Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2019

NHÀ THƠ HUY CẬN VỚI QUÊ HƯƠNG, DÒNG TỘC

Nhiều người thường nhớ, thường nhắc về một chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm bởi tuyệt bút của Hoài Thanh - nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngẩn ngơ buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận... Nhưng có lẽ ít người biết về một Danh nhân văn hóa Cù Huy Cận với mối quan hệ bền chặt, đầy nghĩa tình thủy chung cùng quê hương, dòng tộc, từ lúc sinh ra cho đến phút cuối đời...
Nhà thơ Huy Cận 

1.
Huy Cận sinh ngày 31-5-1919 (cũng có tài liệu nói ông sinh ngày 22-1-1917) tại xã Ân Phú, thời đó thuộc huyện Hương Sơn, sau chuyển về Đức Thọ và nay là huyện Vụ Quang, Hà Tĩnh.

Ân Phú tuy chật hẹp (diện tích khoảng 9 km2, dân số hơn 2.000 người) nhưng sơn thủy hữu tình, giáp ranh giữa ba huyện Vũ Quang, Hương Sơn và Đức Thọ. Tên Ân Phú hiện cũng có nhiều cách giải thích khác nhau, nhưng nghĩa chung là giàu có, thịnh vượng - xuất hiện từ đầu thời Tự Đức (1847). Đây không chỉ là vùng đất hiếu học, giàu truyền thống văn hóa mà còn nổi tiếng yêu nước, cách mạng với nhiều người tham gia các phong trào Cần vương, yêu nước, có 59 liệt sĩ qua các cuộc kháng chiến. Hiện nay, Ân Phú đang là một điểm sáng về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; đã đạt chuẩn nông thôn mới từ khá sớm...

Cùng với họ Trần và họ Nguyễn, họ Cù là một trong ba dòng tộc đầu tiên có công khai ấp lập làng. Trong số 32 vị tiên hiền, hậu hiền được nhân dân thờ tự cho đến nay, có đến bảy vị họ Cù. Theo hồ sơ khoa học di tích lịch sử văn hóa Đền Vại, thì ngoài dòng tộc Cù Hoàng từ Quỳnh Lưu chuyển cư vào, họ Cù Huy tôn Binh bộ Thượng thư Cù Ngọc Xán là tiên Thủy tổ. Tuấn vũ hầu Cù Ngọc Xán được nhà Lê ban quốc tính, sau được phong tước Vương, thờ tại Đền Vại với mỹ danh Tượng Sơn Cao Liệt tôn thần. Ông là phu quân của bà Ngô Thị Ngọc Điệp, sinh khoảng đầu thế kỷ XV, con gái thứ 14 của Dụ Vương Ngô Từ, hậu duệ thứ 13 của Ngô Quyền; bà cũng là chị của Ngô Thị Ngọc Dao, mẹ vua Lê Thánh Tông. Bà Ngọc Điệp là Quận Quân Á tước, được phong thần là Lê Triều Hoàng hậu, mất ngày 13 tháng 2 âm lịch tại Trại Đầu - Ân Phú và trở thành người mẹ tinh thần của vùng đất này trong suốt 600 năm qua; riêng Triều Nguyễn đã có bảy sắc phong.

Như vậy là sự hợp duyên giữa hai dòng tộc Cù - Ngô của vị Thủy tổ đã mang lại cho làng xã, dòng họ một sức sống bền bỉ, một truyền thống văn hóa, yêu nước xuyên suốt năm thế kỷ. Và đến thế kỷ 20, không biết có lời “mách bảo” nào từ nguồn cội không mà hai thi sĩ chủ tướng của phong trào Thơ Mới, Cù Huy Cận - Ngô Xuân Diệu đã kết thân ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên trên đất Huế, tạo thành một Tình Bạn lớn hết sức đặc biệt trong lịch sử văn học Việt Nam.

Hỡi ai đó, có nhớ chàng Huy Cận
Gọi gió trăng mà thỏ thẻ với lời trên
Rất thương yêu, xin nhớ gọi giùm tên
Rất an ủi của bạn chàng: Xuân Diệu

(Thơ Huy Cận - Mai sau)

Chi nhánh họ Cù Huy có thủy tổ là Cù Thạch Khối đến Huy Cận là tám đời. Khoảng năm 1942, họ Cù Huy lại tách thành hai cánh. Huy Cận là con trai đầu của cụ Cù Trương, từng thi Hương trúng Tam trường, sau theo học Quốc ngữ, chữ Tây, hết cấp Tiểu học được bổ làm Hương sư ở Thanh Hóa một thời gian, sau về quê dạy học, cày ruộng. Mẹ là bà Bùi Thị Chi sinh trưởng trong một gia đình có nhiều người đỗ đạt ở làng dệt lụa Hạ nổi tiếng vùng Tùng Ảnh.

Đường về Ân Phú quê cha
Sông La uốn khúc Mồng Ga núi gần,
Đường về quê mẹ quen chân
Tam Soa bến cũ mấy lần đò xuôi

...Một đời mòn gót nghìn đường
Bước về đầu xóm rưng rưng lệ nhòa...

2.
Đọc “Hồi ký song đôi” (Nxb Hội Nhà văn, H. 2011), ta sẽ nhận thấy quê hương Ân Phú nói riêng và Hà Tĩnh, xứ Nghệ nói chung thật sự là mạch nguồn của rất nhiều tác phẩm văn học của Huy Cận. Xuân Diệu từng nhận xét - quê hương đã cung cấp cho Huy Cận một cái vốn đất đai gì sâu thẳm lắm như từ ruột của thời gian. Và chính Huy Cận trong bài thơ “Tôi nằm nghe đất” đã chia sẻ:

Tôi sinh ra ở miền sơn cước
Có núi làm xương cốt tháng ngày
Đất bãi tơi làm da thịt mát
Gió sông như những mảng hồn bay...

Quê hương hiện ra trong thơ Huy Cận thật cụ thể, yên bình:

Tuổi nhỏ tôi trùm trong nhớ thương
Cách sông chợ Nướt, bến đò sương
Làng quê sơn cước chiều về sớm
Bóng núi dài lan mát ruộng nương...

Mãi sau này, trong bài thơ “Yêu đời” ông cũng nhắc lại: Quê anh cà nhút mặn mòi/ Sinh anh muối mặn yêu đời, đó em! Khung cảnh làng quê cũng chính là thi hứng trực tiếp của những tuyệt thi như “Tràng Giang”, “Ngậm ngùi” và nhiều sáng tác sau 1945.

Đặc biệt, trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông đã để lại hai thi phẩm nổi tiếng như để tri ân quê hương - “Gửi người xứ Nghệ” đã được phổ nhạc và thành bài ca “đi cùng năm tháng” (Ai vô xứ Nghệ), và “Ngã ba Đồng Lộc” - như dựng thêm một tượng đài vĩnh cửu bằng thi ca:

Trong đời mỗi dân tộc cũng có những ngã ba/ Những ngã ba vận mệnh/ Những cái nút trên dặm dài lịch sử/ Gặp những ngã ba đời con sẽ nghĩ suy/ Và con ơi, muốn tìm đúng hướng đi/ Con sẽ nhớ đến ngã ba Đồng Lộc/...Là ngã ba nhưng nào có phân vân/ Nào có đắn đo do dự!/... Nhưng hướng đi đã quyết/ Không phải cho một lần/ Mà cho tất cả mọi lần/ Không phải cho một người/ Mà cho tất cả quê hương, đất nước...

Với những thành công lớn trong sự nghiệp chính trị và đặc biệt là sự nghiệp văn hóa, văn học, người đầu tiên của Việt Nam được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Thơ thế giới (2001), hoặc như nhận xét của Vũ Đình Minh - nhà thơ hoạt động chính trị, nhà văn hóa lừng danh vượt qua cả biên giới quốc gia để hòa nhập vào dòng văn hóa của thế giới - Huy Cận đã thật sự mang lại niềm vinh dự, tự hào cho dòng tộc và quê hương Hà Tĩnh.

3.
Sinh thời, Huy Cận dành rất nhiều tâm huyết, tình cảm cho quê hương. Ngày thơ Việt Nam lần đầu tiên (2003) được Hội Nhà văn tổ chức tại Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), nhà thơ Huy Cận đã về dự, đánh trống khai hội và phát biểu, đọc thơ rất say sưa. Ông cũng tranh thủ mọi cơ hội để về thăm, động viên, giúp đỡ quê hương, dòng tộc.

Mặc dù rất bận rộn với nhiều hoạt động khác nhau nhưng ông vẫn không quên trách nhiệm của một Tộc trưởng dòng họ. Ông đã trực tiếp lập gia phả, viết lời mở đầu rất thống thiết: “Chim có tổ, người có tông. Chúng ta là các lớp hậu duệ của tổ tiên xem, thuộc tộc phả để ghi lòng tạc dạ tinh thần thương yêu đùm bọc lấy nhau của cha ông, cố kết với nhau vì tình nhà nghĩa nước. Tộc phả cũng là lịch sử của họ ta, một họ tuy không đông người nhưng đã có đóng góp xứng đáng vào công việc của quê hương, làng nước. Có thuộc quá khứ mới mở mang được tương lai. Xin bà con trong họ giữ gìn và phát huy ý nghĩa, tác dụng giáo dục của bản tộc phả thiêng liêng này”.

Năm 2002, ông viết “Di chúc về vấn đề lưu niệm”, trong đó khẳng định việc được thờ tự tại quê nhà: “Vợ con tôi sẽ thờ tôi tại nhà và đất ở của tôi ở 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội và thờ tôi tại nhà thờ họ Cù Huy cánh tiểu tôn ở xã Ân Phú, tỉnh Hà Tĩnh”.

Sau khi ông mất (19-2-2005), nhà thờ họ Cù Huy đã được tôn tạo lại và đang làm hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử văn hóa ngay trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Danh nhân văn hóa - Nhà thơ Huy Cận (1919 - 2019). Khép lại một đời bôn ba khắp bốn phương trời, cống hiến hết mình cho đất nước, từng giữ nhiều chức vụ trọng yếu như bộ trưởng, thứ trưởng và đại diện cho quốc gia tại nhiều tổ chức, diễn đàn văn hóa, chính trị quốc tế, để lại cho hậu thế gần 50 đầu sách, trong đó có nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Pháp hoặc được xuất bản ở nước ngoài, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt đầu tiên (1996), Huân chương Sao Vàng cao quý..., nay ông đã được về với tổ tiên, dòng tộc, được bà con làng xã tri ân, thờ phụng như một nhân thần của quê hương, đất nước.

TS. VÕ HỒNG HẢI
Nguồn: Nhân Dân



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU