Mọi hành vi của con người đều làm biến đổi môi trường. Một
vài biến đổi rất hữu hình và dễ giải thích, một vài biến đổi khác tuy nhìn thấy
ngay được nhưng lại bị phớt lờ, bị khước từ, một số chỉ hiển hiện sau những
khai quật khảo cổ hay những nghiên cứu khoa học, một số khác thì được coi là những
giả thuyết trong khi vô số thứ khác vẫn còn không được biết đến. Mô tả những biến
đổi xảy ra đối với môi trường từ lâu đã là một thách thức: thường phải cần đến
những khái niệm mới, những thuật ngữ mới. Xác định đúng các tác nhân gây ra biến
đổi cũng không dễ dàng hơn. Ngay cả những thủ phạm hiển hiện nhất cũng có thể
được bao bọc trong những mạng lưới của của những kẻ chối tội (disclaimers).
Tương tự, dự đoán chính xác sự thay đổi lúc nào cũng là việc khó khăn. Điều này
thường là vì cái vô nhân (nonhuman) hiện ra hay được tưởng tượng như là một thứ
vô tận, những dấu hiệu của tình trạng sắp rỗng kiệt dễ dàng bị thờ ơ hoặc không
dễ thấy. Phức tạp hơn nữa là đánh giá thế nào là biến đổi, dù là trong quá khứ,
ở hiện tại hay tương lai: biến đổi nào có thể được hiểu như là sự phá hại, sự
phá hại nào có thể được bỏ qua, thậm chí nên khuyến khích? Simon Estok đã miêu
tả những biến đổi của các hệ sinh thái chịu tác động từ con người như là những
hiện tượng phần lớn bắt nguồn từ chứng “sợ sinh thái” (ecophobia), được hiểu
như “một nỗi sợ hãi hay căm ghét thế giới tự nhiên vô cớ, phi lý, giống như những
chứng sợ hãi/thù ghét vẫn đang hiện hữu rất tinh vi trong đời sống thường nhật
cũng như trong văn chương chúng ta như thù ghét người đồng tính (homophobia),
phân biệt chủng tộc và giới tính” (Ecocriticism and Shakespeare 4).
Chứng sợ môi trường này, Estok viết, thường xuyên “thắng” những thứ được mặc định
như là đối lập với nó: “biophilia”, được hiểu như là “sự gắn bó bẩm sinh về mặt
cảm xúc giữa con người và các hệ thống hữu cơ”, và hơn thế, “ecophilia”, tình
yêu thiên nhiên (“Lý thuyết hóa trong một không gian” 219). Chắc chắn, chính chứng
“sợ sinh thái” này có thể giải thích khá nhiều cho ham muốn của con người xuyên
suốt lịch sử là kiểm soát, chế ngự được (nhiều phần của) môi trường thiên nhiên
và sự can dự của con người vào những vụ tàn phá thiên nhiên ở quy mô rất lớn
như chặt phá rừng trên diện rộng và tiêu diệt các loài thú. Tương tự,
“ecophilia” dường như lại thúc đẩy sự nâng niu, bảo vệ thiên nhiên cũng như sự
điều hòa lại môi trường, bảo tồn nó và trên thực tế, chính nó đã khơi gợi cảm hứng
cho bản thân lĩnh vực phê bình sinh thái.
Song như cụm từ mòn sáo “yêu thiên nhiên đến chết” cho thấy,
những biến đổi môi trường không nhất thiết là những dấu hiệu dẫn đến nỗi sợ
sinh thái hay sự sủng ái sinh thái tuyệt đối. Một định kiến chống lại yếu tố vô
nhân giữ con người bên trong một căn hộ thành phố, tương đối tách lìa với tự
nhiên chắc chắn sẽ điều chỉnh, biến đổi yếu tố vô nhân trong môi trường ít trực
tiếp hơn và ít đáng kể hơn so với một thứ tình yêu thiên nhiên hối thúc người
ta lái xe hàng giờ hay đi bộ đường dài hay đi ca – nô. Và ngay cả khi những biến
đổi này được thúc đẩy chủ yếu bởi chứng sợ sinh thái hay say mê sinh thái thì tự
thân chúng cũng thường dễ được đánh giá hơn. Những sự mơ hồ, không xác định này
tràn vào những mối quan hệ và những cách diễn giải về mối quan hệ giữa con người
và môi trường cho thấy sự mơ hồ sinh thái có thể còn nổi bật hơn là chỉ riêng nỗi
sợ hãi sinh thái hay niềm say mê sinh thái không thôi.
Diễn ngôn văn chương thường xuyên lợi dụng sự mơ hồ sinh
thái. Việc văn chương rất thường khi công nhiên bất tuân logic, sự chính xác,
nhất quán cho phép nó luôn có khả năng phát hiện một cách sắc sảo những sự mơ hồ
nói chung, và những sự mơ hồ bắt nguồn từ những tương tác giữa con người với
các hệ sinh thái nói riêng. Đặc biệt hơn, tính đa trị (mutivalence) thuộc về bản
chất của văn học cho phép nó làm nổi bật và thương thỏa (negotiate) được với sự
mơ hồ vốn từ lâu đã bao trùm những mối tương tác giữa con người và môi trường,
bao gồm cả những tương tác liên quan đến những tàn phá mà con người gây ra cho
các hệ sinh thái. Sự mơ hồ ở đây xuất hiện chủ yếu không phải như một giá trị đạo
đức hay thẩm mỹ mà như là triệu chứng của sự bất định thuộc bình diện nhận thức
luận, được giải thích vừa cảm tính, vừa chính xác như một sự khuyết hụt ý thức
và/hoặc như một thú nhận ngầm về sự bất lực của nhà văn và các nhân vật văn học.
Sự mơ hồ về môi trường tự biểu hiện ra theo nhiều cách
đan bện với nhau, bao gồm cả những thái độ nước đôi đối với thiên nhiên; sự nhập
nhằng trong nhận thức về điều kiện thực sự của yếu tố vô nhân trong môi trường,
thường là hệ quả từ thông tin mơ hồ; những hành vi mâu thuẫn của con người đối
với các hệ sinh thái; những chia rẽ, bất đồng trong thái độ, điều kiện và hành
vi dẫn đến việc giảm nhẹ hoặc phó mặc vấn đề về sự xuống cấp của môi trường vô
nhân một cách chủ động, cũng như việc làm hại, dù không chủ ý, chính những môi
trường mà con người đang bảo vệ. Nghiên cứu của tôi trên hàng trăm tác phẩm văn
chương thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau cho thấy những hình thức bị chồng chéo
lên nhau của sự mơ hồ sinh thái có thể được xem là đặc điểm cơ bản của những
văn bản nghệ thuật bàn về mối quan hệ giữa con người và thế giới vô nhân. Thú vị
hơn cả là cách mà những văn bản này diễn đạt những sự hoán vị và ngụ ý về những
sự bất đồng, chia rẽ theo trục dọc thời gian và trục ngang không gian vật lý và
xã hội – nói khác đi, là cách chúng thương thỏa với những sự mơ hồ trong cái gọi
là chủ nghĩa quốc tế sinh thái (ecocosmopolitanism).
Phần lớn văn chương chú ý đến những mối nguy hại đối với
các hệ sinh thái, trong đó có nhiều văn bản được khảo sát trong tuyển tập này,
đều mang tinh thần thế giới về môi trường, hoặc trực tiếp hay gián tiếp đề cập
đến sự thoái hóa của môi trường sinh thái vượt khỏi một thời gian hay nơi chốn
đơn nhất. Việc phân tích cách các văn bản này tự đặt mình trực diện với những mối
bận tâm về môi trường thuộc nhiều kiểu và nhiều phạm vi khác nhau, cách chúng
cùng lúc vừa mở ra vừa đóng lại trước thế giới rộng lớn hơn có thể có những
đóng góp quan trọng cho nhận thức của chúng ta về mối quan hệ giữa cái địa
phương, cái vùng miền và cái toàn cầu.
Patrick Hayden đã nói về “công dân môi trường toàn cầu”:
“Công dân môi trường toàn cầu có thể được xem như một
thành tố của một quan niệm bao trùm hơn mang tinh thần thế giới về công dân
toàn cầu… Ý niệm công dân môi trường toàn cầu nảy sinh từ mối quan tâm đạo đức
về những vấn đề xã hội, chính trị, kinh tế gắn với môi trường và sự phụ thuộc của
nhân tính vào nó; ý niệm này cũng hình thành từ một nhận thức về những trách
nhiệm toàn cầu của chúng ta về điều kiện sống của con người vì mối liên kết của
nhân tính với môi trường. Do đó, công dân môi trường toàn cầu quan tâm đến những
điều tốt chung cho cộng đồng nhân loại và có những sự nhấn mạnh cụ thể vào thực
tế tất cả chúng ta đều là các công dân vừa thuộc về những môi trường địa phương
đồng thời vừa thuộc về một môi trường toàn cầu duy nhất.” (147)
Tương tự, Ursula Heise đã đặt ra thuật ngữ “chủ nghĩa thế
giới sinh thái” (ecocosmopolitan) như là:
“Một nỗ lực nhằm hình dung các cá nhân và nhóm như là bộ
phận của những “cộng đồng tưởng tượng” trên hành tinh của cả con người và các
thành phần vô nhân… Phê bình sinh thái mới chỉ bắt đầu khám phá những phương tiện
văn hóa mà nhờ đó những mối ràng buộc đối với thế giới tự nhiên được tạo ra và
duy trì và cách mà sự hình dung về những mối ràng buộc này thúc đẩy hay cản trở
những hình thức can dự mang tính vùng miền, quốc gia, xuyên quốc gia như thế
nào… Mục đích của một dự phóng phê bình mang tinh thần “chủ nghĩa thế giới sinh
thái”… là điều tra những phương tiện nào mà các cá nhân, các nhóm trong những
ngữ cảnh văn hóa cụ thể nhờ đó có thể hình dung được chính bản thân họ trong
hình thức cụ thể tương ứng như là bộ phận của khối sinh quyển toàn cầu, hay nhờ
phương tiện nào mà họ có thể làm được như vậy” (Sense of Place, 61-2).
Cách sử dụng thuật ngữ “chủ nghĩa thế giới sinh thái” của
tôi có phần giống với thuật ngữ của Heise, có sự kế thừa cả quan niệm của
Hayden về công dân môi trường sinh thái nhưng tôi lại chú ý đến những hình dung
của con người về những mối ràng buộc và sự can dự vào thế giới tự nhiên ít hơn
là tình trạng của bản thân thế giới tự nhiên, đặc biệt là những phạm vi của sự
tàn phá môi trường mà một văn bản có thể nắm bắt, thể hiện được một cách vừa trực
tiếp vừa hàm ẩn.
Những nguyên nhân và hình thái của sự xuống cấp sinh thái
được thể hiện trong các tác phẩm văn chương hết sức đa dạng: phạm vi các giống
loài chịu ảnh hưởng, gồm cả sự hiện hữu hoặc vắng mặt những nỗi đau khổ cao quý
của con người; dung lượng văn bản dành để thảo luận trực tiếp về thể trạng hay
những tai họa môi trường. Tương tự, văn chương cũng bàn về những sự phá hủy môi
trường sinh thái ở những phạm vi không gian và thời gian khác nhau, gồm cả cái
được coi là sự phá hại trong hoàn cảnh xác định – những tổn thương ngắn hạn đối
với các hệ sinh thái tương đối nhỏ, khu biệt; sự phá hại trên diện rộng không
gian – mức độ phá hại bị giới hạn trong phạm vi thời gian song lại ảnh hưởng đến
hệ sinh thái lớn hơn hoặc nhiều hệ sinh thái; sự phá hại trên diện rộng thời
gian – sự xuống cấp của môi trường diễn ra trong phạm vi thời gian lớn hơn phạm
vi không gian; sự phá hại bao trùm – sự xuống cấp của môi trường vừa kéo dài về
thời gian, vừa trải rộng trong không gian.
Các văn bản mang tinh thần chủ nghĩa thế giới sinh thái
là những văn bản nói đến một cách bao quát về tình trạng môi trường xuống cấp
trên một phạm vi mang tính toàn cầu tiềm tàng. Đó là những bài thơ hay những
văn bản ngắn thường xuyên nói đến việc loài người hủy hoại mọi thứ từ những
vùng rừng nhỏ đến toàn bộ hành tinh. Những biểu hiện phức tạp hơn về chủ nghĩa
thế giới sinh thái có thể thấy được trong các tác phẩm văn chương trực diện
miêu tả những kiểu và trường hợp đặc thù của tình trạng môi trường bị hủy hoại,
bất kể quy mô, nghĩa là nó có thể bao trùm những vấn đề môi trường ở cấp vĩ mô
hơn mà cũng có thể ở cấp độ nhỏ hơn. Thí dụ, ngay một bài thơ ngắn chú ý đến một
con thú đơn độc ốm yếu cũng có thể nói thẳng ra được sự đau đớn của con thú này
là hệ quả của sự phá rừng trên quy mô lớn. Tương tự, một tiểu thuyết dài về biến
đổi khí hậu hay sự xóa sổ nhiều giống loài trên trái đất lại cũng có thể mô tả
chi tiết về điều kiện của những nơi chốn cụ thể. Những văn bản mang tinh thần
thế giới sinh thái khác lại miêu tả những vấn đề ở một không gian mà đó cũng là
vấn đề tương tự ở những không gian khác: một tác phẩm nói về một cánh đồng bị ô
nhiễm cũng có thể nói lên sự giống nhau giữa sự tàn phá trên mảnh đất này và những
mối nguy hại đối với môi trường diễn ra ở một mảnh đất khác cách xa đó. Nhiều
văn bản tập trung vào những biến cố xảy ra tại một nơi chốn và thời gian cụ thể
vừa song song với những điều kiện ở những nơi chốn và thời gian khác, vừa nói về
những trường hợp này như thể đấy là bộ phận của những mô hình lớn hơn của tình
trạng suy thoái môi trường hoặc như thể chúng bao hàm trong mình những vấn đề
nhỏ hơn.
Mặc dù cách xử lý của văn chương về đề tài mối quan hệ của
con người với những môi trường bị phá hại thường phô diễn những mối ràng buộc
chặt chẽ mang tính địa phương nhưng nhìn chung diễn ngôn văn chương về đề tài
này phần nào đó lại ít mang tính văn hóa, tính dân tộc, hay thậm chí tính vùng
miền hơn là về các đề tài khác, trong đó gồm cả sự tôn vinh thiên nhiên. Điều
này thực sự không ngạc nhiên vì toàn cầu hóa môi trường là hình thức lâu đời nhất
của toàn cầu hóa, còn có trước toàn cầu hóa kinh tế, chính trị, xã hội và văn
hóa. Bên cạnh đó, nhiều nhà văn viết về sự tàn phá môi trường lại có thời gian
đáng kể ở nước ngoài và đã chứng kiến sự xuống cấp của môi trường ở nhiều địa
điểm, nơi chốn. Nếu như toàn cầu hóa sinh thái được cho rằng có thể làm cho văn
chương mở rộng đề tài môi trường một cách thuận lợi thì toàn cầu hóa văn chương
cũng có thể làm gia tăng sự chú ý đối với những vấn đề môi trường.
Tinh thần chủ nghĩa thế giới sinh thái phần lớn được thể
hiện hàm ẩn, nó khơi dậy những câu hỏi về thực trạng và khả năng của môi trường.
Thực trạng của môi trường quy chiếu đến những dấu hiệu khủng hoảng sinh thái mà
một văn bản thể hiện trực tiếp hoặc gợi dẫn rõ ràng. Khả năng của môi trường lại
biểu thị những tác hại do con người gây nên đối với moi trường dưới dạng những ẩn
ý trừu tượng hơn. Đó có thể là một sự hủy hoại môi trường mà nhà văn muốn biểu
đạt nhưng theo một cách không hoàn toàn tường minh; sự phán đoán của nhà văn về
khả năng của môi trường theo hình thức này có thể dựa trên tri thức của nhà
văn, hoặc ít nhất dựa trên những gì mà người ta có thể biết được về trí thức của
nhà văn về những vấn đề môi trường. Phổ biến hơn, khả năng của môi trường quy
chiếu đến cái có thể diễn dịch hoặc ngoại suy từ một tác phẩm sáng tạo, bất kể
điều này có nằm trong chủ ý của tác giả hoặc có liên quan gì những hoàn cảnh xã
hội và môi trường đặc thù xung quanh việc hình thành văn bản ấy. Nhiều tác phẩm
văn chương tập trung vào những sự tàn phá môi trường trong phạm vi xác định có
thể được đọc như sự thu nhỏ của những sự tàn phá trên diện rộng không gian, thời
gian hay thậm chí cả sự tàn phá bao trùm. Do đó, trong một vài trường hợp, một
bài thơ ngắn về một sinh vật đau ốm, không hàm chứa bất cứ quy chiếu nào đến những
con thú khác cũng vẫn có thể được đọc như là cách nói về tình trạng tuyệt vọng
của một giống loài hay nhiều giống loài ở nhiều không gian. Tương tự như thế,
trong một số trường hợp, một truyện ngắn về những gì mà các sinh vật phải chịu
đựng trên một cánh đồng được phun thuốc trừ sâu, với những thay đổi chẳng mấy
đáng kể ở tên gọi nơi chốn, nhân vật, tên chủng loại sinh vật, cũng có thể gia
tăng nhận thức về tính trạng lâm nguy của các loài động vật ở những không gian
khác. Nói tóm lại, các văn bản có thể mang tinh thần thế giới sinh thái mà
không cần phải miêu tả trực diện sự xuống cấp của môi trường vượt quá phạm vi
thời gian-không gian đơn nhất.
Thường khó xác định liệu phán đoán về những khả năng của
môi trường ở một văn bản có thể đi trước thực trạng của môi trường hay
không, nhất là khi-đúng hơn, gần như bao giờ cũng thế -những khả năng là mơ hồ.
Thực ra, ngay cả thứ văn học được viết từ tiêu điểm “vùng sinh thái”
(bioregionalist) cũng hiếm khi xác định chính xác phạm vi không gian-thời gian
của sự xuống cấp môi trường mà nó miêu tả. Song phạm vi của sự khủng hoảng môi
trường mà hành tinh của chúng ta đang phải đối mặt đòi hỏi chúng ta cần phải
quan sát thật kỹ những khả năng này. Điều này không có nghĩa là phủ nhận những
đặc thù của tình trạng môi trường lâm nguy ở những địa điểm cá biệt hay việc cần
phải hiểu những hoàn cảnh cụ thể của quá trình sản xuất văn hóa. Trường hợp sau
đặc biệt quan trọng trong trường hợp nhà văn tích cực tham gia vào các phong
trào môi trường hay chính trị khác, hoặc ở nơi văn bản tập trung vào những mối
bận tâm về sinh thái như là hiện tượng cá biệt một nơi chốn. Hơn nữa, nền tảng
và hoàn cảnh của chính độc giả cũng có thể ảnh hưởng đến cách mà những khả năng
của văn bản được nắm bắt. Tuy nhiên, những nhà phân tích văn chương về đề tài
khủng hoảng môi trường phải xem xét nghiêm túc các thực trạng, khả năng, và vô
số vị trí ở giữa. Các văn bản văn chương, với tư cách là những sản phẩm văn hóa
hữu hình, đứng bên trong, chứ không phải bên ngoài các hệ sinh thái từ quy mô địa
phương đến toàn cầu, điều này cho phép chúng có đưa ra những bình luận giàu hàm
lượng thông tin về nhiều môi trường khác nhau.
Những quan điểm từ lĩnh vực nghiên cứu văn học thế giới
có thể đặc biệt hữu ích đối với nghiên cứu văn học và môi trường. David
Damrosch đã định nghĩa văn học thế giới như:
“tất cả các tác phẩm văn chương được lưu hành vượt khỏi
phạm vi nền văn hóa nguồn hoặc dưới hình thức bản dịch hoặc bằng ngôn ngữ gốc…
một tác phẩm chỉ có đời sống hiệu ứng (effective) như là văn học thế giới khi
nào, và ở bất cứ chỗ nào, nó là hiện diện chủ động của một hệ thống văn chương
vượt khỏi phạm vi của nền văn hóa nguồn… Văn học thế giới… không phải một tập hợp
điển phạm các văn bản mà là một cách đọc: một hình thức tương tác vô tư với thế
giới, vượt xa khỏi giới hạn của thời gian và nơi chống của chính mình… điều này
giúp chúng ta có thể hiểu được những cách mà theo đó, một tác phẩm văn chương
muốn vươn đến xa hơn, hoặc muốn lệch khỏi xuất phát điểm khởi nguồn của nó.”
(4,281,300)
Nhiều văn bản đề cập đến tình trạng báo động của môi trường
đã được dịch sang ít nhất một thứ tiếng nhưng hầu như chưa có mấy tác phẩn có một
sự hiện diện tích cực trong hệ thống văn chương rộng hơn nền văn hóa nguồn. Do
vậy, nhìn chung chúng không được diễn giải như là những tác phẩm văn học thế giới.
Mặt khác, hầu như tất cả những văn bản này đều nhấn mạnh đến những mối quan tâm
không chỉ giới hạn trong những nền văn hóa nguồn và mang tinh thần chủ nghĩ thế
giới sinh thái, hoặc trực tiếp hoặc ngầm ẩn. Có thể xem xét lại nhiều giá trị ở
những văn bản này bằng cách đọc chúng như là bộ phận của văn học thế giới,
nghĩa là xem xét cách chúng có thể vượt khỏi điểm khởi nguồn của mình như thế
nào.
Những khủng hoảng sinh sôi trên khắp thế giới đã đặt ra một
mệnh lệnh đối với nghiên cứu văn học, đòi hỏi không chỉ mở rộng phạm vi đề tài
mà còn cần thiết phải hình thành một ý thức nhạy cảm hơn, sắc bén hơn về trạng
thái sinh tồn của hành tinh chúng ta. Một trong những phương tiện hiệu quả nhất
để tăng cường ý thức này trong nghiên cứu văn chương là hãy đọc, tiếp cận các
văn bản như là những thành tố của văn học thế giới, ngay cả khi đó có thể không
phải là văn học thế giới, hiểu theo quy phạm chặt chẽ, nhưng chúng lại tương
tác với những vấn đề quan trọng rộng hơn phạm vi của nền văn hóa đơn nhất. (Những)
Thế giới mà các văn bản này miêu tả, về mặt địa lý, vật chất, có thể nằm ngoài
nơi chốn và thời gian của chúng ta, nhưng mối quan tâm mà chúng hướng đến thì lại
rất gần với chính quê hương, xứ sở của ta.
Khái niệm “ý thức hành tinh” (planetary consciousness) một
thời gian rất dài được kết nối với chủ nghĩa đế quốc. Bàn về lịch sử tự nhiên ở
châu Âu thế kỷ XVIII, Mary Louise Pratt đã gắn “ý thức hành tinh” của thời đại
này với sự đổ vỡ (disruption), sự sắp đặt lại trật tự (reordering), chủ nghĩa đế
quốc và châu Âu trung tâm luận: “Cách mà người châu Âu thế kỷ XVIII hệ thống
hóa thế giới tự nhiên như một dự phóng xây dựng tri thức châu Âu…đã tạo nên một
thứ ý thức hành tinh mang tinh thần lấy châu Âu làm trung tâm. Thứ ý thức ấy
bao quát bề mặt của trái đất, xác định các loài thực vật, động vật bằng những
thuật ngữ gợi liên tưởng thị giác, quy gộp và tập hợp lại các loài này trong một
trật tự hữu hạn, có tình chất tổng thể của quá trình hình thành châu Âu.”
(30-1, 37). Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, văn hóa, giống loài, vốn ấn định
tính chất thượng đẳng của một cộng đồng người hay một nhóm người đặc biệt,
chính là cơ sở cho sự kiếm tìm hình thức cho cái “ý thức hành tinh” này. Song nếu
như việc nhấn mạnh “ý thức hành tinh”có thể cũng cố những thứ chủ nghĩa địa
phương, dân tộc, chủng tộc hay những thứ chủ nghĩa trung tâm luận khác thì nó
cũng có thể được sử dụng để đối lập với các định kiến. Như Nelson Maldono
Torres đã nhận định: “Chống lại một thứ ‘ý thức hành tinh’ được nhìn theo con mắt
của châu Âu đế quốc vốn đã trở thành công cụ cho các cuộc phiêu lưu bành trướng
thuộc địa của giai cấp tư sản, Dussel đã khai triển một một quan điểm khác về
‘hành tinh’… Thay vì phục vụ cho chủ nghĩa đế quốc, quan điểm ‘hành tinh’ này
hướng đến việc vượt qua chủ nghĩa châu Âu trung tâm luận” (210). Đây chính xác
là là mục đích của một số hình dung đương đại về ý thức hành tinh.
Trong thập niên vừa qua, những nhà phê bình như Gayatri
Chakravtorty Spivak và Wai Chee Dimock đã thôi thúc các học giả thuộc cả chuyên
ngành văn học so sánh lẫn văn học dân tộc hướng đến một cách tiếp cận mang ý thức
hành tinh. Nói một cách đơn giản nhất, với điều này, họ muốn gia tăng phạm vi
cũng như nền tảng văn hóa của nghiên cứu văn học. Dimock đề nghị đọc văn học Mỹ
như một tập hợp con, chứ dứt khoát không phải như một thực thể có sức ôm chứa,
bao trùm lớn nhất, của “một tổng số vô hạn những của những tập hợp (aggregates)
lớn hơn được xác định theo độ dài thời gian (durations) và sự mở rộng
(extensions) của bản thân con người với tư cách một giống loài, tạo thành một nếp
gấp, giữa nhiều nếp gấp khác, trong văn chương Mỹ”. (5, 10-1). Quan điểm mà bà
biện hộ có thể dễ dàng áp dụng, có sự điều chỉnh nhất định, với bất kỳ nền văn
học nào khác, ở cấp dân tộc hay khu vực, v.v…Spivak đã đưa ra một lập luận có
phần gây tranh cãi rằng:
“như là những tính tập thể được giả định được băng
qua các biên giới được bảo vệ của một thứ văn học so sánh, được bổ túc thêm bởi
Nghiên cứu vùng, những nền văn học này cố gắng hình dung, tưởng tượng về chính
mình như thể chúng là một hành tinh văn học hơn là nền văn học của châu lục
(continental), toàn cầu (global) hay thế giới (worldly)… Để thay cho một cách đọc
văn học thế giới qua dịch thuật theo kiểu bản đồ hàm ẩn trong đó một sự ngạo mạn…
tôi muốn đề nghị một lựa chọn khác, hãy tiếp cận văn học thế giới từ ý thức
hành tinh”. (72-3)
Những liên tưởng về hành tinh đã làm phong phú nghiên cứu
văn học cũng như chúng làm giàu có hơn hiểu biết của con người nói chung. Những
quan niệm gần đây về chủ nghĩa nhân văn hành tinh và ý thức hành tinh nhấn mạnh
đến việc cần phải phân tích các diễn ngôn văn chương, cũng như những diễn ngôn
sáng tạo khác, về những vấn đề cấp thiết liên quan đến thực trạng hay mới chỉ
là nguy cơ tiềm tàng của liên vùng và hành tinh. Paul Gilroy đã nói đến tầm
quan trọng của việc “hình thành một thứ chủ nghĩa có khả năng hiểu được tính phổ
quát của sự tổn thương ở cấp độ yếu tố bởi những sai lầm mà chúng ta gây
ra cho nhau”, cũng như “một ý thức hành tinh về bi kịch, sự mong manhm ngắn ngủi
của sự hiện sinh không thể phân chia được của loài người”. Tương tự, khi thảo
luận về giá trị của chấp nhận một hệ hình nghiên cứu mang ý thức hành tinh rõ
hơn, Dimock đưa ra vấn đề về tình trạng nô lệ – vấn đề, theo bà, mặc dù thường
được nghiên cứu trong phạm vi địa lý và niên biểu nước Mỹ, nhưng đã trở thành một
hiện tượng thực sự không nhận ra được khi nó diễn ra bên ngoài những tọa độ
không gian-thời gian này.” (Planet and America, 6). Tuy ở đây Dimock nói về việc
mở rộng nền tảng chứng cứ cho nghiên cứu lịch sử nhưng phê bình văn học cũng
nên đi theo con đường tương tự, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, chẳng hạn, mạng lưới
liên văn hóa của tình trạng nô lệ và sự lạm dụng các quyền con người khác. Một
đường hướng phê bình như vậy sẽ phân tích các tác phẩm văn chương như sản phẩm
vừa thuộc về thời gian-không gian đặc thù vừa thuộc về những kinh nghiệm mà con
người cùng chia sẻ. Nhưng đáng nói là, điều thậm chí quan trọng hơn cả việc
tăng cường ý thức hành tinh trong nghiên cứu văn học là việc nhận diện và phân
tích những mạng lưới liên văn hóa thương lượng quan hệ giữa con người và môi
trường, đặc biệt là những quan hệ liên đới đến sự xuống cấp của hệ sinh thái.
Cách tiếp cận này là cấp thiết vì một số lý do. Thứ nhất,
một định hướng như thế phản chiếu chính xác hơn khách thể mà tên gọi của nó bao
quát toàn bộ sự sống: “hành tinh”, chứ không phải “hoàn cầu” hay “thế giới”,
ngay lập tức vừa chỉ Trái Đất của chúng ta, nói đến cả sự đa dạng và tương tác
của các sinh thể sống – nhìn thấy được và không nhìn thấy được, con người và vô
nhân, sinh thể và vô sinh thể, cái vĩ mô và cái vi mô ở kích thước và tác động
– vốn hình thành, cư trú và chuyển di trên khắp địa cầu này. Thứ hai, như những
nhà hoạt động vì công bằng môi trường và các học giả nữ quyền luận sinh thái gần
đây cho thấy việc xem xét các tác phẩm văn chương nghệ thuật diễn tả mối tương
tác giữa con người và môi trường, trên thực tế, đào sâu sự hiểu biết không chỉ
về mối quan hệ này mà còn về mối quan hệ giữa con người với con người. Thứ ba,
và cũng quan trọng hơn cả, những nghiên cứu văn chương có thể giúp chúng ta
phát triển sâu hơn, nhiều sắc thái hơn những hiểu biết về mối tiếp xúc giữa con
người và những yếu tố vô nhân; những hiểu biết này lại có tiềm năng thúc đẩy
nhanh hơn những thay đổi văn hóa cần thiết cho việc điều hòa lại những hệ sinh
thái bị tàn phá, hạn chế nhiều hơn tình trạng xuống cấp của môi trường và bảo vệ
sức khỏe của con người.
Tuy nhiên, cuối cùng việc tăng cường ý thức hành tinh về
văn học đi xa hơn việc mở rộng không gian địa lý của nghiên cứu văn học và xa
hơn cả việc dịch chuyển đối tượng nghiên cứu từ mối quan hệ giữa con người với
con người đến việc bao hàm cả trong đó mối quan hệ giữa con người và môi trường
(tức là mạng lưới diễn ngôn về những mối quan hệ giữa con người và cái vô
nhân). Nó cũng bao hàm cả việc đánh giá tinh thần chủ nghĩa thế giới sinh thái
của những mối tương tác này: xem xét từng tác phẩm văn chương đơn lẻ, ngay cả
những tác phẩm dường như chỉ tập trung thể hiện những mối quan tâm môi trường
mang tính địa phương, cũng có thể làm tăng thêm ý thức về những hiện tượng văn
hóa xuyên quốc gia và xuyên văn hóa. Tương tự, nó cũng đòi hỏi chúng ta đánh
gia cách ứng xử của văn chương về những hiện tượng diễn ra trên quy mô rộng có
thể gia tăng nhận thức về những mối quan tâm ở phạm vi nhỏ hơn như thế nào.
Khủng hoảng sinh thái xuất hiện khắp nơi trên hành tinh của
chúng ta, với phạm vi thời gian và không gian địa lý vướt xa hơn bất cứ một mối
quan tâm cấp thiết mang tính toàn cầu nào. Hơn bất kỳ hiện tượng nào khác, khủng
hoảng môi trường hối thúc chúng ta phải suy nghĩ lại về sự sống của chúng ta,
những trách nhiệm của chúng ta từ hệ quy chiếu hành tinh. Thông qua những phân
tích xuyên văn hóa về các tác phẩm văn chương trực diện viết về sự tàn phá môi
trường vô nhân, chúng ta có thể có có được những cái nhìn thấu thị mới mẻ vào
những thách thức lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt, không cần quan tâm đến sự
chuyên biệt hóa nào: đâu là cách tốt nhất để tổng hợp và phân tách những động lực
(dynamics) của cái cục bộ, cái toàn cầu và mọi thứ ở giữa; đâu là cách tốt nhất
để tổng hợp và phân tách những khoảng khắc trong thời gian của người từ thời
gian của hành tinh và mọi thứ ở giữa?
Văn học hiếm khi nào đem đến những phương thuốc phổ biến,
nó lại càng ít đưa ra được những chính sách để ngăn ngừa những nguy cơ trong
tương lai hay khắc phục sự tàn phá đang diễn ra ở các cảnh quan; trong một số
trường hợp, bản thân văn chương thậm chí có thể còn tiếp tay cho những hành vi
phá hại môi trường mà nó tỏ ra xót xa. Nhưng việc đề ra các chính sách, ở đây
chưa bàn đến việc thực thi, đòi hỏi những thay đổi
trong ý thức – tức là trong hình dung, hiểu biết và kỳ vọng – đó là những thứ
mà văn học, nếu được đặt đúng chỗ, có khả năng tác động rất lớn. Chắc chắn, những
tụng ca về các kỳ quan thiên nhiên, ngay cả những trường hợp không đề cập gì đến
những môi trường bị tổn thương, cũng có khả năng làm lay động người đọc sâu sắc,
từ đó, thúc đẩy ý thức về môi trường. Bên cạnh đó, việc tôn vinh thiên nhiên,
ngay cả trong những tác phẩm được xuất bản ở những xã hội đang phải chịu đựng
tình trạng khủng hoảng môi trường nghiêm trọng cũng không phải là những sản phẩm
tất yếu của sự không biết hay của ham muốn có vẻ như tích cực nhằm che giấu những
hệ sinh thái bị phá hoại. Thay vào đó, đôi khi chúng là sự phản đối những thay
đổi đang xảy ra trong thế giới kinh nghiệm. Tuy nhiên, một cách trực diện hơn,
diễn ngôn văn chương về ô nhiễm, khủng hoảng môi trường – dù là phản ánh thực
trạng hay tưởng tượng về những viễn cảnh có thể/không thể xảy ra đi nữa, dù được
lồng vào bên trong những hình thức ca tụng, tôn vinh tự nhiên hay trở thành
trung tâm của một văn bản – đều nhấn mạnh rất rõ ràng những thách thức trực tiếp
mà các hệ sinh thái thuộc đủ mọi loại phải đương đầu. Tác phẩm văn chương trực
tiếp đề cập đến sự tàn phá môi trường cũng có thể cho thấy những khó khăn trong
việc xác định chính xác các nguyên nhân dẫn đến thực trạng này cũng như gợi ý
những giải pháp hiệu quả. Và ở những mức độ khác nhau, những tác phẩm này đã đề
cập đến một trong những sự mơ hồ lớn nhất của những biến đổi do con người gây
ra đối với cảnh quan môi trường: đến mức độ nào thì những biến đổi này thật sự
đáng lưu tâm, về mặt đạo đức cũng như về mặt sinh thái, qua không gian và thời
gian? Văn chương chú ý phát hiện, miêu tả những hệ sinh thái bị đe dọa để từ đó
nêu bật sự cấp thiết của một nhận thức tốt hơn về những sự phức tạp bao trùm,
xuyên thấm những mối quan hệ giữa con người và môi trường, bao hàm cả những cố
gắng của con ngời nhằm bảo vệ hay khắc phục các yếu tố vô nhân. Thứ văn chương
này cũng trực tiếp nói đến những hậu quả khi không thể làm được điều đó. Nguy
cơ lớn ở đây không phải là sự mất đi cái tự nhiên hoang dã phủ hào quang được
tưởng tưởng tượng mà đáng kể hơn nữa, chính là sự mất mát sự sống thật sự của
con người và của cả những yếu tố vô nhân.
KAREN THORNBER
Hải Ngọc dịch
Nguồn: KarenThornber,
“Ecocritical and Literary Futures”
in East Asian Ecocriticisms. A Critical Reader
(Literatures, Cultures, and the Environment),
ed. by Simon C. Estok and Won-Chung Kim, NY: Palgrave
MacMillan (2013).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét