Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2018

NGUYỄN QUANG THIỀU - KẺ ĐA TÀI

Niềm say mê của Nguyễn Quang Thiều không chỉ là thơ, văn, báo chí, quyền tác giả, hội họa, hắn còn cố gắng trong một hoạt động mất rất nhiều công sức mà kết quả còn… mênh mông lắm: xúc tiến quảng bá văn học ra nước ngoài.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Hôm ấy, cách đây 30 năm, cánh văn báo đàn bà con gái, thời chưa Internet - chưa mải miết chít chát tán dóc qua mạng, rủ nhau cà phê dưới bóng lá trong quán nước 15 Hồ Xuân Hương, thì Nguyễn Quang Thiều bước vào. Lần đầu tôi gặp Thiều. Té ra, hắn chẳng đẹp trai cao lớn như tôi hình dung sau những câu thơ trong Ngôi nhà tuổi mười bẩy, Sự mất ngủ của lửa và Những người đàn bà gánh nước sông. Nhưng, tôi lập tức nhớ ra cuộc tranh luận về thơ của Thiều đang trong cao trào. Nhiều người chê thơ hắn “Tây quá”, không phải thơ Việt. Song, tôi thích và tôi biết không ít người cũng thích.

Cuộc tranh luận khá bổ ích đối với riêng tôi, nhờ nó mà tôi ngay lập tức bỏ thời gian bổ sung sự thiếu hụt về tri thức thơ và thêm vào trí nhớ của tôi những bài thơ đáng thuộc khác của làng thơ Việt Nam đương thời. Rồi, tôi nhận ra mình cũng là một kẻ yêu thơ rất khủng, kiểu “không có thơ thì ta sẽ chết….” hay đại loại thế.

Cả nhóm đàn bà con gái lúc ấy vui hẳn lên, dành một cái ghế, mời hắn ngồi. Cái bàn khá rộng, tôi đối diện hắn. Trò chuyện sôi nổi một hồi, có cơn gió nhẹ ngang qua làm rơi chiếc lá trước mặt cô gái trẻ nhất và xinh nhất đám. Hắn cười cười: “Kìa em, hãy nhận một bức thiên thư đi em”.

Câu tán tỉnh ấy làm tôi bỗng thấy hắn đẹp và nam tính hẳn lên. Từ khi thích thơ, tôi sưu tầm các tập thơ của nhiều tác giả, và thơ Thiều. Dĩ nhiên, cũng để ý đến nhân vật có tên là Nguyễn Quang Thiều. Có người bảo, này, anh ta là một một mật vụ chìm đó, liệu thần hồn. Nhưng càng để ý, tôi càng thấy Thiều là cái gì đó khác hẳn. Nghe nói, hắn từng tu nghiệp ở Cuba, làm trong ngành an ninh, nhưng sau chuyển sang làm báo VietnamNet, cộng tác với An ninh thế giới Cuối tháng… Đọc những tập thơ và văn xuôi (truyện ngắn và tiểu thuyết) của hắn thấy ở đó đủ các chiều kích con người. (Sau này, tôi xem nhiều phim về CIA, tôi thấy mật vụ chìm, nếu có trình và có đức thì rất đáng nể).

Văn xuôi của Thiều cũng vậy, kích thích các nhà sản xuất điện ảnh như: Mùa hoa cải bên sông, Kẻ ám sát cánh đồng. Văn trong 2 cuốn đều đẹp, đều cuốn hút, nhưng tôi không thích cuốn thứ 2 lẫn bộ phim mang tên Chuyện làng Nhô. Vẫn biết, đó là vì tôi gắn nó vào bối cảnh đang diễn ra ở một số nơi với một thực tại đau lòng nhiều dối trá, chứ cuốn sách viết về một câu chuyện có thật ở làng quê và từ đó cuộc sống có thể rút ra một bài học lớn.

Với nghề báo ở Việt Nam, nhiều người cũng cho rằng, có thể học được ở Nguyễn Quang Thiều cách làm báo ra tiền. Trong bối cảnh, nhiều tờ báo phải sống nhờ bao cấp thì những tờ báo Thiều tham gia gây dựng và sản xuất đều thu hút lượng người đọc đông đảo. Chậm mua là hết. Cũng có người dè biểu, đó chỉ là “những tờ lá cải”. Nhưng người ta bảo, “lá cải” mà thế thì nên “lá cải” cho người đọc nhờ vì đó là những chuyện đời, chuyện người, chuyện của “phe nước mắt” thổ lộ ra. Nhân văn ở đó chứ tìm ở đâu? Có thấy dung tục ở đó không mà chê?...

Thơ hay họa?

Sau hai mươi năm. Vâng, kể từ cái ngày có chiếc lá rơi ấy đến hôm nay, mới có dịp gặp lại và trò chuyện với hắn. Độ dài thời gian đã mang về cho hắn đủ những giải thưởng: Giải Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993, Giải A cho tập thơ Sự mất ngủ của lửa và hơn 20 giải thưởng văn học khác trong và ngoài nước, những chức vụ, tài sản và tiện nghi... Nhưng với tôi, quan trọng hơn cả là một Nguyễn Quang Thiều, đầu đã hói, tóc đã bạc mà vẫn hóm hỉnh như xưa, vẫn thông minh, sắc sảo khi nói chuyện… điều khiến cho người đối thoại (không chỉ đàn bà mà cả đàn ông) thấy hứng thú và hấp dẫn. Tôi bảo: “Vừa mới thấy cái tranh của ông, bỗng muốn gặp ông nói chuyện… Hồi đầu xem triển lãm chung của ông với mấy người tay ngang, tôi thầm nghĩ, nghệ sĩ bao giờ cũng là kẻ điên rồ nhất trong số những người điên, văn thơ đang lôi cuốn cuộc sống thì rẽ ngang sang hội họa, vẽ những thứ “dở hơi”, chả ích gì cho thẩm mỹ đời sống còn đem triển lãm. Nhưng bây giờ, xem mấy bức mới của Thiều tôi “hơi” ngạc nhiên, cha này chuyên hơn cả nghiệp”. Hắn cười và đưa tôi xem mấy chục bức nữa trên màn hình điện thoại của hắn. Tôi cho rằng, với hội họa, hắn cũng rất đáng nể.

Tôi định bụng, chắc hôm nào phải vào xem tận nơi. Cà phê hắn không uống, nhâm nhi chén trà trước một không gian ẩm ướt mặt hồ, con đường mù sương và dòng người qua lại. Tôi đang định trêu gu thẩm mỹ của hắn vì sử dụng chiếc ô tô màu đỏ của vỏ bao thuốc lá dunhill thì có người gọi đến bảo muốn mua mấy bức tranh của hắn. Hắn trả lời: “Ông thông cảm cho tôi, tôi đã hứa với những người bạn của tôi. Họ muốn tranh của tôi không được ra khỏi Hà Đông”.

Nghe xong, tôi bảo hắn, thời nào thì tiền cũng quý, thời bây giờ càng quý. Ông bán tuốt cho một ai rồi à, giá thế nào? Giữ lại cho người ta hay để đó làm kỷ niệm? Hắn kể về những người bạn hắn, những người đã đưa ra những con số đáng kể để trả cho những bức tranh, và đề nghị giữ nó… tại nhà hắn, quyền nhân thân (mang tên) là của hắn nhưng quyền tài sản thì thuộc về Hà Đông.

Hắn kể về những cuộc bạn hắn giúp cho hắn làm được những cái việc rất khó nhưng lại rất cần cho việc chung, ví dụ như gửi mấy chục ngàn đô để mua toàn bộ tranh của Kevin Bowel (nhà văn - dịch giả người Mỹ) vẽ chân dung các nhà văn Việt Nam, bỏ tiền cho hắn tổ chức Hội nghị lần thứ nhất Ủy ban Thường trực Hội Nhà văn Á-Phi mà hắn là nhà văn Việt Nam giữ vị trí thứ 2 của tổ chức lớn này, bỏ tiền cho hắn tổ chức hội thảo văn chương sau 20 năm quan hệ giữa các nhà văn cựu binh Mỹ và cựu binh Việt Nam với gần 300 khách mời...

Tính cách đàn ông?

Có lẽ các bạn ấy thấy ở hắn một tài năng, và các tác phẩm của hắn có giá trị nghệ thuật, dĩ nhiên, nhưng trước hết là một kẻ tử tế, có tình và nhất là khả năng giữ lời. Hắn không chỉ là người đã hứa cái gì thì làm cái đó bằng được ở những việc khó mà cả những việc nhỏ nhất.

Tại sao lại “hậu hĩnh” với Kevin Bowel, khi mà tranh của ông ấy không phải là quá xuất sắc? Hắn lý giải, đó là cái tình với người đã làm nhiều việc không công cho văn học Việt Nam, từ kết nối các nhà văn, dịch tác phẩm (hầu hết là không công) cho nhà văn, nhà thơ ở 2 quốc gia vốn có thời gian là thù địch, là quay lưng với nhau đến việc quảng bá văn học nghệ thuật của Việt Nam ra bên ngoài. Món tiền ấy so với xứ nghèo là lớn, nhưng so với bên ngoài thì chả là gì. Rồi với những họa sĩ khác, người gốc Việt, trở về từ những khó khăn riêng, hắn cũng giúp cho một cuộc triển lãm, gọi bạn bè, không chỉ giới thiệu hắn còn “nhờ vả” họ mở “hầu bao” để… mua toàn bộ số tranh của triển lãm đó.

Hắn có khả năng thu hút người đối thoại bằng cách nói ngắn, gọn, sáng sủa những điều hắn cần nói. Tranh bàn thế nào là tác phẩm lớn, hắn bảo: “Đó là một tác phẩm khi người ta đọc xong, người đọc thay đổi. Tác phẩm mang đến cho người đọc một thế giới mới hơn, rộng lớn và sâu sắc hơn. Trong một khía cạnh nào đó, con người đó đã được khai sáng, và họ thầm cúi đầu tôn kính cuốn sách ấy”.

Trong một cuộc đàm phán về quyền tác giả văn học, chỉ 10 phút, (bên sử dụng từ lâu không muốn trả tiền, vận đủ mọi lý lẽ để tránh nghĩa vụ, trong đó có viện dẫn lý do sử dụng để phục vụ công tác chính trị của đất nước) hắn đã thuyết phục họ bằng những lý lẽ rất rắn. Nhưng, nhỏ nhẹ: “Các ông cứ hay đưa cấp trên ra dọa, tôi nghĩ cái lý đúng thì cấp nào cũng phải thực hiện. Tôi sẽ liên hệ với cấp trên của các ông. Tôi biết càng cấp trên càng không vi phạm pháp luật”. Và hắn không nói suông. Hắn chưa bao giờ làm việc gì mà bỏ nửa chừng.

Người làng Chùa

Hắn là một trong số những người có thể đọc nguyên tác bằng tiếng Anh, và đã dịch một số tác phẩm. Nghe hắn nói tiếng Anh không thấy hắn nói giọng sông Nhuệ, chứ không như hồi trẻ, hắn nói tiếng Việt còn lẫn lộn vần n,l. Tiếng Anh, hắn có từ hồi đầu đời học các lớp tiếng Anh buổi tối ở Hà Nội, rồi học ở Cuba.

Cung cách nghĩ và sống có nét văn hóa phương Tây của hắn có thể cũng bắt đầu từ ngày tiếp xúc với người Mỹ Latinh đó: Thực dụng, hiệu quả… mà vẫn còn nguyên vẻ lãng mạn. Có lẽ, phẩm chất này của hắn khiến hắn có nhiều đệ tử (và cả đàn bà, nhiều người mê hắn lắm). Đệ tử theo hắn, học từ hắn mà gặt hái được thành công trong sự nghiệp và cuộc đời. Theo hắn, con người phải có cảm hứng sống thì cuộc sống mới có ý nghĩa, nhà văn càng phải có cảm hứng sống, càng cảm nhận được những lãng mạn, những giấc mơ, những thì thầm trong đời sống quanh mình bao nhiêu thì càng làm nên thành công tác phẩm bấy nhiêu.

“Một người sống 10 phần thì sẽ viết được 10 phần. Một người chỉ sống được 3 phần thì tức khắc chỉ viết được 3 phần”. Hắn nói. Hắn cho rằng, chính đời sống không trung thực, một đời sống thiếu sự sáng tạo, thiếu cảm hứng, thiếu trách nhiệm với bản thân và đồng loại sẽ vô cùng khó khăn để sinh ra những tác phẩm lớn. “Không thể nào trên một mảnh đất hoang hoá, khô cằn lại có thể sinh ra những mùa màng trù phú”, lời của hắn.

Niềm say mê của hắn không chỉ là thơ, văn, báo chí, quyền tác giả, hội họa, hắn còn cố gắng trong một hoạt động mất rất nhiều công sức mà kết quả còn… mênh mông lắm: xúc tiến quảng bá văn học ra nước ngoài. Hắn cho biết các nhà xuất bản trên thế giới và nhà xuất bản ở nhiều trường đại học, như Nhà xuất bản Đại học Massachusetts tại Mỹ chẳng hạn, đều sẵn sàng phối hợp in ấn tác phẩm văn học Việt Nam. Hắn cho rằng làm tốt việc này giống như dựng lên chân dung của một quốc gia, một dân tộc.

Gái nào chết với hắn?

Nghe hắn đọc một bài thơ dịch trong một dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam, có đại ý: Nếu có một ngàn người yêu em, trong đó sẽ có anh. Nếu có một trăm người yêu em, trong đó cũng có anh. Nếu có mười người yêu em trong đó vẫn có anh. Nếu có một người yêu em thì đó chính là anh. Nếu không còn ai yêu em nữa, thì anh đã chết rồi, tôi lại nhớ đến một Nguyễn Quang Thiều, ngày bảo chiếc lá là bức thiên thư ở 15 Hồ Xuân Hương thuở trước. Và tôi hỏi, hấp dẫn thế, thuyết phục thế cuộc đời Thiều đã làm “chết” bao nhiêu trái tim đàn bà. Có đếm được không? Hắn đỏ mặt bảo, lòng mình thì thật nhưng nhận về toàn ảo cả thôi, có thấy gì đâu? Nhưng người ngồi cạnh tôi nói nhỏ, vợ hắn ngoan và đẹp lắm nên hắn thật gì thì thật chứ tán tỉnh đàn bà thì hãy tin đó chỉ là việc đùa của hắn thôi…

TRẦN THỊ TRƯỜNG
Nguồn: Tuần Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU