Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2018

BÁC SĨ - NHÀ VĂN TRẦN HỮU NGHIỆP: THỜI GIAN TRONG MẮT...

Đọc những bài viết của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp trong năm tháng cuối đời, khi ông đã bị tàn phế, hơn mười năm không còn đi lại được, tôi xúc động trước tấm lòng yêu thương con người và cuộc sống của ông trải dài theo từng trang viết…
Bác sĩ - nhà văn Trần Hữu Nghiệp

Tôi biết tên ông từ rất lâu, không chỉ vì ông là một “Bác sĩ, Nhà giáo nhân dân, cây đại thụ của ngành y” như lời đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Duy Cương, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, mà còn vì ông là một nhà báo - một nhà báo đúng nghĩa, viết báo từ trước năm 1945 và đã có hàng chục bài báo về nhiều lĩnh vực mà người đọc có thể tìm thấy trong đó những kiến thức uyên bác của một trí thức lớn, thông tuệ cổ kim, đông tây. Một số bài báo của ông đã được tập hợp và in trong cuốn hồi ký Thời gian trong mắt tôi, xuất bản năm ông đã 82 tuổi. Đọc cuốn sách và nhìn vào đôi mắt của ông qua từng bài viết, tôi càng cảm phục ông và những người mà ông đã lưu giữ hình ảnh tốt đẹp của họ trong đôi mắt “đi suốt thời gian” của cuộc đời mình. Ông là bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, nguyên phó giám đốc Sở Y tế Nam Bộ, tổng thanh tra Quân Dân y toàn quốc, hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cán bộ y tế trung ương.

Một văn bản quyết định đề bạt có một không hai

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp sinh năm 1911 tại xã Tân Thuỷ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, cùng quê với cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu. Như lời ông bộc bạch, cha ông là một “nông dân chính cống”, còn mẹ ông là một phụ nữ tần tảo, “thường xuyên nuôi tằm ươm tơ”, cùng chồng thu vén cho gia đình khá giả để gửi con trai lên thị trấn Ba Tri theo học. Học giỏi, Trần Hữu Nghiệp lần lượt vượt qua các bậc từ tiểu học đến tú tài và năm 1931 thi đỗ vào Đại học Y khoa Hà Nội. Năm 1937, tốt nghiệp đại học, ông được sang Paris tu nghiệp. Về nước, ông mở phòng khám, có cả một bệnh viện tư ở Mỹ Tho, thành một bác sĩ nổi tiếng không chỉ vì chữa bệnh giỏi mà còn vì rất giàu có lúc bấy giờ.

Những năm tháng tuổi thơ gắn bó với nơi chôn nhau cắt rốn nghèo khó đã dần dần hình thành trong lòng cậu bé Trần Hữu Nghiệp tình yêu quê hương, đất nước, để rồi sau này, khi đã giàu có, “bạc tiền ra vào như nước”, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp sẵn sàng từ bỏ tất cả, đi theo cách mạng, ra bưng biền tham gia kháng chiến chống Pháp. Nặng lòng với quê hương đến mức, mấy chục năm sau, trong một lần qua Ba Lan, vào thăm Vườn thú ở thủ đô Varsava, nhìn thấy hai con trâu và một con nghé đang nhai cỏ, mùi phân nồng toả ra làm cho nhiều khách tham quan phải lấy khăn bịt mũi, thì trái lại bác sĩ Trần Hữu Nghiệp lại “hít hà mùi thân thuộc”, cái mùi mà “đêm nằm ngủ trên rương xe, từ khói lam của đống hun lọt vào nhà theo khe cửa, ngửi được mùi thoang thoảng rất đặc biệt của phân trâu suốt mấy năm tuổi ấu thơ”, khiến ông càng thêm nhớ quê hương, “mong sớm được trở về Nam Bộ cùng bà con chống Ngô Đình Diệm!”.

Cách mạng Tháng 8.1945 bùng nổ, cũng như nhiều tri thức tên tuổi khác, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp hồ hởi tham gia cách mạng, trở thành uỷ viên tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh tỉnh Mỹ Tho. Ngày 23.9.1945, giặc Pháp quay trở lại đánh chiếm Mỹ Tho, ông bí mật rời gia đình ra bưng biền tham gia kháng chiến. Trên đường đi, ông gặp bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, một người bạn cũ, nay là bộ trưởng y tế trong chính phủ đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới từ Sài Gòn ra. Trước khi chia tay, bộ trưởng tiễn bác sĩ Trần Hữu Nghiệp một quãng đường khá xa, dặn dò nhiều chuyện, rồi quyết định cử bác sĩ làm phó giám đốc Sở Y tế Nam Bộ. Không có máy đánh chữ và cũng không có con dấu, văn bản quyết định chỉ là một tấm danh thiếp, mặt sau giới thiệu bác sĩ Trần Hữu Nghiệp với chức vụ mới, đề ngày tháng và ký tên dưới chữ Bộ trưởng Y tế Chính phủ lâm thời; còn mặt trước là mấy chữ in nổi: “Docteur Pham Ngoc Thach - chuyên trị bệnh phổi và lao. Phòng khám đường Chasseloup Laubat, số…”. Đây là một “văn bản đề bạt cán bộ” có một không hai mà bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nhớ mãi như là một kỷ niệm khó quên!

Cái đài thu của bộ trưởng và cái cối xay tiêu của Bác Tôn

Trong cuốn hồi ký Thời gian trong mắt tôi, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp lưu giữ trong đôi mắt của mình hình ảnh sâu đậm nhất về hai người, đó là về bác sĩ, Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch và về Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Năm 1988, vào dịp kỷ niệm 20 năm ngày bác sĩ Phạm Ngọc Thạch hy sinh, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp viết bài báo Tưởng nhớ người thầy thuốc lớn Phạm Ngọc Thạch, bùi ngùi nhớ đến vị bộ trưởng y tế đầu tiên trong chính phủ ta, người viện trưởng đầu tiên của Viện Chống lao trung ương, một người bạn gần gũi, một người thủ trưởng quý mến.
  
Năm 1962, đoàn cán bộ ý tế đầu tiên từ miền Bắc được cử vào chiến trường, trước khi rời Làng Ho, thuộc tỉnh Quảng Bình để vào Nam, anh chị em trong đoàn vô cùng cảm động khi thấy “anh Tư Đá” (bác sĩ, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch), tự lái xe ô tô vượt quãng đường gần 500 cây số từ Hà Nội vào tiễn anh chị em. Đi được một đoạn, mọi người vẫn thấy bộ trưởng đứng nhìn theo. Hình ảnh đó in đậm trong ký ức của các cán bộ y tế khi vào chiến trường miền Nam, đến mức mọi người bảo nhau: “Ai không chịu được gian khổ, muốn thành lính B quay (quay lại miền Bắc) thì nên nhớ sau lưng mình có anh Tư Đá đang nhìn mình mà khóc!”…

Sau Tết Mậu Thân 1968, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch có mặt tại chiến truờng miền Nam và chỉ hai tháng sau bác sĩ đã hy sinh ở tuổi 59 trong một túp lều tranh, giữa khu rừng già gần Xóm Giữa, Lò Gò, Tây Ninh. Đêm 8.11.1968, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cùng một số anh chị em đau đớn cầm “đèn pin soi đường, khiêng linh cữu bác sĩ Phạm Ngọc Thạch mai táng trên tả ngạn sông Vàm Cỏ Đông, dưới cơn mưa lâm râm của đêm tháng Mười âm lịch”. Sau này, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp còn xúc động hơn khi được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Đức Thắng cho biết, sau khi bác sĩ Phạm Ngọc Thạch hy sinh, kiểm kê tài sản của gia đình bác sĩ ở Hà Nội, thì: “Ngoài cái đài thu thanh của Bộ cho mượn để nghe tin tức, không còn tài sản nào đáng giá một trăm đồng!”.

Năm 1965, sau khi từ miền Nam tập kết ra Bắc, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp được nhận một nhiệm vụ đặc biệt: làm thầy thuốc riêng cho Bác Tôn và được tháp tùng Bác trong chuyến sang thăm Trung Quốc, Cộng hoà Dân chủ Đức và sang Liên Xô nhận Giải thưởng Lênin Vì hoà bình và hữu nghị giữa các dân tộc.

Cuối tháng 9.1945, Chủ tịch tỉnh Mỹ Tho Nguyễn Văn Tiếp dẫn một người đến gặp bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, giới thiệu là “một người bạn chí thân”, nhờ bác sĩ cho ở lại ít ngày và “có bệnh gì thì chữa luôn giùm”. Người đó là anh Hai Thắng, tức Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng sau này.

Thời gian đó Bác Tôn mới được cách mạng đón từ nhà tù Côn Đảo về. Không ngờ mười năm sau, Bác Tôn còn nhớ tới người thầy thuốc năm xưa!

Ngày còn mở phòng khám bệnh tư ở Mỹ Tho, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã được biết suốt những năm Bác Tôn bị tù, bác gái ở nhà tần tảo chạy chợ, hàng ngày mua trái cây và gà, vịt từ quên chở lên Sài Gòn hoặc Mỹ Tho bán lấy tiền nuôi con. Hôm Bác Tôn về Vinh Kim thăm nhà sau hơn 16 năm bị tù ở Côn Đảo, khi đến nhà thì cũng vừa lúc chập choạng tối. Bác gái đang đi mua gà ở xóm trên, nghe tin bươn bả chạy về, mấy con gà mua vừa trả tiền xong đang cầm trên tay chạy mất! Về nhà, thấy chồng đang ngồi trên bộ ván đầu nhà, khách đến thăm khá đông, Bác gái nghẹn ngào nhìn chồng sau hơn 16 năm xa cách, không nói được lời nào, chỉ đứng ôm cột nhà mà khóc!...

Trở về từ chuyến “Làm thầy thuốc riêng cho Bác Tôn” đi thăm ba nước nói trên, một trong những ấn tượng sâu sắc nhất để lại trong lòng bác sĩ Trần Hữu Nghiệp là tình cảm yêu thương sâu sắc của Bác Tôn đối với bác gái thể hiện qua món quà có ý nghĩa nhất mà Bác Tôn mua tặng bác gái trong chuyến đi này.

Giải thưởng Hoà bình Lênin mà Liên Xô trao tặng Bác Tôn có số tiền 100.000 rúp. Ngoài số tiền đó, các bạn Liên Xô còn tặng Bác 10.000 rúp để mua quà về tặng gia đình và bầu bạn. Trước ngày rời Liên Xô, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nhắc Bác Tôn mua quà về cho gia đình. Bác suy nghĩ một hồi rồi nói với ông:

- Tánh tôi ưa thích nhất là món cá kho tộ, bỏ nhiều tiêu. Chiều nào bà nhà tôi cũng mang tiêu hột ra đâm trong chén đá, văng tùm lum ra ngoài. Bà lại kém mắt rồi, nên cứ mò mò tìm từng hột bỏ vô lại. Vậy anh tìm mua giùm tôi một cái cối xay tiêu đem về tặng bà. Chắc bà mừng lắm.

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã tìm mua được một chiếc cối xay tiêu đẹp, làm bằng gỗ, hết 7 rúp, còn 9.993 rúp đem về trao lại cho Bác Tôn. Số tiền còn lại đó, Bác Tôn nhờ trao lại cho các bạn Liên Xô và số tiền 100.000 rúp của Giải thưởng Hoà bình Lênin khi về nước Bác Tôn đã trao cho ông Trần Duy Hưng, chủ tịch Uỷ ban Hành chính Hà Nội, dùng để xây nhà trẻ ở thủ đô.

Ý nguyện còn lại

Tôi viết những dòng này về bác sĩ Trần Hữu Nghiệp khi ông đã đi xa được gần hai năm, tôi không còn có dịp để được hầu chuyện ông.

Sau hàng chục năm công tác, giữ nhiều trọng trách khác nhau, năm 1979, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp được nghỉ hưu. Về hưu giữa những năm tháng đất nước đang ở vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế, xã hội, chồng chất khó khăn, gia đình bác sĩ cũng như nhiều gia đình khác phải vật lộn với nỗi lo cơm áo thường ngày. Cả hai vợ chồng ông đều là bác sĩ, riêng ông là bác sĩ giỏi, tác giả của nhiều cuốn sách y học được nhiều người biết đến, như Phép nuôi con(1943), Chữa bệnh cho con khi xa thầy thuốc (1962), Chủ động bảo vệ hạnh phúc gia đình (1978), Nói chuyện với người uống rượu (1981), Nói chuyện với người hút thuốc (1983)…, và được nhiều học trò đánh giá là “thầy của các bậc thầy giỏi”. Nhưng đồng lương của cả hai vợ chồng không đủ chu cấp cho một gia đình đông người, ông đã phải nuôi heo để có thêm thu nhập. Trong một lần chở thức ăn cho heo trên một chiếc xe đạp cọc cạch, ông đã bị một chiếc xe xích lô tông, bị gãy chân và tàn phế suốt quãng đời còn lại.

Đọc những bài viết của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp trong năm tháng cuối đời, khi ông đã bị tàn phế, hơn mười năm không còn đi lại được, tôi xúc động trước tấm lòng yêu thương con người và cuộc sống của ông trải dài theo từng trang viết. Tấm lòng nhân hậu ấy theo ông tới tận giờ phút lâm chung, hồi 15h55’ ngày 23.12.2006 tại TP Hồ Chí Minh. Theo di nguyện của Nhà giáo nhân dân, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, toàn bộ số tiền phúng điếu trong lễ tang ông đã được vợ ông là bác sĩ Nguyễn Thị Lê và các con lập thành một quỹ học bổng giúp đỡ sinh viên y khoa nghèo vượt khó. Năm học vừa qua, 3 sinh viên của Trường đại học Y khoa TP Hồ Chí Minh, nơi bác sĩ Trần Hữu Nghiệp có nhiều gắn bó và là nơi cô con gái thứ hai của ông - bác sĩ Trần Kiều Miên từng giảng dạy, đã được nhận học bổng từ quỹ này, mỗi em 5 triệu đồng.

Năm 2007, bác sĩ Nguyễn Thị Lê, người bạn đời gắn bó gần 60 năm của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp trải qua một cuộc mổ tim. Tuy sức khoẻ yếu, nhưng bác sĩ Nguyễn Thị Lê vẫn đang cùng gia đình ba người con gái Trần Kiều Dung, Trần Kiều Miên và Trần Kiều Lan lo phát triển quỹ học bổng cho học sinh nghèo như di nguyện của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp để lại. Quỹ học bổng đó nay đã có trên 100 triệu đồng, trong năm 2008 tiếp tục được trao cho các sinh viên nghèo và cán bộ y tế ở vùng xa, vùng sâu gặp nhiều khó khăn. Tấm lòng nhân hậu của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp và gia đình ông thật đáng trân trọng biết bao!

4.2008
DƯƠNG ĐỨC QUẢNG
Nguồn: ANTG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU