Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2019

NHÀ THƠ PHAN HOÀNG: BƯỚC GIÓ TRUYỀN KỲ - BƯỚC CHÂN MỞ CÕI

Trường ca Bước gió truyền kỳ của nhà thơ Phan Hoàng vừa được Ủy ban nhân dân TPHCM trao tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật 5 năm lần thứ II (2012-2017)…
Nhà thơ Phan Hoàng ở quê nhà Phú Yên năm 2015

Nhà thơ Phan Hoàng khởi đầu viết trường ca Bước gió truyền kỳ(*) từ 15 năm trước, anh trích một số đoạn tham dự cuộc thi thơ của tạp chí Văn nghệ Quân đội 2003 - 2004 và đoạt giải thưởng. Từ bấy đến nay anh tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung đến đầu năm 2016 mới xuất bản, đủ thấy anh rất cẩn trọng trong lao động thơ.

Cảm hứng mở cõi giữ biên cương xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm. Phàm là con dân đất Việt dù chính kiến khác nhau nhưng mỗi lần nhắc đến công cuộc mở cõi giữ biên cương thì cảm hứng ấy luôn cháy bỏng và thiêng liêng; trường ca của Phan Hoàng nhập vào tâm thế ấy, đó là lợi thế đầu tiên.

Trên tấm lưng cong của dải đất hình chữ S, mỗi dốc đèo, mỗi bờ vịnh, mỏm đá, ngọn cỏ, gốc cây… đều ghi dấu máu xương mở cõi; chia ly và đoàn tụ; tang thương và lẫm liệt… Phan Hoàng được sinh ra trên vùng đất như thế, vùng đất có tên là Tuy Hòa, Phú Yên. Mới nhắc đến mấy chữ ấy lòng đã thấy rưng rưng bởi đó là khát vọng cháy bỏng của bao thế hệ tiền nhân. Nhìn lại quá khứ chưa xa, vùng đất này đã mấy khi được Hòa bình mà có “Phú” có “Yên”? Trông vào đâu anh cũng thấy âm vang quá khứ hiện về:

lồng lộng Đá Bia
oai linh tinh hoa trời đất
hào hiệp sông Ba
thiêng liêng dòng sữa sinh thành.

Những địa danh rất ấn tượng, đó là hiện hữu hiện tại, nhưng nhiều nhất là những hình nhân lạ lùng:

Đêm đêm bỗng nghe rừng xanh thành cổ
bước ai trong gió lặng trôi bềnh bồng…

Người lên đầu non, người xuôi cuối bể
xác hoá mây bay, hồn về đất mẹ…

Trên đất nước ta có lẽ không nơi nào có nhiều gió bão như tấm lưng cong của dải đất miền Trung, “Ơi cái gió Tuy Hòa/ Gió chuyên cần và phóng túng” (Trần Mai Ninh), Phan Hoàng đặt ra những câu hỏi với sinh thể gió:

Bay đường nào con người bớt khổ đau?
Bay đường nào con người bớt nghèo đói?
Bay đường nào con người bớt phản trắc?
Bay đường nào con người tin được nhau?

Trong trường ca này, điểm xuyết đó đây, Phan Hoàng vẫn nêu ra những vấn đề bức xúc về nhân tình thế thái để ta cùng suy ngẫm. Và câu trả lời:

Bay đến vùng trời thi ca âm nhạc đang cứu rỗi những nòng súng

Rất bất ngờ với ý nghĩa nhân văn. Trường ca với chủ đề mở cõi giữ biên cương nhưng rất hiếm thấy cảnh trận mạc voi gầm ngựa hí, chiêng trống thúc quân, đầu rơi máu chảy mà từng câu thơ đều thể hiện: vừa hào sảng sử thi vừa chia sẻ nỗi niềm.

Gió hóa thân các chàng trai vạm vỡ lưu dân
gánh trên vai ánh mắt kỳ vọng của người già
giấu kín trong tim mùi hương vợ trẻ tiếng khóc con thơ

Tả chân dung những người đi chinh chiến, tác giả không tả hành trang của họ gồm súng hỏa mai hay gươm giáo khiên mộc mà là tình thương nỗi nhớ. Chính hành trang vô hình này mới là cái gốc của ý chí kiên cường mạnh hơn nhiều lần súng gươm.

Hào sảng sử thi và chia sẻ nỗi niềm, hai yếu tố này đan xen nhau suốt chiều dài của trường ca. Từng đọc nhiều bản trường ca chung đề tài này, tôi thấy phần lớn tác giả hay say mê tập trung vào yếu tố thứ nhất. Ở Bước gió truyền kỳ, Phan Hoàng có ý thức làm khác đi. Đây là nét mới của trường ca, độc giả dễ dàng tiếp nhận và ghi nhận sự đóng góp của anh.

Gió vẫn miệt mài cõng hương qua núi đồi một thời trận mạc
gió nói gì với những chiếc bóng lang thang chưa yên nghỉ mộ phần?
Trường ca Bước gió truyền kỳ của Phan Hoàng

Trường ca không dẫn dắt theo lộ trình mở cõi mà từng bước hiển hiện thấp thoáng trong ý tứ câu thơ. Ta biết dấu chân mở cõi tới đâu, thời gian địa điểm nào rồi và cuộc hội ngộ giữa người dân bản địa và người viễn xứ mới đến sinh động và tình cảm làm sao. Âu đó cũng là cái duyên tiền định để hình thành cộng đồng dân cư trên hình hài chữ S. Và trên vùng đất hoang sơ ấy bắt đầu hình thành những dấu ấn văn hóa:

tạc nên tượng đài nhân hậu và quả cảm
tạc nên tượng đài phồn thực và hào phóng

Nhưng cuộc sống đâu đã yên định mà còn biết bao công cuộc bình định khác:

Cảm thương cô bé lọ lem
Bơi trong gió chướng giặc đêm cướp ngày

Gợi cảm thương mà hiển hiện nỗi gian truân của lịch sử, mới đọc qua tưởng dễ nhưng có lẽ tác giả phải chọn lựa và lao động nghệ thuật không hề đơn giản. Rõ hơn về việc giữ vững biên cương:

Biên giới bất thường chuyển núi động rừng
Bao linh hồn trẻ hóa gió hiên ngang

Là hiện tại nhưng vẫn không thiếu hình bóng quá khứ, linh hồn những người lính trẻ vẫn hiện về trên phòng tuyến giữ nước. Một đặc điểm nữa của thơ Phan Hoàng, là anh hay sử dụng bút pháp điểm xuyết chấm phá:

Núi thức mùi hương dặm xưa trinh nữ
Núi dậy hơi men chiến tướng khóc quân.

Đến chi tiết cảm động của người lính chiến:

Vội vội vàng vàng tiếng thở đêm tân hôn

Và những người ở hậu phương:

Bao bà mẹ tim ngừng đập vẫn mở mắt đợi con
Bao người vợ úp mặt chờ chồng lửa lòng đông cứng.

Nghệ thuật điểm xuyết chấm phá trong hội họa thường chỉ gợi mà ít tả thực, thơ cũng vậy, nó tạo những khoảng trống để người thưởng ngoạn liên tưởng và như thế không gian thời gian nghệ thuật mở rộng mênh mang. Nói thiếu mà nói được nhiều hơn là nói đủ. Nhưng khi cần thiết, Phan Hoàng lại rất cụ thể, có thể nói trong trường hợp sau đây thì ít ai cụ thể được như anh:

Chống chọi mười bốn cuộc ngoại xâm

Chắc là anh phải mở Lịch sử Việt Nam lật từng trang và thống kê chi tiết, chính xác mới có con số cụ thể ấy. Ôi trên trái đất này chắc không có nơi nào chịu nhiều cuộc ngoại xâm như nước ta. Một cách làm nghệ thuật tâm huyết và trách nhiệm. Ở chương cuối: “Những cơn vượt thoát sinh tồn vĩ đại”, mở đầu:

Đất nước bước đi bằng mọi con đường
Dân tộc lớn lên từ bao thảm kịch

Là một đúc kết sắc bén và cảm động thể hiện cảm xúc và suy nghĩ của người viết rất chân thành và tâm huyết.

Bước gió truyền kỳ, trường ca gồm 3 chương chính và 2 chương phụ: mở đầu và vĩ thanh, độ dài vừa phải nhưng mỗi ý tưởng, câu chữ hình ảnh, hình tượng… đều được anh nghiền ngẫm thấu đáo, lao động nghệ thuật công phu.

Lại nhớ tập thơ của Phan Hoàng xuất bản 4 năm trước có tên Chất vấn thói quen (được Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh), càng thấy rõ sự nhất quán trong quan điểm nghệ thuật của anh: dứt bỏ thói quen cũ, đổi mới thi pháp thơ. Là trường ca ôm trùm vấn đề rộng lớn nhưng anh không sa đà vào kể và tả mà coi trọng nghĩ và cảm; mỗi phần hay toàn cục, anh không kết thúc đóng mà kết thúc mở. Đó là những yếu tố chủ yếu của thi pháp mới. Phan Hoàng bắt nhịp với sự chuyển đổi ấy một cách thanh thoát và hiệu quả.

Trường ca thường có nhân vật, nhưng Bước gió truyền kỳ, Phan Hoàng không mượn một, hai nhân vật lịch sử cụ thể nào mà anh lấy sinh thể gió, vừa hiện hữu vừa mơ hồ; vừa hiu hiu vừa bão táp; vừa quá khứ vừa hiện tại làm “nhân vật” chính là một sáng tạo độc đáo, mới mẻ.

NGUYỄN VŨ TIỀM
Nguồn: ĐNCT

_____________
(*) Trường ca Bước gió truyền kỳ của Phan Hoàng, NXB Hội Nhà văn 2016.



Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2019

VŨ TRỌNG PHỤNG - TÀI NĂNG VÀ THỜI CUỘC

Trong những nhà văn của dòng văn học hiện thực 1930 -1945, nổi lên Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao, Tô Hoài. Mỗi nhà văn đều có một phong cách và tài năng riêng, không dễ chọn ngôi vị đầu. Nguyễn Công Hoan vạm vỡ, Ngô Tất Tố sắc sảo và uyên thâm, Vũ Trọng Phụng hiện đại và toàn năng, Nam Cao trí tuệ và nhân ái, Tô Hoài đậm bản sắc dân tộc. Những nhà văn trên có đóng góp quan trọng vào nền văn xuôi hiện đại, các tác phẩm có giá trị bền vững.
Nhà văn Vũ Trọng Phụng

Nói đến Vũ Trọng Phụng chính là nói đến thời cuộc và tài năng. Một lần nhà văn Nguyễn Khải nói: "Với tôi, quan trọng là nhờ cái thời". Đó là một cách tự nhận xét chân tình. Thời thế tạo anh hùng, câu nói đó vẫn có ý nghĩa riêng, thích hợp với những tài năng được thời thế góp phần tạo nên.

Vũ Trọng Phụng "gặp thời". Thời kỳ 1930-1945 là một bước phát triển mới rất khác biệt với chặng đường trước. Những thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng đã mang tầm vóc và kích cỡ của những thành phố hiện đại. Đã có hàng trăm nhà xuất bản và tờ báo. Năm 1938 với 308 tờ báo là năm báo chí phát triển mạnh nhất so với toàn bộ chặng đường trước ("Lịch sử báo chí Việt Nam (1865-1945)", Đỗ Quang Hưng chủ biên, NXB Đại học, 2000). Dư luận xã hội rộng mở trong điều kiện của thời kỳ mặt trận dân chủ. Về giáo dục, đã có nhiều trường đại học, số lượng sinh viên, học sinh đông đảo góp phần tạo nên một lớp công chúng mới trong văn học. Về sinh hoạt xã hội, nhiều rạp chiếu bóng, rạp hát, vũ trường hoạt động, đêm Hà Nội sầm uất không khí chơi bời. Về mặt trái của thành thị bộc lộ rõ qua nhiều mặt, quyền lực chính trị đã siết chặt qua nhiều hoạt động, đồng tiền lên ngôi, nạn mại dâm, đĩ điếm, cờ bạc phát triển. Đời sống thành thị bộc lộ những mặt đối lập rõ rệt trên nhiều phương diện. Thời cuộc là thế, làm sao nhà văn miêu tả được những bức tranh xã hội phức tạp, nhiều mâu thuẫn đó.

Văn chương Việt Nam trước đây có thế mạnh viết về nông thôn. Có một khoảng trống là viết về thành thị. Nhiều nhà văn có tài năng nhưng cũng chưa có những tác phẩm thành công về thành phố. Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng đã chạm đến những vấn đề của đô thị nhưng chưa đi sâu, chưa khái quát, chưa tạo được điển hình và sức hấp dẫn cho trang viết. Nguyên Hồng là nhà văn của những xóm thợ nghèo khổ. Nam Cao viết giỏi về làng quê và người trí thức nghèo tự thu mình lại trong những suy nghĩ nội tâm. Tô Hoài rất thành công về người ven thành và chưa vào sâu được đề tài Hà Nội. Nhà văn Nguyễn Đình Thi có lần cho rằng: "Chỉ có Vũ Trọng Phụng và Nguyễn Huy Tưởng là viết thành công về đề tài thành thị". Tất nhiên cũng phải kể đến những trang viết của Tự lực văn đoàn, song tác phẩm vẫn thiên về tầng lớp trên trong phạm vi gia đình, tình yêu, hôn nhân.

Nói thời cuộc là nói về yếu tố khách quan, còn khả năng tiếp cận, suy nghĩ, tái tạo lại thuộc về khả năng chủ quan. Vũ Trọng Phụng là người quy tụ đầy đủ những điều kiện để "tiến công" vào thành trì vững chắc này. Ông sinh ra ở Hà Nội và sống trọn đời với thành phố lớn tiêu biểu này. Có thể nói Vũ Trọng Phụng hiểu cái đáy của xã hội không phải từ trên nhìn xuống, từ ngoài nhìn vào mà là người nhập cuộc để thấu hiểu và đưa vào trang viết. Vũ Trọng Phụng cũng am hiểu bản chất xấu xa của thực dân Pháp và tổ chức chính trị, guồng máy cai trị, những nhân vật gọi là tai to mặt lớn.

Vũ Trọng Phụng là người công dân, là nhà báo, là người trí thức. Kết hợp giữa những tri thức, những hiểu biết với vốn sống thực tế, ngòi bút Vũ Trọng Phụng có những phẩm chất hài hòa và sắc bén không dễ mấy người viết có thể dễ dàng tạo nên. Theo ký ức của nhà báo Thiều Quang: "Anh rất ham đọc, khởi điểm từ cái văn học cổ điển Pháp với những cây bút độc tú của Molierè, Racin, Corneille qua Voltaire, Balzac, rồi đến cái chủ tả chân cực thịnh của Flaubert, Guy de Maupassant thì dừng lại. Trong cái hệ thống văn chương chửi đời đó, Vũ Trọng Phụng hồ như tìm thấy sự đồng cảm, đồng điệu, đồng tình". Bùi Huy Phồn cũng kể lại: "Tôi liếc nhìn xung quanh chỗ Vũ Trọng Phụng nằm, thấy la liệt một số sách và báo tiếng Pháp, như Nhân đạo (L' Humanité) của Đảng cộng sản Pháp, báo Gringoire của Đảng xã hội, hầu hết là những tờ báo tiến bộ Pháp bấy giờ". Vũ Trọng Phụng cũng quan tâm tìm đọc những tác phẩm của văn học Pháp, của A. Gide, của Freud về phân tâm học, về con người sinh lý, những điều mà ông cần tìm hiểu cho trang viết của mình.

Về ý thức và nhân cách của người viết, trước những hiện tượng tiêu cực của đời sống mà tác giả phải nhập cuộc để tìm hiểu, Vũ Trọng Phụng khảo sát kỹ những hiện tượng phức tạp, tại chỗ, từ tư liệu gốc để viết những phóng sự như "Kỹ nghệ lấy Tây", "Cơm thầy cơm cô". Ở những trường hợp phức tạp hơn, ông không nhập cuộc mà khai thác gián tiếp qua lời kể của người thân để viết. Vũ Trọng Phụng đã để lại một sự nghiệp văn học đồ sộ. Tuy nhiên, sự đánh giá về ông qua một chặng đường dài trên nửa thế kỷ cũng gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Đương thời người ta ca ngợi nhưng cũng có những ý kiến ghét bỏ, cho là Vũ Trọng Phụng đã khai thác nhiều mặt xấu, nhiều chuyện đáng kiêng kỵ. Sau Cách mạng Tháng Tám, Vũ Trọng Phụng cũng không được thuận chiều như các nhà văn Ngô Tất Tố, Nam Cao. Trong trường đại học, trong nghiên cứu thường nêu vấn đề Vũ Trọng Phụng với hai điểm yếu, hai dấu hỏi về thái độ chính trị và miêu tả cái dâm. Dần dà theo thời gian, mọi việc được giải tỏa và nói như Xuân Diệu về nguyên lý Archimède "cái gì nổi thì nhất định sẽ nổi".

Qua một số lần kỷ niệm về ngày sinh và ngày mất, Vũ Trọng Phụng đã trở về với tư cách một nhà văn xuất sắc, một tài năng hiếm có của nền văn học thế kỷ XX. Trong lần kỷ niệm 90 năm ngày sinh Vũ Trọng Phụng do Viện Văn học tổ chức vào năm 2002, Vũ Trọng Phụng được khai thác, nghiên cứu và tôn vinh về nhiều mặt. Cuộc hội thảo khoa học kỷ niệm Vũ Trọng Phụng ngoài những nhà nghiên cứu trong nước không chỉ thuộc về phần văn học hiện đại mà có nhiều nhà nghiên cứu vốn là chuyên gia về văn học nước ngoài cũng nhiệt tình tham gia như Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, Lộc Phương Thủy. Nhà nghiên cứu Đỗ Đức Hiểu với tinh thần của thi pháp hiện đại cũng có những bài viết hay về Vũ Trọng Phụng. Trong cuộc hội thảo có sự tham gia của Niculin (Nga) và Zinoman (Mỹ). Niculin nhấn mạnh đến tính chất hiện đại và xu hướng hiện đại hóa của Vũ Trọng Phụng khác với những khuynh hướng hiện đại hóa theo lối học đòi phương Tây của Phạm Quỳnh.

Trong một công trình nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam, tác giả nhận xét Vũ Trọng Phụng chú ý miêu tả hai loại người trong xã hội "những kẻ bị quyền lực của đồng tiền dìm xuống đáy xã hội và những kẻ nhờ thói bịp bợm, bỉ ổi đã đạt tới sự giàu sang và danh giá". Vũ Trọng Phụng miêu tả cuộc sống của những tầng lớp xã hội khác nhau trong sự vận động và trong sự biến đổi. Zinoman vốn là một nhà nghiên cứu sử học, sau khi đọc tác phẩm "Người tù được tha" của Vũ Trọng Phụng, ông say mê tìm đến tác giả qua những cuốn tiểu thuyết và nhấn mạnh bản sắc hiện đại trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng. Ông đặc biệt ca ngợi tác phẩm "Số đỏ" đã vượt khỏi giới hạn và phong cách miêu tả quen thuộc kết hợp giữa sự thực và phóng đại, lối kể chân thực và trào phúng tạo dựng một thế giới chân thực mà đặc sắc. Nhà văn Niculin cũng đặc biệt ca ngợi "Số đỏ" "đã sử dụng những thủ pháp phóng đại khi vẽ một gã phiêu lưu khác ấy là Xuân Tóc Đỏ, một kẻ chuyên nhặt banh quần vợt nhưng sự ngẫu nhiên một cách ngược đời và sự ngu xuẩn đến mực phi lý của xã hội đã đưa y lên đỉnh vinh quang".

Kỷ niệm 90 năm ngày sinh Vũ Trọng Phụng, Giáo sư Zinoman cảm phục trước tài năng, sức làm việc của nhà văn. Zinoman nhận xét Vũ Trọng Phụng chỉ sống đến 27 tuổi. Ở tuổi ấy, nhà văn Pháp Balzac hầu như chưa viết được gì đáng kể" (Báo Thể Thao & văn hóa số ra ngày 22/10/2002). Trong một lần phát biểu trên Đài Tiếng nói Việt Nam, ông còn cho rằng Vũ Trọng Phụng không thua kém bất kỳ một nhà văn lớn nào trên thế giới, đặc biệt sức sáng tạo to lớn đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ trong vòng 9/10 năm sáng tác. Ngày nay, nhiều thanh niên Việt Nam ở tuổi 27 còn đang tìm việc hoặc bắt đầu khởi nghiệp thì Vũ Trọng Phụng đã kết thúc sự nghiệp lớn lao của mình với nhiều tác phẩm bất hủ.

Đi sâu vào tìm hiểu Vũ Trọng Phụng, các tác giả: Nguyễn Đăng Mạnh, Phong Lê, Đỗ Đức Hiểu, Phan Cự Đệ, Lê Thị Đức Hạnh, Trần Hữu Tá, Lại Nguyên Ân đều có những bài nghiên cứu sâu sắc. Đặc biệt, nhà văn Lại Nguyên Ân có công sưu tầm nhiều tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, tạo điều kiện để có một cái nhìn sâu sắc, toàn cảnh về tác phẩm Vũ Trọng Phụng.

Qua những tác phẩm của mình, Vũ Trọng Phụng là người đặt được nhiều vấn đề xã hội như thành thị và nông thôn (qua "Vỡ đê", "Cơm thầy cơm cô", "Giông tố"), bản chất của đời sống thành thị, xu hướng hiện đại hóa, thành quả và hậu quả (qua các phóng sự và tiểu thuyết "Số đỏ"), tình trạng biến chất, tha hóa con người trong xã hội hiện đại; những tệ nạn xã hội tràn ngập và đâu là phương thức cứu chữa. Ở mỗi vấn đề đều được chứng minh bằng câu chuyện, sự kiện, nhân vật góp phần vào sự nhận biết hiện thực, khơi gợi suy nghĩ và thái độ người đọc. Tôn trọng sự thực, lấy sự thực là chuẩn mực, Vũ Trọng Phụng đã bộc lộ rõ thái độ qua trang viết. Tuy nhiên, đề xuất vấn đề và cách giải quyết là những việc khác nhau. Vũ Trọng Phụng cũng có lúc đưa ra những đơn thuốc ngây ngô. Tuy nhiên, nói như Nguyễn Tuân: "Nhiệm vụ của nhà văn là phát hiện con bệnh, còn kê đơn và chữa bệnh lại như vượt khỏi khả năng của người cầm bút". Phát hiện đúng căn bệnh của xã hội để mọi người có một thái độ cũng là một đóng góp quan trọng.

Trong các tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, "Số đỏ" được xem là một tuyệt tác. Nhà nghiên cứu Đỗ Đức Hiểu cho rằng: Vũ Trọng Phụng sáng tạo một loại tiểu thuyết mới, tiểu thuyết cười, tiểu thuyết đa thanh, đa âm, đa sắc diện. "Số đỏ" là một siêu tiểu thuyết và nhân vật Xuân Tóc Đỏ là một siêu nhân vật. Nhân vật Xuân Tóc Đỏ đã vượt khỏi giới hạn của một hoàn cảnh, một thành thị mà trở thành một nhân vật phiêu lưu, có mặt ở nhiều cảnh ngộ trong nhiều nước. Xuân Tóc Đỏ được xem là một điển hình của văn học hiện thực thời kỳ 1930-1945. Zinoman có liên hệ tác phẩm "Số đỏ" với bộ phim "Vua lưu manh" (Le roi des resquilleurs) - một bộ phim được ưa chuộng ở Pháp, một tên lưu manh, tinh ranh, bịp bợm của thành thị đã "thành công nhờ một chuỗi may mắn khác thường cũng với những mưu mô xảo quyệt". Không riêng gì "Số đỏ", các tác phẩm "Giông tố", "Vỡ đê" của Vũ Trọng Phụng đều là những tác phẩm có giá trị trong thời kỳ mặt trận dân chủ xuất hiện nhiều loại nghị viên như Nghị Quế ("Tắt đèn" - Ngô Tất Tố), Nghị Lại ("Bước đường cùng" - Nguyễn Công Hoan) và Nghị Hách. Các ông Nghị trên đều có cá tính riêng nhưng Nghị Hách là sắc sảo hơn cả. Nghị Hách tập trung những nét tiêu biểu của một kẻ giàu có, làm giàu bằng những thủ đoạn nham hiểm, bằng tội ác và cũng là một loại người ăn chơi hưởng lạc. Xuân Tóc Đỏ và Nghị Hách là hai kiểu nhân vật có nhiều nét chung, một bên là kẻ cùng khổ đầu đường xó chợ, dùng nhiều mánh khóe bịp bợm mà thành "người hùng" và một bên trở thành triệu phú nhờ những âm mưu lừa gạt.

Ở Việt Nam, các tác phẩm "Số đỏ", "Giông tố" đều được dựng thành phim. Cốt cách và giá trị văn học của các tác phẩm đã tạo cho các bộ phim nhiều nét đặc sắc. Tác phẩm "Số đỏ" cũng được Giáo sư Zinoman dịch ra tiếng Anh và được xem là một trong số 50 sách dịch hay ở nước Mỹ.

Nói đến tiểu thuyết phải nói đến nhân vật, Vũ Trọng Phụng có tài khắc họa nhân vật. Trong tác phẩm "Số đỏ", mỗi nhân vật có một vóc dáng riêng, tính cách riêng, từ những tên gọi như bà Phó Đoan mà không đoan chính; ông Văn Minh nhưng thực sự là thụ động, bế tắc; các tên cảnh sát Min Đơ, Min Toa; rồi ông Lang Tỳ, Lang Phế cho đến em Chã, cụ cố Hồng... Mỗi người đều có những đặc điểm qua hành động, qua ngôn từ. Nhà nghiên cứu Đỗ Đức Hiểu cho rằng trong "Số đỏ" có những làn sóng ngôn từ hấp dẫn bất hủ, tiếp nối và đan xen nhau qua những lời thoại độc đáo. Vũ Trọng Phụng am hiểu xã hội, các loại người đến chân tơ kẽ tóc để góp phần tạo dựng nhân vật. Ngoài tiểu thuyết, trên dòng phát triển của văn xuôi, Vũ Trọng Phụng cũng có nhiều truyện ngắn hay.

100 năm đã qua kể từ ngày sinh, và hơn 70 năm kể từ ngày mất, Vũ Trọng Phụng đã có những đóng góp quan trọng cho văn chương Việt Nam thời kỳ hiện đại. Từ cuộc đời và tác phẩm của ông có thể giúp chúng ta suy nghĩ về chuyện văn chương và cuộc sống, hôm qua và hôm nay.

GS HÀ MINH ĐỨC
Nguồn: VNCA

NHÀ VĂN ĐOÀN THẠCH BIỀN: NGƯỜI CỦA MIỀN ÁO TRẮNG

Trong trí tưởng của tôi không nghĩ có ngày được ông mời đi nhậu. Tôi, đang mon men đâu đó ngoài rìa văn chương, tập tành vài ba truyện ngắn, lại được nhà văn gạo cội, ông chủ của vựa văn chương tuổi mới lớn, theo cả nghĩa sản xuất lẫn đào tạo, mời nhậu, thì hỏi sao không bất ngờ?! Đấy là câu chuyện của 8 năm về trước, khi tôi đang lơ ngơ chân ướt chân ráo ở chơi Sài Gòn, chờ ngày về Bà Rịa - Vũng Tàu dạy học. Sau này mới biết, chuyện Đoàn Thạch Biền chủ động gặp gỡ các cây viết trẻ để tiếp lửa cho ngòi bút của họ là việc làm thường xuyên của ông.
Nhà văn Đoàn Thạch Biền

1. Chiều Sài Gòn. Tháng Mười một. Nắng thảnh thơi trên tán lá khế nơi quán Ruốc của nhà văn Mường Mán. Tôi, nửa hồi hộp nửa hân hoan xen lẫn ngượng ngùng và pha thêm chút hiếu kỳ, bởi ngay trước mặt là nhà văn Đoàn Thạch Biền. Dù trước đó 5 tháng, tôi cùng với đông đảo cộng tác viên của tập san Áo Trắng đã gặp ông, khi ông ra dự Festival Huế lần thứ 5. Lần ấy tôi chỉ dám kính nhi viễn chi. Ông hiện hữu đấy mà như… cao lắm và xa lắm.

Trong trí tưởng của tôi không nghĩ có ngày được ông mời đi nhậu. Tôi, đang mon men đâu đó ngoài rìa văn chương, tập tành vài ba truyện ngắn, lại được nhà văn gạo cội, ông chủ của vựa văn chương tuổi mới lớn, theo cả nghĩa sản xuất lẫn đào tạo, mời nhậu, thì hỏi sao không bất ngờ?! Đấy là câu chuyện của 8 năm về trước, khi tôi đang lơ ngơ chân ướt chân ráo ở chơi Sài Gòn, chờ ngày về Bà Rịa - Vũng Tàu dạy học. Sau này mới biết, chuyện Đoàn Thạch Biền chủ động gặp gỡ các cây viết trẻ để tiếp lửa cho ngòi bút của họ là việc làm thường xuyên của ông.

Lý lịch trích chéo của nhà văn Đoàn Thạch Biền đọc lên nghe rất… "Bắc Trung Nam sum họp một nhà, cao nguyên và biển gần xa đã từng". Thì đấy, ông sinh ở Nam Định, học tiểu học ở Hội An, học trung học ở Đà Nẵng, học đại học Văn khoa ở Sài Gòn, dạy Triết học ở Bình Thuận, làm nông dân trồng dâu ở Lâm Đồng, làm công nhân rồi làm báo Người lao động ở TP. Hồ Chí Minh.

Tiểu sử văn học của ông cũng gay cấn không kém. Viết văn, xuất bản sách, từng đoạt giải thưởng Văn học Nghệ thuật quốc gia (miền Nam) trước năm 1975 về kịch bản sân khấu với tên Nguyễn Thanh Trịnh. Hàng loạt tác phẩm của Đoàn Thạch Biền, chỉ cần đọc tựa thôi đã đủ sức gây tò mò cho bạn đọc mới lớn, từ "Ví dụ ta yêu nhau" đến "Bất ngờ phía trái tim", "Đừng đốt cháy bông hồng", rồi "Những ngày tươi đẹp", "Mùa hè khắc nghiệt", và "Tôi thương mà em đâu có hay", "Tôi hay mà em đâu có thương", "Tình nhỏ làm sao quên"…

Tôi vẫn nhớ cảm giác lần đầu tiên chạm vào thế giới văn chương Đoàn Thạch Biền. Huế buổi chiều năm hai đại học, mây bàng bạc gió lơ đễnh như chở nguyên vẹn sắc diện lưu cửu của mảnh đất cố đô, tôi bắt gặp tập truyện "Ví dụ ta yêu nhau" ở sạp sách báo cũ quen thuộc bên đường Nguyễn Trường Tộ, đối diện căn gác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn năm xưa, giờ gọi là gác Trịnh, nơi lưu niệm cố nhạc sĩ. Tập truyện từng được NXB Bạn Ngọc in năm 1974 tại Sài Gòn này được NXB An Giang in lại vào năm 1989 trong tình trạng không còn bìa. Bữa ấy, đêm đến, tôi bập vào 14 ví dụ về tình yêu, tức 14 truyện ngắn trong cuốn sách. Vừa đọc vừa cười, khi tủm tỉm khi phá lên thành tiếng, đến mức cậu bạn cùng phòng phải lại đặt tay lên trán xem tôi có bị làm sao không?

Không. Tôi chẳng sao. Đơn giản chỉ là tôi "phản ứng" với giọng văn nhẹ nhàng, đối thoại của các nhân vật dí dỏm, thông minh pha chút triết lý trong văn Đoàn Thạch Biền mà thôi. Cả cách ông cho nhân vật xưng "ông" và "em" nữa, là lạ, ngỡ xa mà lại gần, gợi khiêu khích. Kiểu xưng hô này, ở văn chương miền Nam trước đây, một vài tác giả khác cũng có dùng. Nhưng sau này chỉ còn thấy trong văn chương Đoàn Thạch Biền. Rõ ràng. Nhất quán. Mặc nhiên, người đọc xem như đây là dấu hiệu để nhận biết văn chương ông.

Xuyên suốt từ tập truyện đầu tay đến các tác phẩm sau này, dù cho bản thân tác giả phải lăn lộn thích ứng với nhiều môi trường sống khác nhau bởi sự biến thiên của thời cuộc, thì văn chương Đoàn Thạch Biền vẫn son sắc thủy chung một mực giành cho tuổi mới lớn. Như ông nói: "Đấy là những năm tháng yêu thương tưởng chừng như mộng ảo, nhưng cơn ngầy ngật đắm say vẫn còn rung động suốt đời người". Và ông tin đời sống hiện nay vẫn cần những rung động đó. Thực tế khẳng định điều ông nói là đúng, bởi tác phẩm của ông vẫn được các NXB và Công ty sách lâu lâu lại tái bản.

2. Không chỉ bạn đọc nhắc nhớ, Đoàn Thạch Biền còn được các thế hệ viết từ 7X trở về sau nhắc nhớ. Thập niên 90 thế kỷ trước là thời kỳ nở rộ văn chương tuổi mới lớn được viết bởi chính các cây viết tuổi mới lớn. Từ cái nôi của bút nhóm "Hương đầu mùa" báo Hoa học trò, bút nhóm "Vòm me xanh" báo Mực Tím và "Gia đình Áo Trắng" của tập san Áo Trắng. Trong đó Áo Trắng với sự "đỡ đầu" của NXB Trẻ, là tập san văn chương thuần túy duy nhất, do nhà văn Đoàn Thạch Biền làm chủ biên, với lượng phát hành lên tới 3 vạn bản/ số/ tháng.

Áo Trắng len lỏi tới hầu hết các địa phương, cùng với đó là mô hình "Gia đình Áo Trắng", nơi quy tụ các cây viết trẻ. Sinh hoạt rôm rả. Không khí văn chương thấm đẫm vào mỗi tâm hồn mộng trắng trong. Thời ấy, Thẻ thành viên "Gia đình Áo Trắng" được ký bởi giám đốc NXB Trẻ có giá trị tương đương như Thẻ sinh viên hay Chứng minh thư nhân dân, bởi có thể cắm Thẻ thành viên "Gia đình Áo Trắng" để… ăn cơm bụi như thường. Chính lò văn chương Áo Trắng này là nơi khởi đầu của nhiều nhà văn/ nhà thơ/ nhà báo 7X thành danh hiện nay, hoặc chí ít cũng có thời gian họ "gian díu", như: Dương Bình Nguyên, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Phong Điệp, Vi Thùy Linh, Trang Hạ, v.v… Không ít người vẫn vẹn nguyên thổn thức khi nhớ lại những lá thư tay của nhà văn Đoàn Thạch Biền đong đầy tâm huyết, khích lệ động viên để họ dấn bước vào thế giới chữ nghĩa nhiều mê hoặc xúc cảm nhưng cũng đầy trở trăn mệt nhọc.

Rồi cơn bão thông tin của thế kỷ 21 ập đến, các loại hình giải trí "ăn nhanh" khác lên ngôi. Văn chương bị lấn át. Các bút nhóm lay lắt dần tan rã. Duy tập san Áo Trắng là vẫn được Đoàn Thạch Biền kiên tâm chăm chút. Áo Trắng chuyển "mẹ đỡ đầu" từ NXB Trẻ sang Báo Tuổi Trẻ rồi lại trở về NXB Trẻ. Chắc chỉ Đoàn Thạch Biền mới có đủ uy tín và "được thương" để làm nổi những cuộc thiên di ấy. Nhờ vậy, thêm hàng loạt các cây viết trẻ 8X, 9X được Áo Trắng và Đoàn Thạch Biền điểm tên, đẩy vào đường băng con chữ. 

3. Đoàn Thạch Biền có thể từ chối các cuộc gặp gỡ ở đâu đó không biết, riêng với các bạn viết trẻ tôi chưa thấy ông chối từ bao giờ. Áo pull đóng thùng với quần jean. Mái tóc bum - bê kiểu Beatles 45 năm trước luôn đen nhánh. Ông trẻ trung phó mặc thời gian. Không tin được đấy lại là hình ảnh của người sinh sau nạn đói Ất Dậu có 3 năm, 1948. Thi thoảng, giữa các cuộc ồn ào ông hay ngồi lặng lẽ, nhả hơi thuốc và nhìn lơ đãng. Nếu ai đó mượn vài ly mà bốc quá, đi hơi xa… sự thật, ông chỉ khẽ cười hấc lên cái rồi thôi. Khi ấy, chẳng hiểu sao, tôi lại thấy rõ nhất một người học Triết ở ông.

Và trong các cuộc vui văn nghệ, Đoàn Thạch Biền khi bắt buộc phải đóng thế vai nhà thơ lại khiến nhiều người giật mình và tủm tỉm. Thơ ông như văn ông vậy. Liên tưởng lạ. Cách diễn đạt lí lắc. Thông minh. Ví như: "Em vô tư, tôi vô tư/ Ta vô tư quá làm hư cuộc tình", hay "Em đơn giản hóa mọi điều/ Em đơn giản quá làm nhiều người đau", rồi "Cám ơn em yêu lòng vòng/ Giúp tôi quanh quẩn đời rong rêu thừa", hoặc "Mưa nhòe chiều Chủ nhật/ Qua sông. Thứ Hai rồi/ Ở vòm trời sáng đó/ Mưa cũng vừa quên tôi".

Có độc giả hỏi Đoàn Thạch Biền, rằng ông tâm đắc với tác phẩm nào của mình nhất? Ông bảo là "Ví dụ ta yêu nhau", tập truyện đầu tay, nó giống như mối tình đầu đã mất. Tuy còn ngây ngô vụng dại nhưng để lại những kỷ niệm đẹp khó quên. Còn hỏi bạn đọc tâm đắc với tác phẩm nào của Đoàn Thạch Biền, phần đa nhận được câu trả lời là truyện vừa "Tình nhỏ làm sao quên". Chính từ truyện này Đoàn Thạch Biền chấp bút thành kịch bản phim truyện video cùng tên được Hãng phim Giải phóng sản xuất với đạo diễn Lê Hoàng Hoa (đạo diễn series phim "Ván bài lật ngửa") đã giành 2 huy chương vàng tại Liên hoan phim lần thứ 9 (1993), và là bệ phóng để diễn viên nữ chính Mỹ Duyên từ diễn viên múa bước vào làng điện ảnh, nổi tiếng cho đến nay.

4. Vài năm trở lại đây, nhà văn Đoàn Thạch Biền còn được biết đến là người cùng với nhà văn Nguyễn Đông Thức thực hiện chương trình từ thiện Mô - tô học bổng. Hai nhà văn "già gân" này tự bỏ tiền túi và kêu gọi bạn hữu ủng hộ, rồi chạy mô - tô đi trao học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Dần dần thêm các Mạnh Thường Quân, thêm bạn bè trong và ngoài nước ủng hộ, chương trình từ thiện khởi đi từ các tỉnh miền Tây, sang các tỉnh miền Đông, rồi lên Tây Nguyên, ra miền Trung và vươn xa tới cả Tây Bắc.

Vậy là, sau các trang văn giành cho lứa tuổi áo trắng, sau tập san văn chương Áo Trắng, Đoàn Thạch Biền lại cùng người bạn văn chương của mình viết tiếp giấc mơ đến trường cho các em tuổi áo trắng. Dường như, ông là người của miền Áo Trắng!

VĂN THÀNH LÊ
Nguồn: VNCA



Thứ Năm, 23 tháng 5, 2019

BỬU ĐÌNH, NHÀ TIỂU THUYẾT NAM BỘ

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nhận xét về văn chương của Bửu Đình như sau: “Văn chương của Bửu Đình thật trong sáng và xúc động không ngờ; phải xúc động và hay như thế nào thì nhà xuất bản Nam Cường (Sài Gòn) mới tái bản vào năm 1953.
Nhà văn Bửu Đình

Nhân đề tựa cho tập thơ Vĩ Dạ hợp tập của Tuy Lý Vương Miên Trinh, thám hoa Nguyễn Đức Đạt có đề cập đến ý niệm văn chương thượng thừa: là thứ văn chương dẫu buộc thêm chì cũng không chìm, dẫu bị chôn vùi dưới đáy rương mấy trăm năm người ta cũng đào lên để đọc. Văn chương của Bửu Đình có thể gọi là “văn chương thượng thừa” theo Thám hoa Nguyễn Đức Đạt” (23; tr.7).

Văn chương Bửu Đình là như vậy. Nhưng cho đến nay chúng ta biết chẳng bao nhiêu. Nhất là về tiểu thuyết của ông, chúng ta còn hiểu quá mờ nhạt. Trước tinh đó chúng tôi bắt tay vào việc nghiên cứu Bửu Đình.

Cho đến nay việc nghiên cứu Bửu Đình gần như chưa có gì. Gần như các nhà nghiên cứu đã viết về ông còn quá ít. Sau chúng ta xin điểm qua một số.

Trước hết là bài nghiên của ông Nguyễn Văn Y đăng trong tiểu thuyết Mảnh trăng thu, NXB Tổng hợp Tiền Giang, năm 1988. Trong bài Lời giới thiệu ông Nguyễn Văn Y đã nói tương đối đầy đủ về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông. Đúng như  lời ông khẳng định: “Trên nửa thế kỷ qua, kể từ khi Bửu Đình mất, cuộc đời và sự nghiệp của ông chưa được giới nghiên cứu văn học tìm hiểu cặn kẽ để dành cho ông một vị trí xứng đáng trong lịch sử  văn học nước nhà thời cận đại, mặc dù tên ông đã được ghi vào Từ điển văn học. Đã có hàng chục bài viết về Bửu Đình, nhưng thật tình mà nói, tất cả đều rất sơ lược, thiếu sót và hầu như phần đông chỉ nhắc đi nhắc lại những điều đã được nói đến nhiều lần với một ít sai lầm đáng kể.

Để phần nào giúp cho bạn đọc hiểu qua nhà văn Bửu Đình trước khi lần dở Mảnh trăng thuchúng tôi xin trình bày vắn tắt những nét chính yếu về cuộc đời và tác phẩm của ông, dựa vào các tài liệu tương đối chính xác mà chúng tôi đã mất nhiều năm mới sưu tầm được” (16; tr.5,6)

Tiếp theo là bài Bửu Đình, từ “tổ ấm quý tộc” đến trường học cách mạng của Hoài Anh trong sách Chân dung văn học, NXB Hội Nhà văn, năm 2001. Ở bài viết này, Hoài Anh đã nghiên cứu Bửu Đình theo tư cách là một tác giả. Theo ông, “Đời Bửu Đình là cuộc đời đấu tranh của một chiến sĩ cách mạng, ông không coi việc viết tiểu thuyết như một hoạt động dấn thân, mà chỉ viết trong khi “tạm nghỉ bước tung hoành” nơi nhà tù” (1; tr.202)

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã có bài viết đăng trên báo Văn nghệ (số 34 ngày 21.8.2004) dưới nhan đề Bửu Đình, nhà văn thời khai sáng của văn học quốc ngữ Huế. Ở bài viết này, tác giả xây theo kiểu chân dung văn học. Theo ông, chân dung của Bửu Đình vào mấy điểm chính sau đây: “Dõi theo cuộc đời bi tráng của Bửu Đình, chúng ta có thể kết luận mấy điều như sau:

1. Bửu Đình được xem là đứa con nghịch tử của dòng dõi các vua Nguyễn. Ông bẩm sinh vốn thuộc dòng dõi chính thống so với đế hệ thi của vua Minh Mạng xếp đặt truyền ngôi. Điều oái ăm là Bửu Đình đã tìm mọi cách xoá bỏ “số phận Hoàng thân” của mình, đến mức coi mình như kẻ thù của chính mình. Đó là tâm trạng của một người chán ghét cung đình trong thời kỳ các vua Nguyễn dần dần trở thành tay sai mạt hạng của thực dân Pháp, và mục tiêu trước mắt của ông là lật đổ chế độ quân chủ nhà Nguyễn. Ông buộc lấy họ mẹ, để rồi biến mất trong bão biển. Cuối cùng cái tên Bửu Đình vẫn được ông sử dụng như một dấu “hồng tuyết trảo” (dấu chân hồng đi trên tuyết) của kẻ sĩ xưa. Cuộc đời cho ta thấy có hai Bửu Đình trong một số phận: một Bửu Đình hoàng thân đã chết và một Bửu Đình nhà văn sống mãi muôn đời.

2. Cuộc chiến đấu của Bửu Đình phù hợp với mục tiêu lịch sử của giai đoạn đương thời. Chúng ta biết rằng Bửu Đình trở thành tù nhân bởi Nguyễn Phước Tộc vào năm 1927, đúng vào giai đoạn mà nhân dân Việt Nam tiến lên trong cuộc đời vận động thành lập Đảng. Cuộc chiến đấu của Bửu Đình là không cân sức trong cuộc đối đầu chống lại vua Nguyễn răm rắp tuân theo thực dân Pháp ném đá dấu tay. Ông đã huy động vào cuộc chiến đấu của ông hai thứ vũ khí thông dụng của cách mạng đương thời: nghề làm báo và hoạt động diễn thuyết. Ngược lại triều đình Nguyễn và thực dân Pháp đã bắt ông tù đày hết Lao Bảo đến Côn Đảo, trước khi biến mất trên mặt biển. Bửu Đình quả là con người tâm huyết, đứng bên cạnh nhân dân đến chết mới thôi, nêu gương cho hậu thế như một chiến sĩ bất khuất.

3. Các tác phẩm văn học của ông như Cậu Tám Lọ, Giọt lệ tri âm (thơ) và nhất là Mảnh trăng thu đều được viết trong lao tù, và được công bố trên đất liền, thông qua những con tàu vượt biển.

Văn chương của Bửu Đình thật trong sáng và xúc động không ngờ; phải xúc động và hay như thế nào thì Nhà xuất bản Nam Cường (Sài Gòn) mới tái bản vào năm 1953” (23,tr. 7).

Ngoài ra, còn nhiều bài khác nữa. Nhưng cách đánh giá cũng tương tự như các bài đã đề cập.

***

Bản chất của tiểu thuyết Bửu Đình vẫn là tính thế sự, vẫn là tiểu thuyết thế sự xoay xung quanh số phận đời tư của những con người trong cuộc đời thường chứ không phải là tiểu thuyết trinh thám. Đi sâu và hẹp hơn nữa, có thể định tính tiểu thuyết Bửu Đình là tiểu thuyết tình cảm. Tình yêu nam nữ là chủ đề chính bao trùm lên toàn bộ sáng tác của nhà văn này và cũng là cốt truyện của tác phẩm. Mảnh trăng thu được xây dựng dựa trên câu chuyện về mối tình của đôi trai tài gái sắc Minh Đường - Kiều Tiên. Thuộc thể loại tiểu thuyết tình cảm, tác phẩm của Bửu Đình được tạo nên trên chủ đề tình yêu nam nữ. Chủ đề này bao bọc và quán xuyến toàn bộ tác phẩm của ông, trở thành cốt truyện chính. Tình yêu và hạnh phúc lứa đôi chạy dọc tác phẩm của Bửu Đình như một sợi chỉ đỏ, mang những sắc thái, cung bậc đủ đầy và riêng biệt của nó.

Trước hết, có thể thấy tình yêu nam nữ trong tác phẩm của Bửu Đình chưa thoát khỏi những lễ nghi, đạo lý thời phong kiến. Nhân vật nam và nhân vật nữ trong ngòi bút của Bửu Đình khi đến với tình yêu vẫn đi theo những lề lối xưa, những lễ giáo xưa đã ngấm trong họ, mặc dù, những nhân vật này luôn là những người trí thức mới theo Tây học. Tình yêu nam nữ được dung hoà, bình ổn và luôn ở thế cân bằng trong vòng lễ giáo phong kiến truyền thống. Không chỉ dừng ở đó, tư tưởng lễ giáo phong kiến in đậm lên nhân vật và vẽ cả con đường số phận của họ. Kiều Tiên vì lời ước hẹn của gia đình với một người con trai khác mà đành đoạn tuyệt với Minh Đường để giữ trọn vẹn chũ hiếu và lời ước hẹn xưa. Như vậy, tiểu thuyết của Bửu Đình đã đi lùi một bước so với Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách trong quan niệm về tình yêu nam nữ. Mặc dù trong tác phẩm của Bửu Đình có tình yêu tự do nhưng tình yêu ấy sẵn sàng và dễ dàng quy thuận theo những lễ giáo phong kiến ngự trị suốt hàng ngàn năm trong tư tưởng con người. Trong Mảnh trăng thu và Cậu Tám Lọ có loé lên tình yêu của Kiều Nga đối với Thành Trai. Nhưng ở đây, tình yêu không có ý nghĩa kháng cự lễ giáo phong kiến mà chỉ dừng lại ở tình yêu loạn luân của hai người có cùng dòng máu. Điểm dừng thứ hai của mối tình này là tình yêu đơn phương, chỉ sinh ra và trú ngụ trong trái tim người con gái mà thôi. Và điểm dừng thứ ba là ở chỗ, chính tình huống truyện đã cởi bỏ tất cả tính chất loạn luân của mối tình ấy vì thực ra, Kiều Nga là cô gái mang thân phận bị đánh tráo và cô không phải là em gái của Thành Trai.

Điểm nổi bật trong việc xây dựng tình yêu nam nữ của ngòi bút Bửu Đình là nhà văn đã đi sâu vào khám phá những chiều kích tâm lý phức tạp của nhân vật. Màu sắc tình yêu trong tác phẩm của Bửu Đình hiện lên với toàn bộ nét hồn nhiên và tính cách bản thể của nó. Trong những trang văn của ông, ta bắt gặp nét bút thật trữ tình, sâu lắng khi vẽ bức tranh tâm trạng của nỗi tương tư, bức tranh của niềm nhung nhớ và cả của sự ghen tuông rất thường tình của tình yêu.

Ngòi bút Bửu Đình đã sử dụng nhiều phương thức nghệ thuật để khắc hoạ bức tranh tâm lý nhân vật. Có khi, nhà văn miêu tả tâm trạng nhân vật qua hình dáng bên ngoài, từ dáng vẻ gương mặt, hình vóc mà gợi nên đường nét của tâm trạng. Cũng có khi tâm trạng nhân vật được thể hiện qua những cuộc đối thoại của các nhân vật. Sự thay đổi điểm nhìn trần thuật tạo ra trong tác phẩm một không khí sinh động, linh hoạt, ngôn ngữ phong phú, giọng văn uyển chuyển và đồng thời, bức tranh tâm lý được khắc hoạ dưới nhiều góc độ, bằng nhiều màu sắc khác nhau.

Màu sắc trinh thám trong tiểu thuyết Bửu Đình in đậm ở tình huống truyện còn ở tình tiết truyện thì màu sắc này không rõ nét như các tác phẩm trinh thám. Bao giờ Bửu Đình cũng xây dựng tác phẩm dựa trên tình huống có tính vụ án. Một vụ giết người, một vụ mất cắp…, tình huống truyện này thành cái khung bọc quanh tác phẩm và toàn bộ cốt truyện được triển khai theo tình huống ấy để hướng đến mục đích cuối cùng là “phá án”. Thế nhưng, so với những tác phẩm trinh thám khác thì tính trinh thám của Bửu Đình chỉ dừng lại ở mức độ khởi đầu. Tình tiết của tiểu thuyết Bửu Đình không đạt đến độ chín muồi của nghệ thuật tiểu thuyết trinh thám. Đa phần các tình tiết không mang tính suy luận điều tra dựa trên chứng cứ mà tình tiết truyện được triển khai dựa trên sự ngẫu nhiên tình cờ. Ngẫu nhiên mà người đi điều tra gặp được nhân chứng, ngẫu nhiên mà người lần theo dấu vết bắt gặp chứng cớ hay phát hiện ra sự thật… Đến ngay cả nhân vật thám tử cũng mang tính chất “nghiệp dư”. Các nhân vật của Bửu Đình không phải là những thám tử chuyên nghiệp mà họ là những người có mối quan hệ khắng khít với những người có liên can đến vụ án. Những cuộc gặp gỡ tình cờ thúc đẩy cốt truyện phát triển, để lộ dần những yếu tố bí ẩn phơi ra ánh sáng của sự thật.

Thế nhưng, vì là tiểu thuyết ra đời trong những buổi đầu, những sáng tác của Bửu Đình có những giá trị riêng trong sự đóng góp về mặt nội dung và nghệ thuật của thể loại tiểu thuyết để tạo ra sự ra đời của tiểu thuyết và cũng để thúc đẩy tiểu thuyết phát triển. Ở thời điểm ấy, tạo ra một tình huống tiểu thuyết hấp dẫn, đầy sức lôi cuốn với nhiều tình tiết éo le, uẩn khúc và viết theo lối viết trinh thám như Bửu Đình quả là một bước đột phá lớn. Chính vì vậy mà theo ý kiến đánh giá của độc giả, trong khi Truyện Kiều  đứng thứ 1 thì  Mảnh trăng thu đứng thứ 6. với giọng văn chân chất, gần gũi, ngôn ngữ giản dị, gần với ngôn ngữ của ngưới bình dân, lối dẫn dắt chuyện linh hoạt và nghệ thuật phân tích tâm lý tinh tế, Bửu Đình đã thực sự cuốn hút được người đọc vào những trang viết của ông, nhất là vào thời điểm những quyển tiểu thuyết đầu tiên mới ra đời.

Tính chất trinh thám còn được thể hiện ở nghệ thuật miêu tả sự xuất hiện của nhân vật. Bửu Đình cho nhân vật xuất hiện một lần. Sau đó, ở những lần xuất hiện tiếp sau, nhà văn luôn tạo một nét sắc thái bí ẩn với hành tung bí mật rồi sau đó mới để lộ danh tánh của nhân vật. Việc miêu tả sự tái xuất hiện của nhân vật như thế tạo nên tính chất bí ẩn và gợi nên trong người đọc sự tò mò thích thú, cảm giác phiêu lưu mạo hiểm, sự hồi hộp chờ đợi. Kiều Tiên xuất hiện trong vai một người đàn bà bí mật: “Trong lúc tắt đèn, nghe sau lưng có tiếng hỏi rất dịu dàng, chàng giựt mình xây lưng lại ngó thì thấy có một người đàn bà trùm khăn đen, mặc áo quần đen vịn tay lên lưng ghế sau, dòm vào trong lô. Người đàn bà ấy thấy Thành Trai thì ra dáng e lệ, không hỏi nữa, lật đật lui ra như hỏi lầm ai” (tr. 28,Mảnh trăng thu). Khi tạo dựng tình huống cuộc gặp gỡ ngoạn mục giữa Thành Trai và Minh Đường với các tình tiết gay cấn, hồi hộp như tình tiết Minh Đường bắn thủng lốp xe của Thành Trai giữa đường và cuộc đột nhập của Thành Trai vào phòng trọ của Minh Đường vào giữa đêm khuya khiến Minh Đường đâm Thành Trai bị thương, Bửu Đình đã khiến cho Thành Trai trở thành một nhân vật “mai danh ẩn tích”, hiện ra trong cái vẻ bí hiểm, tạo không khí mang đậm chất trinh thám. Lối xây dựng sự tái xuất hiện của nhân vật như thế có nét giống với việc miêu tả sự xuất hiện của nhân vật trong Tam quốc chí diễn nghĩa hay như trong các tiểu thuyết cổ điển chương hồi khác của văn học Trung Quốc.

Thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết của Bửu Đình cũng là một sự phát hiện mới trong việc miêu tả thời gian trong văn học. Nếu như ở Tố Tâm, Hoàng Ngọc Phách không xây dựng dòng thời gian một chiều mà đã có dòng thời gian hai chiều, dòng thời gian hồi tưởng của tâm tưởng thì Mảnh trăng thu cũng thế. Bửu Đình không để cho thời gian chảy theo một hướng từ hiện tại đến tương lai mà bẻ vòng thời gian, đi từ hiện tại đến quá khứ rồi quay trở về hiện tại để thúc đẩy dòng cốt truyện phát triển. Không xây dựng thời gian hồi tưởng như Tố Tâm, Mảnh trăng thu đưa thời gian quá khứ vào lời kể của nhân vật trong nhật ký. Do đó, trong Mảnh trăng thu không có sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại, không có độ dừng của dòng hồi tưởng để quay trở về hiện tại như Tố Tâm mà tác giả cắt lớp tác phẩm của mình, để quá khứ chảy hết dòng chảy cho trọn vẹn rồi mới đưa tác phẩm quay trở về hiện tại. Yếu tố thời gian nghệ thuật đa chiều này vừa tạo ra cho tác phẩm chất bí ẩn, huyền ảo, kì bí của tiểu thuyết trinh thám, vừa tạo nên sự chuyển dời điểm nhìn trần thuật từ ngôi thứ ba sang ngôi thứ nhất.

Tóm lại, nhìn từ phương diện thể loại, tiểu thuyết của Bửu Đình là tiểu thuyết tình cảm mang màu sắc trinh thám. Đó là màu sắc riêng của Bửu Đình khi đặt bên cạnh tiểu thuyết tâm lý của Hoàng Ngọc Phách hay tiểu thuyết thế sự của Hồ Biểu Chánh. Mặc dù còn có nhiều hạn chế về mặt nội dung và nghệ thuật, nhưng đặt trong cái nhìn mang tính chất lịch sử, ngòi bút tiểu thuyết của Bửu Đình đã có những đóng góp vô cùng quan trọng đối với sự ra đời của tiểu thuyết, góp phần hoàn chỉnh diện mạo và sắc màu bức tranh tiểu thuyết Việt Nam trong buổi đầu. Đồng thời, viêc tìm về nghiên cứu những tác phẩm văn xuôi Nam Bộ thời kỳ đầu đã tạo ra sự thẩm định và khôi phục lại những giá trị văn học bị lãng quên.

 LÊ TIẾN DŨNG - HỒ KHÁNH VÂN
Khoa VH&NN- ĐHKHXH&NV TPHCM

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. HOÀI ANH- Bửu Đình, in trong sách Chân dung văn học, NXB Hội Nhà Văn, 2001.
2. NGUYỄN KIM ANH- (Chủ biên) Tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, NXB ĐHQG TP. HCM, năm 2004.
3. BỬU ĐÌNH- Bạn hiền khó kiếm, truyện vừa, Đông Pháp thời báo, từ số 12 (4/6/1923) – 21 (27/6/1923).
4. BỬU ĐÌNH- Gái đâu có gái lạ lùng, tiểu thuyết, Nam Kỳ kinh tế báo, từ số 15/1 (15/11/1923) – 15/3 (29/11/1923).
5. BỬU ĐÌNH- Cười ra nước mắt, tiểu thuyết, Nam Kỳ kinh tế báo, từ số 15/6 (20/12/1923) – 15/14 (21/2/1924).
6. BỬU ĐÌNH- Nghĩa tình khẳng khái, Nam Kỳ kinh tế báo, từ số 15/1 (15/11/1923) – 15/14 (21/2/1924), chưa hết.
7. BỬU ĐÌNH- Nỗi mẹ tình con, tiểu thuyết, nhà in J. Nguyễn Văn Viết, Sài Gòn, 1924.
8. BỬU ĐÌNH- Vay trả lẽ trời, đoản thiên tiểu thuyết, Tân thế kỷ số 8 (12/12/1926).
9. BỬU ĐÌNH- Giọt lệ tri âm, trường ca, Tân thế kỷ, từ số 10 (16/11/1926) – 41 (22/12/1926).
10. BỬU ĐÌNH- Giọt nước chung, đoản thiên tiểu thuyết, Tân thế kỷ số 45 (28/12/1926).
11. BỬU ĐÌNH- Tấm lòng vàng đá, Tân thế kỷ, từ số 6(10/11/1926) – 49 (3/1/1927).
12. BỬU ĐÌNH- Mài một lưỡi gươm, tiểu thuyết, Tân thế kỷ từ số 24 (2/12/1926) – 56 (10/1/1927), chưa hết.
13. BỬU ĐÌNH- Trần Kim Quyên hay Tình là dây oan, tiểu thuyết, Tân thế kỷ từ số 50 (4/1/1927) – 60 (14/1/1927), chưa hết.
14. BỬU ĐÌNH- Trọng nghĩa thù thâm, tiểu thuyết, báo Kỳ lân từ số 31 (27/10/1928) – 63 (5/3/1929), chưa hết.
15. BỬU ĐÌNH- Một thiên tuyệt bút trường hận, Công luận báo số ra ngày 17/8/1931 đến ngày 12/9/1931.
16. BỬU ĐÌNH- Mảnh trăng thu, NXB Tổng hợp Tiền Giang, 1988.
17. BỬU ĐÌNH- Cậu Tám Lọ, NXB Tổng hợp Tiền Giang, 1988.
18. NHIỀU TÁC GIẢ- Mục từ Bửu Đình trong sách Từ điển văn học, tập 2, do Huỳnh Lý viết, NXB Khoa học xã hội, 1984.
19. NHIỀU TÁC GIẢ- Địa chí văn hoá thành phố Hồ Chí Minh, tập II, NXB TP.Hồ Chí Minh.
20. NHIỀU TÁC GIẢ- Tổng hợp văn học VN, tập 26, NXB KHXH, 1990.
21. BÙI ĐỨC TỊNH- Bước đầu tìm hiểu báo chí quốc ngữ và tiểu thuyết Nam Bộ, NXB TP.Hồ Chí Minh.
22. NGUYỄN Q. THẮNG- Tiến trình văn nghệ miền Nam, NXB Thành Phố Hồ Chí Minh.
23. HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG- Bửu Đình, nhà văn thời khai sáng của văn học quốc ngữ Huế, Báo Văn Nghệ số 34 ngày 21.8.2004.

NGUYỄN QUANG THIỀU, KẺ KHÓC THƯƠNG NHỮNG NGÔI LÀNG

Cứ mỗi khi đất nước bước vào cuộc canh tân là lại xuất hiện những nhà thơ khóc thương những ngôi làng, đau đáu một nỗi niềm hoài cổ, nức nở kiếm tìm những bóng dáng xa xa. Nguyễn Quang Thiều đã kiểm kê di sản của đồng quê từ những tập thơ đầu, nhưng phải đến "Bài ca những con chim đêm" anh mới bắt đầu thực sự khóc thương và kêu cứu.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Chưa bao giờ hình ảnh tổ tiên, cánh đồng, ngọn gió, dòng sông, ngôi nhà lại day dứt cắt xé lòng ta đến thế, dù nó đã bị cả hai lần tan nát- một lần do trận bão canh tân cào xé, một lần do chính những tưởng tượng liên tưởng mới mẻ, bất ngờ phong phú và táo bạo của thi nhân.

Nguyễn Quang Thiều lắng nghe những đổ vỡ sâu sắc trong đời sống tâm linh văn hóa trước mỗi bước đi của kỷ nguyên đô thị hoá, công nghiệp hoá.

Ðến nỗi, có cảm giác như thi sĩ cảm nhận được những cái chết đang thấm vào trong từng tế bào đời sống, những bữa cơm gia đình cũng trở nên nặng nề khủng khiếp với những đổ vỡ, bóng tối, ám ảnh, sợ hãi, đợi chờ...

Trong "Bài ca về buổi tối" cuộc sống thiên nhiên trở thành thế giới của người chết, nơi vòm lá cây, vầng trăng sáng và làn gió trong rèm đều trở thành tín hiệu của người chết, âm vọng những tín hiệu của cõi âm.

Ðời sống trở nên rùng rợn, tối tăm và bất trắc, giả hình. Người sống trở thành con rối của người chết. Tìm kiếm địa ngục trong cõi sống, nhà thơ như một Ðantơ đang lội ngược dòng để chứng kiến một thế gian đầy dung tục, tội lỗi và sám hối, trong đó con người bị vò xé về mặc cảm đạo đức, trở thành những kẻ mộng du.

Cái dung tục của thế giới trong Người đàn bà gánh nước sông" là cái dung tục của những người bị "bệnh điên ánh sáng", còn cái dung tục trong thế giới của "Bài ca những con chim đêm" là sự mê muội, vô học, a dua đến kệch cỡm của buổi giao thời công nghiệp hoá, đô thị hoá.

Con người hôm nay trong thơ Nguyễn Quang Thiều không chỉ đánh mất những trong trắng trinh nguyên, ban sơ, đánh mất những bóng cây cho kẻ lạ, đánh mất thiên nhiên trong đồ vật, đánh mất ký ức làng quê trong màu vôi trắng đồng loạt mà còn đánh mất chính mình.

Trong "Những người lang thang" ta thấy rõ cánh đồng, bầu trời, chim chóc, cỏ cây không còn là nơi cư ngụ của hồn quê như trong các bài thơ trước của Thiều mà đã bị tả tơi, nhàu nát, biến dạng, trên đó những ma quỷ bắt đầu cư trú và nhảy múa.

Những ngôi nhà chạy trốn, những ngôi nhà bị quét vôi trắng, dòng nước hiền lành bỗng trở nên một quái vật hung tợn, cây xanh bị cắt xẻ...,nước sông thì câm lặng, chết chóc, hoang vắng và quạnh quẽ, đầy những bất trắc cuồng nộ.

Những hàng cây thì đau ốm, lụi tàn, bị cắt xẻ, bị giật đổ sau bão, rũ rượi trong đêm vẫn cố ôm ghì những ký ức tuổi thơ và đau đớn vì không nhận ra con người hôm nay nữa.

Những bông hoa thì luôn phải gắn với nghi lễ, tham dự vào nghi lễ, cả khi mệt mỏi lụi tàn và cô quạnh và du đãng vẫn cố ánh lên những chất thơ xa, những giấc mơ xa...

Mỗi vật mỗi người đều có số phận riêng, nỗi đau riêng và sứ mệnh thơ ca riêng, nhưng đều kết nối lại làm nên "Một sự sống lặng câm dưới những đám mây mang theo cái chết, bên cạnh một cái chết thét gào đòi được phục sinh".

Tha hoá, nọc độc, cái ác và sự vô cảm đang xâm chiếm con người, chính nhà thơ cũng cảm nhận được từng khoảnh khắc mắt mình hoá sỏi đá, lưỡi mình thành nọc rắn.

Những động từ mạnh mẽ, dữ dội biểu lộ một trạng thái chia cắt, xung đột, dung tục và tan rã của đời sống: Cắt, xé, gào, chửi, tranh giành, khóc rống, tố cáo, kết tội... những động từ hình sự, phi thơ nhưng lạc trong thế giới thơ Thiều nó bỗng mang chất thơ Rock day dứt và quằn quại.

Kỷ nguyên mới đô thị hoá đã xáo trộn sâu sắc về văn hoá. Mọi đồ đạc trong căn nhà của thi nhân đều như bị trải qua một cơn động đất, lung lay, thao thức và tản mát đầy những lo âu như sắp sửa bị đứt khỏi sợi dây nối với cội nguồn văn hoá tâm linh cũ.

Tất cả đều như nhuốm màu chết chóc, như bị ma ám, bị sơn phết bởi một màu trắng tang tóc của sản phẩm đồng loạt thời kỳ công nghiệp hoá. Nhà thơ luôn ám ảnh bởi sự bỏ đi của chiếc bóng - chiếc bóng đó chính là những ký ức văn hoá, những hồn vía ông cha.

Mỗi khi nói đến cái cũ - mái nhà cũ, quần áo cũ, con đường cũ, hàng cây cũ, bát đĩa cũ... nhà thơ lại như thăng hoa trong lễ cầu hồn, những đồ vật cũ xa được chiếu bởi một thứ ánh sáng xa xăm, đầu sắc thái huyền thoại, trở nên thoi thóp và run rẩy trong tiếng khẩn cầu gan ruột.

Tràn ngập trong tập thơ là một nỗi sợ hãi bất lực trước sự lãng quên, tàn phai đơn điệu của đời sống đương đại, một khát vọng về nguồn tìm lại quê hương xa, linh hồn xa vẫn khắc khoải thẳm sâu trong tâm khảm nhà thơ.

Cuộc sống đô thị hoá thách đố những ký ức, đe doạ trí nhớ của thi nhân. Trong thơ Nguyễn Quang Thiều có một sự nổi dậy của các biểu tượng văn hoá truyền thống chống lại sự xói mòn, huỷ hoại và hư vô hoá ấy.

Trí nhớ văn hoá vẫn tiềm ẩn trong những hàng cây, những ngôi nhà, những cánh đồng, những đoá hoa như ở các tập thơ trước, nhưng giờ đây những biểu tượng đó không còn câm lặng dày vò nữa mà đã thét lên những giai điệu giải phóng.

Mùa hoa loa kèn thoạt tiên gợi những ký ức tóc tang bi thảm với hình ảnh những nhạc công già, những điệu kèn mới của bình minh và sự sống trên tay nhà thơ, người nhạc công sót lại cuối cùng.

Thiên chức của nhà thơ là tham dự vào nghi lễ của đất trời, nhưng anh ta phải đem đến những tiếng kèn mới, những giai điệu đầy sức sống. Ðó là tuyên ngôn văn học của nhà thơ trong tập thơ này.

Giữa những âm thanh chết chóc, đổ nát và hỗn loạn, nhà thơ lắng nghe tiếng con chim đêm, tiếng ca trong giấc mơ mong manh của bầy trẻ. Thế giới như bừng tỉnh trong tiếng chim khai sáng, những giá trị trinh nguyên buổi ban sơ như được phục sinh thoát khỏi những tha hoá, ảo tưởng và ngộ nhận.

Ðến nỗi cái thế giới nhốn nháo kia trở nên một cái nền thanh bình câm lặng để vút lên tiếng chim "rền rĩ" " xối vào không gian", "rống lên làm hoảng sợ những vòm cây". Tiếng chim đêm bỗng trở nên dữ dội, bi hùng tạo ấn tượng về sự quật khởi hùng vĩ của sự sống của cái đẹp, của chất thơ, của lương tâm và sự thanh bình trong sạch, gây nên một cú sốc thẩm mỹ làm ta gai người.

Cái gắng gỏi nỗ lực giải phóng của lương tri, của thiên nhiên và cái Ðẹp mới cảm động làm sao, nó thức tỉnh ta, thanh lọc ta, làm ta trong giây lát trở nên giác ngộ, mạnh mẽ và thánh thịên.

Tiếng chim làm phục hồi trí nhớ, phục sinh lịch sử, tẩy rửa thế gian, lột phăng những lớp vỏ dung tục, tội lỗi, xấu xa, mê sảng và chết chóc vẫn phủ choàng lên nó. Dường như ta giác ngộ ra "bản lai diện mục" của đời sống, vượt khỏi những mê lầm. Tiếng chim đêm- cái Ðẹp đã khai ngộ Phật tính trong ta.

Tiếng kèn mới ấy, tiếng chim đêm huyền thoại đầy sức mạnh khai sáng ấy chính là những âm thanh mang sức mạnh cứu thế của cái Ðẹp vang lên trong từng câu từng đoạn của tập thơ.

"Bài ca những con chim đêm" là bài ca về sức sống mãnh liệt và quằn quại của cái đẹp, của thơ trước một thế gian tội lỗi và dung tục. Người đàn bà, con trẻ, ngôi nhà, nước sông, chim, hoa và cá là những hình tượng ám ảnh trong thơ Thiều.

Chúng kết hợp với nhau thành một chuỗi hình tượng liên hoàn độc đáo, tạo nên một thế giới riêng vừa yếu ớt vừa mạnh mẽ, vừa đau đớn vừa hạnh phúc, vừa ma quỷ vừa thánh thiện, vừa từng trải vừa dại dột, vừa là nạn nhân vừa là người khai sáng, một thế gian thu nhỏ với đầy đủ cả đất trời, cỏ cây, thần thánh, gia đình. Ðó là chuỗi hình tượng làm nên mã số đặc biệt của "Bài ca những con chim đêm".

Cái ác mượn lốt nước, lốt mây, lốt hoa và cả lốt người nhng nó không bao giờ mượn được lốt cây. Cái cây trong thơ Thiều là một ám ảnh vĩnh viễn là thánh địa của tình thương, cái Thiện và cái Ðẹp, trí tuệ và sáng tạo.

Cây soi sáng, cây dẫn lối, cây làm chứng, cây chở che, cây mang những giấc mơ, cây cho thi nhân và con trẻ mượn hình hài, cây phục sinh mãnh liệt trước tiếng chim đêm bi tráng.

Cây trong thơ Thiều như kho báu cất giữ những ký ức, những thói quen, những tầng văn hoá cổ xa để cưu mang, bảo tồn nhân tính và cái đẹp. Không phải ngẫu nhiên nhà thơ tự coi mình là cái cây "Tôi đứng như một thân cây tối sẫm". "Thân cây tôi sẫm" chính là cái thân cây mang ánh sáng của thi ca.

Với "Bài ca những con chim đêm", Nguyễn Quang Thiều đã kết nối và hoà giải được thiên chức của nhà thơ luôn là kẻ canh giữ những ngôi đền, những báu vật quê hương với trí tưởng tượng lang thang phóng đãng của kẻ quên nhà, trẻ dại, kẻ du ca.

Chính điều đó đã làm nên một trong những đỉnh cao của thơ Việt nam đương đại, khiến thơ Thiều trở nên một bảo tàng lộng lẫy chứa đựng một hồn vía xa cũ của ông cha trong một ngôn ngữ thơ cách tân mới mẻ.

Nó giống như nhạc Rock bảo tồn hồn vía của người Phi, kịch B.Brecht bảo tồn hồn vía kịch phương Ðông và những vũ điệu của E.Sola bảo tồn hình ảnh những con người nhà quê khổ đau, lam lũ và cao cả.

ĐỖ MINH TUẤN
Nguồn: NVTPHCM



Thứ Tư, 22 tháng 5, 2019

NHÀ VĂN NỔI LOẠN HAY THẦN TƯỢNG VĂN NGHỆ: TRƯỜNG HỢP PHẠM CÔNG THIỆN

Cái tự do mà miền Bắc đã đánh mất khi bị/tự ràng buộc với mô hình Hán hóa được áp đặt bởi bá quyền Trung Hoa xâm lược cách đây 2000 năm (15). Nhà văn thuộc về miền Nam, vì thế, bao giờ dấu ấn cá tính tự do, tính ưa thích nổi loạn cũng phát triển. Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn và Phạm Công Thiện, do đó, vừa là những nhân cách tự thân vốn đã phá cách được phát triển trong điều kiện mà xã hội học nhìn thấy yếu tố dân chủ, lại được cộng hưởng thêm vào với sự tự do, nổi loạn trên nền tảng địa - văn hóa - cá tính phóng khoáng miền Nam…
Nhà thơ Phạm Công Thiện

I. Thần tượng văn nghệ, một lối nhìn

Phạm Công Thiện / Thích Nguyên Tánh là nhân cách sáng tạo đặc biệt của nền văn nghệ miền Nam 1954 - 1975, và rộng ra, là của toàn nền văn nghệ Việt Nam thế kỷ XX.

1. Thông thường, người ta vẫn biết đến Phạm Công Thiện, trước nhất, trong những tư cách khác tư cách nhà văn. Ông nổi tiếng với các biên khảo tư tưởng và văn học. Nói gần và gọn hơn, Thiện nổi tiếng với những tư tưởng văn nghệ. Di sản văn xuôi của Phạm Công Thiện, vì thế, ít được quan tâm. Hoặc, khác đi, được quan tâm không xứng, văn bất xứng thực tài, thực chất. Tuy nhiên, ít được quan tâm, hoặc quan tâm không đúng mức, không có nghĩa di sản văn xuôi của Phạm Công Thiện vì thế mà mất giá. Tiểu luận này, do đó, thử mò đường, hướng đến một diễn giải khác từ trong di sản văn xuôi để lại của nhà văn miền Nam đặc biệt này. Cái đặc biệt, trước nhất đến từ cá tính(1), sau đó, hiện hữu nơi văn tài. Qua đấy, bước đầu thử tái phục dựng một thế hệ nhà văn đặc biệt - nhà văn nổi loạn ở miền Nam, từ/qua trường hợp tiêu biểu hơn cả là Phạm Công Thiện(2). Đồng thời, thông qua đấy, khái lược lên những nét căn bản về mối quan hệ, tầm ảnh hưởng của Phạm Công Thiện đối với cả một thế hệ thanh niên trí thức “không đàn anh”, nổi loạn, đập phá, đơn độc, hư vô một thời. Nghĩa là, tiểu luận này muốn quan tâm đến văn nghiệp của Phạm Công Thiện như là một “sự kiện xã hội tổng thể” trong thời của ông thuộc về. Chỉ như thế, hy vọng mới có thể nhìn thấy được một cách sắc nét những “ám ảnh” sâu bền, mê say và cay đắng của thần tượng văn nghệ nổi loạn một thời Phạm Công Thiện đối với thanh niên trí thức miền Nam. Ngoài ra, phân tích văn nghiệp của Phạm Công Thiện cũng là để tìm hiểu rõ hơn những nỗ lực tư tưởng và sáng tạo nghệ thuật của nhà văn tài năng này. Đồng thời, làm phép so sánh thần tượng văn nghệ hai miền Nam - Bắc cùng thời, bước đầu tôi thử kiếm tìm những bản chất văn nghệ Việt Nam từ hai miền.

2. Tìm hiểu thần tượng văn nghệ của một giai đoạn văn học sử, bao giờ cũng vậy, là một nhiệm vụ mang nhiều mã nghĩa. Bởi, thông thường, mỗi thời đại văn nghệ thường xuất hiện trong/cho nó những thần tượng. Như ở Bắc Việt Nam thời chiến tập trung hóa cao độ (kể cả sự tập trung ý chí sáng tạo của nghệ sĩ), thần tượng văn nghệ đấy là những kẻ nói tốt nhất ý chí của cái tôi tập thể. Tố Hữu, vì thế, chính thức và chính thống hóa được vinh danh là thần tượng lớn nhất của văn nghệ thời “chung một gương mặt, chung một tâm hồn”. Bởi, những câu thơ của Tố Hữu hiển nhiên luôn rất phổ thông (3). Sáng tác của “đồng chí” Tố Hữu, vì thế, được dẫn truyền khắp đời sống văn học miền Bắc bằng nhiều con đường: các giải thưởng, xuất bản chính thống, tuyên truyền, giáo dục…

Ở miền Nam, xã hội bị phân mảnh ra làm nhiều đối cực, nhưng dẫu sao, trong một thời gian ngắn, vẫn đủ để tạo ra được bầu không khí dân chủ, nên không chứng kiến sự tập trung hóa xã hội, nhất là trong ý hệ và ý chí sáng tạo. Số phận văn nghệ, do vậy, được ly tâm thành nhiều trục. Nên, có thể nói, không tồn tại thần tượng phổ quát, được áp đặt, truyền bá trong đời sống văn nghệ miền Nam. Cái người ta thần tượng, hay yêu thích, do vậy, nằm trong trường quan tâm của hoạt động đọc cá nhân, hay một tập thể đọc văn học có chung tiêu chí thẩm mỹ; mỹ học tiếp nhận gọi đấy là sự đa dạng những “chân trời chờ đợi”. Người mê cái cổ điển có thể thích Nguyễn Đình Toàn, Vũ Khắc Khoan. Đau đớn, dằn vặt, phi lý trong một kiếp đời chật chội, tù đày, ám ảnh bởi bạo lực chiến tranh, cái chết có thể tìm Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền. Ưa cách tân lối tiểu thuyết mới thì đọc Hoàng Ngọc Biên. Bạn nữ sống dữ dội, táo bạo đọc Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca, v.v… Nhưng, tựu chung lại với những nhà văn thành danh vừa kể trên, dù yêu thích đến mấy đi chăng nữa, thì cũng ít khi nào cộng đồng văn nghệ miền Nam thời ấy dám nói đến một thế hệ thần tượng Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn hay Nguyễn Thị Hoàng… Nhưng với Phạm Công Thiện thì khác, người ta có thể nói tới một thế hệ thần tượng Phạm Công Thiện. Một thế hệ có Phạm Công Thiện trong kẽ răng, nơi đầu lưỡi.

3. Nhưng thần tượng văn nghệ ấy là gì? Trong nét những nghĩa cụ thể, có thể xem thần tượng văn nghệ chính là sự cụ thể hóa thành nhân dạng cái thị hiếu thẩm mỹ phổ quát của độc giả văn nghệ một thời. Thần tượng văn nghệ, do đó, là tượng đài biết đi lại, nói năng của tâm lý tiếp nhận văn nghệ tập thể. Nói cách khác, mượn lối hiểu của khoa phân tích tâm lý tập thể, thần tượng văn nghệ đó chính là tâm lý công cộng của đám đông đọc văn học được chiếu rọi ra ngoài, hun đúc nơi một cá nhân. Và do vậy, mọi biểu hiện của thần tượng, từ đấy, có thể coi như là những hoạt động cá thể nhưng đại diện cho cái tập thể. Nghiên cứu thần tượng văn nghệ của một thời, hay nói khác, chính xác hơn, của một đám đông hoặc cộng đồng văn nghệ, vì thế, chứa đựng một lúc nhiều khoái thú. Bởi, khi ấy, nhà nghiên cứu đang làm một lúc ít nhất hai hành vi, kiểu “một đòn chết hai”; đó là: 1/ Cắt nghĩa tài năng sáng tạo của đối tượng được khảo sát là thần tượng của một cộng đồng; 2/ Thông hiểu tâm lý văn nghệ tập thể, cái có thể làm thành tinh thần nghệ thuật căn nền của cả một thời đoạn văn nghệ. Mà ở đây, trong tiểu luận này, dấu chỉ hướng tới là văn nghệ miền Nam 1954 - 1975.

Và bởi tính chất thiết yếu tương quan mật thiết của thần tượng đối với đám đông, nên, nghiên cứu thần tượng văn nghệ Tố Hữu của miền Bắc, vì vậy, là con đường quen thuộc, là “chất liệu lý tưởng” (Lã Nguyên) bấy lâu của nhiều nhà nghiên cứu hướng đến nhằm tìm hiểu “những tinh hoa của văn học cách mạng”, hay diễn ngôn hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tương tự như vậy, nghiên cứu nhà văn nổi loạn Phạm Công Thiện - thần tượng văn nghệ của thanh niên miền Nam thời bấy giờ thì cũng có thể thông hiểu những vấn đề bản chất của khu vực văn nghệ còn như một “sân khấu trống” hay “sân khấu bị lãng quên” trong văn học sử này.

II. Thử cắt nghĩa cá tính sáng tạo nhà văn nổi loạn hay Đi tìm con đường trở thành thần tượng văn nghệ

Trải cái nhìn trên diện rộng, chúng tôi thấy có một sự giống nhau căn bản trong sự nghiệp phong phú của Phạm Công Thiện (4). Đó là nổi loạn. Thi sĩ Trần Tuấn Kiệt ở miền Nam thời bấy giờ có một nhận xét rất “đắt”, đúng kiểu “bốc giời” như nhà thơ khen: “Về thơ ở trần gian này, riêng tôi khoái có vài người gọi là bậc siêu thần bạt thánh côn đồ lão tổ nhất là Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn và Phạm Công Thiện. Ngoài ra hết.” (5). Cái chúng tôi quan tâm trong nhận định của Trần Tuấn Kiệt, và cũng là nhiều người khác, đó là tính chất “côn đồ lão tổ” nơi cá tính sáng tạo của Phạm Công Thiện (6). Và nổi loạn, đó là hệ quả thuận tất yếu của thói côn đồ trong sáng tạo văn nghệ. Thói côn đồ trong nghệ thuật được hiểu như những sự nổi loạn nhằm phá hủy, làm lệch chuẩn thẩm mỹ thông thường. Và nghệ thuật mới/khác, như loài cây cường tráng, mọc tốt tươi trên mảnh đất côn đồ, nổi loạn nghệ thuật. Thử cắt nghĩa căn nguyên của nổi loạn nhà văn Phạm Công Thiện để thấy rễ loạn trong tư tưởng văn nghệ cắm chằng chịt ở nhiều mạch đất. Bởi, con khỉ phá bĩnh trong tư tưởng văn nghệ của Phạm Công Thiện với vốn tư tưởng, văn hóa sâu dày đã được luyện mấy lần lửa tam muội trong hai lò luyện đơn tư tưởng Đông, Tây. Và, đồng thời, trên nền địa - văn hóa - cá tính miền Nam.

1. Nổi loạn: Kinh nghiệm tư tưởng

1.1. Tây phương với kinh nghiệm nổi loạn



Hiện tượng luận hiện sinh hay chủ nghĩa hiện sinh là căn nền tư tưởng nổi bật nhất của văn nghệ miền Nam thời bấy giờ đã làm triển nở những suy tư sâu xa về nổi loạn. Nổi loạn, vì thế, là một trong nhiều vấn đề mà hiện sinh ở miền Nam đặc biệt chú tâm, nên có ảnh hưởng xã hội rộng lớn. Theo đó, tâm lí phản kháng / nổi loạn (révolter) được hiểu như thái độ chống lại những thế lực làm hiện hữu trở nên méo mó. Nổi loạn là nổi loạn có mục đích chứ không phải nổi loạn chỉ để mà nổi loạn như một lối sống phá hoại. Mục đích của nổi loạn, tạo phản kháng là nhằm chống lại các thế lực kết án hiện sinh. Chính các triết gia hiện sinh Pháp, những người có ảnh hưởng xã hội ở miền Nam lớn hơn những người Đức đã cấp cho nổi loạn, phản kháng một ý nghĩa bản thể của hiện hữu: “Tôi nổi loạn, vậy chúng ta cùng sống” (Je me révolte, donc nous sommes) - Câu nói của Camus nhằm nhại lại câu nói nổi tiếng của Decartes (Je pense donc je suis), trong đó, Camus thay hành động tư duy (penser) bằng hành động nổi loạn (révolter). Cách hiểu của Camus về nổi loạn, như thế, nhắm chủ yếu vào phản kháng xã hội chứ không phải một hành vi triết lý. Về bản chất, phản kháng xã hội thực ra chỉ là một hình thức của phản kháng hiện sinh mà thôi. Nhưng đấy lại là cách hiểu nổi loạn phổ quát nhất của chủ nghĩa hiện sinh với số đông ở miền Nam vì nó được truyền bá quá thành công qua sáng tạo văn học (7). Có điều đó, bởi tồn tại xã hội ở miền Nam thời chiến vốn đầy phi lý, con người dễ trở thành con vụ quay tít trong các niềm tin tập thể khác nhau. Người trí thức phản tỉnh trước đời sống thì tất yếu phải phản kháng, nổi loạn. Nổi loạn, dù là nổi loạn mất phương hướng vẫn còn hơn là bị thời cuộc phi lý kéo đi như một con vụ mắt mù. Nhưng, dù lửa nổi loạn đã cháy vẫn không đủ soi đường cho cả thế hệ thanh niên trí thức thời bấy giờ tìm ra lối thoát. Chiến tranh bủa vây tứ phía, những cái chết như thây ma phi lý treo lơ lửng trên đầu một thế hệ. Thân phận họ có khi chỉ là những kẻ ốm tong teo, chìm trong men rượu, lang thang, chui nhủi trốn lính. Đời sống là một nghĩa địa không có mộ phần - vô địa táng. Cuộc nội chiến này, đối với họ là phi nghĩa: “rắn cắn đuôi rắn: người Việt Nam giết người Việt Nam”(8). Chiến tranh như một loài thú gớm, há cái miệng vô cùng, đớp lấy hiện hữu non xanh của những người thanh niên một thời. Kinh nghiệm hiện hữu của họ là một kinh nghiệm đau thương, đau thương toàn phần và phi lý tự thân. Sinh ra để bị quẳng ném vào một cuộc chiến tàn bạo. Những người trẻ tuổi mất phương hướng. Triết lý phương Tây thời chiến tràn lan ở học đường, trong đời sống sách vở thời bấy giờ, hòa theo những ấn tượng đau buồn, buộc họ phải chọn lựa. Và nổi loạn, dù là nổi loạn trác táng trong men say, gái điếm, thuốc phiện hay lang thang, đập phá vô chính phủ… Tất cả, đều là những cơn vẫy vùng từ tăm tối này đến một tăm tối khác. Mất phương hướng, tuổi trẻ cần bám vào một điều gì đấy để sống, họ chọn vô chính phủ như một “tôn giáo”. Tuổi trẻ thời bấy giờ, do đó, tìm thấy ở “giáo chủ” vô chính phủ Phạm Công Thiện một mẫu hình lý tưởng. Và thần tượng văn nghệ nổi loạn, do đó, từ cuộc đời đi vào trang viết, và từ trang viết lại đi ra cuộc đời.

Hơn thế, nổi loạn, trong mối quan hệ với tồn tại xã hội thời bấy giờ còn lộ ra trong một mảng ý nghĩa khác, là: những chấn thương tập thể. Bởi, thế hệ thanh niên mang trong lòng vết thương chiến tranh, hình thành một thứ phức cảm tự ti về thân phận bé nhỏ, hư vô, phi lý và đọa đày, mang cảm giác nhược tiểu của kiếp sống và thân phận dân tộc. Nên hiểu như A.Adler, kẻ tự ti tập thể có xu hướng phát triển lòng tự tôn ở một phía khác. Thế nên, nổi loạn như là một lối tự tôn trong đời sống tâm lý, là lựa chọn công cộng cho đám đông nhằm quân bình với chấn thương tự ti của cả một thế hệ. Và, nổi loạn ấy, lại thêm nhiều lần nữa tìm về, “đồng hóa” với cái nổi loạn toàn phần, đầy tai tiếng và tăm tiếng của Phạm Công Thiện. Cuối cùng, dù từ đường nào chăng nữa, hay phức hợp từ nhiều cung đường, đều dẫn thanh niên thời bấy giờ về gần hơn với những thần tượng văn nghệ nổi loạn một thời.

1.2. Đông phương với kinh nghiệm nổi loạn

Kinh nghiệm nổi loạn của Phạm Công Thiện không chỉ đến từ phương Tây mà còn được Đông phương nuôi dưỡng. Tây Phương là lớp sóng muộn, vỗ gần bờ nên dễ thấy, lôi cuốn sự chú ý, còn Đông phương mới thực là đại dương, mẹ đẻ của các đỉnh sóng, dù mênh mông nhưng ẩn dấu, khó nhìn thấu lòng biển rộng. Phạm Công Thiện, Nguyễn Đức Sơn, hay cả Bùi Giáng và nhiều văn nghệ sĩ ở miền Nam, thời bấy giờ, luôn có một mối liên hệ mật thiết với nhà chùa. Họ chính là dạng nghệ sĩ/cư sĩ Phật giáo suốt cả cuộc đời đi lại qua các cửa chùa. Đấy là điều mà ta có thể nói là điểm khác biệt rất lớn của văn nghệ sĩ hai miền Nam và Bắc 1954 - 1975. Khi quan sát về thế giới miền Bắc Việt Nam, lấy Hà Nội làm trung tâm (Hanoi-centrisme), đã dựng xây lên một thế hệ văn nghệ sĩ không tôn giáo, mất sự tham thông với cái thiêng. Còn với thiểu số những người nghệ sĩ miền Bắc mà tính tôn giáo tự thân phát triển, hay có cơ duyên nào đó dẫn đưa đến với linh thiêng, thúc đẩy họ đắm mình vào tôn giáo và chạm được vào phần tinh hoa của nó, thì, luôn khá hiếm hoi. Phạm Công Thiện ở miền Nam là cư sĩ nổi tiếng. Thế nên, không ngạc nhiên khi kiến thức và trải nghiệm tôn giáo của Phạm Công Thiện có kinh lịch sâu dày. Phạm Công Thiện thậm chí, đạt đỉnh một giảng sư Phật học uyên bác và danh tiếng.

Từ Phật giáo, Phạm Công Thiện, do đó, dễ dàng làm cuộc hôn phối tưng bừng trong tư tưởng Đông Tây hiện đại (mượn ý Bùi Giáng). Bởi bản thể của triết học nhân sinh châu Âu hiện đại với các đại diện lớn như Schopenhauer, Nietzsche hay Heidegger thì có quá nhiều tương đồng với minh triết phương Đông, nhất là Phật giáo, gần như một thể dung thông. Cái tinh thần hư vô chủ nghĩa, nổi loạn, vô chính phủ của Phạm Công Thiện hay Nguyễn Đức Sơn, vì thế, đi lại cả hai nẻo Đông - Tây. Trong đấy, cái biểu hiện bên ngoài, cái Thể, thì thuộc nhiều về Tây Phương, còn cái bên trong, cái căn cốt, cái Tánh, thì thuộc về Đông Phương. Phật giáo Việt Nam, với tinh thần phá chấp rốt ráo của Đại thừa viên đốn, từ lâu, đã không xa lạ gì với tinh thần nổi loạn mà độc giả bình dân thường được biết qua kiểu truyện thiền sư trong công án thiền. Đọc phương Tây, cái ý chí hùng cường, nổi loạn của người siêu nhân ở Nietzsche có hành trạng dường như không khác gì Lâm Tế Nghĩa Huyền hay triết lý Tánh không mãnh cuồng của con rắn dữ Long Thọ, rộng ra là cả truyền thống Không tông Phật giáo. Chính thế, nổi loạn như một bản chất mang tính tự thân sẵn có trong người nghệ sĩ/cư sĩ Phạm Công Thiện. Thế giới sáng tạo mang tính chất nổi loạn, ngông nghênh của Phạm Công Thiện và cả Nguyễn Đức Sơn, Bùi Giáng, vì thế, một phần lớn được trao truyền lại từ Phật giáo - tôn giáo mà các ông gắn bó suốt cuộc đời. Vậy, bản thể luận sáng tạo của nghệ sĩ nổi loạn, do vậy, là Phật giáo. Kinh nghiệm nổi loạn ở đấy, là kinh nghiệm của những kẻ đã nhìn thấy hư vô, đối diện với hư vô và cợt nhả, siêu vượt hư vô. Phạm Công Thiện thường gọi tên cái hư vô ấy là hố thẳm(9).

2. Nổi loạn: truyền dẫn kinh nghiệm địa - văn hóa - cá tính miền Nam

Đi tìm một căn nguyên tư tưởng nổi loạn của thần tượng văn nghệ - nhà văn nổi loạn, ở trên, là những quan sát nhà văn như là những vũ trụ cá thể biệt lập. Hắn tự đảm nhiệm lấy và kiến tạo nên chính đời hắn. Nhưng NGƯỜI, vừa là một thực thể cá thể, nhân vị độc lập lại còn thuộc về cái xã hội, nơi NGƯỜI thuộc về những cộng đồng với những truyền thống riêng của nó. Vậy, để chu toàn cho một nhận thức phức hợp về bản chất nổi loạn của nhà văn, không thể không tính tới cái địa - văn hóa - cá tính vùng miền mà nhà văn thuộc về.

Đi sâu hơn vào quá khứ nước Việt Nam hiện đại, một hệ quả lịch sử được nhận thấy, đè nặng lên không gian miền Bắc Việt Nam là dấu ấn của mô hình Hán hóa như đã nói. Khổng giáo, vì thế, ăn sâu vào tâm não trí thức Bắc Việt. Ngược lại, càng xuôi về phương Nam, dấu ấn Ấn Độ hóa càng đậm nét. Chuyên gia về xứ Đàng Trong - Li Tana rất chính xác khi nhìn thấy bản chất của một miền Nam theo đạo Phật phai nhạt đạo Khổng. Đấy là một nỗ lực chính trị đầy dụng ý và thâm sâu của các chúa Nguyễn trong việc xây dựng Đàng Trong thành một mô hình khác của Việt Nam so với thế giới miền Bắc của Vua Lê Chúa Trịnh(10). Hệ quả là với một Phật giáo linh hoạt, mang tính tổng hòa, đáp ứng được yêu cầu của nhiều tầng lớp11, miền Nam từ thời Đàng Trong đã xây dựng thành công mô hình xã hội của sự phóng khoáng. Và, thật đáng chú ý, Li Tana nhận định: “Cách sống phóng khoáng ở miền Nam cũng trực tiếp va vấp với sự coi trọng tính tập thể vốn là một giáo lý cơ bản của đạo Khổng luôn nhấn mạnh đến giá trị của nhóm xã hội như gia đình, làng xóm, những cái đó đặt lên trên cả những nhu cầu và những mong muốn của các thành viên trong cộng đồng, cá nhân không có ý nghĩa gì hoặc giá trị gì nếu đứng riêng biệt”(12). Điều đó càng làm rõ thêm vì sao, kéo dài mãi suốt thế kỷ XX, cho đến tận ngày nay, tính tập thể vẫn đóng rễ sâu bền trong não trạng trí thức miền Bắc.

Xây dựng được một không gian cởi mở và tự phát, người miền Nam tự do hơn trong hành động. Ngay đến cả vị Chúa Tiên của miền Nam, xuất thân từ miền Bắc, nhưng sống trong kinh nghiệm bầu không khí tự do phương Nam của “thế giới rộng lớn vùng Đông Nam Á”, Nguyễn Hoàng cũng không còn cảm thấy phải bận tâm khi bị định danh là kẻ nổi loạn, chống đối hay phản nghịch, bởi “ông đã tìm được vùng đất, nơi những lời tuyên bố như vậy không còn quan trọng nữa”(13). Và Li Tana bình luận tiếp về miền Nam: “Đó là một thế giới phóng thoáng hơn và đã đem lại cho con người một ý nghĩa lớn hơn về tự do”(14). Tính phóng khoáng, cởi mở và “dễ thở” ấy của xã hội miền Nam, do vậy, là một hằng số có tính lịch sử.

Miền Nam, mảnh đất dung dưỡng những kẻ bị loại trừ khỏi thế giới cố cựu miền Bắc rắn chắc với những tín niệm Nho giáo trải hàng ngàn đời. Miền Nam, một miền đất trẻ, mới thuộc về người Việt khoảng 7 thế kỷ, là đất của các lưu dân buộc phải rời khỏi cái bản xứ. Nên, giống một nước Mỹ trẻ trung, thuộc về các kẻ đi chinh phục, bỏ lại đằng sau mọi ràng buộc với quá khứ, họ có điều kiện xây dựng cái mà Tocqueville gọi là nền dân chủ. Miền Nam, nơi những kẻ lưu dân tìm đến, cơ hội có cho tất cả những kẻ dám hành động để tạo dựng cho mình một số phận mới. Miền Nam mảnh đất của cơ tầng văn hóa Ấn hóa, là sự tự do và đối thoại, xa lạ với các nguyên tắc Khổng giáo. Cá tính cá nhân người miền Nam, vì thế, có cơ hội phát triển hơn người miền Bắc, luôn pha màu phiêu lưu của tính hướng biển, dọc ngang trên sông nước. Cái tự do mà miền Bắc đã đánh mất khi bị/tự ràng buộc với mô hình Hán hóa được áp đặt bởi bá quyền Trung Hoa xâm lược cách đây 2000 năm (15). Nhà văn thuộc về miền Nam, vì thế, bao giờ dấu ấn cá tính tự do, tính ưa thích nổi loạn cũng phát triển. Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn và Phạm Công Thiện, do đó, vừa là những nhân cách tự thân vốn đã phá cách được phát triển trong điều kiện mà xã hội học nhìn thấy yếu tố dân chủ, lại được cộng hưởng thêm vào với sự tự do, nổi loạn trên nền tảng địa - văn hóa - cá tính phóng khoáng miền Nam. Nguyễn Văn Xuân, ít nhiều mang màu sắc chủ nghĩa địa phương khi vững tin rằng: “Vượt lên trên tất cả, miền đất mới này còn một đặc điểm mà tôi nhắc đi, nhắc lại nhiều lần. Đặc điểm giống hệt Huê Kỳ để hứa hẹn một đời sống sung túc và cũng do đó, một nền văn nghệ phồn thịnh” (16). Nếu thế, Phạm Công Thiện là những minh chứng sống động hơn bao giờ hết cho niềm tin vào nền văn nghệ phồn thịnh ấy.

***

Như vậy, từ rất nhiều nẻo đường vòng để dẫn đến lối vào làm thành nhà văn nổi loạn, thần tượng văn nghệ ở miền Nam 1954 - 1975. Phục dựng lại gương mặt đã mất của thần tượng văn nghệ một thời, là phục dựng lại không khí văn nghệ thời đại ấy, với những nhà văn đứng tiền tiêu, có sức nặng gây ảnh hưởng, tạo nên không gian văn học thời đại. Việc làm này càng thêm ý nghĩa, khi không gian văn học được phục dựng lại là một không gian bị lãng quên, hoặc được/bị “tưởng tượng” cấp cho những lớp nghĩa đi quá xa tồn-tại- như-thực của nó.

Mở lại một đoạn đường mà cỏ cây của quên lãng đã phủ kín, cộng thông vào nhiều ngả đường mòn khác, dẫn đưa văn nghệ miền Nam 1954 - 1975 hòa trở lại nguồn văn học dân tộc. Văn học Việt Nam, do đó, thay vì chỉ một không gian, cần được tư duy lại như một nền văn học đa không gian viết, với nhiều lịch sử của nó.

NGUYỄN MẠNH TIẾN
 Nguồn: SH308/10-14



__________________________

1. Về cá tính “siêu thần bạt thánh côn đồ lão tổ” (Trần Tuấn Kiệt), nghệ sĩ hơn đời của Phạm Công  Thiện là chủ đề hấp dẫn của văn nghệ miền Nam một thời và, mãi đến tận bây giờ, thời “tái đọc tổng thể”  văn nghệ miền Nam 1954 - 1975. Phạm Công Thiện là liều doping hạng nặng cho những scandan văn  nghệ lùm xùm một thời. Tất cả, đều do cá tính quá khác người của ông. 

Ở chỗ này, nên làm một phép so sánh về đặc trưng bản chất của người nghệ sĩ hai miền Nam, Bắc Việt  Nam một thời. Đó là, ở miền Bắc, ấy là sự triệt tiêu cá tính cái tôi để phát triển tối đa cái ta. Miền Nam,  ngược lại, là một sự phát triển cá tính cái tôi tự do. Phạm  Công Thiện, Nguyễn Đức Sơn (và, thêm nữa,  gộp vào đấy cả trung niên thi sĩ Bùi Giáng) là những trường hợp điển hình nhất của sự phát triển tự do cá  tính người nghệ sĩ, trở nên những nhân cách sáng tạo phức hợp nhiều đối cực đến khó hiểu bởi tính mâu  thuẫn tự nội trong những tâm hồn lớn. Nên thật khó đặt định họ vào chỉ một danh từ nào đó. Bởi thế, cụm  từ “nhà văn nổi loạn” được lẩy ra từ thân loài cá sáng tạo dữ dằn, như một cái vẩy, nhưng là vẩy ngược  che dấu yếu huyệt mà đụng vào đấy thì cơ hồ có thể làm một lối nhất dương chỉ của phê bình nhằm “điểm  huyệt” bản chất sáng tạo của Nguyễn Đức Sơn và Phạm Công Thiện. Đấy là “thao tác” mang tính phương  pháp nhằm cố gắng nắm giữ đối tượng ở điểm nổi trội để có thể tiến hành phân tích. Thông qua đấy, chúng  ta có thể bước đầu nhận ra, sự phát triển cá tính nhà văn ở miền Nam, có thể nói, đã lên tới đỉnh sóng  của cơn triều phát triển cá tính sáng tạo người nghệ sĩ Việt Nam thế kỷ XX. Thời Thơ Mới, người nghệ  sĩ dù tự do, muốn là một cái tôi riêng biệt, duy nhất, nhưng ở họ, nói như Hoài Thanh, còn đội trên đầu  một vài nhà thơ Pháp. Người Thơ Mới còn thần tượng Người Thơ Pháp. Người Thơ Mới khi nói đến Người  Thơ Pháp lòng thì kính cẩn mà giọng đầy trìu mến: “Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine”. Đến 1954 - 1975, ở  Nam Việt, tình thế nghệ sĩ đã đổi khác. Trên đầu hắn, không có ai. Chỉ còn có một sự vĩ đại duy nhất, ấy  là chính bản thân người nghệ sĩ. Như trường hợp Phạm Công Thiện, Nguyễn Đức Sơn, họ khinh hết thảy.  Khinh từ Đông sang Tây. Khinh từ cổ chí kim. Với Phạm Công Thiện, hay Nguyễn Đức Sơn chỉ có hoặc  Phạm Công Thiện, hoặc Nguyễn Đức Sơn mới là đáng kể, và sau rốt, cả Phạm Công Thiện, hay Nguyễn  Đức Sơn cũng đều đáng khinh. Kinh bỉ tất thảy được họ đặt ra như một luật của sự sáng tạo. Nói theo lối  của Nietzsche, bậc thầy khai tâm cho nhà văn nổi loạn ở miền Nam, với họ, tất cả tầm thường, quá đỗi tầm  thường. Nổi loạn, vì thế, là phẩm chất. Nổi loạn, từ đó, như một nhu cầu khẩn thiết để có thể đập đổ hết  mọi thần tượng. Phạm Công Thiện và Nguyễn Đức Sơn muốn đưa chính bản mệnh cá nhân viết của mình  ra làm tượng đài đầu tiên và duy nhất.

2. Ở đây, chắc chắn phải kể đến cả di sản văn xuôi của Nguyễn Đức Sơn. Tuy nhiên, vì giới hạn dung  lượng  không cho phép một mở rộng quá lớn, tôi sẽ trở lại với trường hợp Nguyễn Đức Sơn trong một tiểu  luận cụ thể khác.

3. Georges Boudarel (1991), Cent fleurs ecloses dans la nuit du Viet Nam: Communisme et dissidence  1954 - 1956, Jacques Bertoin, Paris, p.234.

4. Sự nghiệp phong phú, độc đáo và gay cấn của văn nghiệp Phạm Công Thiện đã được tôi công bố  trong một tiểu luận khác, do đó, ở đây xin không bàn lại nữa [bạn quan tâm tìm đọc: Nguyễn Mạnh Tiến - Nguyễn Thị Bình (2013), Phạm Công Thiện - Nhìn ngắn hồ sơ văn xuôi, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số  4 (346); nguồn mạng: http://vhnt.org.vn/NewsDetails.aspx?NewID=1556&cate=94].

5. Trần Tuấn Kiệt, “Tiếng hát”, Sóng thần, 5-1972, in lại trong Phụ lục ở cuối tập thơ: Nguyễn Đức  Sơn (1973), Tịnh Khẩu, Nxb. An Tiêm, S. Về nhận định này của Trần Tuấn Kiệt, khi xếp chung Nguyễn  Đức Sơn với Phạm Công Thiện và Bùi Giáng, thái độ của Nguyễn Đức Sơn núi như sau: “Thi sĩ Trần Tuấn  Kiệt/ Nhét ta chơi hay thiệt/ Nằm giữa hai thây ma/ Không teo thì cũng liệt”. [Nhân đây, xin cảm ơn nhà  sưu tập sách Vũ Hà Tuệ ở Sài Gòn đã giúp chúng tôi tham khảo tư liệu văn bản Tịnh Khẩu].

6. Trung niên thi sĩ thì khác, Bùi Giáng không côn đồ, mà trái lại, thường là nạn nhân của côn đồ. Bùi  Giáng đại diện cho một chóp đỉnh khác trong cá tính sáng tạo ở miền Nam: Điên.

7. Điều này lý giải cho việc tại sao Camus cũng như các triết gia hiện sinh Pháp như Sartre được chọn  dịch ở miền Nam nhiều hơn các triết gia Đức. Xã hội miền Nam, có mấy điều kiện sau đây để nối dài nền  hiện sinh Pháp ở miền Nam, đó là: 1/ Giới trí thức Pháp ngữ trưởng thành thời thuộc địa vẫn giữ được môi  trường tư duy ở miền Nam; 2/ Miền Nam vẫn duy trì nền học vấn Pháp thông qua hệ thống giáo dục Pháp  ngữ bên cạnh trường Việt ngữ; 3/ Các giáo sư đại học miền Nam du học về để truyền bá tư tưởng phương  Tây chủ yếu từ khối Pháp ngữ (Pháp và Bỉ). Vì thế, mẫu nhà văn triết gia kiểu Sartre và Camus mới dễ  trở nên phổ biến ở miền Nam. 

8. Phạm Công Thiện (1967), Mặt trời không bao giờ có thực, Nxb. An Tiêm, S.

9. Xin được cảm ơn nhà nghiên cứu Nohira Munehiro đã bỏ thời gian đọc và có những trao đổi liên  quan đến Phạm Công Thiện đã gợi mở cho nghiên cứu này thêm nhiều suy tưởng. Nohira Munehiro chính  là người được Hội học Đông Nam Á tại Nhật trao giải cho công trình luận án tiến sĩ về Phạm Công Thiện.  Phạm Công Thiện như thế, thật đặc biệt, là một trong hiếm hoi các nhà văn Việt Nam thế kỷ XX có ảnh  hưởng tư tưởng văn nghệ sâu rộng, vượt ra cả bên ngoài Việt Nam. Ở Nhật, giới phê bình có người gọi  ông là “Long Thọ Việt Nam”.

10. Li Tana, “Xứ Đàng Trong thế kỷ XVII và XVIII Một mô hình khác của Việt Nam”, trong: Nhiều  tác giả (2002), Những vấn đề lịch sử Việt Nam, Nxb. Thế Giới, H, tr.185-199.

11. Li Tana (sđd), tr.188.

12. Li Tana (sđd), tr.190.

13. Keith W. Taylor, “Nguyễn Hoàng và bước khởi đầu cuộc nam tiến của người Việt”, trong: Nhiều  tác giả (2002), Những vấn đề lịch sử Việt Nam, Nxb. Thế Giới, H, tr.181.

14. Li Tana (sđd), tr.191.

15. Mô hình bá quyền xâm lược bằng sức mạnh đã trở thành bản chất Trung Hoa “chinh phục và thôn  tính” đã được Coedès chứng minh thuyết phục [Xem: G.E.Coedès (Nguyễn Thừa Hỷ d.) (2011), Cổ sử các  quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, Thế giới, tr.80, và…).

16. Nguyễn Văn Xuân (2002), Khi những lưu dân trở lại, trong: Tuyển Tập Nguyễn Văn Xuân, Nxb  Đà Nẵng, tr.595.


NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU