Nhà thơ Nguyễn Tấn Việt
Thơ ca chạm
vào ông giống như lửa chạm vào xăng không gì có thể ngăn nổi. Không ít
người đã từng kêu lên: thơ đã
chết. Nhưng ông là một trong không
nhiều nhà thơ là sự minh chứng tin cậy nhất rằng, thơ ca vẫn sống mãnh
liệt trong đời sống con người. Gương mặt ông đẹp nhất, thánh thiện nhất và uy
quyền nhất là những khi ông đọc thơ. Ông đứng đọc thơ giống như một con chim
đang bay thẳng đứng lên trời xanh và vừa bay vừa cất tiếng hót. Khi ông đọc thơ
thì mọi ưu phiền không phải trong
ông mà trong chúng ta vụt tan biến.
Sau khi Nguyễn
Tấn Việt tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, ông trở thành phiên dịch cho các
chuyên gia Thụy Điển trong những ngày đầu xây dựng Nhà máy Giấy Bãi Bằng.
Đấy là những năm 70 của thế kỷ trước. Ngày ấy, những chùm thơ của ông thường xuyên xuất hiện trên Báo Văn nghệ
và các tờ báo lớn. Nhưng rồi đến một ngày, ông phải lựa chọn một trong hai con
đường. Một con đường của hiện thực vật chất (làm việc cho người nước ngoài) và
một con đường của sáng tạo mơ hồ (thơ ca). Ông đã chọn con đường của sự
mơ hồ và bước đi với tình yêu
lớn mà không hề lưỡng lự. Đấy là con
đường mà mỗi nhà thơ phải tự đi một mình. Ông dời bỏ công việc phiên dịch
cho các chuyên gia Thụy Điển để về làm biên tập thơ cho một tạp chí nhỏ hai tháng ra một kỳ của một
phòng sáng tác thuộc một Ty Văn hóa Thông tin.
Làm cho các chuyên gia nước ngoài ngày đó và cả bây giờ luôn luôn là một cơ hội tốt để thay đổi đời
sống. Ngày ấy, một sự thật hiển nhiên là chỉ những vỏ chai, vỏ đồ hộp vứt quanh
các khu chuyên gia nước ngoài không thôi cũng là một nguồn thu đáng kể của một
số người. Nhưng Nguyễn Tấn Việt đã dời bỏ con đường chắc chắn là đảm bảo
một đời sống vật chất cho ông và gia đình ông để đi theo một con đường mà ông
cũng chắc chắn biết đời sống vật chất sẽ khó khăn. Nhưng không chỉ khó khăn mà
ông phải sống một đời sống vô cùng khó khăn.
Vợ chồng ông có năm người con, vợ ông làm ruộng, còn ông
là một công chức quèn, chính thế mà ông phải gánh chịu những năm tháng khốc liệt
của cơm áo. Vậy mà ông không hề kêu ca, phiền muộn và chưa một lần thơ ông đánh mất bản chất thiêng liêng
của nó. Cứ khi một câu thơ vang lên thì thế gian ông đang sống với nỗi
kinh hãi về đồng tiền lại ngay tức khắc biến thành thiên đường của cái đẹp và
tình người sâu nặng. Thơ ca đã
giải phóng ông khỏi sự đầy đọa của đời sống vật chất. Ông đọc thơ trong quán nước
chè và trong nhà trường. Ông đọc thơ
trong hội nghị và trên giường ngủ. Ông đọc thơ trong tiệc cưới và trong nhà tù.
Dù đọc thơ ở đâu ông cũng đắm say và uy quyền như thế. Bởi với ông, thơ ca
không là sở hữu của riêng ai, thơ ca là của đời sống.
Người ta kể rằng:
có một người bạn cưới con mời ông đến dự tiệc. Ông trịnh trọng trao một phong
bao mừng hạnh phúc đôi uyên ương mới. Nhưng trong phong bao đó không phải là tiền
mà là một bài thơ. Khi mở phong bao ra, vợ người bạn đã "sầm mặt"
vì không thấy tiền. Sự thiêng liêng và giá trị nhân văn đã bị xúc phạm. Người đàn bà kia đã đánh mất cái giá
trị vĩnh hằng của văn hóa và thay vào đó là nuối tiếc cái giá trị ngắn ngủi của
những đồng tiền. Người đàn bà đó không phải là trường hợp cá biệt. Có thể chưa từng có câu chuyện
như thế. Nhưng người nào đó làm ra câu chuyện này chỉ nhằm thông báo về một đời
sống tinh thần đang bị vật chất đe dọa. Những năm tháng thiếu thốn về vật chất
và nhiều giá lạnh của tình người, chỉ có thơ ca mới cứu thoát ông và làm trong sạch ông khi xung quanh
ông biết bao điều và bao người đang bị phủ đầy rác bụi.
Người ta luôn
luôn mang cảm giác khi ông đi đến đâu thì một đời sống tinh thần của thi
ca hiện ra đến đó. Ông lôi kéo không chỉ những người làm thơ quen biết ông mà cả những người ông không biết
viết một câu thơ nào vào thế giới của sự say đắm, sự nhân ái và sự thiêng liêng
của thơ ca. Bởi thế mà ông sống không lừa dối ai và không thù hận ai. Bạn bè vô
cùng ngạc nhiên về sự dịu dàng tinh tế của ông đối với cả những kẻ đố kỵ, ghen
ghét và đôi khi có những hành động ác với ông trong cuộc sống thường nhật.
Ai đó không phải
với ông, ông bước đến nhẹ nhàng và nói như nói với một người thân: Chúng mình
là người làm thơ, ai lại đối với
nhau như thế nhỉ. Bởi với ông, thơ ca là để chia sẻ chứ không phải để thách đố
nhau. Vậy mà cho đến bây giờ, có những người đã qua lâu rồi cái tuổi
"tri thiên mệnh" mà vẫn ghen ghét, đố kỵ với ông. Nhưng với ông, mặt
lá nào cũng biếc xanh, mặt người nào
cũng ngời sáng. Có lẽ đó là một trong những lý do để ông sinh ra những
câu thơ: Nếu không yêu mặt đất/ Trên trời mây không bay. Hai câu thơ này trong bài thơ Những người sống trong
mây đã tôn vinh ông lên giải nhất trong cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn cách đây bốn năm.
Báo Văn nghệ đã nhận đúng giá trị của những câu thơ đó và đặt bài thơ và tác giả của nó vào đúng vị trí.
Ông từng nhận
giải thưởng thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, ông nhiều lần nhận giải thưởng
thơ của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật toàn quốc và các giải thưởng uy
tín khác. Nhưng tất cả những giải thưởng đó không làm con người ông thay đổi
như nó vốn thường thay đổi không ít các nhà thơ. Sau mỗi giải thưởng, ông lại
trở về một tỉnh miền núi nơi ông đang sống và làm việc để tiếp tục suy ngẫm và
sáng tạo trong im lặng vốn là bản chất và ý thức của ông. Mỗi giải thưởng đối với ông như một vụ mùa. Mà thơ ca
như những cánh đồng rộng lớn của thế gian. Ông chỉ biết đắm say gieo trồng và đắm
say gieo trồng cho tới khi nào có thể.
Có không ít những
người bạn thơ của ông đã không chịu nổi sự mơ hồ và cô độc trên con đường của thi ca đã
phải rẽ sang ngả khác. Bởi không ít người đi mãi, đi mãi vẫn không thấy được lợi quyền gì cho riêng họ
trên con đường ấy. Nhưng nhà thơ
Nguyễn Tấn Việt chưa một lần lưỡng lự, chưa một lần hoang mang. Ông đi một mình
trên con đường ấy trong mọi thách thức, trong mọi cám dỗ mà chẳng hề đổi thay.
Một nhà thơ đã
nói với tôi: Tình yêu thơ lớn lao
không vụ lợi của Nguyễn Tấn Việt làm cho tôi nhiều lúc phải xem lại chính bản
thân mình. Lúc này, trong lòng tôi lại vang lên những câu thơ của ông :
Giấc ngủ ngủ trong mây
Sấm chớp rơi vào mặt
Nhưng không ai ngửa tay
Xin trời cao tiếng hát
(Những người sống trong mây)
Tôi thường
nghĩ, Nguyễn Tấn Việt không làm ra những câu thơ như những người xưa ngồi trong
phòng hì hục với "thuật giả kim" mong tìm ra cái sản phẩm cuối
cùng mà họ mong muốn mà tôi tin đời sống đi qua tâm hồn ông, đi qua tình yêu
con người và thiên nhiên của ông và
trở thành những câu thơ. Thơ ca không bao giờ là sản phẩm của "thuật giả
kim ngôn từ" mà là sản phẩm của những biến động tâm hồn mang tính sự kiện.
Khá nhiều những
người làm thơ của thế hệ sau ông đã mang thơ đến cho ông. Cái ông chờ đợi đầu tiên và quan trọng
nhất ở những người làm thơ ấy là những thông điệp của tâm hồn họ, rồi sau đó mới
đến những vấn đề thuộc kinh nghiệm và kỹ thuật. Chính vì thế mà một số học
trò thơ ca trong những bước đi đầu của
họ đã được ông truyền ngọn lửa của tình yêu con người và cái đẹp, những trải nghiệm sống, trải nghiệm
sáng tạo, đã trở thành những nhà thơ có tên tuổi hiện nay.
Bây giờ, nhà
thơ Nguyễn Tấn Việt vẫn sống và vẫn sáng tạo thơ ca cùng dịch thuật như ông đã
làm mấy chục năm nay ở một tỉnh miền núi. Cuộc sống của ông vẫn như thuở trước.
Ông hình như chẳng lúc nào nghĩ mình
phải ăn như thế nào, uống như thế
nào. Ông chẳng bao giờ phải nghĩ mình sẽ ở trong một ngôi nhà như thế nào và đi chiếc xe như thế nào. Vật
chất, chất lượng A và chất lượng Z, với ông đều như nhau. Những thứ đó chẳng mảy
may chạm vào lòng ông. Chỉ có thơ ca ngày đêm với ông như hình với bóng. Thiếu thơ ca ông sẽ ốm đau. Ông chỉ vụt trở nên tinh
thông, trở nên đẹp đẽ, trở nên ngùn ngụt như một con cá khi được trả lại đại
dương thơ ca mênh mông. Khi không có thơ ca thì một miếng ăn mặn nhạt
ông cũng không phân biệt được rõ ràng. Ông không là người làm đột biến thơ ca nước nhà nhưng ông là người
giữ cho những phẩm tính của thơ ca và của thi sỹ luôn luôn trong sáng và thiêng
liêng.
Trên những con
đường của một thị xã miền núi, ông vẫn đạp xe như muôn vàn người dân khác. Rất ít người nhận biết được
ông là một nhà thơ. Chỉ có vẻ đẹp của đời sống và những bất trắc của phận người
nhận ra ông là một thi sỹ.
NGUYỄN HOÀ BÌNH
__________________________________
Nhà
thơ Nguyễn Tấn Việt sinh ngày 26 tháng 12 năm 1948, quê tại xóm Chùa Cát, thôn
Lam Điền, xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây, nay thuộc Hà Nội. Ông từng
công tác tại Sở Văn hoá thông tin tỉnh Hoà Bình. Hiện về sống ở quê nhà Chương
Mỹ.
Hội
viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Hội
viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Tác phẩm đã xuất bản:
- Màu cây miền châu thổ (tập thơ in chung với Hoàng Hữu, 1976)
- Ba con nai trắng biết bay (tập truyện dịch, 1983)
- Cánh giang bay lẻ (tập thơ, 1992)
- Văn hoá gia đình người Mường (tập chuyên đề khoa học, 1994)
- Mảnh trăng núi (tập thơ, 1995)
- Giọt nắng trong mơ (tập thơ, 1996)
- Mùa hoa chuông (tập thơ in chung với Đặng Ngọc Thành và Lò Cao Nhum, 1997)
- Hạt gạo đồng trời (tập thơ, 2000)
- Rừng xanh một mình (tập thơ, 2003)
- Màu cây miền châu thổ (tập thơ in chung với Hoàng Hữu, 1976)
- Ba con nai trắng biết bay (tập truyện dịch, 1983)
- Cánh giang bay lẻ (tập thơ, 1992)
- Văn hoá gia đình người Mường (tập chuyên đề khoa học, 1994)
- Mảnh trăng núi (tập thơ, 1995)
- Giọt nắng trong mơ (tập thơ, 1996)
- Mùa hoa chuông (tập thơ in chung với Đặng Ngọc Thành và Lò Cao Nhum, 1997)
- Hạt gạo đồng trời (tập thơ, 2000)
- Rừng xanh một mình (tập thơ, 2003)
Giải thưởng văn học:
- Giải A về thơ của tuần báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam
-
Giải thưởng của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam
với tập thơ Hạt gạo đồng trời.
Nguồn: NVTPHCM
Thơ NGUYỄN TẤN VIỆT
NHỮNG NGƯỜI SỐNG TRONG MÂY
Chén trà pha trong mây
Vác núi đi kín nước
Lời mời, mời trong mây
Lấy ra từ đá sắc
Giãy ngủ ngủ trong mây
Sấm chớp rơi vào mặt
Nhưng không ai ngửa tay
Xin trời cao tiếng hát
Tình yêu yêu trong mây
Trước khi đi gặp người
Anh phải qua gặp thác
Ngày hai bận sóng đôi
Ngày bốn lần đỏ mắt
Những người sống trong mây
Càng bám sâu lòng đất
Hương thơm thơm trong mây
Bay lòng thung sâu nhất
Cối giã gạo trong mây
Hơi sương bốc lên mát
Viên đạn bắn trong mây
Đồ kẻ thù trước mặt
Nếu không yêu mặt đất
Trên trời mây không bay.
CON TÀU MÂY TRẮNG
Tôi chạy theo con tàu mây trắng
Khi các con tôi hát bài về mẹ cha và các
thiên thần
Những vì sao bay ra từ những đôi môi đính
vào cánh đồng những con cò trắng
Sóng biển cồn lên bởi những cánh chuồn chuồn
Tôi chạy theo bài hát của các con tôi
Bài hát mà tôi không tìm cho cha tôi được
Tôi là người, là cỏ cây, là mây nước
Bốn phía chân trời không một dấu chân tôi
Tôi bay bằng những bài hát của những thiên thần
Con quạ trắng kêu 60 năm không ngủ
Tôi không còn chân tay, không còn mặt mũi
Chỉ có trái tim run rẩy với sương mờ.
NGƯỜI THẾ KỶ TRƯỚC
Có một người từ thế kỷ trước
Nước mắt màu nõn chuối
Nụ cười lợt hoa ngâu
Lừa khi tôi ngủ trưa gối đầu lên tay
Nằm mộng
Người trở về
Dúi vào tay tôi lá cả đẫm sương
Cài vào áo tôi cành hoa trinh nữ
Vùi vào tóc tôi lời thề
Hoang dã
Tan mơ tôi hoảng sợ
Thề không bao giờ nằm mộng.
CÓ THỂ
Có thể hái hoa ta chẳng có nhau
Cũng sương nắng thôi bốn mùa đều có thật
Bạn cứ hát tôi xa nghe bạn hát
Dù tôi đang không ý nghĩ không lời
Bạn bè ơi! Bản nhạc có thiếu tôi
Đừng bận lòng hát tôi khi chạm cốc
Nhưng xin nhớ khi cạn khô lời chúc
Xin bạn đừng đập cốc gọi tên tôi.
GIẤC NGỦ CON NGƯỜI
Tình cờ tôi được ngắm con người
Ngủ ngồi
Hướng về vườn cây cảnh
Lồng một khoảng đêm vào ngày
Tay buông lỏng
Như vừa buông một cánh chim bay
Bờ mi khép vào gương mặt mở
Giấc ngủ sâu - nước lặng hồ mây
Anh ngủ ngồi - thai nhi trong bụng mẹ
Khoảng nắng như bọc hồng
Giấc ngủ thơm hương mật ong
Bờ môi ngậm
Tiếng chào cây cỏ
Và bài ca hát hết con đường
Tôi từng núi xa ngắm bao biển bao trời
Chưa bao giờ mây bay trong tôi
Bằng giấc ngủ ngồi
Bằng hương thơm giấc ngủ một con người.
CHÂN TRỜI
Tôi từ chân trời lạ
Vọng về quê cha mờ nắng hóa chân tời
Tôi đâu ngờ khói bay bóng núi
Là cõi lòng của tôi
Tôi đâu ngờ dưới hồng tím chiều mây
Cha tôi ngồi đan giỏ khô màu tóc
Các con tôi, em cười, anh khóc
Giành nhau trái vàng dập nắng lấy nhân ăn
Tôi đâu ngờ dưới bảy sắc cầu vòng
Vợ tôi giật lùi cấy vào buốt giá
Cái rét quê chồng tím làn môi vợ
Nơi mặt trời về gặp gỡ sao hôm
Mẹ già tôi tựa cửa
Tiếng chim kêu đỏ vầng trăng khuyết
Cánh vạc bay gãy khúc ca chèo
Tôi bần thần trở về quê cha
Lại đăm đắm nơi chiều xa, lạ, cũ
Nỗi lòng cầm tay
Thành khói lên mờ nắng chân trời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét