Thứ Năm, 13 tháng 12, 2018

VŨ BẰNG - NHÌN LẠI VĂN VÀ ĐỜI SAU ĐÁM MÂY MỜ

Sự nghiệp văn chương của Vũ Bằng đã sáng chói, không thua gì những cây bút tài ba của thời kỳ văn học 1930-1945 như Nguyên Hồng, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng…, nếu như không có những đám mây mờ oan khuất che phủ. Gần 30 năm sau cái chết của ông, nỗi oan mới được làm sáng tỏ. Nhân kỷ niệm 100 năm sinh cố nhà văn, các nhà văn đã nhìn lại chặng đường hy sinh thầm lặng của ông trong cả văn nghiệp và cuộc sống.
Nhà văn Vũ Bằng

Nói về sự nghiệp văn chương, Vũ Bằng là một trong những cây viết đầu tiên của thời kỳ văn học 193-1945, trước cả Tô Hoài, Nam Cao... Thậm chí, ông còn là người phát hiện và đỡ đầu cho những sáng tác tập tành mới vào nghề của Nam Cao và Tô Hoài. GS Phong Lê kể lại, thời kỳ làm ở tờ Tiểu thuyết thứ bảy, Vũ Bằng đã nhận được bản thảo một truyện ngắn có tên là “Cái lò gạch cũ”, vốn bị bỏ lăn lóc một góc. Nhà văn đã đổi tên truyện ngắn thành “Đôi lứa xứng đôi” và nhờ một nhà văn đàn anh viết lời tựa. Truyện ngắn trở nên nổi tiếng và mở đầu cho trào lưu văn học hiện thực. GS Phong Lê khẳng định: “Nếu như không có cuộc “dinh tê” vào nam từ năm 1954, chắc chắn với những tác phẩm của mình, Vũ Bằng có tên trong lịch sử văn học Việt Nam thời kỳ 1930-1945, không chỉ với tư cách một cây bút hiện thực nổi trội, mà còn là một tên tuổi lớn ngang hàng với Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng…

Nhà văn Hoàng Quốc Hải nói: “Vũ Bằng là một nhà báo có bản lĩnh, đồng thời là một nhà văn hiện thực trữ tình. Cuộc đời làm báo 40 năm của ông đa mang lại nhiều đóng góp mà không thể cân đo, đong đếm được. Ngay từ khi mới bước chân và nghiệp cầm bút, Vũ Bằng đã sử dụng báo chí như một công cụ đấu tranh cho quyền của người dân ngay trong gông cùm của thực dân Pháp”.

Đặt một phép so sánh thú vị giữa Vũ Bằng với một ngòi bút nổi tiếng khác là Nguyễn Tuân, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nhận xét, về tùy bút, Vũ Bằng và Nguyễn Tuâncó nhiều nét tương đồng và khác biệt. Cả hai cùng có những tác phẩm viết về món ăn và thuốc phiện, nhưng mỗi người lại có một “con đường” riêng biệt để đi. “Nếu như Nguyễn Tuân viết mang tính ngoại hướng, trình bày những kiến thức của mình trong những trang tùy bút, thì Vũ Bằng lại có những ý tưởng tản mạn về một vấn đề bằng những liên tưởng kỳ thú và theo nội hướng”. Tác giả “Mẫu Thượng Ngàn” nói. “Ngọn đèn dầu lạc” của Nguyễn Tuân viết về những trí thức, thanh niên bị nghiện, còn “Cai” của Vũ Bằng là hồi ký về quá trình cai nghiện của chính bản thân tác giả. “Đây là hai tác phẩm rõ nét nhất cho xu hướng nội hướng và ngoại hướng của hai nhà văn” – nhà văn Nguyễn Xuân Khánh phân tích.

Đặc biệt, những tác phẩm ông viết về quê hương miền Bắc vào thời kỳ đó là “Miếng ngon Hà Nội” và “Thương nhớ mười hai” đã tại nên một dòng văn học về Hà Nội độc đáo. GS Phong Lê nói: “Những tác phẩm của Vũ Bằng đặc sắc nhất là những hoài nhớ về thủ đô Hà Nội. Phải có một lý tưởng như thế nào, một tình cảm như thế nào mới viết được như vậy. Những tác phẩm này xứng đáng là bộ sách quý hiếm về Hà Nội”.

Hơn 30 năm sống trong Sài Gòn, dưới vỏ bọc một nhà văn “quay lưng lại với Cách mạng” để hoạt động trong mạng lưới tình báo, Vũ Bằng đã phải chịu nhiều điều tiếng và sự lạnh nhạt của bạn văn, cũng như người đời. Ngay cả sau khi đất nước thống nhất, Vũ Bằng vẫn mang tiếng “dinh tê”, vì nhiều nguyên nhân, trong đó có sự đứt đoạn trong đường dây tình báo.

Âm thầm im lặng và chỉ biết trút nỗi niềm vào những trang viết, Vũ Bằng đã gửi tình yêu, nỗi nhớ và nỗi buồn của mình vào những tác phẩm bất hủ, mà nhà văn Nguyễn Xuân Khánh gọi là “mặc dù chỉ viết về hoa quả, ăn chơi, hội hè, văn hóa…, nhưng lại rất chính trị”. Nỗi đau, nỗi cô đơn đã tạo nên những nét riêng trong văn chương của Vũ Bằng” – nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nhận xét.

Chịu đựng một nỗi oan khuất như vậy, nhưng Vũ Bằng không bao giờ lên tiếng tự nói về mình. Phải đến đầu những năm 90, khi những tài liệu về hoạt động bí mật của nhà văn Vũ Bằng được công bố, tên tuổi và sự nghiệp của ông mới được gột rửa, mặc dù khá muộn màng.

TUYẾT LOAN
Nguồn: Nhân Dân




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU