Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2018

GẶP GỠ CUỐI NĂM VÀ NHỮNG ĐỐI THOẠI TRƯỚC THỀM NĂM MỚI

Mỗi dịp tết đến xuân về, đọc lại Gặp gỡ cuối năm của Nguyễn Khải, độc giả vẫn “gặp gỡ” nhiều điều thú vị. Tiểu thuyết được viết năm 1981, cách đây đã 37 năm, trong một sinh quyển ít nhiều khác biệt. Nhưng những vấn đề đặt ra trong truyện vẫn chưa cũ, vẫn có sức quyến rũ đối với người đọc hôm nay.
Nhà văn Nguyễn Khải

Gặp gỡ cuối năm - đúng như cái tên của nó - kể về cuộc gặp gỡ tại một bữa tiệc tất niên. Chị Hoàng - chủ nhà, chủ trì - đã khiêm nhường thông báo trước là bữa tiệc “rất xoàng”, vì thế, mỗi vị khách có mặt cần phải góp một câu chuyện thật hay để bữa tiệc thêm phần hấp dẫn. Bà chủ nhà bí ẩn này như đang muốn lắng nghe, đồng thời muốn bày tỏ một điều gì đó quan trọng khi năm cũ kết thúc, năm mới bắt đầu.

Cuộc gặp gỡ tiến diễn hết sức tự nhiên. Việt - nhà văn quân đội, người kể chuyện - đến sớm nhất. Sau Việt là anh Quý - luật sư, từng là viên chức của bộ ngoại giao ở chế độ cũ. Anh từng rất thành công trong sự nghiệp nhưng rồi anh bị rơi vào mặc cảm thất bại. Sau bao nhiêu trải nghiệm cuộc sống, bây giờ anh muốn né tránh mọi chuyện, cười nói như một kẻ vô tâm. Nhưng đó chỉ là cái vỏ bề ngoài, trong thâm tâm anh là cả “một nỗi niềm, một chí hướng, một nhớ tiếc nào đó”. Đến thứ ba là vợ chồng anh Hảo. Anh Hảo là luật sư được đào tạo ở Pháp, từng làm tri huyện nhưng sớm treo ấn từ quan để đi theo kháng chiến, từng được giao giữ chức vụ quan trọng trong chính quyền cách mạng. Là một “công tử” đi làm cách mạng, có lúc anh được tin tưởng, có lúc bị nghi ngờ nhưng lúc nào anh cũng sống đúng là mình, “dám nói to những điều anh cho là đúng”. Người đến thứ tư là anh Đại, đã tám mươi tuổi nhưng vẫn rất galant và hóm hỉnh. Anh trước kia là kĩ sư hóa học được đào tạo ở Đức, không theo khuynh hướng chính trị nào nhưng ủng hộ nhiệt tình tất cả các phong trào yêu nước. Anh bị bắt, bị tù đày, bị mất hết gia sản cũng chỉ vì yêu nước. Đến thứ năm là anh Chương và Bình. Anh Chương là người có hai bằng tiến sĩ, một luật, một văn chương. Anh từng giữ các chức vụ quan trọng: viện trưởng một viện đại học, bộ trưởng quốc gia giáo dục, làm thượng nghị sĩ trong nhóm đối lập. Sau khi hòa bình được tái lập anh phải đi cải tạo rồi trở về làm một người dân thường, tâm tính đã có nhiều thay đổi. Còn Bình thì trẻ, đẹp trai, lịch thiệp, năng động, mới tốt nghiệp đại học vài năm nhưng đã là giám đốc một công ti. Theo nhận xét của anh Hoàng thì Bình “lịch sự, tinh tế như Pháp mà lại nhanh chóng, thiết thực như Mĩ”. Đến thứ sáu là Quân. Dưới cái vỏ bên ngoài là một nhà báo quốc tế, Quân tham gia công tác tình báo đã nhiều năm. Từng gặp rất nhiều loại người, phải đối diện với rất nhiều hiểm nguy nhưng Quân vẫn một lòng vì lí tưởng cách mạng. Quan điểm sống của Quân rất rõ ràng: “Quốc gia hữu sự, kẻ thất phu còn phải gánh trách nhiệm huống hồ là anh trí thức”, “Làm người đã khó, làm trí thức lại càng khó hơn. Hàng ngày phải lựa chọn, từng việc phải lựa chọn, lầm lỡ một chút là tiếng xấu để đời”.

Điểm qua các thực khách được mời dự tiệc tất niên, có thể khẳng định đây là cuộc gặp gỡ của trí thức thuộc nhiều thế hệ khác nhau, từng đứng ở các vị trí chính trị đối lập nhau. Sự góp mặt của các nhân vật có cuộc đời không hề “nhạt nhẽo” này dự báo câu chuyện đêm giao thừa sẽ có nhiều bất ngờ thú vị.

Cuộc gặp gỡ diễn ra trong không khí thân mật ấm cúng và đầy cởi mở như ý của chủ nhà. Chỉ trong thời gian một bữa tiệc, bao nhiêu câu chuyện hấp dẫn đã lần lượt được kể ra, chuyện xưa có, chuyện nay có, chuyện kinh tế, chính trị, tôn giáo, văn hóa, khoa học… đều có. Sau mỗi câu chuyện, người dự tiệc lại đưa ra những lời bàn thể hiện quan điểm cá nhân của mình. Hình như trong lòng mỗi người đều ăm ắp tâm sự, chỉ mong có cơ hội để được phơi trải, giãi bày. Từ câu chuyện về cách ứng xử kì quặc để thể hiện khí tiết của Nguyễn Thế Truyền, Quân cho rằng đó là kiểu “trí thức trùm chăn” và anh nêu rõ quan điểm của mình về cách hành xử cần có của người trí thức khi đất nước lâm nguy. Câu chuyện về “chú Phùng” và các mối quan hệ phức tạp đầy bất ngờ của nhân vật này với nhân viên C.I.A thể hiện nhận định riêng của Quân về các mối quan hệ phức tạp của các nước trong chiến tranh Việt Nam. Vấn đề lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể trong làm ăn kinh tế, mối liên hệ giữa miếng cơm manh áo và lí tưởng sống, sức mạnh của đồng tiền… được Bình nói đến bằng những câu chuyện đời thường hết sức sinh động. Rồi câu chuyện về những ngày sống ở Mã Đảo của anh Đại. Thoạt đầu tưởng chỉ là một câu chuyện “nhạt” của một ông già đã mất hết sự minh mẫn, nào ngờ chứa trong đó là nhiều câu chuyện về âm mưu, thủ đoạn và sự giành giật đến kinh hoàng. Rồi câu chuyện về thiền của anh Chương, anh Hảo cũng được mọi người hưởng ứng sôi nổi. Đâu chỉ là chuyện thiền, đó còn là chuyện nhận thức cuộc sống, lựa chọn cách sống, tâm thế sống trước những biến động. Câu chuyện tử vi số mệnh cũng thu hút sự quan tâm của cả người già và người trẻ. Từ chuyện tử vi, vai trò của con người trong việc chủ động hoán cải số mệnh đã được củng cố. Anh Chương không ngần ngại bày tỏ nỗi đau đời, sự mệt mỏi của bản thân trong cảnh ngộ hiện tại. Câu chuyện tranh giành quyền lực và sự chi phối của đồng tiền đến việc hình thành đại cục trong chính phủ Việt Nam Cộng hòa trước kia được anh Chương và Quân nói đến một cách say sưa. Anh Đại và Bình quan tâm đến mối quan hệ giữa đồng tiền và nhân cách… Cứ thế, mỗi câu chuyện hé mở một điều mới mẻ về sự thật trong quá khứ, sự thật đang diễn ra và cuộc đối thoại bình đẳng cất lên những tiếng nói cá nhân sâu sắc.

Gặp gỡ cuối năm, như vậy, là “hội nghị bàn tròn” của những người trí thức về các vấn đề xã hội. Trong “hội nghị” này không có sự phân biệt tuổi tác, vai vế, tư cách chính trị, mỗi người đều được quyền nói thẳng nói thật những nhận thức, quan điểm cá nhân của mình. Tác phẩm ra đời năm năm sau khi chiến tranh kết thúc. Đây là lúc những khách mời nhìn lại lịch sử, nhìn lại chính mình sau độ lùi thời gian cần thiết để rút ra bài học cho hiện tại và tương lai. Quân và Quý có chung nhận định, không ai có thể đứng ngoài chính trị, ngay cả những người nói là họ không quan tâm đến chính trị thì “không quan tâm” đã là một thái độ chính trị rồi. Vì thế mà mỗi người, đặc biệt là mỗi trí thức, phải hết sức thận trọng, “từng ngày phải lựa chọn, từng việc phải lựa chọn”, “lầm lỡ một chút là tiếng xấu để đời”. Anh Chương - người một thời lầm lỡ - khẳng định, đã là trí thức thì không ai bán nước cả, anh Hảo thành công do đi đúng đường, còn mình thất bại là do buổi đầu lựa chọn đường đi không đúng. Với anh Đại và Bình thì con người cần có lòng tự trọng. Khi đất nước có ngoại bang xâm lược, lòng tự trọng thể hiện ở việc đóng góp sức người sức của cho đất nước, ở thái độ bất hợp tác với kẻ thù; còn thời bình, lòng tự trọng thể hiện ở việc chiến thắng những ham muốn vật chất của cá nhân, dám từ chối quyền lợi cá nhân khi quyền lợi ấy mâu thuẫn với lợi ích tập thể. Bình quyết liệt hơn khi nói tới vấn đề đồng tiền…

Mỗi nhân vật đề cập đến một vấn đề khác nhau nhưng tất cả đều hướng đến trả lời câu hỏi: Phải sống thế nào trong năm mới, trong tương lai khi năm cũ, quá khứ đã khép lại? Anh Quý nguyện sẽ không vì “mưu cái lợi riêng mà nỡ phá phách sự nghiệp chung”. Anh Chương chỉ mong muốn được trở về với gia đình, làm một người chồng, người cha tốt. Anh Hảo vẫn tiếp tục chọn cách sống thuận theo tự nhiên bởi anh đã tìm thấy ở đó sự an lạc. Bình khẳng định, nếu người trẻ để sức mạnh đồng tiền cám dỗ thì sẽ mất tất cả. Quân mong muốn được là “một cái gì đó trong khoảnh khắc ta đang sống, là một sức đẩy dẫu là yếu ớt vào cái dòng lưu chuyển chung”. Chị Hoàng tỉ mẩn chuẩn bị bữa tiệc mà mỗi món là một món khoái khẩu đối với từng khách mời; chị còn chọn mặc bộ quần áo đẹp nhất, sang nhất trong thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới. Chị Hảo, chị Bơ cũng góp thêm mấy món ăn thật tết, thật truyền thống mà mình kì công làm để mời mọi người… Dù mỗi người mang một nỗi niềm, một tâm sự riêng nhưng đến giờ phút giao thừa, không ai bảo ai, tất cả cùng hân hoan nâng li chúc mừng năm mới. Qua cuộc gặp gỡ, đối thoại của các nhân vật, người đọc được phản tỉnh: Nên sống giản dị, thuận theo tự nhiên, không tham lam, không vị kỉ, nên hết sức tỉnh táo để không lầm đường lạc lối, không xa rời mục tiêu chung của dân tộc, nên là một lực đẩy chứ đừng là lực cản trong hành trình đi lên của đất nước...

Gặp gỡ cuối năm của Nguyễn Khải đã vượt lên giới hạn của buổi tiệc tất niên thông thường khi năm hết tết đến của một gia đình để trở thành cuộc gặp gỡ mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đó là cuộc gặp gỡ cần thiết của các thế hệ, của những trải nghiệm sống, những kinh nghiệm thành công cũng như thất bại trong quá khứ để có thêm bài học cần thiết cho hiện tại và tương lai. Tác phẩm này cứ vẫn tươi mới chừng nào con người không thôi thiện chí và khát vọng làm mới mình, làm mới cuộc đời.

NGUYỄN THỊ QUẤT
Nguồn: VNQĐ



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU