Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2019

SÁNG TÁC CỦA NGỌC GIAO TỪ GÓC NHÌN PHÊ BÌNH SINH THÁI

Văn học sinh thái được hình thành dựa trên cơ sở những biến đổi theo chiều hướng xấu đi của môi trường sinh thái. Các nguy cơ sinh thái của con người không chỉ là thảm họa thiên nhiên, ô nhiễm môi trường nước, không khí, tiếng ồn, thức ăn...; mà cả những điều kiện bất lợi cho đời sống tinh thần. Khảo cứu văn học Việt Nam hiện đại, chúng tôi nhận thấy, ngay từ đầu thế kỷ XX, những tiếng kêu cứu cho con người đã khẩn thiết cất lên xuất phát từ những nhìn nhận sâu sắc về bản chất con người và các nguy cơ sinh thái đe dọa sự sống của họ. Ngọc Giao là một trong số đó.
Nhà văn Ngọc Giao

Trong bối cảnh các thảm họa môi trường diễn ra ngày một dày đặc hơn, sự sống tự nhiên bị tàn phá dẫn tới nhiều biến đối khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sống của con người như hiện nay, việc “phát động” một cuộc “ra quân” nghiên cứu văn học từ lý thuyết sinh thái là một sự “phản ứng” kịp thời và có ý nghĩa thiết thực. Ở lĩnh vực sáng tác, vấn đề sinh thái không phải đến bây giờ mới được đặt ra. Từ trong cảm thức, nhiều nhà văn Việt Nam, trong những bối cảnh sinh thái nhất định, đã ít nhiều lên tiếng về điều này. Do vậy, việc dùng quan điểm của phê bình sinh thái để nghiên cứu một số tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam cũng là có cơ sở. Trong phạm vi quan sát của mình, chúng tôi chọn nói về Ngọc Giao – nhà văn có một hành trình sáng tác bền bỉ, khỏe khoắn, trải dài gần hết thế kỷ XX với nhiều băn khoăn về môi trường sinh thái của con người.

Trước hết, phải nói ngay rằng, những sáng tác của Ngọc Giao mà chúng tôi nói đến ở đây phần lớn xuất hiện từ khi nhân loại còn chưa bước vào thời đại văn học sinh thái. Bởi vậy, sẽ thật khiên cưỡng nếu vận dụng lý thuyết mới mẻ này vào nghiên cứu các tác phẩm của ông. Trên tinh thần của phê bình sinh thái, chúng tôi chỉ xin nêu một vài luận điểm xung quanh vấn đề sinh thái và lấy đó làm định hướng để nghiên cứu trường hợp này.

Môi trường sinh thái được hiểu là môi trường mà ở đó các sinh vật được sống như là chính nó. Giản dị nhất để có thể hình dung, là cách nói của nhà thơ Tố Hữu: “Con ong làm mật, yêu hoa/ Con cá bơi, yêu nước; con chim ca, yêu trời” (Tiếng ru). Từ cách hiểu này, có thể thấy, trong vũ trụ, con người là sinh vật phức tạp nhất. Ngoài đời sống tự nhiên, con người còn có phần đời sống xã hội, đời sống tâm linh vô cùng phức tạp, phong phú. Bởi vậy, môi trường sinh thái để con người sống cho ra con người không chỉ bao gồm những điều kiện tự nhiên, mà còn cả các điều kiện xã hội, văn hóa, tinh thần.

Văn học sinh thái được hình thành dựa trên cơ sở những biến đổi theo chiều hướng xấu đi của môi trường sinh thái. Các nguy cơ sinh thái của con người không chỉ là thảm họa thiên nhiên, ô nhiễm môi trường nước, không khí, tiếng ồn, thức ăn...; mà cả những điều kiện bất lợi cho đời sống tinh thần. Từ hình dung này, có thể thấy, có vô vàn nguy cơ sinh thái tinh thần khác trong sự sống của con người, chẳng hạn: sự thay đổi môi trường sống, chiến tranh, ly tán, mất người thân, bị hắt hủi/ngược đãi, bị đọa đày, bị xúc phạm nhân phẩm, bị ép buộc, cấm đoán... Tuy vậy, lâu nay, những nguy cơ về sinh thái tự nhiên vẫn được quan tâm hơn, được xem như là yếu tố quan trọng nhất, có những ảnh hưởng mang tính chất quyết định đối với sự sống của con người. Có lẽ vì thế mà thời đại văn học sinh thái của nhân loại mãi đến nửa sau thế kỷ XX mới chính thức hình thành[1]. Nhưng rõ ràng, từ nhiều thế kỷ trước, nhiều nhà tư tưởng, nhà văn đã thức tỉnh điều này. Khảo cứu văn học Việt Nam hiện đại, chúng tôi nhận thấy, ngay từ đầu thế kỷ XX, những tiếng kêu cứu cho con người đã khẩn thiết cất lên xuất phát từ những nhìn nhận sâu sắc về bản chất con người và các nguy cơ sinh thái đe dọa sự sống của họ. Ngọc Giao là một trong số đó.

Ngọc Giao sinh năm 1911, mất năm 1997, thuộc trong số những nhà văn hiện đại được Vũ Ngọc Phan giới thiệu trong công trình nổi tiếng xuất bản lần đầu năm 1944: Nhà văn hiện đại. Khởi nghiệp từ chức thư ký tòa soạn báo Tiểu thuyết thứ bảy, Ngọc Giao được biết đến đầu tiên là nhà văn của những truyện ngắn đậm chất trữ tình. Hơn ba trăm truyện ngắn của Ngọc Giao, phần lớn ra đời trước cách mạng tháng Tám, đã được in trong ba tập truyện nổi tiếng là Một đêm vui (1937), Phấn hương (1939) và Cô gái làng Sơn Hạ (1942). Truyện ngắn của Ngọc Giao thường được cấu trúc như là những tiếng nói của cái tôi trữ tình giàu lòng trắc ẩn. Ông tỏ ra không quan tâm đến cốt truyện. Bởi vậy, cốt truyện thường lỏng lẻo, mờ nhạt, khó xâu chuỗi. Dấu ấn tình cảm, cảm xúc và trạng thái tinh thần của người kể chuyện thường đậm hơn, chiếm phần nhiều hơn so với các biến cố, sự kiện. Quan tâm đến lớp người dưới đáy xã hội, những người không may mắn/chịu nhiều thiệt thòi, bị ruồng rẫy/bỏ rơi, Ngọc Giao đã viết về họ bằng tất cả tình cảm của một nhà văn hiểu sâu sắc thế nào là giá trị con người. Do vậy, truyện của Ngọc Giao có thể không ngay lập tức tạo ra ở người đọc những trạng thái cảm xúc dữ dội, bất ngờ, nhưng mỗi câu chuyện đều để lại một dư vị sâu lắng, da diết. Các tiểu thuyết của Ngọc Giao như Nhà quê (1944), Quán gió (1948), Đất (1950), Xã Bèo(?), Cầu sương (1953), Xóm Rá (1957)... đã cho thấy sự đa dạng về đề tài. Không chỉ thể hiện nỗ lực của nhà văn trong việc chiếm lĩnh một thể loại mới và khó là tiểu thuyết, các sáng tác này của Ngọc Giao còn thể hiện những góc nhìn rất mới về hiện thực và con người.
Qua sáng tác của Ngọc Giao, nhất là hai tiểu thuyết Nhà quê và Đất, dù chưa thấy ông nhắc đến hai chữ “sinh thái”, người đọc vẫn nhận thấy một cảm thức sinh thái hiện ra thật rõ. Với tinh thần đọc lại người xưa để tìm ra những ý nghĩa sinh thái từng bị che lấp, từ góc độ phê bình sinh thái, chúng tôi nhận thấy mấy luận điểm cơ bản trong sáng tác của Ngọc Giao như sau:

1. Không gian thôn quê là một không gian đáng sống

Nhà quê là tiểu thuyết đầu tay, thể hiện sự nỗ lực vượt lên chính mình sau nhiều truyện ngắn đã được người đọc ít nhiều biết đến của Ngọc Giao. Tác phẩm được viết theo cách không trực tiếp tác động vào thị hiếu thiên về giải trí của phần đông độc giả là thị dân đầu thế kỷ XX. Nó là cuốn tiểu thuyết chọn người đọc. Vào thời điểm ấy, phải là người đọc có năng lực thẩm mỹ và tình yêu văn chương nhất định, hay nói như cách của Thạch Lam, phải là “hạng độc giả thích suy nghĩ, thích tìm trong sách những trạng thái tâm lí giống tâm hồn mình”, mới tìm đọc tác phẩm này. Điều dễ nhận thấy trong Nhà quê là Ngọc Giao đã miêu tả thiên nhiên như một phần rất quan trọng trong cuộc sống của con người. Thái – nhân vật chính của tiểu thuyết – rất lâu rồi mới trở về quê, định dứt khoát bán nốt phần đất đai còn lại của gia đình rồi sẽ ra ngay Hà Nội. Nhưng không gian thôn quê, nhất là ngôi nhà nhiều cảnh vật quen thuộc, đã khơi dậy trong lòng Thái những kỷ niệm cũ gắn liền với tuổi thơ và những người yêu dấu, đặc biệt là người mẹ.

Đầu tiên là “Chiếc cổng gạch rêu phong cũ kỹ anh vừa qua đã sụt nửa mái trông rõ cả một mảnh trời và một bên tường nứt vỡ chờ ụp hẳn. Thái thấy nao nao trong tâm trạng của kẻ đã lâu ngày xa bỏ đất cát cha ông để rồi có một buổi trở về[2]. Sự hoang tàn của “căn nhà xưa yêu dấu” tiếp tục lên tiếng khi Thái được ông già Bút – người quản gia già của gia đình – đưa vào buồng ngủ: “Mùi ẩm hôi hám của chân tường, gậm phản, bàn ghế cũ nát xông lên khó chịu. Ngả lưng xuống lá chiếu do ông Bút mới thay, Thái hoang mang nhớ xưa kia bà mẹ đã sinh anh ở gian phòng này, và ngày ốm, bà đã nằm, đã chết ở đây[3]. Cảnh ấy nhắc Thái về hơi ấm của người, về một bàn tay chăm sóc khi còn chưa quá muộn. Cùng với đó, bao nhiêu kỷ niệm gắn với những người thân yêu của gia đình đã lần lượt hiện ra. Là chiếc nồi đất chứa rau của mẹ khi sinh Thái đã tình cờ bị ông Bút cuốc phải. Lời nhắc nhở của người quản gia khiến Thái bùi ngùi, khổ sở: “Anh nhặt những mảnh nồi đất vụn cầm lên mâm mê và ngửi. Mùi đất, mùi đất thơm. Thái tưởng như thịt máu cha mẹ, thịt máu mình, lại lẫn vào đó cả một thứ cỏ gì quý hiếm[4]. Là chiếc túi gấm đựng quân cờ của cha mà có lần hai mẹ con từ làng lên huyện, đi bộ mất nửa ngày trời chỉ có mỗi việc đưa ông thân chiếc túi ấy thôi. Là chiếc gối xứ tàu xưa kia cha Thái đã đặt mái tóc sương ngày lui về...

Thiên nhiên làng quê và cách sinh hoạt của người dân quê cũng đem đến cho Thái nhiều cảm giác thật dễ chịu. Khi là làn gió mát ở ao sau lùa vào song cửa, thoảng mùi hoa chanh. Khi là mùi hương đất khiến Thái có cảm tưởng hơi đất thơm chuyển vận mạch máu anh mạnh hơn. Khi là cây sung già “thân đã khô quặn lại, nhưng quả lớp này tiếp theo lớp khác vẫn còn xanh mọng và lớp lá dầy tươi tốt đang reo rào rào trên đầu Thái[5]. Khi là chậu nước mưa trong vắt, mát rượi làm dịu vầng trán nóng. Rồi chiếc lược chải tóc bằng gỗ của Dậu, bữa cơm gạo đỏ với canh mướp nấu cua, sung muối, cháo khoai, bún đậu... Tất cả đều tạo nên ở Thái những cảm xúc mới mẻ, khác hoàn toàn với bát cơm gạo tám trắng như bông, những món thịt xào hạnh nhân, gà rán, canh nấm Chapa, bóng thủ, giò lụa; những đôi đũa bịt bạc, bát mẫu Giang Tây bày trên chiếc mâm đồng đánh bóng... của vợ Thái.

Nhưng điều làm cho Thái thực sự cảm động là sự nâng niu, trân quý, gìn giữ của ông Bút đối với những kỷ vật của gia đình: “Bức hoành phi nền gấm, những đôi câu đối vàng son nước sơn tuy đã cũ, nhưng nét chữ do ông thân Thái viết vẫn còn lưu giữ cái tài và cái tình của một ông chủ khoa lỗi lạc. Chiếc túi gấm đựng quân cờ của ông thân anh do tay bà mẹ anh khâu, ông Bút vẫn còn kính cẩn treo bên cái quang xách làm bằng trúc[6]. Ngay cả chiếc mâm vuông chân quỳ sơn non và chiếc lồng bàn thép cũ do mẹ Thái sắm ngày xưa vẫn được ông Bút giữ gìn, chưa hề hư hỏng.

Tất cả những điều này đã tạo nên một cảnh giới khác hoàn toàn với môi trường Thái vẫn sống lâu nay. Nó khiến Thái đi đến một quyết định gây bất ngờ cho ông Bút và cả vợ Thái là ở lại nhà: “Không những sửa chữa lại nhà cửa, tôi còn chung sức với ông bón xới những miếng đất còn bỏ không kia để trồng các thứ rau[7]. Bằng quyết định này, Thái đã tự điều chỉnh lại vị thế của bản thân. Nước da với những đường gân xanh nổi rõ dần chuyển sang màu dám nắng khỏe khoắn. Trong mắt ông Bút, Thái không còn là một cậu chủ bội bạc và vô dụng, “chỉ về để phá hoại mảnh đất này”, mà trở thành người kế thừa và tiếp tục tạo dựng gia tài cha mẹ để lại. Vợ Thái và ba đứa con trai ở thành phố cũng không còn giữ vị trí trung tâm của gia đình như trước đây, mà chỉ sau ít lâu đã phải chủ động về quê thăm Thái. Trong cuộc tìm lại chính mình của Thái, sinh thái thôn quê giữ vai trò quyết định.

Cũng ở môi trường nhà quê, Thái có điều kiện để nhìn nhận một cách bình đẳng về mọi người xung quanh. Thái thấy giữa vợ mình và những người quê như ông Bút, cô Dậu, có nhiều điểm khác biệt. Ông Bút sống ở nhà quê, hiền lành đến nỗi “với ai, ông cũng nhịn. Nhịn từ con chó đến đứa trẻ trong xóm, ngoài làng”. Thái thường thấy ông điềm đạm “dạ” khẽ hay “nín lặng” ngay cả khi vợ Thái đay nghiến những điều không đáng. Ông yêu đất đai, ruộng vườn bằng một tình yêu máu thịt. Ông đã đổ ra biết bao nhiêu công sức để từ đất, sự sống được sinh sôi: “Những ngọn cau sai buồng, những cây bưởi, cây cam trĩu quả... cả một khu trại lá xanh reo sự sống. Chính ông đã gây sự sống cho cây cối, chính ông đã gây màu cho đất cát. Chính ông từ ba mươi nhăm năm nay đã trần lực ra khai nhát cuốc đầu tiên, biến một khu đất cỏ đầy ra một mảnh đất phì nhiêu, cây cối tốt tươi như ngày nay[8]. Dậu – con gái ông Bút – vừa hồn nhiên, tươi trẻ, như cái cây tràn đầy nhựa sống; vừa ý tứ, tế nhị. Tuy chênh lệch về tuổi tác, trình độ, địa vị, nhưng giữa Thái và Dậu có sự đồng điệu trong tâm hồn, cùng hướng đến và trân trọng những giá trị đích thực của đời sống, những điều chỉ có thể hiểu và cảm nhận bằng tâm hồn trong sáng, tình nghĩa, vượt lên trên những giá trị vật chất tầm thường. Trong khi đó, Nghĩa – vợ Thái – luôn sẵn lời mắng mỏ, miệt thị, khinh khi. Đức thực thà, nhẫn nhịn, trung thành của ông Bút, Nghĩa không biết đến. Trong mắt Nghĩa, Dậu chỉ là một đứa đầy tớ, hay con của một kẻ đày tớ mà thôi. Đối với Nghĩa, việc hưởng thụ những vật chất đủ đầy và sang trọng là lạc thú lớn nhất của cuộc đời. Thái biết rõ căn nguyên của nó: “Người đàn bà ấy xuất thân ở một gia đình cổ, cha ông khởi nghiệp bằng hai bàn tay trắng trong nghề buôn bán. Cô gái, bé bắt đầu lẫy, bò, rồi ngồi, rồi đi trên đống bạc; nhớn, đi học qua quít vài ba năm cho đến hăm hai tuổi lấy chồng, cô gái con buôn suốt ngày chỉ nghe đến chuyện thêm cân bớt lạng, thề gian hứa dối; suốt tháng chỉ nhìn những cái hạng người, hạng vật thuộc về sự lờ lãi, thiệt hơn, thì làm gì còn có tình cảm tế nhị, làm gì còn có lòng nhân hậu, nhân ái nữa.”[9]. Với “người đàn bà của số kiếp” ấy, cuộc sống của Thái là một chuỗi những tháng ngày u tối, quằn quại, cách biệt... Vậy nên, việc quyết định ở lại nhà, ngoài mục đích giữ gìn di sản cha mẹ để lại, Thái còn muốn được trở về sống là chính mình, trong cái bầu khí quyển mà Thái đã từng sống (một gia đình mà ông bố làm quan nhưng nhà vẫn túng nghèo, bà mẹ vợ quan mà không bao giờ nghĩ đến sự hưởng thụ cuộc đời trưởng giả, không hề sống một ngày ở huyện với chồng), để không phải “hằn học sống, điên cuồng sống” trong sự bất công, ích kỷ và thói trưởng giả kiêu bạc. Cuối cùng, chính trong cảnh giới làng quê, sau khi đã cảm nhận thật sâu những vẻ đẹp nguyên sơ, trong trẻo cùng những uẩn ức, nỗi u buồn của nó, Thái với tư cách một trí thức, đã cân bằng được mối quan hệ giữa mình với thế giới, đã tìm thấy được sức mạnh tư tưởng của mình: “Thái nghĩ đến một quyển sách, ước ao có ngày viết được. Cuốn sách sẽ không là váng nước, bọt mưa lâu nay Thái thấy rất nhiều ở các thư quán. Cuốn sách phải là xương máu những cuộc đời[10].
Tương tự như gia cảnh hiện tại của Thái, Vĩnh – bạn thân Thái, có một “gia đình lộng lẫy” ở Hà Nội với một “ông bố chỉ khoái ngồi ngắm đôn Tàu, chóe cổ; mẹ thì chỉ thích xếp bằng tròn như đụn rạ trên sập gụ khảm để cho vay và khoe bằng cấp của anh con trai nhỏ, cơ nghiệp của anh con trai lớn; còn người chị thì tự nhiên rẫy chồng chê là đào mỏ để bây giờ về ngự xe nhà giúp bà mẹ đi thúc nợ, ngồi vắt vẻo ở sa lông để phê bình quần áo của lũ giai gái lượn qua trước cửa.”[11]. Nhưng cuộc sống đó không hề làm cho Vĩnh thấy hạnh phúc, trái lại, nhiều khi vì nó mà Vĩnh phát xấu hổ và phải trốn chạy. Trong mắt Vĩnh, cuộc đời Diễm – người bạn nghèo khổ về vật chất mà giàu có về tư tưởng, tâm hồn – mới là cuộc đời đáng sống: “Thằng Diễm như ốc bể trôi dạt trên bãi cát, bé nhỏ thế thôi, mà trong lòng nó chứa đựng cả sóng gió của biển”; “Nó mới đáng là một con người đúng nghĩa. Cơm rau áo vải, học lực cao, kiến thức rộng, từng trải lại nhiều. Nó sống như cây thông. Mình là lau, là sậy![12].

Khác với Thái và Vĩnh, cha Thái ngay từ khi còn ở chốn quan trường, đã nhận thấy nó chẳng có gì vui cả, “chẳng ra làm sao cả”. Gặp vợ con từ làng lên huyện thăm chồng, ông chỉ hỏi han và dặn dò: “Cái gốc mai bên tường hoa, bà nhớ dặn ông Bút bón tưới luôn mới được. Cái bụi trúc ao sau nữa, trận bão vừa rồi có bị hại không? Bụi trúc Nga my hiếm lắm đấy, tôi chỉ lo bờ ao lâu ngày sụt lở, hỏng mất thì đáng tiếc[13]. Còn mẹ Thái, trước đề nghị của chồng là để con ở lại với mình cho vui, bà trả lời: “Nên cho con nó ở làng, ông ạ. Cái sinh khí ở đây tôi nghe không thuận cho sự giáo huấn con trẻ”.

Có thể thấy, ngữ cảnh sinh thái trong tiểu thuyết này của Ngọc Giao chính là thời hiện đại, là bối cảnh đô thị hóa, tư sản hóa đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp đã tiến hành khai thác thuộc địa. Lối sống tư sản với tinh thần hưởng thụ và chủ nghĩa tiêu dùng đã hình thành tại các đô thị lớn. Nhiều người đã nghe theo tiếng gọi của đời sống vật chất thường thấy nơi thành thị mà quên mất cuộc sống bình dị, mộc mạc, gần gũi với tự nhiên ở nhà quê. Trong môi trường đô thị, trở thành những kẻ nghiện hưởng thụ tầm thường, con người cũng mất luôn những căn tính sơ khởi của tâm hồn. Vợ Thái và những người như bà Vĩnh Thịnh, bà Tham Chương, bà Quảng Phát, cha mẹ Vĩnh... thuộc vào loại “con người không thể độ qua u nhã được nữa, con người mất đi sức mạnh cổ điển và siêu việt về tinh thần, con người chỉ là dã thú có cái đầu văn minh thục mạng trong thế giới tham vọng vật chất[14]. Trong ngữ cảnh ấy, Nhà quê có ý nghĩa phản tỉnh một xu thế nổi lên khá rõ đầu thế kỷ XX là tập trung về đô thị - nơi mà phần đông những người thất nghiệp, đói ăn cho rằng họ có thể dễ dàng kiếm sống và phần đông trí thức tiểu tư sản cho rằng họ sẽ có điều kiện để phát huy hết những năng lực nhân tính của mình. Như thế, tuy không trực diện bàn tới các vấn đề dễ nhận thấy của văn học sinh thái, nhưng tác phẩm của Ngọc Giao đã thể hiện một trí tuệ sinh thái, một tư duy sinh thái ở chiều sâu.

2. Chiến tranh không chỉ tàn phá sinh thái tự nhiên, mà còn hủy diệt cả sinh thái tinh thần của con người
Ngữ cảnh sinh thái trong tiểu thuyết Đất của Ngọc Giao lại là cuộc xâm lược lần thứ 2 của thực dân Pháp vào đất nước ta. Nhân vật trung tâm của tiểu thuyết là Xã Bèo – một người nông dân cần cù, lam lũ và yêu đất hơn cả sự sống của chính mình. Xã Bèo xuất thân nghèo túng, nhờ chăm chỉ và ra sức dành dụm, chắt bóp, lại thêm “được mồ được mả ra sao” mà mới có một năm trời trở lại đã tậu được vài sào ruộng tốt, mua được con trâu, ngâm bè tre và nay lại mới tậu được thêm mảnh vườn bương nữa. Nhưng niềm vui rửa nhục vì lời nguyền của Trương Dần năm nào chưa kịp hưởng, Xã Bèo đã nhìn thấy lửa chiến tranh cháy đến làng mình. Cảnh tượng ấy làm cho Xã Bèo vô cùng khiếp sợ, đau đớn. Ngay lập tức, Xã Bèo hình dung ra một tương lai của sự hủy diệt, tất cả mọi sinh mệnh rồi sẽ chết:

... “Anh ngao ngán thấy rằng binh lửa rồi sẽ tới, thui trụi, tàn phá hết, huống hồ là mấy chiếc măng non.”
Về đến cổng, con Mực chạy ra đón, anh đứng lại. Tự nhiên anh thấy thương con vật, bởi vì anh mang mang nghĩ đến cái chết chóc sẽ chẳng tha từ mạng con chó đến con người”.

Anh Xã không vào sân vội, đi tắt qua vườn sau nhà đến chuồng trâu. Anh lại đứng vững nhìn con vật thân yêu của mình, và lo sợ nghĩ đến một sớm mai người ta sẽ bắt nó đem đi mổ thịt hay nó sẽ ngã xuống vì một viên đạn trong những viên đạn vừa xuyên qua bao nhiêu mạng con người vô tội[15].
Xã Bèo lủi thủi dạo quanh vườn. Mấy luống rau cải tốt xanh trên mảnh đất xốp tươi, vợ chồng anh đã dầy công tưới bón thế mà chưa chắc kịp ăn. Những buồng chuối tiêu đang mẫm quả, anh vẫn để dành chưa chịu ngả. Mấy cây na, cam, hồng bì được chăm bón phân gio, năm nay bói quả, thế mà một sớm mai đây, những gót giày “khách lạ” sẽ đạp séo tan tành[16].

Có thể nhận thấy ở nhiều trang mở đầu tiểu thuyết một cảm xúc gần như là tột cùng của sự đau đớn. Nỗi đau của Xã Bèo không chỉ xuất phát từ niềm tiếc của hoài công vì thành quả lao động bao năm của mình, của gia đình bỗng chốc thành mây khói, mà còn từ cả niềm tiếc thương cho những sự sống đang xanh tươi mơm mởm bỗng tan tành, chết chóc. Trong lý thuyết phê bình sinh thái, thái độ đó gọi là “sự đối xử công bằng với tất cả các sinh mạng”, thuộc phạm trù “luân lí học tôn trọng sinh mạng”. Càng nâng niu, trân trọng sinh mạng, Xã Bèo càng đau đớn khi nguy cơ sự sống bị hủy diệt hiển hiện trước mắt. Rất nhiều từ ngữ đã được dùng để chỉ trạng thái đau đớn cùng cực đó của Xã Bèo: “khiếp hoảng”, “rùng mình”, “quặn đau”, “mặt nhợt nhạt, miệng há hốc”, “lảo đảo bước ra sân”... Sợ đến nỗi, Xã Bèo gần như không còn thiết sống: “Tôi chẳng còn thiết gì đời nữa. Tình cảnh này, không chết nay cũng chết mai thôi”. Niềm xót thương dành cho tất cả các sinh mạng ấy, cũng chính là tình yêu sự sống thiết tha của Xã Bèo. Cũng bởi tình cảm ấy mà ngay cả việc đi phá đường mỗi đêm, với Xã Bèo, cũng là một sự cực chẳng đã, khổ sở vô cùng.

Nhưng bấy nhiêu vẫn còn chưa đủ, lệnh tiêu thổ kháng chiến và di cư mới thực sự là cú trời giáng. Xã Bèo, Lý Còng và bao nhiêu người đàn ông ở làng Nguyệt Đức đã gần như điên dại khi phải tự tay phá dỡ, tiêu hủy những căn nhà từng được dựng nên bởi mồ hôi nước mắt của mình: “Xã Bèo khổ não kêu trong cuống họng nghẹn uất, tiếng kêu giời xoáy nghiến trong đầu óc đang bốc cháy, anh vùng đứng lên như điên dại: - Cho nó mất cả đi, thế là xong hết”, Lý Còng thét to: “- Này tôi đốt đây này, bà con làng nước ôi, tôi đốt nhà tôi đây này![17]... Theo đó là biết bao nhiêu nước mắt đã nhỏ xuống. Biết bao nhiêu thứ tiếng khóc của đàn ông, đàn bà, người già, trẻ nhỏ, khi nghẹn ngào, khi nức nở... đã cất lên: Chị Xã “khóc sưng cả mắt, khóc suốt đêm qua”, “bác Lý gái khóc rống lên như nhà có đám tang”, “Lý Còng ngồi thừ ra nhìn lửa cháy trên đất nhà mình, nước mắt ròng ròng rơi xuống má”...

Sự tàn phá, hủy diệt các sinh mệnh đã dẫn tới một sự phá vỡ nghiêm trọng môi trường sống của con người. Xã Bèo sau khi tiêu thổ đã dắt díu mẹ già, vợ ốm, con thơ đem theo bu gà, con trâu, ba bốn gánh gồng nồi niêu chăn chiếu, tìm nơi lánh nạn. Bước chân rời khỏi làng Nguyệt Đức, lòng chị Xã đầy lưu luyến: “Chị Xã một bước một ngừng. Cứ mỗi lần đổi vai gánh nặng, chị lại quay nhìn mấy ngọn cau vườn nhà chị nhô lên khỏi rậu tre làng phơ phất trong sương gió sớm[18]. Trong cuộc thiên di đầm đìa nước mắt, vợ chồng Xã Bèo đã chứng kiến một cảnh tượng loạn lạc, hoang tàn chưa từng thấy: “bốn bề cây đổ, nhà hoang, tường xiêu, mái rỡ”, “người chạy loạn từng toán một đi rải rác, áo tơi nón lá, trẻ già, thơ dại dắt díu như những đàn kiến chạy nước to”... Mặc cảm bơ vơ, lạc lõng, sợ sệt in hằn trên mỗi dấu chân đặt lên đất khác và vỡ oà thành tiếng khóc nhớ nhà, nhớ quê nức nở trong lòng: “anh muốn khóc lên, khóc rõ to cho vợi cái đau buồn tha hương đất khách lúc này”. Nhưng điều làm cho Xã Bèo khổ sở nhất là nỗi nhớ đất: “Ngày ngày đi đẵn củi rừng làm cái nghiệp chú tiều, tối về nằm co nhớ nhà, nhớ đất, - chao ôi đất! - đất là xương là máu của đời anh[19]. Không chỉ Xã Bèo nhớ đất, anh hình dung cả con trâu cũng thèm đất. Vợ con anh nữa, từ lâu đã bỏ luống cày, gốc mạ, hương lúa chín...

Hơn một năm trời ở miền rừng sâu núi thẳm, không chịu đựng nổi bệnh tật, đói khát, cộng thêm nỗi nhớ quê nhớ đất cồn cào, gia đình Xã Bèo lại dắt díu nhau hồi cư. Trở về làng khi Nguyệt Đức đã chuyển thành vùng tề, Xã Bèo đau xót chứng kiến cảnh hoang tàn đổ nát: “Ruộng đất của vợ chồng anh đã thành bờ bãi cho cỏ mọc tung hoành, lại ngổn ngang mồ mả[20]; rồi: “Bước chân qua cổng cái, Xã Bèo thấy lạnh người vì quang cảnh tiêu điều của xóm làng. Anh đứng sững nhìn bức tường nhà Hội Đồng lỗ chỗ nhiều vết đạn tròn như lỗ đáo[21]. Cuộc sống ở vùng tề vừa đói khát, thiếu thốn, vừa sợ hãi đến nghẹt thở vì súng đạn, bắt bớ, cướp bóc... khiến sự sống của con người thường xuyên bị đe dọa. Nhưng vì yêu đất, vì muốn gắn bó với đất, Xã Bèo cam chịu sống trong kìm kẹp. Cuối cùng thì con trâu – con vật mà Xã Bèo “sống vì nó, với nó, cũng như anh ham sống, cần sống với cha mẹ, vợ con” – cũng bị lính tề cướp mất, vợ chồng Xã Bèo đau đớn đến phát dại. Lại phải bỏ làng đi, nhưng không thể rời xa đất, Xã Bèo xót xa nhìn vợ thay trâu rỏ nước mắt vào lòng đất mà không khóc nổi, bởi không còn nước mắt.
Từ tiểu thuyết này có thể thấy, chiến tranh chính là một loại căn nguyên của thảm họa sinh thái. Chiến tranh không chỉ tàn phá sinh thái tự nhiên, mà còn hủy diệt nghiêm trọng sinh thái tinh thần của con người. Quá nhiều nước mắt của vợ chồng Xã Bèo đã rớt xuống. Nói cách khác, đọc tác phẩm, chỉ cần thống kê những tiếng khóc của Xã Bèo là đủ thấy chiến tranh đã đày đọa sự sống của người ta khủng khiếp thế nào. Xã Bèo thấm thía hơn ai hết nỗi thống khổ mà chiến tranh đã đưa tới. Bởi vậy, tác phẩm cảnh báo con người về một đạo đức sinh thái: Vì sự sống bình yên của các sinh mạng, hãy chấm dứt mọi sự hủy diệt, nhất là hủy diệt bằng bom đạn chiến tranh. 

Nhìn chung, hai cuốn tiểu thuyết của Ngọc Giao bàn đến hai ngữ cảnh và những nguy cơ sinh thái khác nhau, nhưng cả hai đều có chung một xuất phát điểm: coi trọng sự sống trong môi trường sinh thái đích thực của nó. Từ xuất phát đó, có thể nhận thấy hai khía cạnh cơ bản trong tinh thần sinh thái của Ngọc Giao là tôn trọng mọi sự sống và để cho mỗi sinh mạng được sống đời sống của chính mình. Không có chủ nghĩa nhân loại trung tâm trong cảm thức sinh thái của Ngọc Giao. Với những luận điểm cơ bản như vậy, từ góc nhìn văn hóa sinh thái, tác phẩm của Ngọc Giao có khả năng đánh thức nhân tính trong ứng xử với môi trường, bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, nhất là trong bối cảnh tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại và nhiều cuộc chiến tranh vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt như hiện nay.

LÊ TÚ ANH
 (Bài in trong Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế
Phê bình sinh thái: Tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu,
Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2017)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Lê Tú Anh – Vũ Thị Thủy, Đóng góp của Ngọc Giao vào thành tựu truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1930-1945, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Hồng Đức, Số 16, 2013, tr.5-10.
2.  Ngọc Giao, Nhà quê, tiểu thuyết, Nxb Hà Nội (tái bản), Hà Nội, 2011.
3.  Ngọc Giao, Đất, tiểu thuyết, Nxb Cây thông, Hà Nội, 1950.
4.  Văn học sinh thái và lí luận phê bình sinh thái, Đỗ Văn Hiểu dịch từ cuốn Đương đại Tây phương tối tân văn luận giáo trình của Vương Nhạc Xuyên, Nxb Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, 2008. Nguồn: http://www.dovanhieu.net/2015/08/van-hoc-sinh-thai-va-li-luan-phe-binh.html


[1] Các nhà nghiên cứu sinh thái cho rằng, tác phẩm Mùa xuân im lặng (1962) của nhà sinh vật hải dương học người Mỹ – R.Carson (1907-1964) là công trình mở đầu cho thời đại văn học sinh thái.
[2] Ngọc Giao, Nhà quê, tiểu thuyết, Nxb Hà Nội (tái bản), Hà Nội, 2011, tr.18.
[3] Ngọc Giao, Nhà quê, sđd, tr.21.
[4] Ngọc Giao, Nhà quê, sđd, tr.28.
[5] Ngọc Giao, Nhà quê, sđd, tr.31.
[6] Ngọc Giao, Nhà quê, sđd, tr.35.
[7] Ngọc Giao, Nhà quê, sđd, tr.40.
[8] Ngọc Giao, Nhà quê, sđd, tr.24-25.
[9] Ngọc Giao, Nhà quê, sđd, tr.54.
[10] Ngọc Giao, Nhà quê, sđd, tr.189.
[11] Ngọc Giao, Nhà quê, sđd, tr.70.
[12] Ngọc Giao, Nhà quê, sđd, tr.70.
[13] Ngọc Giao, Nhà quê, sđd, tr.36.
[14] Vương Nhạc Xuyên, Đương đại Tây phương tối tân văn luận giáo trình Nxb Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, 2008. Dẫn theo Đỗ Văn Hiểu.
[15] Ngọc Giao, Đất, tiểu thuyết, Nxb Cây thông, Hà Nội, 1950, tr.13-14.
[16] Ngọc Giao, Đất, sđd, tr. 22-23.
[17] Ngọc Giao, Đất, sđd, tr.53-54.
[18] Ngọc Giao, Đất, sđd, tr.111.
[19] Ngọc Giao, Đất, sđd, tr.197.
[20] Ngọc Giao, Đất, sđd, tr.326.
[21] Ngọc Giao, Đất, sđd, tr.329.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU