dưa hấu… Từ chuyện của người Kinh đến chuyện của các dân tộc thiểu số như Đẻ trứng, đẻ nước, Dam Dông, sông Ba… Chuyện nào ông cũng nhìn thấy triết lý sâu sắc của ông cha gửi gắm lại. Theo ông:

“Huyền thoại chính là tự truyện của một dân tộc bao hàm những kinh nghiệm tích lũy từ trong sản xuất, lao động tiên tổ kết tinh lại. Xuyên qua đó thường được kể lại bằng những nét lung linh cái sứ mệnh của dân tộc nên đó quả là những di bảo thiêng liêng chứa chấp những miền tinh thần của tiềm thức” (10).

Chỉ một đoạn đồng dao: “Phụ đồng phụ chổi/ Thổi lổi mà lên. Ba bề bốn bên/ Soi lên cho chóng…” là ông đã nhìn thấy cái ẩn ý triết lý sâu sắc của cha ông về hồ Ba Bể, nguyên lý Tam tài, nguyên lý Mẹ… những tinh hoa của triết lý Việt:

“Việt Nam đã có triết lý. Không những thế, nó có cả triết lý bình dân và nó đặc biệt ở chỗ nó không khác triết học bác học về nội dung mà chỉ khác về trình độ và ngôn ngữ. Đấy là nét đặc trưng… Bác học hay bình dân cũng thế cả chỉ khác nhau về sự trình bày để thích nghi với trình độ học thức mà thôi” (11).

Suy tư bất cứ hiện vật văn hóa nào, ông cũng nhận ra cái hồn của người Việt. Chẳng hạn biểu tượng của nước Pháp là con gà, Ấn Độ là con voi, Đức là chim ưng, Anh là sư tử. Trung Quốc trước là hổ sau là rồng. Chỉ có Việt Nam là nhận cả đôi là tiên, rồng. Người Việt cũng thích nói kép: đình đám, học hành, cưới xin. Trung Quốc chỉ có đơn âm… Về cái đình làng, ông viết:

“Cái đình có thể coi là đỉnh chót vót của nền văn minh Việt. Nền văn minh này đặt trên nền tảng gia đình, nhiều gia đình họp thành khu, xóm, ấp và đặt đến cùng là làng. Nhà của làng là đình. Đấy là nền văn hóa xây trên đất tha nhân, trời hòa, đất hòa. Nói cụ thể là hòa đạo với đời, hòa siêu nhiên với tự nhiên” (12).

Ông trăn trở về tình yêu nước nhạt phai trong một số người nhất là lớp trẻ. Chỉ ra nhiều hiện tượng đáng buồn nhưng không phải là quy tội, bắt bẻ trách nhiệm của ai mà mục đích là thức tỉnh người Việt trong cũng như ngoài nước để “gọi hồn nước về”. Cái hồn đó siêu việt không hiện hữu nhưng cũng chẳng phải vô hình như gió thổi vô hình nhưng làm lay động cây cối và người ta lại rất dễ nhận ra đặc trưng của nước Việt:

“Thực trạng tình huống nước ta mấy chục năm qua. Cũng có đủ cả việc cướp nước, bán nước và bán hồn nước. Vì có một số người vào hùa với ngoại bang làm giàu trên xương máu đồng bào và đau thương của dân tộc. Cũng từ đấy xảy ra việc nhiều người xem vào gương tiên tổ thì chẳng còn thấy bóng dáng của mình đâu nữa. Thấy sao được vì đã bị ngoại bang lấy đi rồi và hồn cũng có phải là vật cụ thể hiện ra thù lù trước mắt đâu, nhưng là cái siêu linh như ẩn như hiện, có mà không, không mà có. Nếu tấm lòng yêu nước thương nòi đã phai nhạt thì xem vào tấm gương mới mẻ là cái nước chậm tiến, lạc hậu này thấy sao được hồn nước. Nếu nước Việt không có hồn, dân tộc Lạc Việt không có tính chất đặc trưng” (13).

Khi đã định cư tại Hoa Kỳ nhưng ông vẫn canh cánh tấm lòng với nước. Năm 1989, ông thành lập hội Việt Linh chủ trương dạy tiếng Việt cho lớp trẻ con cái người Việt sinh ra ở Hoa Kỳ. Ông cũng kêu gọi thành lập các ban nghiên cứu các lĩnh vực, quy tụ những nhà khoa học người gốc Việt làm việc với nhau để có thể giúp cho trong nước những lĩnh vực còn yếu nhất là về khoa học kỹ thuật. Ông cũng quan tâm nhiều đến giáo dục nước nhà để làm sao tạo ra những thế hệ vừa thành nhân vừa thành công.

Ông cũng đưa ra nhiều tiên đoán như đến năm 4047 thì sự khác biệt Tây Đông sẽ không còn nữa mà cả nhân loại là khối thống nhất và đến năm 5047 người ta không còn chú trọng vào vấn đề kinh tế, chính trị khoa học kỹ thuật nhiều nữa mà chú trọng vào lĩnh vực tinh thần nhất là tôn giáo. Trên tinh thần dân tộc, ông đưa ra hai giả thuyết khoa học làm đảo lộn những nếp nghĩ lâu nay đã hằn sâu vào nếp nghĩ của nhiều người trong đó có cả giới nghiên cứu. Ông cho rằng, cả chữ Nho lẫn đạo Nho đều do người Việt đặt ra trước rồi người Tàu mới công thức hóa lại sau nghĩa là làm cho chau chuốt, nuột là hơn. Vì thế Nho là của chung Tàu Việt và ông gọi là Việt Nho:

“Một là Bách Việt làm chủ khu vực nước Tàu trước người Tàu. Hai là người Bách Việt chủ xướng ra Nho giáo, người Tàu chỉ làm cho hoàn bị cũng như làm cho sa đọa ra Hán Nho… Triết học của Nho giáo chính là của Việt giáo hay nói cách khác Nho là Việt, Việt là Nho và vấn đề khẩn thiết lúc này phải tìm ra phương cách khai quật lên cho bằng được đạo lý của Việt Nho. Nhất là phần cơ cấu của Việt Nho đã bị Hán Nho vùi dập. Âm dương, ngũ hành bị biến cách tới độ phù phép, còn Tam tài thì không ai nhận ra ý sâu xa của nó nữa” (14).

Khoa lịch sử khảo cổ học cũng như di truyền học ngày nay với những phát hiện mới đang chứng minh những giả thuyết của Lương Kim Định hoàn toàn không phải là hoang đường.

Có những phê phán của Lương Kim Định với triết học Mác hay Chủ nghĩa xã hội gây nghi ngại trước đây, bây giờ chính những người nghiên cứu triết học Mác xít cũng gạt bỏ nó như vấn đề mâu thuẫn đối lập, chuyên chính vô sản... Cho nên đã đến lúc cần đặt ra là tái bản các tác phẩm của Lương Kim Định và nghiên cứu về ông nhất là cho giới triết học và văn hóa, giáo dục.

Hà Nội, nhân 20 năm mất của Lương Kim Định (1997-2017)
  PHẠM HUY THÔNG


Chú thích:

1- Định hướng văn học, Ra khơi Nhân ái xuất bản, Sài Gòn 1969, tr.83-84.
2- Pho tượng đẹp nhất của Việt tộc, vietnamvanhien.net, tr.7
3- Kinh Hùng Khải Triết, vietnamvanhien.net, tr.13

4- Bìa 3 cuốn “Chữ Thời”, Ấn quán Thanh bình, Sài Gòn 1967
5- Kinh Hùng Khải Triết, Thanh niên QG, USA xuất bản 1989, s đ d, tr.15
6- Kinh Hùng Khải Triết, s đ d, tr. 42

7- Kinh Hùng Khải Triết, s đ d, tr. 6
8- Cẩm nang Triết Việt, s đ d, tr. 18
9- Báo Ngày nay số 121 ở Texas năm 1998.

10- Lời Phi lộ cuốn Kinh Hùng Khải Triết, s đ d
11- Triết lý cái đình, Nxb Hội nhà văn in lại bản 1971, Tp HCM 2016, tr.13
12- Triết lý cái đình, s đ d, tr.29-31

13- Hồn nước với lễ gia tiên, Nam Cung xuất bản 1979, http//tieulun.hopto.org, tr.2
14- Nguồn gốc văn hóa Việt Nam, Nguồn Sáng xuất bản, Sài Gòn 1973, tr.6

Nguồn: Vietcatholic.net/ VHNA



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU