Thứ Tư, 21 tháng 11, 2018

NGUYỄN VIỆT HÀ & KÝ ỨC CỦA SỰ MẤT NGỦ

Vị linh mục hiền lành cười, dịu dàng thông cảm với nỗi bồn chồn cay đắng của người đối ẩm, ông vừa nghe vừa cho thêm củi vào lửa. Đêm ở núi thường có sương lạnh. Và sương nơi hoang sơn dễ làm cho người ta mất ngủ. Vị linh mục làm dấu lành. Thật phúc cho ai được thức những đêm mà lửa không mất ngủ.
Nhà văn Nguyễn Việt Hà

Đó là một buổi chiều cao nguyên. Con đường xương cá khởi đi từ Bảo Lộc, không hẳn cong queo, dài mãi dài mãi dễ tới sáu chục cây số. Một chỗ hẹn uống rượu mà đi ngần ấy thôi đường thì đương nhiên chỗ đến phải là chỗ đáng kể. Triền miên đất đỏ. Hầu như tất cả những khung cửa sổ lúc đi ngang, đều thấy một vài thiếu phụ đang ngồi. Hoặc một mình, hoặc hơn một mình. Nhầu cũ bám bụi uể oải.

Những ngón chân xương xẩu, móng dài và đen toẽ như móng chân gà mái. Đã năm năm, mười lăm năm, ba mươi năm...

Đàn bà Việt khi tận cùng của tần tảo vất vả thì ở đâu trông cũng giống hệt nhau. Và tệ hơn, thời nào cũng vậy. Đành nhấp một ngụm Whisky lớn từ cái "bình toong" dẹt bằng inox, quà của một người bạn Mỹ vốn mê thơ của cái tay thi sĩ chợt nhớ này. Người bạn Mỹ chỉ biết viết văn xuôi, hình như là một cựu chiến binh, bảo. Đã mông lung đi chơi xa thì nên vui, vậy mà không hiểu sao mỗi lần đi lang thang lại luôn bị ám ảnh bởi.

Con tầu chuyển động. Không. Nhà ga chuyển động. Không. Thành phố chuyển động. Không. Con cá bơi. Không. Nước bơi. Không. Dòng sông bơi. Không. Con chim bay. Không. Cái cây bay. Không. Bầu trời bay. Không. Tất cả không. Chỉ cái chết chuyển động. Và mang theo chúng ta.

Những câu chữ buồn bã tuyệt lộ. Đúng là phải đi xa một mình thì không nên mang theo. Thế nhưng, thơ đã hay thì giống như nọc độc ở nụ hôn đầu, nó cồn cào dai dẳng tê tái. Nó vượt ngoài của mọi tính toán tỉnh táo. Nó kệ mẹ mọi sự. Lại nhấp một ngụm rượu nhỏ nữa, thật nhỏ thôi vì cây hai bên đường sum súp dưới nắng xế tà chợt hun hút đìu hiu. Tự thấy thích mấy câu này hơn.

Ai lén đổ vào chiều chút rượu.
Ngày cạn đến đâu rượu cạn theo cùng.
Đôi tất trẻ con phơi chợt giẫy lên trong gió.

Chỗ hẹn đến uống rượu là chỗ đáng kể, một sườn đồi lấm tấm toàn hoa dại, nhưng chủ nhân mời đến còn đáng kể hơn. Đó là một người có "nghề nghiệp" tương đối không bình thường, một linh mục tu dòng. Cái dòng tu đó có xuất xứ từ ngoài Bắc, xa xưa một dạo là dòng khổ tu. Rồi thăng rồi trầm hoang phế theo thời cuộc, giờ đây chỉ còn phảng phất lẫn lộn tối sáng như trí nhớ người già. Căn phòng của người tu sĩ ở lưng chừng đồi, tuyệt vời đẹp. Cạnh kệ sách không nhiều lắm có một tượng Giê Su dài ngoẵng nhọc nhằn của Giacometti. Lần trước đến chơi thăm, anh bạn hoạ sĩ yêu vẽ tối giản đi cùng tiếc đứt ruột là không cầm theo máy ảnh.

Bữa rượu song ẩm được dọn ra, nó tinh tế tiêu tao như phong độ của chủ nhà. Chiều cao nguyên đã nhạt nắng nhưng vẫn xanh ngắt cao vút. Khe khẽ chạm ly chúc lành nhau.

"Ông có nhớ cầm theo cuốn sách tôi nhờ mua không".
"Dạ thưa cha, con lại quên".

Suýt nữa thì xin lỗi, nhưng biết đấy là lời nói dối nên lại thôi. Trước hôm lên đây có đôi dịp ngồi "nhậu" với người viết tập thơ đó, rồi lãng đãng say quên mất lời hứa với người bạn vong niên. Bởi nếu có hỏi xin một tập tặng cho người bạn tu sĩ thì chắc nhà thơ rất vui. Hơn nữa, chắc sẽ cảm động. Tay thi sĩ có râu ria "thuỷ hử" đấy, đặc biệt mến những người tu hành. Hay là kiếp trước nhỉ, trót ở trong một nhà thờ hay một nhà chùa nào đấy.

Người đã cho con một thân thể mạnh mẽ làm sao, rực nóng làm sao mà đau đớn làm sao. Người đã lấy đau đớn và hổ nhục thân xác con để bọc trái tim đầm đìa máu. Và mạnh mẽ và huyền ảo như lửa và một linh hồn trong sáng. Người đã cho con ngôn từ để con cất lên trong cả những câu thơ chưa kịp làm lễ đặt tên đã biến mất. Con đã sinh ra trên thế gian này, con đã uống sữa thơm và mật ngọt của người.

Món nướng của người bạn tu sĩ rất khéo. Thành ngữ Pháp đùa, cha cố và văn sĩ là hai loại sành ăn. Văn hào Alphonse Daudet có kể một vị cha xứ đọc bớt kinh lễ ở buổi Giáng Sinh chỉ vì ám ảnh món ngỗng quay của bữa Réveillon sau đó. Vị linh mục thở dài, khói thuốc không vì vậy mà loãng bớt đi. Cái thói quen liên tục hút thuốc lá manh nha từ hồi ở trại phong, rồi thành tật trong suốt hơn sáu năm chăm sóc những bệnh nhân hủi.

"Tôi không thật thích những câu quá bộc trực như ông đã vừa đọc. Tôi thích thơ của ông thi sĩ này ở những đoạn dằn vặt. Hoặc nồng nhiệt hung hãn. Hoặc thê thảm bải hoải: "Mi phải ngày ngày ngồi trên chiếc ghế hành hình do chính mi đặt trong chính căn phòng bé nhỏ của mi. Và đêm đêm mi phải ngồi trước mi như bóng tối đối diện ánh sáng." Ông là người trẻ thích lang thang, nên có thể khó chia sẻ với một người đã trung niên có bổn phận phải một mình ngồi nhiều. Khi minh mẫn lương thiện cô đơn ngồi lâu, người ta rất hay dằn vặt. Nhà Phật hình như gọi là sám hối. Ông nhà thơ này đã tìm ra một cách công chính để ngợi ca sự sám hối. Nhất là ở những bài trong thời gian gần đây".

"Bạn bè con nhiều người nói đấy là sự cách tân".

"Các ông là những người viết chuyên nghiệp nên có thể thích sự cách tân. Tôi thấy rằng, tìm ra cho thơ một cách nói có lẽ là một sự trọng hơn".

Vệt nắng cuối cùng cũng đã tắt từ lâu, gió núi bắt đầu hoang mang hơi lạnh. Người bạn tu sĩ biết tôi là nhà văn, nên thỉnh thoảng những lúc được ngồi với nhau thì như là ân cần chiều tôi, ông hay nói chuyện chữ. Mà lạy Chúa, còn điều gì tuyệt vời thú vị hơn là được nói chuyện chữ với những người tử tế. Cách nói của thơ cũng như cách sống của người, tìm được nó đúng là một đại sự. Tất cả những bài thơ lãng mạn mệt mỏi vạm vỡ nhất trên thi đàn, đều tự chứa sâu trong nó một cách nói. Chỉ duy nhất một cách của riêng nó thôi. Ai cùng duyên hiểu được thì đồng cảm. Nó chẳng cần cũ cũng chẳng cần mới. Nó chẳng cần Tây và cũng chẳng cần Ta. Nó chỉ là những xót xa cố muốn loãng đi đau đớn cho mình và cho người. Có phải chăng vì thế mà thi sĩ đã dằn vặt định nghĩa nhà thơ.

Không là ma quỷ không là thánh thần.
Cháy ngọn lửa rực rỡ nhưng không giấu đất đá và củi rác phía dưới.
Các ngươi nghi ngờ phần ánh sáng và nguyền rủa phần bóng tối.

Vị linh mục lại rít thuốc, tàn lửa đỏ loé dài. Phía xa xa, những vệt núi cuối cùng của dãy Trường Sơn bỗng mơ hồ sáng từ một vài ánh chớp.

"Đã nhiều lần tôi linh tinh tự nghĩ. Thơ ca cũng như tôn giáo, nó xuất phát từ hai phía. Một là từ ân sủng phía trên, do lòng từ bi thương người của Chúa. Hai là khát khao hướng thượng muốn thoát khổ đau từ phía dưới chúng ta. Sứ mệnh của thi sĩ làm thơ cũng như tu sĩ thuyết giảng là cố gắng gợi mở được cả hai điều ấy".

Tất nhiên, đấy là quan niệm của vị linh mục lớn tuổi. Người đã từng thành kính chăm chỉ với Thần học bẩy năm ở Paris, rồi buông bỏ bằng tiến sĩ để sống cũng ngần ấy năm chăm sóc những bệnh nhân hủi. Nó đương nhiên mang vẻ cao đạo, thậm chí nghiêm trọng. Biết sao được, đã có một vị thánh hiển hiện thấp thoáng ở ông. Còn riêng với chúng ta, kể cả là nhà thơ hay bất kể là nhà gì gì nữa, thì chỉ là những chúng sinh bình thường, đôi lúc còn bị dung tục làm thành tầm thường. Đã thế, lại còn đang sống trong một thời hình như là mạt pháp. Phải đau đớn bất thường lắm, phải trong trắng khác thường lắm mới chua xót "rống" lên những câu như thế này:

Và lúc này trong bóng tối người đàn ông, đàn bà tự mãn phát âm. Ngôn từ của họ bay ra như một lũ ma chơi. Đấy là ngày ngôi nhà rền vang tiếng mọt. Ngôi nhà sắp sụp đổ mà họ không hề biết...
Lúc đó trong ngôi nhà nước chiếm ngụ mọi lối đi. Những thỏi vàng ôm nhau chờ chết. Chúng không thể ra đi vì mọi lối đi của chúng đều bị khoá chặt. Thân xác chúng nặng nề không thể nhắc nổi chân.

Vị linh mục hiền lành cười, dịu dàng thông cảm với nỗi bồn chồn cay đắng của người đối ẩm, ông vừa nghe vừa cho thêm củi vào lửa. Đêm ở núi thường có sương lạnh. Và sương nơi hoang sơn dễ làm cho người ta mất ngủ. Vị linh mục làm dấu lành. Thật phúc cho ai được thức những đêm mà lửa không mất ngủ.

NGUYỄN VIỆT HÀ
Nguồn: NVTPHCM 





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU