Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2018

SÀI GÒN HỘI TỤ CHIẾN TƯỚNG

Tập ký sự “Sài Gòn đất thiêng khí tụ” (NXB Văn hoá văn nghệ, quý IV/2018) của Phan Hoàng tái hiện chân dung 12 vị tướng gắn bó với Sài Gòn- TPHCM: Trần Văn Trà, Trần Văn Quang, Hoàng Cầm, Nguyễn Minh Châu, Nam Long, Lê Văn Tri, Lê Văn Tưởng, Trần Đại Nghĩa, Tô Ký, Hoàng Thế Thiện, Dũng Mã, Nguyễn Đức Trí.
Hai nhà thơ Phan Hoàng và Phạm Sỹ Sáu ở thác Bản Giốc 2010

Trong các loại ký sự báo chí, ký sự nhân vật là loại hình ký sự đòi hỏi người viết không những am tường chuyện đời, chuyện nghề còn phải có khả năng tiếp cận và gợi mở để nhân vật tự mình bộc lộ được những mạnh yếu của mình.

Trò chuyện với người trẻ đã khó, trò chuyện với người già, đặc biệt là những người già đã trải qua những tháng năm gian khó, lăn lộn trên khắp các chiến trường, lớn lên cùng đất nước và sự nghiệp cách mạng của dân tộc với bao chiến công hiển hách lại càng khó hơn gấp nhiều lần.

Ấy thế mà một người chưa từng trải qua đời lính, chưa từng đối diện với chiến tranh, có chăng chỉ là một ít năm tháng tuổi thơ đằm mình trong gian khó lại có thể trò chuyện, tâm tình và gợi mở để những vị tướng có thể nói về mình và cuộc đời binh nghiệp với bao thăng trầm từ lúc tóc chớm xanh đến khi răng long đầu bạc.

Nghe kể đã khó, nghe kể và viết lại những mẩu rời rạc trong trong ký ức bằng những câu chuyện sinh động, cuốn hút người đọc như cùng đồng hành với nhân vật là một quá rình lao động miệt mài và bền bỉ. Ở đây sự chăm chỉ chỉ là yếu tố phụ, chính lòng yêu nghề và yêu các nhân vật của mình đã giúp tác giả Sài Gòn đất thiêng khí tụ tạo nên một tập hợp ký sự nhân vật dày dặn và bề thế.
Tập ký sự “Sài Gòn đất thiêng khí tụ” của Phan Hoàng

Những nhân vật trong tập ký sự tướng lĩnh này mỗi người một vẻ đã tạo nên một sự hội tụ mà ít người ngờ tới: phần lớn họ sống chết với Sài Gòn từ thuở thiếu niên hay từ thời thanh niên hoa mộng. Từ núi rừng Việt Bắc bao la, từ dải rất miền Trung khô cằn sỏi đá hay từ miền Nam đất rộng người thưa, tất cả các vị tướng được tái hiện trong tập sách này, có người đã như là huyền thoại, vẫn thật gần gụi và thân thương với mảnh đất Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh yêu dấu.

Đến hôm nay các chiến tướng ấy đã lần lượt trở thành người thiên cổ, đã về với tổ tiên, với đất mẹ yêu thương nhưng thời tuổi trẻ liệt oanh, thời trung niên mưu lược và những năm tháng tuổi già không ngừng cống hiến hy sinh đã như tấm gương cho các thế hệ kế tiếp học tập và làm theo. Họ - những tướng lĩnh được đề cập trong tập sách nầy đã tạo nên một Sài Gòn rất riêng, Sài Gòn của một thời chiến chinh chưa nhoà trong ký ức.

Cảm ơn Phan Hoàng, cảm ơn những cố gắng không ngừng nghỉ của tác giả đã dựng lại và tạo nên chân dung các vị tướng lĩnh không chỉ của Sài Gòn trong quá khứ mà là của hôm nay và cả của tương lai.

PHẠM SỸ SÁU
(Lời giới thiệu tập ký sự Sài Gòn đất thiêng khí tụ)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU