Thứ Năm, 12 tháng 7, 2018

NHÂN ĐỌC TRƯỜNG CA CỦA PHẠM CÔNG TRỨ

Nhân một hôm rỗi rãi, nghĩ đến hắn, đến thằng Trứ thân tình của mình, tôi dò vào mạng tìm chơi thì sau Lời thề cỏ may… hiện ra trường ca Phạm Công Trứ: Làng phố giao duyên. Tôi đọc say sưa và cũng bất ngờ về tính chất và quy mô của nó, một trường ca nếu in ra đến cả trăm trang với đủ các thể loại thơ…
Nhà thơ Phạm Công Trứ

Tôi và hắn đã chơi với nhau gần 40 năm, thời gian khá dài và trải qua đầy đủ thăng trầm của cuộc sống. Chúng tôi gặp nhau ở chiến trường B, nhập ngũ ở 2 đơn vị khác nhau nhưng khi vào chiến trường lại cùng một đơn vị. Khi đó tôi là sinh viên xịn (nhập ngũ từ trường đại học) còn hắn là “sinh viên rởm” (mới có giấy gọi nhập trường), nhưng cách đây gần 40 năm mà lại ở chiến trường thì như thế đã được gọi là trí thức thực thụ rồi. Vì là trí thức nên tuy không qua đào tạo gì tôi vẫn được phân là cán bộ kỹ thuật của đại đội cầu dã chiến thuộc đơn vị công binh Đoàn 559, còn hắn vẫn là một anh lính như bao người lính trong chiến tranh phải lăn lộn với những công việc nặng nhọc, nguy hiểm tại chiến trường thì kể cũng tội cho hắn. Nhưng chiến tranh mà, âu cũng là số hắn.

Những lúc rỗi rãi hay sau bữa cơm chiều chúng tôi thường gặp nhau, địa điểm lý tưởng nhất là bên bờ sông Dakrong, nơi có những tảng đá lớn nhẵn nhụi có thể vừa làm ghế vừa làm giường. Thôi thì đủ thứ chuyện, hắn vốn lì xì ít nói nhưng khi đã vào mạch vào luồng thì hắn cũng nói hết cả phần người khác. Dù hơn mấy tuổi nhưng hắn chỉ gọi tôi là bác hoặc gọi “người” và xưng tên, cái từ người trong văn viết thì có khác nhau: viết thường theo cách gọi thân mật và viết hoa trong cách gọi kính trọng, nhưng trong văn nói chỉ là một, theo cách hiểu của tôi thì hắn gọi theo nghĩa viết thường là chính, chủ yếu là đùa bỡn và khích nhau.

Bản tính hắn là thế, thích đùa, châm chọc người khác và châm chọc cả chính mình, hắn tự phác hoạ chân tướng (Dáng đi có lỗi với đời/ Cái đầu cúi xuống thay lời chào duyên) và (Quần áo cực lôi thôiGiọng lưỡi hơi chất chưởng). Từ khi còn trong quân ngũ đến mãi sau này, mỗi lần gặp nhau, hắn lại lấy lời anh Giáo Thứ (trong Sống Mòn của Nam Cao) để tự giễu mình: Đời hắn nghèo, hắn khổ. Hắn như con ngựa gầy kéo xe lên dốc, vừa qua cái dốc này lại thấy dốc khác cao hơn. Rồi bạn bè y sẽ khinh y, vợ con y cũng khinh y và chính y lại càng khinh y hơn. Y chết mà chưa sống, chết ngay trong sự sống…) rồi hắn cười khềnh khệch. Có lẽ quả thế thật, tuy chẳng phải là trưởng, không khoẻ mạnh tài ba tháo vát nhưng hắn vẫn là trụ cột, phải gồng gánh giang sơn gia đình về cả mặt vật chất lẫn tinh thần bằng thân hình gầy còm ấy.

Hắn là con người yếm khí, luôn ca cẩm buồn phiền và luôn miệng kêu ốm đau, mệt mỏi. Theo hắn thì hắn bị đủ mọi thứ bệnh từ gầm gan đến lá lách. Có lần bực tôi bảo: Mấy chục năm rồi lúc nào cùng thấy kêu ốm đau, bệnh tật mà chưa chết vẫn cứ sống nhăn răng ra đấy thôi - thì hắn lại xua tay: bác không biết, không hiểu đấy thôi chứ có sướng như bác đâu (ý hắn nói là về sức khoẻ). Gần đây hắn kêu ngứa, dị ứng sưng xỉa hết cả mặt mày, khổ lắm: thuốc đông, tây, nam, bắc uống hết mà không khỏi. Tôi động viên: bệnh ấy như viên sỏi chui trong giày, rất bực bội khó chịu nhưng không làm chết người đâu mà sợ. Hắn lại xua tay ra điều bác không thông cảm.

Hắn kêu khổ nhiều nhưng không phải là không có sướng. Ấy là khi hắn thăng hoa, Tễu cũng đi tây (Ai ngờ dân dã lên ngôi/ Thế rồi Tễu cũng được ngồi máy bay). Hắn sang Liên Xô (cũ) nghiên cứu sinh về Luật. Khi đó tôi cũng đang nghiên cứu tại Đông Đức, chúng tôi thường thư từ cho nhau, hò hẹn sang thăm nhau nhưng cũng chỉ dừng lại ở hò hẹn. Thời đó, sau tập thơ “Lời thề cỏ may (I)” thì hắn đã có tiếng, đã có thương hiệu trên văn đàn nên ở Kiev, Ucraina, hắn cũng hay viết thơ gửi tạp chí Quê Hương của Đại sứ quán ta ở Matxcơva và gửi cho tôi. Hắn viết về nước Nga thời tan rã mà não ruột (Một đời đắp đắp, xây xây/ Đến khi phá bỏ nửa ngày là xong/ Nhìn Nam Bắc, hỏi Tây Đông/ Bây giờ có đáng buồn không... bây giờ). Hắn kêu, hắn khóc cho Liên Xô tan rã. Hắn viết về người Việt sinh sống tại đây (Chiều nay tuyết xuống bông to/ Trẻ con bốc tuyết bày trò ném nhau/ Có người mẹ trẻ Á châu/ Ngồi sau cửa kính, thầm lau mắt mình). Sau này về Việt Nam, gặp một người đã sống ở nước Nga cùng thời với hắn nói rằng: chúng em rất thích thơ anh Trứ, cuối tuần là chờ mua tạp chí để đọc thơ anh ấy.

Trong trường ca hắn có nhắc đến những mối tình thời con trẻ của hắn. Tôi cho rằng đó chỉ là trong thơ và hắn cũng tự đề cao, đánh bóng mình thôi, như là: Làng này khối đứa phải lòng mình đây (Nguyễn Bính). Còn thực tế hắn có 2 mối tình. Mối tình trong Lời thề cỏ may, hắn không nói cụ thể nhưng thời còn yêu nhau hắn đã kể tôi nghe, về cô hàng xóm, nhưng chỉ là đoạn kết, đoạn chia tay, đoạn ngồi gỡ lời thề cỏ may. Bây giờ  nhắc lại hắn cũng thấy tiếc, không biết có tiếc thật hay theo kiểu: con cá mất là con cá to.

Đến khi đã thành ông giáo danh tiếng của một trường đại học, hắn đem lòng yêu một cô sinh viên. Bản chất nhút nhát, tuy yêu học sinh nhưng hắn cũng không dám tỏ tình, hắn có quà ngày 8-3 nhưng rồi: Cứ giờ chơi, mang đến lại mang về mà cũng không đưa được. Tuy yêu đấy, là thầy đấy nhưng hắn vẫn thấy tự ti, thấy mình lép vế (Em mười chín tuổi xinh tươi/ Tôi trầm tư của ba mươi mất rồi/ Chắc gì em đã hiểu tôi / Chắc gì tôi đã là người em mơ?). Đến bây giờ ở tuổi “tri thiên mệnh” hắn mới thổ lộ, theo kiểu TAS được quyền công bố (Mối tình sét đánh/ Thày phải lòng trò/ Tình về xứ Nghệ/ Còn mấy câuthơ). Đúng là hắn mới phải lòng chứ chưa phải tình yêu.

Dài dòng những dòng trên theo kiểu người già hay nhắc về quá khứ, và với tôi còn có chút vụ lợi theo nghĩa: thấy người sang bắt quàng làm họ để đánh bóng mình.

Nhân một hôm rỗi rãi, nghĩ đến hắn, đến thằng Trứ thân tình của mình, tôi dò vào mạng tìm chơi thì sau Lời thề cỏ may… hiện ra trường ca Phạm Công Trứ: Làng phố giao duyên.Tôi đọc say sưa và cũng bất ngờ về tính chất và quy mô của nó, một trường ca nếu in ra đến cả trăm trang với đủ các thể loại thơ, từ lục bát - là sở trường của hắn, đến thơ tự do, thơ 4 chữ, 7 chữ... Về chất lượng thì như người đời đánh giá: thơ tình lục bát thì hắn ngồi chiếu dưới của cụ Nguyễn Bính, về thơ trí tuệ thì hắn lại ngồi chiếu dưới cụ Chế Lan Viên. Khổ cho thân hắn luôn ngồi chiếu dưới, hắn nhận là tự số hắn thế:

                     “Mệnh” với  “tuổi” như nước với lửa
                      Ngũ hành gọi là tương khắc, hỡi ôi!
                     Tử vi phán: tiền vận coi như vứt bỏ

Tôi gọi điện ngay cho hắn, vừa để khen thơ vừa có ý trách sao không thông báo (vì cách đây mươi ngày hắn đến chỗ tôi). Nghe xong hắn ngạc nhiên:

- Sao bác biết!
- Bác vừa đọc trên mạng.

- Thôi chết rồi, em cũng không biết, em có đưa lên đâu. Chắc gửi cho mấy thằng bạn, đứa nào hứng chí đưa lên. Để em phải điều tra.

- Thôi chuyện đó hậu bàn, nhưng có 2 ý mà bác cho là thiếu sót.
- Người cứ dạy!

- Đây là trường ca về cả cuộc đời của chú, cái thời đi bộ đội vinh quang và tự hào thế sao không thấy chú đưa vào?

- Nếu đưa vào sẽ lạc đề bác ạ. Đây là “Làng Phố giao duyên thôi”. Đoạn bộ đội sẽ có dịp khác.

- Thôi nghe vậy, nhưng thơ phú gì viết có đoạn thực đến thô thiển, trần tục và vi phạm quan điểm nữa. Thời nay cởi mở và tự do báo chí chứ như trước kia có thể nâng thành quan điểm, bỏ tù đấy.

- Chỗ nào mà bác phê dữ thế?

- Nghe đây (Mười năm lao động quang vinh/ Không bằng chó giống  xuất tinh một lần) . (Hắn muốn so sánh tiền thưởng cho 10 năm lao động xuất sắc, với chó giống Nhật thời hoàng kim đi bán giống).

- Khó nghe nhưng mà đúng và hay phải không bác. Nếu không hay làm sao bác thuộc ngay. Tuy nhiên, đó lại là trích thơ của người khác! Thôi để gửi đền cho bác Phồn thi 3vậy.

Và hắn cười khềnh khệch. Thật lộn ruột. Thôi đành bỏ qua vậy, nói thêm tốn tiền điện thoại.

Trong trường ca: Đầu tiên là hắn viết về quê hương Hải Hậu của hắn, đọc xong tôi mới thấy rằng hắn rất am hiểu lịch sử quê hương, hắn kể tên, giải thích, triết tự… như là một bậc cao niên về địa lý, lịch sử, chính trị. Hắn hiểu con người, quen thổ nhưỡng, biết đặc sản các vùng miền quê hắn, có thể xem như là một dư địa chí bằng thơ về Hải Hậu.

Dưới ngòi bút của hắn, hiện về nguyên một vùng nông thôn xưa còn sơ khai, hoang dã và cũng đầy đặc sản cho bọn trẻ chăn trâu như chúng tôi thời đó, tuy đói cơm nhưng miệng lúc nào cũng ướt. Bây giờ tôi, thế hệ chúng tôi, những gã nhà quê ra tỉnh dù đã bạc đầu nhưng đọc lại nghĩ lại mà nuối tiếc, thèm thuồng để: Ước gì trở lại ngày xưa…cái thời như hắn viết: Tắm truồng thú của trẻ quê / Ra phố là hết đam mê tắm truồng.

Hắn viết về tuổi thơ, tuổi học trò của hắn làm gợi nhớ về tuổi thơ của mình và tôi đâm ghen với hắn. Cũng trải qua tuổi thơ ở một vùng quê như hắn, có thể còn nghịch ngợm hơn hắn mà sao không nhớ hết không thể kể hết được như hắn. Hắn nhớ từ những con côn trùng: con Giun, con Dế, bọ Xít, Cánh Cam…đến các loài chim cò, động vật (Chim Sẻ lau chau, chim Sâu loách choánh) đến rắn Ráo, Thằn Lằn, con Lươm, con Rạm và rồi cây cỏ: cỏ Lăn, cỏ Lác, cỏ Gà, Chân Chim, Chân Vịt…(Cỏ may xiên một mũi  kim/ Chân vịt mỏng mảnh, chân chim loè xoè/ Cỏ lăn, cỏ lác, cỏ le/ Khoẻ như cỏ gấu lại e cỏ gừng...).
               
Về cây cỏ thì có thể gọi hắn là kỳ tài. Đến như cụ Nguyễn Bính - nhà thơ của thôn quê cũng chỉ nhắc đến cái dậu mồng tơi xanh rờn, cái mà người Việt Nam ai cũng đã ăn, đã biết. Còn hắn trong vô vàn sinh vật được kể đến trong thơ thì Cỏ May (Không sắc lại cũng không hương/ Chân cắm xuống đất, ngọn dương lên trời) là lạ nhất. Rất nhiều người nếu không từng sống ở thôn quê thì không thể biết, thế mà trong thơ hắn Cỏ May  như nhân vật trung tâm, như linh hồn cho thơ hắn. Chả thế mà hắn có bài thơ nổi tiếng Lời thề cỏ may, thấy vẫn chưa đủ nên hắn nâng lên thành tập thơ: Cỏ may thi tập - biết đâu hắn còn nghĩ đến Tuyển tập hay tổng tập: Lời thề cỏ may. Không hiểu sao hắn lại có thể gắn bó, có đủ cảm hứng để thổi hồn cho Cỏ May, một cây cỏ bé tẹo cứ bám vào quần các cặp tình nhân đến bực mình (Gái làng có tiếng chính chuyên/ Sáng ngồi gỡ cỏ bắt đền tình nhân) thế mà vào thơ hắn, bàn tay của phù thuỷ, Cỏ May cũng trở nên đẹp như một cô gái tuổi dậy thì, kín đáo, e thẹn vẫy chào (Nở mà chẳng toét miệng ra/ Cứ phơ phớt nhọn như là mũi kim).Và mãi sau này trong nghiệp thơ của hắn thì Cỏ May vẫn phảng phất hiện ra như niềm đam mê không dễ gì dứt bỏ.

Nhưng nghĩ lại, mình tự an ủi, biết đâu hắn cũng quê như mình, nhưng để viết thơ hắn phải về quê đi thực tế, tìm tòi, dò hỏi lại và biết đâu… trong buổi cơ chế thị trường này hắn có thể chi ra khoản tiền (rất nhỏ so với hắn) để nhờ một thằng bạn ở quê (mà bây giờ đã là một lão nông) thu lượm và ghi chép lại cho hắn. Có thể chứ… thấy hợp lý, nhẹ cả người (!).

Chợ quê trong thơ hắn tất nhiên không hay không chuyên nghiệp bằng Chợ Tết của cụ Đoàn Văn Cừ  (khổ thân hắn vẫn ngồi chiếu dưới) nhưng hắn biết hàng chục chợ, chợ nào cũng thật ồn ào, sinh động với đủ các mặt hàng , đặc sản quê hương (Mớ cá, mớ tôm, xâu ếch, giỏ cua/ Sọt bưởi, sọt bòng, thúng na, rổ khế/ Hàng thóc, hàng gạo chỗ khảo chỗ đong/ Hàng lợn, hàng gà lồng to lồng bé). Nhưng có điều tôi ngộ ra rằng, hắn nói về chợ để nhớ, để kể về công lao mẹ hắn - người mẹ vì kế sinh nhai đã thành bà hàng xáo - vất vả , tảo tần chạy chợ nuôi một đàn con và trong tâm hồn ngây thơ, đói khát của hắn khi đó thì chút quà của mẹ đi chợ về cũng không kém phần quan trọng, vẫn  sống  trong ký  ức  hắn  tới  bây giờ (Quà cho con sang thì bánh đúc, bánh đa/ Mèng thì cũng là quả bỏng, gióng mía).

Như bao người dân khác, bây giờ kinh tế phát triển, có bát ăn, bát để người ta bắt đầu hoài cổ, tìm lại gốc gác gia phả, nhận họ nhận hàng và xây lăng tẩm cho họ trưởng, họ ngành…Hắn cũng tìm về quá khứ, lục tìm gia phả, tộc phả, tổ tông. Dù xa xôi và cũng còn trong “tương truyền”, hắn cũng có quyền tự hào về tổ tiên họ Phạm nhà hắn. Gia đình hắn, là điển hình về một gia đình Việt Nam đầu thế kỷ 20, đầy hy sinh, gian khổ nhưng rực lửa anh hùng mà bậc ông cha hắn cũng đáng là một tấm gương về tinh thần và ý chí của người nông dân Viêt Nam. Nhưng hắn viết về cái đó không chỉ là hoài cổ, là giới thiệu tổ tông mình mà điều mà hắn hướng tới là cho con cháu, những lớp người kế tiếp nhớ về tổ tông mà sống cho xứng đáng. Cứ nghe hắn dạy con (Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn/ Nước có nguồn mới biển rộng sông sâu/ Người ta nguồn gốc từ đâu/ Có tổ tiên trước rồi sau có mình...) . Đây chính là cái cốt lõi, cái trường tồn trong phạm vi hẹp là của 1 gia đình và trong phạm vi rộng là của 1 quốc gia.

Hắn, nhà quê ra tỉnh (Nhà quê khí huyết tràn trề/ Tớ đi rung cả vỉa hè Đồng Xuân), trở thành nhà Văn, nhà Giáo, nhà Báo, nhà Thơ nhưng trong sâu thẳm, từ hình hài đến cách nghĩ hắn vẫn là một đứa con của nông thôn Việt Nam và khi lìa bỏ cõi đời hắn cũng muốn trở về với đất, thành cây Cỏ May mọc trên đất quê hương (Cuối cùng thì đất lên ngôi/ Tôi hoá thành cỏ hát lời hư vô).

Phần 2 của trường ca, hắn viết về phố, về Hà Nội với đầy đủ những thay đổi, thăng trầm, về con người và cảnh sắc Hà Nội. Tài hoa của hắn, cũng như khi viết về nông thôn, lại nở rộ như một nhà Hà Nội học trong thơ. Tôi mạo muội nói thế, nói hay cho hắn, còn thực sự thế nào thì phải để các nhà Hà Nội học thực thụ, hoặc chí ít cũng là dân Tràng An nhận xét và đánh giá.  

Hà Nội, 12.12.2009
NGÔ MẠNH TUẤN
Theo NVTPHCM



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU