Thứ Hai, 24 tháng 6, 2019

DIỄN TRÌNH SINH THÁI TRONG VĂN XUÔI NAM BỘ

Khi con người rời xa thiên nhiên, trái tim họ sẽ trở nên khô cằn
                        (Ngạn ngữ Mỹ) 
Nhà phê bình Bùi Thanh Truyền

Quan hệ tương hỗ giữa văn học và môi trường đã được nói đến từ lâu.

Tiếp cận văn xuôi Nam Bộ từ góc độ sinh thái là một vấn đề quen mà lạ. Quen, bởi tự nhiên đã song hành với tiến trình kiến tạo con người, xã hội loài người đến nỗi đôi khi ta hồ như không còn ý thức về sự hiện tồn của nó. Lạ, bởi sinh quyển tự nhiên, xã hội với bao phẩm tính, quan hệ phức tạp, trong bối cảnh hiện nay, là mối quan tâm hàng đầu của các ngành khoa học, trong đó có khoa học văn chương, để góp phần giải bài toán về sự phát triển bền vững của nhân loại. Vừa lên án sự tàn nhẫn, vô trách nhiệm của con người đối với sinh thái, cảnh báo nguy cơ sinh thái đối với con người, văn xuôi của vùng đất phương Nam cũng khẩn thiết kêu gọi, cổ vũ chúng ta biết sống vô sự, sống có trách nhiệm với tự nhiên, biết tự điều chỉnh nhận thức, hành xử của bản thân với môi trường để xứng với danh hiệu “Người ta - hoa đất” - một triết lí sống mang đậm tinh thần sinh thái nhân văn của dân tộc. Sự hồi đáp của nghệ thuật ngôn từ trước môi trường là tư tưởng xuyên suốt trong văn xuôi hiện đại Nam Bộ. Việc gắn nối với những vấn đề quan thiết như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường sinh hoạt, văn hóa khiến mảng sáng tác này bộc lộ rõ tính thời sự, dân tộc và nhân loại. Điều đó cũng cho thấy sự nhạy cảm, bản lĩnh, cái tâm và trách nhiệm công dân của nhà văn đối với thực trạng xã hội hôm nay trên tinh thần môi trường kêu gọi, văn chương đáp lời.

1. Tinh thần sinh thái - một yếu tính của văn xuôi hiện đại Nam Bộ 

Lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất Nam Bộ là lịch sử của sự dịch chuyển trong mối quan hệ giữa con người với môi trường sống: từ vị trí, tâm thế của người phụ thuộc đến chinh phục rồi chan hòa với tự nhiên, môi trường. Đây cũng là sự chuyển dịch hệ hình (paradigm) trong đời sống văn học. Chỉ xét giai đoạn sau 1975, từ những cây bút thuộc thế hệ “chuyển tiếp” (chiến tranh - hòa bình) như Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Hoàng Văn Bổn, Trang Thế Hy, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Anh Động… sang thế hệ “tiền đổi mới”: Khôi Vũ, Dạ Ngân, Lý Lan, Văn Lê, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nhật Tuấn, Trần Văn Tuấn, Bích Ngân, Lưu Thị Lương, Trần Đức Tiến, Trầm Hương,… đến thế hệ “đổi mới” và “hậu đổi mới”: Mai Bửu Minh, Thu Trân, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Trí, Trần Tùng Chinh, Nguyễn Lập Em, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Hồn Nhiên, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Ngọc Tư, Võ Diệu Thanh, Nguyễn Thị Châu Giang, Trần Thu Hằng, Nguyễn Thị Diệp Mai, Vũ Đình Giang, Trương Anh Quốc, Dương Thụy, Lê Minh Nhựt, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Trần Huy Minh Phương, Văn Thành Lê, Nguyễn Thu Phương, Lê Hữu Nam, Nguyễn Trần Thiên Lộc,…; từ những tác giả được xem là “người hiền của văn học Nam Bộ” (Nguyên Ngọc) đến những cây bút chưa qua “tam thập” tất cả đều hòa chung một quan tâm, một trách nhiệm với “cõi trọ” của mình. Trong bối cảnh hiện nay, vùng đất này đang từng ngày đối mặt với nguy cơ xâm nhập mặn, triều cường, sạt lở đất, đô thị hóa nông thôn,… Đó là những vấn đề bức thiết kéo nhà văn vào cuộc.

Về mặt thể loại, tinh thần sinh thái như một bản hợp xướng nhiều bè, nhiều tông điệu, trong đó nổi trội là tiểu thuyết, truyện ngắn và tản văn. Nếu tiểu thuyết đánh dấu bằng những sáng tác của đội ngũ nhà văn cầm súng như Đoàn Giỏi, Hoàng Văn Bổn, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Anh Động… thì truyện ngắn khẳng định sự tiếp nối thế hệ qua cả hai chặng đường trước và sau ngày thống nhất đất nước. Sự xuất hiện của Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Trí, Võ Diệu Thanh, Lê Minh Nhựt… bên cạnh những tiền bối như Sơn Nam, Trang Thế Hy đã khẳng định dòng chảy sâu bền của văn chương sinh thái. Tản văn Nam Bộ xác lập vị thế chủ yếu từ đầu thiên niên kỉ mới. Với giới viết chuyên nghiệp, đây vẫn được xem là thể loại ẩn chứa nhiều thách thức. Dễ viết (nhưng viết hay thì không dễ), có sự giao thoa giữa văn chương và báo chí, những tri nhận lí tính “người thật việc thật” với rung ngân cảm tính, bó buộc và tự do, thói “bới bèo ra bọ” và chất nghệ sĩ, nét truyền thống và hiện đại trong xuất bản, tương tác với độc giả…, những ưu thế này khiến tản văn có uy lực không hề nhỏ trong việc thể hiện tiếng nói sinh thái, trở thành một viện bảo tàng mini của cuộc sống. Đó là những thỏi nam châm xoáy hút tâm trí người đọc vào những số phận môi sinh cùng với đó là phận số con người.

Đội ngũ sáng tác văn xuôi Nam Bộ là những người đang nhẫn nại góp phần hoàn nguyên những mẩu thiên nhiên tốt lành, giữ sạch môi trường, cả trên phương diện vật chất lẫn tinh thần, kiến dựng một nguyên tắc mới trong tương tác văn hóa giữa con người và không gian sống - một vấn đề cốt lõi, sinh tử trong sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn, khiến mỗi cá nhân không thể vô tâm với môi sinh trong cả suy nghĩ và hành động. Dù tiếp cận tự nhiên, xã hội từ quan điểm nào, người viết cũng đều nỗ lực khám phá mối quan hệ của con người đối với thế giới ngoài con người, thế giới phi nhân (nonhuman world), tập trung vào vị trí của con người và tự nhiên trong một chỉnh thể sinh thái cân đối. Dấu vết của các vấn đề sinh thái là một phương diện chính yếu làm nên sự độc sáng về phong cách, sự vượt trước về tư tưởng nhân văn trong sáng tác, đặc biệt đối với mảng văn xuôi bởi những thế mạnh của thể loại này.

2. Từ “nhân loại trung tâm luận” (anthropocentrism)… 

Chủ nghĩa nhân văn, với quan điểm “nhân loại trung tâm luận” có mầm mống từ trào lưu văn hóa Phục hưng. Ngay khi bước ra khỏi đêm trường trung cổ, từ chỗ Thượng đế trung tâm luận, chúng ta đã chuyển hướng sang Nhân loại trung tâm luận và từ đó mặc nhiên xem vị trí trung tâm của con người như một điều hiển nhiên - một huyền thoại. 

Tác phẩm của những nhà văn Nam Bộ thành danh trước Đổi mới (1986) như Sơn Nam, Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Anh Động… đã triển diễn tư tưởng sinh thái chủ yếu qua sự gần gũi giữa con người với tự nhiên, nỗ lực của con người làm cho tự nhiên trở nên thân thiện, hữu ích hơn đối với cuộc sống của mình, ở cách con người không xem tự nhiên như nơi lánh trú để đạt bình yên tự tại mà cùng hoạt động năng động trong môi trường thuộc vùng đất mới. Một biểu hiện quan trọng của nhân loại trung tâm luận trong sáng tác của thế hệ này là hành động cải tạo và chinh phục tự nhiên. Với nhiều truyện ngắn trong tập Hương rừng Cà Mau (Sơn Nam), sông nước, hoang địa trở thành một thách thức của thiên nhiên và một trở ngại nhân tình được lặp đi lặp lại, đó là trở lực trong hành trình đi tới, hành trình mở cõi, cũng là minh chứng cho sự thắng vượt ngoại cảnh của con người. Xuất hiện trước những cây bút đương đại khá lâu, Đoàn Giỏi với Những chuyện lạ về cá, Tê giác giữa ngàn xanh, Rừng đêm xào xạc và cả Đất rừng phương Nam đã cho thấy những quan tâm về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Con người đã xã hội hóa thiên nhiên, biến chúng thành phương tiện sinh lợi của thương mại. Người viết đưa ra những biểu hiện rất cụ thể về việc con người lấy mình làm trung tâm trong mối quan hệ với tự nhiên và trong các hoạt động liên quan đến nó. Trong Rừng đêm xào xạc, ta thấy được mong muốn cải tạo thiên nhiên để phục vụ cuộc sống của con người. Ở Những chuyện lạ về cá, tác giả xem tự nhiên như một đối tượng để khai thác, một vật mẫu cho các nghiên cứu của con người. Nhà văn nhiều lần nhắc đến việc săn bắt cá, từ những loài cá nhỏ đến cá mập, cá sấu. Suy nghĩ của An (Đất rừng phương Nam) sau khi ông Hai hoàn thành việc bắt cá sấu có thể xem như một tuyên ngôn của huyền thoại nhân loại trung tâm luận trong toàn bộ sáng tác của Đoàn Giỏi: “Hỡi thiên nhiên dữ dội và nham hiểm, ngươi hãy coi chừng. Không một sức mạnh nào ẩn chứa trong ngươi mà con người không khuất phục nổi đâu!” Đó là quan điểm thường trực của chủ nghĩa nhân văn sơ khởi: thiên nhiên là đối tượng để con người chinh phục và chiếm lĩnh, để con người thi triển bản lĩnh, sức mạnh, phẩm chất vượt lên hoàn cảnh, nghịch cảnh của mình. Vợ chồng Ba Đô - Sáu Xoa (Cánh đồng hoang - Nguyễn Quang Sáng) giữ gìn “sự sống duy nhất còn sót lại trên cánh đồng”. Không gian truyện hầu như chẳng có gì khác ngoài đồng nước, cỏ dại. Trong cảnh ấy, thiên nhiên và con người có một sợi dây giao cảm, nhiều lúc như hòa làm một. Mùa nước nổi, cánh đồng ngập trong nước, hai vợ chồng sống bằng tôm cá, lợi dụng con nước nuôi giấu bộ đội. Đến mùa khô, họ lại trồng lúa; những cánh đồng cỏ, những bụi lau sậy thành lớp áo ngụy trang đưa bộ đội vào chiến khu. Không gian sống của gia đình này phản ánh sự gian khổ của người Nam Bộ trong kháng chiến, chứng minh sức sống tiềm tàng cùng vẻ đẹp tâm hồn của những người con chân đất anh hùng.

Điểm chung của các sáng tác theo quan điểm triết mĩ “nhân loại trung tâm luận” là tập trung thể hiện thiên nhiên và con người trong mối quan hệ đối kháng và con người cần phải đấu tranh, chinh phục tự nhiên. Con người đã đặt lợi ích bản thân lên trên lợi ích của tự nhiên, sẵn sàng phá vỡ cân bằng sinh thái nguyên sinh để phục vụ cuộc sống của mình. Quá trình nhân loại hóa tự nhiên xây dựng một viễn cảnh tương lai tưởng chừng tốt đẹp khiến con người nghĩ rằng mình đang cải tạo chứ không tàn phá, song bất cứ sự tác động nào đến tự nhiên xuất phát từ quyền lợi một phía của con người, không xét đến tự nhiên đều ảnh hưởng đến sự hài hòa sinh thái vốn có.

3. … đến “sinh thái trung tâm luận” (ecocentrism) 

Gần 60 năm trước, Sơn Nam, qua sáng tác của mình, đã nêu ra quan hệ người với thiên nhiên và quan hệ người với người. Truyện ngắn của ông mở một con đường riêng biệt vào những đề tài chưa được khai phá trong văn học Việt Nam thời hậu thuộc địa: tìm kiếm và tái tạo cội nguồn văn hóa, căn cước dân tộc và đặc sắc ngôn ngữ. Chúng chạm tới những vấn đề nóng của thế giới hậu hiện đại: lưu dân (immigration), lạc địa (displacement), giạt ra rìa (marginalization), đa chủng tộc (multirace), giao lưu văn hóa (acculturation), văn học sinh thái (ecoliterature). Sự vượt trước trong mảng “văn học xanh” (green literature) này, với tác giả, cũng là biểu hiện của tinh thần yêu nước. “Yêu nước là yêu cây cỏ sản vật con người lao động quê xứ mình, nói chung là yêu văn hóa và thổ nhưỡng xứ mình, giữ nước là giữ cái đó”(1). Nhà văn đã sớm nhìn thấy một hậu họa buồn khó tránh khỏi cho quê xứ ông khi mượn lời nhân vật trong truyện Nhứt phá sơn lâm đưa ra cảnh báo: “Duy có hai nghề phá sơn lâm đâm hà bá là dễ làm ăn. Nhưng lưới trời lồng lộng không ai chạy khỏi: phá rừng, chài cá khiến con người phải nghèo mạt”. Lời của cụ Lục chùa Sóc Ven trong Hương rừng Cà Mau như một sự “sám hối”, “phản tỉnh” trước Mẹ - Thiên nhiên: “Mình có lỗi với đất với nước. Đất và nước cho mình tất cả cuộc sống, mà mình lại làm nhiều điều không phải với đất, với nước”.

Với truyện ngắn Trang Thế Hy, sinh thái phân vùng rõ rệt thành khu vực thành thị và đồng quê, ngày qua và hiện tại, tương lai. Thành thị trong các truyện tiêu biểu: Bơ vơ, Thèm thơ, Người bào chế thuốc giảm đau, Tiếng khóc và tiếng hát, Nguồn cảm mới… thường gắn với sự tha hóa, trụy lạc trong khi đồng quê - nông thôn chuyên chở trong nó vẻ đẹp của tình người, tình yêu trong sáng, thủy chung (Con cá không biệt tăm, Giả đò yêu, Trong trắng, Sách và chim, Trời xanh như mắt em…). Tương tự, hiện tại gắn liền với sự sa ngã, đọa lạc trong bối cảnh môi trường bị tàn phá nặng nề, đối nghịch là quá khứ nên thơ khi hệ sinh thái chưa có sự áp đặt của nền văn minh; còn tương lai gắn với những niềm tin không tưởng mang nghĩa chuộc lỗi từ hiện tại. Nhà văn đã xoáy sâu vào bản chất thuận theo tự nhiên, vô sự cùng tạo hóa. Có lẽ vì thế, không chỉ trong sáng tác mà ngay trong đời thực, chủ nhân của câu nói nổi tiếng ngang tàng ngạo nghễ “đi chỗ khác chơi” đã chọn chơi với mảnh vườn yên tĩnh của mình.

Sự chiêm nghiệm về vị trí của con người với thiên nhiên thể hiện cái nhìn sâu sắc hơn, biểu hiện rõ nét suy tư của nhà văn về mối quan hệ giữa con người với môi trường sinh thái. Lời trăn trối của vợ Tám Mun (Rừng đêm xào xạc - Đoàn Giỏi) đã xác tín điều này: “Gì thì gì, tía con mầy cũng phải gấp gấp trồng lại rừng đi. Chuyện sống chết như chuyện đánh Mĩ đó”. Là “như” chuyện đánh Mĩ - tức dù cho không có cuộc chiến tranh này đi nữa, thì việc mất rừng cũng sẽ mang đến những hậu quả ghê gớm. Đặt việc trồng rừng, khôi phục tự nhiên ngang với việc chiến đấu gìn giữ đất nước và sinh mệnh nhân dân, thông qua nhân vật của mình, Đoàn Giỏi đã một lần nữa khẳng định vai trò chủ chốt của tự nhiên trong sự tồn sinh của con người. Nhân loại chỉ là một mắt xích trong sinh quyển hài hòa. Giữ gìn cân bằng sinh thái cũng là gìn giữ sự sinh tồn của con người và tất cả các hữu thể phi nhân khác. Thông qua các biến cố của cá nhân, dân tộc, nhà văn đã lật đổ quan điểm lấy con người làm trung tâm thế giới, xác lập một cái nhìn tự nhiên trung tâm luận. 

Tập truyện Lên núi thả mây của Lê Văn Thảo tuy không chủ đích đứng trên lập trường sinh thái nhưng ý nghĩa sinh thái hàm ẩn qua mỗi trang văn là một thực tế không thể phủ nhận. 20 truyện ngắn là hơn hai mươi số phận lặng lẽ tồn vong trong những môi trường sống khắc nghiệt. Đằng sau câu chuyện về thiên nhiên là câu chuyện xã hội, ẩn dưới diễn ngôn về môi sinh cỗi cằn là câu chuyện về sự tha hóa nhân tính của con người. Giữa bối cảnh đô thị hóa chóng mặt, gây áp lực lên môi trường sinh thái, trang viết của ông phần nào đã cho thấy góc tối của văn minh cơ giới và sự lâm nguy của thế giới hiện tồn, bộc lộ khao khát quay về với tự nhiên nguyên sơ, với “thời hồng hoang nguyên thủy vạn vật sống giao hòa” (Kể chuyện nghe chơi). Công cuộc thay đổi, kiến tạo nhân sinh quan mới nhằm xây dựng môi trường sinh thái phát triển bền vững vẫn còn trăm bề khó khăn, đó là một thực trạng đáng lo, đáng buồn. Lê Văn Thảo, bằng trách nhiệm và bản lĩnh của mình, đã không bi quan, thất vọng. Nhà văn vẫn luôn khát khao một sự đổi thay, luôn mơ về một nơi mà ở đó con người sống hòa ái, có trách nhiệm với tự nhiên, với chính môi trường sống của mình. Xuất phát từ quan niệm đó, nhiều truyện đã không che giấu nỗ lực quá khứ hóa hiện tại: phục sinh những hạnh phúc bình dị khi con người được sống như một phần tất yếu của tự nhiên, có thể giao tình cùng vạn vật.

Trong đội ngũ nhà văn viết từ cảm hứng sinh thái đầu thế kỉ XXI, Nguyễn Trí là một “ca” đặc biệt bởi không phải ai đi làm đồ tể, phu đào vàng, khai thác trầm hương… cũng sẽ trở thành văn nhân. Chính những trải nghiệm cuộc đời đã cho tác giả một cái nhìn sâu sắc về sinh thái. Bên cạnh cảm quan đô thị, bốn tập truyện ngắn Bãi vàng, đá quý, trầm hương; Đồ tể; Ảo và sợ; Bay cao thì mặc bay cao và tiểu thuyết Thiên đường ảo vọng cũng nổi bật cảm quan về mối quan hệ và ứng xử của con người với tự nhiên. Để tồn tại, con người không thể sống thiếu tự nhiên; nhưng tư duy con người trung tâm đã dẫn chúng ta tới sự thái quá trong ứng xử với tự nhiên, tàn phá cùng kiệt tự nhiên để phục vụ nhu cầu nhiều khi rất ích kỉ của mình. Môtip quả báo, nghiệp báo là một âm hưởng chủ đạo trong những sáng tác về sinh thái của cây bút miền Đông Nam Bộ này. Linh thiêng hóa tự nhiên, đề cao sức mạnh huyền bí của tự nhiên là ẩn dụ của sự giải thiêng tinh thần “nhân loại trung tâm luận”. Nhà văn để cho những kẻ ăn của rừng phát ngôn như một sự tự nhận thức về lẽ công bằng sinh thái - cũng là ý hướng trung tâm hóa tự nhiên: “Rừng linh hiển lắm, không nghe ăn của rừng rưng rưng nước mắt sao?” (Tiền rừng). Chừng nào con người chưa Giã từ vàng, chưa nhận thức Nhãn tiền, Quả báo mà Đổi nghề thì tự nhiên vẫn còn bị tàn phá, hủy diệt và vô hình trung con người đang tự hủy diệt chính mình.

Nếu Nguyễn Trí viết từ cảm hứng chiêm nghiệm của người vì cuộc mưu sinh mà lỡ gây sự với tự nhiên, xử sự chưa đẹp với ngàn thiêng, sông suối thì Nguyễn Ngọc Tư, cả truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết đều ra đời trong cảm thức của đứa con ngày ngày đối diện với nỗi đau của Mẹ - Thiên nhiên. Bằng thiên tính nữ, với một tình yêu gần như là máu thịt, chị đã tái hiện chân thực những đổi thay của môi trường bởi làn sóng di cư chặt cây, phá rừng, lấn biển, để rồi “ước mơ đất của em tôi, của người yêu thiên nhiên đã đau đớn gục xuống”. Một trong những hình ảnh trở đi trở lại trong tập tản văn Đong tấm lòng là cây xanh (Xứ cây, Cúi xuống che chung, Một cách khóc,). Song hành với cây là vườn; chúng không phải thuộc quyền sở hữu của riêng chủ nhân mà họ là đồng sở hữu với cỏ cây, chim chóc. Những khu vườn này không những nuôi sống con người mà còn dạy người ta về đạo lí làm người. Đó là lòng biết ơn tạo hóa, biết khiêm cung khi sống giữa muôn loài và chỉ nhận cho mình những gì mình đáng được nhận. Trọng thị và tôn thờ các giá trị tự nhiên là điểm nhấn của cuốn sách. Tác giả không phủ định hoàn toàn giá trị của nhân loại trong cuộc sống nhưng chị đã bày tỏ một phong cách, thái độ hòa đồng, cầu thị trong ứng xử với vạn vật.

Bên cạnh mảng sáng tác có bề dày truyền thống và đạt nhiều thành tựu về sinh thái nông thôn, những tác phẩm về đề tài đô thị của Dạ Ngân, Lý Lan, Huỳnh Như Phương, Nguyễn Nhật Ánh, Võ Đắc Danh, Phan Thị Vàng Anh, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Thu Phương, Trần Huy Minh Phương,… đã kịp thời cấp báo về hậu quả của lối sống thờ ơ, vô cảm của con người trước thảm họa môi trường, khiến họ trôi dạt, vong thân, trở thành tha nhân cả với chính mình giữa phố thị triền miên kẹt xe, đào đường, cây đổ, nước ngập… Vi rút vô cảm trước môi trường cũng gây hậu quả khôn lường cho con người, không thua gì các bệnh truyền nhiễm, nan y. Phải chung tay phục sinh môi trường, đó là thông điệp mà người viết muốn gởi đến cư dân đô thị nói riêng và độc giả nói chung: “Hãy cứu lấy những khoảng xanh, hãy cứu lấy những thảm cỏ công viên úa tàn vì bị dẫm nát chỉ sau một tuần hội chợ đầy người mua sắm. Hãy cứu lấy những hàng cây cổ thụ bị đốn ngã không thương tiếc để mở đường hay xây dựng chung cư. Đừng đành lòng làm kẻ vô tâm quá đỗi nếu còn xem thiên nhiên là bè bạn” (Những khoảng xanh Sài Gòn - Huỳnh Như Phương).

Chuyển từ quan niệm thế giới tự nhiên được nhìn thấy chủ yếu như là một nguồn tài nguyên cho con người sang cái nhìn về vị trí chủ đạo của tự nhiên đối với đời sống sinh thái trên trái đất, nhà văn đã hoàn thiện con đường giải huyền thoại bằng việc cho thấy những nỗ lực của con người trong việc phục hồi tự nhiên, sửa chữa sai lầm của chủ nghĩa nhân văn kiêu ngạo. Trực diện phản tư về chính tư duy nhân loại trung tâm luận, văn chương của họ không hề che giấu ý hướng xem thiên nhiên như một người bạn trầm tĩnh và minh triết, thiết thân mà lạ lẫm, gọi mời. Ở đó, con người, để khai tâm dưỡng tính, hoàn thiện bản thân phải biết thường xuyên thực hiện “nghi lễ trò chuyện với thiên nhiên”, nhìn vào thiên nhiên để nhận diện chính mình. Từ chỗ nhân loại hóa tự nhiên, con người đã bắt đầu thiên nhiên hóa vị trí của mình: “Đất thảo thơm nên người thảo thơm, cây cỏ thảo thơm” (Vườn cũ - Nguyễn Ngọc Tư).

4. Thông điệp môi trường - thông điệp văn chương 

Văn xuôi mang tinh thần sinh thái ở Nam Bộ là nơi nhà văn gởi gắm ước mơ, khao khát về một thế giới mà con người và vạn vật đều được chung sống hòa thuận trên tinh thần tôn trọng, bình đẳng, cùng có lợi. Ở đó, con người có được may mắn lớn nhất là không còn xa lạ với thiên nhiên quanh mình, hòa chung trong một cuộc chuyện trò không bao giờ ngưng nghỉ giữa bản thân và thiên nhiên để có được những niềm vui, hạnh phúc nguyên lành, thánh thiện, bình dị mà đằm sâu, đơn sơ mà bền chặt. Có lẽ vì thế, mô típ về với Mẹ - Thiên nhiên thường xuất hiện trong văn xuôi Nam Bộ. Nhiều nhân vật biết lắng nghe lời thôi thúc, vẫy gọi của tự nhiên để lên đường về với “một vùng xanh an ủi”. Chung tay kiến dựng một môi trường thật đàng hoàng, tử tế để sống thì rất cần; nhưng càng cần hơn là làm sao đặt vào đó những con người biết sống đúng nghĩa đàng hoàng, tử tế.

Tư tưởng chia sẻ môi trường sống giữa các giống, loài trong tự nhiên cũng là tư tưởng cấp tiến trong thế giới hiện nay. Chống lại việc giam hãm, bức tử môi trường (cả môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa) là một trong những chủ trương và đường lối chủ đạo của văn học sinh thái. Đó là lí do mà những nhà văn phương Nam, từ lớp người hiền ngấm trải nhiều thời cuộc, cảnh ngộ đến các cây bút trẻ thời kinh tế thị trường thường nhận mình là người “bào chế thuốc giảm đau” cho những vết thương thành thị, đồng quê.

Khuynh hướng yêu thiên nhiên, quan tâm đến môi trường, có tinh thần hòa bình, có cách sống vượt ra những chiêu dụ cùng ảnh hưởng của đời sống đô thị hóa, của kinh tế tiêu thụ trong văn xuôi Nam Bộ đã xây dựng và cổ vũ quan niệm thẩm mĩ sinh thái: con người chỉ đẹp khi làm đẹp thiên nhiên. Hòa ái, trân quý tự nhiên, làm đẹp môi trường từ những điều nhỏ nhặt nhất là biểu hiện thành thật của văn hóa, nhân tính. Với người sáng tác, một khi quay mặt, xa cách, đánh mất tự nhiên cũng chính là cầm tù, tha hóa bản thân, chặn đường đến với công chúng của tác phẩm. Trước khi trở thành nhà văn viết về môi trường, phải biết yêu quý nó, sống có trách nhiệm và thiết tha với nó - cũng chính là trung thực, đắm đuối cùng trang viết - cuộc đời mình: “Lãnh đạm với nơi ta ở, xét ra cũng bạc tình khác nào hờ hững với người ta yêu. (…) Đó là sự khác nhau giữa nghệ thuật và cuộc đời và cũng là cái giá phải trả cho một kinh nghiệm sống chung mà không thực lòng gắn bó!” (Ngổn ngang phố xá - Nguyễn Nhật Ánh).

Sinh thái như một cái áo; và người viết, muốn qua lớp áo đó, mục kích thực trạng đất nước, con người, để hiện thực hóa quyền được là mình, quyền được cất lên tiếng nói, nghĩa vụ công dân của mình. Những quan niệm mới mẻ, tích cực như thế đã góp phần làm cho mảng sáng tác này luôn có sức hút từ ý thức trách nhiệm đối với môi trường, với sự bền vững của môi sinh, yêu thương, cứu chuộc song hành với những ân hận, mặc cảm trước thiên nhiên, cây cỏ… Đó là nét đáng trân quý của nhân văn sinh thái. Vang lên từ những trang viết ấy là thức nhận: với con người, đặc biệt là nghệ sĩ, có lẽ “hạnh phúc nhất là được chơi với thiên nhiên. Lẽ dĩ nhiên là phải ráng chơi làm sao cho coi được” (Người thì chơi với ai? - Trần Nhã Thụy).

Tôn trọng lối sống cộng sinh giữa con người và môi trường, khẩn thiết rung hồi chuông cảnh báo con người về những nguy cơ tha hóa sinh thái nhãn tiền và mai hậu, đó là một thái độ đầy tính xây dựng mà các nhà văn Nam Bộ hôm qua và hôm nay đang chung tay kiến tạo. Đó cũng là nền tảng của giá trị vừa bền vững vừa đậm tính thời sự của văn học, khẳng định tầm vóc văn hóa - tư tưởng của tác phẩm, của nhà văn.

BÙI THANH TRUYỀN
Theo T/c Sông Hương

___________________
(1) Lý Lan, Bày tỏ tình yêu, Nxb. Văn nghệ, thành phố Hồ Chí Minh, 2009, trang 55.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU