Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2018

CHÙM THƠ 1-2-3 CỦA PHAN HOÀNG

Nhằm tìm một hình thức thơ mới để thể hiện, nhà thơ Phan Hoàng đã thử nghiệm cách viết Thơ 1-2-3. Mỗi bài thơ gồm 3 đoạn, 6 câu.

Đoạn 1 chỉ 1 câu gồm tối đa 11 chữ, đồng thời cũng là tên bài thơ nhằm tránh sự dễ dãi trùng lắp tên bài thơ của người đi trước dẫn tới đạo văn. Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ. Đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ.

Nghĩa là, Thơ 1-2-3 câu và đoạn tương ứng tối đa 11-12-13 chữ, với nội dung đi từ hướng ngoại dần vào hướng nội. Đây là một cố gắng thể nghiệm mới trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Phan Hoàng. Đất Việt xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Nhà thơ Phan Hoàng bên sông Neva - Nga


Sống lại giấc mơ trên đồi Chim Sẻ

Mặt trời dừng ngôi sao đỉnh tháp trường Lomonosov
Luzhniki cỏ tươi nguyên không khí lễ hội bóng đá hành tinh

Xanh biếc sông in Moskva tráng lệ thu tầm mắt
đường thoai thoải tuổi xuân chim hót xuyên rừng
khởi hành giấc mơ tri thức ba mươi năm ta mới gặp mình


Moskva chiều thanh vắng xa em

Trỗi dậy trong ta lời ca ngân nga thân quen
giai điệu mơ màng đôi mắt xanh nâu thiếu nữ

Tình nhân thắm nồng cỏ biếc hồn nhiên công viên
vi vu gió gọi trăng trắng đêm bạch dương tình tự
hiện lên gương mặt rằm trăng em thuở mới tượng tình


Dưới ánh trăng Sergei Yesenin bỗng hiện về

Lãng tử trên lưng ngựa lướt qua cánh đồng lúa mì
lững thững rừng phong lá rơi vàng bước chân ngôn ngữ

Với thi nhân khổ đau và cái chết không có điều gì mới
sợ đôi mắt người đẹp buồn hơn, mẹ già khuya sớm cút côi
dưới ánh trăng linh cảm tài hoa bão tuyết xoáy lòng tôi


Hải âu độc thoại điều gì bên vịnh Phần Lan?

Saint Petersburg hạ ấm chuyển thu lạnh mây mưa đá
ánh vàng cung điện trầm tư sông Neva in bóng vĩ nhân

Đâu đây tiếng chạm ly vodka lần đầu Pushkin - Gogol hội ngộ
và tiếng bước chân “ăn bám” đắng cay Brodsky từ giã nước Nga
theo cánh hải âu tôi bay trong nỗi buồn kỳ ảo thi ca!


Giữa bình minh mưa rực sáng bông hồng vàng

Bông hồng Paustovsky nở từ cuộc sống cô đơn sáng tạo
cái đẹp và sự tự do kết tinh từng hạt bụi vàng

Tiếc thương Pasternak và những ngôi sao chói rạng bốn phương
Paustovsky thảng thốt trước bóng tối uy quyền lãng quên báu vật
ánh sáng bông hồng vàng hướng tôi về Tâm hồn Nga - Tarusa


Dostoevsky chẳng quan tâm tượng mình đứng hay ngồi

Đày đoạ ngục tù hay lang thang túng quẫn
ông chỉ ưu tư số phận những kẻ bần hàn

Thần bút chưa dừng ở anh em nhà Karamazov
còn nhiều tội ác và hình phạt những kẻ giàu có bất lương
trĩu nặng ưu tư trang văn sáng soi chín cõi vô thường


Trái tim thơ Olga Berggolts toả ấm nghĩa trang

Không ai bị lãng quên, không điều gì bị quên lãng”
câu thơ sống mãi những người ngã xuống vì Leningrad năm xưa

Tên thành phố đổi thay nhưng tình yêu không bao giờ thay đổi
và chẳng vĩnh cửu nào bằng trái tim nồng nàn Olga Berggolts
xin nghiêng mình trước áng thơ máu xương nâng cánh tâm hồn


27 tuổi đời bay tìm tự do và tĩnh lặng

Khi viên đạn sát nhân tiếp tục bắn vào thơ Nga
cõi hư vô Pushkin đau buồn nắm tay Lermontov

Một mặt trời tái ngộ một mặt trời
vũ trụ thi ca chìm trong bóng đêm tổn thất
tại sao cái đẹp bị dập vùi và cái ác lên ngôi?


Hoàng hôn phương bắc mắt khuya phương nam

Đau đáu đôi mắt u buồn Natalia thương nhớ Pushkin
trái đất ngừng quay sau viên đạn bắn vào lòng tự trọng

Đêm đêm Pushkin vẫn nắm tay Natalia đi về Arbat phố cổ
tình yêu mãnh liệt thi sĩ thời nào cũng ngờ nghệch bão giông
trong mơ vội vàng tôi hôn ngọt mắt em quê nhà thao thức


Có phải Tchaikovsky hoà tấu cùng Mozart?

Nhớ con trai bé bỏng yêu nhạc tôi đi tìm Tchaikovsky
bất ngờ gặp Mozart truyền thần lắng tiếng chim cây phố 

Sống cống hiến phi thường, chết đớn đau bí ẩn
Mozart và Tchaikovsky giao hưởng số phận bi kịch thiên tài
nhân danh tình yêu của con, tôi nguyện cầu bình yên tương lai!

Moskva - Saint Petersburg 9.2018

        Nguồn: Báo Đất Việt


THƠ HAIKÂU CỦA LÊ ĐẠT

"... Tôi xin phép được mở ngoặc để nói thêm về từ chơi chữ vì từ này do bị sử dụng quá nhiều đã xuống cấp nghiêm trọng và thường bị nhiều người coi như một trò kỹ xảo đơn thuần có tính lý trí. Người chơi chữ dễ dàng được coi là một người thông minh. Như tôi đã trình bày ở trên, chơi như vậy là chơi đùa. Nhà nghệ sĩ cũng như đứa trẻ không chơi đùachơi thật khiến trò chơi chữ không còn là một trò chơi đơn thuần dựa trên óc thông minh của một người tỉnh táo mà dựa trên toàn bộ trí năng cũng như cảm năng của một kẻ đam mê bị thánh ốp trong một cơn thượng đồng của chữ..."

"... Tôi đã nỗ lực rất nhiều để trở thành một kẻ rồ chữ. Tôi xin được phép nhắc lại một lần nữa. Người làm thơ hoạt động ở những vùng biên ngôn ngữ rất giống một người điên. Cái khác biệt giữa họ nằm ở chỗ người điên thì vượt biên đi thẳng tới cõi vô thức hoàn toàn của đêm tối mù mịt và ở lại đó, còn người làm thơ thì loạng choạng bước một vài bước sang cõi vô thức thì ngừng lại và biết đằng sau quay, trở về với cõi ngày của ý thức sau khi đã lượm dăm mảng đêm của vô thức để mở rộng địa giới của cõi chữ. Làm thơ không chỉ đòi hỏi sự buông lỏng mà còn một cảnh giới thượng thừa..."

(Trích “Đường chữ”, bài viết của Lê Đạt 
nhân dịp giới thiệu tập thơ Ngó lời trên talawas chủ nhật)
Nhà thơ Lê Đạt


CHỮ NẶNG

      Chữ nặng trăng xưa mộng vạc

Jacques Brel [1] 
Đừng rời anh
(J. B.) 


Đường ngẩn ga ngơ mùa ngợ
Đồng hồ một kim
nạng gỗ số chờ


Léopardi [2] 

Bóng vụng goá tình mây chim trăng bãi
Gà trống nuôi đàn chữ dại mồ côi


Thơ cổ

Chữ nặng trăng xưa mộng vạc
Heo may từ xao xác nghĩa trang già


Khuất Nguyên

Bóng cá dạ trăng buồn quẫy nước
Dằng dặc tình tăm chữ giải oan


Mallarmé

Tình bầy đàn
lời ôi
hoa vãn chợ
Ú còi boong cạn chữ bồng khơi


Baudelaire

Mộng khổng lồ đời lồng chim vướng cánh
“Hoa ác” trái mùa điếm lạnh trang hoang


Tầm Dương
… giang đầu dạ tống khách
(Bạch Cư Dị) 


Sông lau lách
nhạc đìu hiu lệ cũ
Gió đầu dòng mưa cuối chữ Tầm Dương


Xích Bích
Đông phong bất dữ Chu lang tiện
(Đỗ Mục)

Gió đông má hoả công chiều đỏ
Lửa đào xuân quẹt cháy hoa môi


Xuân Đỗ Phủ
Lưỡng cá hoàng li minh thuý liễu
Nhất hàng bạch lộ hướng thanh thiên [3] 
(Đỗ Phủ)

Đôi bóng câu huyền
cong biếc liễu
Một hàng cười trắng thẳng thanh thiên


Chương Đài
… hỏi liễu Chương Đài
(Đường thi)

Lời thề xưa liễu thầm ghi âm lá
Chương Đài trăng làm chứng giả cho ai


Desnos [4] 
Anh chỉ là bóng trong xứ bóng
(D.)

Cửa đóng vách trắng canh đèn dại
Sao hình anh
mà lại bóng em


Borges [5] 

Người đẹp lẩn khe hai dòng chữ tối
Thủ thư mù
lần lẻ một lối mê


Đèn lạnh
Hàn đăng độc khả thân
(Đái Thúc Luân)

Đèn lạnh năm cùng câu thơ quán nợ
Đường về lòng cửa nhớ chẳng cài then


Chữ khuya

Trăng Liêu Trai hoa cửa trang không ngủ
Tự vị ma về chữ dụ mộng du


Kiều

Từ Hải chữ tượng tình hận đứng
Gió hiu hiu
lòng Kim Trọng bói Kiều


Trăng sổng
… tam bách dư niên hậu
(Nguyễn Du)

Mộng vỡ chưa chừa ba trăm năm mộng
Cửa Bạc Bà xuân khoá
sổng tù trăng


Hoa mai
… chỉ cúi đầu trước hoa mai
(Cao Bá Quát)

Rừng lặng vắng rặng tình thưa bóng cả
Mai lạnh ồ hoa lời lạ cháy trời


Sim chín
Muốn tắm mát lên ngọn sông đào
(Tản Đà)

Vùng sâu vùng xa chân hoa bóng lá
Tuổi hoài sim chín má ngọt môi phai


Phạm Thái

Độ nguyên tiêu trăng siêu chùa lệch mái
Mõ cầu kinh lời Phạm Thái tụng tình


Bích Câu

Người đẹp sương mài thu phủ hẹn
Hương cầu trăng thắp hiển tranh lên


Một mai

Chữ một mai chuỗi ngày
e lần gặp
Nheo mắt tình áp thấp nhận không ra


Nặng hạt

Tóc gió lay trắng tà bay nắng bạt
Áo mây phiêu lòng nặng hạt mưa chiều


Rơi giấy tờ

Đường Chương Dương
rơi giấy tờ hộ tuổi
Mưa đầu cầu
lòng ký gửi vào đâu


Hôn-đa ôm

Hôn-đa ôm tóc tình hương mắc lối
Thu đèo xe sợi rối mối vương đeo


Lần chần

Má lần chần hoa phường xuân mới hộ
Chưa biển đào đăng ký số thư môi


Bạc màu

Môi xăm thắm ai biết tình bôi lạt
Đồng Câu sâu ăn trắng hạt bạc màu


Chung tình

Lời lỡ nuốt thề mà mai buột nở
Xuân đa mang hoa khốn khổ chung tình


Forget me not [6] 

Lòng hoa chưa quên tình em đã vội
Lưu ly lời gọi tím lối chia ly


Đom đóm

Tình chết yểu lửa non lòng mới nhóm
Mây đêm trời mù đom đóm hoa rơi


Mưa nguồn

Núi vọng phu nỡ lòng em tình phụ
Nước đổ ra sông
ngược lũ mưa nguồn


Mùa má nhớ

Đào đỏ hoa hôn vườn thẹn cũ
Cánh nhoè mùa má nhớ
môi se…


Nhật thực

Em nhật thực láng giềng xuân tối ngõ
Nỡ hẹp hồng quen một lúm đèn


Bờ mưa

Tóc liễu phất thề bờ xưa bước sỏi
Mơ đoạn ngày tuổi cũ hỏi mưa bay


Đèn thắp

Không đêm nào từ chia tay điện ngủ
Gác ba về ma cửa gõ tên thu


Địa chỉ từ thiện

9 phố cô đơn tim nồm mộng dột
Lòng Ngâu xin từ thiện chút hửng trời


Hồ chiều

Thê - Húc dáng cong bước chiều ký ức
Trang mây bay Bút - Tháp mực xanh ngày


Tháng Giêng

Rằm tháng Giêng em lễ đền Trấn - Võ
Ngực đòng ngân chuông tháp cổ buông đồng


Đồi tranh

Đồi tranh qua quên ngõ nhà anh dặn
Đò hẹn trăng chìm đồng trắng chiêm tim


Tân trang

Mộng mông má lời nhuộm xanh nghĩa bạc
Xuân tân trang mùa lạm phát hoa đào


Bống chìm

Gốc đa hẹn lỗi tình chim hót giả
Giếng chung soi trăng mặt lạ bống chìm


Cấp cứu

Trạm cấp cứu lòng lặng thinh chẳng mở
Máu ai truyền tình nhóm nợ giải duyên


Kỷ niệm

Yêu đứt đoạn trưa trụi đường nắng lửa
Kỷ niệm xoe tình bóng nửa đời sau


Đầu chương

Có bên anh chấm hết đường vạch cỏ
Chữ trang tình lời tựa thuở đầu chương


Hoa hậu

Hoa hậu tóc lạnh lòng vương miện
Vòng tình tim chung tuyển trượt yêu


Bảo hành

An toàn em đồng hồ siêu điện tử
Bảo hành tình giờ chết bắt đền ai


Lẩn thẩn

Lẩn thẩn chẳng hội chứng quên ngôn ngữ
Lầm nhầm đời nhẩm nhớ chữ tên em


Reverdy [7] 
Và sân ga chẳng bóng ai đứng đợi
(R.)

Mộng thoáng hiện đường bên kia xe lửa
Tàu lặc lè đèn đỏ ba-ri-e 

_______________

[1]Ca sĩ kiêm nhà thơ nổi tiếng người Pháp, gốc Bỉ, thế kỷ XX
[2]Nhà thơ tình lớn người Ý thế kỷ XIX suốt đời thất tình
[3]Tản Đà dịch:
Hai cái oanh vàng kêu liễu biếc
Một hàng cò trắng vút trời xanh
[4]Nhà thơ siêu thực Pháp, hy sinh trong cuộc đấu tranh chống phát-xít Đức
[5]Một trong những nhà văn, nhà thơ lớn nhất Nam Mỹ thế kỷ XX. Ông bị mù khi về già và từng phụ trách thư viện trung ương Buenos Aires.
[6]Hoa “Đừng quên”, còn tên hoa Lưu Ly
[7]Nhà thơ lớn người Pháp thế kỷ XX

Nguồn: Ngó lời, NXB Văn học


Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018

NHÀ VĂN TRẦN ĐỨC TIẾN: VIẾT LÀ THẢ MỘT CHÚT HY VỌNG

Trần Đức Tiến viết đủ các thể loại, từ tiểu thuyết đến truyện ngắn, truyện vừa, truyện cho thiếu nhi, rồi tản văn. Tản văn, cái thể loại lưng chừng, viết dễ đấy mà khó đấy, nhưng luôn có sức hấp dẫn riêng. Nó là thể loại (dường như) phù hợp đặc biệt với bạn đọc hôm nay - những người quá bận rộn và luôn không đủ thời gian để đọc một mạch những cuốn sách dài.
Nhà văn Trần Đức Tiến

Những suy ngẫm nho nhỏ, những tâm trạng nho nhỏ, những buồn vui nho nhỏ, như một vài khe lạch của sông suối, đánh thức người đọc sau những lo toan mệt nhoài của đời thường. Những ý tứ này có được sau khi tôi đã gập lại cuốn đoản văn - tùy bút "Thả hy vọng" (Nhà xuất bản Trẻ, 2015)của nhà văn Trần Đức Tiến.

Người ta thường nói, mọi thứ trôi qua người cầm bút, có lẽ sẽ không chỉ đơn giản là trôi qua. Nó luôn còn lại, mắc lại, là chất liệu quý giá để nhà văn trang trải trên từng trang sách. Điều này dường như tuyệt đối đúng với nhà văn Trần Đức Tiến. Những chuyện nho nhỏ dọc đường ông gặp, những chi tiết nhỏ trong đời sống hằng ngày, tưởng như chả có tí dính líu gì tới văn chương, mà lại trở thành rất văn chương trên trang viết của ông.

Chuyện đi Yên Tử, chuyện ăn bánh khọt, chuyện cái áo rách, chuyện ngồi quán cà phê, chuyện thả cá phóng sinh, chuyện cái váy, chuyện ăn phở, chuyện cái nhà ngập nước... những chuyện đời thường ai cũng gặp, cũng trải qua, như không khí để thở, như cơm ăn nước uống, nhưng dưới ngòi bút của Trần Đức Tiến, tất cả những vụn vặt hằng ngày đều mang một thông điệp nào đó về cuộc sống. Chẳng hạn, chuyện leo lên đỉnh Yên Tử, ông viết:

"Không có gì thật. Chỉ có đá và những bụi cây dại. Rừng trúc đã ở lại dưới xa. Ở lại dưới xa "thăm thẳm mây ngàn". Ở lại dưới xa "véo von con sáo sậu". Những câu hát nổi tiếng lãng mạn đã tự tắt trong lòng từ lâu. Chùa Đồng, đỉnh núi, tận cùng con đường. Chỉ đá và cỏ. Và gió hoang sàn sạt thổi mòn núi từ bao thế kỷ.

Anh chống gậy, ngửa mặt nhìn trời. Chợt hiểu vì sao bao nhiêu người bỏ cuộc ở lại dưới xa kia.

Cứ đi đi. Đừng nghĩ đến đích. Làm gì có đích. Đó không chừng là bài học câm lặng vĩ đại của Yên Tử".

Có sự giật mình nào đó trong những câu chuyện thường là chưa đầy vài  ba trang sách. Đôi khi nó khiến người đọc dừng lại suy ngẫm rất lâu, vỡ vạc  ra điều gì đó nhỏ thôi, mà rất sâu sắc. Về đời sống thường nhật của một đôi vợ chồng, lúi húi kiếm tiền, nuôi con, cơi nới nhà cửa. Đến lúc chợt nhận ra "anh đã có tất cả, chỉ mất đi những buổi chiều". Về đứa trẻ thành phố trên toa tàu đang chạy ngang qua cánh đồng, nhìn thấy đàn cò trắng bay, nó hỏi: "Bố ơi con gì kia hả bố?". Về  người vợ cặm cụi ngâm thuốc hà thủ ô chữa bệnh bạc tóc cho chồng, mà người chồng thì vô tâm đâu biết rằng vợ mình "cả một vùng chân tóc trắng lâm râm như mầm mạ". Về anh cán bộ đi công tác mua quà về tặng cho cô bồ trẻ, bị em chê ỏng chê eo ngay trước mặt, tiu nghỉu về gặp vợ. Quà cho vợ chỉ là câu chào quen thuộc sau những chuyến đi xa: "Mình ở nhà vẫn khỏe chứ". Về anh Ba Chân, người lãnh đạo phản ứng cực nhạy với "văn hóa phong bì", người "nửa nọ nửa kia" quý hiếm trong thời buổi ai cũng trọng vật chất, quà cáp. Một người lãnh đạo trước sau rất trân trọng những người viết văn làm nghệ thuật, và luôn giữ  cách ứng xử đặc biệt đối với văn nghệ sĩ...

Đọc tản văn của Trần Đức Tiến, cảm giác như được sống chậm, được thong thả đi lan man hết các ngõ ngách trong cuộc đời, được ngồi vỉa hè ăn bánh khọt, uống cà phê Trầm, hóng gió bờ biển, nghe những âm thanh hằng ngày, gần gũi bình dị nhất có thể. Nghe xong rồi chợt thấy yêu thêm cuộc sống này bao nhiêu, vì những điều nho nhỏ, những điều mà trong những toan tính vội vàng cuộc đời ta rất dễ bỏ qua. Dường như có sự nuôi nấng nào đó trong mỗi chi tiết đời thường, một bông hoa nở, một người bạn quý, một buổi rỗng không trò chuyện với chính mình.

Ngẫm ra, người ta sống ở đời, đừng cao siêu to tát đến mức quên đi những nhẩn nha thong thả. Sống chậm và sống kỹ là cách tự chăm sóc cho tâm hồn mình, cho sự phong phú nào đó trong ý nghĩa đời mình, hơn là cứ vội vàng lao lên phía trước để giành giật lấy có khi chỉ là sự vô nghĩa to đùng.

Tất nhiên, phải trải nghiệm đời sống đến mức nào thì những ý nghĩa như vậy mới kết tủa trong ngày tháng của người cầm bút. Tôi thích đọc tản văn của người đã trải đời với nhiều thành tựu và vui buồn như Trần Đức Tiến. Là bởi ông đã ở giai đoạn xử lý sành sỏi câu chữ văn phong, đã chiêm nghiệm sâu xa mỗi trải nghiệm của mình, đã nhận diện đời sống bình thản, giản dị như nó vốn vậy, không thiên kiến hay nghiêm trọng điều gì. Mỗi thông điệp trong từng trang sách như thể ông đã dùng cả đời của mình để soi chiếu vào đó. Những trang văn như vậy tặng cho người đọc một hàm lượng đáng kể cảm xúc và suy ngẫm.

Ở góc độ nào đó, nó giúp người đọc nhận thức lại ngày tháng mình đang sống. Tôi rất sợ đọc tản văn của những người ít trải nghiệm. Nó ngô nghê không thuyết phục, không làm người đọc giật mình. Nó trôi trượt qua như những giọt nước mưa rơi trên đầu chiếc lá.
Bởi vì, viết tản văn để người đọc thấy hay, thấy chia sẻ, thấy thú vị, thấy cảm mến, là cực kỳ khó. Tản văn không có nhiều chuyện, nhiều chi tiết để bám vào như truyện ngắn, truyện vừa hay tiểu thuyết. Tản văn là những chợt hiện, những lát cắt nhỏ, nhưng lại không được phép nhẹ hều trong cảm nhận của độc giả.

"Thả hy vọng" là một trong không nhiều cuốn tản văn tôi đã đọc và thích. Trong cuốn sách, có phần là tùy bút. Những tùy bút của ông viết về thế sự, về đời sống chở nặng nhiều ngẫm ngợi cuộc đời. Nhà văn Trần Đức Tiến có chia sẻ, ông không phân biệt thể loại nào là cao hay thấp trong văn chương. Ông gặp chuyện gì cảm thấy có một sự thúc giục nào đó thì ông viết. Văn chương của ông thường bắt đầu từ đời thật, và nếu có tưởng tượng thì cũng phải dựa trên những chi tiết từ đời thật. Nghĩa là người cầm bút phải sống, trải nghiệm thật sự, không ỷ lại vào khả năng hư cấu của văn chương.

Đối với Trần Đức Tiến, nghề văn cũng giống như bất kỳ nghề nào khác trên đời. Tâm thế của ông, không khoác cho văn chương sự phù phiếm nào đó như không ít người cầm bút khác đã quan niệm. Viết văn với ông là công việc nhọc nhằn, tuyệt đối tránh những hư danh hão huyền. Là để sẻ chia những gì ông đã trải đã ngẫm trong đời mình. Giống như người thả cá xuống hồ vào dịp sắp Tết, thả một chút hy vọng vào đời sống. Bởi thế, văn chương ông luôn gần gũi với cuộc đời và có chỗ đứng bền bỉ trong lòng bạn đọc...

____________________________
     Bìa sách Thả hy vọng của Trần Đức Tiến

- Thông thường giữa quãng nghỉ của hai cuốn sách, người viết quay ra viết tản văn, như một cách thư giãn, ông có vậy không?

+ Tôi chưa khi nào cảm thấy "thư giãn" bằng cách viết tản văn. Những đoản văn đầu tiên của tôi ra đời xuất phát từ việc "đặt hàng" của một tờ báo mà tôi yêu thích. Họ yêu cầu: ngắn, nhân văn. Viết ngắn, viết đều, và in được, trong khoảng thời gian khá lâu, thật chẳng thư giãn tí nào.

- Theo trải nghiệm của ông, viết tản văn khó và dễ ở điểm nào?

+ Dễ ở chỗ ít phải bịa như viết truyện. Còn khó là kể lại một chuyện bình thường có thật mà không đến nỗi lảm nhảm, vô duyên.

- Đọc "Thả hy vọng", thấy ông giỏi trong việc biến những câu chuyện bình thường đơn giản trong cuộc sống mà dường như ai trong chúng ta cũng từng gặp đâu đó thành câu chuyện của văn học, tức là luôn khiến người ta giật mình suy ngẫm khi đọc đến những dòng cuối cùng. Theo kinh nghiệm viết và đọc tản văn của ông, đấy có phải là một bí quyết để viết hay tản văn?

+ Tôi chả có bí quyết, và cũng không quan tâm đến bí quyết khi viết văn. Nhưng tôi thích nhận xét của một người bạn khi đọc xong "Thả hy vọng": đọc sách mà như đang ngồi nói chuyện với người.

 - Trong cuốn sách của ông, ngoài tản văn, còn có một phần là tùy bút. Trong văn học, người ta thường xếp tùy bút, tản văn ở vị trí thấp hơn các thể loại khác như tiểu thuyết, truyện ngắn. Ông viết tất cả các thể loại này rồi, quan điểm của ông ra sao?

+ Tiểu thuyết, truyện ngắn, tùy bút, tản văn… là những thể loại khác nhau của văn học. Tôi không xếp cái nào cao hơn cái nào. Nhưng thích làm cái này hơn cái kia thì có.

BÌNH NGUYÊN TRANG
Nguồn: VNCA SỐ 250/2015




Thứ Ba, 27 tháng 11, 2018

MÙA YÊU THƯƠNG CỦA PHẠM PHƯƠNG LAN

Nhà thơ Phạm Phương Lan không sa đà vào tả cảnh mùa xuân. Chị cũng không bộc lộ cảm xúc cụ thể của mình. Những vần thơ thật nhẹ nhàng, thanh thoát, không cao siêu mà vẫn có sức lan toả. Nó tựa như những con sóng cảm xúc êm ái chạm vào con tim bạn đọc một cách tự nhiên…
Nhà thơ Phạm Phương Lan

Mùa xuân thường được coi là mùa đẹp nhất trong năm. Đó cũng là nguồn thi hứng bất tận dành cho các thi nhân từ xưa đến nay. Thế Lữ, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Tố Hữu,... đều đã có những bài thơ hay nổi tiếng về mùa xuân. Các nhà thơ trẻ hiện nay cũng không thể thờ ơ với Xuân và cảm xúc của họ luôn trào dâng mỗi độ xuân về. Bài Mùa yêu thương của nhà thơ nữ Phạm Phương Lan là một minh chứng cho nhận định đó. 
   
Mở đầu bài thơ là hình ảnh  của thiên nhiên, cây lá, mây trời thật đẹp, thật nên thơ và sinh động:

Mùa xuân về trên lá
Xanh non những chân trời
Dệt mộng mơ lên tóc
Bồng bềnh theo mây trôi

Bất giác ta nhớ đến câu thơ của Tố Hữu: "Xuân bước nhẹ trên cành non lá mới/ Bạn đời ơi vui chút với trời hồng" (Ý xuân). Nhưng sự khác biệt là mùa xuân trong bài thơ này tươi vui hơn, rộn ràng hơn trong một không gian rộng lớn. Mùa xuân ở đây không trừu tượng mà hiện hữu trước mắt ta với màu xanh của lá, với rực rỡ sắc hoa và chồi non mới nhú. Bằng tâm hồn nhạy cảm, nhà thơ tưởng như có thể chạm môi vào mùa Xuân. Và hơn thế nữa còn có thể cảm nhận được cả hương vị của nó:
     
Mùa xuân về trên môi
Chúm chím trao những nụ
Chồi non nào vừa nhú
Ngạt ngào hương bay xa
     
Mùa xuân mang đến cho ta niềm vui và hy vọng. Nó đến với từng con phố , với mọi nhà mọi người. Không ai có thể dửng dưng với mùa xuân. Ngay cả chiếc khăn choàng của cô gái đi trên phố qua cảm nhận của nhà thơ cũng trở nên sống động vương vít, hoà chung với niềm vui của con người:
                               
Xuân về trên phố hoa
Sài Gòn biêng biếc nhớ
Khăn choàng ai một thuở
Vương vít hoài không thôi
     
Cảnh thiên nhiên trong tiết xuân dẫu đẹp đến bao nhiêu mà thiếu cuộc sống hạnh phúc của con người cũng trở nên vô nghĩa. Tác giả bài thơ phác hoạ cảnh trên chỉ là cái nền. Cuối bài thơ chị dẫn dắt ta đến với không khí tết của gia đình: nào là hoa mai nở, nào bánh chưng thơm nồng và bóng dáng người mẹ rưng rưng trong niềm vui đón con cháu cuối năm về sum họp:

Sáng nay bỗng xuân ngời
Nắng oà reo khắp phố
Mai vàng bung cánh nở
Bếp than nồng bánh chưng 

Mắt mẹ nhoà rưng rưng
Đón em nàng dâu mới
Bao tháng năm chờ đợi
Mùa yêu thương đong đầy. 
   
Chọn thể thơ 5 chữ trẻ trung lại rất phù hợp với không khí tươi vui của mùa xuân, nhà thơ Phạm Phương Lan đã mang đến cho độc giả một bài thơ hay. Chị đã thành công khi truyền tải cảm xúc của mình trước một chủ đề rất cũ mà không bao giờ cũ.

Làm thơ về mùa xuân vừa dễ lại vừa khó. Cái khó là không khéo sẽ dẫm vào "bước chân" của người đi trước với vô vàn những câu thơ hay viết về mùa xuân. Ở đây nhà thơ Phạm Phương Lan đã có cách tiếp cận riêng của mình. Chị không sa đà vào tả cảnh mùa xuân. Chị cũng không bộc lộ cảm xúc cụ thể của mình. Những vần thơ thật nhẹ nhàng, thanh thoát, không cao siêu mà vẫn có sức lan toả. Nó tựa như những con sóng cảm xúc êm ái chạm vào con tim bạn đọc một cách tự nhiên. Bài thơ như một bức tranh thuỷ mặc hài hoà giữa sắc màu thiên nhiên với cuộc sống con người. Chắc sẽ có nhiều bạn đọc phân vân tự hỏi: đây là lời thơ hay lời của một bài hát ngợi ca mùa xuân? 
             
TRẦN THANH CHƯƠNG
Nguồn: NVTPHCM

XEM BÀI KHÁC:

·         NGỮ PHÁP THƠ LÊ ĐẠT


Thứ Hai, 26 tháng 11, 2018

KHAI NGỘ VỚI THIÊN NHIÊN: BASHÔ VÀ OCTAVIO PAZ

(Awakening to the nature)

Bây giờ, trong thời đại phê bình sinh thái (ecocritical age), đọc lại thơ Bashô, ta cảm thấy như đang thở hít trong một sinh quyển đầy mê diệu. Đó là thứ thơ ca đưa ta vào sâu thẳm thiên nhiên. Không chỉ là thiên nhiên. Đó còn là tâm linh sinh thái, nơi mọi thứ luôn luôn sáng tạo và chuyển hóa, nơi mọi sinh linh bước đi trong ánh sáng của bình đẳng và vô sai biệt, không có chủ nhân và sở hữu chủ, nơi mọi thứ phản chiếu nhau như những hạt châu.
Thi hào Bashô của Nhật Bản

Là nhà thơ, Bashô cảm thấy mình có quyền kêu gọi mọi người trở thành “người bạn của bốn mùa” và “quay về với tạo hóa” để gặp gỡ cái mê diệu và sáng tạo cái mê diệu. Hướng theo con đường thơ ca sâu thẳm của Bashô là tạo nên khả thể cho cuộc “tái mê diệu hiện thực của thế giới này” (a realistic reenchantment of the world)(1), nói theo Patrick H. Dust.

Lắng nghe Matsuo Bashô là lắng nghe những vần thơ của hơn ba thế kỷ trước. Đọc Bashô giữa thế kỷ hai mươi, Octavio Paz, nhà thơ lớn Mexico cho rằng kiệt tác Con đường sâu thẳm (Oku no hosomichi) là cuộc hành hương tâm linh (a spiritual pilgrimage) khi ông tham gia chuyển ngữ nó sang tiếng Tây Ban Nha(2). Bản thân Paz cũng từng sáng tác thơ theo thể renga và haiku (liên ca và haiku) trong phong cách hội tụ và hiện đại.

Cũng như Bashô, thơ Octavio Paz thể hiện hành trình tâm linh và cái đồng cảm vũ trụ rất gần tinh thần “thiên nhân tương cảm” của Đông phương mà ông rất quen thuộc. “Tương cảm và tương ứng chỉ là cách gọi cho nhịp điệu vũ trụ”, Paz đã nói như thế (3). Sự tương cảm đó có thể xem là mặc khải thơ ca (Poetic revelation) một thứ mặc khải không cần tới một quyền lực siêu hình nào, “đó là mặc khải về chính mình mà con người tạo ra cho mình” (4). Đó là mặc khải với thiên nhiên. Vì hiền minh thơ ca cũng là hiền minh thiên nhiên (natural wisdom).

Đó là khi thơ ca học cách sáng tạo và chuyển hóa của bốn mùa, của tứ đại (đất, nước, gió, lửa) trong tĩnh lặng cũng như trong khi đối diện với sự tàn phá thiên nhiên:

“Phản chiếu cái tương thân vũ trụ, thơ ca là biểu tượng của những gì xã hội con người cần hướng tới. Trong khi đối mặt với tàn phá thiên nhiên, thơ ca cống hiến bằng chứng sống động về cái tương thân của các vì sao và các phân tử, của hóa học và ý thức… mỗi bài thơ là một bài học thực tiễn trong hài hòa và tương hợp… Bài thơ hình thành qua cái tương thân của các yếu tố, hình thức và tạo vật của vũ trụ là biểu tượng cho sự tồn sinh trên đời…

Sinh ra từ tưởng tượng của con người, thơ ca có thể chết đi nếu tưởng tượng chết đi hay tàn bại. Nếu con người quên lãng thơ ca, họ lãng quên chính mình, niềm lãng quên con người. Và quay về với hỗn mang nguyên thủy”(5). Paz đã nói như thế.

Và như thế, Paz từ cái nhìn hiện đại, Paz đã vô hình trung kế tục và phóng mở tư tưởng Bashô. Chống lại sự lãng quên thơ ca và lãng quên thiên nhiên, thi hào Nhật Bản kêu gọi “làm bạn với bốn mùa” và “đón nhận thiên nhiên, quay về với tạo hóa”.

Khi lang thang từ Edo đến bờ biển Suma, Bashô tự thấy mình như là một hành giả lang thang theo gió, tựa hồ tấm lụa tả tơi phiêu lãng. Đó là ông tự xếp mình vào hàng ngũ những tâm hồn phong nhã (fuga: phong nhã, hồn thơ, bản thân nghệ thuật thơ ca) như Saigyô của thơ tanka, Sesshu của hội ca, Rikyu của trà đạo và Sôgi của thơ renga. Cảm nghiệm đó Bashô ghi lại trong tác phẩm Oi no kobun (Cập chi tiểu văn: Ghi chép nhỏ trong túi hành hương):

“Một linh hồn đã hoạt hóa tất cả tác phẩm của những người này. Đó là tâm hồn của fuga (phong nhã), kẻ nào ấp ủ nó đều đón nhận thiên nhiên và trở nên người bạn của bốn mùa. Nhìn thấy gì, người ấy đều nhớ đến hoa; nghĩ điều chi người ấy cũng liên tưởng tới trăng. Nếu nhìn vật mà không nhớ hoa là kẻ man rợ, nếu tư tưởng mà không quay về trăng thì có khác chi loài thú. Thế nên tôi kêu gọi: Hãy vượt qua man rợ mà đón nhận tạo hóa, quay về với tạo hóa.”

Đoạn văn lộng lẫy mà uyên áo này cho thấy cái nhìn hiền minh của Bashô về thiên nhiên. Thiên nhiên không đối lập với văn hóa. Chính vì có văn hóa, có nghệ thuật, có hồn thơ (phong nhã) thì con người mới là bạn tình của thiên nhiên. Hơn nữa, tư tưởng Bashô còn sâu hơn những gì mà trích dịch bất toàn trên cho thấy.

Cái tưởng tượng thơ ca của Paz có khác gì với tâm hồn phong nhã của Bashô. Tưởng tượng ấy chết đi thì cũng là phong nhã chết đi.

Kẻ man rợ của Bashô thì khác gì niềm quên lãng con người của Paz.
Cái tương thân vũ trụ của Paz cũng rất gần với bạn bốn mùa của Bashô.

Khỏi phải nói, cả hai nhà thơ lớn đều ca ngợi cái thiên nhân tương cảm, cái sáng tạo và chuyển hóa thể hiện trong con người và thiên nhiên.

Cả hai đều hướng tới sự tồn sinh của con người trong nhịp điệu thiên nhiên, cái không khác với nhịp điệu thơ ca.

Để nói về tính sáng tạo của thiên nhiên, Bashô thường dùng từ zôka (tạo hóa). Cho nên ông nói “quay về với tạo hóa”, tức là quay về với cái huyền diệu của vũ trụ.

Trong kiệt tác Con đường sâu thẳm (Oku no hosomichi), đến thăm Matsushima (Tùng Đảo) tuyệt đẹp, Bashô đã viết: “Tạo hóa thiên công, có bút mực nào, lời thơ nào vẽ nổi và tả xiết đây?”(6).

“Tạo hóa thiên công” (zôka no tenkô) chính là tính sáng tạo huyền diệu mà Bashô muốn bắt chước trong thơ, muốn quay về với cái đó, chơi với nó (zôka zuijun: tạo hóa tùy thuận).

Cũng như thế, Octavio Paz cho rằng thiên nhiên là ngôn ngữ, là thơ ca. Mở ra ngôn ngữ chính là trở về với thiên nhiên (es volver a la naturaleza). Nhưng thiên nhiên ở đây không phải là vật chất hay tâm linh mà là năng lượng, là từ trường, rất gần ý nghĩa sinh thái. “Chúng ta ra khỏi thiên nhiên và trở về với nó” là điều ông nhận thấy khi đọc Lévi-Strauss.

Paz cho rằng vũ trụ có từ tính, là từ trường hóa. Vũ trụ là “một loại nhịp điệu đan dệt thời gian và không gian”.

Đứng trước thiên nhiên và vũ trụ mê diệu như thế, hơn ai hết các nhà thơ muốn cuộc tồn sinh của con người yêu thương nó, kết một khối tình với nó. Như Hồ Xuân Hương cho thấy trong bài thơ tuyệt diệu Đá Ông Chồng Bà Chồng:

Khéo khéo bày trò tạo hóa công
Ông Chồng đã vậy lại Bà Chng
Gan nghĩa giãi ra cùng nhật nguyệt
Khối tình cọ mãi với non sông.

Trò chơi của Tạo hóa thiên công, trò chơi của từ trường mà các nhà thơ nói ở đây là cái kỳ diệu, huyền bí, tinh tế, thiện xảo, công phu, tài hoa, ẩn tú trong sáng tạo và chuyển hóa của tự nhiên.

Trở về ở đây là về với cái linh thiêng của sáng tạo chứ không phải về với đồng quê hay chốn lâm tuyền để hái cúc, trồng lan ở ẩn mà nêu cao tư cách “quân tử”.

Bashô và các nhà thơ chỉ muốn học cái cách mà thiên nhiên hay sinh thái đã sáng tạo. Như Goethe ở Đức đã nói: “Tác phẩm vĩ đại của Nghệ thuật là tác phẩm vĩ đại của Thiên nhiên”.

Thơ ca và nghệ thuật không phản ánh thiên nhiên mà là vận động trong tinh thần sáng tạo của thiên nhiên. Họa sĩ kỳ tài Paul Klee trong thế kỷ hai mươi trong tinh thần đó mà nói với một người bạn đang dạy nghệ thuật:

“Hãy dẫn sinh viên đến Thiên nhiên, vào trong Thiên nhiên! Để họ học cảm nghiệm một nụ hoa hiện thành thế nào, một cái cây mọc thế nào, một con bướm mở cánh thế nào, làm sao cho các bạn ấy sẽ trở nên phong phú, biến đổi, hào hứng như bản thân Thiên nhiên. Đón nhận đường lối sáng tạo tự nhiên mà biến tạo hình thức. Đó là trường học tuyệt nhất.”

Đối với Bashô, Paz cũng như họa sĩ Klee, phải là văn hóa, phải là thơ ca nghệ thuật mới có thể là thiên nhiên, rất khác với quan niệm nhị đối thường có giữa thiên nhiên và văn hóa, cũng như thiên nhiên và con người.

Phê bình sinh thái đương nhiên đồng tình với những nghệ sĩ thượng thặng ấy và dị ứng với loại tư tưởng “làm chủ và sở hữu thiên nhiên” kiểu Descartes.

Con người dường như không muốn hiểu rằng Thiên nhiên làm ra con người chứ làm gì có con người làm ra Thiên nhiên. Và chỉ có thể con người cần Thiên nhiên chứ Thiên nhiên cần chi con người.

Trong thiên nhiên, vai trò của con người không phải là chủ nhân. Đó phải là người bạn như Bashô đòi hỏi, “bạn của bốn mùa”. Đó phải là người tình, như Paz gợi ý.

Tương quan với thiên nhiên như thế có thể là một tương quan mật thiết, sắc dục hay từ tính (a magnetic relationship) nghĩa là thu hút nhau, mơn trớn nhau và có thể xuyên thấm nhau.

Như bài haiku của Bashô về đầm Kisagata:

                Đầm Kisagata
                Nàng Tây Thi nằm ngủ
                Hoa buồn ngủ trong mưa.

                                (Kisagata ya
                                ame ni Seishi ga
                                nebu no hana).

Dưới mưa, đầm Kisagata, nàng Tây Thi và hoa buồn ngủ (hoa hợp hoan) như cùng nhau thiếp ngủ. Cảnh ấy “ngập đầy đôi mắt” nhà thơ, mơn trớn nhà thơ.

Và khổ thơ về quẻ Hằng của Paz:

                Như rừng nằm trong giường lá
                Em nằm ngủ trong giường mưa
                Em hát ca trong giường gió
                Em hôn trong giường những tia lửa ngời.

                                (Como el bosque en su lecho de hojas
                                tú duermes en tu lecho de lluvia
                                tú cantas en tu lecho de viento
                                tú besas en tu lecho de chispas)

Nhà thơ Paz muốn “sờ nắn bằng tư tưởng và suy tư bằng thân xác” và vần thơ trên cho thấy điều đó. Nằm ngủ, hát ca và hôn trong mưa, trong gió, trong lửa. Tư tưởng thật sự biết sờ nắn và thân xác thật sự biết suy tư.

Với Bashô, tiếp xúc và hiểu biết thiên nhiên là nguồn cảm hứng vô tận: “Muốn biết cây tùng, hãy đi tới cây tùng”. Đi tới là tiếp xúc, là mơn trớn, là thâm nhập vào sự vật, vào thiên nhiên. Và cảm nghiệm Nước, Đất, Gió, Lửa bên ngoài ta cũng như bên trong ta.

Nước, cổ mẫu đầu tiên, trải nghiệm đầu đời của ta. Lòng mẹ, máu, sữa, mưa, sông, biển, nước mắt,…

Haiku mùa thu của Bashô:

                Chén trăng đầy
                sóng thơm mùi rượu
                biển xanh say.

                                (Sokai no
                                nami sake kusashi
                                kyo no tsuki)

Trăng có thể được dùng làm chén mà múc rượu từ biển mùa thu ngát hương: rượu tình.

Với Paz, thơ ca là nước, nước chảy tràn.

                Cuối cùng hãy là một Lời…
                một giọt nước trên khao khát môi.
                …
                nước, nước cuối cùng trôi,
                lời của người dành cho người.

                                (Ser al fin una Palabra…
                                un poco de agua en unos labios ávidos.
                                …
                                Agua, agua al fin
                                palabra del hombre para el hombre).

Nước kết nối con người với cội nguồn, con người với con người. Nước là thơ ca, là tình yêu cuộc sống.

Đất thì phong nhiêu, là mẹ đất. Theo Paz, mẹ đất luôn luôn trinh nguyên. Nhưng sinh sản vô tận hoa trái trần gian.

Một bài haiku của Bashô trình bày một cuộc chơi: hoa rụng về cội.

                Xuống đất ư
                cánh hoa về cội rễ
                dường như giã từ.

                                (chi ni taore
                                ne ni yori hana no
                                wakare kana)

Bài thơ thuộc mùa xuân cho dù nói về giã từ và cái chết. Vì hoa lại tan mình vào đất, một lúc nào đó lại tái sinh thành hoa mới trên cây. Cây đã nhập hoa trở lại vào thân mình. Vòng luân hồi của sinh thái là thế.

Đất thì lặng lẽ và cây cũng thế. Paz nói lên cái vô ngôn đó trong một bài haiku của mình:

                Cây tần bì
                đêm qua dường sắp nói
                nhưng rồi không nói ra.

                                (Anoche un fresno
                                a punto de decirme
                                algo -callóse)

Có nhiều cách nói. Và không nói cũng là một cách nói. Do đó ta có thể nghe đất và nghe cây. Không thể nghe bài ca im lặng của đất và cây có thể là một cách mất gốc, không còn là hoa của đất.

Đất có thể kết hợp với trời trong mưa và lúc ấy mọi sinh linh trông khác đi, như một bài haiku của Bashô cho thấy:

                Mưa mùa hạ trôi
                kìa chân chim hạc
                ngắn lên lần hồi.

                                (Samidare ni
                                tsuru no ashi
                                mijikaku nareri).

Chân chim hạc ngắn đi khi nước dâng nhưng nói thế mà không phải. Chim hạc biết rõ chân mình, biết bầu trời và nước, biết mùa hạ và mưa theo cách của nó, theo bản năng sinh thái. Chim hạc đứng một mình nhưng đâu phải một mình. Hiện thời, đất, nước và bầu trời làm ra nó.

Thiên nhiên là một thế giới tương tùy và tùy duyên mà sinh khởi, trong đó bất kỳ một sinh thể nào cũng có mặt trong cái khác trong nguyên lý tương tức (interbeing) không có chi ngoại lệ.

Tư tưởng Phật giáo cũng như hiền minh sinh thái nhìn thấy không có gì là biệt lập, một mình.

Một mình không phải là một mình hiện hữu mà là “một mình với”. Con hạc không bất động. Đứng yên là một cách khác, bay với mưa mùa hạ. Cái đứng yên đó là kết tụ ngàn lần đã bay và ngàn lần sẽ bay.

Trước Bashô, Nguyễn Trãi cũng đã có cái nhìn hiền minh này:

                Lẻ có chim bay cùng cá nhảy
                Mới hay kìa nước nọ hư không.

Nhiều thế kỷ trước, thiền sư Nhật Bản Dôgen cũng đã nói trong Chánh Pháp Nhãn Tạng(Shobogenzo):

“Từ nước, cá làm nên đời sống của mình, và từ trời, chim cũng thế. Đời sống ấy chim cá làm ra. Đồng thời đời sống làm ra chim cá. Bởi thế, cá, nước và đời sống, cả ba sáng tạo lẫn nhau”.

Và hình ảnh cánh hạc biển của Nguyễn Du:

                Hải hạc diệc hội vũ
                Bất dữ thế nhân tri.

                                (Biển xanh cánh hạc múa chơi
                                Cần chi hạc múa cho người đời hay.)

Cái quan trọng là mọi hiện tượng đời sống sáng tạo lẫn nhau, chứ không có ưu quyền đặc lợi cho riêng cái nào. Đất và nước, đất và trời tương phản mà tương hợp.

Như lời trong sách Thái Căn Đàm: “Nếu chân tính của ta có sức mạnh sáng tạo của bản thân Thiên nhiên tạo hóa thì dù cho đi đâu, ta đều thấy cá nhảy và nhạn bay”.

Đất, trời, nước, chim, cá… và ta thở cùng hơi thở, tương tùy, tương duyên, tương hợp, tương tức,…

Đất tự nó là một sinh thể. Con người không chỉ sống trên đất mà còn là đất. Thế nên Paz viết:

                Chỉ có đất
                mà tôi biết và biết tôi.

                                (Única tierra
                                que conozco y me conoce).

Với Octavio Paz, gió được xem là “hơi thở sáng tạo của đời sống. Gió có thể ném ta ra khỏi chính mình hay ném ta vào chính mình”.

Lang thang trong gió thu gió đông, Bashô cảm thấy:

                Xơ xác dãi dầu
                gió xuyên thân xác
                vào tận hồn sâu.

                                (Nozarashi o
                                kokoro ni kaze no
                                shimu mi kana).

Cùng diễn tả hơi thở dữ dội của gió, đến giữa thế kỷ hai mươi, nữ sĩ Setsuko viết:

                Đất trời
                rung chuyển cùng hơi thở
                bày trận tuyết rơi.

                                (ame-tsuchi no
                                iki aite hagheshi
                                yuki furasu).

Gió vừa sáng tạo vừa tàn phá, vừa là sắc vừa là không, vừa đến vừa đi đồng chơi, vừa chơi vừa chết đồng thời.

Gió thổi mây bay. Nhưng chính là gió bay. Yếu tính của gió là bay và bay và nó có thể giải thoát từ đã đến thơ ca ra khỏi trọng lực, như những vần thơ của Paz cho thấy:

                Thế giới cũ của đá
                cất mình lên và bay

                                (El viejo mundo de las piedras
                                se levanta y vuela).
                …
                Ngày mở bàn tay
                bay ra ba áng mây
                và những vần thơ này.

                                (El día abre la mano
                                tres nubes
                                y estas pocas palabras).

Mây bay gió thổi. Nhưng ngày thật sự mở ra với lửa. Với Paz, thơ ca là “ngôn ngữ của lửa” (lenguaje de incendios) và lửa cũng là tâm linh, như có thể thấy qua vần thơ sau đây của ông:

                linh hồn không sống trong hình thể nào,
                nhưng làm cho mọi hình sắc cháy
                với một ngọn lửa bất diệt huyền linh.

                                 (espíritu que no vive en ninguna forma,
                                mas hace arder todas las formas
                                con un secreto fuego indestructible).

Lời thơ của Bashô trong một đêm mùa xuân ẩn giấu một ánh lửa vô hình của nến, của hương và của u huyền:

                Một đêm mùa xuân
                trong góc Phật đường
                bóng ai quỳ mông lung.

                                (Haru no yo ya
                                komoribito yukashi
                                dô no sumi).

Một hình ảnh lửa có thể nhìn thấy trong nước qua bài haiku khác của Bashô:

                Dòng Mogami ấy
                dìm mặt trời đang cháy
                vào trong biển xanh.

                                (Atsuki hi o
                                umi ni iretari
                                Mogamigawa).

Lửa mặt trời vẫn cháy trong dòng sông ấy, trong biển cả ấy và vẫn cháy trong thơ ca, trong đá, trong cỏ, trong gió, trong đất và trong con người.

Thơ ca đã kết buộc thế giới bên ngoài và thế giới bên trong của con người, ôm ấp đất, nước, gió, lửa bằng tình yêu nồng nàn.

Mỗi ngày của chúng ta được kết dệt bằng vũ điệu của các nguyên tố ấy như lời thơ của Paz:

                Những nguyên tố quấn quít nhau
                đan dệt y trang của một ngày chưa biết.

                                (Los elementos enlazados tejen
                                la vestidura de un día desconocido).

Cái ngày chưa biết đó, cái ẩn giấu đó chính là cái mê diệu mà thiên nhiên mặc khải cho thơ ca, sự mặc khải mà Bashô và Paz lắng nghe không ngừng. Lắng nghe hình sắc và lắng nghe cả hư không. Thơ Bashô:

                Từ cành cao
                hư không rơi xuống
                trong vỏ ve sầu (7).

                                (Kozue yori
                                adani ochi keri
                                semi no kara).

NHẬT CHIÊU
Nguồn: NVTPHCM


Chú thích:

(1) Patrick H. Dust, Editor: Ortega y Gasset and the Question of Modernity, The Prisma Institute, Minneapolis, 1989, p.51
(2) Octavio Paz: Covergences, Trans. Helen Lane. HBJ, New York, 1987, p.248
(3) Octavio Paz: Children of the Mire, Trans. Rachel Phillips, Harvard University Press, Cambridge, 1974, p.63.
(4) Octavio Paz: The Bow and the Lyre, Trans. Ruth Simns, McGraw-Hill, New York, 1975, p.121
(5) Octavio Paz: The other voice, Trans. Helen Lane, HBJ, New York, 1992, p.159,160.
(6) Matsuo Bashô: Oku no hosomichi/ The Narrow Road to Oku, Song ngữ Nhật Anh, Trans. Donald Keene, Kodansha, Tokyo, 1996, p.78,79.
(7) Những trích dịch không đánh số trong bài viết chúng tôi thực hiện khi dựa vào các tài liệu sau đây:
- Jason Wilson: Octavio Paz, A study of his poetics, Cambridge University Press, London, 1979
- The Poems of Octavio Paz, Sách song ngữ Tây Ban Nha – Anh, Trans. E. Weinberger, New Directions, 1998
- Octavio Paz, Selected Poem, Sách song ngữ Tây Ban Nha – Anh, Trans. Tomlinson, Penguin Books, 1979
- Bashô The Complete Haiku, Sách song ngữ Nhật – Anh, Trans. Jane Reichhold.


NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU