Thứ Ba, 11 tháng 12, 2018

GIẢI THƯỞNG VĂN CHƯƠNG VÀ HOÀI NIỆM TỰ LỰC VĂN ĐOÀN

Từ lâu, và càng ngày càng rõ nét, giải thưởng đã trở thành một yếu tố làm nên đời sống văn chương, từ đời sống văn chương của một ngành, một đoàn thể, một địa phương, một quốc gia, một khu vực, đến đời sống văn chương toàn thế giới.

Với công việc sáng tác của từng cá nhân nhà văn, mặc kệ anh ta công nhận hay không công nhận, về khách quan, giải thưởng vẫn cứ là một “cái gì đó” có ý nghĩa. Sự nghiệp của một nhà văn hẳn sẽ ở mức phơi phới tột đỉnh khi được giải Nobel vinh danh. Nhưng ngay cả khi một nhà văn nhún vai (hoặc bĩu môi) khước từ giải Nobel, như trường hợp của J.P. Sartre, thì chính cái giải Nobel bị khước từ ấy càng khiến nhà văn nổi tiếng hơn nữa. Và dĩ nhiên, câu chuyện của giải thưởng ở đây không chỉ là danh tiếng của tác giả, mà kéo theo đó, còn là những lợi ích vật chất rất cụ thể: tác phẩm được phát hành với số lượng lớn, tác giả có thể bán bản quyền xuất bản ra nhiều thứ tiếng v.v..

Tương tự, có thể kể đến vài giải thưởng uy tín khác, như Goncourt, Man Booker, PEN/Faulkner, Cervantes... (khác với Nobel, các giải thưởng này trao cho tác phẩm). Uy tín ấy không phải tự nhiên mà có. Nó tựu thành từ nhiều lý do, nhưng gọn lại, đó là việc những người tổ chức các giải thưởng văn chương ấy đã chọn được các tác giả (hoặc tác phẩm) xứng đáng nhất, theo một hệ tiêu chí xét giải cụ thể và một quy trình xét giải minh bạch, để trao giải. “Một hệ tiêu chí xét giải cụ thể và một quy trình xét giải minh bạch” chính là yếu tố quan trọng bậc nhất để giải thưởng xác định được các tác giả (hoặc tác phẩm) xứng đáng nhất.
Năm 1939, bà Mộng Tuyết được nhận “Lời khen tặng” (chưa phải giải thưởng chính thức) 
của Tự Lực Văn Đoàn cho thi phẩm Phấn hương rừng, từ đó nổi tiếng trên văn đàn. Ảnh: TL

Và đến lượt mình, các tác giả (hoặc tác phẩm) được trao giải lại góp phần vinh danh giải thưởng, tạo nên sức hấp dẫn của giải thưởng trong đời sống văn chương nói chung. Phải khẳng định, nếu ở môi trường văn chương bình thường, mối quan hệ giữa nhà văn và giải thưởng là mối quan hệ hai chiều, thậm chí, quan hệ cộng sinh. Tiếc thay, dường như sự bình thường ấy không có hoặc còn thiếu, trong môi trường văn chương (vốn rất nhiều chướng khí) nước ta.

Dấu hiệu bất thường đầu tiên: các giải thưởng văn chương ở ta hầu như không hình thành được “một hệ tiêu chí xét giải cụ thể và một quy trình xét giải minh bạch”. Hãy nói về hệ tiêu chí xét giải trước đã. Ở ta, tiêu chí xét giải cao nhất, và có lẽ là duy nhất, thường được người ta phát biểu gọn lỏn: Hay. Rất thuyết phục, văn chương mà không hay thì chỉ đáng vứt đi, nói gì đến chuyện vinh danh nó bằng giải thưởng. Ấy thế nhưng, như một ý của triết gia Voltaire: “Trong con mắt của một chàng cóc, cái đẹp chính là một cô nàng cóc với cặp mắt lồi thô lố”, cái hay của tác phẩm văn học cũng có dăm bảy đường, tùy theo từng loại thước đo và chiều kích thẩm mỹ của người đo.

Nếu cái hay được quan niệm chỉ ở khả năng phản ánh trung thực hiện thực cuộc sống như nó đang diễn ra, tức là khả năng mô tả “giống như thật”, thì chắc chắn kiểu tác phẩm đầy huyễn hoặc như Trăm năm cô đơn của G.G. Marquez không cách gì được gọi là hay. Hoặc giả, nếu cái hay chỉ được xem xét ở mức độ đại chúng hóa, phổ cập hóa của tác phẩm thì chẳng cần phải bàn cãi, loại tác phẩm kiểu cách rối rắm như Lolita của V. Nabokov bị loại ngay từ… vòng gửi xe!

Tuy nhiên, nói dài dòng như vậy cũng là để thấy, ở ta, nếu cứ chẻ hoe hay là hay như thế nào, thì các giải thưởng văn chương sẽ phải hứng chịu bão táp dư luận gấp cả chục, cả trăm lần hơn, mỗi khi kết quả được công bố. Thà cứ để nguyên cái tiêu chí “hay”, ngắn gọn nhưng đa nghĩa, vừa đẹp đẽ trong sương khói tù mù mà lại chẳng phải mất nhiều công giãi bày với thiên hạ. Và để như vậy còn có thêm cái lợi nữa, ấy là nó tạo ra một “vùng đệm mềm”, cho phép “người ta” tha hồ thực hành những co giãn đủ kiểu: Khi thì bên cạnh giải thưởng lại có cái gọi là “tặng thưởng”. Khi thì, như “người ta” giải thích, để khuyến khích các cây bút trẻ hoặc những trường hợp “dù điều kiện vô cùng khó khăn nhưng đã hết sức nỗ lực”, nên giải thưởng được trao cho những tác phẩm... hơi non. Khi thì, vẫn “người ta” giải thích, tác phẩm này tác phẩm kia được trao giải vì chúng viết về những đề tài đang là mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội v.v và v.v..

Tiếp đến, chẳng cần mất công nhiều lắm, người nào chịu để ý cũng sẽ thấy quy trình xét giải trong các giải thưởng văn chương ở ta khá nhiêu khê. Các ban bệ và hội đồng thường xuyên chồng chéo. Có hội đồng thơ, hội đồng văn xuôi, hội đồng văn học dịch, rồi lại thêm cả ban văn học an ninh quốc phòng, ban văn học dân tộc và miền núi, ban văn học thiếu nhi...

Tác phẩm dự giải không lọt qua hội đồng thể loại này thì có thể chui vào ban văn học đề tài kia, cứ thế nháo nhào. Sự nháo nhào vẫn tiếp tục: sau xét giải ở cấp sơ khảo, là đến cấp chung khảo. Sẽ không có vấn đề gì hết nếu sau cấp sơ khảo, thành phần chấm giải cấp chung khảo là những người khác, những cây bút có thẩm quyền chuyên môn cao hơn, những uy vọng lớn của văn giới. Nhưng trớ trêu, cấp chung khảo thường chỉ là phép cộng giữa một phần vốn có của cấp sơ khảo với một phần là những người không mấy liên quan, nếu không muốn nói là hết sức “ầu ơ ví dầu”, trước chính cái tác phẩm mà họ được trao cho quyền đầu phiếu.

Với một quy trình xét giải như vậy, cộng với một tiêu chí xét giải như đã nói, việc tìm ra được những tác giả, tác phẩm xứng đáng nhất hầu như bao giờ cũng là mục tiêu khó đạt. Hay nói cách khác, chỉ có thể tìm ra những tác giả, tác phẩm xứng đáng nhất theo sự tùy hứng, theo ý chí chủ quan đồng bóng, thậm chí theo lợi ích của những người tổ chức giải thưởng mà thôi. Còn đối với đời sống văn chương và đối với độc giả, giải thưởng ấy mang rất ít ý nghĩa tích cực. Ta hãy ghi nhận một hiện tượng mang tính phổ biến: sau khi được trao giải, chỉ cần vài tháng chứ chưa cần đến một năm, nhiều tác phẩm đã gần như biến mất khỏi sự quan tâm của cộng đồng người đọc.

Nhưng đó vẫn chưa phải là hậu quả xấu nhất. Điều đáng nói, và đây chính là dấu hiệu bất thường thứ hai: cung cách chấm giải, xét giải như vậy đã tạo tiền đề để khiến không ít nhà văn - nếu còn có thể gọi họ là nhà văn - đánh mất tư thế đàng hoàng của người cầm bút. Chẳng là vậy sao, khi một tác giả nào đó phải “vận động ngầm”, phải “đi cửa sau” để xin từng lá phiếu của các thành viên ban giám khảo? Những nhà văn có thực tài và có tư cách không bao giờ “làm ăn” theo kiểu... bầy hầy như thế. Họ có thể vẫn cần đến giải thưởng, nhưng không vì vậy mà họ đánh mất niềm tự tin rằng mình là một giá trị, và rằng giải thưởng ắt sẽ trở nên sang trọng hơn khi nó vinh danh mình.

Từ một phía khác, cái sự hám giải của không ít nhà văn ở ta - đằng sau đó, không gì khác, chính là mặc cảm tự ti, là tâm lý của thứ đất ẩm đang khát khao mong đợi ánh sáng giải thưởng rọi đến để được bốc hơi - lại dẫn đến khuynh hướng viết để chiều nịnh đề tài, chiều nịnh định hướng dọn trước và đón ý người chấm. Mà, theo quan niệm của ông trùm tiểu thuyết mới, A.R. Grillet, một khi hành động viết của nhà văn đã bị chi phối bởi những mục tiêu vụ lợi như thế, anh ta đích thị là một kẻ suy đồi!

Để khép lại bài viết, xin được trở lại với một thực tế phổ biến trong đời sống văn học Việt Nam đã nhiều năm nay. Ấy là việc, cứ mỗi mùa giải thưởng, khi kết quả được công bố, mặt báo lại một phen nóng ran. Ý kiến đồng thuận thì ít, mà nghi hoặc, giận dữ, thất vọng, chán chường, chê bai, dè bỉu… thì nhiều. Điều đó khiến những người tổ chức giải phải mất kha khá thời gian và công sức lý giải, phân bua với dư luận. Nhưng mặt khác, cũng cho phép họ ít nhiều được quyền yên trong bụng: À, thì ra thiên hạ vẫn quan tâm đến giải thưởng. Nhưng có thật thế không?

Nhìn lại hệ thống giải thưởng văn chương ở ta mới thấy chiếm tuyệt đại đa số là những giải có nguồn gốc… quốc doanh. Chính sự một màu của cái mác “nhà nước” này đã nảy sinh khá nhiều hệ lụy: người sáng tác và công chúng văn học không có nhiều lựa chọn cho sự quan tâm của mình, mà những người tổ chức giải - bên cạnh tất cả những vấn đề như đã nêu - thì luôn phải chịu sức ép của cái sự “làm việc công”, sức ép của việc đại diện cho Nhà nước để xác định các giá trị văn chương, sức ép ấy nặng nề đến mức khiến cho họ, rốt cuộc, chẳng mấy khi dám có quan điểm khác và dám bảo vệ quan điểm khác đến cùng.

Các giải thưởng ngoài quốc doanh thì cũng chẳng hơn gì. Như đã nói qua, chúng ít đến đáng ngại - thường là do vài công ty sách tư nhân hoặc các tổ chức văn hóa phi chính phủ đứng ra vận hành. Trên dưới mười năm trước, một công ty sách tư nhân đã tổ chức một cuộc thi tiểu thuyết, rất rùm beng nhưng nửa chừng đứt gánh, không làm nốt được khâu chọn ra tác phẩm tốt nhất để trao giải (người chủ xướng cũng lờ luôn việc phải trả tiền cho mấy tác phẩm vào chung khảo đến tận giờ này).

Và như thế, một giải thưởng văn chương như giải của nhóm Tự Lực Văn Đoàn trước năm 1945 - tuy ngắn ngủi nhưng cũng đã kịp in dấu son trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại - vẫn cứ là niềm nuối tiếc khôn nguôi.

Giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn là giải văn chương tư nhân đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam. Nó hoàn toàn mang tinh thần “Tự lực” - không nương nhờ chính quyền hay bất cứ tổ chức chính trị xã hội nào, cả về tư cách pháp nhân lẫn kinh phí trao thưởng. Ban giám khảo của giải thưởng chính là chòm sao thất tinh đã làm nên tên tuổi Tự Lực Văn Đoàn: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ và Xuân Diệu. Điểm đặc biệt nữa của giải thưởng này là không nhận tác phẩm đã xuất bản, mà chỉ nhận bản thảo dự thi, với tôn chỉ “phải để xác định một tài năng đầy đủ và dồi dào”, vì thế giải mang tính phát hiện rất cao.

_________________


Tự Lực Văn Đoàn có cả thảy bốn lần tổ chức vào các năm 1935, 1937, 1938 và 1939:

- Năm 1935: không có tác phẩm trúng giải (chính thức), mà chỉ có bốn tác phẩm được nhận giải khuyến khích.

- Năm 1937: không có tác phẩm trúng giải nhất, nên giải được chia làm hai, một cho kịch Kim tiền của Vi Huyền Đắc, một cho phóng sự tiểu thuyết Bỉ vỏ của Nguyên Hồng. Cũng năm này, được Hội đồng “đặc biệt khuyến khích” là tập thơ Tâm hồn tôi của Nguyễn Bính.

- Năm 1938: Tự Lực Văn Đoàn tuyên bố “Sau khi xem xét kỹ càng tất cả tác phẩm dự thi, Ban giám khảo của giải thưởng văn chương Tự Lực Văn Đoàn 1938 đã nhất định không tặng giải thưởng”.

- Năm 1939: tiểu thuyết Làm lẽ của Mạnh Phú Tư và tiểu thuyết Cái nhà gạch của Kim Hà trúng giải. Ngoài ra còn có hai tập thơ “được chú ý đặc biệt”, là Bức tranh quê của Anh Thơ và Nghẹn ngào của Tế Hanh.

HOÀI NAM
Nguồn: Người Đô Thị




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU