Thứ Tư, 12 tháng 6, 2019

NHỮNG TƯƠNG LAI CỦA PHÊ BÌNH SINH THÁI VÀ VĂN HỌC - KỲ 1

Ta hãy bắt đầu từ một dự án khu đô thị là điểm nóng của những mâu thuẫn chính trị xã hội trong thời gian vừa qua – dự án EcoPark ở Văn Giang (Hưng Yên). Tên gọi của dự  án đã hàm ẩn trong đó một môi trường sống lý tưởng, nơi con người hòa hợp với thiên nhiên, hưởng bầu không khí trong lành, thanh bình, xa lánh những ồn ào, bụi bặm của đô thị. Người thực hiện dự án này đã thỏa mãn cái tâm lý muốn được kết nối lại với thiên nhiên của những cư dân đô thị bằng cách bứng cả những cây cổ thụ từ rừng về trồng để tạo ra một không gian xanh thoáng đáng, hiền hòa. Nhưng môt khu đô thị thân thiên với môi trường như thế, thực chất, lại được hình thành trên sự bất công về môi trường (ở đây, tạm thời chưa nói đến viêc tranh cháp đất đai): nó chỉ dành cho một bộ phận người dân có thu nhập cao trong khi đó lại đẩy những người nông dân vốn găn bó vơi ruộng đồng bị cắt lìa với không gian quen thuộc nuôi dưỡng đời sống vật chất và tinh thần của họ; cảnh quan đẹp ơ đây lại được tạo nên từ kết quả sự tàn phá một cảnh quan khác.

Nhìn rộng ra, vấn đề bất công môi trường không phải là một hiện tượng cá biệt, mang tính địa phương. Nó còn là vấn đề mà nhiều nước bị xếp vào nhóm thế giới thứ ba phải chấp nhận để trả giá cho sự phát triển kinh tế. Một hiện tượng như hãng Vedan xả nước thải ô nhiễm, có chứa chất gây ung thư ra sông Thị Vải cho thấy vấn đề môi trường không tồn tại biệt lập mà bao hàm trong/liên đới đến hàng loạt quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa phức tạp diễn ra trên phạm vi toàn cầu.

Cách con người tương tác với môi trường chịu sự chi phối mạnh mẽ của những ý niệm/diễn ngôn về môi trường. Phân tích các diễn ngôn này nằm trong số những nhiệm vụ quan trọng nhất của phê bình sinh thái – một khuynh hướng lý thuyết phê bình đang phát triển rất năng động hiện nay, đặc biệt ở Anh-Mỹ. Đây là một lý thuyết liên ngành, kết hợp giữa văn học và khoa học, giữa phân tích văn chương và rút ra những cảnh báo về môi trường. Nó có thể không đưa ra được những giải pháp trực tiếp cho những vấn đề môi trường nghiêm trọng hiện nay nhưng bằng cách phân tích các diễn ngôn về thiên nhiên và môi trường, nó có thể tác động đến tâm thức con người, điều chỉnh nhận thức, khắc phục những ngộ nhận về môi trường, để từ đó, có những hành động đúng đắn hơn, hướng đến sự phát triển bền vững và xa hơn, đồng thời là quan trọng hơn cả, là hình thành một chủ nghĩa nhân văn mới, ở đó, con người biết nghe tiếng nói của thiên nhiên để đối thoại với nó.

Karen Thornber là một học giả mới nổi trong lĩnh vực phê bình sinh thái. Bà đã sang VN thuyết giảng về  lý thuyết này. Công trình của bà Ecoambiguity: Environmental Crises and East Asian Literatures (2012) [Sự mơ hồ sinh thái: Khủng hoảng môi trường và văn học các nước Đông Á (Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan)] vừa được Hiệp hội nghiên cứu văn học so sánh Hoa Kỳ trao giải Honorable Mention Wellek Prize 2013.  Đóng góp lớn nhất của công trinh này là Thornber  đã sáng tạo đươc một khái niệm – ecoambiguity-như một khái niệm phản ánh đặc trưng phổ biến của diễn ngôn về môi trường, thiên nhiên trong các nền văn hóa Đông Á, từ đó dẫn đến những ngộ nhận không nhỏ trong ý thức và cách ứng xử đối với môi trường của con người trong khu vực. Những ngộ nhận này, đến lượt chúng, lại dẫn đến những bất công môi trường. Karen Thornber cũng đề nghị  phê bình sinh thái cần thiết phải đi theo hướng tiếp cận so sánh trong bối cảnh các vấn đề  môi trường không phải là vấn đề mang tinh địa phương nữa. Thậm chí, như trong bài viết mà tôi dịch dưới đây, bà còn cho rằng ý thức hành tinh (planet consciousness) cần phải được thấm đẫm vào trong nghiên cứu phê bình sinh thái. Theo tôi hiểu,  ý niệm hành tinh được Karen Thornber đề xuất thay cho những từ xác định không gian địa lý như transnation, globe, world… không phải chỉ vì đó là ý niệm không gian rộng nhất, bao trùm cả sự sống con người và cả sự sống của các thành tố vô nhân (nonhuman) mà còn vì nó đó là ý niệm không gian không bị phân cắt, không bị chiếm dụng để tạo ra những sự bất đối xứng về không gian, từ đó, dẫn đến bất bình đẳng về văn hóa và môi trường.  Chẳng hạn, khái niệm thế giới vẫn đang bị chia thành thế giới những nước phát triển, đang phát triển và chậm phát triển, hay khái niệm toàn cầu hóa vẫ n gợi liên tưởng đến quá trình đồng hóa của những “đế quốc mới” trong thời đại mới.  Bài dịch dưới dây là lời bạt mà Karen Thornber viết cho tuyển tập East Asian Ecocriticisms. A Critical Reader (Literatures, Cultures, and the Environment) [Phê bình sinh thái Đông Á: Tuyển tập phê bình (Các nền văn học, văn hóa va môi trường)] (2013), trong đó giới thiệu những nhà nghiên cứu trong và ngoài khu vực về  diễn ngôn môi trường, thiên nhiên trong văn chương Đông Á. Rất tiếc không có mặt của một học giả VN nào ở đây và văn chương VN cũng đứng ngoài cuộc thảo luận của các học giả. Nhưng cá nhân tôi cho rằng phê bình sinh thái có thể  tìm thấy ở  văn chương, mỹ thuật, điện ảnh, nghệ thuật đương đại VN nhiều “ca” thú vị để nghiên cứu. Đây cũng là một hướng nghiên cứu mà tôi có ý định thể nghiệm trong tương lại.

Trong tình hình dịch thuật luôn có khả năng sai, nhất là dịch thuật học thuật, việc giới thiêu bản dịch này là một sự liều linh của tôi. Bản dich mới chi là bản thảo và tôi sẽ tiếp tục sửa chữa dần dần.

Cuối cùng, trước khi giới thiệu phần  1 bài dịch, xin giới thiệu link bài thuyết trình của Karen Thornber về phê bình sinh thái và văn chương Đông Á:

*

Những sản phẩm văn hóa của loài người đã thương thỏa với những biến đổi về sinh thái, hiểu theo nghĩa chúng đã phát lộ, diễn dịch lại và nhào nặn những biến đổi này, kể từ thời tiền sử. Những tranh vẽ trong hang động thời kỳ đồ đá cũ có niên đại chắc chắn sớm hơn 30.000 năm trước công nguyên cho thấy nhiều góc nhìn khác nhau về các hoạt động của người nguyên thủy làm môi trường bị biến đổi. Ngôn ngữ con người đóng một vai trò thậm chí còn quan trọng hơn trong hệ sinh thái đang và đã bị biến đổi. Nó đã được sử dụng để chế ngự, mô tả, biện hộ, tôn vinh, kết án, khuyến khích sự cải thiện môi trường,  làm chệch hướng và đồng thời thu hút sự chú ý đối với cách con người ứng xử với môi trường. Các văn bản truyền miệng và văn bản viết trên khắp thế giới từ ngàn năm nay đã không chỉ cố gắng khám phá việc con người bị ảnh hưởng như thế nào bởi môi trường xung quanh mình mà còn cả việc con người đã biến đổi môi trường ở mọi nơi như thế nào và tại sao họ làm vậy. Những quy chiếu trong văn chương về sự kiến tạo, cư ngụ và phá dỡ những môi trường đã được hình thành cũng như liên quan đến việc săn bắn, canh tác, ăn uống đều đem đến cho chúng ta cái nhìn thấu thị về những cảnh quan bị biến đổi. Ngay cả những văn bản không có hình tượng con người thì chúng cũng thường ít nhất đề cập đến sự biến đổi các môi trường do con người gây nên. Về phần mình, văn chương thế giới – được hiểu rộng rãi như là các văn bản sáng tạo được lưu truyền vượt ra khỏi nền văn hóa cội nguồn của chúng – kể từ Sử thi Gilgamesh (thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên) đã mô tả con người như kẻ những kẻ làm thay đổi triệt để môi trường xung quanh mình.

Ngược lại, phải đến những năm 1990, nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và môi trường vật chất mới trở thành một trào lưu tri thức được xác định rõ ràng. Chắc chắn, bất chấp việc khởi điểm của nó thực sự mới chỉ được tính từ gần đây, phê bình sinh thái (nghiên cứu văn học được định hướng về chủ đề môi trường) đã nhanh chóng phát triển thành một lĩnh vực đa dạng, liên ngành, một hướng nghiên cứu mới hình thành không bị ràng buộc vào bất kỳ một phương pháp đơn lẻ nào hay một giáo điều, một cam kết theo quan điểm môi trường luận nào. Trong cuốn The Cambridge  Introduction to Literature and the Environment (2011), Timothy Clark nhận định rằng “phê bình sinh thái đã tạo được một khu vực hoạt động rất năng động, chưa đánh giá hết được, nơi các vấn đề, các chuyên ngành học thuật và chính trị giao cắt nhau. Sức mạnh tiềm tàng của nó không phải ở chỗ nó chỉ như một nhánh phê bình văn học khác, được đặt bên trong những biên giới thiết chế đã có sẵn mà ở chỗ nó là một cách tiếp cận mang tính khiêu khích cả trong việc phân tích văn học lẫn những vấn đề vừa đồng hiện, vừa che khuất lẫn nhau của khoa học, đạo đức, chính trị và thẩm mỹ” (8). Còn trong cuốn Sense of Place and Sense of Planet (2008), Ursula Heise cho rằng: “Thay vì tập trung vào sự khôi phục cảm quan về nơi chốn, thuyết môi trường luận (bao gồm cả phê bình môi trường) cần thiết phải thúc đẩy một nhận thức về cách mà cả một phạm vi rất đa dạng rộng rãi những nơi chốn và quá trình trong tự nhiên cũng như trong văn hóađã kết nối lẫn nhau, nhào nặn lẫn nhau như thế nào trên khắp thế giới” (21). Những nhận định này đã nhấn mạnh đến một số thay đổi cơ bản mà phê bình sinh thái đã trải qua trong hai thập niên gần đây.

Những nhà phê bình sinh thái đầu tiên, một phần do dựa vào lý thuyết sinh thái học chiều sâu (deep ecology), thường đi theo cách tiếp cận sinh học trung tâm luận (biocentric) hoặc theo quan điểm bảo tồn (preservationist). Cách tiếp cận này chủ yếu tập trung xung quanh những sáng tác về đề tài thiên nhiên, quan tâm đến khả năng của văn chương trong việc tạo nên những khuôn mẫu về các giá trị mà ở đó môi trường là trung tâm (ecocentric values), cũng như chú ý đến những cách miêu tả của văn chương về những mối quan hệ về mặt sinh học, tâm lý học và tâm lý giữa con người và thế giới tự nhiên. Kiểu phê bình sinh thái này quan tâm đến trạng thái gắn với nơi chốn (place-attachment) ở phạm vi địa phương hay vùng miền, như ta có thể thấy được qua các tác phẩm của Wendell Berry (1934-), bao gồm hai cuốn The Unsettling of America (1977) và Standing by Words (1983), và Gary Snyder với những cuốn như The Practice of the Wild (1990) và A Place in Space (1995). Bước sang thế kỷ XXI, phê bình sinh thái bắt đầu hướng theo một quan điểm thiên về tính chất nhân chủng học và đặt bình diện xã hội làm trung tâm; giờ đây giới nghiên cứu lại tập trung vào mảng văn học về thành phố và quá trình công nghiệp hóa cũng như vấn đề công bằng/bất công môi trường cùng những vấn đề xã hội liên đới, đặc biệt trong bối cảnh mà những vấn đề về sắc tộc, về các nhóm thiểu số, cộng đồng bản địa, chủ nghĩa hậu thực dân, cộng đồng lưu vong và chủ nghĩa thế giới trở thành mối quan tâm hàng đầu. Theo đó, nó dịch chuyển mối quan tâm về nơi chốn từ phạm vi địa phương sang phạm xuyên quốc gia hay toàn cầu.

Không có gì ngạc nhiên khi hai khuynh hướng chính này lại có nhiều điểm chung. Cả hai đều bao hàm một sự gắn kết chặt chẽ, bền bỉ với tất cả những hình thức truyền thông biểu hiện, từ các văn bản in đến sự trình diễn thị giác, âm nhạc, điện ảnh cũng như các tài liệu pháp lý và các báo cáo của NGO. Những mối quan tâm khác đang diễn ra bao gồm nghiên cứu tu từ học về môi trường; nữ quyền luận môi trường gắn theo đó là những mô hình khoa học, đặc biệt là từ tiến hóa luận sinh học, sinh thái học và các khoa học thông tin; những khác biệt trong quan niệm về môi trường dựa trên phái tính và di sản văn hóa, thí dụ như truyền thống bản địa; sự tưởng tượng văn chương về các mối quan hệ giữa con người và thú vật.

Tính đến nay, cả hai khuynh hướng phê bình sinh thái này đã tạo được những đột phá quan trọng, trong đó có cả việc chúng đã phát hiện lại tầm quan trọng của những thể loại và thể tài văn chương gần như bị quên lãng như các sáng tác về đề tài thiên nhiên, các tự sự về tình trạng bị nhiễm độc của môi trường và con người, thơ ca và kịch sinh thái (ecopoetry/ ecodrama) – những thể loại/thể tài quan tâm đến mối quan hệ giữa con người và môi trường xung quanh họ. Phê bình sinh thái cũng diễn dịch lại sự cấu thành các hệ đề tài liên quan đến môi trường như đề tài mục ca, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc gắn với môi trường, tư tưởng tận thế gắn với môi trường (ecoapocalypticism). Đồng thời nó cũng phát hiện những nội dung “ngầm” về môi trường trong một loạt các văn bản nghệ thuật. Gần đây nhất, phê bình sinh thái đã chú ý đến những thể loại và hình thức truyền thông đa dạng khác ngoài văn bản viết, gồm cả truyện tranh, phim hoạt hình, mỹ thuật sinh học (bioart), kiến trúc xanh, các nguồn dữ liệu kỹ thuật số – điều này đã làm thay đổi cách các học giả nghĩ về nội dung của phê bình sinh thái.

Ngành nhân văn môi trường (environmental humanities) đã cho thấy rất rõ nhiều khả năng môi trường địa phương, vùng miền và toàn cầu bị đẩy vào tình trạng nguy hiểm bởi chính những can thiệp có vẻ như mang tính nhân văn của con người. Song những thách thức quan trọng vẫn còn đó, cả về mặt văn hóa (tức trên phương diện ngôn ngữ và địa lý) và khái niệm.

Phê bình sinh thái thường được định nghĩa khá rộng. Chẳng hạn, Scott Slovic xem đó là khuynh hướng phê bình “khảo sát cặn kẽ những ngụ ý về môi trường sinh thái và quan hệ giữa con người – tự nhiên trong bất kỳ văn bản văn chương nào, kể cả những văn bản (thoạt nhìn) dường như không để ý gì đến thế giới không con người (non-human world)” (27). Các nhà nghiên cứu cho rằng tương lai của phê bình sinh thái được nằm ở việc nó thể hiện được mối quan tâm của văn học về tình trạng của môi trường, đặc biệt là cách văn học tra vấn về vấn đề môi trường như “một thể nghiệm tư tưởng… được phức tạp hóa bởi sự đa bội các diễn ngôn và từ chối nhận lấy những vị trí cố định”.

Nhưng bất kể phép tu từ nói về khả năng dung nạp của phê bình sinh thái, ngay từ những ngày đầu khi lĩnh vực này mới hình thành, các nhà phê bình trên thực tế đã tự giới hạn phạm vi nghiên cứu mình trong văn chương được viết bằng ngôn ngữ của các nước phương Tây, đặc biệt là văn học Mỹ khu vực Anh ngữ nói riêng. Thậm chí ngay cả ở châu Á, những thảo luận về mối quan hệ giữa văn học và môi trường bị tàn phá cũng tập trung một cách bất cân xứng vào văn học phương Tây với những ví dụ chủ yếu được lấy từ văn học của khối Anh ngữ. Những năm gần đây chứng kiến sự sôi động của thuyết môi trường luận và hậu thực dân luận. Những phân tích hàm ý về môi trường ở các văn bản từ các nước châu Phi, châu Mỹ La-tinh (bao gồm cả khu vực Carribean), các đảo Thái Bình Dương, Nam Á, và những so sánh về “sự tưởng tượng môi trường” (environmental imagination) của các nước phát triển ở phía Bắc vốn có nhiều đặc quyền hơn với “thuyết môi trường luận của dân nghèo” ở các nước đang/chậm phát triển thuộc phía Nam toàn cầu cũng đã có đóng góp quan trọng trong việc mở rộng quan điểm về những mối quan hệ giữa con người và thế giới tự nhiên trên khắp thế giới. Không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của những tri thức học thuật này đối với các ngành nhân văn và xa hơn thế. Song chúng vẫn bị loay hoay bởi chính trọng tâm dồn vào văn học phương Tây của mình; chúng thường trở đi trở lại với một vài dẫn chứng quen thuộc, gần như loại trừ các văn bản đến từ những khu vực viết bằng những ngôn ngữ khác. Chúng không hề khảo sát văn học của khu vực Đông Á, một khu vực với lịch sử thuộc địa nhiều chấn thương mặc dù hiếm khi được ngành nghiên cứu hậu thực dân chú ý đến; một khu vực, hơn nữa, là nơi tập trung ba nền kinh tế lớn nhất thế giới và dân số chiếm ¼ thế giới.

Văn hóa Đông Á từ lâu được gắn với hệ thống những niềm tin chủ trương tôn sùng thiên nhiên, đặc biệt là Phật giáo, Khổng giáo, Đạo giáo và Shinto cũng như nhiều triết lý và tôn giáo bản địa. Những phương thức tư tưởng này đã khơi gợi ý thức về môi trường của rất nhiều người châu Á cũng như người Mỹ, châu Âu và một phạm vi nhỏ hơn là các trí thức Trung Đông và châu Phi. Những hình dung phổ biến ở trong và ngoài Đông Á thường cho rằng tình trạng môi trường bị xuống cấp ở khu vực này bắt đầu xảy ra từ cuối thế kỷ XIX, khi người dân  Đông Á, dưới áp lực của các quốc gia Tây phương, đã tiếp thu, đồng hóa kỹ thuật và các ngành công nghiệp của họ. Song thực chất, các xã hội Đông Á đã kế thừa cả hàng ngàn năm môi trường bị thoái hóa nghiêm trọng. Rhoades Murphey đã đi rất xa khi tranh luận:

“Tất cả những nền văn hóa châu Á thuộc khu vực ở phía đông Afghanistan và phía nam khu vực thuộc Liên Xô cũ từ lâu đã được biết đến như là những nền văn hóa tôn sùng thiên nhiên… Điều này được xem như đối lập với quan điểm của phương Tây. Thế nhưng những tư liệu ở châu Á lại cho thấy rõ rằng bất chấp những giá trị mà giới tinh hoa trí thức ở đây tuyên xưng, người dân đã làm biến đổi  hoặc phá hủy môi trường châu Á sớm hơn và ở mức độ lớn hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, thậm chí so với cả phương Tây thế kỷ XX.” (“Góc nhìn châu Á” 36).

Murphy có lẽ đã quá lời trong trường hợp này vì những biến đổi môi trường mà người dân Đông Á trước đây gây nên không thể bằng với mức độ mà các xã hội phương Tây thế kỷ XX tạo ra được.

Tuy nhiên, sự không tương hợp giữa những niềm tin và những hành vi ở đây là rất đáng lưu tâm. Như nhà sử học Mark Elvin đã nhận xét về Trung Hoa:

“Trải qua hơn ba ngàn năm, người Trung Hoa đã tạo hình lại đất nước Trung Hoa. Họ phá rừng và thảm thực vật nguyên sinh, đắp những sườn đồi và biến những bậc thung lũng thành những cánh đồng. Họ đã đào, đã xây đập, đã làm chệch dòng chảy của sông hồ. Họ đã săn bắn và thuần hóa những loài động vật và chim muông, dẫn đến chỗ họ tàn phá chính môi trường sống của mình như một hệ quả phụ của việc theo đuổi mục đích cải thiện kinh tế. Đến cuối thời kỳ phong kiến, hầu như chẳng có gì có thể được gọi là ‘tự nhiên’, chưa bị chạm đến bởi quá trình bóc lột và cải hóa này… Một nghịch lý nằm ngay trong chính thái độ của người Trung Hoa đối với phong cảnh. Một mặt, phong cảnh được nhìn nhận như một phần của quyền năng tối thượng thiêng liêng. Minh triết dạy rằng con người cần hòa mình vào nhịp điệu của phong cảnh và cần phải ý thức được sự bất lực của mình trong việc nhào nặn lại nó. Nhưng mặt khác, trên thực tế, phong cảnh lại bị thuần hóa, bị biến dạng và khai thác đến mức hầu như có rất ít sự tương đương trong thế giới tiền hiện đại.” (321,323).

Heiner Roetz đã mở rộng luận điểm này, khẳng định quả quyết rằng ở Trung Hoa thời kỳ cổ -trung đại, “một sự đồng cảm với thiên nhiên, như được biểu hiện trong sách Trang Tử, chỉ là một phản ứng đơn giản chống lại những gì thật sự đang diễn ra”. (85)

Roetz đã phóng đại điểm này. Không phải tất cả những biểu hiện của sự đồng cảm, càng không thể nói những hình thức sùng bái thiên nhiên, thậm chí ngay cả những nghi thức bắt nguồn từ các xã hội làm biến đổi đáng kể môi trường, đều có thể được đọc như là những phản ứng chống lại hoàn cảnh thực tế. Nhưng đa phần đều có thể cung cấp những hình dung khác về những gì đang diễn ra trong môi trường lúc bấy giờ, chứ không chỉ đơn giản là biểu hiện của sự trân trọng, tôn thờ thiên nhiên. Dân Đông Á từ lâu đã có một ý thức sâu sắc về những tổn thất mà con người gây ra đối với môi trường, song  mặc dù đã có những cam kết của các cá nhân, tổ chức, chính phủ nhằm khắc phục những thiệt hại hiện còn và hạn chế những tác hại xa hơn, sự xuống cấp của môi trường trong khu vực, nhìn chung, vẫn cho thấy những dấu hiệu của hệ lụy dai dẳng từ truyền thống đến giờ. Chắc chắn, nhiều vấn đề môi trường nổi cộm nhất ở Đông Á đã được cải thiện hơn trong vài thập niên gần đây, trong đó có vấn đề ô nhiễm không khí và nguồn nước tại đô thị ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Hoa – ở một phạm vi nhỏ hơn. Như khi quy mô dân số và mật độ phân bố thay đổi, phong cách sống biến chuyển, thì tình trạng, hay đúng hơn phạm vi của sự xuống cấp môi trường cũng thay đổi theo. Thí dụ, trong nhiều trường hợp, ô nhiễm chỉ đơn thuần là bị xuất ra, chứ không phải được khắc phục triệt để, điều này tạo nên nhiều hệ sinh thái phủ bóng (shadow ecologies).

Tương tự, văn học châu Á vốn nổi tiếng bởi sự tôn vinh vẻ đẹp của thiên nhiên và miêu tả con người trong sự gắn bó sâu sắc với thế giới tự nhiên. Nhưng phân tích văn xuôi hư cấu và thơ ca Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan hàng trăm năm qua lại cho thấy những nền văn học này lại dồi dào diễn ngôn về sự suy thoái của môi trường (ecodegradation) đến mức có thể gây ngạc nhiên cho những độc giả vốn quen với những hình ảnh đã thành ước lệ về sự hài hòa với môi trường sinh thái của người châu Á. Các nghệ sĩ và triết gia Đông Á từ lâu đã lý tưởng hóa sự tương tác giữa con người với môi trường vô nhân xung quanh họ (nonhuman surroundings). Cách thể hiện của họ tạo ra ấn tượng rằng người Đông Á, không như người Mỹ hay người châu Âu, có sự nhạy cảm cố hữu đối với môi trường, rằng họ yêu thiên nhiên và hòa hợp với nó. Tuy nhiên, việc lãng mạn hóa những mối quan hệ giữa con người và môi trường của họ thường là sự thách thức hơn là sự phản ánh cái hiện thực mang tính kinh nghiệm. Quan trọng hơn, phần lớn văn chương, thơ ca Đông Á hiện đại, thậm chí  ngay cả một số sáng tác tiền hiện đại, lại đi vào miêu tả con người tàn phá mọi thứ từ những không gian nhỏ đến toàn bộ lục địa.

Các nhà nghiên cứu  khoa học xã hội và khoa học tự nhiên trong và ngoài khu vực Đông Á đã viết nhiều về những vấn đề môi trường ở Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan thời hiện đại và tiền hiện đại, về nhiều phong trào và tổ chức chống lại sự xuống cấp của hệ sinh thái, về những phản ứng chính thống của địa phương, các vùng lãnh thổ, quốc gia trước tình trạng này. Ngược lại, phần lớn những nghiên cứu theo quan điểm chủ nghĩa nhân văn trong văn chương Đông Á khi thảo luận về mối tương tác giữa con người và thiên nhiên lại chỉ tập trung vào việc thiên nhiên dưới ngòi bút sáng tạo của các nhà văn hiện lên như thế nào, tức là dành sự chú ý đến cách văn chương ca tụng thiên nhiên, miêu tả thiên nhiên như nơi lánh trú, thường mang tính chất tưởng tượng, khỏi xã hội con người; những bức tranh văn chương mô tả sự hòa điệu của con người với thiên nhiên; hay, ở mức độ ít thường xuyên hơn, là hình ảnh con người bị khuất phục bởi những thảm họa như tuyết lở, động đất, lũ lụt. Hầu như chưa có mấy công trình bàn về những cách thương thỏa sáng tạo với những tổn thất về môi trường được thể hiện trong văn chương Đông Á, bất chấp sự hiện diện hàng ngàn năm nay của thực tế này trong văn chương Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, đặc biệt là ở mảng tư liệu văn học thế kỷ XX-đầu thế kỷ XXI của khu vực.

Do những điều kiện môi trường và những phản ứng đối với những điều kiện này có sự khác biệt rất đáng kể giữa các nước trong khu vực, thậm chí ngay giữa những vùng miền khác nhau ở Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, những suy tư trong văn chương Đông Á về mối quan hệ giữa con người với môi trường, đặc biệt là những mối quan hệ bao hàm sự biến đổi được gây ra đối với thế giới vô nhân, cũng có sự khác biệt rất lớn theo không gian và thời gian. Trong những năm tới, các nhà phê bình sinh thái sẽ cần phải hướng đến nhiều nền văn học hơn. Như tuyển tập này cho thấy, những nền văn học đa dạng ở Đông Á là mảnh đất màu mỡ cho nghiên cứu phê bình sinh thái ở thế kỷ XXI.

Song ngay cả khi phê bình sinh thái không dồn toàn bộ sự chú ý của mình vào các văn bản và cảnh quan trong các ngôn ngữ phương Tây, đặc biệt là Mỹ thì văn chương Đông Á, cũng như những nền văn học phi phương Tây khác, xét đến cùng, không thể được xem xét một cách cô lập. Chắc chắn, lĩnh vực này sẽ được hưởng lợi khi có nhiều học giả hơn quan tâm đến văn chương Đông Á và những văn bản ngoài phương Tây khác. Như Simon Estok đã nêu ngay trong lời giới thiệu, những phản ứng đối với tình trạng khủng hoảng môi trường, thậm chí ở quy mô toàn cầu đi nữa, thường mang tính địa phương như một tất yếu, với những biểu hiện văn hóa khác nhau. Việc khảo sát những ngữ cảnh và nền văn học địa phương này là một nhiệm vụ cấp thiết, không đơn thuần chỉ nhằm lập lại thế cân bằng trước tình trạng nghiên cứu trong lĩnh vực này quá dồn vào sáng tác viết bằng tiếng Anh mà còn để đào sâu hơn nhận thức, hiểu biết của con người về nhiều cảnh quan văn hóa đa dạng trên thế giới. Và tuyển tập này đã đưa ra những ví dụ rất thú vị về sự thực hành phê bình sinh thái trong những ngữ cảnh dân tộc và văn  hóa đặc thù.

Mặt khác, tuy văn hóa và những vấn đề môi trường là hai phạm trù riêng biệt nhưng chúng không phải là những hiện tượng đơn nhất và toàn cầu hóa phê bình sinh thái cũng là một nhiệm vụ cấp thiết. Chính là vì việc hệ sinh thái bị tàn phá là một hiện tượng toàn cầu nên những cách ứng xử của văn chương đối với tình trạng bị hủy hoại của môi trường thường vượt qua những nền văn hóa sản xuất và có thể xem những cách ứng xử này cùng hình thành nên các mạng lưới các chủ đề và khái niệm liên văn hóa. Xem xét những mạng lưới này sẽ là một phần của thực hành phê bình sinh thái, nếu không muốn nó đó còn là tương lai văn học. Trên thực tế, tôi cho rằng lý tưởng nhất là khi những hệ thống văn chương được nghiên cứu không chỉ trên đường ranh giới văn hóa/dân tộc mà phải còn trong những mạng lưới chủ đề và khái niệm mang tính liên văn hóa. Những mạng lưới quan trọng nhất đều hướng đến những vấn đề có ý nghĩa toàn cầu như đói nghèo, bệnh tật, tình trạng nô lê, chiến tranh và sự tàn phá môi trường. Chú ý đến những mạng lưới này, ta sẽ thấy văn học đã sẵn sàng vượt quá tất cả mọi dạng biên giới: môi trường, chính trị và quản lý, kinh tế, nhân khẩu, văn hóa và xã hội.

Những mạng lưới liên văn hóa là những mạng lưới các văn bản sáng tạo từ nhiều nền văn hóa tập trung vào những chủ đề gần gũi, cho dù tác giả của những văn bản này có chủ động tác động, gây ảnh hưởng đến văn bản của tác giả khác hay không. Werner Sollos đã chú ý đến tầm quan trọng của việc xem xét sự kiên định khi theo đuổi một đề tài:

“Bằng việc biến một đề tài cụ thể thành hằng số, sự kiên định và phạm vi của văn học có thể bắt đầu được phác họa; cùng lúc, nhiều biến số khác được mở ngỏ, mời gọi sự so sánh xuyên các thể loại và thời kỳ văn học… Điều có vẻ như mơ hồ, bí ẩn ở một tác phẩm đơn lẻ có thể được làm rõ khi tham chiếu với những văn bản văn chương và phi văn chương khác; dấu hiệu dường như mang tính cách tân cực đoan ở một văn bản hóa ra lại có thể được chia sẻ rộng rãi bởi những văn bản văn chương ra đời trước đó và những tài liệu khác; cái được ngợi ca như là sự hoàn thiện (hay như các nhà phê bình mới gọi là “sự thống nhất về đề tài”) của một văn bản đơn lẻ lại có thể nhìn nhận công bằng chúng chỉ là sự cấu hình lại những đề tài quen thuộc từ nhiều văn bản khác, có sắc thái hóa thêm ở mức độ nhất định.; những gì được xem là motif xác định trong văn chương của một nhóm sắc tộc có thể lại là đặc điểm được chia sẻ trong văn chương của nhiều nhóm sắc tộc, nhiều quốc gia khác; cái được nhìn nhận như một “sự lật đổ” một thành tố truyền thống gây sửng sốt và chú ý, tự thân nó, rất có thể lại thuộc về một truyền thống nào đó.” (25-6)

Tương tự, Rob Nixon đã  rất có lý khi đề nghị thay vì tự động phong cho những văn bản văn chương xoay quanh những vấn đề môi trường như quyền sử dụng đất đai, thử vũ khí hạt nhân, ô nhiễm, tràn dầu thành những điển phạm của văn chương viết về môi trường của một dân tộc, chúng ta nên đặt những tác phẩm này trong một ngữ cảnh quốc tế và xem xét chúng từ góc nhìn so sánh. Làm như vậy, chúng ta không chỉ có thể  đa dạng hóa các điển phạm văn chương về môi trường mà còn có thể xác lập lại các hệ hình phổ biến của các điển phạm này. Khảo sát văn chương viết về dầu mỏ, chẳng hạn, có thể cho phép ta khám phá những mối quan hệ giữa các văn bản của nhiều nhà văn khác nhau như các tác giả Mỹ Edna Ferber (1885-1968), Linda Hogan (1947-), Joe Kane (1899-2002) và Upton Sinclair (1878-1968); các nhà văn Nigeria như Ken Saro-Wiwa (1941-1995), John Pepper Clark (1935-) và Tayo Olafioye; và tiểu thuyết gia viết tiếng Arab người Jordan, Abdelrah-man Munif (1933-2004).

Đi xa hơn một bước trong việc tái cấu hình những hệ hình phê bình sinh thái là việc tập trung không phải vào những mạng lưới quốc gia hay thậm chí những mạng lưới được hình thành xung quanh một vấn đề môi trường cụ thể (mạng lưới đề tài) mà thay vào đó, là những mạng lưới được hình thành xung quanh những khái niệm (mạng lưới khái niệm). Thực sự nếu chỉ mở rộng phạm vi ngôn ngữ và địa lý của các văn bản đưa vào phân tích thôi thì chưa đủ. Lĩnh vực này còn cần đến những khái niệm mới, những cách tiếp cận lý thuyết mới, đặc biệt không bị giới hạn trong phạm vi những cư dân, những thời đại cụ thể. Chẳng hạn, trong cuốn Ecocritical Explorations in Literature and Cultural Studies, Patrick Murphy đã kêu gọi phát triển một thứ “lý thuyết phê bình sinh thái xuyên quốc gia”, nghĩa là ông muốn nói đến “một lý thuyết có thể cắt ngang, tức, băng qua những giới hạn của quan điểm và biên giới quốc gia… Tránh rơi vào chủ nghĩa địa phương không có nghĩa là thực hành một thứ chủ nghĩa phổ quát; nó cũng không có nghĩa là bỏ rơi ý niệm rằng phê bình sinh thái, cho dù ở bất cứ hình thức đa dạng nào, là môt thực hành văn chương, văn hóa quan trọng, thích đáng và cần thiết, cần phải được đẩy mạnh trên phạm vi toàn thế giới” (63).

KAREN THORNBER
Hải Ngọc dịch

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU