“Ngày nào cũng phải nghe, ổng mở băng cho nghe người già hát, nghe cả tiếng hút thuốc, ngoáy trầu lẫn trong tiếng hát; riết rồi thấm vô người hồi nào không hay” - bà thường nói vui.
Vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - nhà thơ Lê Giang
Nhiều năm gặp lại, tôi sững sờ thấy nhà thơ Lê Giang đã gầy đi rất nhiều so với lần trước tôi đến thăm, khi bà còn ở chung cư trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3, TP.HCM). Điều không hề thay đổi là bà vẫn say sưa nói về những bài thơ mới, những bài vừa được chồng bà là nhạc sĩ Lư Nhất Vũ phổ nhạc. Năm tháng qua đi nhưng tình yêu ông bà dành cho nhau, cho nghệ thuật vẫn như những câu hát ru, ngân nga mãi một đời…
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ có chiếc máy ảnh nhỏ. Khách đến nhà chơi là ông đem máy ra chụp, lưu lại hết những gương mặt thân quen trong giới văn chương, âm nhạc. Nhà thơ Lê Giang gọi đó là lời “cảm ơn bạn đến chơi nhà”. “Ở tuổi này rồi, bè bạn còn nhớ nhau là quý lắm” - bà nói. Quý đến mức bà chỉ muốn khách ở lại lâu hơn, ăn với nhau một bữa cơm hay ngồi nhâm nhi nồi khoai ấm ngày gió lùa.
Chuyện xưa chuyện nay kể nhau nghe không bao giờ cạn. Mà kể nhiều nhất vẫn là những cảm hứng sáng tác, những dự án đang làm. Ngày trước, bà thường hào hứng nói về những chuyến điền dã để sưu tầm ca dao, dân ca ở khắp đất nước. Giờ bà lại say sưa với Bầy trẻ ở chung cư cũ - bản thảo đang biên tập, dự kiến sẽ xuất bản vào tháng 8/2017.
“Có những đứa trẻ tôi biết chúng từ khi còn ẵm ngửa, mà giờ lại trở thành người biên tập bản thảo của mình. Giật mình nhìn lại mấy mươi năm, bầy trẻ ở chung cư ngày ấy đã thật sự lớn khôn, không nổi tiếng cũng thành đạt, có địa vị. Tôi nghĩ, phải làm một cuốn sách về thế hệ ấy” - bà tâm sự.
“Bầy trẻ” trong sách của bà có diễn viên Hiền Mai, đạo diễn Lâm Lê Dũng, người mẫu thời trang Kim Sa, những tổng biên tập báo, kỹ sư, tiến sĩ… Chung cư cũ đã thành ký ức không quên của một thế hệ. Còn với người nghệ sĩ, đó là chất liệu quý cho sáng tạo.
Bà nhìn “bọn trẻ” rồi nhớ lại những năm tháng đời mình. Cuộc đời quý giá và thật kỳ diệu. Có đứa trẻ nào thuở bi bô nói cười lại nghĩ được là khi lớn lên chúng sẽ thành người thế nào, sẽ sống một cuộc đời ra sao? Như bà ngày xưa, ngay cả khi “về chung một nhà” với người nhạc sĩ tài ba cũng đâu nghĩ rồi đời mình sẽ gắn trọn với câu dân ca.
“Ngày nào cũng phải nghe, ổng mở băng cho nghe người già hát, nghe cả tiếng hút thuốc, ngoáy trầu lẫn trong tiếng hát; riết rồi thấm vô người hồi nào không hay” - bà thường nói vui.
Một người đã 87 tuổi mà vẫn minh mẫn ngồi soạn bản thảo in sách và làm thơ mỗi ngày, có lẽ chỉ có mỗi nhà thơ Lê Giang. Mà bài thơ nào của bà cũng được người bạn đời phổ nhạc. Những câu thơ đơn sơ mà thấm đượm ân tình ông bà dành cho nhau suốt một đời: “Ngọt bùi tri kỷ mặn mà tri âm”, “Ở đâu cũng vậy miễn thương nhau cùng”…Năm tháng dài nhưng chuyện xưa chỉ như mới hôm qua.
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ còn nhớ hoài ngày còn ở rừng chứng kiến những cái chết trong chớp mắt, nhớ đám cưới bạn xưa bị dội bom khiến 80 người chết; vẫn ám ảnh bởi cảnh mối rừng ăn xác chết, nhớ những lần thú rừng có dấu hiệu lạ là biết sắp phải đối mặt với B52 của quân thù… Trải bao hiểm nguy ở chiến trường, rồi đến những ngày miệt mài trên hành trình sáng tạo, đến giờ nhạc sĩ Lư Nhất Vũ vẫn cần mẫn với những bài hát mới.
Bên hiên nhà là khu vườn lộng gió ông trồng cây ăn trái, thỉnh thoảng ra đốn quày chuối chín, hái trái đu đủ, trồng rau lang, ngắm mấy quả mít ngày một lớn, rồi thêm giàn tigôn phơn phớt hồng trong nắng.
Ở tuổi mà bao người đã thật sự nghỉ ngơi, vợ chồng nhà thơ - nhạc sĩ Lê Giang và Lư Nhất Vũ vẫn còn tiếp tục cùng nhau đi tiếp một hành trình dài cùng đoàn làm phim tài liệu về nguồn. “Đi chứ, còn sức là còn đi! Khỏe thì viết bài đăng báo để bạn bè biết mình… chưa chết” - nhà thơ Lê Giang đùa.
Đôi bàn tay gầy guộc hằn đầy gân xanh của bà vẫn ngày ngày cầm bút, viết cho đời mà cũng là viết cho mình. Năm xưa bà cùng ông biên soạn các công trình Hát ru Việt Nam, Đi tìm kho báu vô hình, Lý trong dân ca người Việt, những tập tản văn Ngày ấy qua rồi, Nghiêng tai dưới gió, Còn khóc ngon lành, Ừa, chỉ có vậy thôi!...; giờ thì bà vẫn chăm chút cho những vần thơ bùi ngùi vì hiểu mình đang bước dần đến cuối dốc đời:
…“Bè bạn tôi đã lần lượt ra đi
Như những áng mây chiều khuất núi
Những áng mây chiều bồng bềnh le lói
Như cánh chim về tổ ngút ngàn xa
Rằng tôi cứ từ từ thủng thẳng ra đi
Mãi mãi vẫn là khúc quân hành năm tháng…”
…Rời khỏi ngôi nhà yên tĩnh ở cuối đường của ông bà, tôi nhớ mãi cách bà nói với ông: “Ông sửa giùm em tựa bài hát này đi”. Một lời ngọt ngào vậy thôi cũng đủ để hiểu ân tình một đời của ông bà. Tôi lại lan man đến cảnh ông bà nắm tay nhau dạo trên bờ biển Phan Thiết năm nào - khoảng thời gian ông đang làm bản thảo tuyển tập nhạc Bài ca đất phương Nam(xuất bản năm 2014); nhớ cả câu bà nói: “Trong nhà phải vững thì nước mới yên” - một cách riêng của “lạt mềm…”.
Như những áng mây chiều khuất núi
Những áng mây chiều bồng bềnh le lói
Như cánh chim về tổ ngút ngàn xa
Rằng tôi cứ từ từ thủng thẳng ra đi
Mãi mãi vẫn là khúc quân hành năm tháng…”
…Rời khỏi ngôi nhà yên tĩnh ở cuối đường của ông bà, tôi nhớ mãi cách bà nói với ông: “Ông sửa giùm em tựa bài hát này đi”. Một lời ngọt ngào vậy thôi cũng đủ để hiểu ân tình một đời của ông bà. Tôi lại lan man đến cảnh ông bà nắm tay nhau dạo trên bờ biển Phan Thiết năm nào - khoảng thời gian ông đang làm bản thảo tuyển tập nhạc Bài ca đất phương Nam(xuất bản năm 2014); nhớ cả câu bà nói: “Trong nhà phải vững thì nước mới yên” - một cách riêng của “lạt mềm…”.
Ông bà đã cống hiến cho đời những thành tựu có giá trị vượt thời gian, nhưng điều đẹp đẽ âm thầm mà nhiều người quen biết ông bà ngưỡng mộ, có lẽ còn là sự đồng hành tận tụy bên nhau trọn một kiếp người…
TIỂU QUYÊN
PHỤ NỮ TPHCM 6.2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét